|
Một Con Người Khả Ái và Một Tư Lệnh Khả Kính
Trong khi dò hỏi người quen và sưu tầm tài liệu về Tướng Hiếu, tôi nhận thấy có một điểm nổi bật là ai cũng đồng ý Tướng Hiếu là một con người khả ái và một tư lệnh khả kính. Những nhận xét đó nằm rải rác trong trang nhà Tướng Hiếu, trong phần bài này tôi xin góp nhặt và qui tụ chúng lại thành một chuỗi tràng hạt khen tặng.
Sinh Viên Sĩ Quan Hiếu
Anh Hiếu là người tôi ngưỡng mộ nhất...Anh vui tính và rất dễ thương. Ai gặp anh lần đầu cũng có cảm tình liền...Trông anh đạo mạo như một giáo sư, các huấn luyện viên Việt Pháp đều nể và thích anh. (SVSQ Đinh Văn Chung).
Tôi thành thực khen Anh Hiếu về tư cách đáng quý của Anh và tính tình của Anh. (SVSQ Nguyễn Văn Mến).
Tánh tình điềm đạm, rất trung trực và dễ thương. Anh em khóa Trần Hưng Đạo ai cũng quý mến Thiếu Tướng...(SVSQ Hoàng Xuân Lãm).
Chúng tôi không thân nhau lắm tuy nhiên cũng như anh em SVSQ cùng khóa tất cả đều mến anh Hiếu, vì tánh tình hòa nhã và rất khiêm nhường của anh, mặc dầu anh là một thanh niên có văn hóa cao. (SVSQ Nguyễn Văn Toàn).
Tất cả anh em sinh viên sĩ quan khóa 3 đều mến anh Hiếu vì anh rất đạo đức và giỏi. (SVSQ Đỗ Trọng Nhuận).
Tôi có cảm tình ngay với anh vì nhận thấy anh rất hòa nhã và khiêm nhượng. (SVSQ Lữ Mộng Lan).
Sỹ quan thanh tra là Đại úy De Taine chỉ huy Sư Đoàn SVSQ. Trong một cuộc thanh tra, đôi giầy đinh của anh Hiếu đã được Đại úy De Taine lấy làm mẫu về cách lau chùi đánh bóng đúng mức. Thực ra thì đôi giầy đinh của ai cũng được đánh bóng kỹ lưỡng bên trên, nhưng nếu xem dưới đế thì hầu hết đôi nào cũng còn dính tý đất khô quanh chân đinh. Nhưng đôi giầy đinh của anh Hiếu thì sạch tinh và bóng láng cả trên lẫn dưới!...
Sau ngày mãn khóa, các sỹ quan tân khóa chia tay phân tán đi tứ phương trên đường phục vụ đất nước, tôi vẫn nhớ số ít bạn đồng khóa tâm đầu ý hiệp trong số đó đặc biệt có anh Hiếu. (SVSQ Quan Minh Giàu).
Trung Úy Hiếu
Tôi ở Câu lạc bộ Tổng Tham Mưu chung phòng với Trung Úy Nguyễn Văn Hiếu. Chúng tôi quen nhau từ đó. Anh là một Sĩ Quan hiền lành, đức độ và nhã nhặn, đối với bạn bè hết sức giúp đỡ. (Trần Ngọc Nhuận).
Đại Úy Hiếu
Sau ngày đất nước chia đôi, tôi được thuyên chuyển về Phòng Ba Bộ Tổng Tham Mưu để phụ trách ban Nghiên Cứu Tổng Quát; ít lâu sau anh Hiếu cũng thuyên chuyển về đây để đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Phòng. Mừng rỡ lại có ngày tái ngộ. Điểm đầu tiên tôi nhận thấy là phong độ, tính tình anh Hiếu vẫn như xưa. Trong thời gian làm việc với anh tại Phòng Ba, tôi nhận thấy anh Hiếu rất thông minh lanh lợi, quyết định mau chóng trong các công tác tham mưu. Các sỹ quan trong phòng đều nể phục anh. (Đại Tá Quan Minh Giàu).
Thiếu Tá Hiếu
Thiếu Tá Wagner giới thiệu với tôi viên Chỉ Huy Phó Hành Quân Việt Nam trong Vùng Quân Đoàn 1, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hiếu, một con người tầm thước nhỏ bé, tinh anh, ăn mặc tươm tất. Thiếu Tá Wagner kéo tôi qua bên và nói nhỏ vào tai tôi, "Anh chàng này cừ khôi lắm đấy". (Một Sĩ Quan TQLC Mỹ)
Thiếu Tá Hiếu được các bạn học mến mộ và nể trọng. (Phiếu Điểm, Đại Học Quân Sự Cao Cấp Mỹ).
Tôi có gặp một Cố Vấn lâu lắm rồi, ông ta học chung với anh của ông (tôi không nhớ tên), nhưng còn nhớ ông ta khoe anh ông giỏi giang làm sao trong trường, và tiên đoán là anh ông sẽ lên Tướng nay mai! (Beverly Haire).
Tư Lệnh Sư Đoàn 22
Hơn 20 năm trôi qua, hồi tưởng cố Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, tôi không tránh được xúc động và khâm phục một vị tướng lãnh tài ba, đức độ...một tướng lãnh tài đức vẹn toàn...Không riêng gì cá nhân tôi, có thể nói rằng cho tới ngày hôm nay hầu hết các chiến sĩ QLVNCH đều kính mến những nét quý của cố Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu...Tư cách và làm việc của Thiếu Tướng Hiếu đã làm cho quân nhân các cấp tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh kính mến và hãnh diện được phục vụ dưới quyền ông. Đối với thuộc cấp, ông là Tư Lệnh độ lượng, thông minh, không bè phái, không tham nhũng hối lộ của bất cứ ai. Đối với đơn vị Hoa Kỳ và Đồng Minh, ông được họ kính nể hết mức qua thái độ phục vụ tổ quốc và quân đội...Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn rất kính nể Thiếu Tướng Hiếu... (Đại Tá Trịnh Tiếu).
Tôi phục nhất hai Tướng. Thứ nhất là Tướng Đỗ Cao Trí...Thứ nhì là Tướng Hiếu vì ông đánh giặc với một trình độ văn hóa cao...Tướng Hiếu giỏi về tham mưu đã đành, nhưng ông tác chiến cũng rất cừ...Tướng Ngô Quang Trưởng so sao bằng Tướng Hiếu được... (Đại Tá Lê Khắc Lý).
Tôi mừng là đã dùng rất nhiều thời gian làm việc với Sư Đoàn 22 thuộc QLVNCH liên quan đến chiến thuật di động không kỵ, vì lẽ Sư Đoàn 22, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu, phải cáng đáng gánh nặng chính trong Tỉnh Bình Định trong một thời gian lâu dài.(...) Trong thời kỳ hành quân Pershing đã có trên 29 hành quân phối hợp đã được thực hiện với Sư Đoàn 22 thuộc QLVNCH. Trung Đoàn 40 thuộc sư đoàn này đã đóng vai trò chính yếu trong Trận Tam Quan. (Thiếu Tướng John Tolson).
Tôi nhớ rõ nhất ông là một con người rất hiên ngang được binh sĩ ông rất kính nể.(Jason Kaatz).
Tư Lệnh Sư Đoàn 5
Tướng Hiếu là một tư lệnh trên trung bình...Ông được đánh giá cao hơn mức trung bình của một tư lệnh Sư Đoàn Mỹ trong cung cách hành sự toàn diện của ông. (Đại Tá John G. Hayes).
Trong những khi trực thăng bị trúng đạn súng cao xạ của địch quân, Tướng Hiếu hay pha trò để giảm sự căng thẳng và mối sợ hãi của các người đồng hành. (Thiếu Tá Edgar C. Doleman).
Tôi có thể nói lại với ông là Tướng Abrams rất kính trọng Tướng Hiếu và luôn đề cao tính thanh liêm, tiết khí và quả cảm của Tướng Hiếu. (Raymond D'Addario, Sĩ Quan Anh Ninh Cá Nhân cho Tướng Creighton Abrams).
Khi tôi nhìn thấy hình Tướng Hiếu ở trang nhà này, tôi nhớ lần tôi gặp ông ở Cam Bốt...Viên sĩ quan cao cấp đi cùng với tôi nói là nếu Việt Nam được chỉ huy bởi viên Tướng Lãnh này thì chúng ta đã đẩy lui quân Bắc Việt trở về nguyên quán chúng...Tôi ước gì tôi đã gặp được Tướng Hiếu chỉ một lần thôi, chỉ để quen biết một chiến binh thứ thiệt... (Claude Stevens).
Trong ba Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn (5, 18 và 25) của Quân Đoàn 3, Tướng Hiếu được Tướng Đỗ Cao Trí trọng dụng nhất...Trong đời Tướng Hiếu, có hai người thương ông nhất, đó là cụ Trần Văn Hương và Tướng Đỗ Cao Trí... (Đại Tá Nguyễn Khuyến).
Trong thời gian anh Hiếu làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh thì tôi làm Dân Biểu Quốc Hội, đơn vị Bình Long...Là một Tư Lệnh Sư Đoàn rất giỏi về chiến lược, chiến thuật, thêm vào tánh tình thẳng thắn, cương trực, không bè phái, thanh liêm, nên rất được nhiều người nể, nhưng có một số ít không thích... (Dương Văn Thụy)
Tôi chống đối Việt Nam hóa ... Tôi chỉ xin kể lại một
mẩu chuyện. Tôi thăm viếng một số đơn vị tại chiến trường để tìm hiểu về
chương trình Việt Nam hóa chiến tranh...Chuyện này xảy ra tại bộ tư lệnh Sư
Ðoàn 5. Tôi thảo luận vấn đề với tư lệnh của sư đoàn, Tướng Nguyễn Văn
Hiếu, một tướng thanh liêm nhất, và đồng thời cũng tài ba nhất. Câu
trả lời của Tướng Hiếu đã làm cho tôi phải lấy làm ngạc nhiên và bừng tỉnh con
mắt. Tôi hỏi Tướng Hiếu, 'Anh nghĩ sao về Việt Nam hóa?' Tướng Hiếu nói với
tôi, 'Không thể thực hiện nó được.' 'Tại sao vậy?' Tướng Hiếu đáp, 'Sư Ðoàn 5
bao giàn một vùng mà trước đây có hai sư đoàn Mỹ khác, và bây giờ sau khi hai
sư đoàn Mỹ đó đã bỏ đi tôi chỉ có một sư đoàn của tôi để bao giàn trọn vẹn
vùng này. Tôi có ba trung đoàn trong vùng và phải dùng một trung đoàn thay thế
cho một sư đoàn. Làm sao mà tôi có thể đối chọi với địch trong tình trạng này?
Hẳn là tôi phải suy yếu đi nhiều.' Tướng Hiếu tỏ vẻ thất vọng. Tôi lấy làm
ngạc nhiên; Tướng Hiếu là một con người trầm lặng, rất lễ độ, và đã cố gắng
hết sức mình. Nhưng Tướng Hiếu đã khẳng định với tôi là không thi hành được.
'Làm sao mà tôi có thể bao giàn một vùng rộng lớn hơn với số lượng đơn vị bớt
đi?' Thế có nghĩa là chương trình Việt Nam hóa khiến cho chúng tôi suy yếu đi. (Tướng Trần Văn Ðôn)
Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3
Tướng Hiếu không như các Tướng Lãnh khác. Ông có vẻ văn hơn là võ. (Đại Tá Phan Huy Lương).
Tướng Hiếu là một Tướng giỏi và trong sạch. Mọi người từ trên xuống dưới đều quý mến ổng...Ông quả thật là một vị tướng giỏi và nhất là trong sạch. Hình ảnh một ông tướng trẻ tuổi, đẹp trai nhưng lại ăn mặc xuề xòa, tánh tình điềm đạm và bình dân vẫn còn ghi mãi trong ký ức của tôi...Trong suốt bao nhiêu năm làm việc trong ngành An Ninh Quân Đội, tôi được đọc rất nhiều hồ sơ báo cáo về nết hư tật xấu, tham nhũng và hối mại quyền thế của các Tướng và Tá thuộc QLVNCH thời bấy giờ, nhưng tuyệt nhiên không có ai nói xấu về Tướng Hiếu. (Đại Tá Nguyễn Khuyến).
Chúng tôi anh em khóa Trần Hưng Đạo rất hãnh diện có một người bạn trung trực và hiên ngang như Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu. (Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm).
Mãi cho đến tháng 11 năm 1974 tôi được đề cử về Quân Đoàn III thì gặp lại anh Hiếu đang giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Hành Quân ở Quân Đoàn. Chúng tôi đã hợp tác hoạt động với nhau rất vui vẻ và hữu hiệu. Anh Hiếu vẫn giữ được tính tình hòa nhã và khiêm nhượng như xưa... Tình hình chiến trận thời gian này rất sôi động... Thiếu Tướng Hiếu đã tỏ ra có khả năng cao độ và luôn luôn chu toàn nhiệm vụ giao phó một cách đáng khen... (Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn).
Nếu QLVNCH có nhiều Tướng Lãnh tầm vóc Tướng Hiếu thì nước Việt Nam đã không bị mất. (Tướng Trần Văn Đôn).
Trong QLVNCH chỉ có Tướng Hiếu là có khả năng và bản lãnh điều binh cấp Quân Đoàn, các Tướng Lãnh khác chỉ cầm nổi quân tới cấp Sư Đoàn. (Một Tướng Lãnh Hoa Kỳ).
Tôi biết rõ cụ Phó và ông Vân rất mến thương Tướng Hiếu...Khi được tin Tướng Hiếu tử nạn, cụ Phó và ông Vân đến tận nơi tỏ lòng thương tiếc lúc chưa liệm thi hài... (Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ).
Năm kia, Đại Tá Trịnh Tiếu...có nhắc tới Thiếu Tướng Hiếu, với lòng kính mến tuyệt đối, một Cấp Chỉ Huy ưu tú, thanh liêm và khả kính nhất. (Trung Tướng Lữ Lan).
Tướng Hiếu là một tướng lãnh trong sạch, đạo đức, có tầm mắt rộng lớn để nhìn thấy hậu trường chính trị và chiến lược trên phương diện quốc gia và quốc tế. Ông xứng đáng là một một minh quân của nước VNCH mà VN đã thiếu vắng hơn một thế kỷ, tuy nhiên
thời cơ quá muộn đã không cho phép ông thi thố tài năng. Cuối năm 1972 ông đã cho tôi thấy tấm lòng yêu nước chống Cộng của ông cũng như những tiên đoán chính sách đổi mới của chính sách Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm Trung Cộng của Tổng Thống Nixon. Chỉ hơn một giờ ngồi ăn cơm trưa với ông tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Ðông cuối tháng tư năm 1974, tôi đã thấy ông là một chiến lược gia quốc tế ngoài cái đức tính văn võ kiêm toàn của ông. Ông đã thấy rõ cái nguy cơ mất nước sau Hiệp Ðịnh Ba Lê, phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ, vụ Watergate của Tổng Thống Nixon và sắc luật hạn chế quyền hạn chiến tranh của T/T Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông không sờn chí với chính sách “Còn Nước Còn Tát”, “Không Bỏ Cuộc Dù Ðồng Minh Bỏ Cuộc”, “Quyết Sinh Tử Với Ðịch” …Ông đã có môt kế hoạch “Trì Hoãn Chiến” bằng đường lối ngoại giao trên phương diện quốc tế, tuy nhiên “Mưu Sự Tại Nhân, Thành Sự Tại Thiên” nên thiên thời đã không cho phép ông gỡ thế cờ bí của VNCH. (Trần Văn Thưởng).
Nguyễn Văn Tín
Ngày 01 tháng 4 năm 2000.
Cập nhật ngày 06.07.2006
generalhieu
|
|