![]() Đại Đội 405 Thám Kích Suốt gần một tháng, đại đội bị đặt trong tình trạng cấm trại 100%. Không phải vì tình hình chiến sự khẩn trương đòi hỏi, nhưng vì cái chết của viên đại đội trưởng, trung úy Âu Hoàng Minh. Ông ta đã bị một trung úy thuộc Lực Lượng Đặc Biệt bắn gục tại chỗ trên sàn nhảy của phòng trà Moonlight ở Qui Nhơn. Cái chết của ông đã khiến cả đơn vị bàng hoàng. Thiếu úy Đức, biệt danh Đức râu kẽm, đại đội phó xử lý quyền Đại đội trưởng, thề trả thù. Cuộc chiến thay vì diễn ra tại chiến trường bây giờ diễn ra tại hậu phương. Xe tuần cảnh Mỹ Việt tuần tra liên miên. Rồi Lực Lượng Đặc Biệt cắm trại, thám kích Sư đoàn cũng cắm trại. Cấp trên đã không cho lính thuộc hai binh chủng về thành phố nữa. Trung úy Minh là một sĩ quan đánh giặc khét tiếng của Sư đoàn 22 BB. Ông xuất thân từ binh chủng nhảy dù. Cái chết của trung úy Minh đã làm nhiều người xôn xao không ít. Người ta kể về những phong cách ngang tàng, cao ngạo và anh chị của một số ít đơn vị trưởng tác chiến. Mỗi lần họ về thành phố, họ mang theo những hộ vệ, với súng ống đầy mình. Khi họ vào các phòng trà, nhà nhảy, thiên hạ run sợ lánh tản. Để rồi nhóm lính này nghinh nhóm lính khác, rồi bắn lộn, đập lộn như đoạn phim cao bồi trên màn ảnh. Cái chết của con chim đầu đàn của đại đội 405 Thám Kích đã làm ông Tư Lệnh Sư đoàn 22 BB, Chuẩn tướng Nguyễn văn Hiếu, phải đặt lại câu hỏi khi tuyển chọn một đại đội trưởng mới. Với quyền một tư lệnh Sư đoàn, chỉ huy 3 trung đoàn, và toàn lãnh thổ các tiểu khu Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Pleiku, Kontum lẽ ra ông chẳng cần bận tâm đến một đơn vị nhỏ bé như vậy. Nhưng tại sao ông lại quan tâm. Danh tiếng thám kích lẫy lừng từ khi Bộ Tổng Tham Mưu đặc biệt thành lập 6 đại đội biệt lập để đối phó với chiến trường vùng núi. Họ đa số là lính Thượng và Nùng, sau đó mới bổ sung thêm người Kinh. Họ là scout ranger. Họ đội mũ rừng thay nón sắt, trang bị vũ khí nhẹ. Ông hãnh diện ở tinh thần chiến đấu dũng cảm của họ qua những trận đánh đột kích chớp nhoáng vào các mật khu ở Tam Biên, phá hậu cần, hay những lần tiếp cứu đơn vị bạn bị vây khốn. Nhiệm vụ chính của họ là trừ bị và bảo vệ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Trong thời gian ông nhậm chức, họ đã không cho phép bất cứ một trái pháo nào của địch lọt vào khu vực của Bộ Tư Lệnh. Ông hiểu sau cái chết của đơn vị trưởng, họ bất mãn không ít. Và do đó, kỷ luật cũng phải giảm sút. Ông không muốn đại đội lại phải đi trên vết xe cũ thêm một lần nữa. Làm sao có thể chọn một người có đủ khả năng để chỉ huy một đơn vị vẫn còn nuôi mối hiềm thù. Làm sao ông có thể tìm một sĩ quan biết yêu thương thuộc cấp, nhất là không mắc phải bịnh kiêu binh, háo thắng. Một buổi sáng, ông bỗng chú ý đến một viên trung úy trẻ mang bằng dù trên ngực áo. Anh ta là sĩ quan không trợ của Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn. Ông nhận ra anh ta là một người điềm đạm, có kiến thức về tham mưu cũng như kinh nghiệm chiến trường, lại có khả năng ngoại ngữ, thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát. Điều này càng khiến ông hãnh diện khi ông ngồi bên viên cố vấn Mỹ. Ngày hôm ấy, ông âm thầm ra lệnh phòng Tổng Quản Trị trình ông về hồ sơ của người sĩ quan không trợ. Phòng Tổng Quản Trị cho biết anh ta tốt nghiệp khóa 18 Võ Bị Đà Lạt, bị đẩy ra khỏi binh chủng Dù. Người ấy là trung úy Nguyễn đình Trà mà tôi được cơ duyên phục vụ dưới quyền gần bốn năm rưỡi cho đến khi ông lên đại úy, sau đó được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng. Trần Hoài Thư
|