SU'U TÂ`M 3

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.PGHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | SLIDESHOW | THO* NHA.C | CHUYÊ.N LA. KHO' TIN

BÀI VIÊ'T 6

Tạp ghi: Đi Lấy Chồng Xa

 

ĐI LẤY CHỒNG XA...

(Huy Phương)

 

 

LGT: Từ một ngẫu nhiên nhưng sâu sắc tình nghĩa như những đường nét hữu duyên của định mệnh, chúng tôi được hân hạnh đọc bài viết "Đi Lấy Chồng Xa" trong cuốn "tạp ghi" cùng tên của nhà văn Huy Phương. Xúc động trước những thao thức chân thành mà tác giả gửi gắm trong bài viết, chúng tôi vội tìm hiểu thêm về ông, và được biết, ông tên thật là LÊ NGHIÊM KÍNH, nhà giáo động viên vào khóa 16 Thủ Đức, từng là Biên tập viên báo chí và đài phát thanh Quân đội, Tổng thư ký toà soạn Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà và tạp chí Tiền Phong, Trưởng phòng Tâm Lý Chiến và Chính Huấn tại TTHL Quang Trung; và sau 1975, ông đã bị 7 năm tù cải tạo trước khi định cư tại California, Hoa Kỳ. Giới thiệu về ông, ngay trang đầu của cuốn tạp ghi "Đi Lấy Chồng Xa", Nhà Xuất Bản Nam Việt viết:

 

Thời niên thiếu, ở Huế, người ta biết đến Huy Phương như một người làm thơ và viết tùy bút. Bài của ông đến với người thưởng lãm rất sớm, khoảng năm 1952, trên tuần báo Đời Mới (Saigon) do Trần Văn Ân chủ trương. Cũng như đa số thanh niên lớn lên cùng thời với ông, cho tới khi trở thành một thầy giáo tỉnh lẻ, ông đọc và chịu ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn và nhiều nhà thơ tiền chiến. Tác phẩm hay khuynh hướng sáng tác của ông, lúc khởi đầu, chưa bộc lộ những nét đặc thù riêng. Ông có xuất bản thơ và truyện, nhưng không thực sự gây tiếng vang trên văn đàn. Sau này, qua những trải nghiệm trong hơn mười ba năm quân ngũ rồi bảy năm với nhà tù Cộng Sản từ nam ra bắc, ông đã kinh qua bao nhiêu dời đổi, thăng trầm, nhìn rõ được bộ mặt cuộc đời và lòng người, đau khổ, hận thù, xót xa, cay đắng. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1990, cầm bút trở lại, ông tự xác lập ngay cho mình một đường hướng sáng tác mới, dùng ngòi bút trực tiếp đề cập tới những vấn đề xẩy ra hàng ngày, trước mắt, phê phán những hiện tượng tiêu cực, minh họa những xót xa ẩn khuất của đời người mà ông tế nhận được bằng cảm xúc tinh vi của một người viết nhập cuộc. Ông chọn Tạp Ghi là lối viết thẳng vào sự việc, không hư cấu, quanh co. Do vậy, có người phê phán văn phong ông cay đắng, mỉa mai, nhưng đồng thời cũng nhiều người cho là dí dỏm và đầy tình nguời. Nói như nhà văn Phan Nhật Nam, "Huy Phương đã viết tận chân tình", viết "vì bổn phận của người được sống sót." Ký mục gia Bùi Bảo Trúc, ngòi bút "phiếm" nổi tiếng, nhận định về ông: "Huy Phương là người viết Tạp Ghi hay nhất trong làng báo hải ngoại". Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những ân tình sâu nặng mà nhà văn Huy Phương dành cho Sàigòn Times, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết Đi Lấy Chồng Xa của ông...

 

*

 

“Lấy chi trả thảo cho cha,

Đền ơn cho mẹ, con ra lấy chồng”

(Ca dao)

 

Lúc tôi mới lên ba thì chị đã mười tám tuổi. Ngày ấy khi cha tôi dạy học ở Bố Trạch, Quảng Bình thì chị tôi theo chồng về tỉnh lỵ Đồng Hới, con đường từ nhà mẹ ra nhà chồng cũng chẳng bao xa. Tôi nghe nói ngày chị đi lấy chồng, mẹ tôi khóc nhiều vì chị là con đầu lòng, mà chị tôi cũng sụt sùi không kém. Vài năm sau, cha tôi đổi về quê quán Thừa Thiên cho gần gũi với bên nội, thì khoảng cách giữa chị tôi và gia đình xa thêm một khoảng đường. Năm 1954, đất nước bị chia cắt, chị tôi và mẹ ở hai miền Nam Bắc phân ly không hy vọng có ngày đoàn tụ.

 

Trong suốt một thời gian dài, mẹ tôi xót xa coi như mất một đứa con không bao giờ có thể thấy mặt lại. Hai mươi mốt năm sau, khi chị tôi về lại quê nhà thì cha mẹ tôi đã qua đời. Dù có hạnh phúc với chồng con đi nữa, suốt cuộc đời, chị tôi vẫn mang trong lòng một sự ân hận, là phải đi lấy chồng xa để khuya sớm không được gần gũi với cha mẹ. Và mẹ tôi trước khi thở hơi cuối cùng giã từ cuộc đời vẫn thường nhắc đến chị tôi, trong lòng còn thương nhớ khôn nguôi.

 

Ngày cha tôi từ giã cõi đời, con cái ông đang ở mỗi đứa một nơi, đứa cam phận tù đày, đứa phiêu bạt rời bỏ quê hương, trong những ngày hiu quạnh cuối cùng chắc ông buồn lắm. Thế hệ ngày trước, lớn lên, sống và chết trong cùng dưới một mái nhà, có lẽ không ai muốn con thành đạt để đi xa, mà chỉ muốn con cái quanh quẩn bên cạnh như đàn gà dưới cánh mình, dù đôi lúc sức lực cha mẹ không còn che chở được gì cho con  cái..  

 

Không ai muốn gả con đi lấy chồng xa, không phải vì còn nhờ cậy lúc tuổi già “gả con thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”, mà chính vì mối tình cảm quyến luyến giữa mẹ con, gia đình: “mẹ ơi đừng gả con xa, một mai cha yếu mẹ già ai trông ?”

 

Có phải ngày nay tấm lòng con không phải còn chơn chất, đơn thuần như ngày trước không, hay là vì tấm lòng cha mẹ đã đổi thay. Cái trò chơi háo hức làm người dự thí để được trúng tuyển lọt mắt xanh được một ông chồng Đại Hàn, Tàu Cộng hay Tàu Quốc rồi bây giờ tới Mã Lai, Singapore đã trở thành một câu chuyện “thường ngày ở huyện”, không dở không hay, không vui mà cũng không buồn. Nó đã trở thành một nếp sống, nói theo chữ dùng của bên nhà là “nếp sống văn hóa”, đương nhiên phản ảnh con người và tư tưởng của cái xã hội ấy.

 

Trong cái xã hội mới cách đây vài chục năm ngắn ngủi thôi, cái lễ nghĩa, liêm sỉ khi trong một gia đình có đứa con gái gọi là “bị chửa hoang” hay “làm đĩ” được coi là “bôi tro trát trấu” lên mặt mày cha mẹ và danh giá gia đình, thì ngày nay nó lại là chuyện đương nhiên, nếu việc ấy đem về cho gia đình một số lợi nhuận, để cái nhà mình có thể cất lên cao đẹp hơn những cái nhà khác trong xóm, và mặt mày cha mẹ cũng hãnh diện ngẩng cao hơn.

 

Có nỗi đau đớn nào hơn:

 

- “Mẹ cha ơi hỡi mẹ cha,

Nghèo gần không gả, giàu xa đem đày !”

 

- “Mẹ em thấy của thì ham

Hang hùm cứ tưởng hang vàng ép con.

Nói ra thẹn với nước non

Ngậm vào cay đắng lòng con  đêm ngày !”

 

Trong truyện Kiều, vướng nỗi oan ức, “....thằng bán tơ kia giở giói ra, làm cho bận đến cụ Viên già” thì nàng Kiều mới đành phải bán mình chuộc cha. Đời này chúng ta có hằng chục nghìn cô Kiều cũng trẻ thơ xinh đẹp, cha mẹ chưa hề mắc vòng lao lý hay phải hầu cửa quan, chưa vướng lụy nỗi oan gia, mà cũng tự nguyện bán mình. Lý do mà quí cô đưa ra là nghèo đói làm không đủ ăn, không có tiền cho cha mẹ trả nợ hay cần sửa nhà, sửa cửa, mua xe. Xem ra thì những lý do đó vẫn quanh quẩn chung quanh chuyện tiền. Trong thời chiến tranh người ta mừng vì sinh con gái khỏi phải cầm súng ra mặt trận, ngày nay đông con gái cũng là điều mang giàu sang lại cho nhiều gia đình.(!)

 

Thời chiến tranh, Thượng Nghị Sĩ Mỹ McGovern khi sang thăm Việt Nam chỉ mới nói một câu: “Saigon là một ổ điếm” mà những người có liêm sỉ đã thấy giận đỏ mặt. Hôm nay đất nước này coi chuyện bán thân, làm đĩ là chuyện bình thường thì chúng ta còn dám ngẩng mặt lên nhìn ai nữa !

 

Ngày nay những người chị của tôi lớn lên trong tuổi thanh xuân sẽ không có mối tình duyên đẹp đẽ, hoa mộng nào nữa. Chị lo trau dồi sắc đẹp, giữ gìn thể xác và nguyện lòng chẳng hề yêu ai, để một ngày kia chị sẽ không còn nỗi vướng bận nào khi chị ra đi, làm như đời chị sinh ra được sắp đặt tới một tháng ngày nào đó, như một món hàng, người ta xuất cảng chị ra nước ngoài, để đem về cho chính phủ của chị một món ngoại tệ, cho cha mẹ một số tiền trả ơn trả nghĩa phải chăng. Có hàng nghìn người chị đã bỏ xóm làng ra đi, chị bỏ cái cuốc cầm tay, gánh hàng trên vai hay mái chèo nơi một con đò ven sông, và nhất là chị phải bỏ những mối ràng buộc yêu thương, liên hệ gia đình để tới một nơi xa lạ, lạ những phong cảnh, thế tục, lạ cả tiếng người. Cũng có thể những người chị này đã để lại bao nhiêu mối tình thơ mộng sau lưng cho những chàng trai đã ngày nào yêu chị. Rút cuộc, người ta nhận ra rằng, không còn gì giữ chân chị lại được, ngoài đồng tiền ra.

 

Ngày nay không phải thân phận chị chỉ được rao bán tại quê nhà mà chị như kiện hàng được đem ra nước ngoài, để trên kệ hàng, tủ kính có ánh đèn màu hấp dẫn, có ghi giá cả như con cừu trong chợ gia súc hay món thịt đông lạnh trong cửa hàng thịt. Phải nói chị sinh ra không gặp thời, chị lớn lên trong lúc người ta cần những thứ hàng xuất khẩu. Anh em chị, người sang đông, kẻ sang tây đổ máu mắt, mồ hôi mới có miếng ăn, đồng tiền trả nợ, đồng tiền ơn nghĩa ngay cho những thế lực đã mang bán các anh em họ hàng ra đi. Chị cũng như món hàng. Ngày xưa mẹ có rổ rau, buồng chuối hay con gà, cặp vịt đem ra chợ bán, để có đồng tiền mua lại mớ tôm, con cá, hay may cho chị manh áo mới, mua cái  lược, cái gương soi. Ngày nay, có lẽ không còn gì hay sao mà cha mẹ lại đành lòng bán chị đi ? Ngày xưa, nuôi được con heo nái đẻ con, lúc bán đàn heo con đi, mẹ cầm xấp bạc trong tay mà thở dài, bây giờ bán chị đi, lòng mẹ có buồn nghìn lần hơn thế không ?

 

Sự biến đổi đau lòng nhất là những người chị của tôi có lẽ không biết buồn dù có “nước non nghìn dặm ra đi” tới nơi xa xôi. Sống trong thời đại mới, biết đâu chị còn hãnh diện hơn đám bạn bè hay lối xóm xấu xí, vô phước nghìn lần hơn chị, ngày chị ra đi, họ vẫn chân lấm tay bùn, bàn chân nứt nẻ trong nước đồng ruộng hay trên sông rạch nghèo nàn quê mùa, ngày hai buổi chợ. Tôi thực sự buồn cho nỗi buồn của chị thì ít mà buồn cho tấm lòng chai đá của cha mẹ thì nhiều. Vương Ông thấy con mà “máu sa ruột dàu”, còn cha mẹ chị bây giờ thì nghĩ sao ? Rồi đây, mỗi chiều cơn nước ròng, nước dẫy, con thuyền ra chợ còn mang theo tiếng hát của cô gái nghèo, sinh ra lớn lên với ruộng đồng, sông rạch, có ai nhớ tới những người chị tôi đang ở một phương trời nào đó, hạnh phúc hay khổ đau, làm người vợ chung thủy hay làm gái đĩ cho ngoại nhân. Nhìn lại đất nước hằng trăm năm qua, kể cả những lúc quằn quại vì ngoại xâm, đói nghèo tột độ, chưa lúc nào, nhân phẩm của những người đàn bà như chị bị vùi dập như bây giờ, vào cái thời dân tộc đang có cả "độc lập” lẫn “hạnh phúc” !

 

Mai này, chị có thể là mẹ một bầy con còn bập bẹ đôi tiếng Việt. Nhưng rồi qua một đời, hai đời, chị hòa tan vào giòng máu ngoại tộc, từ miếng ăn thức uống, đến chiếc áo mảnh khăn, người ta may ra chỉ còn nhớ tới chị như một người đàn bà đã lâu lắm, từ một đất nước nào đó tới đây, một đất nước rất cần tiền nên phải bán chị đi.

 

Chị như cánh lục bình rời xa con rạch cũ, lỡ trôi giạt ra tới biển Đông rồi, sẽ không bao giờ có thể trở lại nhánh sông xưa. Thương chị, lòng tôi ray rứt, không yên.

 

 

HUY PHƯƠNG

(Bai Chuyen)

 

website counter