Phàm Lệ

        1. Cuốn Thế Phả được chép theo đời và chia làm ba giai đoạn : Thủy Thổ Phả, Vương Phả và Đế Phả. Những người cùng một đời được chép chung vào một phần theo thứ tự thân sơ.

        2. Thủy Thổ phả chép đơn sơ hơn hai phần Vương và Đế Phả. Mỗi đời trong Thế Phả sẽ được đánh số rõ ràng. Phần Thủy Tổ phả đánh số La Mã, phần Vương Đế Phả đánh số La-tinh.

        3. Mỗi đời chép một người đại điện cho đời này còn những người khác cùng đời được chép vào mục anh chị em của người đại diện đó, tùy theo thứ tự thân sơ mà chép trước hay sau. Riêng ở phần Đế Phả từ đời 15 đến đời 17 chỉ chép nhửng nhân vật lên ngôi vua và chép giống như các người khác trong phả mà không chép giống như người đại diện cho mỗi đời.

        4. Chép Thủy Tổ phả khởi đầu từ Định Quốc Công Nguyễn Bặc và định đó là đời thứ I (chữ La Mã).

        Chinh phục và mỡ mang cơ nghiệp ở phương Nam khởi từ Thái Tổ nhưng đìềm lành lâu dài khởi từ Triệu Tổ nên phần Vương Phả chép khởi từ Triệu Tổ lấy đó làm đời thứ 1 (chữ La-tinh) cho nhánh họ Nguyễn Phúc.

        Thống nhất giang sơn dựng nên đế nghiệp khởi từ Thế Tổ nên chép Đế Phả khởi từ Thế Tổ.

        5. Mỗi đời lập thành một Hệ, mỗi Hệ gồm nhiều Phòng, mỗi Phòng có nhiều Chi. Phần Vương Phả gọi là Hệ, phần Đế Phả gọi là Chính Hệ để phân biệt. Các Hệ, Chính Hệ đều có số thứ tự căn cứ vào thứ tự các đời, đời nào không có Phòng tức không có Hệ. Riêng từ đời 15 trở đi không được theo Hệ để chép.

        Theo Thế Phả chỉ chép những người mở ra Hệ, và mở ra các Phòng. Còn những người khác sẽ chép trong Phả của từng Phòng mà không chép trong Thế Phả này.

        6. Về cách chép từng người thì trước tiên chép tên húy, cố gắng chép âm theo tự điển, có kèm chữ Hán ở bên cạnh, không chép theo âm đọc trại đi vì kiêng kỵ. Tiếp theo chép đến chức tước nhưng chức sau cùng, các chức tước khác được ghi trong phần tiểu sử.

        Tiểu sử của người nào khảo xét được thì chép rõ, chép có chứng cớ rõ ràng, không khảo xét được thì không chép. Tiểu sử phần lớn căn cứ trên  các Phả cũ cùng sử sách chính thức của triều Nguyễn hoặc các sách sử có giá trị, không chép theo lời kể hay lời truyền. Cùng chung một việc nhưng mỗi người có tiểu sử riêng, việc trình bày ở người này rõ thì ở người kia đơn sơ, muốn rõ sự việc phải đọc hết các tiểu sử.

        Các người được chép trong Phả trước kia có đổi sang Tôn Thất nay chép trở lại đúng họ Nguyễn Phúc.

        Nhiều người trước đây bị tước tôn tịch hoặc bị đổi sang họ mẹ vì hành vi của họ, đó là việc ngày trước. Nay chép vào Phả vẫn giữ nguyên họ Nguyễn Phúc.

        7. Chép người đại điện cho mỗi đời trước tiên có phần kê khai húy danh, ngày sinh mất, phụ mẫu cùng lăng mộ. Về phần tiểu sử của vị này khi chép được chia thành nhiều phần có đánh số theo thứ tự nhất định:

        - Phần thứ nhất (đánh số 1) : chép thân thế và sự nghiệp

        - Phần thứ hai (đánh số 2)  : chép lăng miếu thờ cúng các tước hiệu

        - Phần thứ  ba (đánh sổ) : chép về gia đình

        Trong phần thứ ba này lại được ghi kèm thêm số để chia nhỏ ra

        +  Phần hậu, phi, phu nhân (đánh số 1)

        + Phần con gái   (đánh số 2)

        + Phần anh chị em  ( đánh số 3)

        Phần con cái và anh chị em chép nam nữ riêng biệt. Khi chép anh chị em sẽ thêm các chữ A (cho nam), B (cho nữ), C (cho anh em chú bác), D (cho chị em chú bác) v.v...

        Ví dụ : Phần 11.3.3.2A

        - Số 11 : chỉ đời thứ 11 (kể từ đức Triệu Tổ)

        - Số 3 : chỉ phần chép về gia đình của người  đại diện đời 11.

        - Số 3 : chỉ phần chép về anh chị em

        - Số 2 : chỉ vị trí thứ 2 trong anh em hoặc chị em

        - Chữ  A : chỉ phái nam

        Do đó phần 11.3.3.2A sẽ chép về người anh (hay em) trai thứ 2 của người đại diện đời 11.

        Đời thứ 11 kể từ đời thứ 1 (đức Triệu Tổ) chép đức Triệu Tổ là đại điện cho đời này, nên phần 11.3.3.2A chép về người anh trai thứ hai của đức Thế Tổ ( con trai thứ hai của đức Hưng Tổ), tức là Hải Đông Quận Vương Nguyễn Phúc Đồng.

        Ngoài ra các tiểu sử của các người trong đời cũng cố gắng chép theo thứ tự các phần như người đại diện nhưng không đánh số.

        8. Về cách xưng hô trong khi chép thì theo lệ các người đại diện  cho mỗi đời hoặc các vị vua thường chép là "Ngài" các người cùng đời với người đại diện  sẽ chép là 'Ông' hoặc 'bà'. Tuy nhiên tùy theo lời văn có thể dùng từ trong các tước hiệu, miếu, thụy hiệu để thay thế.

        9. Nhân danh, Miếu hiệu, Chức tước, Dịa danh được chép như sau:
        -Nhân danh : Toàn bộ được chép bằng chữ in hoa.
        -Miếu hiệu, Thụy hiệu: Toàn bộ được chép bằng chữ in hoa.
        -Chức tước : Chỉ chép chữ đầu tiên bằng chữ in hoa.
        -Địa danh : Toàn bộ được chép bằng chữ in hoa.

        Về địa danh chép vùng nhỏ trước, vùng lớn sau tức chép làng trước rồi chép đến huyện, tỉnh, các phần ngăn bằng dấu phẩy. Các địa danh chép thep tên vào thời điểm xảy ra sự việc (nếu có thể, ghi kèm địa danh sau này).

        10. Những phần linh tinh liên quan đến dóng họ Nguyễn Phúc như cách đặt tên, các tên húy, các ngày kỵ, bản niên biểu, bản đồ, bản chỉ dẫn nhân danh, được chép  trong Phụ Lục hoặc đính kèm ở những vị trí thích hợp.

        11. Các phần chú thích được ghi ở cuối mỗi trang, nếu phần chú thích quá dài sẽ được ghi vào cuối tiểu sử của mỗi người có chú thích đó, hoặc ghi vào cuối phần tiểu sử của hai người sao cho tiện trong khi đọc. Ngoài ra phần chú thích được in chữ xiên để phân biệt với chính văn.
   

 

 trở lại trang chính