Lịch Sử Ðịa Phận Bùi Chu
L.M. Trần Ðức Huynh

Lời giới thiệu: Linh mục Andrew Trần Ðức Huynh sinh ngày 23 tháng 11 năm 1920. Ði tu từ thuỏ nhỏ và chịu chức linh mục ngày 4 tháng 8 năm 1947 tại nhà thờ chính toà Bùi Chu do đức cha Hồ Ngọc Cẩn chủ phong. Hai năm đầu đời làm linh mục, cha Huynh đã làm phó xứ làng Lạc Ðạo huyện Nghĩa Hưng. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học công lập Hồ Ngọc Cẩn tại Bùi Chu từ 1949-1954.
Ngài đã đưa trường Hồ Ngọc Cẩn cùng toàn ban giám đốc di cư vào Nam đặt tại Gia Ðịnh cho tới năm 1956.

Từ 1957 tới 1959 LM Huynh dạy triết học tại chủng viện Phan xi Cô, Sài Gòn. Tới năm 1959 Ngài đề xướng thành lập trường trung học Hưng Ðạo (125 Cống Quỳnh Saigon) và làm giám đốc cho tới năm 1975.

Linh mục Huynh tị nạn tại giáo phận Lafayette, Lousianna từ 1975 dến tháng 2 1976. Sau đó chuyển sang tiểu bang Texas và giúp giáo dân VN tại San Antonio cho đến năm 1978. Hiện LM Huynh đang hưu trí tự túc và vẫn thuộc giáo phận San Antonio Texas.

Bài viết sau đây được trích ra từ "Kỷ yếu địa phận Bùi Chu" phát hành tại Hoa Kỳ năm 1984. Cha Huynh đã tốn rất nhiều công sức để tra cứu các tài liệu hiếm có tại Thư viện Roma cũng các sử liệu khác. Vì vậy xin mạn phép Cha Huynh để được ghi lại trong cuốn gia phả này để nói lên lòng trung thành và kiên cường giữ đạo của cha ông các con cháu gốc Bùi Chu nói riêng và người công giáo VN nói chung.

Hầu hết anh em Bùi Chu đã xa địa phận Mẹ ngay từ năm 1954 trong cuộc ra đi tìm tự do lần thứ nhất xa lánh Cộng Sản từ Bắc vào Nam Việt Nam. Ngoài ra còn có rất nhiều bạn trẻ sinh tại miền Nam VN không biết Ðịa phận Mẹ ngoài Bắc VN ra sao, nhất là các em sinh tại hải ngoại thì càng cần biết nguồn gốc của mình.

Nhưng ngồi ở Mỹ, viết lịch sử của một địa phương VN quả là khó khăn. Vì tài liệu qúa chuyên biệt lại thuộc phạm vi tôn giáo, rất khó tìm tại các thư viện Mỹ. Chúng tôi phải nghĩ ngay tới cha Ðinh Ðức Ðạo, một linh mục Bùi Chu, hiện là giáo sư mấy Ðại học Công giáo tại La Mã. Dù quá bận bịu với việc giảng huấn, cha cũng dành ít thì giờ chụp lại và chuyển cho chúng tôi một số tài liêu và hình ảnh cần thiết về Bùi Chu tại thư viện bộ Truyền Giáo Tòa Thánh.

Trước khi đi sâu vào các chi tiết của dòng sử Bùi Chu, chúng tôi xin trình bày vài nét tổng quát về các địa phận Công Giáo Việt Nam. Ðể thấy rằng Bùi Chu là địa phận đông giáo dân và giáo sĩ nhất Việt Nam.

Nhìn vào bảng thống kê ở dưới ta thấy số giáo dân Bùi Chu đông nhất với con số 326,967 ngườị Nếu tính từ sau năm 1936, thì từ ngàyu Ðịa phận Thái Bình được tách ra khỏi Bùi Chu, số giáo dân cẫn còn đứng hàng đầu với 238,000 người. Sau khi phân địa phận, Thái Bình có 86,967 giáo dân.

Bảng thống Kê các địa phận công giáo Việt Nam năm 1933 cho biết:

Ðịa Phận
Giáo Dân Linh Mục
Bùi Chu 326967 199
Hà Nội 166800 193
Hải Phòng 162000 87
Vinh 148328 197
Saigon 99743 106
Phát Diệm 99236 93
Huế 72102 135
Qui Nhơn 60662 99
Hưng Hoá 45000 94
Bắc Ninh 40265 67
Kontum 19808 29
Lạng Sơn 3249 16
Nam Vang 76135 112
(Trích trong Lịch sử Giáo hội Công giáo của Bùi Ðức Sinh từ trang 358-363)

Và ngày nay, theo tài liệu Annuario Pontificio per L'Anno 1984 của Toà Thánh, ta có những con số:

Ðịa Phận
Giáo Dân Linh Mục
Vinh 264000 97
Bùi Chu 165000 30
Hà Nội 157000 50
Hải Phòng 145000 7
Hưng Hoá 100000 28
Phát Diệm 95000 15
Thái Bình 88446 23
Bắc Ninh 72000 5
Thanh Hóa 47000 27
Lạng Sơn 25000 4
Kontum 19808 29
Lạng Sơn 3249 16

Nhìn những con số trên đây, ta thấy số giáo dân Bùi Chu niên thời, chỉ đứng sau số giáo dân Ðịa phân Vinh. Lý do rất đơn giản là vì hồi 1954, địa phận Vinh hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Việt Cộng, số người thoát được hoả ngục của Cộng Sản rất khó và ít.

Anh chị em Bùi Chu

Chúng ta có quyền hãnh diện; chúng ta là thành phần của một địa phận đông giáo dân nhất Việt Nam. Vì thế chúng ta nên trở về nguồn gốc để tìm hiểu tại sao: nếu xét về đất đai, Bùi Chu là địa phận nhỏ nhất, nhưng xét về số giáo dân, thì lại là địa phận lớn nhất.

Õ
Õ

(Phóng hoạ đia phân Bùi Chu - Trích trong Kỷ Yếu Bùi Chu 1985)

Nhận xét lý do tại sao Bùi Chu là một địa phận quá đặc biệt thế ? trong cuốn Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, chương tám: Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam trang 365 tác giả Bùi Ðư;c Sinh đưa ra ý kiến như sau: "Sự nghiệp của Ðức Cha Munagori Trung vang sang tận La Mã. Ðức thánh Cha Pio XI không ngần ngại gọi địa phận Bùi Chu là địa phận truyền giáo kiểu mẫu. Sở dĩ được như vậy, cũng là nhờ ở sự khôn ngoan của Ðức Cha trong việc dụng người, lại được hàng giáo sĩ dòng triều tận tình giúp đỡ và cộng tác rất đắc lực".

Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý vơi tác giả. Ðịa phận Bùi Chu đúng là Ðịa Phận truyền giáo kiểu mẫu, yếu tố lãnh đạo của hàng giáo sĩ dòng triều đã đóng góp rất lớn vào sự thành công của Bùi Chu. Nhưng cũng nên để ý đến hai yếu tố khác là địa lợi và nhân hòa.

Về địa lợi, Bùi Chu nằm ở vị thế rất thuận lợi cho việc truyền giáo. Bùi Chu là vùng đồng bằng sông Hồng Hà, có nhiều chi nhánh sông Hồng Hà chảy ra vịnh Bắc Việt qua Bùi Chu, như sống Ðáy (Lạch Ðài), sông Ninh Cơ (Lạch Lác), sông Thái Bình làm cho Bùi Chu là vùng đất phì nhiêu về kinh tế: lúa thóc, hải sản và muối. Ngoài ra, nó cũng giúp cho sự thông thương bằng đường thủy rất tiện lợi. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào điểm này. Các giáo sĩ ngoại quốc vào miền Bắc Việt Nam từ Ma Cao của Trung Hoa, từ Manila của Phi Luật Tân, từ Singapore của Hòa Lan và của Anh, từ Goa của Ấn Ðộ. Nhưng vào bằng cách nào ? Thời ấy chưa có đường hàng không, chỉ có đường hàng hải. Các ngài nhờ tàu buôn ngoại quốc đưa vào thường thường dưới danh nghĩa của Tuyên Úy cho các thuỷ thủ đoàn. Thời ấy cũng chưa có thương cảng Hải Phòng, chỉ có phố Hiến là thành phố nằm ven sông Hồng Hà gần tỉnh lỵ Hưng Yên ngày nay. Phố Hiến là thương cảng phồn thịnh nhất thời ấy, nên sử gia Trần Trọng Kim đã nói: "Tục ngữ bấy giờ có câu rằng thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến"(Việt Nam Sử Lược, tr. 46)

Các giáo sĩ ngoại quốc từ phố Hiến di chuyển bằng thuyền theo các chi nhánh sông Hồng Hà xuống các tỉnh miền Nam nói chung và Bùi Chu nói riêng. Dùng thuyền là cách tốt nhất: nét mặt của người Tây Phương rất dễ nhận diện, đi thuyền kín đáo hơn đi đường bộ nhất là di chuyển ban đêm. Nhìn vào địa bàn hoạt động thường xuyên của các giáo sĩ ngoại quốc như Trung Linh, Bùi Chu, Hạ Linh, Liên Thủy, lục Thủy, Phú Nhai, Kiên Lao, Trung Lao, Ninh Cường, Phạm Pháo, An Lãng, Nam Lạng v.v... đã thấy rõ: Các làng đó đều nằm ở ven sông hay rất gần bờ sông. Việc gửi các thanh niên VN ra ngoại quốc du học để làm linh mục, cũng do đường thủy, nhờ các thương thuyền ngoại quốc phát xuất từ phố Hiến.

Ngoài yếu tố địa lợi, còn cần lưu ý đến yếu tố nhân hòa nữa. Dân Bùi Chu là dân sống ở vùng đồng bằng ngoài óc thông minh như các người VN khác, họ còn đặc biệt ở chỗ đơn sơ thành thật, nhiều cảm tình. Vì thế khi nhận được ánh sáng Phúc Âm do các giáo sĩ cũng là những người đầy nhiệt tâm không quản ngại gian khổ, bỏ mọi vinh quang để mạo hiểm đem đạo Chúa cho dân ngoại, khi được nhìn những gương sáng của các thừa sai ngoại quốc, nghe những lời tâm tình thành thật, không chút lừa bịp của các giáo sĩ, và nhất là khi thấy các vị dám hy sinh mạng sống để cố giữ đức tin, thì những con người Bùi Chu như đã chuẩn bị sẵn, khi có thêm ơn Chúa là niềm tin trở nên mạnh mẽ quyết tâm theo Chúa dù phải hy sinh mạng sống. Chính vì thế ta thấy Bùi Chu có rất nhiều làng công giáo trăm phần trăm như Bùi Chu, Trung Linh, Lục Thuỷ, Trung Lễ, Liên Thượng, Liên Thủy, Hạ Trại, Kiên Chính, Tang Ðiền, Văn Lý, Cồn Tròn, Xương Ðiền, Thức Hóa, Sa Chu .v.v...

Viết về Lịch sử địa phân Bùi Chu chúng ta có thể chia ra bốn thời kỳ:

1.- Phôi thai trong máu đào (1679-1888)
2.- Phát triển trong thời bình, (1888-1936)
3.- Trưởng thành với hàng giáo phẩm địa phương (1936-1954)
4.- Bùi Chu di cư và tị nạn (1954-ngày nay)

1 Phôi Thai trong máu đào:

Thời kỳ đầu tiên: BC chấp nhận đạo Công Giáo và phải trải qua mấy thế kỷ thử thách, qua không biết bao nhiêu kỳ cấm đạo, thì BC cũng như các địa phận khác đều có nhiều điểm giống nhau. Chúng tôi muốn bắt đầu thời kỳ này từ năm 1679 đến 1888. Năm 1679 là năm thành lập địa phận thứ hai cho miền Bắc cũng gọi là Ðàng Ngoài.

Muốn biết rõ các biến chuyển tôn giáo trong thời kỳ này, ta cần biết sơ qua về tình hình chính trị VN vào thời đó. Trước hết, về chính trị thì từ 1592 đến 1788 kéo dài đến 196 năm, VN đã chia ra hai miền, miền Bắc cũng gọi là Bắc Hà hay Ðàng Ngoài, lấy sông Gianh gần Quảng Bình làm ranh giới, thuộc quyền vua Lê và Chúa Trịnh, đóng đô ở Thăng Long. Vua Lê chỉ có quyền tượng trưng, thực quyền do chúa Trịnh nắm hết. Bắc Hà chia ra 11 xứ hay Trấn. Ðịa phận BC nằm trong xứ Nam tức Sơn Nam. Xứ Sơn Nam gồm các tỉnh Nam Ðịnh, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên ngày nay.

Miền Nam tức Nam hà cũng gọi là Ðàng Trong lấy ranh giới từ phía Nam sông Gianh trở xuống. Kinh đô ban đầu đóng ở làng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị (vì thế có cổ thành Quảng Trị) , sau này dời về Phú An, huyện Quảng Ðiền, về sau di vào Kim Long huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Từ năm 1788 đến 1802, nhà Nguyễn Tây Sơn đánh thắng cả chúa Nguyễn, chúa Trịnh, thống nhất đất nước được 14 năm, đến khi vua Quang Trung băng hà, thì nhà Nguyễn Tây Sơn suy yếu. Chúa Nguyễn Ánh mời một số sĩ quan Pháp tới giúp khí giới và chiến lược đánh thắng được nhà Nguyễn Tây Sơn, thống nhất VN lấy hiệu là vua Gia Long từ năm 1802, qua các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị Tự Ðức(Xem bài viết về Các Vua nhà Nguyễn và Công Giáo)

Thời vua Tự đức, quân Pháp chiếm nước VN. Vua Tự Ðức nhận tha đạo trong hai hòa ước Nhâm Tuất (1862) và hòa Ước Giáp tuất (1874) ký với Pháp. Vua Tự Ðức mất vào năm 1883.

Ngoài phần chính trị ta cũng nên biết vào thời kỳ đó, nước VN thông thương với người ngoại quốc như thế nàọ Sự hiểu biết này sẽ giúp ta biết các giáo sĩ ngoại quốc ra vào VN và các thanh niên Công Giáo VN du học tại các Ðại Chủng Viện ở ngoại quốc ra sao. Ðể hiểu thêm những chi tiết đó, chúng tôi xin trích VN sử lược của Trần Trọng Kim trang 96,97 như sau:(file ttk97.jpg)









(Trang 96 và 97 )
(Trích trong Việt Nam Sử Lược quyển 2 - Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu 1971- Trần Trọng Kim)

Bùi Chu Ðón Nhận Ðạo Công Giáo:


Theo tài liệu lịch sử VN, làng Ninh Cường của B.C. được đón nhận Ðạo chúa sớm nhất, Theo cuốn Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì: "Năm Nguyễn Hòa nguyên niên(1533) đời Lê Trang Tôn có một dương nhân(người Tây) tên là Inikhu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam-Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy. Mấy làng này đều thuộc địa hạt Bùi Chu.

Theo tài liệu của cha Ðắc Lộ, thì năm 1627, vào thời Trịnh Tráng, các giáo sĩ dòng Tên từ Ma Cao đã được sai đến giảng đạo ở xứ Bắc. Các ngài đã đến nơi nhằm ngày 19-3-1627 nên đã nhận thánh Giuse làm quan thầy cho Bắc Việt.

Tưởng cũng nên biết các cha dòng Tên là những vị tiên phong truyền giáo ở Việt Nam từ 1615 đến 1659. Các cha Buzomi, Christoforo Borri, cha Ðắc Lộ đi lại các tỉnh miền Nam nhiều hơn. Chỉ có cha Baldinolli là giáo sĩ dòng Tên hoạt động nhiều ở Ðàng Ngoài tức miền Bắc. Ai cũng biết cha Ðắc Lộ đã có công sáng chế ra vần quốc ngữ cho Việt Nam.

Cho tới năm 1653, các cha dòng Tên đã rửa tội được 408,000 người VN, trong số đó 308,000 người ở Ðàng Ngoài, 50,000 người ở Ðàng Trong. Hồi đó chưa có Giám Mục. Với một sự nhì xa trông rộng, cha Ðắc Lộ thấy rõ: cần phải có linh mục Việt Nam để giảng đạo cho người Việt Nam. Con số trên 400 ngàn giáo dân kia đòi hỏi ba bốn trăm linh mục mới có thể giúp giáo dân sống đạo được. Không thể đưa mấy trăm linh mục ngoại quốc vào VN được. Trước hết không tìm đâu ra số linh mục đó, không có phương tiệnm vật chất để thực hiện. Ðằng khác linh mục ngoại quốc sẽ gặp rất nhiều trở ngại cấm cách tại VN. Muốn lập hàng giáo sĩ VN, trước hết cần phải lập địa phận tại VN. Cha Ðắc Lộ nghĩ và làm. Ngài đi vận động tại Roma, trình bày vấn đề với Toà Thánh. Lẽ dĩ nhiên Tòa Thánh rất đồng ý, và muốn cha đi tìm người để đề nghị. Ngài về Pháp và đề nghị hai cha Pally và cha Lambert de la Motte thuộc hội thừa sai Paris MEP lên Tòa Thánh. Hai cha đã được Tòa Thánh chọn làm Giám mục cho Việt Nam, và 2 địa phận tiên khởi VN được thành lập 1659: một địa phận Ðàng Ngoài do đức Cha Pallu phụ trách, điạ phận Ðàng Trong do Ðức Cha Lambert de la Motte trông coi. Và cũng từ đó, tức từ năm 1659, Giáo Hội VN được trao cho các thừa sai Paris và các cha Ðaminh, tỉnh dòng Phi Luật Tân.

Từ năm 1679, Ðịa phận Ðàng Ngoài chia thành 2, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới cho 2 miền Tây và Ðông. Miền Tây thành địa phận Tây, tức Hà Nội, do đức cha de Bourges phụ trách. Miền đông thành địa phận Ðông tức Hải Phòng được trao cho đức cha Deydier.

Nhân tiên để quí vị hiểu rõ các địa phận tại 2 miền Nam Bắc Việt Nam cho tới năm 1975, miền Bắc có 10 địa phận, miền Nam có 16 địa phận kể cả địa phận Nam Vang, Cao Miên.




Chúng tôi xin in lại bảng phân chia 26 địa phân VN.

Những ngày đầu của Bùi Chu:


Muốn hiểu rõ những biến chuyển của địa phận B.C., chúng ta cần lưu ý đến 3 địa phận Ðông (Hải Phòng) 1679, địa phận Bùi Chu cũng gọi là địa phận Trung (1848) và địa phận Thái Bình (1936).

Mồng 7 tháng 7 năm 1676, hai cha dòng Ða Minh người Tây Ban Nha (Spanish) thuộc tỉnh dòng Phi Luật Tân là các cha Gioan de Santa Crux và Gioan Arjona từ Manila tới tham gia việc truyền giáo tại VN. Các cha đặt chân lên phố Hiến và từ đó học tiếng VN sáu tháng. Vốn là những nhà trí thức có căn bản sinh ngữ, các ngài học tiếng bản quốc không khó khăn lắm. Cha Gioan de Santa Crux đã thông thạo tiếng Trung Hoa vì đã từng giảng đạo cho người Trung Hoa tại Manila, Phi Luật Tân. Cha Gioan Arjona là giáo sư đại học thánh Thomas tại Manila.

Trong thời kỳ học tiếng Việt Nam, hai cha lấy kinh nghiệm sống với những người Tàu sinh sống tại Manila, viết lại tất cả những phong tục, những nghi lễ của người Tàu mà các ngài thấy người VN cũng bắt chước. Bản phúc trình của hai cha gửi cho đức cha Deydier về các nghi lễ Trung Hoa được đúc kết thành 274 câu hỏi và những lời giải đáp. Bản phúc trình này đã giúp ích rất nhiều cho các nhà thần học tại những đại học Công giáo ở Roma giải quyết những nghi vấn một cách ổn thoả thoe đúng giáo lý Công giáo. Về sau giám mục hai địa phận Ðàng Ngoài là Hà Nội và Hải Phòng đã tha thiết xin bề trên tỉnh dòng Phi luật Tân gửi thêm các linh mục sang giảng đạo tại Nam Ðịnh, Hải Dương và Bắc Ninh.

Tháng hai năm 1677, sau khi đã biết nói tiếng Việt, hai cha theo đường thủy xuống giảng đạo tại các làng Trung Linh, Bùi Chu. Các làng đó nằm ngay ven sông Ninh Cơ, rất thuận lợi cho việc di chuyển ba9`ng thuyền, để tránh sự lùng bắt của chính quyền tỉnh Nam Ðịnh thời đó đang xiết chặt vòng vây để cấm đạo. Cũng năm đó cha Dionysius Morles dòng Ða Minh Tây Ban Nha được phái sang tăng cường cho hai cha đang giảng đạo tại vùng Trung Linh, BC. Ngày đêm di chuyển bằng thuyền, tìm mọi dịp để dạy đạo, dâng thánh lễ, giúp đỡ tinh thần vật chất cho người bản xứ do tiền quyên cúng nhận được từ Phi Luật Tân. Kết quả đầu: các cha đã rửa tội được 300 người, và mỗi năm khuyên được ba bốn trăm người nhận biết Chúa.

Cha Gioan de Santa Crux soạn thảo mộ số sách đạo bằng Việt ngữ như: Hạnh các Thánh, Vườn hoa thiêng liêng. Phương pháp học Hán văn. Các cha lập hội Mân Côi, tổ chức ngắm đứng trong tuần thánh theo tục lệ bên Tây Ban Nha để giáo dân dễ suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế v.v...

Năm 1681, hai cha con Gioan Arjona và Dionysius Morales bị quan tổng đốc Sơn Hà bắt. Sau nhiều ngày tháng giam cầm tra tấn, các cha đã bị cưỡng ép xuống tàu Hoà Lan trở về Manila. Vùng Bùi Chu, Trung Linh chỉ còn một mình cah Gioan de Santa Crux ở lại lén lút giảng đạo.

Tới năm 1682, cha Raymondus Lezoli gốc Ý tu dòng Ðaminh Phi Luật Tân tới giúp cha Santa Crux. Cha Lezoli nguyên là y sỹ, ban đầu tạm trú ở Thủy Nhai gần Bùi Chu để học tiếng Việt, nhưng vì việc cấm đạo quá gắt gao, cha phải tạm lánh nạn sang Thái Lan làm thơ ký cho hai cha Bourges va Deydier đã được sắc Tòa Thánh phong làm giám mục hia địa phận Tây và địa phận Ðông. Các ngài mới sang Thái Lan để thụ phong chức Giám mục. Khi được tin có thể trở lại VN cùng cha Santa Crux tiếp tục giảng đạo. Kết quả rất khả quan: các cha đã khuyên được rất nhiều người chung quanh vùng Bùi Chu theo đạo.

Năm 1683, cha Gioan Santa Crux được cử coi sóc họ đạo tại Kiên Lao, một làng cách Bùi Chu 3 cây số về phía Nam, đồng thời Tòa Giám Mục cũng ủy thác cho các cha Ðaminh tỉnh dòng Phi luật tân coi sóc các họ đạo Bùi Chu và hoạt động giảng đạo trong năm phủ huyện. RIêng cha Santa Crux đã xây được 140 nhà thờ và 12 giáo họ.

Năm 1686, công giáo bị đàn áp quá gắt gao, các cha phải tạm lánh nạn. Ban đầu, các ngài vào Thanh Hóa, giảng đạo và khuyên được nhiều người theo đạo. Các cha định tiến vào Nghệ An, nhưng không thể đi được. Các ngài tìm đường đi Hải Dương, tại đây một vấn đề nan giải xảy ra: hiện ở Hải Dương đã có rất nhiều người công giáo trở lại đạo từ hồi các cha dòng Tên giảng đạo tại đó. Khi các cha dòng Tên ra đi, giáo dân nhất định không chịu xưng tội với các dòng khác. Phải một hồi khuyên bảo, giải thích, giáo dân mới vỡ lẽ và tiếp tục giữ đạo. Hai cha phân địa giới để làm việc. Cha Lezoli hoạt động trong phạm vi nửa tỉnh phía đông, còn cha Santa Crux giảng đạo nửa tỉNh phía tây và lan rộng sang cả địa giới tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1690, các cha Ðaminh lại trở về Trung Linh, Bùi Chu, khuyên được 400 người theo đạo trong đó có 25 sư sãi. Hồi đó số giáo dân Bùi Chu đã tới 18 ngàn người chưa kể những người đang chuẩn bị chịu phép rửa tội. Phong trào lùng bắt các giáo sĩ ngoại quốc lại lên cao độ, sau khi thảo luận với giáo dân, các ngài tạm lánh đi Hải Dương.

Năm 1695, phái đoàn truyền giáo ÐaMinh được thêm hai cha Petrus Bustamente và Franciscus Lopez. Ban đầu 2 cha tạm lưu tại Bankok, Thái Lan giúp đức cha, rồi năm sau, các ngài đi tàu vào Phố Hiến. Nhưng việc cấm đạo quá gắt, các ngài không lên bộ tại phố Hiến được phải ở lại tàu buông mấy tháng sau mới lên bờ được và hoạt động tại Kẻ Sặt.

Năm 1698, cha Raymundus Lezoli được tòa thánh bổ nhiệm làm Giám Mục coi sóc địa phận Ðông thay thế Ðức cha Deydier đã qua đời từ 1693. Cha Lezoli thụ phong giám mục tại Kẻ Sặt năm 1702.

Năm 1705, thêm 2 cha Ðaminh Sabuquillo và Thomas Sextri tăng cường cho 5 cha đang ngày đêm kiệt sức lo việc giảng đạo. Vì phải săn sóc 120 họ đạọ Hằng năm số người xưng tội là 25 ngàn, rửa tội 2 ngàn trẻ em và 300 người lớn. Ðặc biệt năm 1705, đức cha Lezoli về Trung Lao, một họ đạo cách Bùi Chu về phía tây 10 cây số, dự các nghi lễ tuần thánh rất long trọng.

Năm 1706, một tai họa xảy đến: một số người bỏ đạo và vì muốn lập công, bằng cách tố cáo các linh mục, khiến các ngài phải lẩn trốn. Ðức cha Lezoli qua đời được an táng tại Lục Thuỷ cách Bùi Chu 2 cây số về phía Bắc. Năm 1707 cha Santa Crux được bổ nhiệm làm giám mục thay thế.

Năm 1712, chúa An Vương lên ngôi ra sắc lệnh cấm đạo. Rất nhiều sách đạo, đồ thờ phượng bị tiêu hủy, 164 nhà thờ thuộc địa phận Kẻ Sặt, 304 giáo dân chết vì đạo. Các linh mục may mắn thoát hiểm bằng cách trốn xuống thuyền di chuyển đó đây để thăm viếng an ủi giáo dân. Vì thế số người theo đạo vẫn đông. Hằng năm có 500 người chịu phép rửa tội. Cơn cấm đạo kéo dài hai năm. Dân chúng tin rằng việc ấy khiến cho cả miền bị lụt và dịch tễ, làm thiệt hại một phần ba lúa thóc. Trong lúc này các thừa sai vẫn hăng hái giảng đạo và giúp đỡ nhân dân, nên đã đưa được 1165 người trở lại đạo, nhất là có 2500 người vì yếu đuối đã bỏ đạo, nay xin hối cải trở về cùng Chúa và Giáo hội.

Năm 1715, thêm hai cha Daminh Guelda và Joannes Ventura sang giảng đạo. Cha Guelda hoạt động tại Nam Lạng, một làng cách Bùi Chu 14 cây số về phía Tây. Một giai thoại buồn cười xẩy ra: Một hôm cha Guelda bị bắt cùng với một số thầy giảng. Các bà mẹ công giáo nhanh trí, tung tro vào quân lính, làm cho họ dụi mắt không kịp, cha Guelda trốn được, các bà dùng nhiều xảo thuật khác, làm tất cả các thầy giảng bị bắt cùng trốn được. Từ đó các cha phải ẩn trốn vào các nghĩa địa. Cha Santa Crux phải ẩn trốn trong cót thóc nhà dân.

Năm 1718, Tòa Thánh sắc phong cha Santa Crux và cha Sextri làm Giám Mục, nhưng tại Ðàng Ngoài không có Giám Mục chủ phong. Cha Sextri phải trở về Manila chịu phong Giám Mục rồi trở lại Bùi Chu ngày 13 tháng 8 năm 1719 để phong chức Giám Mục cho cha Santa Crux tại làng Trung Linh cách Bùi Chu một cây số, trước sự chứng kiến của sứ thần Hoàng Ðế Tây ban nha.

Năm 1721, ngày 14/8/1721, một đám tang vô cùng cảm động diễn ra tại làng Trung Linh. Ðám tang đức cha Santa Crux, ngài là vị truyền giáo dòng Ða Minh đầu tiên tới VN năm 1676. Sau 45 năm tận tụy giảng đạo cho người VN nói chung và cho dân Bùi Chu nói riêng, với 21 năm làm cha chính địa phận, 14 năm quyền giám mục và 2 năm làm giám mục thực thụ đã qua đời hưởng thọ 75 tuổi.

Cũng trong năm 1721, phong trào cấm đạo lại bộc phát dữ dội, các giáo sĩ lại phải di chuyển bằng thuyền để trốn tránh, để tìm dịp đi thăm giáo dân và giảng đạo. Trong năm ấy, thầy Lễ bị bắt và chết rũ tù. Thầy là gương sáng cho mọi người trong tù, hằng ngày thầy vẫn đọc 15 tràng hạt 150 hoặc đọc một mình hay đọc chung với các thầy và giáo dân cùng bị giam.

Năm 1726, kỷ niệm 50 năm dòng Ðaminh tỉnh dòng Phi luật tân truyền giáo tại VN. Tính sơ qua, đã có 15 vị vừa Giám Mục vừa linh mục đã qua đời và an táng trên dất VN, một số khác đã trở lại Manila, sau khi đã mãn nhiệm kỳ. Nhờ công lao của các ngài, Chúa đã soi sáng cho rất nhiều người VN mà có tới 80% là dân Bùi Chu đã nhận biết ánh sáng Phúc Âm.

Năm 1737, đức cha Sextri qua đời, chôn táng tại Lục Thủy, cách Bùi Chu 2 cây số về phía Bắc. Ðức cha Hilarius a Jesu kế vị cho tới năm 1757. Năm 1737, cha Gil de Frederich bị bắt điệu lên Hà Nội cầm Tù cho tới khi bị xử tử năm 1745.

Năm 1738, năm đáng ghi nhớ trong lịch sử truyền giáo tại VN. Ta nên biết rằng: ngay từ năm 1668, các Ðức Cha đã nghĩ tới việc huấn luyện linh mục VN và đã có ít là 4 thầy giảng đã được huấn luyện để chịu chức linh mục. Như cha Gioan Huệ 46 tuổi, cha Bendictô Hiền 54 tuổi thuộc địa phận Ðàng Ngoài, cha Giuse Trang 28 tuổi, cha Luca Bền thuộc địa phận Ðàng Trong. Nhưng riêng địa phận Ðông, từ năm 1738, mới phát động phong trào gửi thanh niên ra ngoại quốc để học làm linh mục. Hoàng đế Tây ban nha thường xuyên hàng năm cấp 6 học bổng, mỗi học bổng là 100 quan tiền cấp cho chủng sinh VN du học tại các đại học Công Giáo tại Manila Phi luật Tân. Chủng sinh bất cứ là dòng hay triều đều được hưởng học bổng. Nếu thiếu, thì tỉnh dòng Ðaminh Phi luật tân sẽ cấp thêm. Vì thế, về sau mới có nhiều linh mục giảng đạo cho người VN. Cũng năm 1738, có 2 thanh niên VN nhập dòng Ðaminh.

Năm 1743, cha Mathoeus Liciniana bị bắt tại làng Lục Thủy và giam chung với cha Gil Federich và thầy Quí, những người đã bị bắt trước. Thầy Quí về sau nhập dòng Ðaminh và chịu chức linh mục, bị bắt, bị tra tấn một thời kỳ rồi được tha. Còn 2 cha Licinianna và Federich vẫn bị giam, nhưng được làm lễ va các phép bí tích cho tới ngày 22/1/1745 và bị xử tử tại Hà Nội. Xác 2 cha được đưa về an táng tại làng Liên Thủy.

Năm 1750, đa số các cha Ðaminh gốc Tây ban nha đều qua đời, chỉ còn cha Ludovicus Espinosa và 7 cha Daminh VN. Năm sau thêm 2 cha Hernandez và Emmanuael Martin. Thời đó, việc cấm đạo có vẻ lắng dịu, có lẽ vì các linh mục ngoại quốc đều ẩn tránh hay có lẽ vì 2 cha ngoại quốc mới bị chết vì đạo.

Năm 1753, một công đồng giả hiệu nhóm họp tại Lục Thủy gồm một số linh mục và thầy giảng ngoài dòng Ðaminh. Ðể phản đối, các vị thừa sai đã phải ủy cha Hernandez đi Roma trình bày diễn tiến cộng đồng giả hiệu ấy với Toà Thánh. Cha Hernandez trình bày các chi tiết của nhóm cộng đồng giả hiệu, tòa thánh hiểu vấn đề, và đã bổ nhiệm cha làm Giám Mục địa phận Ðông, và đồng thời từ nay trao địa phận Ðông cho các cha dòng Ðaminh, tỉnh dòng Phi luật tân. Trong khi các sự việc diễn tiến như trên tại Roma, thì đức cha Hilarius a Jesu qua đời tại Lục Thủy, cha chính Adrianus dùng quyền khiển trách và chống lại các cha Ðaminh đến nỗi cha Llobresals tác giả cuốn sách "Giống Má" phải lên tiếng phản đối cha Chính Adrianus và bênh vực các cha Ðaminh. Có thể cha Chính Adrianus hành động thiếu khôn ngoan, vì sau đó, Toà Thánh đã gọi Ngàiv à các cha dòng Augustino phải bỏ VN trở về Âu Châu. Trong địa phận Ðông hồi đó chỉ còn lại các cha Ðaminh và các cha VN với một số ít các cha dòng Tên.

Năm 1764, tình hình nội bộ êm đẹp trở lạị Tòa giám mục được di về Liên Thủy, cách Bùi Chu 1 cây số về phía đông. Cha Chính địa phận từ nay sẽ là cho phó giám tỉnh Ðaminh, tỉnh dòng Phi luật tân. Các cha gốc Âu châu hay các cha bản xứ sẽ phụ trách một nhiệm sở rõ rệt. Cha chính sẽ bổ nhiệm các thầy giảng giúp các cha tại các họ đạo. Giới phụ nữ cũng được lưu ý đặc biệt: cho học thêm giáo lý và sống đạo đức hơn để tổ chức thành tu hội Mến Thánh Giá hay dòng Ba Ðaminh sống chung với nhau. Cha Ludovicus Espinoza làm cha chính từ năm 1747 và đã qua đời, an táng tại Trung Linh năm 1770. Trước khi qua đời, ngài có ghi lại những cảm nghĩ về tình hình địa phận hồi ấy như sau:
"Trong địa phận, số giáo dân tăng thêm, mê tín dị đoan giảm thiểu, các người tân tòng sống đạo vừa có ý thức, vừa biết sửa đổi cách ăn ở". Hàng giáo phẩm hồi đó, ngoài Giám mục, còn có 9 cha Ðaminh Tây ban nha, 17 cha dòng Ðaminh VN và một số linh mục triều VN.

Năm 1773, cha Vincentius Liêm quê ở Thôn Ðông, Trà Lữ, tử đạo tại Hà Nội ngày 7/11/1773. Cha Vincentius Liêm du học Ðại học Ðaminh Manila năm 1754, chịu chức linh mục 1758, về VN giảng đạo, bị bắt và tử đạo. Ngài là một nhà trí thức uyên bác, lúc bị giam tại Hà Nội. Ngài yêu cầu quan quyền cho phép tranh luận về tôn giáo với các nhà trí thức của Phật giáo, Khổng giáo và Lão Giáo. Ngài đã được đáp ứng và các bài tranh luận của Ngài được ghi lại trong cuốn Hội đồng Tứ Giáo (Công giáo, Phật giáo, Khổng và Lão giáo). Cha Vinentius Liêm được phong chân phước năm 1906 và tại Ðại học dòng Ðaminh Manila, người được trọnh kính như quan thầy của trường. Hàng năm trường đại học tổ chức lễ kính Ngài rất long trọng.

Năm 1776, việc cấm đạo sôi động trở lại. Riêng các làng chung quanh Bùi Chu, 306 nhà thờ bị phá hủy. Cha nào bị bắt, giáo dân xin tha phải chuộc một ngàn quan tiền. Thầy Triệu và 20 người giáo dân bị xử tử, rất nhiều người bị cầm tù, bị tra tấn dã man, tình trạng bi thảm kéo dài tới năm 1781 mới tạm yên. Năm 1777, đức cha Hernandez qua đời tại Bùi Chu, cha Alonso tạm quyền nhiếp chính.

Năm 1779, cha Emmanuel Obelar, thụ phong Giám Mục tại Bùi Chu, sau khi trao xứ Kiên lao cho cha Feliciano, ngài di chuyển tòa giám mục từ Liên Thủy sang Bùi Chu. Ðến dây, ta nên nhớ rằng: tuy địa phận Ðông mà người ta thường gọi là địa phận Hải Phòng được thành lập từ năm 1679, nhưng trụ sở tòa giám mục vẫn đặt tại mấy làng chung quanh Bùi Chu, lúc thì ở Lục Thủy cách Bùi Chu 1 cây số về phía đông, cho tới năm 1779, mới dời về Bùi Chu. Năm 1848, tòa thánh lập thêm địa phận Trung tức Bùi Chu, thì toà giám mục địa phận Hải Phòng đi về Kẻ Sặt và mãi tới đầu thế kỷ 20, mới đưa về Hải Phòng. Còn Bùi Chu thì từ năm 1779 vốn là trụ sở của địa phận Ðông (Hải Phòng), và từ 1848 biến thành trụ sở của địa phận Trung tức Bùi Chu.

Năm 1785, cha Pujol sau khi hy sinh giảng đạo 27 năm tại các họ đạo Trung Lao, Thạch Bi, Phạm Pháo đã qua đời ở Bùi Chu. Ðức cha Obelar qua đời năm 1789 tại Bùi Chu sau khi đã phục vụ Giáo hội 21 năm trong cánh đồng truyền giáo. Cha chính Alonso lên thay thế ngài trong chức vụ GM địa phận đã có tới 95 ngàn giáo dân. Về chính trị, nhà Hậu Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn mất quyền vào tay nhà Nguyễn Tây Sơn thống nhất Nam Bắc VN.

Năm 1790, nhà Nguyễn Tây Sơn còn cấm đạo dữ dội hơn trước. Thầy Quí bị bắt với cha Liciniana tại Lục Thủy, bị điệu từ Nam Ðịnh lên Hà Nội, bị ra tòa 10 lần. Nhờ giáo dân hối lộ với quan nên thầy được tha. Thầy nhập dòng Ðaminh hồi 28 tuổi, học thêm về thần học, chịu chức linh mục nhưng sau cùng cũng bị bắt và chết vì đạo. Năm đó, giáo đoàn được thêm 4 cha: cha Delgado, cha Gatillepa, cha Vidal và cha Henares.

Năm 1793, cha Alonso thụ phong giám mục địa phận Ðông. Ðạo phát triển rất mau lẹ. Ðức cha mở tu hội Nhà Chúa tại nhiều nơi, xin Toà thánh bổ nhiệm cha chính Delgado Y làm giám mục phụ tá. Chính ngài truyền chức giám mục cho cha Delgado ngày 20-9-1795. Về chính trị, chúa Nguyễn Ánh tấn công nhà Nguyễn Tây Sơn tại Bắc Việt.

Năm 1789, cha Triệu gốc miền Nam ra bắc học thêm thần học tại Trung Linh, cạnh Bùi Chu với cha Henares. Xa nhà lâu ngày, muốn về thăm quê, trên đường vô Nam, cha bị bắt và bị xử tử tại đó.

Từ 1784 đến 1789, về chính trị chúa Nguyễn Tây Sơn đã nhờ đức cha Bá Ða Lộc (Pigneaux de Béhaine) đưa Hoàng tử Cảnh sang cầu viện nước Pháp. Một số tướng tá Pháp đã giúp chúa Nguyễn Ánh thống nhất được VN lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Khi mới lên ngôi, vua Gia Long ban chỉ thị tha đạo, hứa cho người công giáo được tự do giữ đạo, không phải đóng góp vào các việc tế tự của người ngoại giáo. Từ trước đến nay, sự đóng góp này đã gây nhiều khó nghĩ cho người công giáo thiểu số ở chung với những làng ngoại giáo.

Ngày 9/1/1803, đức cha Henares Minh thụ phong giám mục tại nhà thờ Phú Nhai cách Bùi Chu 3 cây số về phía đông trước sự tham dự rất đông của giáo dân và 31 linh mục VN, có cả phu nhân quan tổng đốc Nam Ðịnh tới dự với một đoàn lính hộ vệ.

Hai giám mục Delgado Y và Jacobus vào yết kiến vua Gia Long tại kinh đô Huế, trình lên vua lời hứa miễn cho giáo dân đóng góp vào việc tế tự thần Phật, nhà vua từ chối lấy cớ là các quan trong triều không ưng thuận.

Năm 1806, thêm 13Õ linh mục VN nhập dòng Ðaminh, trong số này có cha Yên, về sau bị bắt và tử đạo. Cha Yên là linh mục VN thứ 50 nhập dòng Ðaminh, tỉnh dòng Phi luật Tân. Các cha VN nhập dòng Ða Minh đa số học tại mấy đại học bên Manila.

Năm 1809, bão lụt rất lớn xảy ra tại Bắc Việt, nước sông, nước biển dâng cao, nhiều làng bị ngập lụt, hàng ngàn người bị chết đuối. Cha Amandi, bề trên dòng Ða minh, ra sức cổ động các nơi giúp đỡ nạn bão lụt. Chính ngài làm gương sáng và làm mọi cách giúp nạn nhân.

Năm 1812, vua Napoléon gây chiến tại Âu châụ VN tương đối bằng an, tình hình tôn giáo lắng dịu. Dân công giáo Bùi Chu lên tới 100 ngàn người. Những người sa ngã chối đạo vì yếu đuối, đều trở lại ăn năn hối cải. Về hàng giáo phẩm, ngoài đức cha và đức cha phụ tá, còn có cha chính, 8 cha gốc Tây ban Nha và 25 cha VN.

Năm 1816, nhiều người đặt huy vọng vào vua Gia Long, một ông vua đã nhận nhiều giúp đỡ của các giáo sĩ ngoại quốc, người ta cũng đặt hy vọng vào ông hoàng tử Cảnh, một ông hoàng hiểu biết nhiều về Tây phương nói chung và các giáo sĩ nói riêng. Nhưng hy vọng đã tan như mây khói. Ông hoàng tử Cảnh đã qua đời, và chỉ chịu phép rửa tội trước khi chết. Vua Gia Long không truyền ngôi cho con một bà quý phi khác là ông hoàng Ðảm sau này lấy hiệu là vua Minh Mạng. Triều đình hầu hết ác cảm với công giáo. Vì thế, những người hiểu rõ thời thế tiên đoán sóng gió tàn sát công giáo sắp diễn ra. Vua Gia Long qua đời năm 1820, vua Minh Mạng lên nối ngôi. Tuy tân vương rất ác cảm với công giáo, nhưng chưa muốn ra tay ngay, nhất là hồi đó, cả nước đang bị bệnh dịch tàn phá, khiến rất nhiều người bị chết. Chính nhà vua cũng lo sợ đề phòng bệnh cho chính mình.

Về tình hình địa phận, cha Bombin được chọn làm cha chính kiêm nhiệm cả cha sở xứ Ninh Cường và giám đốc chủng viện Ninh Cường. Tuy kiêm nhiều chức vụ, ngài rất chịu khó giảng dạy, khuyên bảo được rất nhiều người trở lại xin chịu đạo.

Năm 1825, vua Minh Mạng ra chỉ cấm giáo sĩ tây phương không được vào VN giảng đạo. Sang năm 1826, vua ra chỉ dụ cấm đạo. Vua cho mời các giáo sĩ ngoại quốc vào kinh đô Huế, và nói rằng vua cần nhờ các ngài phiên dịch một số tài liệu viết bằng ngoại ngữ tây phương. Mưu đó không thành công, vì các giáo sĩ đã đoán trước ác ý của vua, nên không ai đáp lời mời để tự nạp mình. Ðức cha Henares Minh thoát được vòng vây quân quan có ý bao vây để bắt ngài.

Năm 1830, đức cha Hermosilla tới giảng đạo tại VN. Số giáo dân địa phận Ðông, đa số là Bùi Chu, tăng lên 163 ngàn người.

Năm 1836, cha chính Amandi qua đời. Ngài là người đầu tiên soạn sách thần học luân lý bằng tiếng Việt. Ngài đà nhận 35 thanh niên VN gia nhập dòng Ða Minh trong số đó nhiều vị đã được phúc tử vì đạo thời vua Minh Mạng và Tự Ðức. Ngài cũng mời được cha Vincente Thiên nhập dòng Ða Minh. Cha Thiên là một linh mục trí thức, đã soạn cuốn sách các bài giảng bằng tiếng Việt Nam, một cuốn sách giúp ích rất nhiều cho các linh mục ngoại quốc và VN. Ngài là linh mục Ða Minh VN thứ 98.

Năm 1838, bắt được một số thư viết cho giáo sĩ ngoại quốc, vua Minh Mạng ra lệnh cho tổng đốc Trịnh Quang Khanh cấp tốc phải bằng mọi cách tiêu diệt các linh mục ngoại quốc và linh mục VN, bắt mọi người từ giáo dân đến giáo sĩ phải bỏ đạo bằng hành động bước qua tương thánh giá. Ðược lệnh này, tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã tích cực lùng bắt các giáo sĩ. Ông bắt được đức cha Delgado Y tại làng Kiên Lao cách Bùi Chu 3 cây số về phía Nam, bắt được đức cha Henares và thầy Chiêu tại một làng gần bãi biển.

Năm 1841, vua Minh Mạng ngã ngựa qua đời, vua Thiệu Trị lên nối ngôi, cha Hermosilla chịu chức giám mục tại Vĩnh Trị.

Năm 1847, vua Thiệu Trị chết, vua Tự Ðức nối ngôị Cha Marti Gia thụ phong giám mục phụ tá cho địa phận Ðông.

Năm 1848, địa phận Trung, tức Bù Chu được tách ra khỏi địa phận Ðông tức Hải Phòng, trụ sở địa phận Bùi Chu đặt tại làng Bùi Chu, còn địa phận Ðông bây giờ gọi là địa phận Hải Phòng được di chuyển từ Bùi Chu lên Ðông Xuyên do đức cha Hermosilla là giám mục và đức cha Hilario Aleazas làm giám mục phụ tá. Ðịa phận Bùi Chu được đặt dưới quyền đức cha Dominico Marti Gia và đức cha phụ tá Josepho Sanjurjo.

Năm 1848 là năm đáng ghi nhớ đối với lịch sử của Bùi Chu. Từ 1679 đến đây, tuy rằng tới 80% giáo sĩ, giáo dân được nói đến về địa phận đông tức Hải Phòng, đều xảy ra tại Bùi Chu. Ví dụ Toà giám mục địa phận Ðông, ban đầu đặt tại Lục Thủy cách Bùi Chu 2 cây số về phía Bắc, rồi lại di chuyển về Liên Thủy cách Bùi Chu 1 cây số về phía đông, sau cùng đưa về chính làng Bùi Chu. Các địa danh mà các giáo sĩ ngoại quốc thường đi lại, hoặc được chôn cất cũng đều là những họ đạo thuộc Bùi Chu như Trung Linh, Lục Thủy, Liên Thủy, Thủy nhai, Phú Nhai, Kiên Lao, An Lãng, Trung Lao, Nam Lạng, Phạm Pháo, Ninh Cường v.v... Nhưng danh xưng của địa phận vẫn là địa phận Ðông tức Hải Phòng chiếm một biên giới rất rộng lớn, bắc gaíp Trung Hoa, Ðông và Nam là Vịnh Bắc Việt, tây là sông Hồng Hà. Tới năm 1848, toà thánh mới chính thức thành lập địa phận Trung vì nó nằm giữa địa phận Tây (Hà Nội) và địa phận Ðông (Hải Phòng), và gồm 3 tỉnh: Nam Ðịnh, Thái Bình, và Hưng Yên.

Từ 1855 đến 1862, dưới triều vua Tự Ðức, việc cấm đạo khủng khiếp hơn hết. Riêng 2 địa phận Bùi Chu và Hải Phòng đã có trên hai ngàn giáo dân chịu chết vì đạo.

Năm 1858, cuối thời vua Tự Ðức, đức cha Melchior Sampedro Xuyên vừa mới nhận trọng trách địa phận Trung (Bùi Chu) đã bị bắt, nhưng trước đó ngài đã phong cho cha Berriochoa Vinh làm giám mục phụ tá có quyền kế vị. Ðức cha Xuyên đã bị xử lăng trì tại Nam Ðịnh ngày 28/7/1858.

Sau hoà ước Nhâm Tuất(5/6/1862), tôn giáo tương đối được dễ dàng đôi chút, nhưng địa phận Trung vẫn chưa có giám mục vì tình hình chưa yên hẳn. Phải đợi đến 1865 mới có đức cha Cezon Khang (1865-1880) về cai quản địa phận.

Với hiệu lực của hòa ước Nhâm Tuất (1862) và 2 sắc dụ tha đạo của vua Tự Ðức (1869) cùng với hòa ươ;c Giáp Tuất (1874), việc cấm đạo coi như được chính thức bãi bỏ, nhưng đã làm giới kẻ sĩ (Nhà Nho) phẫn nộ, vu oan cho người công giáo theo tây làm mất nước. Họ nổi dậy qua hai phong trào Văn Thân và Cần Vương dưới thời vua Hàm Nghi bắt bớ tàn sát người công giáo một cách vô cùng ác liệt.

Từ năm 1874 đến năm 1888 và nhất là từ 1855 đến 1888, phong trào Cần Vương đã gây thiệt hại rất nặng nề cho giáo hội nhất là tại miền Trung và miền Nam. Vì đó là những phong trào nhân dân, vua quan vô tình hay hữu ý, đã làm ngơ để dân không công giáo là đa số tàn sát dân công giáo thiểu số. Chúng ta thử tưởng tượng cảnh hãi hùng của những anh em chị em công giáo thời đó sống trong các làng mạc xa xôi, hay các làng nhiều người không công giáo. Ban đầu vì bất ngờ không đề phòng, người công giáo bị giết, bị tước đoạt tài sản, nhà thờ bị phá hủy không bút nào tả xiết. Về sau, biết là phong trào nhân dân ghen ghét và vu oan, người công giáo đã đứng lên tổ chức tự vệ để chống lại. Theo tài liệu để lại, 14 năm sau cùng này đã làm thiệt hại giáo hội VN không kém mấy trăm năm cấm đạo của các vua chúa.

Diễn tiến lịch sử cấm cách, bắt đạo trên đất Việt đã chứng minh hơn 30 ngàn anh hùng tử đạo dưới thời chúa Trịnh, Nguyễn và nhà Tây Sơn. Hơn 40 ngàn chiến sĩ đức tin dưới đời 3 triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức. Và hơn 60 ngàn tín hữu đã chết vì tin vào Ðức Ki-tô phục sinh bởi hai phong trào Văn Thân, Cần Vương.

Thiệt hại về nhân mạng và vật chất quá lớn laọ Hầu hết nhà thờ, nhà trường, các cơ sở tôn gia;o của địa phận đã bị hủy, giáo quyền phải nghĩ ngay đến việc trùng tu những cơ sở thiết yếu đó.

Nhận xét và phê bình vua chúa VN đã cấm đạo công giáo trải qua các thời đại, chúng tôi không muốn đưa ra ý kiến riêng, chỉ xin trích dẫn một số nhận xét của sử gia Trần Trọng Kim, người ngoài công giáo. Nói về sự cấm đạo thời vua Minh Mạng, ông Trần trọng Kim viết:" Nhà Vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại, Ðạo Thiên Chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như thế ? Các giáo sĩ bấy giờ cứ một niềm liều sống chết đi truyền giáo cho được, có người phải đào hầm mà ở dưới đất hàng mấy tháng để dạy đạo. Những người có chí bền chặt như vậy, thì hình phạt cũng vô ích mà thôi"
(VNSL - quyển II trang 228).
"Ðến năm Tân Hợi (1851) là năm Tự đức thứ 4, lại có dụ cấm đạo. Lần này cấm nghiệt hơn lần trước... Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Ðã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại dem tàm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước Iphanho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy" (VNSL - TTK Quyển II trang 242)
"Bọn văn Thân cả thảy độ non ba nghìn người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo. Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi, nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nỗi càn rở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru " (VNSL - TTK quyển II trang 289-290)

2 Phát Triển Trong Thời Bình: (1888-1936)

Từ năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi, việc đàn áp công giáo coi như chấm dứt, giáo hội VN như bừng tỉnh sau những ngày triền miên bị theo dõi bắt bớ. Giám mục địa phận Bùi Chu thời đó là đức cha Wesceslas Onate Thuận coi sóc từ 1884 đến 1897.

Ngài cấp tốc bắt tay vào việc xây cất lại đại chủng viện, nhà thờ chính tòa Bùi Chu, nhà dục anh Bùi Chu và tiếp tục giảng đạo rộng rãi hơn.

Năm 1897, đức cha Onate Thuận qua đời, đức cha Fernadez Ðịnh lên thay thế cho tới năm 1907. Ðức cha Ðịnh tiếp tục kiến thiết, chú trọng đến việc mở rộng nước Chúa và đã xây thêm được nhà thờ tại các làng ngoại giáo, phat' triển các hoạt động giáo hội. Tính đến năm 1907, đức cha Fernandez Dịnh từ chức, địa phận đã có những con số tốt đẹp như sau:
- 228192 giáo dân
- 615 nhà thờ
- 5 trại cùi
- 5 Cô nhi viện
- 2 bệnh viện
- 19 tu hội Mến Thánh Giá
- 3 Tu hội dòng Ða Minh.

Năm 1900, địa phận tổ chức đại hội rất long trọng trong lễ phong chân phước cho 26 đấng tử đạo của địa phận.

Năm 1907, đức cha Munagori Trung nhận quyền coi sóc địa phận Bùi Chụ Ngài thuộc dòng Ða Minh từ Manila sang VN, chịu chức linh mục tại Bùi Chu năm 1888, nên có nhiều kinh nghiệm về Bùi Chu. Ðời Giám Mục của ngài đã làm được rất nhiều công tác tôn giáo và xã hội. Ngài hoàn tất và kiện toàn đại chủng viện Bùi Chu, tu bổ và xây thêm tiểu chủng viện Ninh Cường, năm 1931 xâ cất trường thử Trung Linh, để thâu nhận các trẻ em nhỏ tuổi muốn đi tu, mà vì nghèoÕ không có phương tiện học hành. Các em sẽ hoàn tất chương trình tiểu học để lên học trung học tại tiểu chủng viện Ninh Cường. Sau đó sẽ lên đại chủng viện học triết học và thần học trước khi được gọi chịu chức linh mục.

Ðến đây, chúng tôi xin nhấn mạnh đến những lợi ích vĩ đại do các trường thử, tiểu chủng viện và đại chủng viện đã đưa đến cho giáo hội VN nói riêng và cho người công giáo nói chung. Tại Mỹ, địa phận chỉ nhận các tu sĩ mãn trung học vào học thêm 4 năm triết và 4 năm thần học để chịu chức linh mục. Tại VN không thể làm như thế được, nhất là vào đầu thế kỷ 20. Lý do rất đơn giản: vì ở thôn quê rất ít trường tiểu học, nếu có thì chỉ dạy đến trình độ lớp 3, ngoài ra dân ta nghèo không có tiền cho con lên tỉnh du học bậc trung học. Các địa phận công giáo mở những trường thử, dạy chương trình tiểu học, TCV dạy chương trình trung học. ÐCV dạy chương trình đại học về Triết và Thần học. Những thanh thiếu niên mãn các chương trình nói trên, nếu được làm linh mục là tốt nhất. Nếu vì bất cứ lý do cá nhân hay gia đình không làm linh mục được, cũng có thể làm thầy giảng hay it ra những giáo dân với cănb ản học vấn khá có thể vừa tiến thân, vừa giúp ích cho giáo hội và quê hương. Chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn cựu tu sĩ đang có địa vị trong xã hội, hay đang hăng hái tham gia vào các hội đoàn công giáo, tiến hành các hoạt động xã hội. Các chủng viện VN đã đóng góp rất lớn trong những thành công của họ.

(Nhà thờ Phú Nhai xây cất năm 1923 )

Ðức cha cũng lập trường thầy giảng, để đào tạo các thầy ra giúp các cha trong các xứ đạo. Năm 1908, mở nhà in tại Phú Nhai, để in các sách Việt Ngữ, chữ Nôm và chữ Hán. Ông Ðinh Xuân Phức, Costa Mesa, CA, vào thập niên 1930 là người hùng của máy in Pédale của nhà in Phú Nhai.

Năm 1916, nhân dịp kỷ niệm 700 năm thành lập dòng Ða Minh, với sự hiện diện của cha bề trên cả dòng Ða Minh từ Roma sang, ngài công bố lập Ðại Chủng Viện Thánh Albertô chung cho các địa phận do các cha Ða Minh quản trị. Mục đích là tăng hiệu lực cho việc giảng huấn. Thay vì mỗi địa phận tự tìm lấy ban giáo sư, thì các địa phận góp những giáo sư giỏi để đào tạo linh mục tương lai cho địa phận mình.

Các chủng sinh lại có cơ hội thi đua học tập mong rằng địa phận mình không thua kém địa phận khác.

Tới năm 1923, trong một trình đáng ghi nhớ của đời ngài là nhà thờ Phú Nhai. The lịch sử địa phận Trung kể lại, thì vào năm 1860, thời vua Tự Ðức đàn áp công giáo đẫm máu nhất, đức cha địa phận Bùi Chu lúc đó là Berriochoa Vinh và cha chính Riano Hòa khấn hứa xin Ðức Mẹ cho bằng an để giữ đạo, thì sẽ xây một đền thánh kính dâng Ðức Mẹ. Lời khấn hứa đã được Ðức Mẹ chấp nhận, vì thế giáo quyền địa phận cổ động quyên góp xây nhà thờ dâng kính Ðức Mẹ. Nhà thờ xây theo kiểu gothic, dài 88 mét, rộng 28 mét, 2 cây tháp cao 30 mét, do chính Y vẽ đồ án và trông nom công việc xây cất. Sau 7 năm công tác mới hoàn thành. Lễ cung hiến nhà thờ kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm đã được tổ chức rất long trọng vào ngày 8 tháng 12 năm 1923, do đức cha Munagori Trung chủ tọa với hầu hết các linh mục của địa phận và trên 50 ngàn giáo dân về tham dự. Trận bão ngày 30 tháng 9 năm 1929 đã làm nhà thờ bị hư hại nặng nề. Giáo dân lại quyên góp và đã sửa chữa xong vào năm 1933. Chúng tôi được biết ông Ðinh văn Tựa hiện ở San Antonio TX là người có công rất lớn trong việc xây cất lại nhà thờ Phú Nhai.

Năm 1926, nhân dịp lễ kỷ niệm ngày các cha Ða Minh tỉnh dòng Phi luật Tân tới giảng đạo tại VN được 250 năm, có đức khâm sứ toà thánh Aiuti tham dự, đại chủng viện thánh Albertô đã nâng lên hàng ÐCV miền.

Năm 1923, đức cha mời dòng Kín về lập nhà dòng tại Bùi Chu. Năm 1924, ngài xây trường trung học Saint Thomas, mời các sư huynh La San về quản trị và giảng dạy.

Năm 1933, nhân lễ kỷ niệm 25 năm giám mục của ngài, các cha tặng ngài mấy con số thống kê trong thời gian ngài làm giám mục như sau:
- 50,000 người trở lại đạo.
- 130,000 trẻ em bỏ rơi được đưa về nuôi tại cô nhi viện Bùi Chu.
- 250 nhà thờ mới được xây cất.
- 180 linh mục do ngài truyền chức.
- 73 họ đạo được thành lập.
- 15,000 tân tòng rải rác trong 270 họ giáo.
- 121,000 trẻ em học giáo lý trong 2337 lớp giáo lý.
- 70,000 trẻ em tiểu học trong 844 trường tiểu học.

Năm 1934, năm cuối cùng của đời giám muc, ngài xây tập viện Ða Minh tại Quần Phương để đào tạo thanh niên VN thành những sư huynh, những linh mục dòng Ða Minh. Trong ngày lễ chứng kuến các chủng sinh VN lần đầu tiên mặc áo, Ðức Cha quá mừng vui và cảm xúc thốt lên những câu: "Lạy Chúa, nay con đã sẵn sàng để Chúa đưa con về với Chúa..." Tập viện Ða Minh này tới năm 1940 đã trở thành trường sở của ÐCV Quần Phương.

Ðức cha qua đời ngày 17 tháng 6 năm 1936 và chôn cất tại Bùi Chu sau 48 năm liên tục tại địa phận Bùi Chu. Theo thỉnh cầu của ngài trong những năm trước khi qua đời, ngày mồng 9 tháng 3 năm 1936, tòa thánh đã chấp thuận lập địa phận Thái Bình tách khỏi địa phận Bùi Chu. Ðịa phận Thái Bình gồm 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, sẽ tiếp tục được đặt dưới quyền coi sóc của các cha dòng Ða Minh. Ðịa phận Bùi Chu còn 2 phần 3 huyện Nghĩa Hưng và 5 huyện Xuân Trường, Giao thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực của tỉnh Nam Ðịnh được trao cho hàng giáo sĩ VN do đức cha Hồ Ngọc Cẩn làm giám mục Phụ tá trông coi.

Õ
Õ

3 Trưởng thành với hàng giáo phẩm địa phương: (1836-1954)

Từ năm 1936, Bùi Chu hoàn toàn do giáo sĩ VN quản trị từ Giám mục tới linh mục. Vị Giám Mục đầu tiên cai quản địa phận BC là đức cha Hồ Ngọc Cẩn. Ta nên biết rằng toà thánh hằng mong ước các xứ truyền giáo mau chóng có những giáo sĩ bản xứ làm việc trong cánh đồng truyền giáo. Vì thế trong các huấn dụ của thánh bộ Truyền giáo, luôn luôn nhấn mạnh đến việc đào tạo các giáo sĩ địa phương. Ðiều này rất cần thiết và ích lợi, có thể giảm thiểu được phí tổn rất nhiều. Vì đào tạo một giáo sĩ địa phương đỡ tốn phí hơn đưa một giáo sĩ ngoại quốc vào. Hơn nữa giáo sĩ địa phương một khi được huấn luyện đầy đủ sẽ làm việc đắc lực hơn, vì biết ngôn ngữ địa phương, biết tâm lý địa phương, có thể lẩn trốn dễ dàng hơn trong lúc bị lùng bắt; ấy là chưa nói đến điểm lợi: tránh được tiếng xấu vọng ngoại, trong khi phong trào quốc gia quá khích trở nên sôi động. Tại VN, các nhà truyền giáo đã nghĩ việc đào tạo thanh thiếu niên VN trở thành linh mục năm 1663 đã lên tới 1159 vào năm 1933. Nhưng theo cơ cấu của giáo hội công giáo, đơn vị địa phận giám mục cai quản mới quan trọng. Vì thế, giáo hội VN đã có linh mục từ năm 1663 mà mãi tới năm 1933, nghĩa là 270 năm sau, mới có giám mục tiên khởi VN là đức cha Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phụ tá, rồi sau đó kế vị cai quản địa phận Phát Diệm từ năm 1935.

Ðịa phận thứ hia có giám mục VN là Bùi Chu với đức cha Hồ Ngọc Cẩn từ năm 1936. Ðịa phận thứ ba là Vĩnh Long do đức cha Ngô Ðình Thục coi sóc từ năm 1938. Từ năm 1939, khi Lạng Sơn được nâng lên hàng địa phận, giáo hội VN đã có 15 địa phận, 1 địa phận Cao Mên và 17 Giám Mục (10 Pháp, 4 Tây ban nha, và 3 VN) 347 linh mục ngoại quốc và 1330 linh mục VN.

Ðức cha Hồ Ngọc Cẩn sinh năm 1876 tại Ba Châu, địa phận Huế, chịu chức linh mục năm 1902, làm cha phó, giáo sư tiểu chủng viện 1924, sáng lập dòng Thánh Tâm, thụ phong giám mục ngày 29 tháng 6 năm 1935 tại nhà thờ Chính toà Huế, được bổ nhiệm làm phụ tá giám mục Bùi Chu với quyền đương nhiên kế vị.

Ngày 17/6/1936, đức cha Munagori Trung qua đời, ngài chính thức làm giám mục Bùi Chu, một địa phận sau khi đã tách 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, chỉ còn 1073 cây số vuông đất đai, 704,900 người bên lương, 238,000 công giáo, 520 nhà thờ, 130 linh mục, 70 đại chủng sinh, 140 tiểu chủng sinh và 390 thầy giảng.

Về tình hình chính trị trong thời kỳ này, tình hình thế giới rất căng thẳng: Nhật đánh chiếm Trung Hoa từ năm 1937 và kéo dài tới 1945, đệ nhị thế chiếnbùng nổ giữa Ðức và đồng minh từ 1939 tới 1945. Nhật chiếm VN từ 1940 đến 1945. Tháng 5 năm đó, Nhật đầu hàng Ðồng Minh vì sức tàn phá kinh khủng của hai trái bom nguyên tử, Việt Cộng cướp chính quyền từ 1945. Năm 1946, người Pháp trở lại VN gây cuộc chiến tranh Việt Pháp từ tháng 12 năm 1946. Ðất nước chia 2 khu vực: quốc gia, cộng sản. Nhiều địa phận công giáo cũng lâm cảnh chia 2 khu vực như thế. Sự liên lạc trở thành khó khăn. Trong khu vực cộng sản kiểm soát hoàn toàn, công giáo lại bị khó dễ, các linh mục, giáo dân bị bắt bớ tù đày.

Bắt tay vào việc coi sóc địa phận, đức cha mời các sư huynh Lasan về trường thử Trung Linh để ngay từ niên khóa 1937-38, trường dạy hết chương trình lớp cao đẳng tiểu học, mở ký túc xá đón nhận những học sinh ở các làng xa xôi tới ăn học tại chỗ.

Cũng từ niên khóa 1937-38, ngài tái lập ÐCV riêng cho địa phận BC. Nên nhớ lại rằng từ năm 1930, các chủng sinh Triết và Thần học của cả địa phận BC, Hải Phòng và Bắc Ninh đều học chung tại ÐCV thánh Albertô tại Nam Ðịnh - cũng còn gọi là trường Khoái Ðồng - do các cha dòng Ða Minh giảng dạy. Ðức cha Hồ muốn lập ÐCV riêng cho địa phận, để chủng sinh hiểu rõ tại chỗ các nhu cầu thiết thực của giáo dân, hầu sau này sẽ không bỡ ngỡ khi thi hành chức vụ linh mục. Sau nhiều cuộc vận động với toàn thánh qua sự trung gian của đức khâm sứ. Ngài đã thành công bằng cách gây dựng ÐCV từ lớp Triết I trở lên. Cha cố Trần đức Tiến và cha Nguyễn Ðăng Quang là những chủng sinh lớp Triết đầu tiên học ở ÐCV Bùi Chu. Ban đầu ÐCV đặt ở BC, rồi Phú Nhai, tới năm 1940, mới đưa hẳn về Quần Phương.

Ngoài việc cải tổ trường thử, TCV, tái lập ÐCV, riêng đức cha còn sáng lập dòng Mân Côi. Thời ấy
trong địa phận có 14 nhà phước gồm 417 chị em thuộc dòng Mến Thánh Gía và dòng ba Ða Minh không có lời khấn. Cũng nên biết rằng: Dòng Mến Thánh Giá do Ðức Cha Lambert de la Motte sáng lập tu hội đầu tiên tại Kiên Lao, BC năm 1670. Trong thời cấm đạo, các chị em chia nhau đi an ủi giáo dân, liên lạc và giúp đỡ những người bị tù đà, và nhiều chị em được phúc tử vì đạo.

Năm 1941, Ðức Cha đệ đơn xin Tòa Thánh cho phép lập dòng nữ Mân Côi, để thu nhận dì phước ở các nhà thuộc hai tu hội trên, và thu nhận cả những thiếu nữ muốn đi tu. Mục đích của dòng là truyền giáo bằng cách thực thi bác ái trong việc dạy dỗ thanh thiếu nữ, săn sóc bệnh nhân và hỗ trợ các hội đoàn công giáo tiến hành. Tuy chưa có sắc lệnh tòa thánh chấp nhận, vì giữa lúc đệ nhị thế chiến bùng nổ dữ dội, sự liên lạc giữa Việt Nam và Roma khó khăn hơn, nhưng tin chắc sẽ được ưng thuận, đức cha chọn nhà phước Trung Linh làm trụ sở của dòng Mân Côi. Tới năm 1946, tức sau đệ nhị thế chiến, sắc chỉ ưng thuận của tòa thánh mới tới nơi. Ngày 6/9/1946 tuyên sắc lập dòng vào đúng ngày lễ sinh nhật Ðức Mẹ. Lớp tập đầu tiên ngày 21/11/1946 có 17 chị, lớp tập kế tiếp ngày 3/2/1947 có 26 chị. Tới ngày 28/11/1948, ngày vị sáng lập qua đời, đã có 100 chị khấn và vào nhà tập.

Sự cải thiện lớn nhất của Ðức Cha Cẩn là lập hội cầu nguyện, hội thanh niên Công Giáo, và cải biến các hội đó thành những hội đoàn công giáo tiến hành, làm tăng số xưng tội rước lễ lên 15 lần.

Ngày 15/2/1938, đức cha ra thư chung lập hội nghĩa binh thánh thể, in điều lệ, in bằng cấp cho các cha tuyên uý, các quản giáo, các tông đồ nghĩa binh và sổ kho quân binh Sau 6 tháng phát động, số nghĩa binh đã tới 23,879 em. Hội Cầu nguyện đã có 49,847 hội viên. Ngày 16/6/1948 mở đại hội Nghĩa Binh tại Bùi Chu ở Ninh Cường. Ngày 22/6/1948. lại mở đại hội Nghĩa BInh tại Tứ Trùng thuộc Lạc Giáo.

Phong trào thanh niên công giáo phát động từ 8/6/1937, in điều lệ hội các cha Tuyên Úy để học tập và sau đó đi tổ chức tại các xứ trong địa phận. Ðức cha đã rút kinh nghiệm về thanh niên công giáo trong các ngày giảng tuần tĩnh tâm cho thanh niên công giáo tại Nam Ðịnh hồi cuối năm 1935, các bài giảng được rất nhiều người ca tụng. Năm 1936, Ngài lại đi tham dự đại hội thanh niên công giáo tại Nam Ðịnh, sau khi rút được nhiều ưu khuyết điểm. Ngài mới thành lập các đoàn thanh niên công giáo cho Bùi Chu. Vì thế, chỉ sau 1 năm tổ chức, đã có trên 10,000 đoàn viên. Ngày 30/4/1939, ngày lễ thánh cả Giuse, Ngài tổ chức đại hội thanh niên công giáo tại Phú Nhai qui tụ 2,500 thanh niên Bùi Chu với sự tham dự của nhiều đại diện thanh niên các địa phận Phát Diệm, Thái Bình, Hải Phòng. Ðức cha Nguyễn Bá Tòng thuyết trình về vai trò thanh niên trong sứ mạng giữ đạo và truyền đạo. Tôi còn nhớ một số can'n bộ thanh niên công giáo hồi đó, nay đang có mặt tại Mỹ như Ðinh Xuân Phức, Vũ khắc Sắc, Vũ Khắc Tới, Phạm Quang Khai...

Năm 1945, trại huấn luyện thanh niên tại Cồn Tròn, các bạn thanh niên gốc Hạ Trại, Kiên Chính, Tang Ðiền là nòng cốt của trại huấn luyện này.

Tháng 10 năm 1946, Việt Minh cướp chính quyền. Sau khi đã biết bộ mặt thực cộng sản của Hồ Chí Minh, trại thủ lãnh thanh niên công giáo mang tên Hồ Ngọc Cẩn đã tổ chức tại Quần Phương quy tụ trên một ngàn thanh niên ưu tú để chuẩn bị tư tưởng đối chọi với làn sóng vô thần của Việt Minh cộng sản. Những thanh niên ưu tú đó đã được huấn luyện để trở thành những cán bộ nòng cốt của phong trào Công giáo Cứu Quốc 1946-1951 sau này.

Nói đến đức cha Hồ Ngọc Cẩn là phải nói đến các hoạt động văn hóa, như tạp chí Ða Minh bán nguyệt san là những tờ báo rất hiếm trên diễn đàn văn hóa thời đó. Lúc bấy giờ, báo chí công giáo chỉ có Trung Hòa Nhật Báo của Hà nội ra mỗi tuần 3 kỳ, tuần báo Vì Chúa của Huế, Lời Thăm của Quy Nhơn và Sacerdos Indonensis xuất bản hàng tháng ở Huế. Ngài còn viết nhiều sách như "Bổn đồng Ấu", "Thánh Giáo Thuyết Minh", "Cáo giải linh đơn", "Văn Phạm tiếng Việt Nam", "Văn Phạm La Ngữ", và một số sách hộ giáo rất có giá trị trong thời đó như: "Truy tầm chân đạo", "Thận chung truy viễn", v.v...

Ðức cha Hồ với tổ chức Ra Khơi (Duc in Altum) ở Quần Phương: Khi ÐCV Bùi Chu di về Quần Phương hồi năm 1940, đức cha Hồ đã khuyến khích cha Nguyễn Năng Vịnh cùng với ngài lập Hàn Lâm thực tiễn, lập thư viện với nhiều sách mua và xin ở các nơi, đễ các chủng sinh nghiên cứu thêm ngoài Triết và Thần Học, lập ban nhạc, tổ chức diễn thuyết hàng tháng cho vùng Hải Hậu đến tham dự. Ðó là nguồn gốc của tổ chức văn hóa Ra-Khơi hay Duc In Altum của Bùi Chu sau này: Phong trào đã đưa dến nhiều kết quả rõ rệt: Các chủng sinh chăm chú học tập và nghiên cứu hơn. Giới trí thức lương giáo chung quanh ái mộ và kính phục công giáo hơn. Tôi còn nhớ cha già Nguyễn Thanh Ðiện (Riverside,CA) hồi đó là một tay vĩ cầm nổi tiếng. Ông Phạm đức Hạnh(Costa Mesa,CA) là ca sĩ hạng nhất thời ấy.

Về việc truyền giáo, ngài lập quỹ truyền giáo, lập hội lễ Misa, chọn cha Trần Ðình Thủ làm tổng tuyên úy truyền giáo, chọn 12 vị phụ tá để đôn đốc việc truyền giáo. Cha Trần Ðình Thủ sau này là bề trên sáng lập dòng Ðồng Công.

Sau khi đã tận tụy hy sinh và làm tròn sứ mạng, Ngài đã qua đời ngày 27/11/1948 tại Bùi Chu và hưởng thọ 72 tuổi, làm Giám Mục được 13 năm.

Một tiến bộ đặc biệt khác về phương diện ca nhạc phụng vụ là việc thành lập nhạc đoàn Sao Mai. Từ nhiều thập niên trước cho tới ngày thay đổi chính quyền tháng 8 năm 1945, nhạc phụng vụ thường gồm hai phần, bình ca và các bài hát cầu nguyện bằng Pháp ngữ trong sách Cantiques de la Jeunesse. Khi những thánh ca bằng tiếng Pháp, mặc dầu rất được yêu chuộng, xem ra không thích hợp với thời mới có tính cách bài Pháp, các nhạc sĩ địa phương gồm Hải Linh, Minh Trân, và Thiều Quang (Thầy giáo Tri) bắt đầu viết các bài hát VN mới đầu tiên để đáp ứng nhu cầu trong địa phận. Sau khi mau chóng hoàn thành được một tập trên mười bài hát đặt tên là Ca Vịnh, Hải Linh và Minh Trân mang lên trình bầy cùng đức cha Hồ Ngọc Cẩn, với tâm sự lo sợ không được đức cha chấp thuận, vì "bụt nhà không thiêng" ? nhất là đối với phận các con cái của đức cha, bao giờ cũng là bé nhỏ.

Hai ông đã lầm, vì sau khi trình bầy và hát cho đức cha nghe, đức cha nói, cha cũng có một bài hát cho cha in vào sách với. Thế là mọi sự thông qua, và trong số các bài hát trong tập Ca Vịnh I, có bài hát Nữ Vương mà tác gỉa là Hồ Ngọc Cẩn, nằm chung với các bài "Tháng Hoa" của Hải Linh, "Mẹ Từ Bi" của Minh Trân v.v... Và chỉ ít tháng sau, Ca Vịnh II ra đời với "Ðêm Ðông", "Những Ðêm Thâu" và thêm các đóng góp của một số các nhạc sĩ khác như Ngô Duy Linh "Xin Phù Hộ Cứu Giúp", Thanh Hương "Thánh Gia" và sau này Vũ Ðình Trác "Cảm tạ Hồng Ân" v.v... Nhạc đoàn Sao Mai với đầy đủ sự đóng góp trong tinh thần yêu mến phụng vụ, các nhạc sĩ trước sau hầu hết đã có mặt tại Hoa Kỳ và rất còn khởi sắc xung phong ngoại trừ Thiệu Quang đã mất tích trong những năm kháng cộng tại Việt Trì và Thanh Hưng vẫn còn lọt lại tại Việt Nam.

Sau khi đức cha Hồ qua đời, cha chính Uyên tạm quyền. Tới ngày 4 tháng 8 năm 1950, đức cha Phạm Ngọc Chi mới chính thức thụ phong và nhận quyền giám mục. Ðức cha sinh ngày 14 tháng 5 1909 tại Tôn Ðạo, Ninh Bình, du học tại Roma, chịu chức linh mục 1933 tại Roma, rồi tiếp tục học và đậu các bằng cử nhân Thần học, cử nhân Giáo luật và tiến sĩ Triết học 1936. Trở về VN làm giáo sư, làm giám đốc ÐCV Phát Diệm cho tới ngày nhậm chức giám mục Bùi Chu 14/8/1950.

Ðức cha nhận địa phận giữa lúc chiến tranh cộng sản và Pháp đến thời quyết liệt, vì chính quyền tại Trung Hoa tàn quân quốc gia của Tưởng giới Thạch phải di tản ra đảo Ðài Loan hồi 1949. Biên giới VN thànht rục giao thông dễ dàng giữa 2 đảng CS Việt Hoa, nói rõ hơn Trung cộng tiếp tế người và vũ khí dồi dào cho Việt cộng hơn trước gấp bội.

Từ trái qua phải: DGM Phêrô Phạm Ngọc Chi (ÐP Bùi Chu), ÐGM Phêrô Ngô Ðình Thục (ÐP Vĩnh Long) , Ðức Giáo Hoàng Pio XII, ÐGM Thadeo Lê Hữu Từ (ÐP Phát Diêm)Õ và DGM Giuse Trịnh Như Khuê (ÐP Hà Nội)

Tình hình chung của đất nước VN lúc đó là thế. Riêng hai địa phận Phát Diệm, Bùi Chu thì đi vào một khúc quanh lịch sử đặc biệt. Hồi cuối năm 1949, cựu trung tướng Nguyễn văn Vỹ hồi đó còn là đại úy, nhảy dù xuống Phát Diệm đưa thư quốc trưởng Bảo Ðại viết cho đức cha Lê Hữu Từ, giám mục địa phận Phát Diệm, ủy cho đức cha tạm quyền lập một khu tự trị gồm Bùi Chu và Phát Diệm. Cuối năm 1949, cha Hoàng Quỳnh được đức cha bổ nhiệm lập lực lượng võ trang tự vệ Bùi Chu Phát Diệm. Nhân tiện sẵn có mấy trăm thanh niên BC tạm lánh tại Phát Diệm, đã huấn luyện quân sự mấy năm rồi cùng với cha Hoàng Quỳnh sang tổ chức Phong Trào Tự Vệ BC. Hồi đó cha chính Uyên đang tạm quyền nhiếp chính. Chỉ trong vòng 2 tháng, toàn thể địa phận BC đã lập được những đoàn võ trang tự vệ, khiến lực lượng hành chánh và quân sự của VC phải rút vào bí mật. Vì thế, sự đi lại ngày đêm giữa các họ đạo BC không bị cộng sản uy hiếp. Tình trạng tốt đẹp này kéo dài tới ngày 4/8/1950, lúc đức cha Phạm Ngọc Chi nhận quyền địa phận BC.

Ngày 4/8/1950, Bùi Chu tưng bừng với lễ tấn phong chức giám mục cho Ðức cha Phạm Ngọc Chi, có ÐC Ngô Ðình Thục từ Vĩnh Long ra, ÐC Lê Hữu Từ - PD chủ phong và nhiều nhân sĩ công giáo từ Trung-Nam-Bắc về dự lễ.

Cảnh thanh bình tồn tại đến năm 1952, thì tình trạng mất an ninh chớm nở ban đầu từ những làng xã xa BC rồi lan dần về tới tỉnh lỵ.

Nói đến đức cha Phạm Ngọc Chi, những người biết nhiều về ngài, đều có chung một nhận xét: Nếu có thời giờ và môi trường hoạt động., Ngài sẽ làm được nhiều điều lợi ích cho Giáo Hội và Quê Hương. Nói như thế, vì chúng tôi thấy ngài có nhiều yếu tố bản thân để thành công. Ngoài những kiến thức và nhiều bằng cấp thu lượm tại các đại học ngoại quốc, Ngài là người có óc thực tế trong suy luận và hành động, bình dân, lịch thiệp và vui vẻ, rất biết dùng người, biết sáng suốt tiếp nhận ý kiến hay đẹp của người khác, biết chịu đựng người dưới quyền trong những lúc thảo luận gay go. Óc cầu tiến của Ngài thật là rõ rệt. Trong một vài năm nhận địa phận, Ngài đã gởi trên dưới 50 nam nữ tu sỹ đi du học tại Âu Mỹ. Thêm vào yếu tố thành công sẵn có, đức cha lại biết chú ý đến xã giao và quen biết nhiều bạn học ngoại quốc, được nhiều sự giúp đỡ về tài chánh từ các nước.

Nhưng hoàn cảnh bên ngoài có vẻ không hoàn toàn thuận lợi cho ngài. Vì khi nhận địa phận được mấy tháng, tình hình chính trị có vẻ bất lợi: Phía quốc gia càng ngày càng mất đất, phía cộng sản tăng cường hoạt động. Trong địa phận BC, nhiều họ đạo ở những vùng hẻo lánh đã bị cảnh ngày quốc gia, đêm cộng sản.

Chúng tôi sẽ trình bày công việc của ÐC duới hai phương diện văn hoá và tôn giáo.

Về tôn giáo, ngoài những công tác thường nhật của một chủ chăn đối với đoàn chiên chúa giao phó, ngài còn nhiều sáng kiến độc đáo, lập những phái đoàn giảng tuần đại phúc, đi từng xứ trong địa phận. Mỗi phái đoàn gồm 3 cha và 2 thầy giảng, chọ trong các cha có giọng nói cảm động, dễ hiểu, đến từng xứ đạo, hợp tác với các cha sở tại, để tổ chức một tuần cấm phòng. Sáng kiến này đưa đến nhiều kết quả khác thường. Hầu hết những người bỏ xưng tội lâu năm đã nhân cơ hội này trở lại với Chúa. Những người khác thì thêm lòng sốt sáng hành đạo hơn. Chính họ sở tại tòa Giám mục, thì hàng tuần, ngài tham dự buổi thuyết giảng vào chiều thứ bảy, do những cha có tài hùng biện đến trình bày một vấn đề về Ðức Mẹ. Khán giả được chú ý đặc biệt là giới trí thức. Buổi giảng thuyết nào cũng đông nghẹt cả công viên cuối nhà thờ chính toà BC. Khi BC thành tỉnh BC và đầu năm 1951, số công chức gia tăng đáng kể, Ngài cổ võ lập hội "Mẫu Tâm Công Tư Chức" khuyết khích họ giữ đạo dàng hoàng, đặc biệt là tôn sùng Ðức Mẹ. Ủy ban Truyền Giáo do cha Trần Ðình Thủ được bổ nhiệm làm giám đốc ngay từ hồi ÐC Hồ Ngọc Cẩn, thì nay đức cha Phạm Ngọc Chi mở rộng thành phần, tổ chức nhiều phái đoàn truyền giáo, mời nhiều nam nữ giáo dân tham gia, đi khắp các nơi trong địa phận để giảng đạo. Kết quả rất tốt đẹp: từ cuối năm 1950 đến 1954, đã có trên 40,000 người theo đạo.

Ðức cha cũng xúc tiến cải tổ các tu hội. Năm 1951, ngài ủy thác cha Hoàng Mạnh Hiền từ Nam Ðịnh về Bùi Chu cải tổ dòng Ba Ðaminh BC. Di cư vào nam năm 1954, dòng Nữ tu ÐaMinh BC lập nhà ở Tam Hiệp, Tân Mai, tỉnh Biên Hòa.

Về văn hóa, ÐC là một nhà trí thức uyên bác và thức thời. Ngay từ khi nhận địa phận, ngài đã ủy ký gỉa Minh Châu, Ðỗ Viết Phúc xuất bản Tuần Báo Thời Mới tại BC, lúc đó sẵn có nhà in đã được di chuyễn từ Phú Nhai sang BC ngay từ hồi đức cố giám mục Hồ Ngọc Cẩn.

Một công tác văn hóa đặc biệt là ngài đã thúc đẩy việc thành lập trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn. Ta nên nhớ lại rằng trường trung học Hồ Ngọc Cẩn đã được cha Phạm Châu Diên thành lập từ năm 1949, và mở lớp dạy tại các lớp học xứ Lục Thủy với hơn một trăm học sinh.

Hồi đó cha Phạm Châu Diên làm trưởng ty học chánh Bùi Chu từ 1950. Ông Phạm Trung Quân (Austin, TX) làm chánh văn phòng tòa giám mục Bùi Chu, kiêm phụ tá ty học chánh. Ngoài việc sáng lập trường HNC niên khoá 1949-50, cha Phạm Châu Diên còn có công trong việc thiết lập các trường tiểu học dạy chương trình lớp 5 tại hầu hết các làng xã, các giáo xứ trong địa phận. Ngài cũng lập trường trung học Phêrô Tự tại Ninh Cường do cha Tạ Ðức Kiểm làm hiệu trưởng

Khi về nhận địa phận, ÐC đã thấy rõ tầm mức quan trọng của một trường trung học tại BC, nên ngài đã bổ cha Trần Ðức Huynh làm hiệu trưởng. Ðang sẵn có uy tín với chính quyền quốc gia, ngài vận động biến trường Hồ Ngọc Cẩn thành trường công lập.
Chính quyền hồi đó ý thức rõ ràng uy thế của khối công giáo Bùi Chu Phát Diêm nên đã công lập hoá trường trung học Trần Lục - Phát Diệm do cha Trần Phúc Long làm hiệu trưởng và trường trung học Hồ Ngọc Cẩn của Bùi Chu do cha Trần Ðức Huynh làm hiệu trưởng.

Di cư vào Nam, trường trung học Trần Lục đưa vào Sài Gòn và trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn lúc đầu đặt tại Sài Gòn, nhưng từ niên khóa 1956-57 đà di chuyển sang tỉnh lỵ Gia Ðịnh.

Ở trên chúng tôi đã nói ÐC chú ý đặc biệt đến ảnh hưởng sâu rộng của một trường trung học. Thực vậy khi đã được chính quyền công lập hóa trường Hồ Ngọc Cẩn BC, ngài triệt để ủng hộ và làm mọi cách để phát triển thực lẹ với một ngân sách tối thiểu. Ngài cho trường mượn không 12 phòng học của trường Thử Trung Linh và các phòng cần thiết khác làm văn phòng, phòng giáo sư, phòng thí nghiệm v.v... Chính phủ chỉ phải trả lương cho ban giám đốc, văn phòng và ban giám thị, ban giáo sư và băn phòng phẩm. Ðức cha đã sáng suốt và can đảm di chuyển trường Thử dạy chương trình tiểu học xuống Ninh Cường ngay vào niên khóa 1950-51, và đưa chủng viện Ninh Cường dạy chương trình trung học lên Trung Linh để học theo chương trình của trường Hồ Ngọc Cẩn BC đặt tại trụ sở tại Trung Linh. Cách mạng hơn nữa, ngài cho rút ngay lớp Triết I từ ÐCV Quần Phương về Trung Linh học ôn để thi bằng tú-tài. Các cha Ðỗ Ðình Tiệm, nguyên hiệu trưởng trung học Nguyễn Bá Tòng Saigon, cha Nguyễn Thanh Bình (San Antonio), cha Nguyễn Hưng, ông Trương Tiến Ðạt là những cựu học sinh đỗ tú tài đầu tiên niên khoá 1951-52 của trung học Hồ Ngọc Cẩn BC.

Một chi tiết khác cũng nên lưu ý là hồi 1948-54 trong số tất cả các trường công lập tại miền Bắc VN, chỉ có 4 trường trung học dạy chương trình trung học đệ nhị cấp (từ lớp 10 tới lớp 12 ) 3 trường ở Hà Nội là Trưng Vương, Chu Văn An, Nguyễn Trãi và 1 trường ở BC là Hồ Ngọc Cẩn. Các trường công lập khác như Nguyễn Khuyến(Nam Ðịnh), Ngô Quyền(Hải Phòng), Trần Lục(Phát Diệm) v.v... chỉ dạy chương trình trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 đến lớp 9 như ngày nay)

Sự thành công của trường Hồ Ngọc Cẩn, ai cũng phải công nhận đó là công ơn rất lớn của ÐC Phạm Ngọc Chi, vì từ xưa đến giờ, trong địa phận đã có rất nhiều thanh thiếu niên vốn thông minh hiếu học, nhưng vhỉ vì thiếu môi trường, vì ở quá xa thành phố, không có trường học, lên tỉnh học, thì vừa sợ tốn phí, vừa sợ nguy hiểm về đạo đức. Nay được cơ hội thuận tiện, học ngay gần nhà, lại thuận đà tiến, khi di cư vào Nam, họ tiếp tục học lên, và đưa thêm con em vào học thành thử chỉ sau mười năm, số sinh viên gốc BC tốt nghiệp đại học cũng rất cao.

Sang năm 1952, Việt Cộng lấn đất dành dân, tấn công các nơi, khiến vùng Quần Phương, trụ sở của ÐCV BC thành nơi mất an ninh, ÐC đã nghĩ ngay tới vei^.c di chuyển ÐCV lên Hà Nội, để chủng sinh an tâm học hành.

Một công tác đặc biệt khác của ÐC, là chỉ trong mấy năm, ngài đã gửi được 50 người đi du học ngoại quốc, trong số đó có cả linh mục, tu sĩ nam nữ. Lý do là Ngài quen biết những Giám Mục ngoại quốc bằng lòng cấp học bổng, và ngài thấy cần đào tạo nhân tài, để sau này về giúp địa phận.

Một công việc khá đặc biệt khác cũng xảy ra dưới thời Ðức cha Chi là việc thành lập tỉnh Bùi Chu năm 1951. Tưởng cũng cần nhắc lại vào thời kỳ bị đàn áp, cấm cách, trụ sở các địa phận thường hay chọn đóng ở những nơi có nhiều bảo đảm, chẳng hạ những vùng nông thôn có nhiều giáo dân. Nhưng một khi tình thế sáng sủa, thì toà giám mục lại muốn đưa về các thành phố lớn để dễ bề liên lạc. Chẳng hạn trụ sở toà giám mục Hà Nội đã di từ Kẻ Sở lên Hà Nội, toà giám mục Hải Phòng cũng bỏ Kẻ Sặt di về Hải Phòng. Bùi Chu cũng trải qua một thời kỳ sôi nổi có ý kiến muốn đưa xuống Quần Phương cho trung độ hơn, có ý kiến muốn đưa lên tỉnh lỵ Nam Ðịnh cho dễ liên lạc với chính quyền và với toà thánh. Nhưng khi ý kiến Bùi Chu thành tỉnh được thành hình, thì mọi người đều thấy thỏa mãn, vì Bùi Chu vừ là tỉnh lỵ vừa là trụ sở tòa giám mục. Tỉnh Bùi Chu gồm có những huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Huyện Nam Trực thuộc Nam Ðịnh.

Ðịa phận Bùi Chu đang tiến triển tốt đẹp như trên thì tình hình chính trị xoay chuyển: Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước VN phần từ vĩ tuyến 17 trở lên, trong đó có cả Bùi Chu thuộc quyền cộng sản, phần đất vĩ tuyến 17 trở xuống dành cho phe quốc gia. Tin sét đánh đó làm bàng hoàng mọi người công giáo, giáo dân cũng như giáo sĩ. Một vấn đề lương tâm được đặt ra: Ở hay đi ? với giáo dân thì không thành vấn đề, nhưng đối với linh mục thì lại là vấn đề. Chúa chiên có thể bỏ con chiên mà trốn không ? Sau khi thảo luận lâu dài, giải pháp đã được đưa ra: đi hay ở tùy theo lương tâm mỗi người. Nếu thực sự thấy an ninh của mình bị trầm trọng, mình có ở lại cũng bằng thừa, thì có thể ra đi. Ấy là chưa kể sự kiện đi để theo giúp những giáo dân đã quyết định di tản.

Từ đó phong trào di cư tị nạn cộng sản kéo dài 300 ngày kể từ 20 tháng 7 năm 1954, đã đưa con số 150,000 giáo dân Bùi Chu đi di cư vào Nam hồi năm 1954, trong số 650,000 người công giáo Bắc Việt đi tìm tự do, và 150 linh mục đảm nhiệm 100 họ đạo thiết lập tại miền Nam. Phần Bùi Chu còn ở lại miền Bắc là 81,446 giáo dân và 28 linh mục.
Õ

4 Bùi Chu di cư và tị nạn (1954-1975)


Hiệp định Genève 20 tháng 7, 1954 chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhưng lại chia cắt VN thành hai miền lấy vĩ tuyến 17 tức sông Bến Hải làm ranh giới. Hiệp định cũng có khoản dành 300 ngày để những ai muốn di chuyển từ miền nọ sang miền kia.

Hồi đó, ông Lê Quang Luật là đại diện chính phủ tại Bắc Việt, đã lập ủy ban tiếp cư do ông Mai văn Hàm, một nhân sĩ người Kiên Lao, Bùi chu làm chủ tịch, cha Mai Ngọc Khuê (Bùi Chu), cha Nguyễn Khắc Việt Anh (Thái Bình), làm tuyên úy. Nhờ sự đồng tâm, nhất trí giữa ông đại diện và ủy ban tiếp cư, việc tổ chức di cư cũng như tiếp cư đã đạt được kết quả rất to lớn như ta đã thấy: hơn kém một triệu người Bắc đã vào Nam tìm tự do trong đó có 650,000 người công giáo và 150,000 người công giáo Bùi Chu. Lý do chính khiến người công giáo Bùi Chu đi dược nhiều, là vì địa thế Bùi Chu có nhiều phương tiện di chuyển đễ dàng bằng đường thuỷ, ra bể có tàu lớn đón, hoặc bằng đường bộ đi thẳng ra Hải Phòng.

Vào đến miền Nam, người Bùi Chu lại càng được phấn khởi, vì ÐC Phạm Ngọc Chi đã được đức khâm sứ toà thánh giới thiệu với đức giám mục Sài Gòn để coi sóc giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân di cư. Ðức cha cũng được chính phủ mời làm chủ tịch ủy ban hỗ trợ định cư. 150 cha Bùi Chu di cư đã giúp giáo dân di cư Bùi Chu đi định cư tùy theo sở thích và nghề nghiệp. Những người quen nghề ngư nghiệp chọn định cư tại Phước Tỉnh, Phước Lâm, Bến đá, Sao Mai, Phan Thiết. Có những người vừa làm nông nghiệp vừa thương nghiệp thì định cư tại Hố Nai, Tam Hiệp. Những người thích nghề nông thì chọn Dốc Mơ, Gia Kiệm, Bảo Lộc, Tâ Ninh, đi xa hơn nữa lên vùng Cao Nguyên Banmêthuột như tại Kim-Châu Kim-Phát, hay xuống tận cuối miền nam như Cái Sắn.
Những công tư chức hay thương gia chọn sống tại Saigon hay các vùng phụ cận như Bùi Môn, Hóc Môn, Thủ Ðức v.v... Chúng ta đã thấy rất nhiều xứ di cư, đa số là giáo dân Bùi Chu sống chung với nhau như Phước Tỉnh, Phước Lâm, Bến Ðá, Sao Mai, Láng Cát, Chu Hải, Dốc Mơ, Gia Kiệm, Bùi Hiệp. Bùi Ðức, Tân Mai, Bùi Phát, Bùi Môn, Tân Sa Châu, Hố Nai, Bùi Chu v.v...

Tiểu chủng viện Bùi Chu chuyển từ Bắc vào Nam đặt tại 63 Bùi thị Xuân Saigon. Ngoài các chủng sinh Bùi Chu, các chủng sinh những lớp trung học đệ nhị cấp của các địa phận Thái Bình, Hải phòng cũng ăn học tại đó.

Ðại chủng viện Bùi Chu cũng được di chuyển vào Nam và ban đầu đặt tại số 1B đường Bùi Chu Saigon, trên khu đất thuộc nhà thờ Huyện Sĩ, về sau đưa sang Gia Ðịnh.

Trường trung học Nguyễn Bá Tòng đã có từ lâu do một số cha hợp tác với cha sở nhà thờ huyện Sĩ đứng tổ chức. Ban đầu, trường chỉ xử dụng có 5 phòng học. Từ niên khóa 1955-56 mới xây thêm dẫy nhà 3 tầng và trao cho cha Nguyễn Quang Lãm làm hiệu trưởng, rồi cha Nguyễn Khánh Tường, sau cùng là cha Ðỗ Ðình Tiệm làm hiệu trưởng cho tới năm 1975. Trường Nguyễn Bá Tòng là tổ hợp phát triển giáo dục, trong đó Bùi Chu có 33%, địa phận Saigon 33% và nhà thờ Huyện Sĩ 34% cổ phần. Số học sinh trung học Nguyễn Bá Tòng thời đông nhất là 10,000.

Trường Hưng Ðạo sáng lập từ niên học 1959-60 cũng là một tổ hợp trong đó Bùi Chu có 40%. Ðịa Phận Vinh 10% , phần còn lại là của một số giáo sư. Số học sinh trung học Hưng Ðạo thời đông nhất là 14,500. Cha Trần Ðức Huynh là giám đốc sáng lập từ 1959-1975.

Nhà in Nguyễn Bá Tòng thành lập ngay từ hồi 1955. Ngoài các việc in sách và văn phòng phẩm của khách hàng đưa tới, nhà in chú ý đặc biệt in các sách triết học, thần học và những sách về tôn giáo, học thuật của nhà xuất bản Ra Khơi, nhà xuất bản của Bùi Chu. Hồi 1955, nhà in còn ấn hành tuần báo Ðường Sống do cha Vũ Ðình Trác làm chủ nhiệm. Từ năm 1970, nhà in được cải tiến đại quy mô, xây lên 4 lầu, mua thêm máy in tối tân, máy chụp, máy làm bản kẽm, máy xếp chữ Monophoto với số vốn trên 400,000 mỹ kim. Ðặc biệt nhất máy Rotative Offset in nhật báo đầu tiên ở VN là máy của nhà in Nguyễn Bá Tòng và nhật báo đầu tiên ở VN in bằng máy này là nhật báo Sóng Thần của nhà văn Chu Tử.

Trụ sở Bùi Chu trước ở gần nhà thờ cha sở họ Huyện Sĩ, đến năm 1970, khi xây xong nhà in Nguyễn Bá Tòng, thì trụ sở di chuyển ra đó, và chiếm trọn 4 căn lầu của dẫy nhà in Nguyễn Bá Tòng. Trụ sở Bùi Chu là nơi ở của các cha đại diện Bùi Chu và các cha làm việc chung tại Sài Gòn, đồng thời cũng là nơi vãng lai cho các cha các thầy gốc Bùi Chu mỗi khi có việc về Sài Gòn.

Building Gia Long là một khách sạn ở đường Gia Long, đối diện với cổng chính nhà thương Grall có 60 phòng cho thuê, tạo mãi từ năm 1960.

Nhà hưu dưỡng các cha ở Ngã tư Bảy Hiền, cạnh trường trung học Bùi Chu của các nữ tu Mân Côi. Các thầy có nhà hưu dưỡng trên Dốc Mơ Gia Kiệm.

Ai cũng biết tài sản Bùi Chu cũng là của địa phận gốc Bùi Chu, nên phải có người đứng săn sóc và làm sổ sách phân minh rõ ràng. Vì thế đã có ban quản trị tài sản gồm 5 cha, ba tháng ủy ban họp một lần, để trình bày các chi thu. Số thu là do các tài sản ở trên đưa tới. Số cho là những chi phí của trụ sở và nhà hưu dưỡng các cha các thầy và rượu lễ, quà cáp gửi về địa phận mẹ Bùi Chu.

Bùi Chu, Bắc Việt Nam Ngày Nay:



(Ð.C. Phạm Năng Tĩnh GM BC 1960-1974) Theo niên lịch công giáo kỷ hợi 1959, phát hành dịp Ðại Hội Thánh Mẫu toàn quốc tại Saigon năm 1959, số giáo dân còn lại miền Bắc là 81,446 với 28 linh mục giúp 102 xứ đạo, trong đó có 78 xứ đạo không có linh mục. Có cha phải phụ trách 36,000 giáo dân.
Cha chính Phạm Năng Tĩnh bí thư toà giám mục Bùi Chu từ 1952 đã di cư vào Nam 1954. Vâng lời bề trên, Ngài trở về Bắc làm giám quản địa phận Bùi Chu từ 1954-1960. Mãi mùng 10 tháng 11 năm 1960 ngài mới được chịu chức giám mục, và vì quá kiệt sức Ngài qua đời ngày 12 tháng 2 năm 1974. Kế vị đức cha quá cố, là đức cha Ðaminh Lê Hữu Cung sinh năm 1898 tại Phú Nhai, huyện Xuân Trường, Bùi Chu, thụ phong giám mục 26 tháng 6 năm 1975. Mặc dầu 88 tuổi rồi, ngài vẫn còn đủ sức săn sóc địa phận. Phụ tá cho đức cha già là đức cha Vũ Duy Nhất, sinh năm 1911 tại Sa Châu, huyện Giao Thuỷ Bùi Chu, thụ phong giám mục ngày 8 tháng 8 1979. Tuy 75 tuổi, nhưng vẫn đủ sức chịu đựng.

Theo tài liệu chính thức của toà thánh Annuario Pontificio per L'anno 1984, giáo dân Bùi Chu Bắc VN là 165,000, 117 giáo xứ, 30 linh mục, 33 chủng sinh, 1 nam tu sĩ và 90 nữ tu.

(Hai đức cha Bùi Chu VN 1986 - Ð.C. Vũ Duy Nhất (trái) và Ð.C. Lê Hữu Cung)
Nhìn vào số giáo dân và số linh mục, và quan sát hình 2 đức giám mục của chúng ta, mặc phẩm phục giám mục, nhưng chân đi dép cao su, dáng người gày còm, chúng ta nên suy nghĩ nhiều về sự thiếu linh mục, thiếu cả tinh thần và vật chất của địa phận mẹ Bùi Chu: Suy nghĩ suông chưa đủ, phải có hành đông đi theo là cầu nguyện và giúp đỡ.

Tị Nạn 1975:


Hiệp định Ba lê chấm dứt chiến tranh VN một lần nữa, những cũng là cơ hội Việt cộng lừa dối trắng trợn thế giới. Thay vì chính phủ 3 thành phần, công sản cướp luôn cả chính quyền miền Nam, đại bịp luôn cả Mặt trận giải phóng miền Nam. Khác với hồi năm 1954, chia đôi đất nước, ai không ưa cộng sản có thể di cư về vùng quốc gia. Lần này, 1975, hết vùng quê hương quốc gia để đi tới, vì đã lọt vào tay cộng sản hết rồ. Di cư là mạo hiểm, không biết đi dâu, đi vào đất lạ quê người, phong tục ngôn ngữ đều quá xa lạ. Hơn nữa, đi bằng cách nào ? Bao giờ đi ? Có chắc ăn không ? Bằng ấy câu hỏi ám ảnh những người ngán cộng sản, muốn đi tìm TỰ DO.

Lần này các linh mục chỉ được biết rằng chính sách chung là các giám mục quiết không ai đi, còn các linh mục thì tùy theo lương tâm, nếu cảm thấy an ninh bản thân thực sự bị đe dọa trầm trọng, thì có thể đi. Ngoài ra, chúa chiên đừng bỏ con chiên mà chạy trốn.

Ra đi lần này, những ai c'o phương tiện ở gần bờ biển là đi được nhiều nhất, rồi đến những người đi bằng tàu hải quân. Số người đi bằng máy bay ít hơn vì không đủ thời gian. Về sau, đi chui là nhiều nhất. Những người tới nơi được cũng nhiều, những người chết đuối dưới biển cũng nhiều.

Bùi Chu lại may mắn có nhiều người sống gần biển, nên mang được cả nồi niêu xoong chảo, mang cả TV đen trắng đi theo.

Ban đầu sang Mỹ, mạnh ai tìm lấy chỗ ở. Sau mấyu năm, nhờ quen thuộc phong tục, bà con mách nước giúp nhau sống quit ụ gần nhau tùy theo họ hàng quen thuộc, tùy theo khí hậu ấm mát hơn, tùy theo công việc làm ăn, nhà cửa đắt rẻ v.v... nên đã có những cộng đoàn rất đông người VN sống chung, như vùng Orange County, Los Angeles, San Jose, Houston, New Orleans v.v...

Từ năm 1980 về sau, một phần vì thư từ liên lạc về VN tương đối dễ dàng hơn, tin tức trao đổi giữa bà con trong và ngoài nước được biết nhiều hơn, một đàng vì đời sống bên này đã tạm ổn định hơn, nên việc gửi quà về VN trở thành thói quen. Ðức bác ái thúc đẩy nhiều bậc từ bà con thân thộc đến bạn bè đồng nghiệp. Xa hơn nữa, phải nghĩ đến cộng đoàn thiêng liêng, tức là các cha các thầu hưu dưỡng nói riêng, và địa phận Mẹ Bùi Chu nói chung. Hội ái hũu gia đình Bùi Chu phát xuất từ đó, và trở nên sợi giây liên lạc giữa bà con Bùi Chu nơi hải ngoại.

Thưa quý bạn,

Nhìn lại 425 năm lịch sử công giáo Bùi Chu, chúng ta hãnh diện là con cháu các Thánh Tử Ðạo. Cha ông chúng ta đã phải lấy máu đào với bao tra tấn cực hình để giữ đức tin va truyền lại cho chúng ta. Các vị thừa sai ngoại quốc đã bỏ mọi tiện nghi tại quê nhà , để mạo hiểm vào vùng đất xa lạ cả về phong tục lẫn ngôn ngữ, cùng rất nhiều đau khổ, và đổ cả máu mình ra để rao giảng Ðạo Chúa cho ta.

Chúng ta phải cám ơn tổ tiên, cám ơn các vị thừa sai đã để lại cho ta ÐỨC TIN và gương hy sinh cao quý. Của quí báu như vậy, ta phải cố giữ vững đức tin ấy, phải sống Ðức Tin mãnh liệt, phát triển đức tin ấu và thúc dục con cháu chúng ta cũng phải sống đức tin mạnh mẽ như chính chúng ta.

Những dòng sử trên đây được viết theo tài liệu chính xác. Từ năm 1935 về sau được viết theo những điều mắt thấy tai nghe. Tôi học tiểu chủng viện Ninh Cường giữa năm đức cha Hồ làm giám mục phụ tá Bùi Chu và năm sau, 1936, Ngài chính thức nhậm quyền giám mục cai quản địa phận Bùi Chu. Tôi chịu chức Linh Mục do đức cha Hồ năm 1947, đã hợp tác với đức cha Phạm Ngọc Chi trong một số công tác trong địa phận từ ngoài Bắc đến miền Nam; tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ năm 1975, và là một trong những người đề xướng thành lập hội Ái Hữu Bùi Chu tại Hải Ngoại.

Viết những dòng trên đây, mong qúi bạn nhớ địa phận gốc, một nguồn gốc rất vĩ đại về mọi mặt, để giữ vững Ðức Tin trong vùng đất mới, và nhất là để duy trì mãi mãi Bùi Chu, vì chúng ta là những người may mắn có phương tiện để duy trì Bùi Chu: giúp đỡ địa phận gốc Bùi Chu, giúp các cha, các thầy hưu dưỡng và những giáo sĩ còn đang bị tù đày trong nhà giam cộng sản.