|
Tướng Hiếu và Tướng Creighton Abrams
Tướng Creighton Abrams tới Việt Nam tháng 5 năm 1967 trong tư cách phụ tá cho Tướng Westmoreland. Tháng 6 năm 1968, Tướng Westmoreland dời Việt Nam về Ngũ Giác Đài làm Tham Mưu Trưởng Lục Quân, và được thay thế bởi Tướng Abrams trong chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tuy Tướng Abrams thay đối chiến thuật search and destroy (tìm và diệt) của Tướng Westmoreland với chiến thuật clear and hold (dọn sạch và giữ lấy), ông vẫn duy trì các buổi họp hằng tuần Weekly Intelligence Estimate Update (WIEU) Tướng Westmoreland khởi xướng. Trong các buổi họp này với các sĩ quan cao cấp, thường là hàng tướng lãnh, thuộc ban tham mưu của ông, Tướng Abrams đề cập tới rất nhiều đề tài, tỉ như chiến thuật và chiến lược trong cuộc chiến, phát triển quân lực Việt Nam, chương trình bình định, giới lãnh đạo quân sự Việt Nam, tình hình chính trị liên hệ tới cuộc chiến, v.v…Tướng Abrams cũng phát biểu ý kiến liên quan tới một số binh chủng Việt Nam (Dù, Biệt Động Quân, TQLC, Thiết Giáp, Không Quân, Tiếp Vận, v.v.) hay đơn vị (các Sư Đoàn 1, 2, 3, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, 25). Ông và các cộng sự viên cũng nhắc thoáng qua tới một số sĩ quan cấp tá và cấp tướng Việt Nam, tỉ như các Đại Tá Lung, Nhiễu, Thiệp, Yến, các Tướng Cảnh, Đôn, Giai (Đỗ Kế ), Giai (Vũ Văn), Khang, Khuyên, Kỳ, Là, Lữ Lan, Lưỡng, Mạnh, Minh (Dương Văn), Nam, Nghi, Quang, Tám, Thanh, Thắng, Thịnh, Thuần, Toàn, Triển, Tư, Vĩnh Lộc và Vỹ. Các tướng lãnh sau đây được nhắc đến tên hơn một lần: Dzu, Hiếu, Khiêm, Lãm, Minh (Nguyễn Văn), Phong, Phú, Thân, Thiệu, Trí, Trưởng và Viên. Đặc biệt Tướng Trưởng, Sư Đoàn 1 và Đại Đội Hắc Báo được ngợi khen hết cỡ. Còn Tướng Trí thì không được mấy sáng giá trong giới chức quân sự cao cấp Mỹ theo như lời phát biểu của họ trong các buổi họp WIEU.
Trong phần bài này, tôi chỉ xin đề cập tới các đoạn Tướng Abrams nói - hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp - đến Tướng Hiếu, trích từ cuốn The Abrams Tapes, 1968-1972 do Lewis Sorley biên soạn và cho xuất bản năm 2004.
WIEU 27 Jul 68
Sư Đoàn 22 QLVNCH chỉ làm có 10 phần trăm điều họ phải làm. Và tôi tức giận các cố vấn sư đoàn trên đó vì lẽ họ không trình lên điều này. Họ đang ngủ gật dưới đó trong điếm canh, và để sự thể thông lọt qua, và thỏa mãn với nửa vời.
Tướng Abrams phát biểu lời chỉ trích này khi Tướng Hiếu đang nắm Sư Đoàn 22 (từ tháng 6 năm 1966) dưới quyền Tướng Lữ Lan, Tư Lệnh Quân Đoàn II.
Coi bộ Tướng Abrams được ai đó có hiềm khích với Tướng Hiếu báo cáo lệch lạc tình hình tại Sư Đoàn 22. Đại Tá Trịnh Tiếu có đề cập tới sự xung khắc giữa Tướng Hiếu và Tướng Tư Lệnh Lực Lượng I Dã Chiến Hoa Kỳ, khi Tướng Hiếu quyết liệt từ chối đặt một đại tá trung đoàn trưởng dưới quyền một đại úy quận trưởng trong chương trình bình định nông thôn theo sự sắp đặt của Tư Lệnh Lực Lượng I Dã Chiến Hoa Kỳ. Một năm trước, trong một văn thư đề ngày 11 tháng 8 năm 1967, Tướng Larsen đã viết về Sư Đoàn 22 như sau:
15. Sư Đoàn 22 Bộ Binh VNCH làm việc mật thiết và liên tục với Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ trong mười tháng qua và đóng góp nhiều trong các thành quả vượt bực trong Tỉnh Bình Định. Mức tiến bộ khả quan trong nỗ lực chiến đấu và trong tài lãnh đạo của QLVNCH là hai lãnh vực khích lệ đối với các chỉ huy trưởng Hoa Kỳ làm việc chung với các đơn vị này.
Có thể nào mà Sư Đoàn 22 lại lụi bại trầm trọng nội trong một năm dưới quyền lãnh đạo của Tướng Hiếu, đi từ “đóng góp nhiều trong các thành quả vượt bực trong Tỉnh Bình Định” đến “chỉ làm có 10 phần trăm điều họ phải làm”?
WIEU 26 Jul 69
Sư đoàn 22 QLVNCH giống như Lữ Đoàn 173 Dù [HK]. LĐ173 được trang bị chằng chịt giây nhợ, và Bảng Tổ Chức và Quân Cụ (TO&E) cho thả dù bất cứ đâu trên thế giới mà Hoa Kỳ đặt để họ xuống, và họ đều được huấn luyện nhảy dù và họ đều răm rắp ‘Xin tuyệt đối tuân lệnh đại bàng!’ và đại để như vậy. Chúng ta không cần thiết điều đó! Chúng ta không cần thiết điều đó! Thay vào đó điều mà chúng ta phải làm là đi ra ngoài và xớt bọn Vẹm, đi ra ngoài với những đơn vị nhỏ xông xáo trong đêm khuya, giúp đỡ đám dân làng, lo liệu cho thóc lúa tồn tại trong vựa và vân vân, và-- Trời Đất Quỷ Thần ơi, đâu cần quái gì đến dù! Dù chỉ có thể dùng để cắm trại với dân làng hay khỉ gió gì đó.
Và, thật là bất hạnh, Sư Đoàn 22 QLVNCH không nhìn được sự thể như vậy. Sư Đoàn chưa phải là một sư đoàn thiện chiến, xuất trận với cấp trung đoàn và tiểu đoàn và vân vân! Và chính điều đó cần thiết phải được thực hiện tại Bình Định! Và đó chính là điều Sư Đoàn 22 không nhìn thấy! Và đó chính là điều tư lệnh sư đoàn tự thâm tâm không sẵn lòng chịu làm! Và điều mà tất cả mọi người cần phải làm, thay vì bàn đến chuyện xuất trận và chiến đấu với—Trơì Đất Quỷ Thần ơi, họ đứng dưới đó liếm đũa chờ cho Sư Đoàn 3 Bắc Quân trở lại! Phải đấy, lẽ dĩ nhiên nếu Sư Đoàn 3 Bắc Quân trở lại thì họ đã rửa sạch đồng hồ rồi. Nhưng đó là ngày họ trông chờ--khi Sư Đoàn 3 Bắc Quân trở lại! Cục cứt! Có điều—không thể làm điều mà chưa được tổ chức, điều mà chưa được huấn luyện. Phải đi ra ngoài làm điều phải làm ngay bây giờ tại nước này! Tất cả mọi người làm phải như vậy!
Có hai điều nên lưu ý liên quan đến ý kiến của Tướng Abrams. Một là Tướng Abrams vì là gốc thiết giáp nên khinh thường thế đánh của dân Dù. Hai là Tướng Hiếu coi bộ có lập trường riêng và không dễ gì chịu lụy vâng lệnh quan thày Mỹ.
Xin đọ quan điểm trên của Tướng Abrams với
(1) quan điểm của Tướng Tolson, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ HK, viết trong cuốn Air Mobility, 1961-1971:
Chỉ còn có một lữ đoàn thưa thớt ở lại trong vùng rộng lớn của hành quân Pershing trong thời gian này. Tôi mừng là đã dùng rất nhiều thời gian làm việc với Sư Đoàn 22 thuộc QLVNCH liên quan đến chiến thuật di động không kỵ, vì lẽ Sư Đoàn 22, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu, phải cáng đáng gánh nặng chính trong Tỉnh Bình Định trong một thời gian lâu dài.
Trong khoảng thời gian lâu dài của các cuộc hành quân trong Tỉnh Bình Định, Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đã khai triển một mối tương giao đặc biệt với các trung đoàn thuộc Sư Đoàn 22 của QLVNCH. Các trung đoàn thuộc QLVNCH được giao phó những vùng hành quân tiếp giáp các vùng hành quân của lữ đoàn 1 Không Kỵ và, hợp lực với các trực thăng của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ, các trung đoàn này trở nên thuần thục trong các thế phức tạp của chiến thuật tấn công không kỵ.
và (2) quan điểm của toán cố vấn Mỹ vùng II Chiến Thuật viết trong Bảng Lượng Giá Năm 1969 về Sư Đoàn 22:
Nỗ lực: Sư Đoàn 22 dùng nhiều thì giờ hành quân tác chiến cao hơn hết so với bất cứ một sư đoàn nào khác trong nước trong thời gian này. Thời giờ dùng vào việc bình định chỉ chiếm có khoảng 10 phần trăm tổng số ngày tiểu đoàn có được. Đó là nhờ vào chỉ thị của Quân Đoàn II dùng NQ và ĐPQ vào công tác bình định thay cho lực lượng chính qui. So với toàn quốc, Sư Đoàn 22 dùng ít thì giờ nhất vào công tác an ninh.
Kết quả: Số lượng đụng độ địch trên đơn vị từng tiểu đoàn của sư đoàn này cao nhất trong Quân Đoàn, và số lượng địch chết tại mặt trận tăng gấp ba so với tam cá nguyệt trước.
Chiều hướng: Hữu hiệu hành quân, lãnh đạo, yểm trợ tác chiến đều tấn tới. Sự kiện NQ/ĐPQ gia tăng đảm trách chương trình bình định và phát triển khiến cho Sư Đoàn 22 giải tỏa nhiều tiểu đoàn hơn vào việc hành quân tấn kích di động. Sự gia tăng yểm trợ của các đơn vị Mỹ, và việc sử dụng các đơn vị Mỹ vào các cuộc hành quân hỗn hợp làm gia tăng khả năng di động và khả năng ngăn chận sự di chuyển của địch.
WIEU 4 Nov 69
Lãnh đạo--ở đâu khá là lính khá. Ở đâu tồi là lính tồi. Ở đâu tệ là lính tồi tệ. Đơn giản vậy đó. Chúng ta có một ít ví dụ rất là rõ tỏ trong đó một cá nhân thay đổi--một người, chỉ duy vị tư lệnh, và trong thời gian một tháng rưỡi, ta có một ê-kíp mới mẻ toàn bộ. Trước đây thường phẳng lờ như ngồi trên mông đít, chẳng chịu đi đâu, không biết đánh đấm. Chỉ thay đổi một người—là biến đổi toàn bộ.
Ta có thể đoan chắc là Tướng Abrams ám chỉ đến Tướng Hiếu, vì Tướng Hiếu về nắm Sư Đoàn 5 ngày 14 tháng 8 năm 1969 và khi ta đọ với bản lượng giá Tướng Hiếu Đại Tá John Hayes, cố vấn trưởng Sư Đoàn 5, đệ trình lên Tướng Abrams ngày 20 tháng 11 năm 1969:
Hiệu năng tác chiến của Sư Đoàn 5 đang cải tiến. Từ khi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu nắm quyền chỉ huy, Sư Đoàn đã khởi công chương trình đưa chiến tranh đến địch. Sáng kiến này là một yếu tố trọng yếu mà Sư Đoàn đã thiếu sót trước đây. Việc xử dụng Trung Đoàn Thiết Kỵ trong vai trò tấn công là một thay đổi lớn lao với sứ mạng "Ngự Lâm Lính Kiểng" trước đây.
Thiếu Tướng Hiếu đã chứng tỏ ông sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến thiết thực. Không thể nhấn mạnh cho đủ ông là một tướng dũng mãnh, và ông chỉ đem ra ứng dụng những ý kiến khả dĩ đem tới cải tiến hiệu năng tác chiến cho Sư Đoàn.
Sư Đoàn đã cải tiến trên mọi bình diện. Trên căn bản, có thể gán các cải tiến đó cho sự lãnh đạo tích cực đã buộc các đơn vị vận chuyển đi lùng và diệt địch.
Vị Tư Lệnh mới đã bứng tiệt gốc vấn đề nan giải về lãnh đạo mà Tư Lệnh tiền nhiệm vấp phải.
[...] Qua chương trình Đồng Tiến và sự ứng dụng chiến thuật tấn công của Tướng Tư Lệnh, các Trung Đoàn Trưởng đã buộc phải tuyển lựa những người lãnh đạo đơn vị giỏi.
[...] Từ khi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu lên nắm quyền chỉ huy ngày 14/8/1969, các đơn vị Sư Đoàn 5 đã đổi từ thế thủ qua thế công.
WIEU 15 Nov 69
Hôm nọ tôi đi ra ngoài, và được nghe một buổi thuyết trình tuyệt hảo của Tướng Hiếu, Sư Đoàn 5. Đây là lần đầu tiên tôi ghé thăm Sư Đoàn 5 từ khi Tướng Hiếu về nắm sư đoàn này. Và tôi phải công nhận rằng - điều này không liên quan mấy đến cách thức sư đoàn hành sự, nhưng tới phẩm chất rất cao của buổi thuyết trình, bao gồm một cuộc thảo luận rất ngay thẳng mà tôi cho là cũng rất chân thật về lực lượng nhân sự, tình trạng đào ngũ, đào ngũ của từng trung đoàn, và vấn đề tương tợ, ngay cả sự kiện số đào ngũ gia tăng, - một dấu chỉ không mấy tốt, lẽ đương nhiên, nhưng tôi phải nhìn nhận là có một khuynh hướng tiến triển trong nội bộ Sư Đoàn 5 đối với những vấn đề đại loại như vậy.
Tướng Hiếu vẫn có tiếng là một thuyết trình viên quân sự bằng Anh ngữ cừ khôi.
Raymond E. D'Addario, sĩ quan An Ninh Cá Nhân Tướng Abrams, trong một điện thư gửi tôi viết:
Tôi được vinh dự quen biết Anh ông. Anh ông là một con người tuyệt diệu, can đảm chẳng vậy mà bọn thù nghịch phải dùng tới thủ đoạn đê hèn để ám hại Anh ông. Tôi phục vụ với tư cách sĩ quan An Ninh Cá Nhân cho Tướng Creighton ABRAMS. Tôi có thể nói lại với ông là Tướng ABRAMS rất kính trọng Anh ông và luôn đề cao tính thanh liêm, danh dự và quả cảm của Tướng Hiếu.
Quả thật vậy, Tướng Abrams đã được báo cáo về hành động gan lì không sợ chết của Tướng Hiếu xông ra mặt trận điều quân ngày 14 tháng 10 năm 1969. Và Tướng Abrams đã đề nghị ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh cho Tướng Hiếu trong văn thư đề ngày 7 tháng 4 năm 1970.
Nguyễn Văn Tín
Ngày 12 tháng 10 năm 2005
Cập nhật ngày 29.10.2005
general hieu
|
|