Tướng Hiếu Ðược Nhắc Ðến Trong Sách

Vietnam Dairy, tác giả Richard Tregaskis (1963)

Thứ ba, mồng 6 tháng 11:

Kiểm lại với Bộ Tư Lệnh sáng nay, tôi khám phá ra rằng cuộc hành quân thủy bộ vừa qua, khởi sự từ thứ bảy tuần qua, đã thành công hơn là loạt tấn công do các trực thăng TQLC chủ xướng vào ngày 15 tháng 10 trước đây.

Lần này, theo Thiếu Tá Wagner, cố vấn Mỹ về hành quân tại Quân Ðoàn 1, lính QLVNCH đã khám phá một vài kho tiếp tế của Việt Cộng và giết ba Việt Cộng quanh đây, bắt được hai tù binh, và thu hoạch được hai bãy xập gài lựu đạn, may mà không phát nổ. Trong trận chiến quanh đó, một lính QLVNCH bị thương và một khẩu đại liên của ta bị lọt vào tay Việt Cộng.

[...]

Thiếu Tá Wagner giới thiệu với tôi viên Chỉ Huy Phó Hành Quân Việt Nam trong Vùng Quân Ðoàn 1, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hiếu, một người tầm thước nhỏ bé, tinh anh, ăn mặc tươm tất. Thiếu Tá Wagner kéo tôi qua bên và nói nhỏ vào tai tôi, "Anh chàng này cừ khôi lắm đấy". Viên Chỉ Huy Trưởng hành quân Việt Nam này đề cao chương trình ấp chiến lược: "Tại mỗi vùng tác chiến, Quân Ðội có trách nhiệm về yểm trợ, cung cấp giây kẽm gai và súng ống. Chúng tôi đang tiến bộ. Các cuộc bầu cử được xúc tiến tại các ấp chiến lược."

[...]

[trang 132-133]

Thứ năm, mồng 8 tháng 11:

Sáng nay trong phòng đọc sách, Joe Baranowsky, sĩ quan điều hành phi vụ, cho tôi biết là không có mấy công tác phải làm trong ngày: "Có rất nhiều phi vụ nhỏ...một vài phi vụ tiếp tế, một nhóm năm phi cơ đi Mang Buk và ngừng lại tại Quảng Ngãi, tại đó cũng có một phi vụ chở 4 ngàn cân anh kiện hàng và bốn hành khách tới vùng mỏ than, và hai chiếc máy bay đi Miệt Xá với hành khách và hàng hóa."

Tôi trở về trại và bắt đầu nói chuyện với Rathbun về đề tài nóng bỏng của các sĩ quan: làm sao phía bên ta thắng trận chiến này. Anh ta nói, "Ðiều chính yếu là phải lấy được lòng dân, chúng ta phải thực hiện được điều đó. "Tôi nói với anh ta là tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn, Wagner và đồng nghiệp Nguyễn Văn Hiếu, đang nỗ lực tháo gỡ một số tiền đồn bất động và vô tích sự cùng biến cải một số đơn vị thành lực lượng trừ bị di động. Tôi cũng nói là Wagner đưa ý kiến có ba hay bốn phi đội trực thăng hơn là một phi đội tại Quân Ðoàn. Tôi cũng nhắc tới là hiện các chiến lược gia cấp trung tại O Club đang bàn định tới khái niệm một trạm cứu hỏa gọi tên là Lực Lượng Mãnh Hổ luôn có trực thăng túc trực sẵn sàng can thiệp tiếp ứng.

[...]

[trang 137-138]

Airmobility 1961-1967, tác giả Trung Tướng John Tolson (1972)
The Peak Year 1967

Chỉ còn có một lữ đoàn thưa thớt ở lại trong vùng rộng lớn của hành quân Pershing trong thời gian này. Tôi mừng là đã dùng rất nhiều thời gian làm việc với Sư Ðoàn 22 thuộc QLVNCH liên quan đến chiến thuật di động không kỵ, vì lẽ Sư Ðoàn 22, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Ðại Tá Nguyễn Văn Hiếu, phải cáng đáng gánh nặng chính trong Tỉnh Bình Ðịnh trong một thời gian lâu dài.

55 Days - The Fall of South Vietnam, tác giả Alan Dawson (1975)

Nỗ Lực Cuối Cùng.

Tuy trận chiến chiếm Sài Gòn đã bắt đầu, nhưng đa số dân chúng chỉ ý thức được điều này vào ngày 9/4, sau ngày thả bom dinh ông Thiệu. Khi đó, Sài Gòn náo động lên. Thiệu chưa chịu lập một nội các mới. Nội các cũ cố gắng hành sự cầm chừng. Bực mình vì cuộc tấn công vào dinh và sự đáp ứng non nớt, Thiệu ra lệnh bỏ tù viên chỉ huy trưởng phi trường quân sự Tân Sơn Nhứt, rồi lại ra lệnh thả ra chỉ vài tiếng sau đó. Phó tư lệnh Quân Ðoàn 3 vùng bao quanh Sài Gòn, Tướng hai sao Nguyễn Văn Hiếu, đã chết. Tin đồn ông tự vận tại văn phòng ở Biên Hòa sau một cuộc cãi vả với thượng cấp ông, Tướng ba sao Nguyễn Văn Toàn, liên quan đến việc bảo vệ vùng Thủ Ðô.

[...]

[trang 233]

Certain History - How Hanoi won the war, tác giả Denis Warner (1978)

[...]

Nhờ bạn tôi, ông Bùi Anh Tuấn, tôi được giới thiệu với đảng Ðại Việt là đảng đang điều hành chính phủ dân sự tại Bắc Việt. Trên nguyên tắc, đảng Ðại Việt là một đảng bí mật, với những đảng viên đã thề thốt bảo mật, đổi lấy cái chết. Tuy vậy, khi nắm quyền, đảng muốn đặt để đảng viên mình trong các chức vụ then chốt, cũng giống như những đảng chính trị khác. Ông Nguyễn Văn Hướng là đảng viên Ðại Việt, giám đốc Công An và là bạn tôi. Ông là con người nhỏ thó, rất hãnh diện về đứa con trai lớn của ông.

[phần chú thích] Hai mươi hai năm sau, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu là Tư Lệnh Phó Vùng Chiến Thuật 3 Nam Việt. Ðêm trước ngày Bắc Việt khởi sự trận đánh chiếm Sài Gòn, ông bị bắn và thảm sát trong văn phòng tại bộ tư lệnh ở Biên Hòa. Ông Bùi Anh Tuấn mượn xe jíp của Tướng Trần Văn Ðôn để đưa chúng tôi tới nhà nguyện nơi quàn xác Tướng Hiếu. Chúng tôi trao cho bà quả phụ một phong thư tiền phúng điếu. Tôi nói chuyện với ông Hướng qua điện thoại chứ không gặp lại ông.

[Ông Hướng] không hiểu nổi điều gì xảy ra ở Bắc Việt. Tướng Navarre, ông nói, sai lầm về ý đồ của Việt Minh. Chúng không có ý định chiếm lấy hoặc thủ đô hoàng gia Luang Prabang, hay Vientiane, thủ phủ hành chánh. Chúng xâm chiếm Lào vì mục tiêu tâm lý và chỉ để lại vừa đủ người tại tỉnh lỵ Sầm Nứa để thiết lập một chính phủ. Nhưng tại chính Hà Nội, Việt Minh đã đặt để một đạo quân ngầm kín, với những ủy ban đã được tổ chức sẵn trong thành phố, với vệ binh vùng và 5 ngàn cảnh sát sẵn sàng xuất đầu lộ diện khi hữu sự.

[...]

[trang 93-94]

[...] Trong hai tuần lễ tiếp sau, có vô số tin đồn đảo chánh. Một tối, một viên sĩ quan tham mưu làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu gọi điện thoại tại phòng tôi mướn ở khách sạn Continental và cho tôi hay là một cuộc đảo chánh đang tiến hành và tôi có thể an toàn mà viết là ông Kỳ sẽ lên nắm chính quyền trước sáng hôm sau. Người đó rất đáng tin cậy nên tôi đã bước xuống khỏi giường và khởi sự viết thiên phóng sự. Nhưng rồi, suy nghĩ lại (hay tại tôi nhát sợ phải đối mặt với các toán binh ngoài đường phố khi không có giấy phép di chuyển), tôi đã xé bỏ vào thùng rác và đi ngủ trở lại. Như vậy lại còn hay hơn.

Thực sự thì ông Kỳ có kế hoạch đảo chánh, dùng tới không quân, lính dù, và lực lượng đặc biệt. Ông khựng lại vào phút chót chỉ vì ông tin là Ðại Sứ Martin đã đồng ý gây áp lực để ông Thiệu từ chức. Tôi không rõ Tướng Hiếu, tư lệnh phó Vùng 3 Chiến Thuật (tuyến phòng Sài Gòn) có liên hệ tới vụ đảo chánh không, nhưng vào tối ngày 7 tháng 4 ông bị bắn và giết tại bàn giấy ở Biên Hoà. Theo Tướng Dung, sát nhân là một người thân tín cüa ông Thiệu và là thượng cấp của Tướng Hiếu, tư lệnh Vùng 3 Chiến Thuật, Tướng Nguyễn Văn Toàn.

Ðúng 8 giờ 22 phút ngày hôm sau, khi đường Catinat đầy nghẹt xe cộ qua lại, một chiến đấu cơ F5E do Trung Úy phi công KQVN Nguyền Thành Trung lái, bay trên đầu thành phố rồi bổ đầu đâm thẳng xuống Dinh Ðộc Lập.

[...]

[trang 197]

Fall Of South Vietnam: Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders tác giả Stephen T. Hosmer, Konrad Kellen và Brian M. Jenkins (1980)

Tôi [Tướng Trần Văn Ðôn] chống đối Việt Nam hóa ... Tôi chỉ xin kể lại một mẩu chuyện. Tôi thăm viếng một số đơn vị tại chiến trường để tìm hiểu về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh...Chuyện này xảy ra tại bộ tư lệnh Sư Ðoàn 5. Tôi thảo luận vấn đề với tư lệnh của sư đoàn, Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một tướng thanh liêm nhất, và đồng thời cũng tài ba nhất. Câu trả lời của Tướng Hiếu đã làm cho tôi phải lấy làm ngạc nhiên và bừng tỉnh con mắt. Tôi hỏi Tướng Hiếu, 'Anh nghĩ sao về Việt Nam hóa?' Tướng Hiếu nói với tôi, 'Không thể thực hiện nó được.' 'Tại sao vậy?' Tướng Hiếu đáp, 'Sư Ðoàn 5 bao giàn một vùng mà trước đây có hai sư đoàn Mỹ khác, và bây giờ sau khi hai sư đoàn Mỹ đó đã bỏ đi tôi chỉ có một sư đoàn của tôi để bao giàn trọn vẹn vùng này. Tôi có ba trung đoàn trong vùng và phải dùng một trung đoàn thay thế cho một sư đoàn. Làm sao mà tôi có thể đối chọi với địch trong tình trạng này? Hẳn là tôi phải suy yếu đi nhiều.' Tướng Hiếu tỏ vẻ thất vọng. Tôi lấy làm ngạc nhiên; Tướng Hiếu là một con người trầm lặng, rất lễ độ, và đã cố gắng hết sức mình. Nhưng Tướng Hiếu đã khẳng định với tôi là không thi hành được. 'Làm sao mà tôi có thể bao giàn một vùng rộng lớn hơn với số lượng đơn vị bớt đi?' Thế có nghĩa là chương trình Việt Nam hóa khiến cho chúng tôi suy yếu đi.

[trang 36]

Ngày N+... tác giả Hoàng Khởi Phong (1988)

[Ngày 21 tháng 4 năm 1975]

[...] Ông Thiệu, ông Kỳ, ông Khiêm, ông Viên và nhiều..."danh tuớng" nữa, đã đem máu của người miền Nam rải đầy trên đồi núi, trên ruộng đồng, trên sông rạch. Máu mà tiết kiệm làm gì? Phải bắn cho hết đạn đại bác 105 ly để bà Khiêm có vỏ đạn bằng đồng bán cho Nhật bản, phải giữ cho được những lăng tẩm cũ của miền Nam, để cho bà Thiệu thu thập được các đồ cổ của tiền nhân, máu phải đổ ra chan hòa cho xứng tài danh tướng vừa có văn, vừa có võ của ông Viên, ông ở trên chóp của cái thang quân đội, ông đứng giữa những tranh chấp chính trị, ông Viên là người thanh liêm, nhưng bà Viên thì sao? Bà có đỡ đầu cho đàn em cật ruột của bà không? Có đứa nào thậm thụt cửa sau tư dinh không?

[...] Làm sao mà không ra nông nỗi này khi suốt mười hai năm tôi chưa bao giờ gặp một cấp chỉ huy tôi tâm phục, khẩu phục. Quân đội là một tập thể vĩ đại, thế mà trong binh chủng tôi, cái binh chủng lo về quân phong, quân kỷ và tư pháp cho quân đội; đầu mối kỷ luật là sức mạnh của quân đội nằm trong tay binh chủng tôi, tôi đau buồn và nhận rằng trong mười hai năm vừa qua tôi gặp được đúng ba vị có đức độ xứng đáng là cấp chỉ huy tốt. Tiếc thay đức độ không chưa đủ trong trận chiến này.

Do đó máu thì chúng tôi không thiếu. Hỡi những "danh tướng" của miền Nam, các ông Thiệu, Khiêm, Kỳ, Viên, Quang, Toàn và nhiều danh tướng khác nữa. Các ông có bao giờ để ý câu: "Nhất tướng...công...thành vạn cốt khô". Các ông để ý làm gì? Vả lại các ông đâu có...công thành, các ông thủ thành thôi. Bởi vì thủ thành nên mười năm qua triệu cốt khô rồi. Và thành vỡ các ông chỉ cốt giữ mạng mình, nhà cửa, dinh thự, mồ mả ông cha không thể mang đi, các ông bỏ lại, các ông đã có nhà cửa ở nơi khác đẹp đẽ hơn, hành lý các ông gọn lắm, cũng chẳng thèm đóng tuồng mang theo một cục đất quê hương như tướng Khánh ngày nào.

Ông Thiệu tuyên bố từ chức và quân đội sẽ có thêm một tay súng nữa, một "danh tướng" nữa. Còn những "danh tướng" khác thì sao? Những ông được báo chí một thời ca tụng là tướng sạch như ông Thắng, ông Chinh, ông Trưởng đâu? Ðàn em tướng Toàn đã giúp tướng Hiếu, một tướng sạch khác đến nơi an nghỉ cùng tướng Thanh rồi. Tướng Phú hiện nằm bệnh viện, nhưng các ông Thắng, Chinh, Khang, Trưởng đâu? Phải xuất hiện vào lúc này để cứu vãn phần nào sự tan vỡ của quân đội. Các ông đâu có phải là úy, là tá, các ông là những ông tướng, quân đội dẫu có bạc đãi cũng đã là tướng, bạc đãi gì, ông Khang là trung tá năm 1963, năm 67 dẫu có bớt quyền uy cũng là trung tướng, sao để cho mình ông Kỳ bôn ba quá thể. Ông Kỳ là ông Tướng nói chứ không làm, đâu có lý bằng ông Thiệu, đâu có tham bằng ông Quang, đâu có nhũng bằng ông Toàn.

[trang 224-225]

Fallen Leaves tác giả Nguyễn Thị Thu Lâm (1989)

Số Mạng Của Một Người Ái quốc

[trang 182-185]

Việt Nam Nhân Chứng tác giả Trần Văn Ðôn (1989)

Thực trạng kinh tế ở Việt Nam phần lớn do người Tàu nắm, vì vậy tổ chức của Quỹ Tiết Kiệm Quân Ðội càng bành trướng thì sẽ đụng chạm đến việc làm ăn của họ. Những phú thương Tàu khéo léo mua chuộc cảm tình của những người đang có thế lực, tìm hiểu sở thích của đối tượng để làm vừa lòng kể cả việc mời đi du lịch ngoại quốc. Người đứng đầu giới tài phiệt là ông Lý Long Thân mà nhiều người cho rằng ông là cố vấn tài chánh cüa ông Thiệu và ông Khiêm. Tôi biết họ thân nhau nhưng là Cố vấn hay không thì không rõ. Giới Thương gia và Kinh doanh Tàu phá rồi tiếp theo là Mỹ. Mỹ buộc phải chấm dứt Quỹ Tiết Kiệm Quân Ðội vì Quỹ này truất bớt tiền lương của quân nhân mà không có ý kiến của Mỹ. Chính quyền thì nghi ngờ có sự tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo; vì vậy ông Nguyễn Văn Thiệu giao cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương thành lập ủy ban điều tra. Trong ủy ban điều tra đó có Trần Khánh Vân là người muốn lập công nhưng cũng có Tướng Nguyễn Văn Hiếu là người thẳng thắn.

[trang 394]

Tears Before The Rain: An oral history of the fall of South Vietnam, tác giả Larry Engelmann (1990)

Chương XV - Ðại Tá Lê Khắc Lý "Một Mình Tôi Sống Sót Ðể Thuật Lại Chuyện"

[...]

Khi tôi vào tới Sàigòn thì Tướng Phú có mặt tại đó. Tôi về nhà. Ngày hôm sau tôi đi tiểu ra máu và cảm thấy không được khỏe. Tôi đi gặp bác sĩ; bác sĩ cho tôi ít thuốc và bảo tôi cần nghỉ ngơi. Tôi đi làm trở lại.

Tôi tìm cách liên lạc lại với Tướng Phú để hỏi ông phải làm gì. Ðiều trước tiên ông buột miệng với tôi, "Anh Lý, tụi mình bị phản bội rồi!", tôi hỏi, "Bị ai?" Ông nói, "Bởi Thiệu. Thiệu đã đặt bẫy tụi mình. Nó đổ lỗi hết vào tụi mình." Tướng Phú muốn soạn thảo một bản phúc trình để chứng tỏ không phải tại lỗi chúng tôi và mô tả chúng tôi đã hành quân ra sao, tại sao chúng ta không chiếm lại Ban Mê Thuật, và tại sao ta rút lui.

Sau đó tôi đã soạn thảo một bản phúc trình dày cộm cho Tướng Phú.

Tôi viếng thăm Tướng Phú và Tướng Ngô Quang Trưởng [Tư Lệnh Vùng 1], cũng đang dưỡng bệnh tại bệnh viện. Tướng Trưởng ôm lấy tôi khóc nức nở. Ông nói, "Anh Lý, tụi tôi đã mất hết cả rồi." Lẽ đương nhiên là ông yêu nước, quân lính và Quân Ðoàn của ông. Và bây giờ mọi sự đã tan biến mất.

Khi tôi gặp lại Tướng Phú, ông tỏ vẻ tức giận. Ðó là lần đầu tiên tôi thấy ông tức giận Tổng Thống như vậy. Sau khi tôi đã soạn thảo bản phúc trình cho ông, ông đặt bút ký, và ngày cuối cùng tôi đi gặp Tướng Khuyên để nhờ chuyển đệ lên ông Thiệu và Tướng Cao Văn Viên. Sau đó tôi chẳng biết tăm hơi bản phúc trình ra sao. Tôi hỏi Tướng Khuyên, "Chúng ta phải làm gì kế tiếp? Chúng ta có thật sự mất hết cả không?" Ông nói, "Không. Chúng ta sẽ trải quân lại và lập một tuyến phòng, và anh sẽ lấy lại Quân Ðoàn II của anh." Nhưng tôi tự nhủ thầm, ông tướng này không nói sự thật. Sự thật là hiện giờ chúng ta không thể làm điều đó. Nếu ông nói điều đó khi tôi còn ở Pleiku thì tôi có thể làm được. Nhưng hiện giờ tôi không có lấy ai mà chỉ huy. Tôi không có lấy quân trong tay. Mà địch quân thì hiện diện tứ phía. Ông hỏi tôi, "Nếu ở trong địa vị tôi, anh sẽ làm gì?" Ðiều đau đớn cho tôi là tôi không thể nghĩ ra một giải pháp nào cho vấn đề lúc đó.

Khi tôi trở về nhà, vợ tôi và tôi nghe tiếng phi cơ cất cánh mỗi đêm, và chúng tôi biết là DAO đã đem người ta đi khỏi, và có rất nhiều tin tức đến tai chúng tôi hằng ngày cho biết những ai ra đi. Tôi đi gặp một người bạn, Tư Lệnh Sư Ðoàn 2. Hai chúng tôi cố gắng tổ chức lại Sư Ðoàn 22 và 23 và thu vét lính tráng.

Rồi đột nhiên chúng tôi nghe mọi tin tức nói lên sự mất mát đổ vỡ. Và tôi tới thăm vị Tư Lệnh cũ tốt lành của tôi, Tướng Hiếu, một sĩ quan thật sự thanh liêm của Quân Ðội. Tôi hỏi ông về tình hình Vùng 3. Ông nói là chúng ta cần tổ chức lại và cố chận bước tiến của đoàn chiến xa địch quân. Vài ngày sau đó ông bị thảm sát.

[trang 231-232]

Jean Cassaigne, la lèpre & Dieu tác giả Louis & Madeline Raillon (1993)

Gioan Sanh, bệnh phong cùi và Thiên Chúa

Tại Sài Gòn, đầu năm 1972, dân chúng nghe tin Ðức Ông Gioan Sanh bị đau bệnh nặng. Thời gian đã trôi qua. Ðã mười bảy năm, lòng trung tín của vị cựu giám mục phục vụ những kẻ bị biệt lập, những người nghèo khốn nhất trên đời, được cảm nghiệm như là một gương sáng xuất chúng.

Phó tổng thống Cộng Hòa, ông Trần Văn Hương có sáng kiến ban cho ngài Ðệ Tứ Bảo Quốc Huân Chương [dành cho sĩ quan]. Người ta thôi thúc Cha Dozance, bề trên vùng hội Thừa Sai Pháp tại Sài Gòn, lên Di Linh dọ ý Ðức Ông Gioan Sanh.

Rất là mệt mỏi, Ðức Ông phản đối với vẻ mệt lả:

- "Ước nguyện lớn lao nhất của tôi là bị bỏ quên, cha đã biết, bị bỏ quên!

[...]

- "Huy chương!...Tôi không đứng dạy nổi! Cha có tả cho họ biết tình trạng sức khỏe của tôi chưa?

- "Thưa rồi", Cha Dozance trả lời. "Họ sẽ đến thăm Ðức Cha, rất là đơn giản vậy thôi."

Và vậy, ngày 12 tháng 4 năm 1972, lúc chín giờ rưỡi sáng, Tướng Nguyễn Văn Hiếu, phụ tá tại Phủ phó tổng thống, trung tá tỉnh trưởng tỉnh Lâm Ðồng, cùng Cha Dozance và Cha Quang, chánh xứ Di Linh, bước vào phòng Ðức Ông Gioan Sanh. Ông Nguyễn Thạch Vân, bộ trưởng, nghiêng mình xuống giường bệnh nhân, để trao gắn huy chương. Rất cảm động, Ðức Ông Gioan Sanh cám ơn từng người có mặt trong phòng. Ngài không mong ước được gắn huy chương. Người ta quá tốt với Ngài.

- "Tôi xin cám ơn Phó Tổng Thống, với trái tim của một người thừa sai. Ðể đáp ứng lại, tôi chỉ có thể cầu nguyện, cầu nguyện cho Việt Nam, điều mà tôi làm hằng ngày; cho Việt Nam, nơi mà tôi sống từ 48 năm nay và tôi càng ngày càng yêu mến hơn. Việt Nam là quê hương tôi. Chúa đã muốn như vậy. Giấc mơ của tôi sắp thành tựu: tôi đã đứng vững, tôi đã đau khổ tại đây, tôi sắp chết và muốn được chôn cất cạnh các con cái tôi, tại Xứ Sở Thượng."

[trang 263-264]

The Hidden History of the Vietnam War, tác giả John Prados (1995)

Mô tä: Các Tướng Lãnh và Chính Trị tại Miền Nam Việt Nam.

[...]

Năm người lên tới hàng tướng trong QLVNCH sinh tại ngoại quốc. Trong đó có Cao Văn Viên, một tư lệnh quân đoàn và giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH một thời gian khá lâu, sinh tại Lào. Hai tướng lãnh, Trần Văn Ðôn và Lê Văn Kim, sinh tại Pháp. Cách trùng hợp, hay có lẽ không, Ðôn và Kim trở nên anh em cột chèo, và cả hai đóng vai trò chính yếu trong việc hoạch định kế hoạch đảo chánh quân sự đưa tới sự lật đổ chế độ ông Diệm tháng 11 năm 1963.

Một Tướng Lãnh QLVNCH, Nguyễn Văn Hiếu, sinh tại Trung Hoa, nơi thân phụ ông là một viên chức của Công An Pháp tại Thượng Häi, và sau này tại Hà Nội. Tướng Hiếu học để trở nên linh mục nhưng rốt cuộc trở thành tướng trong QLVNCH, chỉ huy hai sư đoàn khác nhau. Ông cầm đầu cuộc điều tra tham nhũng trong quỹ tiết kiệm quân đội, mà các lính QLVNCH buộc phải đóng góp, khiến cho Tướng Nguyễn Văn Vỹ, một đồng minh của ông Thiệu và là bộ trưởng quốc phòng phải mất chức vào năm 1972. Năm 1975, Tướng Hiếu giữ chức tư lệnh phó vùng quân sự bao gồm Sài Gòn; ông tự vận khi rõ ràng là Miền Nam Việt Nam sắp cáo chung.

[trang 65]

Blind Design tác giả Hoàng văn Lạc và Hà Mai Việt (1996)

Khi ông Hương được chỉ định giữ chúc Chủ Tịch ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng, với sự trợ lực của Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Hiếu, ông Thiệu bằng lòng để ông Hương duyệt xét hồ sơ Tướng Viên. Ông Hương nói với tôi trong một bữa tiệc gia đình tại Vĩnh Long là ông có đưa ý kiến cho ông Thiệu là duyệt xét hồ sơ Tướng Viên, và cả hồ sơ Tướng Quang trong tương lai gần. Tôi giải thích cho ông Hương là cho dù Tướng Viên có bị gạt bỏ, thì Tướng Quang sẽ lên thay chứ không phải là Tướng Trí. Hơn nữa, ông Thiệu và ông Hương khó có thể mà sa thải Tướng Viên, vì không lấy đủ bằng chứng hành sự kém và bất trung tín, và Tướng Viên khôn ngoan đủ để tránh không cho ông Thiệu có tang chứng. Dưới sự bao che của Tướng Viên, Tướng Khuyên sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho Tướng Viên. Mặt khác, Tướng Khuyên được sự yểm trợ của phía Cố Vấn Quân Sự Mỹ MACV vì ông luôn luôn và hoàn toàn đồng ý với cố vấn Mỹ trong việc làm cüa ông liên quan đến tiếp vận, chuyên chở, tồn kho, và các lãnh vực tiếp vận khác thiết yếu cho sự thành công của hành quân quân sự.

Ông Hương bắt đầu tập trung vào việc điều tra Tướng Quang nhưng ông Thiệu làm đủ mọi cách bao che cho Tướng Quang để bao che cho chính ông vì các dịch vụ của Tướng Quang và của ông là một. Tướng Hiếu khởi công và hoàn tất việc thiết lập hồ sơ về Tướng Quang, nhưng rồi bất mãn vì bị trói tay. Tướng Hiếu xin trở về Quân Ðội.

Ông Hương thất vọng và từ bỏ việc bắt bớ các viên chức quyền hành cao cấp, thay vào đó ông tập trung vào những viên chức thấp bé hơn.

[...]

Một thời gian ngắn sau đó, Tướng Trí chết trong một tai nạn trực thăng trong một cuộc hành quân thứ nhì chống Cộng Quân tại Cam Bốt. Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Vùng 3 Chiến Thuật, và cựu phụ tá cho Phó Tổng Thống phụ trách chống tham nhũng, cũng chết một cái chết đáng nghi ngờ. Tướng Hiếu trẻ trung, đầy nhiệt huyết, nhiều khả năng và trong sạch, và giới truyền thông báo chí cho là cái chết của ông là do bàn tay của các tướng lãnh tham nhũng.

[trang 205-206]

The Encyclopedia of the Vietnam War - a Political, Social & Military History chủ bút Spencer C. Tucker (1998)

Nguyễn Văn Hiếu (? - 1975). Thiếu Tướng, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Tướng Hiếu thăng tiến lên tới chức tham mưu trưởng, Quân Ðoàn II/Vùng 2 Chiến Thuật (1964); tư lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh (1964 và 1966); tư lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (1970). Tướng Hiếu được coi như là tướng sạch nhất trong giới tướng lãnh QLVNCH. Tiếng tăm này đã đưa ông tới chức vụ tổng thanh tra quân đội, phụ tá cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, là người cổ võ chương trình bài trừ tham nhũng. Chương trình này thất bại mặc dù họ hăng say cố gắng hết mình. Năm 1974 tướng Hiếu được bổ nhiệm tư lệnh phó Quân Ðoàn III/ Vùng III Chiến Thuật tại Biên Hòa. Tướng Hiếu chết do bởi một viên đạn bắn ra từ một khẩu súng lục; các báo cáo chính thức cho là tướng Hiếu ngộ nạn đang khi lau chùi súng, nhưng tin đồn thì cho rằng ông bị ám sát.

Nguyễn Công Luận (Lữ Tuấn)

Tham khảo: Hà Mai Việt. "Famous Generals of the Republic of Vietnam Armed Forces (n.p.)

Hậu Trường Chính Trị Miền Nam 1954-1974 - Quyển I tác giả Ðặng Văn Nhâm (1999)

Cái Chết Ðầy Bí Ẩn Của Tướng Hiếu

[trang 195-198]

Cuộc Chiến Dang Dở tác giả Tướng Trần Văn Nhựt (2002)

[...] Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, người thay thế Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn phi cơ tại Tây Ninh, lại đối xử hằn học thiếu lễ độ với một vị Tướng đàn anh trong sạch được lòng cảm mến của đồng bào, đó là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, cựu Tư Lịnh SĐ/5BB chỉ vì Trung Đoàn 8 BB do Đại Tá Bùi Trạch Dần chỉ huy năm 1971 bị tổn thất nặng khi rút lui từ Snoul về Lộc Ninh và Thiếu Tướng Hiếu được Đại Tá Lê Văn Hưng thay thế ngay sau đó.

[trang 269-270]

Vietnam Chronicles tác giả Lewis Sorley (2004)
The Abrams Tapes 1968-1972

15 tháng 11 năm 1969

Hôm nọ tôi đi ra ngoài, và được nghe một buổi thuyết trình tuyệt hảo của Tướng Hiếu, Sư Đoàn 5. Đây là lần đầu tiên tôi ghé thăm Sư Đoàn 5 từ khi Tướng Hiếu về nắm sư đoàn này. Và tôi phải công nhận rằng - điều này không liên quan mấy đến cách thức sư đoàn hành sự, nhưng tới phẩm chất rất cao của buổi thuyết trình, bao gồm một cuộc thảo luận rất ngay thẳng mà tôi cho là cũng rất chân thật về lực lượng nhân sự, tình trạng đào ngũ, đào ngũ của từng trung đoàn, và vấn đề tương tợ, ngay cả sự kiện số đào ngũ gia tăng, - một dấu chỉ không mấy tốt, lẽ đương nhiên, nhưng tôi phải nhìn nhận là có một khuynh hướng tiến triển trong nội bộ Sư Đoàn 5 đối với những vấn đề đại loại như vậy.

[trang. 299]


Nguyễn Văn Tín
Ngày 31 tháng 7 năm 1999.
Cập nhật hóa ngày 06.08.2005

generalhieu