Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá

Dựa vào tin tức tình báo thâu lượm được, ngày 27 tháng 4 năm 1964, các bộ tư lệnh quân sự tại Việt Nam liên kết chuẩn bị các cuộc tấn kích bằng trực thăng vào các sào huyệt của Việt Cộng. Một sào huyệt nằm tại 15 miles về hướng tây của Quảng Ngãi, gần làng Đỗ Xá, và sào huyệt thứ hai cách khoảng chừng 30 miles xa hơn về hướng tây.

Tại các doanh trại của quân đội Pháp để lại tại Đà Nẵng, các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến thuộc phi đoàn HMM-364 (phi công, xạ thủ, các đội toán bảo trì, các trưởng toán phi hành đoàn) được đánh thức sớm và được chuyên chở tới phi đạo trên các xe vận tải 6x6 mang biệt hiệu "Sweetlips". Khi tới nơi, các trưởng toán phi hành đoàn bắt đầu duyệt xét các chi tiết tiền phi hành của mười chín trực thăng UH-34 "Dog", các nhân viên bảo trì thực hiện các công tác sửa chữa và điều chỉnh nhỏ, các xạ thủ khuân vác các khẩu đại liên M-60 cùng đạn dược từ trong kho ra và các phi công tụ họp trong phòng thuyết trình để nhận lệnh.

Sĩ Quan Chỉ Huy Trưởng và trưởng toán phi vụ, Trung Tá John "Big John" LaVoy, xuất hiện và thuyết trình chi tiết sứ vụ bao gồm, thi hành phi vụ, các đơn vị yểm trợ, các tần số và thể thức truyền tin, các vị trí đổ quân và bốc quân và các thể lệ cấp cứu. Thể lệ cấp cứu, một phần, chỉ định tất cả mọi nhiệm vụ tìm và tiếp cứu cho hoặc Thiếu Tá Braddon hay Hạ Sĩ McKee. Đồng thời, hai trực thăng này chở theo các bộ phận rời và các chuyên viên bảo trì để thực hiện các dịch vụ sửa chữa tại chỗ nếu cần và khả thi xét theo lực lượng của địch. Các trực thăng khác của phi vụ có bổn phận duy trì an toàn của phi tuần và đặt nỗ lực chính vào việc chuyên chở các đơn vị QLVNCH ngoại trừ có lệnh trực tiếp khác của Trung Tá LaVoy. Phi đoàn HMM-364 với các đơn vị yểm trợ được giao phó trọng trách vùng 15 miles về hướng tây của Quảng Ngãi. Khi buổi thuyết trình chấm dứt các phi công leo lên các trực thăng. Một lần nữa mỗi phi công kiểm điểm lại trực thăng cùng với trưởng toán phi đội đi theo sau để khóa chốt mọi cánh cửa. Sau khi các chỉ huy trưởng của mỗi trực thăng thuyết trình lần sau chót cho phi hành đoàn của mình, đúng giờ ấn định tất cả mười chín trực thăng nổ máy (một đầu máy khởi sự quá trớn và không tiếp tục được) và các hệ thống cánh quạt gài chốt.

Trong khi đó, về phía Nam, tại cuối phi đạo Đà Nẵng dài 5 ngàn feet, các thể lệ tổng quát được hoàn tất bởi các nhân viên thuộc Lục Quân Mỹ của Dragon Flight, Tiểu Đoàn 52 Không Quân, có ám danh "Dragon 1, 2, 3, 4 và Dragon Six (ám danh dành cho chỉ huy trưởng của toán), chuẩn bị năm trực thăng võ trang UH-1B có bổn phận yểm trợ cho việc đổ quân của HMM-364. Trưởng phi vụ là Đại Úy Jack "Woody" Woodmansee, Sĩ Quan Chỉ Huy của đơn vị. Đâu đó trên sân bay, hai phi cơ "Skyraider" thuộc Không Quân Việt Nam (KQVN) đang chuẩn bị không yểm trực tiếp khi hữu sự. Một phi cơ L-19 "Bird Dog" thuộc Không Quân Hoa Kỳ với một kiểm báo viên thuộc Không Quân Hoa Kỳ ngồi ghế trước và một kiểm báo viên thuộc KQVN ngồi ghế sau, cũng đang chuẩn bị tham dự vào nhiệm vụ tìm và tiêu diệt địch.

Một trăm miles về phía nam của Đà Nẵng trong tỉnh Quảng Ngãi, tại phi trường Quảng Ngãi khoảng 640 chiến sĩ thuộc QLVNCH đang lau chùi súng cá nhân, nạp đạn và thu xếp hành trang. Các đội toán yểm trợ trực thăng sắp xếp họ thành các đơn vị xung kích trực thăng gồm khoảng mười người cho một đội toán trong khi chờ đợi các trực thăng vận tải của HMM-364 tới.

Trở lại Đà Nẵng, Trung Tá LaVoy (Yankee Kilo Six) hoàn tất kiểm điểm truyền tin với mười tám trực thăng của mình, và với năm trực thăng võ trang HUEY của Lục Quân Hoa Kỳ. Đài kiểm soát Đà Nẵng cho phép mười tám trực thăng UH-34 phi vụ Yankee Kilo đậu tại phi đạo và tiếp đó bật đèn xanh cho cất cánh. Trung Tá LaVoy cất cánh, leo dần lên cao và bẻ bánh lái qua phải để các trực thăng tiếp đuôi theo kịp đến điểm giao hẹn. Chẳng bao lâu, các trực thăng họp thành bốn đội toán, với mỗi đội toán gồm bốn trực thăng và một phân đội tiếp vĩ gồm hai trực thăng. Hai trực thăng tiếp vĩ này là trực thăng tìm và tiếp cứu do Thiếu Tá John Braddon, Sĩ Quan Bảo Trì của phi đoàn, và Hạ Sĩ Dennis T McKee lái. Dragon Six và phi đoàn của năm trực thăng võ trang HUEY tham dự với phi vụ Yankee Kilo và tất cả cùng hướng về phía Nam trực chỉ thành phố Quảng Ngãi.

Chuyến bay tới Quảng Ngãi trơn tru và thời tiết tốt đẹp trong sáng. Khi tới Quảng Ngãi mười tám trực thăng Dogs và năm trực thăng võ trang được đổ đầy xăng. Một buổi thuyết trình chi tiết lại được thực hiện cho các phi công của Yankee Kilo, Dragon Flight, các chỉ huy trưởng QLVNCH, phi hành đoàn của hai UH-34 KQVN tham dự phi vụ và Đại Tá Robert Merchant, chỉ huy trưởng của SHUFLY có bổn phận tìm và diệt địch. Sau buổi thuyết trình các chiến binh của đợt xung phong đầu được đưa lên mười tám (16 TQLCHK và 2 KQVN) UH-34.

Khi tới Đỗ Xá, vùng đổ quân, họ nhận xét thấy rằng vùng này rất gồ ghề và chỉ có một khoảng khá trống đủ để đáp xuống mười tám trực thăng UH-34 cùng một lúc. Khu đổ bộ bị bao quanh bởi tường núi cao ở ba mặt tựa như rãnh núi đóng hộp với nắp hộp hướng về hướng tây. Tường núi rải rác đầy miệng hang. Gió mạnh từ phía nam thổi tới khiến trực thăng phải từ phía bắc tiến tới khu đổ bộ để giáp mặt với luồng gió. Trực thăng Bird Dog thuộc KQHK với hai máy bay kiểm báo bay lượn trên cao khoảng chừng 2500 feet. Bay lượn cao hơn, khoảng 5000 feet là máy bay Helio Courier STOL của CIA với Đại Tá Merchant và một Đại Tá Lục Quân (có thể là Đại Tá Sullivan), cố vấn trưởng của Quân Đoàn I.

Đại Úy Woodmansee (hiện giờ là Trung Tướng, QLHK về hưu) kể: "Chúng tôi bay thành hai đội toán với mỗi đội toán gồm hai trực thăng võ trang UH-1B. Tôi, với tư cách là chỉ huy trưởng, không bị ràng buộc và có thể bay với bất cứ đội toán nào chạm địch nặng nhất. Tôi sắp xếp hai đội toán võ trang bay phía trước và phía trái và phải của tôi. Đoàn trực thăng UH-34 bay phía sau chúng tôi. Chúng tôi bay thấp theo hình chữ V ngược tiến tới khu đổ bộ để thám thính bằng hỏa lực xem khu này có được bảo vệ hay không. Tôi giao cho đội toán võ trang một bao bọc mặt trái (phía bắc) và vùng 6 giờ của khu đổ bộ và đội toán bên cánh phải bao bọc mặt phải và vùng 12 giờ của khu đổ bộ. Tôi bay đằng đuôi để xem đội toán nào sẽ bị nã đạn nhiều hơn. Trong trường hợp cả hai đội toán cùng bị bắn, thế chiến thuật sẽ khiến xạ thủ thả ngay tức khắc lựu đạn khói. Đó là dấu hiệu thứ nhất cho biết mình bị địch bắn và sẽ đánh dấu khoảng đất gần vị trí đặt súng của địch. Trực thăng theo sau sẽ khai hỏa đằng sau trực thăng dẫn đầu khi nhìn thấy khói xông lên. Từ điểm đánh dấu dưới mặt đất chúng tôi có thể tìm ra hỏa lực địch phát xuất ra từ đâu."

"Trong đợt đầu, bay thấp khoảng 100 feet, tất cả bốn trực thăng võ trang Dragon đều thả khói ra hai bên trực thăng. Tôi có thể quan sát thấy các lằn đạn xoẹt ngang dọc khắp cùng thung lũng từ cả hai bên (chỉ một trong năm viên đạn là loại lằn đạn). Trong lúc đó các hỏa lực xuất phát từ các triền đồi, chứ không phải từ khu đổ bộ. Tôi gọi Yankee Kilo Six (Trung Tá LaVoy) và bảo ông ta hủy bỏ bước tiến tới khu đổ bộ, bay lượn trên không, và cho phép chúng tôi loại khử các hỏa lực này trước. Trung Tá LaVoy bay lên cao ngoài tầm bắn của địch và bay lượn chờ đợi. Chúng tôi hoạt động quanh khu đổ bộ với các hỏa tiễn và liên thanh. Trong một đợt bay từ tây sang đông, tôi bị một súng phòng không 50 ly nhắm bắn từ phía nam. Một tia lằn đạn xoẹt qua dưới bụng trực thăng tôi cách khoảng 10 feet trong khoảng ít nhất 10 giây. Một trong số trực thăng võ trang Dragon từ đội toán bên kia thấy địch bắn và đập tan súng địch với hỏa tiễn và liên thanh. Trong một đợt bay gần một ngọn đồi về phía nam, một khẩu liên thanh VC bắt chợt chúng tôi và nhả đạn giáp mặt. Xạ thủ của trực thăng tôi đặt một tràng liên thanh M-14 vào ngay vị trí Việt Cộng khiến hỏa lực địch tắt nghẽn."

"Chúng tôi tiêu hao gần hết đạn dược và tôi hỏi máy bay kiểm báo có quan sát thấy chiến trường và có thể hướng dẫn máy bay Skyraider đến các mục tiêu không. Nó trả lời là nó bay quá cao nên không thấy gì ráo trọi và hỏi tôi có thể đánh dấu các mục tiêu không. Tôi hết sức bàng hoàng trước câu trả lời đó và mất vài phút mới bình tâm trí lại được. Khi tôi lấy lại bình tĩnh, tôi lại bay trở lại từ nam qua bắc, lướt trên sườn đồi phía nam, hạ rất thấp xuống, dưới vị trí của súng phòng không địch ở phía bắc mà tôi sắp sửa đánh dấu. Tôi trồi lên ngay trên đầu vị trí súng phòng không địch và xạ thủ cánh phải của tôi thảy một lựu đạn khói vào ngay vị trí Việt Cộng. Lúc ấy tôi mới biết đó là một súng phòng không 50 với hai thanh sắt tựa vai và vòng nhắm bắn to tướng như súng phòng không của các tầu chiến Đệ Nhị Thế Chiến. Các tên lính VC mặc y phục rằn ri và đội nón sắt. Có các giao thông hào dẫn về các hang hốc trên đồi. Chúng tôi cách chúng 25 feet và nhìn mặt chúng mồn một. Khi xạ thủ cánh phải tôi thảy lựu đạn khói, bọn Việt Cộng đang toan đứng lên khỏi giao thông hào và một đứa đang xoay khẩu 50 ly để nhắm bắn chúng tôi. Đội toán một có phận vụ bao che chúng tôi đang ở cách tôi khoảng 1000 feet khi tôi kêu gọi phá hủy "khói" để chúng tôi có thể thoát chạy an toàn. Chuẩn Úy Bert Coalson ở ngay địa điểm chỉ định tại vị trí 6 giờ. Bốn khẩu liên thanh M-60 của Bert có thể hạ thấp nòng 60 độ, xoay 12 độ vào trong và xoay 45 độ ra ngoài. Bert chỉ việc hạ trực thăng tới vị trí bay đứng tại chỗ cách 1000 feet để cho phép các xạ thủ nhả đạn liên thanh và đặt một luồng hỏa lực quanh lựu đạn khói. Việt Cộng khó có thể trốn trong các giao thông hào vì Bert nhả đạn gần như trực xạ trên đầu chúng. Chúng tôi không còn nghe tiếng họng súng này trong cả ngày hôm đó".

"Khi Skyraider tấn công, nó đánh trật mục tiêu và không nhắm trúng vị trí khẩu phòng không 50 nằm trong một ngọn đồi nhỏ nhô ra từ sườn phía bắc của thung lũng. Sau vài đợt nhào xuống 40 độ dốc, chiếc Skyraider bị trúng đạn từ một khẩu súng nằm ở phía nam của thung lũng và bay trở lên với khói nghi ngút bốc ra khỏi đầu máy Wright R-3350 2700 mã lực."

Thiếu Tá Braddon, bay lượn trong trực thăng tiếp cứu/bảo trì, nhìn thấy chiếc Skyraider bốc khói tách khỏi mục tiêu và hướng về Quảng Ngãi. Braddon liền bay theo làn khói và tìm thấy chiếc Skyraider đáp xuống một phi đạo không tráng nhựa của một căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt. Phi công đã không hạ bánh xuống được và đã đáp xuống trên bụng. Phi công không bị địch gây thương tích nhưng anh ta dập mặt vào thành, bể kính và trầy mặt mày. Chàng ta quên không cài giây an toàn. Thiếu Tá Braddon chở viên phi công về Quảng Ngãi và bay trở lại Đỗ Xá, và Dragon Six tiếp tục kể phần kế tiếp sau.

"Khi đó Trung Tá "Big John" LaVoy đề nghị (theo lệnh của Đại Tá Robert Merchant đang bay lượn phía trên chiến trường) là đã tới lúc đổ quân vào trận địa. Tôi trình với ông là các trực thăng Dragon hầu như đã tiêu thụ hết đạn dược và không còn có thể bao che công cuộc đổ quân. Tôi xin được phép bay về Quảng Ngãi, tái trang bị và quyết định sẽ làm gì tiếp. Tôi đề nghị nên đánh phá địa điểm với máy bay Skyraider của KQVN đang khi chờ đợi chúng tôi trở lại. Ý kiến riêng của tôi là chúng ta nên dùng một bãi đổ quân khác. Bãi này đã bị lộ. Chúng ta đã đút đầu vào một ổ phục kích (và chúng ta vẫn tiếp tục thông báo cho các tỉnh trưởng về các ý định chiến thuật của mình). Tôi không nghĩ là chúng ta đã gây thiệt hại gì cho địch trong đợt bay thứ nhất."

"Trong khi chúng tôi tập trung lại, tái trang bị và đổ xăng tại Quảng Ngãi, chúng tôi nghe tin một trục trặc thảm thương liên quan tới cuộc đổ quân thực hiện tại 30 miles phía tây địa điểm đổ quân của chúng tôi. Đơn vị mẹ của tôi đã đổ quân xuống bãi trước khi các trực thăng võ trang tới. Khi tới nơi, các trực thăng võ trang này nhả đạn vào các toán quân QLVNCH bạn trong khu vực đổ quân."

"Big John" quyết định (theo lệnh của Đại Tá Merchant) cho chúng tôi trở lại Đỗ Xá và trở lại bãi đổ quân nguyên thủy. Đang khi chúng tôi bay trở lại khu vực đổ quân, tôi cố gắng thúc giục chiếc máy bay kiểm báo Mỹ đưa tất cả các Skyraider khả dụng vào vùng đổ quân với các quả bom hạng nặng, nhưng buồn thay, chiếc máy bay kiểm báo đầu tiên đã bay trở về Đà Nẵng để "phi hành đoàn nghỉ ngơi". Máy bay này đã hoạt động từ 6 giờ sáng, cùng lúc khi chúng tôi cất cánh, và không còn bay được nữa. Chiếc máy bay kiểm báo mới không có một ý niệm gì về khu vực này, và cũng không được chiếc máy bay kiểm báo trước chỉ bảo về tình hình chiến thuật. Tôi bực tức và thần kinh lại bị căng thẳng".

"Khi chúng tôi tiến lại gần bãi đổ quân, "Big John" chỉ thị các trực thăng HUEY Dragon Flight của tôi tiến lên phía trước và bắt đầu ria đạn vào bãi đổ quân phía trước mặt của các trực thăng UH-34 "Dogs" thuộc phân đội thứ nhất. Chúng tôi cầy nát bãi đổ quân. Phân đội cánh phải của Big John nối đuôi theo chúng tôi và thế là súng đạn nổ tung. Chúng tôi nhả đạn. Tất cả các xạ thủ của các trực thăng Dog trong vùng nhả đạn đang khi các toán quân QLVNCH nhảy ra khỏi các trực thăng và chạy mau ra khỏi vùng để ẩn núp. Phân đội thứ ba, trong đợt đầu, bị hạ một chiếc UH-34 đầu tiên. Hình như là một liên thanh nằm bắt chéo trên sườn đồi ở phía bắc của bãi đổ quân đã bắn hạ chiếc trực thăng này".

Thiếu Tá Albert N. Allen dẫn đầu phân đội thứ tư của đợt đầu vào vùng đổ bộ khi trực thăng nêu trên bị bắn hạ. Thiếu Tá Allen nhớ lại ngày đó như sau.

"Hình như Đại Úy Cunningham và tôi bị bắn cùng một lúc. Cunningham đang đưa trực thăng bay lên, cố gắng vượt khỏi một số cây cao khô chết và tôi đang tới giai đoạn cuối. Một loạt đạn bắn ngang qua trực thăng tôi khiến tôi nhất thời không chú ý tới trực thăng của Đại Úy Cunningham đang bay phía trược mặt tôi. Khi tôi nhìn lại phía trước thì rõ ràng Bill đang rớt xuống. Tôi cũng đang hướng về cùng địa điểm Bill đang đâm nhào xuống. Ba trực thăng kia cùng trong phân đội của Bill đã ra khỏi vùng đổ quân. Trong một giây, tôi tưởng chúng tôi sẽ cùng vào khoảng không gian cùng một lúc. Tôi phóng lên ngay sau khi các toán quân của tôi nhảy ra khỏi trực thăng. Trưởng phi hành đoàn báo cáo chúng tôi bị trúng đạn bên phía trái trực thăng sau khi nhập thấp và xuất cao. Một tràng đạn phá tung bộ phận servo và dầu nhớt chảy ra lai láng. Trưởng phi hành đoàn cũng nhận định là một cẳng chân của Khung-A bị cắt đứt. Dựa vào sự mô tả của trưởng phi hành đoàn, tôi biết là chúng tôi cần phải đáp xuống và xem xét kỹ lưỡng toàn bộ trực thăng. Khoảng một mile về phía nam của vùng đổ quân tôi thấy một giải cát giữa lòng sông và có ý định đáp xuống đó. Khi gần đáp xuống giải cát thì chúng tôi lại bị bắn và phải từ bỏ ý định đáp xuống đó. Trước đó, trên đường bay tới vùng đổ quân, tôi đã để ý thấy một tiền đồn QLVNCH và quyết định hướng về đó. Chúng tôi bay được tới đó và hạ cánh xuống và chập sau trực thăng bảo trì do Hạ Sĩ McKee lái bay tới. Sau khi kiểm tra trực thăng, chuyên viên sửa máy nói nếu là anh ta, thì anh ta sẽ bay về Đà Nẵng trong tình trạng đó. Tôi cho phép anh ta làm như vậy, nhưng anh ta khước từ. Họ sửa chữa trực thăng xong ngày hôm sau và bay nó về căn cứ".

Trở lại Đỗ Xá, lời thuật của Dragon Six tiếp tục: "Chỉ vài giây sau khi trực thăng bị bắn hạ, Thiếu Tá John Braddon, đang bay lượn ở trên, gọi xuống cho hay là mình đang bay xuống cấp cứu. Không có lấy một tí do dự nào vì đã được huấn luyện phản ứng chứ không suy tính nhiều. Braddon nhả bàn đạp ga, hạ cần lái xuống và bắt đầu làm một đường xoáy bán tự động nhắm tới vị trí của chiếc trực thăng UH-34 bị nạn và phi hành đoàn. Tôi bảo John nói cho xạ thủ bên trái của anh là tôi sẽ bay đứng tại vị trí 7 giờ của hắn và nói nó đừng có bắn tôi. Tôi đặt trực thăng của tôi giữa John và vị trí của súng liên thanh địch. Chúng tôi bắn một vài trái hỏa tiễn vào lùm cây trên vị trí địch và tưới đạn xuống vùng địch trong khi John nhẫn nại chờ đợi để bốc phi hành đoàn lên trực thăng. Tiếp đó tôi nghe John gọi, "Dragon Six, Yankee Kilo bắt đầu ra đây", tôi quằn đầu lại và nối đuôi theo sau John và nhả đạn dưới bụng đang khi trực thăng John bay lên cao. Hai phân đội của tôi bao che John cả bên cánh trái lẫn cánh mặt và chúng thoát ra khỏi vô sự, nhưng John báo cáo là anh ta nhận lãnh vài phát đạn, vài viên khá bự, nhưng không bị thương tích. Thật là một phép lạ."

Bộ phận giải nhiệt dầu nhớt của Đại Úy Cunningham bị phá hủy bởi hỏa lực địch. Điều này có lẽ xảy ra khi tiến vào vùng đổ quân, nhưng đó là một chiếc trực thăng toi đời với khói xông ra nghi ngút từ phòng máy và tất cả dầu nhớt đã bị tiêu hao trong chốc lát.

Thiếu Tá Braddon kể lại như sau: "Chúng tôi hứng chịu tác xạ của địch và trực thăng chúng tôi bị lủng rất nhiều chỗ. Trong khi tôi bay lên cao ra khỏi vùng đổ quân cùng với Cunningham, đội toán và liên thanh của họ đàng sau, tôi nhận thấy một số bộ phận điện bị chết và có nhiều tiếng động ghê rợn phát ra từ buồng máy. Chúng tôi ra khỏi vùng đổ quân theo cùng hướng của các trực thăng trống rỗng đang rời khỏi vùng đó, nhưng chúng tôi quá nặng nề nên không thể vượt được sườn núi ngay phía trước mặt. Tôi chọn đi vòng một gò đống đâm trồi vào vùng đổ quân và leo theo lòng khe suối. Một đám VC đứng trên gò đống đó và chúng nhắm bắn chúng tôi liên hồi đến khi chúng tôi ra khỏi nơi đó. Chúng tôi đáp xuống một bãi đổ quân thuộc QLVNCH khoảng nửa đường đi tới Quảng Ngãi để kiểm kê mức độ thiệt hại khi lâm trận. Chúng tôi xác định là một loạt đạn 50 ly đã xuyên từ đầu đến đuôi và phá vỡ hộp nối chống lửa tạo nên các trục trặc điện. Một loạt đạn khác tạo một lỗ trong hệ thống thoát nhiệt khiến cho đầu máy mới toanh phát tiếng động. Cuối cùng tôi quyết định là ngoài một ít hư hỏng điện và trục trặc của bộ phận thoát nhiệt, tôi vẫn còn một chiếc trực thăng phát huy được đủ sức lực, hộp số và bánh lái còn nguyên vẹn và chúng tôi có máy truyền tin, chúng tôi sẵn sàng tiếp tham gia vào sứ vụ."

Sau khi đợt đầu hoàn tất, phi hành đoàn trừ hai trực thăng chuyên chở lính và phi cơ của Thiếu Tá Braddon trở về Quảng Ngãi để đổ xăng, nạp đạn và mười sáu lô toán quân QLVNCH. Khi tới Quảng Ngãi, thêm một vài UH-34 được coi là không còn khả dụng vì bị hư hại nặng và bị phế thải.

Trung Tướng Woodmansee kể tiếp: "Chiều hôm đó khi trở lại vùng đổ quân, Dragon Flight đã không thám thính bãi đổ quân bằng hỏa lực vì chúng ta có các đơn vị bạn trong bãi. Thay vào đó, chúng tôi dùng thế chiến thuật bình thường bay cao 1000 feet với với mỗi phân đội võ trang bay theo mô hình đua ngựa (một ở vị trí 9 giờ của vùng đổ quân và phân đội kia ở vị trí 3 giờ) để bao bọc đường tiến của các trực thăng Dogs bay tới vùng đổ quân. Trước khi phân đội dẫn đầu của Trung Tá LaVoy thả trái khói để đổ quân, chúng tôi đã lại bị địch nã đạn. Hỏa lực phát xuất từ những địa điểm tôi đã đoán chừng trước, nhưng có thêm một địa điểm mới, ở ven biên phía bắc của bãi đổ quân. Chúng tôi lại hứng chịu mức hỏa lực địch không kém trong đợt đầu của các UH-34 khi đổ quân xuống. Thật là khó hiểu bị bắn khi các đơn vị bạn hiện diện tại vùng đổ quân không kém gì khi chưa có mặt các đơn vị bạn tại đó cách đây 45 phút trước. Với viễn ảnh của vụ bắn lầm xảy ra tại cách đây 30 miles, tôi lại nghĩ mình bị xa vào trường hợp "bạn bắn lầm". Tư tưởng này không thọ, vì chúng tôi bị từ trong bãi đổ quân bắn vào đít và chúng tôi buộc phải bắn trả lại".

"Cuối cùng chúng tôi vỡ lẽ ra là toán quân QLVNCH đợt đầu đổ xuống bãi đã leo lên ngọn đồi phía bắc của bãi đổ quân. Họ đã đóng chốt trên cao và chẳng để ai lại để bảo vệ cho bãi đổ quân. Điều đó khiến cho VC đưa một khẩu liên thanh xuống tới ven biên phía bắc của bãi đổ quân. Thành thử chúng tôi tái diễn lại cuốn phim của đợt đầu. Chúng tôi hứng chịu hỏa lực địch với nhiều trực thăng, kể cả Dragon Flight, lại bị trúng đạn. Tuy nhiên lần này các hư hại chiến trận đã không ngăn chận các trực thăng chuyên chở. Chúng cứng cáp như những con chim gìa dặn và nhóm phi hành đoàn không kém cứng cỏi. Chúng tôi hoàn tất đợt hai và quay trở lại Quảng Ngãi. Trên đường bay về tôi quan sát thấy Thiếu Tá Braddon có vẻ lê lết nối đuôi theo sau chúng tôi. Tôi nghe thấy Yankee Kilo Six hỏi Braddon có đủ sức tiếp tục bay không. Braddon đáp là tuy là bị thương nhưng vẫn bay được."

Về tới Quảng Ngãi, thêm một số trực thăng được xét nghiệm thấy là bất khả dụng (một chiếc đã phải đáp xuống một dòng suối và đã dãy dụa cho đến khi tắt ngụm máy). Chuyến trở về Đỗ Xá lần này gồm 5 trực thăng võ trang Dragon Flight, khoảng 9 UH-34 TQLC, 2 UH-34 KQVN, và hai trực thăng tiếp cứu/bảo trì. Đợt ba này diễn tiến tựa như hai lần viếng thăm bãi đổ quân trước. Điều khác biệt là cường độ hỏa lực đã suy giảm nhưng không hoàn toàn bị loại. Một số trực thăng vẫn bị trúng đạn nhưng không chiếc nào bị hạ hay gây thương tích, nếu có thì cũng xoàng thôi.

Thiếu Tá Braddon hồi tưởng lại hoả lực êm nhẹ do Dragon Flight trút xuống bãi đổ quân ngay trước khi đổ quân lần cuối, "Jack Woodmansee đối địch với các vị trí súng phòng không trong và chung quanh bãi đổ quân bằng cách bắn hoả tiễn và đặt một quan sát viên QLHK dưới mặt đất để điều chỉnh đường nhắm cho đến khi nhắm đúng từng vị trí của mỗi súng phòng không và rồi Dragon Flight phóng từng loạt hỏa tiễn 2.75 EFAR. Quả thật là một tấm gương dũng cảm và quyết tâm."

Trong đợt bốn và cuối cùng, một trong hai UH-34 QLVNCH bị bắn hạ. Như thế là có hai trực thăng bị bắn hạ trong vùng đổ quân. Và một lần nữa Thiếu Tá Braddon phóng từ trên cao xuống tiếp cứu phi hành đoàn. Chiếc trực thăng QLVNCH được trang bị các khẩu liên thanh cũ M-1911 thay vì khẩu M-60 trên trực thăng Yankee Kilo. Phi hành đoàn QLVNCH chuyển các khẩu liên thanh M-1911 qua trực thăng tiếp cứu và đặt chúng trong thế khai hỏa trên cửa sổ. Thiếu Tá Braddon nhớ lại, "Khai hỏa các khẩu liên thanh bự này khiến cho nón sắt nhảy lên nhảy xuống trên đầu tôi cho tới khi ra khỏi vùng đổ quân. Và khi cứu vớt phi hành đoàn của Đại Úy Gunningham, tôi phải chật vật lắm mới ra khỏi vùng đổ quân vì chúng tôi nặng chĩu. Chúng tôi gồm hai phi công, một trưởng phi đoàn, một xạ thủ, thêm bốn người được tiếp cứu và hai thợ máy để trợ giúp trực thăng bị hạ và một hộp 500 lb đồ phụ tùng và các bộ phận rời."

"Tôi đặc biệt nhớ phi công phụ của tôi, Eddie Moore. Trước khi qua Việt Nam, Eddie nói với tôi là không muốn bay với tôi nữa sau khi tập dượt đổ quân bằng lối bay thấp và nhanh trong rặng núi Santa Ana. Eddie không ưa thích cách bay lấc cấc của một anh chàng phi công già trong núi trên một chiếc H-34. Khi tôi hỏi Eddie làm phi công phụ, anh ta không mảy may do dự dù biết là có thể rất nguy hiểm. Đó là điều khiến ngày hôm đó thật là đặc biệt. Thật là một anh chàng cừ khôi."

Vào cuối đợt bốn, hầu hết hỏa lực VC đã bị loại trong khu vực tiếp giáp bãi đổ quân, nhưng một ít hỏa lực phát xuất từ xa vẫn còn lác đác. Sau cùng các đơn vị QLVNCH đã làm chủ hoàn toàn khu đổ quân. Chuyến bay trở về Quảng Ngãi để đón các phi hành đoàn đã mất trực thăng vì bị hư hại để chở họ về lại Đà Nẵng.

Khi hay tin có một ít thương binh (không đến nỗi nguy đến tánh mạng) QLVNCH tại Đỗ Xá cần chuyên chở về bệnh xá, Thiếu Tá Braddon tình nguyện trở lại đón họ. Dragon Six bay theo bảo vệ. Khi tới bãi đổ quân hai trực thăng tắt máy, và phi hành đoàn nhảy ra khỏi trực thăng. Thiếu Tá Braddon kể lại, "Jack Woodmansee tiến lại tôi, giơ tay ra và nói muốn bắt tay một người hùng. Tôi hết sức xúc động lúc đó và bây giờ vẫn còn xúc động. Tôi chưa hề thấy một gương anh dũng như Jack đã biểu dương ngày hôm đó. Đó là lời khen tặng cao quý nhất mà tôi nhận lãnh được từ trước tới nay."

Thiếu Tá Braddon và Dragon Six chở các thương binh về Quảng Ngãi, khi đó trời đã tối. Thiếu Tá Braddon tiếp tục kể, "Chúng tôi đổ xăng lại chiếc trực thăng già nua với tất cả các lỗ đạn, các bộ phận điện hư hỏng và cái đầu máy kêu như một cái máy xay lúa và, với Jack bay kế cận, chúng tôi trở về Đà Nẵng. Tôi còn nhớ bay dọc theo bờ biển, phòng máy sáng lên với nhiều đèn báo hiệu chỉ các trục trặc và hư hỏng của hệ thống, nhìn trực thăng của Jack cạnh bên và mong rằng chiếc trực thăng già nua bị bầm dập này sẽ đưa chúng tôi về tới nhà. Và nó đã đưa nổi chúng tôi về tới nơi.

Trung Tướng Woodmansee nhớ phần kế tiếp, "Tất cả chúng tôi trở về Đà Nẵng và tới nới khi trời đã tối. Tôi không bị thiệt hại gì trong Dragon Flight, thật là một phép lạ.

"Tối hôm đó Trung Tá LaVoy thông báo cho tôi là HMM-364 sẽ lãnh sứ vụ khác cũng tại bãi đổ quân trong ngày vào sáng sớm hôm sau. Tôi khuyến cáo ông là tôi cần trời sáng để xem xét kỹ lưỡng các trực thăng vì chúng tôi đều bị trúng đạn. Tôi nói là nếu tôi có được một hai tiếng để kiểm tra, tất cả chúng tôi có thể bay xuống Quảng Ngãi vào khoảng 10 giờ sáng. Phi hành đoàn xuống sớm và chờ đợi chúng tôi. Tiểu Đoàn 52 Không Quân tình nguyện cung ứng trực thăng võ trang cho HMM-364 nhưng "Big John" nói với tiểu đoàn trưởng chúng tôi là ông muốn đợi Đại Úy Woodmansee và Dragon Flight. Điều đó khiến các gà con tôi hăng say. Chẳng có điều gì mà chúng tôi không làm cho phi đoàn trước lời xác định đó của Trung Tá LaVoy, nhưng sau đó, sự tương kính và hỗ tương giữa hai đơn vị chúng tôi thật là tốt đẹp".

"Tôi còn nhớ, chúng tôi chỉ còn xử dụng được có 4 trực thăng HUEY võ trang ngày hôm sau. Khi tới nơi cùng với các toán quân đợt đầu, chúng tôi lấy làm hài lòng thấy các đơn vị QLVNCH để lại đêm trước đã thu vén khu đổ quân và bọn VC đã lui trở về các đồi núi. Bốn trực thăng võ trang của chúng tôi cũng đủ và ngày thứ hai khá yên".

Đoạn Kết

Đại Úy Woodmansee đã gần hết nhiệm kỳ và sĩ quan thay thế trình diện với Dragon Flight. Sĩ quan này bay Dragon Six trong vai phi công phụ ngày hôm đó, coi như màn "giới thiệu với các phi vụ tại Việt Nam". Trung Tướng Woodmansee nhớ là vào cuối ngày hôm đó viên phi công phụ lắc đầu lia lịa và nói, "Mẹ kiếp, bộ ngày nào cũng như thế này sao?"

Thiếu Úy Jim Nugent là Sĩ Quan Trực Hành Quân ngày đổ quân. Các Thủy Quân Lục Chiến của HMM-364 không có bổn phận bay ngày hôm đó bu lại trong phòng Điều Hành và theo dõi tiến trình của sứ vụ cách đó 100 miles về phía nam qua máy phát thanh. Một chập sau khi phi vụ khởi công, hiển nhiên là kho tiếp liệu đạn dược tại chiến trường Quảng Ngãi không đủ dùng. Một chiếc DC-3 hay C-47 của TQLCHK (còn gọi là "Gooney Bird" tại Đà Nẵng có bổn phận tái tiếp tế các phi vụ cho Quảng Ngãi. Những người ở lại căn cứ giúp tay chất các kiện hàng đạn dược lên máy bay. Phi công là Hạ Sĩ-3 Frank Scroggs và Trung Sĩ Pat O'Neill. Máy bay này thực hiện các phi vụ hành chánh và nghỉ phép khắp cùng Đông Nam Á.

Khoảng 51000 viên đạn đã được các TQLC "Yankee Kilo" bắn ra ngày hôm đó. Con số này được tính theo tiêu chuẩn số lượng đạn nạp vào mỗi trực thăng trước mọi phi vụ cộng thêm tái tiếp liệu khẩn cấp bởi Trung Sĩ Scroggs nêu trên. Không biết "Dragon Flight" đã bắn bao nhiêu viên đạn.

Các báo cáo chiến trường cho biết con số lực lượng địch lâm chiến và các chiến lợi phẩm thu hoạch được do Việt Cộng để lại. Có một bệnh xá dã chiến trong đó tìm thấy sách vở y khoa viết tay. Có nhiều súng ống đủ loại và các sách viết tay chỉ dẫn cách tháo gỡ và nạp đủ loại mìn của đủ mọi quốc gia. Những chiến lợi phẩm này sau này được đem ra triển lãm tại Đà Nẵng.

Khi trở về Đà Nẵng chiều tối ngày 27/4/1964 các phi công của Dragon Flight và HMM-364 tụ tập lại trong Hội Quán Sĩ Quan Đà Nẵng để liên hoan, chứ không phải để phúng điếu, họ đã trở về an toàn. Loại rượu ưa chuộng nhất là "Nickalashka" do Đại Úy Woodmansee biến chế đặc biệt cho Dragon Flight ngay sau khi ông được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị này. Các phi công của Dragon Flight, cho là các phi công của HMM-364 cần được học hỏi văn hóa thêm, đã giới thiệu cho họ món "Nickalashka" này đêm trước ngày đổ quân QLVNCH vào Đỗ Xá.



Chi tiết cung cấp bởi:
Jack "Woody" Woodmansee, LtGen. USA(Ret)
John Braddon, Col. USMC(Ret)
J. R. "Jim" Nugent, former 1stLt. USMCR
Ronald V. DeBrincat, former 1stLt. USMCR
Charles A. Runsvold, former 1stLt. USMC
Dennis T. McKee, Maj. USMC(Ret)
Warren R. Smith, former Cpl. USMC
Franklin A. Gulledge, Jr., Maj. USMC(Ret)

generalhieu