Cái Chết Của Anh Tôi

Tới giờ phút này, cái chết của anh tôi vẫn mang đầy bí ẩn. Hung tin đến với gia đình chiều tối ngày 8 tháng 4 năm 1975 (thật sự thì anh tôi đã bị thảm sát từ buổi trưa) do người tài xế riêng của anh tôi, hớt hải từ bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Biên Hòa lái xe chạy về Sài-Gòn thông báo. Hôm sau, gia đình lên Biên Hòa, vào trại thì được Trung Tá Quyến, Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh Quân Đoàn III dẫn đưa tới xem thi hài của anh tôi. Tôi cúi xuống nhìn kỹ thì thấy vết lằn đạn xuyên một lỗ từ cằm bên trái lên tới đỉnh đầu bên phải. Trung Tá Quyến cũng đưa chúng tôi tới văn phòng riêng của anh tôi, lúc đó đang giữ chức Tư Lệnh Phó Quân Đoàn.

Trên đường đi đến văn phòng, gia đình gặp một đoàn người cầm đầu bởi một sĩ quan mang lon quân y đi ngang qua. Một viên sĩ quan trong đoàn chúng tôi ghé miệng vào tai tôi thì thầm: "Chánh Văn Phòng cùng là bác sĩ riêng của Tướng Toàn đấy. Nhiệm vụ chính của ông ta là khám xét trinh mấy con bé trước khi đưa lên ông tướng!" Viên Sĩ quan y sĩ đến bắt tay chào hỏi ông cụ tôi. Lúc ấy tôi thấy mặt mũi ông ta sao nham nhở thế: nói nói cười cười, như thể không có ai mới chết đây cả!

Gia đình được cho hay là anh tôi chết ngay tại bàn viết, đang khi chờ đợi đi ăn cơm chiều với vài cộng sự viên tại câu lạc bộ sĩ quan. Lý do chết được đề xướng ra: Tướng Hiếu, vốn thích chơi súng, lỡ tay lẩy cò đang khi lau chùi súng lục. Tôi nghĩ thầm: làm sao có thể thế được, vì anh tôi thuận tay phải mà lằn đạn phải được gây ra bởi một người thuận tay trái. Hơn nữa, dựa vào dấu vết viên đạn để lại trên vách tường, chứ không phải trên trần nhà, chặp lại với vết viên đạn để lại trên cằm trái và đỉnh đầu phải, tôi suy diễn: phát súng phải gây nên bởi một kẻ sát nhân khiến anh tôi nghiêng mặt qua bên né tránh khi bị họng súng chĩa vào mặt mình. Có điều lạ là không thấy ai đưa ra cho xem khẩu súng lục tội phạm. Tôi còn ghi nhận một điều lạ khác: gia đình Tư Lệnh Phó Quân Đoàn tới viếng xác mà không thấy bóng dáng Tư Lệnh Quân Đoàn hay một sĩ quan cộng sự viên thân cận của anh tôi ra tiếp chuyện. Họa chăng khó ăn khó nói, hoặc tại gây nên sự việc hay tại biết chuyện mà bị cấm đoán tiết lộ? Còn Trung Tá Quyến thì hành sự như thể một nhà đạo diễn miễn cưỡng tại phim trường: cử chỉ lời nói có vẻ ngượng ngùng không mấy tự nhiên như tuồng cố che giấu điều gì.

Tôi tiếc là hoàn cảnh hỗn độn mất nước tới nơi đã không cho phép gia đình biết được kết quả của cuộc thử nghiệm do một viên thiếu tá cảnh sát từ Tổng Nha Cảnh Sát phái tới điều tra đang khi gia đình viếng xác, nhằm xác định xem có hay không có dấu vết thuốc súng trên bàn tay anh tôi. Viên sĩ quan cảnh sát này, trước khi ra về, có đến bắt tay chào hỏi ông cụ tôi: "Thưa cụ, con là cựu học viên của cụ, hồi cụ là Giám Đốc Trường Huấn Luyện Cảnh Sát Đô Thành Sài-Gòn. Con hứa sẽ cho cụ biết kết quả của phương pháp thử nghiệm khoa học tân kỳ mà con mới học được ở Hoa-Kỳ đem về ứng dụng." Nhưng xét cho cùng thì không dễ gì biết được sự thật một khi quân gian manh đã cố tâm dàn cảnh nhằm ếm nhẹm mọi sự kiện bất lợi cho chúng.

Theo ý kiến riêng của tôi, anh tôi bị ám sát hoặc vì tư thù cá nhân, hoặc vì lý do chính trị. Nếu nguyên do là vì tư thù riêng, ắt là phải xảy ra trong một cuộc cãi vả. Thử hỏi ai mà dám cãi vả tay đôi với Tư Lệnh Phó Quân Đoàn ngay trong văn phòng riêng, ngoại trừ chính Tư Lệnh Quân Đoàn hay một sĩ quan thân cận của Tư Lệnh hành động theo lệnh trực tiếp của thượng cấp? Nội dung cuộc cãi vả có thể là sự bất đồng ý kiến liên quan đến chiến thuật hành quân (có thể chăng một bên không ngại thí quân, một bên muốn bảo toàn tính mạng quân lính tối đa ?) trong khi tình hình quân sự đang sôi động, trong đó cấp trên đầy tự ti mặc cảm thua lý cấp dưới tài giỏi hơn mình. Một giọt nước cuối cùng làm đổ tràn ly nước đưa tới hành động sát nhân? Có lần tôi hỏi anh tôi tại sao Tướng Toàn lại được chọn làm Tư Lệnh Quân Đoàn III thì anh tôi mỉm cười với nét mặt luống vẻ mệt mỏi chán chường và với giọng hơi mỉa mai : "Tổng Thống cho là lúc này cần một tướng gốc thiết giáp biết xông xáo." Cộng thêm vào đó, một bên là một tướng mang tiếng tham nhũng với cái danh "tướng rừng quế" và "tướng đồng sắt", một bên là một tướng sạch từng nắm trong tay đống hồ sơ tham nhũng trong quân đội khi còn tại chức Đặc Trách Bài Trừ Tham Nhũng thuộc Phủ Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Tôi còn nhớ, nghe tin Tướng Toàn về thay thế Tướng Đống làm Tư Lệnh Quân Đoàn III, có người bạn nói với tôi: "Thôi rồi, anh toa như một cừu non giữa bày sói dữ!"

Qua đến Mỹ, mỗi lần gặp những cựu sĩ quan biết đến cái chết của anh tôi, là mỗi lần nghe câu thốt: "Tướng Toàn chứ không ai vào đó cả!" Đại Tá Nguyễn Văn Y, cựu Quận Trưởng Quận 5, Chợ Lớn, thời ông Diệm, sau này là Đặc œy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, khi gặp tôi ở Nữu Ước năm 1986 cũng khẳng định như thế. Tuy nhiên, mới đây trong dịp điện đàm với Tướng Lý Tòng Bá, tôi hỏi có phải Tướng Toàn bắn anh tôi không, ông trả lời: "Chắc không phải Tướng Toàn bắn đâu, vì lúc đó tôi đang họp với ông ta. Sau buổi họp, trên đường đi ăn cơm thì nghe quân lính lao xao nói Tướng Hiếu vừa chết trong văn phòng. Vì phải gấp rút lên máy bay ra mặt trận, nên tôi không có thì giờ nán lại nghe ngóng thêm tin tức". Xin nhắc lúc đó Chuẩn Tướng Bá là Tư lệnh Sư Đoàn 25 đóng quân ở Củ Chi. Ngược lại có nguồn tin khác cho tôi hay là Đại Tá Lưu Yểm, Tỉnh Trưởng Biên Hoà, cũng tham dự buổi họp ngày hôm đó thì lại quả quyết là Tướng Toàn bắn sau buổi họp. — đây tôi xin mở dấu ngoặc: buổi họp quan trọng vậy, sao Tư Lệnh Phó Quân Đoàn lại không được mời tham dự?

Nguyên do khác khiến anh tôi bị ám sát cũng có thể là vì có người sợ anh tôi đứng ra cầm quân đảo chính. Giả thuyết này nhen nhúm hình thành trong đầu óc tôi sau những lần tiếp xúc với viên Tổng Lãnh Sự Mỹ Biên Hoà. Sau đám táng tại nghĩa trang quân đội ở Biên Hoà, ông ta mời gia đình về tư thất. Trong buổi gặp gỡ đó, ông ta kéo tôi ra sân nói riêng với tôi ông ta rất thân thiện với anh tôi: hai người thường đánh cờ với nhau bên hồ bơi nhà ông và ông thường mời anh tôi tới cùng coi xi-nê trong phòng chiếu phim của Toà Tổng Lãnh Sự Mỹ vào những cuối tuần. Tôi phỏng đoán là có người nghi viên chức thuộc cơ quan tình báo Mỹ CIA này thường xuyên thân mật tiếp xúc với anh tôi để thuyết dụ anh tôi đứng ra nhận lãnh tổ chức đảo chính, nên ra lệnh loại trừ trước. Tôi nhớ lại có lần về tới nhà, ông cụ tôi nói với tôi: "Vừa rồi có hai viên chức tự xưng là CIA tới dò hỏi xem hai Tướng Trưởng và Hiếu có thân nhau không, để làm gì không biết?" Có phải chăng CIA muốn Tướng Trưởng, lúc đó đang nắm Quân Đoàn I, và anh tôi liên kết nhau đứng ra đảo chính? Còn Tướng Trưởng thì khi bị điên đầu vì lệnh và phản lệnh của ông Thiệu lúc thì muốn giữ lúc thì muốn bỏ Huế cáu tiết dọa sẽ đảo chính nếu ông Thiệu đổi ý một lần nữa! Vào thời điểm đó, CIA muốn đẩy ông Thiệu đi vì Quốc Hội Mỹ chỉ ưng thuận tháo khoán 700 triệu đô-la viện trợ quân sự với điều kiện Tổng Thống Thiệu phải ra đi. Đồng thời, phe Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, người mến phục tài anh tôi, thì đang túc trực sẵn để chấp chính.

Anh tôi có dám đứng ra đảo chính không? Anh tôi là một sĩ quan thuần túy quân sự không có tham vọng làm chính trị. Trong những lần quân đội đảo chính trong quá khứ, tôi thường tò mò xem có tên anh tôi trong danh sách các tướng tá phe đảo chính không thì không lần nào thấy cả. Tuy vậy, tôi nghĩ anh tôi là một người gan dạ, nếu tiếng gọi của nghĩa vụ đòi hỏi thì anh tôi sẽ không từ nan, cho dù hậu quả của hành động mình không có lợi cho cá nhân mình. Khi các tỉnh miền Trung lần lượt mất vào tay Cộng quân, anh tôi có lời nhận xét này:"Nếu Mỹ không viện trợ quân sự lại thì Quân Đội ta chỉ có thể cầm cự nổi tối đa hai tháng nữa thôi. Khả năng, quân lính ta có dư thừa; chỉ thiếu có đạn dược thôi". Tôi còn nhớ có đọc một lá thư anh tôi viết cho ông cụ sau vụ đảo chính Tổng Thống Diệm, trong đó anh tôi, lúc đó là Trung Tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 1, dưới quyền Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 kiêm Quân Đoàn I, thuật lại đã nhận lãnh nhiệm vụ chỉ huy đội binh công hãm dinh ông Ngô Đình Cẩn, và hãnh diện khoe là đã hoàn thành nhiệm vụ tước khí giới quân lính phòng vệ dinh mà không phải nổ một phát súng nào.

Trong lúc tình hình trong nước rối ren, ai nấy đều lo Cộng Sản sắp thanh toán miền Nam tới nơi, anh tôi thường trấn an chị dâu tôi: "Em đừng lo, anh sẽ lo liệu cho cả." Sáng ngày 8/4/1975 một khu trục cơ F5, do phi công Nguyễn Thành Trung, cất cánh từ Biên Hòa, nhào xuống dội bom vào Dinh Độc Lập, anh tôi gọi điện thoại về nhà ở trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa căn dặn vợ "đừng để các con ra đường chơi", đó là hàng chữ sau chót được ghi xuống trong sổ nhật ký của anh tôi. Buổi trưa hôm đó anh tôi bị ám sát.

Mấy ngày kế tiếp sau đó, chị dâu tôi bận rộn với việc mai táng anh tôi. Quân Đội và Chính Quyền ra ý kiến muốn quàn xác anh tôi tại Bộ Tổng Tham Mưu hay Tòa Đô Sảnh, để tiện cử hành lễ nghi quân cách long trọng. Chị dâu tôi, vì uất ức chồng mình bị một bàn tay thuộc Quân Đội hay Chính Quyền ám hại, bác bỏ lời đề nghị đó, và yêu cầu quàn xác tại căn nhà nhỏ bé trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Thế là một lễ nghi mai táng trọng thể diễn ra trong phòng khách bé xíu. Bốn góc quan tài, bốn Tướng Lãnh uy nghiêm trong bộ lễ phục trắng với đầy ắp huy chương gắn trên ngực, từng đợt luân phiên túc trực 24 tiếng trên 24. Hầu hết các chính khách và các tướng lãnh đều đến phân ưu. Phó Tổng Thống Hương, thay mặt Tổng Thống Thiệu (tại sao lại lánh mặt vậy?), đến gắn sao thăng cấp Trung Tướng cho anh tôi.

Tôi đã có lần viết thư cho cơ quan CIA, chiếu theo đạo luật "Freedom of Information Act" yêu cầu họ trao cho tôi xem hồ sơ họ có về Tướng Hiếu, với hy vọng biết được sự thật quanh cái chết của anh tôi, nhưng trong bức thư trả lời họ từ chối lời yêu cầu nại lý do an ninh quốc gia, mặc dù biến cố xảy ra đã hơn hai mươi năm.

Tin cập nhật.- Ngày 6/5/2015 một nguồn tình báo quân sự Hoa Kỳ tiết lộ cho tôi biết:

"Lúc 11 giờ kém 15 phút sáng, khi Tướng Hiếu vừa bước vào văn phòng Phó Tư Lệnh Quân Đoàn III, sát thủ nhảy tới từ đàng sau và dùng cánh tay chặt mạnh vào gáy khiến Tướng Hiếu bất tỉnh, rồi dùng khẩu súng lục loại nhỏ Browning P6.35 ly bắn vào cằm. Viên đạn xuyên lên óc và nằm trong xọ chứ không chui ra khỏi đầu.

Sát thủ là cận vệ của Tướng Toàn, Đại Úy Đỗ Đức, đệ tam đẳng Thái Cực Đạo."


Trung Úy Đỗ Đức đứng đằng sau Tướng Toàn (5/1972, Kontum)

Sau khi Tướng Hiếu bị giết, Tướng Toàn gọi điện thoại báo cho Tổng Thống Thiệu: "Mission accomplie".

Nguyễn Văn Tín
Nữu Ước tháng 9/1998

Cập nhật ngày 06.05.2015

generalhieu