Hồ Chí Minh đã ngụy trang Chủ Nghĩa Dân Tộc như thế nào?

(Trích dịch từ sách Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc, nguyên tác Hoa ngữ của Tưởng Vĩnh Kính - Thượng-Huyền dịch)

Hồ Chí Minh rời Mạc-tư-khoa đi Quảng-châu (miền Nam Trung-quốc)(a) vào khoảng cuối năm 1924(b).(1) Tháng 4 năm 1927, ông lại rời Quảng-châu để đi Vũ-Hán(c), và đến tháng 7 năm ấy thì trở về lại Liên-sô.(2) Đây là lần đầu tiên ông đến Trung-quốc và đã lưu lại đó trong thời gian hai năm rưỡi. Nhiệm vụ chủ yếu của ông lúc bấy giờ -- dưới sách lược về Đông-phương của Liên-sô -- là vận dụng cuộc cách mạng của Trung-quốc đang có ảnh hưởng mạnh đối với Việt-nam, dùng chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để lập nên một tổ chức gọi là Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (gọi tắt là Đồng Chí Hội), tiến hành các hoạt động tổ chức và tuyên truyền hướng vào Việt-nam. Đồng Chí Hội chính là tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Quảng-châu, trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến đầu năm 1927, là trung tâm cách mạng do Trung Quốc Quốc Dân Đảng lãnh đạo. Đảng này, đối nội thì đánh đổ các thế lực quân phiệt đang cát cứ các nơi, nhằm thống nhất Trung-quốc; đối ngoại thì phản kháng sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nhằm mưu cầu nền độc lập tự chủ cho Trung-quốc; đồng thời, nó cũng thực hiện chính sách "giao hảo với Nga-sô và dung hợp với cộng sản". Quảng-châu vào thời đó, không những là trung tâm của cách mạng Trung-quốc, mà đồng thời cũng trở thành "thánh địa" của các phong trào chống đế quốc tại châu Á. Trường võ bị Hoàng-phố (chuyên dạy chíhh trị và quân sự), dưới sự chỉ huy của ông hiệu trưởng Tưởng Trung Chánh, đã thu hút đông đảo các thanh niên trí thức ở các nước vùng Đông Nam Á, đến để thụ huấn cả về chính trị lẫn quân sự, mà thanh niên Việt-nam là chiếm đại đa số. (3) Theo bản thống kê tháng 10 năm 1925 thì số thanh niên từ các nước Đông Nam Á như Việt-nam, Miến-điện, Triều-tiên, Đài-loan đã đến thụ huấn tại trường võ bị Hoàng-phố, tổng cộng hơn 4.400 người. (4) Những thanh niên này về sau đều trở thành các thành phần chủ lực trong các cuộc vận động độc lập tại các quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc vận động cách mạng ở Trung-quốc càng phát triển mạnh mẽ, càng ảnh hưởng sâu đậm đến Việt-nam; điều đó đã được chính Hồ Chí Minh thừa nhận.(5) Trong một bài bình luận, ông Louis Roubaud, một kí giả Pháp, đã nói: "„nđộ và Trung-quốc là hai lò lửa lớn đang cháy hừng hực, Việt-nam nằm giữa hai lò lửa đó thì không thể nào giữ mãi ở tình trạng đóng băng được. "Việt-nam và „n độ đã cùng gặp nhau ở một điểm là cùng ề cao chủ nghĩa dân tộc; còn giữa Việt-nam và Trung-quốc thì sự đi lại đã có từ lâu đời, và Quảng-châu đã trở thành nơi "thánh địa" của cuộc vận động chủ nghĩa dân tộc cho Việt-nam. Những thanh niên trí thức Việt-nam đến từ ba kì Bắc, Trung, Nam, đa số đều theo học trường võ bị Hoàng-phố. Trong hoàn cảnh cuộc cách mạng Trung-quốc của niên đại 1920, những thanh niên này không những học tập về chiến thuật hiện đại, mà đồng thời còn học về những môn khoa học và kĩ thuật do Tây-phương đem vào; ngoài ra, họ cũng học tập chủ nghĩa tam dân cùng lí luận cách mạng của Tôn Trung Sơn.(6)

Cách mạng Trung-quốc đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc vận động cho chủ nghĩa dân tộc Việt-nam được nhìn thấy qua hai sự kiện: một là việc nhà chí sĩ cách mạng Việt-nam Phạm Hồng Thái đã ám sát viên Toàn-quyền Đôngđương là Martial Merlin tại Sađiện(d), Quảng-châu, nhưng sự không thành, họ Phạm phải nhảy xuống sông Chu tự tử; hai là việc cụ Phan Bội Châu, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị cảnh sát Pháp bắt tại Thượng-hải và giải về Việt-nam. Hai sự kiện này đã khích động mạnh mẽ vào làn sóng vận động chủ nghĩa dân tộc Việt-nam, và Hồ Chí Minh đã tức khắc lợi dụng làn sóng này để phát triển những hoạt động và tổ chức của ông đối với Việt-nam.

Phạm Hồng Thái sinh năm 1893 tại Bắc-kì(đ), Việt-nam,(7) là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng.(8) Đảng này do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, có quan hệ mật thiết với Trung Quốc Quốc Dân Đảng. Chính cương và tổ chức của nó, cơ hồ như được mô phỏng hoàn toàn với Trung Quốc Quốc Dân Đảng. Nó chủ trương đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, tranh thủ nền độc lập dân tộc, cùng truyền bá tư tưởng của Tôn Trung Sơn về chủ nghĩa tam dân cho người Việt-nam. Công tác thực tế của đảng đã đặc biệt chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền trong quân đội Pháp-Việt, tổ chức cho các binh sĩ Việt-nam đứng lên khởi nghĩa, và ám sát các quan lại người Pháp.(9) Vì vậy, trên thực tế, hoạt động của đảng có hai xu hướng: một phái chủ trương vận động quân đội Việt-nam khắp ba kì đánh đuổi người Pháp; một phái chủ trương tiến hành các cuộc ám sát. Phạm Hồng Thái thuộc về phái sau. Hồ Yểm(10) (người Phiên-ngu, Quảngđông), đã viết trong bài "An Nam Phạm Liệt Sĩ Mộ Kí" như sau:

"Ông húy là Hồng Thái ..... Lớn lên, trông thấy pháp luật quá hà khắc, các quan lại người Pháp thì cao ngạo và hung ác, ông rất phẫn nộ. Gặp lúc các nhân sĩ có chí khí, họp nhau thành lập chính đảng (tức là Việt Nam Quốc Dân Đảng) để vận động cách mạng, mời ông gia nhập đảng, ông gia nhập ngay. Lúc bấy giờ, những người trong đảng chia làm hai phái, một thì chủ trương vận động quân đội khắp ba kì chống lại chính quyền và đánh đuổi người Pháp; một thì chủ trương ám sát các quan tướng hung bạo tàn ác để trừ hại cho dân. Ông nghĩ rằng, vận động quân đội là việc trọng yếu, nhưng nếu không có những hành động tráng liệt thì không đủ để làm cho kẻ địch chồn dạ và kích động đồng bào. Cho nên ông đã nhập vào phái ám sát để mong gặp dịp là thực hành."(11)

Nhóm chủ trương ám sát -- trong đó có Phạm Hồng Thái -- của đảng cách mạng Việt-nam nói trên, vào năm 1923 đã thành lập tại Trung-quốc một tổ chức bí mật có tên là "Tâm Tâm Xã".(12) Nếu xét về danh xưng cũng như phương thức hoạt động của tổ chức này, có thể nói, nó đã chịu ảnh hưởng của một bộ phận cách mạng Trung-quốc tên là "Tâm Xã".(13) Sự việc Phạm Hồng Thái ám sát Toàn-quyền Đôngđương M. Merlin đã xảy ra vào ngày 19.6.1924.

Nguyên vì hôm ấy, trên đường từ Nhật-bản trở lại Việt-nam, M. Merlin đã ghé lại Quảng-châu để dự một buổi dạ tiệc tại tô giới của người Pháp. Nhân cơ hội này, Phạm Hồng Thái đã ném bom vào bữa tiệc, gây nên một cuộc đổ máu lớn. Việc đó, Hồ Yểm đã kể lại trong An Nam Phạm Liệt Sĩ Mộ Kí của ông như sau:

"M. Merlin sắp rời Nhật-bản để đến Thượng-hải và Quảngđông. Ông (tức Phạm Hồng Thái) biết được điều đó, liền chuẩn bị bom và súng đạn, lén đi Đông-kinh rồi Thượng-hải, nhưng vì mạng lưới mật thám quá chặt chẽ, không có một lỗ hổng nào để thực hiện được kế hoạch. Ông bèn quyết định đi Quảngđông để thực hiện hành động cuối cùng.

Ông dò biết người Pháp sẽ đãi tiệc M. Merlin tại khách sạn Victoria, bèn dặn dò một bạn đồng chí rằng: Việc này thành hay bại thì chưa biết chắc chắn được, nhưng tôi quyết sẽ không để mình lọt vào tay người Pháp. Tôi chỉ xin đồng chí giúp cho một điều là hãy đem tông chỉ của đảng tôi công bố ra ngoài để người Pháp khỏi hiểu lầm mà giết chóc bừa bãi. Được thế thì may mắn lắm! Vào ngày 19 tháng 6, lúc 8 giờ tối, ông tìm cách lẻn vào được khách sạn Victoria. Chờ cho mọi người đã vào hết trong phòng tiệc, ông vừa bắn vừa ném bom. Phút chốc, máu thịt bầy nhầy lênh láng giữa đám thực khách nam nữ.

Ông cười rằng: Đại sự đã hoàn tất, ta chết được rồi! Bèn nhảy xuống sông tự tử."(14)

Cuộc bạo động vang lừng trong ngoài này, thực tế chỉ giết chết năm người Pháp, còn M. Merlin thì may mắn thoát nạn.(15) Phạm Hồng Thái đã tự tử ở sông Chu. Lúc đầu mọi người đều không biết ai đã gây ra cuộc đổ máu, sau đó, nhờ Từ Hưng Á, một bạn đồng chí của Phạm, người Triều-tiên, tiết lộ bức thư do Phạm để lại, sự việc mới được rõ ràng.(16) Tuy cái án ấy đương thời ai cũng biết là do đảng cách mạng Việt-nam gây ra, nhưng lãnh sự đoàn tại Sađiện đã đổ trách nhiệm cho chính phủ cách mạng Trung-quốc, bằng cách gửi công hàm cho Tỉnh-trưởng Quảngđông là Liệu Trọng Khải, yêu cầu nhà đương cục Quảng-châu phải trấn áp những kẻ âm mưu, nếu không, các lãnh sự sẽ thi hành quyền tài phán của họ đối với những nơi có cuộc chống đối các chính phủ ngoại quốc. Trong khi chưa đạt được những phúc đáp vừa ý, các tô giới ở Sađiện đã quyết định, kể từ ngày 01 tháng 8, sau 9 giờ tối, người Trung-quốc muốn vào Sađiện, phải mang theo giấy thông hành có dán ảnh. Sự việc này đã đưa đến cuộc bãi công của toàn thể công nhân Trung-quốc tại Sađiện, để phản kháng hành động nhục mạ của các lãnh sự đối với Trung-quốc. Cuộc bãi công đã kéo dài đến 36 ngày. Cuối cùng, các lãnh sự quán Anh và Pháp phải hủy bỏ quyết định trên thì chuyện mới êm.(17)

Phạm Hồng Thái ám sát M. Merlin tuy không thành công, nhưng đã tác động vô cùng mạnh mẽ vào tinh thần chống Pháp của người Việt.

Trong hồi kí của Nguyễn Lương Bằng, một đảng viên cộng sản kì cựu, có nói:

"Khi tiếng bom của chí sĩ Phạm Hồng Thái ném ở Sadiện đã gây chấn động rộng rãi trong các giới dư luận, thực dân Pháp phải kinh hoàng hoảng sợ, nhân dân các nước trên thế giới bắt đầu chú ý đến cách mạng Việt-nam. Nhân dân Trung-quốc đối với chúng ta đã có thêm một bước hiểu biết, do đó lại càng gia tăng ủng hộ cuộc đấu tranh chánh nghĩa của chúng ta. Sự kiện Sađiện đã cổ vũ lớn lao cho tinh thần đấu tranh cách mạng của những người Việt-nam yêu nước. Sự việc vì nước bỏ mình một cách anh hùng của liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã khích lệ tôi vô cùng sâu xa."(18)

Sau khi Phạm Hồng Thái tự trầm ở sông Chu, "những người Quảngđông đã vì nghĩa, thu nhặt thi hài ông đem táng ở

Nhị-vọng-cương(e) (Quảng-châu), là ngôi mộ đầu tiên, đầu xoay về hướng Tây-Nam(19), có ý nghĩa là hướng về tổ quốc

Việt-nam." Từ đó, các thanh niên nam nữ khắp nơi ở Việt-nam, đã ùn ùn kéo sang Quảng-châu để chiêm ngưỡng mộ Phạm Hồng Thái.(20) Trường võ bị Hoàng-phố cũng đáp ứng yêu cầu của người Việt, từ năm 1925 trở đi, thu nhận một cách rộng rãi các lưu học sinh Việt-nam.(21)

Hành động của Phạm Hồng Thái và tổ chức Tâm Tâm Xã của ông, vốn không có chút quan hệ gì với Hồ Chí Minh cả. Chính vào lúc sự kiện Sađiện xảy ra, ông Hồ đang ở tại Mạc-tư-khoa và đang soạn cuốn Tội Trạng Của Chế Độ Thực Dân Pháp. Lúc đó ông chỉ nghe nói "có một người Việt-nam đã ném bom tại Quảng-châu", và có thể ông đã nhận ngay ra rằng, đó phải là một "sự kiện nghiêm trọng" đối với bọn thực dân.(22) Nhân đó, ngay sau khi đến Quảng-châu, ông tức khắc thiết lập liên hệ với Tâm Tâm Xã, lấy ngay kinh nghiệm ám sát M. Merlin bất thành này để mở rộng cuộc vận động chống Pháp. Cứ theo lời ghi thuật của Trường Chinh, một người có chức phận trong đảng Cộng Sản Việt Nam sau này, thì Hồ Chí Minh đương thời đã đưa ra một kết luận rằng: "Muốn cho cách mạng thành công, điều tất yếu là phải lập nên một chính đảng lớn mạnh để tiện tổ chức và lãnh đạo quần chúng quốc nội tiến hành đấu tranh, tiến tới phát động khởi nghĩa để đoạt lấy chính quyền." Sau đó, Hồ Chí Minh đã cùng thảo luận với các nhân vật trong Tâm Tâm Xã, và đến tháng 6 năm 1925, ông bèn đem Tâm Tâm Xã đổi tên thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội.(23) Đó cũng chính là lúc Phan Bội Châu bị cảnh sát Pháp bắt.

Phan Bội Châu tự là Thị Hán, ngoại hiệu là Sào Nam Tử, tinh thông Hán học. Cụ sinh năm 1867 tại Nghệ-an (Trung-kì, Việt-nam), cùng quê vớ Hồ Chí Minh. Cụ là người có tinh thần dân tộc cao độ. Năm 1900 cụ đỗ thủ khoa kì thi Hương. Cụ liền lợi dụng uy tín này để vận động cho nền độc lập dân tộc. Năm 1903 cụ viết tập Huyết Thư, bí mật phổ biến trong nước, kêu gọi thành lập những tổ chức vũ trang để chống Pháp. Năm sau, cụ gặp được nhà chí sĩ ái quốc Tăng Bạt Hổ, khiến cho kiến thức về chính trị của cụ như mở ra một cảnh giới mới.

Cụ Tăng là người Bắc-kì. Khi Pháp xâm chiếm Việt-nam, cụ kết hợp với viên thủ lãnh quân Cờ Đen (Trung-quốc) là Lưu Vĩnh Phúc để tổ chức đội ngũ người Việt kháng cự với quân Pháp. Sau đó cụ chu du ở các nước châu Á. Đến Nhật-bản nhiều lần. Năm 1904 cụ trở về Bắc-kì, biết được Phan Bội Châu đang nỗ lực vận động cho nền độc lập dân tộc, liền cùng nhau thảo luận, và đã đi đến quyết định là tổ chức một cơ cấu phục vụ bí mật để giúp đỡ cho các thanh niên trí thức Việt-nam sang Nhật du học, đó là phong trào Đông Du. Trong ba năm đã có khoảng 200 thanh niên sang học ở Nhật.

Mùa xuân năm 1905, Phan Bội Châu đi (cùng với Tăng Bạt Hổ) sang Nhật, và đã hoàn thành tác phẩm thứ hai là Việt Nam Vong Quốc Sử. Tại Nhật-bản cụ đã từng hội kiến với nhà lãnh tụ cách mạng Trung-quốc là Tôn Trung Sơn. Cụ đã có được những ấn tượng sâu sắc về những phần tử trí thức cách mạng do Tôn tiên sinh lãnh đạo, nhưng về sự liên kết cách mạng giữa hai người thì hình như chưa có một thỏa hiệp nào. Cụ cũng đã tiếp xúc rộng rãi với các nhân sĩ Nhật-bản, từ trong triều cho đến ngoài nội. Những cuộc tiếp xúc này đã đem đến cho cụ niềm xác tín rằng, chính Nhật-Bản mới có thể đuổi được người da trắng ra khỏi châu Á; và cuộc vận động dân tộc của Việt-nam chắc chắn là có thể trông cậy vào sự chi viện của nước này. Đến mùa thu năm ấy, cụ rời Nhật-bản trở về Việt-nam, một mặt phát khởi phong trào Đông Du, một mặt mời vị hậu duệ của nhà Nguyễn là vương tử Cường Đễ làm lãnh tụ tinh thần cho phong trào.

Tháng 4 năm 1906, Phan Bội Châu lại cùng với Cường Đễ và một nhà chí sĩ ái quốc khác là Phan Chu Trinh đồng sang Nhật-bản. Trong thời gian ba vị lưu trú tại Đông-kinh để tổ chức các đoàn thể chính trị, thì một hôm họ bỗng cảm thấy thất vọng, vì thấy rõ rằng người Nhật hoàn toàn không ủng hộ Việt-nam một cách chân thật. Sau khi thấy được giã tâm của người Nhật, cụ Phan Chu Trinh nghĩ rằng, không thể theo đuổi cái chính sách "dẫn cọp này đuổi cọp khác" như thế được nữa, cho nên đã trở về Việt-nam để bắt đầu cuộc vận động cho phong trào Duy Tân. Cụ Phan Bội Châu thì vẫn lưu lại Nhật-bản, để rồi lại bị thêm một lần thất vọng nữa: Năm 1907, Nhật kí kết với Pháp một hiệp định tại Ba-lê, trong đó, Nhật đáp ứng lời yêu cầu của Pháp, cấm chỉ mọi hoạt động cách mạng của du học sinh Việt-nam tại Nhật, và trục xuất họ ra khỏi nước. Do đó, các học sinh Việt-nam phải cấp tốc rời khỏi Nhật-bản và chia nhau nhóm thì sang Trung-quốc, nhóm thì sang Xiêm-la. Phan Bội Châu cũng đi Xiêm-la; còn Cường Đễ thì đi Hương-cảng. Sau khi cách mạng Trung-quốc thành công năm 1911, cụ Phan Bội Châu và Cường Đễ cùng đến Quảng-châu để hưng khởi lại cuộc vận động cách mạng. Năm 1912, cụ thành lập Việt Nam Quang Phục Hội. Lấy theo phương châm của cách mạng Trung-quốc, cụ tuyên bố, mục đích tối hậu của cụ là xây dựng thể chế "dân chủ cộng hòa" cho Việt-nam. Năm 1913, Viên Thế Khải dùng vũ lực đánh phá thế lực dân chủ của Tôn Trung Sơn, vây cánh của Viên là Long Tế Quang chiếm cứ Quảng-châu. Lúc đó, viên Toàn-quyền Đôngđương là Albert Sarraut liền thương lượng với Long Tế Quang bắt giam Phan Bội Châu và các đồng chí của cụ. Vì ham của hối lộ, Long đã cấu kết với người Pháp và hứa sẽ dẫn độ Phan Bội Châu giao cho Pháp. Nhưng chiến cuộc lại xảy ra giữa cách mạng Trung-quốc và Viên Thế Khải, kết quả, Viên thất bại, Tôn Trung Sơn trở lại Quảng-châu, và năm 1917, tiên sinh đã cho trả tự do cho cụ Phan và các đồng chí.(24)

Cụ Phan Bội Châu lãnh đạo cuộc vận động dân tộc Việt-nam, có liên quan mật thiết với hoàn cảnh cách mạng của Tôn Trung Sơn. Đầu năm 1924, Tôn Trung Sơn cải tổ Trung Quốc Quốc Dân Đảng để chấn chỉnh lại trận doanh cách mạng, thì cụ Phan cũng cải tổ Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, đặt tổng chi bộ tại Quảng-châu, cùng sánh vai với cuộc cách mạng của quốc dân Trung-quốc.(25) Cán bộ nòng cốt của tổ chức tại Trung-quốc lúc bấy giờ có Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Thuật, Đặng Sư Mặc v.v..., tỏ rõ cái khí thế sôi động một thời.(26)

Hồ Chí Minh, thuở nhỏ ở quê hương Nghệ-an, vì thân phụ ông là cụ Nguyễn Sinh Sắc có quen biết qua lại với cụ Phan Bội Châu, nên ông rất được cụ Phan thương mến. Cụ Phan đã từng khuyến khích ông tham gia phong trào Đông Du, nhưng ông từ chối(g). Lần này ông đến Quảng-châu và xuất hiện dưới chiêu bài chủ nghĩa dân tộc, nên đã thường tiếp xúc với cụ Phan. Hai bên thường đàm luận về sự tiến triển của tình thế Việt-nam, cũng như bàn thảo về những kế hoạch mới cho Việt Nam Quốc Dân Đảng.(27)

Nhưng việc bất hạnh đã đột ngột xảy ra: tháng 6 năm 1925, cụ Phan bị cảnh sát Pháp bắt ở Thượng-hải, ngay tại tô giới Pháp. Theo lời ghi thuật của nhà học giả Việt-nam Hoàng Văn Chí thì cụ Phan bị bắt là vì ông Hồ đã bán cụ cho Pháp để lấy một số tiền là mười vạn đồng (tiền Việt-nam). Tin tức này, trước tiên là do các đồ đệ của cụ Phan thu lượm được, sau đó thì lan truyền trong khắp các lực lượng cách mạng Việt-nam tại Trung-quốc. Sự việc này, về sau đã được tay chân của Hồ giải thích rằng, cụ Phan đã già rồi, không còn thích hợp với cách mạng nữa; mặt khác, việc cụ Phan bị bắt chắc chắn sẽ khích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của người Việt; mặt khác nữa, số tiền nhận được của Pháp, có thể dùng để nuôi dưỡng các lực lượng mới. Sau này tìm hiểu thêm thì biết được rằng, ông Lam Đức Thủ (tên thật là Nguyễn Công

Viện)(h), người đại diện cho cụ Phan tại Hương-cảng, đã hợp tác với ông Hồ trong việc bán cụ Phan cho Pháp. Sự việc xong, hai người chia đôi số tiền mười vạn đồng. Ông Hồ đã dùng phần tiền của ông để tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội; còn Lam thì dùng tiền đó để tiêu phí trong các hộp đêm tại Hương-cảng. Và từ đó Hồ, Lam hai người tiếp tục hợp tác trong nhiều năm nữa để bán các đồng chí của cụ Phan. Nguyên vì lúc bấy giờ, các thanh niêm Việt-nam trốn sang Quảng-châu để xin vào học trường võ bị Hoàng-phố rất đông. Những ai chịu theo Hồ gia nhập Đồng Chí Hội, thì sau khi học xong, sẽ được bảo đảm bí mật trở về nước an toàn; còn những ai vẫn trung thành với tổ chức của cụ Phan, khi về đến biên giới Hoa-Việt, tức thì bị mật thám Pháp bắt ngay. Những người này sở dĩ bị bắt, vì trước đó Hồ đã báo cho Lam ở Hương-cảng biết, Lam đem ảnh của họ nộp cho lãnh sự Pháp ở Hương-cảng. Sau khi họ bị bắt, Hồ và Lam lại được chia nhau tiền thưởng. Trong tình hình đó, tổng chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Quảng-châu dần dần mất liên lạc với quốc nội. Kết quả là, các thanh niên Việt-nam tốt nghiệp trường võ bị Hoàng-phố mà không gia nhập tổ chức của Hồ, đều không dám về nước, và chỉ còn có cách là gia nhập vào đoàn quân cách mạng Dân-quốc của Trung-quốc, khiến cho Việt Nam Quốc Dân Đảng ở quốc nội phải dần dần tan rã, và đảng Cộng Sản thì cứ mạnh lên dần.(28)

Sau khi bị bắt, cụ Phan đã bị nhà đương cuộc Pháp-Việt kết án tử hình, làm cho người Việt-nam vô cùng công phẫn. Toàn quốc rầm rộ tổ chức các đoàn biểu tình, đòi lập tức trả tự do cho cụ Phan. Người Pháp, cuối cùng phải bỏ án tử hình.(29) Nhưng cụ vẫn bị quản chế ở tại Huế, cho đến ngày 20.12.1940 thì cụ qua đời(i).(30)

Sự kiện cụ Phan bị bắt đã làm cho làn sóng kháng Pháp của người Việt-nam vùng dậy mãnh liệt, nhưng đồng thời cũng khiến cuộc vận động cho chủ nghĩa dân tộc Việt-nam mất đi cái trung tâm lãnh đạo; lại đúng vào cơ hội để Hồ "thừa nước đục thả câu", như hồi kí của nhân vật cộng sản Nguyễn Lương Bằng:

"Khi tôi rời Việt-nam đến Quảng-châu thì cụ Phan Bội Châu đã bị bắt rồi. Tôi nghĩ, những người có bản lĩnh như cụ, rồi sẽ bị kẻ địch bắt dần cho đến hết. Nếu thế thì cuối cùng sẽ còn ai đâu để đảm đương quốc gia đại sự! Sau đó không lâu, tôi gặp được một người bạn Hoa kiều từng quen biết ở Việt-nam, ông Cẩm Thuận (nhân viên Trung-cộng)..... Do ông bạn này giới thiệu, tôi được làm quen với đồng chí Lão Ích (tức đồng chí Hồ Tùng Mậu) trong tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội..... Sau đó, đồng chí Lão Ích lại giới thiệu tôi với đồng chí Lão Vương. Mãi về sau này tôi mới biết được rằng Lão Vương chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc."(31)

Từ đoạn hồi kí trên của Nguyễn Lương Bằng, chúng ta có thể hiểu được cái tâm lí bàng hoàng của người Việt đương thời sau khi cụ Phan Bội Châu bị bắt, cũng như sự việc ông Hồ ngụy trang và thừa kẽ hở để xâm nhập vào cuộc diện cách mạng lúc bấy giờ. Thuở ấy tại Quảng-châu ông Hồ đã không dùng tên họ của ông lúc ở Ba-lê và Mạc-tư-khoa -- là Nguyễn Ái Quốc. Đối với Trung-quốc, ông xưng ông là Lí Thụy; đối với người Việt, ông xưng ông là Vương Sơn Nhi, hay Lão Vương. Thật ra, "Vương Sơn Nhi" tức là chiết tự của chữ "Thụy".(32) Theo các văn kiện của Trung-quốc đương thời, ông lại còn có tên là Vương Đạt Nhân.(33) Nhưng đối với Mạc-tư-khoa, ông vẫn tên là Nguyễn Ái Quốc.(34) Chức vụ công khai của ông ở Quảng-châu lúc đó là thông dịch viên của viên cố vấn Nga, ông Michael Borodin, bên cạnh Trung Quốc Quốc Dân Đảng; nhưng vai trò thực sự của ông là nhân viên của Mạc-tư-khoa phụ trách về Viễn Đông, sang Trung-quốc để hoạt động với danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc Việt-nam. (35) Đó là thời kì Trung Quốc Quốc Dân Đảng đang chủ trương "giao hảo với Nga-sô và dung hợp với cộng sản", cho nên các đảng viên Trung-cộng hoạt động tại Quảng-châu, vừa là bí mật mà cũng vừa là công khai. Và ông Hồ xuất lộ thân phận mình ở Quảng-châu cũng cùng tính cách như vậy; theo đó, việc vận động cho chủ nghĩa dân tộc, chẳng qua chỉ là loại hoạt động ở mặt công khai của ông mà thôi.

Hồ Chí Minh dùng chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để chính thức tiếp xúc với Trung Quốc Quốc Dân Đảng. Trong thời gian Trung Quốc Quốc Dân Đảng tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc kì 2 tại Quảng-châu vào tháng 1.1926, với cái tên giả Lí Thụy, và tự xưng là một người Việt-nam lưu vong, ông đã gửi văn thư xin tham dự đại hội để được trần tình về hiện trạng đau khổ của Việt-nam và xin đại hội nghiên cứu giúp đỡ, đúng theo phương châm đã đề ra là giúp giải phóng các dân tộc bị áp bức. Nguyên văn bức thư như sau:

"Kính thưa Quí Đồng Chí Chủ Tịch Đoàn Đại hội Đại biểu Toàn quốc Trung Quốc Quốc Dân Đảng kì 2! Tôi là một người Việt-nam lưu vong, bôn ba tới đây, may mắn được gặp lúc Quí Đảng tổ chức đại hội nhằm nêu rõ phương châm trợ giúp công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Tôi vô cùng vui mừng. Nhưng, "muốn cho thuốc trước phải biết bệnh", cho nên, xin Quí Đảng, trước hết cho tôi được đến trình bày hiện trạng đau khổ của nước tôi, ngỏ hầu Quí Đảng có thể giúp tôi nghiên cứu tìm phương pháp. Thật là may mắn cho nước tôi! Thật là may mắn cho cách mạng! Kính chúc, cách mạng Trung-quốc muôn năm!

Rất mong nhận được phúc đáp của Quí Vị. Trung Quốc Quốc Dân Đảng muôn năm! Lí Thụy. Nơi thông tin: Công quán Borodin, nhờ ông Trương Xuân Mộc chuyển. Trung-hoa Dân-quốc năm thứ 15, ngày 6 tháng 1."(36)

Văn thư của ông đã được Đàm Bình Sơn phê chú: "Khi thảo luận đến đề án dân tộc thì mời người này phát biểu." Đồng thời, cứ theo địa chỉ liên lạc ghi trong văn thư thì có thể thấy rõ giữa Hồ Chí Minh - Borodin với Trung-cộng, đã có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Ngày 14 tháng 1, Hồ lại dùng một tên giả mới là "Vương Đạt Nhân" để trần tình trước đại hội.

Ngoài đề tài "Những thống khổ dân tộc An-nam đang chịu đựng", Hồ còn đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ về lịch sử, văn hóa và cách mạng giữa hai dân tộc Trung-quốc và Việt-nam. Ngày hôm ấy, phát biểu trước đại hội, còn có các "đồng chí"Triều-tiên và „n độ. Hồ phát biểu bằng tiếng Pháp, có Lí Phú Xuân thông dịch.(37) Lí là một nhân viên Trung-cộng từng du học tại Pháp; cho nên, có thể là hai người đã quen biết nhau hồi còn ở Pháp. Và từ sau đại hội này thì Lí và Hồ càng thân cận nhau hơn.(38)

Ông Hồ tiếp xúc vối Trung Quốc Quốc Dân Đảng, hiển nhiên cũng giống như kế hoạch của Trung-cộng, là cố nắm trong tay cuộc vận động chủ nghĩa dân tộc. Nhân đó, một mặt ông dùng Đồng Chí Hội làm cơ sở để thu hút các thanh niên Việt-nam; mặt khác, ông phát triển tổ chức của ông dưới sự trợ giúp của Trung-cộng.

Cơ sở Đồng Chí Hội nguyên là Tâm Tâm Xã, do một bộ phận của Việt Nam Quốc Dân Đảng lưu vong tại Trung-quốc tổ chức nên. Các thành viên cơ bản, ngoài Phạm Hồng Thái ra, còn có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Tán Anh v.v...(39) Sau khi xâm nhập vào tổ chức này, Hồ Chí Minh liền sắp xếp cho Hồ Tùng Mậu gia nhập đảng Cộng Sản Trung Quốc, có nhiệm vụ giữ vững mối quan hệ với Trung-cộng.(40) Bản thân Hồ cũng nhận công tác do Trung-cộng giao cho.(41) Lê Hồng Phong, sau này được Hồ giới thiệu sang Mạc-tư-khoa học quân sự, rồi chuyển vào trường đại học Lao Động Đông Phương; năm 1935 tham dự đại hội thế giới lần thứ bảy của cộng sản quốc tế, được chọn làm ủy viên dự khuyết ban chấp hành quốc tế và phái về Việt-nam để lãnh đạo Việt-cộng.(42) Những người trên đây đều là những nhân vật có trách nhiệm trong Đồng Chí Hội đương thời tại Quảng-châu, và là những cánh tay đắc lực của Hồ Chí Minh. Trụ sở của Đồng Chí Hội được đặt tại số 13, đường Văn-minh, Quảng-châu, -- cũng tức là nơi cư trú của Hồ. Cơ cấu huấn luyện của Đồng Chí Hội là ban huấn luyện chính trị đặc biệt. Đối diện với Đồng Chí Hội là Tổng Hội Nông Dân Trung Quốc, tức là kí túc xá của các học viên học tập về kế hoạch vận động nông dân của Trung-cộng do Mao Trạch Đông chủ trì. Các thành viên trong ban huấn luyện chính trị đặc biệt của Hồ đều ăn cơm tại đây, một phần các sở phí là do Trung-cộng đài thọ.(43) Hồ cũng đảm nhiệm công việc phiên dịch các tài liệu nội bộ cho cơ sở giảng dạy vận động nông dân (do một kí giả báo Anh ngữ viết, liên quan đến vấn đề vận động công nông), cùng công tác tuyên truyền đối ngoại.(44)

Để phát triển Đồng Chí Hội, Hồ Chí Minh phải dựa vào sự trợ giúp của Trung-cộng để thu hút các thanh niên Việt-nam có nhiệt huyết, nhất là các nhân viên hàng hải. Chức vụ của những nhân viên này thật là tiện lợi để đảm trách các nhiệm vụ đi lại và xâm nhập lén lút vào Việt-nam để hoạt động. Trong khi đó, tại Quảng-châu, ông thu nạp các thanh niên Việt-nam lưu vong và huấn luyện họ trong thời gian sáu tháng. Khoảng cuối năm 1925, ông đã tuyển chọn được một số nhân viên ưu tú làm ủy viên trung ương lãnh đạo Đồng Chí Hội, số còn lại được phái về Việt-nam hoạt động. Họ tổ chức thành những tiểu tổ bí mật, tuyên truyền và tuyển mộ các phần tử mới để lén đưa họ sang Quảng-châu thụ huấn.(45)

Cái quá trình mà Trung-cộng đã giúp Hồ kết nạp người Việt vào tổ chức, theo hồi kí của một nhân vật đương thời, đầu tiên là do sự tiếp xúc trong các sinh hoạt hàng ngày mà tìm hiểu nhau, rồi lợi dụng sự kiện Phạm Hồng Thái để khích động lòng hận thù đối với người Pháp và khơi dậy ý thức chính trị, sau đó đem giới thiệu cho Hồ Tùng Mậu, cuối cùng cho gặp Hồ Chí Minh để nói chuyện, khảo sát, huấn luyện, và cho gia nhập làm hội viên Đồng Chí Hội. Sau đây là lời thuật lại của một hội viên Đồng Chí Hội:

"Tôi gặp Cẩm Thuận, một người bạn Hoa kiều vốn đã quen biết khi còn ở Việt-nam. Ông ta nói tiếng Việt vô cùng lưu loát. (Về sau tôi mới biết ông vốn là hội viên của hội Công Nhân Hàng Hải do Trung-cộng lãnh đạo.) Qua những tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày, ông ta biết rõ lòng tôi rất căm hận người Pháp, cho nên đã mau chóng đối xử với tôi hết sức thân mật..... Một hôm, ông ta hẹn tôi đến Hoàng-hoa-cương để viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, hi vọng rằng cái ý niệm về hoạt động cách mạng sẽ khởi dậy mạnh mẽ trong lòng tôi. Sau đó không lâu, do sự giới thiệu của Cẩm Thuận, tôi được quen biết với đồng chí Lão Ích (tức Hồ Tùng Mậu) trong Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội..... Rồi do sự quan hệ của Lão Ích, sau đó tôi lại được làm quen với đồng chí Lão Vương (tức Hồ Chí Minh)..... Đồng chí Lão Vương hỏi tôi về tuổi tác, về tình hình công tác, về các binh sĩ Việt-nam trên chiến hạm Pháp, cũng như về tình hình quốc nội..... Như chạm đúng mạch, tôi bèn đem tất cả lòng căm phẫn của mình mà tuôn ra hết. Lão Vương chăm chú lắng nghe tôi nói. Nghe tôi nói xong, ông mới nói với tôi về nhiều vấn đề, mà chủ yếu là nhấn mạnh nhiệm vụ chống Pháp, và tiến hành giáo dục tôi về tư tưởng của chủ nghĩa ái quốc."(46)

Những hội viên đã được Hồ thu nạp và huấn luyện, căn cứ vào chức nghiệp của họ mà giao phó nhiệm vụ. Điều đó rất tiện lợi. Tại các bến cảng thì đặt giao liên; trên các tàu bè thì đặt tuyến giao thông. Một mặt thì xâm nhập vào nội địa

Việt-nam; một mặt thì tiếp đón các thanh niên đào thoát. Đến Quảng-châu thụ huấn, các thanh niên này, trước hết được các tiếp viên của "Tỉnh Cảng Bãi Công Úy Viên Hội" tại Quảng-châu tiếp đón, sau đó thì được đưa sang cho Hồ và các nhân viên phụ trách của Đồng Chí Hội để khảo sát. Loại hoạt động này đã được thực hiện tích cực nhất trong năm 1926. Một người Việt đương thời đã kể lại:

"Khoảng tháng 7 năm 1926, tại Sài-gòn, tôi gặp hai đồng chí vừa từ Quảng-châu trở về là Phạm Trọng Bình và Lão Lợi. Họ kể cho tôi nghe về hành trình của họ..... Vào một đêm tháng 9, chúng tôi mặc trang phục công nhân, đến tàu Đại Phúc Tinh (chạy bằng hơi nước) đậu tại bến Khánh-hội. Các thủy thủ trên tàu đang đợi chúng tôi..... Khi đến Quảng-châu, chúng tôi được đưa đến một nơi có nhiều công nhân..... Đó là những người đình công ở Hương-cảng. Chính quyền tỉnh Quảngđông đã đưa họ đến đây để học tập..... Về sau có một, hai đồng chí đến tìm chúng tôi để hỏi thăm về tình hình quốc nội. Có thể là họ lấy cớ hỏi thăm để dò xét chúng tôi chăng?"(47)

Sau cuộc khảo sát của nhân viên ông Hồ, đương sự sẽ được xử lí một trong hai trường hợp, hoặc là được chấp thuận cho gia nhập ngay vào Đồng Chí Hội, rồi sau sẽ tham dự khóa huấn luyện chính trị đặc biệt; hoặc là sau khi đã hoàn tất chương trình huấn luyện rồi mới được cho gia nhập Đồng Chí Hội. Trường hợp trước, như nhân viên hàng hải Nguyễn Lương Bằng chẳng hạn, là qua sự giới thiệu của Trung-cộng;(48) còn trường hợp sau đại đa số là áp dụng cho các thanh niên đến trực tiếp từ Việt-nam.(49) Cho nên, Đồng Chí Hội và ban huấn luyện chính trị đặc biệt chính là hai mặt của một bản thể. Những nhân vật lãnh đạo của hai bên cũng không phân biệt rạch ròi. Theo như một người thụ huấn thuật lại thì đặc trưng của những nhân vật này như sau:

Hồ Chí Minh, mọi người đều gọi là đồng chí Vương, mỗi ngày đều mặc bộ quần áo trung-sơn(k), không bao giờ thay đổi. Ông người dong dỏng, trán rất rộng, mắt sáng, nói năng thong thả và ôn nhu, tính cách rất lạc quan, nhưng rất ít khi cười. Trong ban huấn luyện, ông giảng dạy nhiều nhất. Ông giảng rất dễ hiểu. Bất kì con số nào ông cũng nhớ rất rõ ràng; cho nên, những giáo viên khác, con số nào không nhớ thì cứ hỏi ông. Cái hay của ông là chỉ dùng một vài con số cụ thể là có thể thuyết giải những vấn đề phức tạp; do đó, các học viên đều có thể hiểu vấn đề một cách dễ dàng.(50)

Hồ Tùng Mậu, thường mặc quần áo kiểu học sinh Trung-quốc, khoảng ngoài 30 tuổi, mắt sáng, lưỡng quyền cao, tính cách hoạt bát, thông minh, nói năng lưu loát, hùng biện, thường gọi là Lão Lương,(51) cũng gọi là Lão Ích.(52) Trong ban huấn luyện, ông là người trực tiếp chỉ đạo việc học tập và giải đáp các thắc mắc cho học viên.(53)

Lão Hoài, khoảng 20 tuổi, chuyên học về trang điểm, dáng vẻ lanh lợi, hoạt bát, cùng nhiệm vụ với Lão Lương trong ban huấn luyện, là trực tiếp chỉ đạo việc học tập và giải đáp các thắc mắc cho học viên.(54)

Lão Trương, mặt mũi đầy đặn, thường mang kính, người béo mập, thích mặc Âu phục, điều hành tổng quát mọi việc trong ban huấn luyện.(55)

Chương trình của ban huấn luyện chính trị đặc biệt gồm hai phần: lí luận và thực dụng. Phần lí luận gồm các môn: lịch sử tiến hóa của nhân loại -- mà chủ yếu là học về giai đoạn phát triển từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa đế quốc; lịch sử các cuộc vận động giải phóng của các nước, như Trung-quốc, Triều-tiên, „n độ, và lịch sử nước Việt-nam bị xâm lược; các chủ nghĩa như chủ nghĩa Gandhi, chủ nghĩa tam dân (học tập phê phán), chủ nghĩa Mác-Lê và cách mạng Nga. Về phần thực dụng có lịch sử và phương pháp của các tổ chức quốc tế -- trong đó có đệ nhất, đệ nhị và đệ tam quốc tế, liên hiệp phụ nữ quốc tế, liên hiệp thanh niên quốc tế, hội cứu tế đỏ, hiệp hội nông dân quốc tế v.v...; công tác phát động và tổ chức quần chúng, như phát động công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh v.v... và tổ chức các đoàn thể công nhân -- trong đó có phần diễn tập công tác phát động quần chúng cùng học tập về tuyên truyền và xử lí các đại hội quần chúng như thế nào. Mỗi tuần, các tiểu tổ đều phải "báo cáo học tập", lại phải làm bích báo, rồi phải phê bình và tự phê bình.(56) Tập sách Đường Cách Mạng của Hồ Chí Minh cũng là một trong những tài liệu huấn luyện.(57)

Công tác phát động và tổ chức quần chúng, thật ra là một môn huấn luyện về kĩ thuật đấu tranh cách mạng, do chính Hồ Chí Minh chủ trì. Ông dạy cho học viên các cách thức làm truyền đơn, điều khiển đại hội quần chúng, xúi giục bãi công v.v...(58) -- vừa học lí thuyết và vừa thực tập. Trong buổi diễn tập, một học viên làm người tuyên truyền, những người khác làm thính chúng; thính chúng có thể nêu ra những vấn đề và yêu cầu người tuyên truyền giải đáp. Sau đó, mọi người cùng ngồi lại để rút tỉa kinh nghiệm và cho ý kiến bổ túc. Đến như cách làm thế nào tiếp cận với quần chúng để tiến tới việc phát động và tổ chức quần chúng, thì ông Hồ bảo họ phải giữ thái độ nhất trí với quần chúng; nếu không thì thật khó mà gần gũi quần chúng.(59) Cách tốt nhất để tiếp cận quần chúng là đi tìm những bạn bè thân thích thật gần gũi với mình, và khi tuyên truyền với họ thì: "Dù với vấn đề gì, cũng phải khéo léo dẫn đến sự kiện nhân dân Việt-nam ta đang bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột." Đối với chủ điểm này, nếu được đối phương đồng tình thì sẽ tiến tới khích động: "Vậy chúng ta có thể nào cứ chịu để cho chúng đè ép mãi mãi như thế sao?" Nếu đối phương bày tỏ là "Không thể nào!" thì hãy dùng danh nghĩa của "liên nghị hội" hoặc "hỗ tế hội" để dần dần đưa họ vào tổ chức. Những phần tử tích cực, hãy thu nạp họ vào hội ngay; số còn lại sẽ từ từ thu nhận sau. Cứ tiếp tục áp dụng phương pháp này để phát triển và mở rộng tổ chức; nhưng trong khi tiến hành công tác thì phải giữ hoàn toàn bí mật. Đại khái, cách thức xâm nhập và phát triển tổ chức của Hồ Chí Minh là lấy chủ nghĩa dân tộc làm cái áo che bên ngoài, rồi lợi dụng tâm lí quần chúng mà hạ thủ. Và khi người ta đã vào tròng rồi thì mới đưa ra phương pháp cùng chủ nghĩa cộng sản. Như thế là ông Hồ đã đặt cơ sở trên luận điểm của hai giai đoạn cách mạng.

Hồ Chí Minh đã rập khuôn theo các giáo điều của cộng sản quốc tế, đem cuộc vận động cách mạng Việt-nam chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một, dùng chủ nghĩa dân tộc làm chiếc áo che ngoài và thiết lập chính quyền dân chủ của giai cấp tư sản; giai đoạn hai, thực sự đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhân đó, báo Thanh Niên do Đồng Chí Hội phát hành cũng chỉ là tiếng nói của "giai đoạn một". Nó không hề nói đến chủ nghĩa Mác-Lê một cách trực tiếp, mà các luận đề đều thảo luận trước tiên về chủ nghĩa dân tộc, rồi khéo léo xen vào một vài giáo điều cơ bản cùng quan điểm của Lênin, để chuẩn bị chuyển hướng đến "giai đoạn hai". Nhưng trong tác phẩm Đường Cách Mạng, dùng làm tài liệu học tập cho cán bộ, ông Hồ đã công khai nói rõ về chủ nghĩa Mác-Lê, đặc biệt nhấn mạnh đến ba quan điểm cơ bản:

"1. Nhiệm vụ của cách mạng không phải vì một thiểu số người nào mà chính vì quảng đại giai cấp công nhân và quần chúng nông dân, do đó, cần phải tổ chức quần chúng. 2. Cách mạng tất yếu phải chịu sự chỉ huy của chủ nghĩa Mác-Lê. 3. Cuộc vận động cách mạng ở trong mỗi quốc gia phải được kết hợp chặt chẽ với giai cấp vô sản quốc tế, công nhân và quần chúng nông dân phải phân biệt rõ giữa đệ tam và đệ tứ quốc tế."(60)

Số người thụ huấn tại ban huấn luyện chính trị đặc biệt, mỗi khóa nhiều ít không đều, có khóa chỉ vài người, có khóa đông đến vài chục người. Thời gian huấn luyện cũng dài ngắn khác nhau, tối thiểu là khoảng 6 tháng.(61) Nhưng trong khoảng từ 1926 đến 1927 thì thời gian này chỉ vào khoảng 3 hay 4 tháng. Sau khi hoàn tất huấn luyện, các học viên phải tuyên thệ gia nhập Đồng Chí Hội. Địa điển tuyên thệ là trước mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Trong lời thề có câu: "Nguyện hiến thân cho tổ quốc, dù phải hi sinh tính mạng cũng không từ." Sau đó thì nhận nhiệm vụ do tổ chức giao phó. Đại đa số là trở về Việt-nam công tác, một số ít được phái sang hoạt động ở Xiêm-la, hoặc một địa khu nào khác nhằm vận động các khối Việt kiều.(62) Từ hạ bán niên 1926 đến đầu năm 1927, số cán bộ được huấn luyện ít ra cũng đến 250 người, trong đó, khoảng 200 người đã được phái về Việt-nam. Vì vậy, tổ chức Đồng Chí Hội tại quốc nội đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Tháng 5 năm 1929, khi Đồng Chí Hội tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc tại Hương-cảng, theo thống kê của cảnh sát Pháp, số hội viên và cảm tình viên tham dự có đến một ngàn người. Đồng Chí Hội tại Việt-nam, mỗi kì đều có một ủy hội riêng: ở Bắc-kì, số hội viên công nhân chiếm đa số; ở Trung-kì và Nam-kì, hội viên gồm đủ các thành phần công nhân, giáo sư, học sinh và nông dân. Các cán bộ được huấn luyện tại Quảng-châu đều nắm các chức vụ trọng yếu trong tổ chức.(63) Đến năm 1930, Đồng Chí Hội mới được đổi thành đảng Cộng Sản Việt Nam.

Hầu như đa số những cán bộ xuất thân từ các khóa huấn luyện chính trị đặc biệt đều chấp hành công tác ở hạ tầng cơ sở; còn những cán bộ lãnh đạo cao cấp hoặc các nhân vật trọng yếu thì không phải xuất thân từ các khóa huấn luyện này. Trần Phú, bí-thư Việt-cộng năm 1930 chẳng hạn, đã xuất thân từ trường võ bị Hoàng-phố rồi được đào luyện tiếp ở Mạc-tư-khoa.(64) Đương nhiệm(l) phó-chủ-tịch kiêm thủ-tướng Bắc-Việt, ông Phạm Văn Đồng, cũng xuất thân từ trường võ bị Hoàng-phố.(65) Theo lời thuật lại của viên cố vấn Nga tại Quảng-châu, ông Alexander Ivanovich Cherepanov, Hồ Chí Minh giữ được đường dây liên lạc với các học sinh Việt-nam tại trường võ bị Hoàng-phố là nhờ xuyên qua sự quan hệ của Trung-cộng.(66) Lê Hồng Phong, người lãnh đạo Việt-cộng từ 1935 đến 1939, nguyên là một nhân viên cơ bản của Đồng Chí Hội, được sang Mạc-tư-khoa học về không quân, sau lại được chuyển vào trường đại học Lao Động Đông Phương.(67) Các nhân viên trong ban huấn luyện chính trị đặc biệt đương thời, đối với lí lịch thật của Hồ Chí Minh, cũng không biết rõ. Họ chỉ biết gọi ông là đồng chí Lão Vương. Họ cũng không hề biết ông chính là Nguyễn Ái Quốc.(68) Điều đó cho thấy, những người được ông huấn luyện và gia nhập Đồng Chí Hội, chỉ được coi là những phần tử ngoại vi mà thôi.

-----------

Chú thích:

01. Hồ Chí Minh, Ngã Dữ Trung Cộng: "Từ 1924 đến 1927, tôi (Hồ tự xưng) đến Quảng-châu." (Bán nguyệt san Triển Vọng, số 183, trích dịch từ báo Nhân Dân, Bắc-Việt, số ra ngày 1.7.1961, nguyên tựa đề là "Cách Mạng Trung Quốc và Cách Mạng Việt Nam". Hương-cảng, 16.9.1969). Fall, trang 93, nói rằng Hồ Chí Minh đi Quảng-châu tháng 12 năm 1924.

02. Hoàng Văn Chí, trang 46; Ellen J. Hammer, trang 80.

03. Hoàng Văn Chí, trang 42-43.

04. Bản thống kê sỉ số học sinh kì thứ tư trong bản thảo lịch sử trường võ bị Hoàng-phố.

05. "Báo Cáo Chính Trị" của Hồ Chí Minh, đọc trong đại hội đại biểu toàn quốc kì 2 của đảng Lao Động Việt Nam, tháng 2 năm 1951. Xem Tuyển Tập Hồ Chí Minh, quyển 2, trang 133.

06. Ellen J. Hammer, trang 77.

07. Trường Chinh, trang 60 (chú thích số 14).

08. Nguyễn Văn Cang, Việt Nam Độc Lập Vận Động Nhất Lãm, trang 18.

09. Trần Hoài Nam, Cuộc Đấu Tranh Giải Phóng Của Nhân Dân Việt Nam, trang 7. Bắc-kinh: Thế Giới Tri Thức Xã xuất bản, 1954.

10. Hồ Yểm: tức Hồ Nghị Sinh, đảng viên Trung Quốc Cách Mạng Đảng, từng kề cận với Tôn Trung Sơn nhiều năm.

11. Phiên-ngu Hồ Yểm soạn, An Nam Phạm Liệt Sĩ Mộ Kí, ngày 1.1 năm Dân-quốc thứ 14 (1925) (bản rập lưu trữ tại Đảng Sử Hội). "Ba kì" tức Bắc, Trung và Nam-kì của Việt-nam. Bắc-kì tức Đông-kinh; Trung-kì tức An-nam; Nam-kì tức Giao-chỉ-chi-na.

12. Trường Chinh, trang 7 (chú thích số 1).

13. Tổ chức Tâm Xã của cách mạng Trung-quốc là do Lưu Tư Phục sáng lập. Lưu là người huyện Hương-sơn (nay là Trung-sơn), tỉnh Quảngđông, sớm gia nhập Trung Quốc Đồng Minh Hội, đảm nhiệm việc ám sát các quan lại nhà Thanh tại Quảng-châu; có khuynh hướng về một chủ nghĩa "vô chính phủ". Trung-hoa Dân-quốc năm đầu, ông cùng với các đồng chí Mạc Kỉ Bành, Lâm Trực Miễn v.v..., tổ chức Tâm Xã tại Quảng-châu. (Xem Phùng Tự Do, Cách Mạng Dật Sử, tập 2, chương "Lưu Tư Phục, Người Sáng Lập Tâm Xã".) Lại cứ theo lời thuật của Lí Hi Bân trong Một Đoàn Ám Sát Trong Đồng Minh Hội, sau khi đoàn này được thành lập, cụ Phan Bội Châu, người của cách mạng Việt-nam, đến Quảng-châu yêu cầu đoàn này viện trợ. Tạ Anh Bá v.v... của cách mạng Trung-quốc đã đáp ứng yêu cầu trên và đồng ý đễ cụ được hoạt động tại Quảng-châu.

14. Hồ Yểm, An Nam Phạm Liệt Sĩ Mộ Kí.

15. Ellen J. Hammer, trang 77.

16. Sở Nữ, "Tình Trạng Gần Đây của Cuộc Vận Động Giải Phóng Các Dân Tộc Nhược Tiểu Trên Thế Giới" (Tuần báo Trung Quốc Quốc Dân Đảng, số 39, 21 tháng 9 năm Dân-quốc thứ 13 - 1924, Quảng-châu). -- Sở Nữ, họ Tiêu, một phần tử Trung-cộng.

17. C. Martin Wilbur, Forging the Weapons: Sun Yat-sen and the Kuomintang in Canton, 1924, trang 42-43, (Columbia University, New York, 1966).

18. Hồ Thư, trang 48-49.

19. Hồ Yểm, An Nam Phạm Liệt Sĩ Mộ Kí.

20. Ellen J. Hammer, trang 77.

21. Úy Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng, báo cáo của Bộ Chấp Hành Hải Ngoại, 20.1.1945 (Trùng-khánh, nguyên kiện).

22. Tuyển Tập Hồ Chí Minh, quyển 1, trang 210.

23. Trường Chinh, trang 7.

24. Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History, trang 155-158 (Frederick A.

Praeger, 1968).

25. Úy Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng, báo cáo của Bộ Chấp Hành Hải Ngoại, 20.1.1945.

26. Bộ Hải Ngoại Trung Ương Trung Quốc Quốc Dân Đảng soạn, Sơ Lược Lịch Sử Đảng Phái Cách Mạng Việt Nam (bản thảo chưa in, ngày 6 tháng 5 năm Dân-quốc thứ 32, Trùng-khánh).

27. Charles B. McLane, trang 109 -- Dẫn hồi kí của Phan Bội Châu.

28. Hoàng Văn Chí, trang 18-19, cho rằng, cụ Phan Bội Châu tuy biết Hồ là người cộng sản nhưng vẫn không coi ông ta là một địch thủ chính trị của mình. Cụ được ông Hồ mời đi Thượng-hải để diễn thuyết -- mà cụ không biết đó là tô giới của Pháp. Khi đến Thượng-hải, cụ bị cảnh sát Pháp bắt ngay. Theo J. Buttinger, Vietnam, trang 159, cụ Phan bị bắt là do sự sắp đặt của ông Hồ và một người khác nữa. Tháng 6 năm 1925, một buổi sáng nọ tại Thượng-hải, cụ Phan nhận được giấy mời đi Quảng-châu tham dự lễ thành lập Chi Bộ Việt Nam của Hội Liên Hiệp Các Dân Tộc Nhược Tiểu Trên Thế Giới. Khi cụ sắp lên tàu ở Thượng-hải để đi Quảng-châu thì bị một nhóm người tập kích và lôi vào tô giới Pháp, rồi bị đưa sang Hải-phòng và giải về Hà-nội. Ông Hồ đứng ở giữa, nhận được 150.000 đồng Việt-nam. Nhưng có vài tư liệu hoài nghi thuyết này.

29. Trường Chinh, trang 7; Nghiêm Kế Tổ, Lược Sử Đảng Phái Cách Mạng Việt Nam (bản thảo chưa in, 16.8.1942, Trùng-khánh).

30. Hoàng Văn Chí, trang 21.

31. Hồ Thư, trang 49.

32. Hoàng Văn Chí, trang 42.

33. Biên bản đại hội đại biểu toàn quốc Trung Quốc Quốc Dân Đảng kì 2, này 14.1, năm Dân-quốc thứ 15, Quảng-châu (ấn bản chì). Nhưng bản thảo của biên bản trên đã ghi là "Vương Đõo Nhân".

34. Ví dụ như các bài của ông Hồ để phát biểu trước Thông tấn Quốc tế vào năm 1925: "Một Số Vấn Đề về Á Châu";

"Phương Cách Thống Trị Của Người Anh"; cũng như bài phát biểu với báo Hiệu Giác vào năm 1926 về "Lênin và Đông Phương" v.v...,đều kí tên là Nguyễn Ái Quốc. Xem Tuyển Tập Hồ Chí Minh, quyển 1.

35. Charles B. McLane, trang 109.

36. Thư của Lí Thụy gửi cho chủ tịch đoàn đại hội đại biểu toàn quốc Trung Quốc Quốc Dân Đảng kì 2, ngày 6.1 năm Dân-quốc thứ 15 (Quảng-châu, nguyên kiện).

37. Biên bản đại hội đại biểu toàn quốc Trung Quốc Quốc Dân Đảng kì 2, ngày 14.1 năm Dân-quốc thứ 15.

38. Đầu năm 1930, Hồ đến Thượng-hải, giới thiệu vợ của Lí Phú Xuân là Thái Sướng (cũng là nhân viên Trung-cộng du học tại Pháp) với các cán bộ bí mật Việt-cộng. (Hồ Thư, trang 57.)

39. Trường Chinh, trang 7.

40. J. Lacouture, trang 49.

41. Hồ Chí Minh, "Tôi và Trung Cộng" (bán nguyệt san Triển Vọng, số 183).

42. Hồ Thư, trang 118 (Nguyễn Khánh Toàn thuật).

43. Hồ Thư, trang 90-91 (Lê Mạnh Trinh thuật).

44. Hồ Chí Minh, "Tôi và Trung Cộng".

45. Ellen J, Hammer, trang 78; Hoàng Văn Chí, trang 43-44.

46. Hồ Thư, trang 49-51 (Nguyễn Lương Bằng thuật).

47. Như trên, trang 87-90.

48. -nt-, trang 91.

49. -nt-, trang 93.

50. -nt-, trang 89, 92.

51. -nt-, trang 89.

52. -nt-, trang 51.

53. -nt-, trang 92.

54. -nt-, trang 88, 92. "Lão Hoài", có thể là Nguyễn Lương Bằng.

55. -nt-, trang 89. Tâm Tâm Xã còn có Tán Anh; vậy "Lão Trương" có phải là Tán Anh chăng? Đợi khảo cứu thêm.

56. -nt-, trang 91-92.

57. -nt-, trang 51.

58. Hoàng Văn Chí, trang 43.

59. Hồ Thư, trang 91, 93.

60. -nt-, trang 52.

61. J. Lacouture, trang 48-49, trích từ The Selected Works of Ho Chi Minh, trang 53 (Hà-nội: Foreign Language Publishing House, 1961).

62. Hoàng Văn Chí, trang 43.

63. Hồ Thư, trang 92-93.

64. Ellen J. Hammer, trang 80.

65. Hồ Thư, trang 41.

66. J. Lacouture, trang 50.

67. Alexander Ivanovich Cherepanov, Notes of a Military Advisor in China, trang 120, A Draft Translation by Alexandre O. Smith, Office of Military History, HQ MAAG Taipei, 1970.

68. Hồ Thư, trang 90-91.

69. Như Nguyễn Lương Bằng tự thuật, năm 1930 ông bị bắt tại Thượng-hải thì mới biết "Lão Vương" tức là Nguyễn Ái Quốc. Xem Hồ Thư, trang 49.

----

Phụ chú của người dịch:

(a) Quảng-châu là tỉnh lị của tỉnh Quảngđông; chứ không phải là tỉnh Quảng-châu như một số sách đã ghi.

(b) Học giả Hoàng Văn Chí, trong sách Từ Thực Dân Đến Cộng Sản (bản Việt ngữ do Mạc Định dịch, Chân Trời Mới xb), nói Hồ Chí Minh sang Quảng-châu năm 1925.

(c) Vũ-Hán: tức hai thành phố Vũ-xương và Hán-khẩu thuộc tỉnh Hồ-bắc, từng là cứ địa của cuộc cách mạng Tân-Hợi (1911).

(d) Sadiện (chứ không phải là Sađiện như một số sách sử Việt-nam đã ghi), là vùng ngoại ô của thành phố Quảng-châu, nằm ngay trên bờ sông Chu.

(đ) Theo Trịnh Vân Thanh, trong Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, quyển I, mục "Hoàng Hoa Cương", thì Phạm Hồng Thái sinh năm 1895 tại làng Ngọcđiền, thuộc vùng Nghệ-Tĩnh, Trung-Việt. -- Nhưng ở quyển II, mục "Phạm Hồng Thái" thì ông lại nói là nhà chí sĩ này sinh năm 1896.

(e) Chúng tôi chưa tra cứu được địa danh "Nhị-vọng-cương". Ông Trịnh Vân Thanh, trong bộ từ điển đã dẫn trên, quyển II, mục "Phạm Hồng Thái" ghi rằng: "Thi hài của nhà cách mạng Phạm Hồng Thái được an táng tại chân đồi Bạch-vân. Năm 1925, tỉnh trưởng tỉnh Quảng-châu là Hồ Hán Dân mến phục sự hi sinh cao quí của nhà liệt sĩ Việt-nam, liền cho cải táng hài cốt của Phạm Hồng Thái vào khu Hoàng-hoa-cương....." Vậy, có thể Nhị-vọng-cương chính là đồi Bạch-vân, nơi ngôi mộ đầu tiên (nguyên tác Hoa ngữ tác giả viết là "nguyên mộ") đã được nghĩa sĩ Quảngđông chôn cất thi hài của nhà chí sĩ, trước khi được Hồ Hán Dân cho đem vào cải táng ở Hoàng-hoa-cương.

(g) Trong quyển Nhận Diện Hồ Chí Minh (nhà xb Mekong-Tỵnạn, California, 1988), hai tác giả Huy Phong và Yến Anh cho rằng, Hồ Chí Minh rất thù hận cụ Phan Bội Châu vì phong trào Đông Du và Quan Phục Hội đã bác đơn xin xuất dương của ông.

(h) Trong các tài liệu tiếng Việt đều nói tên nhân vật này là Lâm Đức Thụ (tức Nguyễn Công Viễn).

(i) Ông Trịnh Vân Thanh (từ điển đã dẫn trên) và ông Lê Văn Đức (trong Việt Nam Tự Điển, quyển hạ, Khai Trí xb) đều nói rằng cụ Phan Bội Châu mất ngày 29.10.1940. Sách Từ Thực Dân Đến Cộng Sản (đã dẫn trên) thì lại nói cụ mất ngày 20.10.1940.

(k) Quần áo trung-sơn: đó là kiểu quần áo đặc biệt do Tôn Trung Sơn mô phỏng theo bộ đồ đồng phục của thiếu sinh quân mà chế ra.

---

(l) Sách này được in lần đầu vào năm 1972 tại Đài-bắc.