Quyết Thắng 202

Vào khoảng cuối tháng tư năm 1964, Thủy Quân Lục Chiến của Đại Tá Merchant liên đới với các đơn vị của Không Lực Việt Nam và Lục Quân Hoa Kỳ để phát động một cuộc tấn kích trực thăng vận được coi là tốn kém và phản chộ́ng khốc liệt nhất tại Nam Việt Nam trong thời kỳ 1962-1965. Ngày 26, Đại Tá Merchant, Trung Tá La Voy và Trung Tá George Brigham, sĩ quan điều hành các đơn vị hành quân, bay tới Quảng Ngãi và Pleiku để tham dự các giai đoạn cuối cùng của kế hoạch cho một cuộc tấn công gồm nhiều tiểu đoàn vào vùng Đỗ Xá, mật khu rừng núi Việt Cộng nằm dọc theo ranh giới phía bắc của Quân Đoàn II. Tại Quảng Ngãi, giới chức từ bộ tư lệnh Quân Đoàn II đã hoàn tất các kế hoạch tổng quát cho Hành Quân Quyết Thắng 202 (Mỹ dịch sai là Sure Wind 202); tầm kích của cuộc hành quân đòi buộc sự trưng dụng của tất cả các trực thăng vận tải khả dụ̣ng trong cả Quân Đoàn I và II. Các đại diện Thủy Quân Lục Chiến được thông báo cho biết vai trò của các trực thăng HMM-364 trong cuộc hành quân sắp thực hiện là chuyên chở một tiểu đoàn 420 lính Nam Việt Nam từ phi trường Quảng Ngãi tới Bãi Đáp Bravo, một mục tiêu nằm cách khoảng chừng 30 dậm phía đông của địa điểm bốc quân. Đồng thời với cuộc tấn công này, một đại đội trực thăng Lục Quân HK đóng tại Pleiku cũng được trưng dụng chuyên chở hai tiểu đoàn QLVNCH (960 quân lính) từ Gi Lăng, một tiền đồn nằm tại 24 dậm tây tây-nam của Quảng Ngãi, tới một bãi đáp khoảng tám dậm tây tây-nam của Bãi Đáp Bravo. Cuộc hành quân được ấn định khởi xuất sáng ngày 27 tháng 4, với các đợt tấn công đầu tiên ấn định đổ bộ vào lúc 9 giờ sáng. Do khoảng cách cách biệt của hai bãi đáp trong vùng núi và vì hai đơn vị trực thăng khác biệt thực hiện công việc chuyển vận quân lính, kế hoạch hành quân coi hai cuộc tấn công như hai cuộc hành quân riêng rẽ. Một chiếc phi cơ U-10 Không Quân HK được cắt đặt để chở Đại Tá Merchant, nhân viên TACA [Tactical Air Controller, Airborne] và các đại diện khác của ASOC [Air Support Operations Center] có nhiệm vụ phối hợp công cuộc trực thăng vận vào Bãi Đáp Bravo. Hai mươi mốt phi cơ Skyraiders A-H1 Việt Nam được giao trọng trách không yểm tác chiến cho phân bộ Thủy Quân Lục Chiến của cuộc hành quân. Mười hai trong số phi cơ tấn kích này được ấn định thực hiện các phi xuất tấn kích chuẩn bị tại và xung quanh các bãi đáp, bốn chiếc sẽ bay vòng trên vùng sau khi cuộc đổ bộ trực thăng khởi sự, và bốn chiếc còn lại sẽ túc trực tại phi đạo ở Đà Nẵng. Năm trực thăng võ trang UH-1B Lục Quân HK được ấn định hộ tống các trực thăng UH-34D Thủy Quân Lục Chiến HK đi tới và rời khỏi bãi đáp.

Các vụ không tập chuẩn bị xung quanh Bãi Đáp Bravo khởi sự trong khi các toán quân leo lên 19 chiếc trực thăng của Thủy quân Lục Chiến HK và hai chiếc của Không Lực Việt Nam tại Quảng Ngãi. Tiếp sau các vụ không tập của KLVN, các trực thăng võ trang hộ tống của Lục Quân HK nhào xuống để tiền thám vùng. Họ được tiếp đón bởi các đại liên 50 và 30 ly Việt Cộng. Các trực thăng võ trang phản pháo với hỏa tiễn và đại liên nã vào các vị trí địch tuy có thể xác định nhưng không thể trừ khử các họng súng Cộng Quân. Trong khi đó, các trực thăng chở đầy quân của TQLC HK và KLVN rời khỏi Quảng Ngãi và tiến gần đến mục tiêu. Sau khi các trực thăng UH-1B bắn trọn bom đạn và gần cạn xăng trong nỗ lực vô hiệu hóa hỏa lực địch, Đại Tá Merchant ra lệnh các trực thăng, vận tải cùng võ trang trở về Quảng Ngãi để tái trang bị đạn dược và xăng nhớt. Với các trực thăng vận tải và võ trang trên đường trở về Quảng Ngãi, viên ASOC kêu gọi các phi cơ A-1H KLVN tuần trực tấn công các vị trí Việt Cộng. Trong thời gian không kích tiếp diễn, một Skyraider bị tổn thương trầm trọng bởi hỏa lực của đại liên 50 ly. Viên phi công Việt Nam quay đầu chiếc phi cơ bốc khói về hướng đông tìm cách lê lết về phi đạo Quảng Ngãi, nhưng không nổi và phóng pháo cơ này rớt xuống không đầy một dậm phía tây của một phi đạo nhỏ.

Các vụ không tập của các phi cơ A-1H tại và xung quanh Bãi Đáp Bravo tiếp diễn tới 12 giờ 25 trưa. Sau đó ít lâu, Đại Tá Merchant ra lệnh cho đợt đầu của các trực thăng vận tải đổ bộ lực lượng tấn công QLVNCH. Các trực thăng hộ tống UH-1B vẫn còn đang bị bắn trong lúc các phi vụ đầu tiên của ba chiếc trực thăng UH-34D tiến gần tới bãi đáp. Tuy nhiên lần này các phi công TQLC HK và KLVN không nao núng. Các trực thăng UH-34D đầu tiên trạm đất lúc 12 giờ 30 với các xạ thủ đại liên bắn xối xả các lằn đạn màu da cam vào khu rừng rú bao quanh. Tuy có số lượng cao của các hỏa lực vùi dập, nhiều trực thăng trong đợt đầu cũng bị trúng đạn súng ống tự động của Việt Cộng. Một chiếc bị tổn hại nặng nề và rớt xuống bãi đáp. Các nhân viên phi đoàn đều an toàn và được một chiếc trực thăng TQLCHK khác có nhiệm vụ tìm và cứu vớt trong cuộc hành quân do Thiếu Tá John R. Braddon lái bốc cứu. Một chiếc UH-34D khác cũng bị hư hại trong lúc giao tranh lần về tiền đồn nơi xuất phát các phi vụ trực thăng và đáp xuống trong tình trạng cấp bách.

Đợt tấn công thứ nhì bị đình trệ trong khi các Skyraiders KLVN tái cố gắng đánh bật địch ra khỏi các vị trí của chúng xung quanh bãi đáp đang giao tranh. Cuộc trực thăng vận tái diễn vào 13 giờ 55 trước sức kháng cự tuy thuyên giảm nhưng lì lợm của Cộng Quân. Trong giai đoạn của cuộc trực thăng vận này, một chiếc trực thăng của KLVN và nhiều chiếc của TQLCHK bị trúng đạn hỏa lực 50 ly của địch. Chiếc trực thăng Việt Nam bị mất kiểm soát cánh quạt đằng đuôi, quay tít khi cố gắng cất cánh và đâm nhào xuống trung tâm bãi đáp. Phi hành đoàn đều thoát nạn và được trực thăng cấp cứu của Thiếu Tá Braddon bốc lên.

Sau biến cố này, khi các chiến binh Nam Việt Nam bắt đầu tản rộng ra từ bãi đáp và buộc các xạ thủ Cộng Quân rút lui sâu vào trong rừng rậm, cuộc đổ bộ tiến hành mau chóng hơn. Đợt tấn kích trực thăng vận thứ tư và cuối cùng được thực hiện vào 17 giờ 30, sau đó 357 trong số 420 quân lính VNCH đã được vận chuyển đến Bãi Đạp Bravo. Trong ngày đầu của cuộc hành quân, 15 trong số 19 trực thăng UH-34D của TQLCHK bị trúng đạn. Chỉ có 11 chiếc trực thăng của TQLCHK và KLVN trong số nguyên thủy xung vào việc yểm trợ cuộc hàng quân còn trong tình trạng bay được. Giai đoạn tấn kích bằng trực thăng võ trang của Quyết Thắng 202 hoàn tất vào sáng hôm sau. Mười bốn chiếc trực thăng từ HMM-364, trong số đó nhiều chiếc đã được sửa chữa trong đêm, và bốn chiếc UH-1B của Lục Quân HK chuyển vận số tiểu đoàn Nam Việt Nam còn lại vào bãi đáp. Vào thời điểm đó cường độ tác động địch quân trên các núi đồi bao quanh đã giảm thiểu rất nhiều. Chỉ có một chiếc trực thăng TQLCHK bị trúng đạn và chỉ thiệt hại nhẹ. Sau khi chu toàn nhiệm vụ, các trực thăng của HMM-364 trở về Gi Lăng, tiền đồn nơi đại đội trực thăng Lục Quân phát xuất, để giúp đại đội này trong phận vụ chuyển vận quân.

Những mất mát về máy bay cho cuộc hành quân tiếp tục chồng chất trong ngày thứ hai khi một chiếc trực thăng UH-34D TQLCHK bị vướng vào cánh quạt của các trực thăng đang hạ cánh và đâm nhào xuống trong khi tiến gần phi đạo tại Quảng Ngãi. Trực thăng rớt xuống một con kinh dẫn thủy cạnh bên phi đạo, lật ngược thân mình và bị ngụm chìm hoàn toàn. Phi hành đoàn leo thoát ra được nhưng trực thăng bị hủy hoàn toàn.

Ngày 29 tháng 4, ba chiếc UH-34D chở một toán thanh tra sửa chữa và một đội anh ninh TQLC từ Đà Nẵng vào Bãi Đáp Bravo để thẩm định sự thiệt hại hai chiếc trực thăng hứng chịu đã bị bắn hạ trong ngày đầu của Quyết Thắng 202. Toán thanh tra xét thấy bốn viên đạn chọc thủng chiếc trực thăng TQLC. Chiếc trực thăng KLVN thì bị gần 30 viên đạn rỉa, kể cả một tràng đạn 50 ly đã cắt đứt giây cáp điều khiển cánh quạt. Toán thanh tra kết luận không sửa chữa được mức thiệt hại và đã phá hủy chúng tại chỗ nơi rớt xuống.

Thoạt tiên, các kế hoạch viên của MACV và Quân Đoàn II dự tính các trực thăng TQLC sẽ cần dùng tới để yểm trợ Quyết Thắng 202 sau đợt tấn kích đầu tiên. Tuy nhiên, sự thể cho thấy việc xử dụng hằng ngày trực thăng trong cuộc hành quân sẽ vượt trên mức trực thăng khả dụng trong Quân Đoàn II. Do đó bộ tư lệnh Mỹ tại Sài Gòn chỉ thị cho phân đội điều hành của Đại Tá Merchant tiếp tục cung ứng yểm trợ cho thời kỳ tấn công. Theo đó, ban chỉ huy thành phần điều hành cắt đặt một sĩ quan liên lạc viên tại bộ tư lệnh Sư Đoàn 2 QLVNCH. Viên sĩ quan này có bổn phận phối hợp các nhu cầu về phi cơ. Khi Quyết Thắng 202 chấm dứt ngày 25 tháng 5, các phi hành đoàn của phi đội HMM-364 đã đóng góp 983 phi xuất và 800 giờ bay cho nỗ lực của Nam Việt Nam tại phần đất phía bắc của Quân Đoàn II.

Đại Úy Robert H. Whitlow, USMCR
(The Advisory & Combat Assistance Era: 1954-1964, trang 152-154)

general hieu