Tôi Hỏi C.I.A Về Cái Chết Tướng Hiếu
Tôi nghĩ Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (Central Intelligence Agency) chắc thể nào cũng phải biết rõ đến cái chết của Tướng Hiếu, anh tôi. Trước hết vì CIA đóng một vai trò then chốt, hầu như chủ yếu, trong mọi quyết định của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ khi Hoa Kỳ nhảy vào bàn cờ Đông Dương thay thế Pháp cho đến ngày chót của Đệ Nhị Cộng Hòa . Thứ đến vì sự liên lạc mật thiết giữa Tướng Hiếu với viên Tổng Lãnh Sự Mỹ Biên Hòa trong những tháng cuối cùng của Sài-Gòn; trong giới am hiểu ai cũng biết chức vụ Tổng Lãnh Sự là "diện", và nhân viên tình báo là "điểm". Một trong những giả thuyết Tướng Hiếu bị thảm sát ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III Biên Hòa cho là Tướng Hiếu bị tình nghi được sự hỗ trợ của CIA mưu toan đứng ra cầm quân đảo chính ông Thiệu. Tôi xin mượn lời của Tướng Vĩnh Lộc và độn thêm ba chữ: "Tổng Thống nhà Nam còn đa nghi hết bóng đến hình của mình, run Nhảy Dù, rét Thiết Giáp, khiếp Tướng Hiếu đảo chính"(Thư Gửi Người Bạn Mỹ, trang 82).
Do đó, từ khi qua đến Mỹ, tôi vẫn có ý định liên lạc với CIA để mong tìm được sự thật quanh cái chết của anh tôi. Tôi ý thức được rằng "cậy răng" CIA rất là khó vì sự sống còn của CIA tùy thuộc vào yếu tố bí mật thì làm sao bật mí CIA ra được! Quốc Hội Mỹ có ra đạo luật "Freedom of Information Act" buộc các cơ quan chính phủ Mỹ phải tháo mở mọi hồ sơ đã được giải mật cho bất cứ ai muốn xem, đồng thời cũng biểu quyết là sau 20 năm, mọi hồ sơ tự động được giải mật. Vì vậy tôi kiên nhẫn chờ đợi 20 năm mới khởi sự tìm cách liên lạc với CIA.
Giữa tôi và CIA cả thảy có ba thư đi và bốn thư về. Tôi xin đăng tải các lá thư được dịch sang tiếng Việt cho những ai tò mò muốn coi cho biết, và xin tóm tắt dẫn lối vào mỗi lá thư.
Trong lá thư đầu đề ngày 28/8/1996, tôi xin CIA bản sao hồ sơ về Tướng Hiếu, với vài chi tiết làm mấu: Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, bị ám sát 2 tuần trước khi Sàigòn mất, có liên hệ với Tổng Lãnh Sự Biên Hòa, ông Richard Peters.
Trong lá thư trả lời đề ngày 2/10/1996, CIA lưu ý là không xác nhận cũng như không phủ nhận sự hiện hữu của hồ sơ yêu cầu được xem. Đồng thời cho biết là CIA được miễn tuân theo đạo luật "Tự Do Thông Tri" trong hai trường hợp: (b)(1)hồ sơ bảo mật theo lệnh Hành Pháp để bảo toàn an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao; (b)(3)bổn phận Giám Đốc CIA bảo mật các nguồn và phương pháp tình báo, cùng cơ cấu tổ chức CIA.
Trong lá thư đề ngày 7/10/1996, tôi xin CIA xét lại lời yêu cầu vì: một, tôi chỉ xin coi hồ sơ đã được tự động giải mật khi đủ 20 tuổi; hai, tôi chỉ xin tin tức về anh tôi, chứ không quan tâm tới nguồn và phương pháp tình báo của CIA.
Trong lá thư trả lời đề ngày 25/10/1996, CIA thông báo là đồng ý chuyển lời yêu cầu qua Hội Đồng Giám Định cứu xét.
Trong lá thư trả lời đề ngày 15/01/1997, Ủy Ban Giám Định bác bỏ lời yêu cầu dựa vào hai lý do đã nêu trong lá thư trả lời đầu tiên, nhưng lần này chưng dẫn thêm nhiều khoản đạo luật đặc miễn khác.
Trong lá thư đề ngày 28/01/1997, tôi đổi chiến thuật xin CIA dựa trên căn bản tình người, chứ không chiếu theo đạo luật và pháp lý nữa, để mà tiết lộ cho tôi biết "ai" và "tại sao" anh tôi bị giết. Tôi cũng đề nghị CIA hoặc cho tôi "đọc bằng mắt mà thôi" hoặc "nói cho tôi nghe mà thôi" hầu tránh phương hại đến CIA.
Trong lá thư trả lời đề ngày 5/02/1997, CIA nói đề nghị của tôi ra ngoài phạm vi ấn định bởi đạo luật "Tự Do Thông Tri" (!) và vì vậy không thanh thỏa được, đồng thời thông tri là nếu muốn có thể nhờ toà án can thiệp.
Đến giai đoạn này tôi chào thua bức thành trì chắc nịch của CIA, chỉ mong là sau này Quốc Hội Mỹ có buộc được CIA nới lỏng chính sách bảo mật thêm tí nữa thì sẽ xông tới tấn công kỳ kèo lại!
Nguyễn Văn Tín
(tháng 8/1998)
Cập nhật ngày 17.12.2000
generalhieu
|