Tướng Hiếu và Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp

Tuy không xuất thân từ Thiết Giáp Binh và chưa từng theo học trường thiết giáp ở Thủ Đức (Việt Nam), ở Saumur (Pháp) hay ở Fort Knox (Mỹ), Tướng Hiếu chứng tỏ tài năng kiệt xuất trong việc ứng dụng nhị thức bộ binh thiết giáp mỗi khi xung trận. Trước khi chưng bằng cớ Tướng Hiếu đã giải nhị thức này cách tài tình như thế nào, ta hãy xét xem tại sao công thức này lại hóc búa, khó giải như vậy, hay nói cách khác, tại làm sao lại khó xử dụng chiến xa và thiết vận xa trên chiến trường Việt Nam.

Một Nhị Thức Hóc Búa

Đại Tướng Westmoreland đã từng tuyên bố: "Không thể xử dụng chiến xa tại chiến trường Việt Nam, ngoại trừ một vài vùng ven biển miền Trung." Và ông chỉ đổi ý kiến đó vào năm 1968, sau khi thấy các đơn vị thiết giáp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thành công trong việc dùng nhị thức bộ binh thiết giáp và ra lệnh cho các đơn vị Mỹ noi theo gương của người bạn đồng minh bé nhỏ.

Không những Quân Lực Hoa Kỳ cảm thấy khó khăn xử dụng chiến xa ở chiến trường Việt Nam, mà các Quân Lực Đồng Minh (Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái) tham chiến khác cũng cảm thấy như vậy, kể cả Quân Chính Quy Bắc Việt. Cộng Quân bắt đầu xử dụng chiến xa T-54 trên chiến trường Việt Nam vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại mặt trận Tân Cảnh-Kontum, mặt trận Quảng Trị và mặt trận An Lộc. Tuy lúc khởi đầu quân lính ta lúng túng và bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đối mặt với chiến xa, nhưng vì các chiến xa cộng quân không được bộ binh thiết tùng và cứ lù lù đơn phương độc mã khơi khơi tiến tới nên bị các chiến sĩ bắn tỉa và hạ cách dễ dàng với súng chống chiến xa M-72. Hình như các lính và sĩ quan Bắc Việt được gửi sang Nga học lái, sửa chữa và bảo trì chiến xa, chứ không được huấn luyện qua một lớp chiến thuật xử dụng chiến xa.

Yếu tố thứ nhất khiến khó dùng chiến xa/thiết vận xa là yếu tố địa hình. Chiến xa chỉ thuận lợi khi địa hình bằng phẳng, trải rộng, khô cứng và ít chướng ngại vật. Về mặt địa hình này, chiến trường Việt Nam được chia ra làm bốn vùng: Đồng Bằng (vùng đồng ruộng quanh Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ), Núi (vùng dọc theo dãy Trường Sơn), Ven Biển (vùng cát biển quanh Phan Thiết, Tuy Hòa, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế) và Cao Nguyên (vùng quanh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột). Thiết Giáp Binh QLVNCH chứng minh cho thấy có thể xử dụng chiến xa nhẹ M41 và nhất là thiết vận xa M113 biến cải trên ba vùng nêu trên ngoại trừ vùng Núi là nơi dung thân của Việt Cộng.

Yếu tố thứ hai khiến khó dùng chiến xa/thiết vận xa là yếu tố khối chất nặng nề và kềnh càng của chúng. Muốn xử dụng chúng cách hữu hiệu cần nắm vững địa hình và giải quyết được những khó khăn tiếp vận xăng nhớt đạn dược và bảo trì. Ta cứ ví việc điều động một thiết đoàn tương tự như việc phải điều động một đoàn 3, 4 chục con voi thì sẽ hiểu ngay là không phải chuyện dễ làm: thay vì là một lợi khí, nó có thể trở nên một gánh nặng khó xử trên tay.

Yếu tố thứ ba khiến khó dùng chiến xa/thiết vận xa là yếu tố nhân sự của binh chủng Thiết Giáp. Trong bất luận Quận Lực nào cũng vậy, binh sĩ mũ đen Thiết Giáp luôn có thái độ tự kiêu, phần vì vị thế ngồi trên cao nhìn xuống chiến sĩ Bộ Binh, phần vì thêm tính chất chuyên môn kỹ thuật máy móc. Vì vậy nên các Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp thường cứng đầu khó bảo đối với các Tư Lệnh không phải gốc Thiết Giáp. Chính vì lòng tự kiêu này, nên các Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp không mấy bằng lòng khi các Trung Đoàn Thiết Giáp được cải danh thành Thiết Đoàn, khiến cho một Thiết Đoàn Trưởng, trước ngang hàng cấp bậc nay lại thua kém vai vế đối với một Trung Đoàn Trưởng Bộ Binh. Tuy nhiên, các kỵ binh ý thức được rằng nếu chiến xa/thiết vận xa không được bộ binh tháp tùng thì tựa như con ngựa bị che mắt dễ làm mồi cho các súng chống chiến xa cá nhân.

Chính vì phải khuất phục được tất cả những yếu tố khó khăn nêu trên, nên một Tư Lệnh phải giỏi lắm mới giải nổi và xử dụng cách hữu hiệu được nhị thức Bộ Binh Thiết Giáp. Chẳng vậy mà Tướng Nguyễn Văn Minh, một lãnh đạo quân sự kém cỏi, đã phải thà giải thể Lữ Đoàn Thiết Giáp Quân Đoàn 3 và Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3 vào cuối năm 1971 hơn là xử dụng tới hai đại đơn vị lợi hại này.

Tướng Hiếu , vì luôn nắm vững được tình hình địa hình địa thế, tình hình địch quân và nhân tâm của bộ binh lẫn thiết giáp binh nên đã khiến việc dùng tới Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp như là lối tác chiến đặc thù của mình.

Sở dĩ Tướng Hiếu ứng dụng giỏi Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp là do tài học lóm sẵn có. Tướng Hiếu đã học lóm chiến thuật đánh bằng chiến xa/thiết vận xa mỗi khi có dịp gần gũi trò chuyện với một sĩ quan gốc Thiết Giáp, tỉ như Thiếu Tá George E. Kimball (sĩ quan đỡ đầu khi Thiếu Tá Hiếu học tại Đại Học Chỉ Huy Cao Cấp và Tham Mưu, Fort Leavenworth, Kansas, năm 1963), Đại Úy Trần Quang Khôi (Trưởng Phòng 3, khi Đại Tá Hiếu làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2 với Tướng Tư Lệnh Trí năm 1964), Tướng Harry Kinnard (Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ khi còn là Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2 với Tướng Tư Lệnh Vĩnh Lộc năm 1965, và khi còn là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 22 năm 1966), Đại Tá John Hayes (Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5 VN năm 1969-1970) và Thiếu Tá Shouse (Cố Vấn Trưởng Phòng 3/SĐ5VN năm 1970). Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 22, kể lại rằng khi Tướng Hiếu mới về nắm Sư Đoàn 22 có tâm sự với ông: "Khả năng thật sự của tôi không phải là ngành tác chiến, mà là chiến lược gia trong một ban tham mưu hỗn hợp quốc tế." Đại Tá Lý nói tiếp: "Tướng Hiếu khiêm nhượng nói vậy, nhưng ông học nghề rất mau và chẳng mấy chốc đã thuần thục trong vai trò Tư Lệnh một Sư Đoàn tác chiến."

Những Chiến Tích Điển Hình Ứng Dụng Nhị Thức của Tướng Hiếu

Hầu như mỗi khi xuất trận Tướng Hiếu đều xử dụng Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp. Điển hình là các trận đánh sau đây đã được đề cập tới trong các đoạn khác của trang nhà này:

Trận Pleime. Trong trận này, Đại Tá Hiếu đã dùng chiến thuật "chấn động" và "tiền pháo hậu xe" để đối chọi lại ổ phục kích do Trung Đoàn 32 BV gồm ba Tiểu Đoàn 635, 344 và 966 thiết lập.

Cũng trong Trận Pleime, khi rút tỉa bài học từ trận đánh liên quan đến thuật dùng chiến xa, Đại Tá Hiếu viết:

Chúng ta cũng học biết được là trong trận Đức Cơ trước đây, Việt Cộng luôn tìm cách lợi dụng màn đêm để tấn công các đơn vị thiết giáp. Lần này tại Pleime, địch cũng dùng chiến thuật đó, tạo cho các đơn vị thiết giáp thêm một dịp tạo chiến công và nâng cao niềm hãnh diện của Thiết Đoàn 3 (đóng tại Pleiku), đơn vị thiết giáp kỳ cựu nhất trong QLVNCH đã từ tham dự vào cuộc chiến đấu khốc liệt tại Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Yên trên vùng Bắc Việt, trước ngưng chiến năm 1954.

Địa thế tại Pleime bị che phủ bởi bụi cây rậm rạp nhưng nền đất lại rắn chắc, suối nhỏ lại hiếm và các chiến sỉ thiết kỵ có thể cảm thấy thoải mái như đang ở nhà. <>Trong hầu hết các trường hợp, bộ binh tháp tùng bảo vệ các đoàn quân chiến xa là điều đòi buộc. Trái lại, trận Pleime là một trường hợp cổ điển trong đó các phần tử bộ binh phương hại nhiều đến tính di động và khả năng của các chiến xa. Vì lẽ đó, các đại đội trưởng thiết giáp không nên bám quá khư khư vào các nguyên tắc bài bản và tốt hơn là bạo dạn phơi trần ra thay vì giới hạn tính di động của mình với một bộ binh tháp tùng sát bên bảo vệ. Điều này sẽ không những tạo tự do hành động mà còn biện minh cho khả năng tự vệ trong trường hợp bị tập kích bất ngờ.

Trận Đèo Phù Cũ. Nhà văn Phan Nhật Nam viết:

Nắm quyền tư lệnh sư đoàn từ giữa năm (tháng 6, 1966), cuối năm (tháng 11), vị tân tư lệnh đã tạo dựng ngay một chiến thắng vẻ vang dưới chân Đèo Phù Cũ (Quận Phù Mỹ). Lúc ấy, chúng tôi, đơn vị tăng phái (Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù – Pnn) làm thành phần chận địch đóng trên núi, chứng kiến đơn vị bạn (Trung Đoàn 42/ Sư Đoàn22Bộ Binh) hợp cùng chi đoàn thiết vận xa M113 lùa địch từ Quốc Lộ I vào núi. Trận chiến hào hùng như một đoạn phim tài liệu lịch sử kỳ Đệ Nhị Thế Chiến - Các chiến sĩ bộ binh tùng thiết với thiết vận xa M113 theo đội hình hàng ngang, ào ạt tiến tới sau một đợt tác xạ, mạnh mẽ uy vũ như những hiệp sĩ thời trung cổ xung trận. Chiến Đoàn Trưởng Nhảy Dù, Trung Tá Nguyễn Khoa Nam đứng trên sườn núi chong ống nhòm quan sát trận địa dẫu là người kín đáo, phải nói nên lời thán phục: “Đại Tá Hiếu điều quân như một “ông thiết giáp” nhà nghề, và lính Sư Đoàn 22 đánh đẹp đâu thua lính mình”- Lời ngợi ca chân thật giữa những người chiến đấu nơi trận tiền.

Trận Đại Bàng 800. Trong trận này, Tướng Hiếu đã ngoạn mục dùng chiến thuật "bủa vây" ngăn chận đường rút lui về dãy núi Trường Sơn của một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng Băc Việt, sau khi dùng kế "Điệu Hổ Ly Sơn" dụ Trung Đoàn này xuống núi.

Trận Toàn Thắng 8/B/5. Trong trận này, Tướng Hiếu đã dùng chiến thuật "càn quét" với hai Thiết Đoàn 1 và 18 hỗ trợ cho 3 Chiến Đoàn 1, 9 và 333 để lùng 2 Trung Đoàn 174 và 275 thuộc Sư Đoàn 5 Bắc Việt quanh thị trấn Snoul sâu trong lãnh thổ Cam Bốt.

Trận Snoul. Trong trận này, Tướng Hiếu đã dùng các chiến thuật "cường thám", "càn quét", "gây chấn động" (khi Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3 tăng phái tới tiếp cứu Chiến Đoàn 8 trên đường rút lui), và dự định xử dụng chiến thuật "bủa vây" với 8 Chiến Đoàn gồm các đơn vị của Sư Đoàn 18 và 25 thuộc Quân Đoàn 3 thì khốn thay bị Tướng Minh phá bỉnh kế hoạch hành quân.

Trận Svay Rieng. Trong trận này, Tướng Hiếu đã dùng chiến thuật "blitzkrieg" một cách "quỷ khốc thần sầu", được hai sử gia quân sự Mỹ Samuel Lipsman và Stephen Weiss kể lại trong cuốn The False Peace, The Vietnam Experience, Boston Publishing Company.


Nguyễn Văn Tín
Ngày 25 tháng 7 năm 1999.

Cập nhật ngày 03.02.2007

generalhieu