THẦY TÔI
(CAO HUY THUẦN)
Hồi
đó, tôi được sư cụ, thầy tôi, nhận
vào làm tiểu. Tôi mười tuổi. Cha mẹ tôi nghèo xác
xơ, phải bỏ làng đi kiếm ăn xa, gửi tôi
cho sư để ăn nhờ chùa. Nhưng chùa lại cũng
quá nghèo, thôn quê đã quá khổ cực, lại thêm nạn
đói xảy ra trên một nửa đất nước,
người chết đói lăn ra chết ngay giữa
đường, trong thành phố, mọi người đều
đói, chùa no với ai? Dù sao, chùa còn miếng đất,
rau dưa trồng được, chỉ thiếu gạo.
Nhưng mọi nhà đều phải khoai sắn trộn
cơm thì chùa cũng phải cơm trộn khoai sắn, chỉ
khác một chút là khoai sắn trong chén nhiều hơn,
cơm ít hơn mọi nhà. Cực thì cực, dân quê vẫn
gắn bó với chùa, khi người này khi người khác
đem cúng một lon gạo, vài muỗng đường, vậy
là chùa vẫn đàng hoàng chuông mõ kinh kệ cho làng nước.
Tôi mời mười tuổi, tuổi ham ăn, nhưng
tôi có số đi tu hay sao đó mà dù thiếu gạo, thèm
cơm, vẫn thích ở chùa, chí đã quyết, không gì lay
chuyển nổi. Ấy thế mà có một thử thách tôi
không vượt qua được. Ôi, thử thách ấy lớn
quá, Hy Mã Lạp Sơn cao ngất trời cũng không ăn
thua gì.
Sư
cụ tôi rất nghiêm minh, ngày rằm, mồng một, bao
giờ mâm cúng cũng tươm tất, cực mấy cũng
có chè xôi. Không có xôi chè thì không thành lễ, sư tôi nói như
vậy. Nếp rất hiếm, hiếm hơn cả gạo,
nhưng trộn với đậu thì xôi vẫn thơm
ngon. Chỉ có chè là khó, vì đường quá khan. Sư tôi
phải tiết kiệm tối đa, một chén chè
được chia ra thành ba chén nhỏ, để mâm cúng vẫn
đủ mỗi bên ba dĩa xôi, ba chén chè. Mâm được
đặt trên một cái bàn nằm sau lưng chánh điện,
trên đó thờ một tượng Phật bằng gỗ,
rất đẹp. Tượng Phật ở chánh điện
cũng rất đẹp, bằng đồng, to lớn,
uy nghi. Trong chùa, chỉ có hai tượng ấy là quý, sư
tôi nói không có chùa làng nào sánh kịp.
Tôi ở
trong chùa được hai tháng, bưng mâm xôi chè dặt trên
bàn thờ như vậy là được bốn lần,
hai lần rằm, hai lần mồng một. Đến
ngày rằm của tháng thứ ba, lần thứ năm
bưng mấy chén chè nhỏ, tôi thèm quá chịu không nổi.
Ở cái tuổi ấy, cơ thể đang lớn như
thế ấy, thèm ăn như thế ấy, thèm đường
như thế ấy, nước miếng cứ trào ra, tay
cứ run. Tôi thắp nhang, lên đèn mà tay run quá, hai ba lần
châm lửa không được. Nghe bước chân sư
tôi ra tụng kinh trước chánh điện, tôi chạy vụt
xuống bếp như chạy trốn. Tôi trốn tôi. Ở
dưới bếp, tôi nóng ruột chờ sư tụng
kinh xong để bưng mâm xuống. Sắp xôi chè lên mâm
để bưng đi mà trống ngực tôi đập
thình thình. Thường lệ, tôi phải vái Phật ba vái,
tắt đèn, bưng mâm xuống bếp, trút ba chén chè nhỏ
vào chén lớn, rồi bưng lên để sư tôi dùng bữa
trưa, Sư tôi chỉ dùng nửa chén, nửa chén dành lại
cho bữa chiều. Bốn lần trước nghiêm chỉnh
như vậy, nhưng lần thứ năm này, tôi không chống
cự nổi cơn thèm. Tôi bưng chén nhỏ thứ nhất
toan đặt vào mâm, nhưng tay đưa lên miệng
như cái máy, như không cố ý. Không thể diễn tả
được khoái cảm của tôi khi lưỡi chạm
vào vị ngọt, tôi tưởng như tôi bay lên trời.
Nhưng lạ thật, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo
để tự nhủ rằng chỉ húp nước thôi,
đừng húp luôn cả mấy hạt sen, tuy hạt sen
đầu tiên đã toan xung phong vào miệng. Tưởngchỉ
lỡ dại một chén thôi, nhưng cơn thèm vừa
được nếm mùi lại đòi hỏi phải
được chiếu cố đến mức tối
đa, tôi húp luôn cả ba chén. Đặt ba chén không lên mâm, mắt
tôi bỗng nhìn thấy tượng Phật mà tôi đã quên
vái. Ánh đèn chiếu vào mặt Phật, lần đầu
tiên tôi thấy nụ cười. Tôi sợ quá, xoay lưng
Phật lại để Phật đừng nhìn tôi.
Bưng mâm đi, ruột tôi bấn loạn, quên cả tắt
đèn. Khi nhớ ra, tôi chạy lên thì sư tôi, không biết
để quên cái gì đó khi tụng kinh, đã đến
trước chánh điện để tìm. Thấy đèn
sáng, sư đi vào bên trong, đứng tần ngần một
lát, nhẹ tay xoay lại tượng Phật cho thẳng,
tắt đèn, rồi đi ra, ngồi trên phản để
chờ bữa ăn.
Lúc
đó, mồ hôi tôi toát ra, không biết làm thế nào bưng
chén chè cho sư tôi dùng bữa. Cơm sắn khoai, thầy
trò tôi ăn giống nhau, nhưng lễ nghi, sư tôi giữ
rất kỹ, chén đũa ngay ngắn, mâm gỗ sạch
sẽ, tôi đặt mâm lên phản, vái sư rồi mới
đi xuống. Sư tôi chỉ hơn tôi một chén chè, hai
ngày trong một tháng, vì đó là hai ngày phải đọc
kinh lâu, các thí chủ cưng sư, đặc biệt bắt
sư ăn vị ngọt để khỏi khan giọng,
và sư tôi ăn để nhớ ơn người cho.
Nhưng khi đó, chè đâu nữa để tôi bưng lên
cho sư? Tôi nghe sư đằng hắng một tiếng
từ trên phản, như muốn nhắc tôi bưng
cơm. Chẳng suy nghĩ ất giáp gì nữa, tôi đổ
nước lạnh vào chén, khuấy hạt sen để
mong nó nhả ra chút chất ngọt còn lại, lẩm bẩm
nam mô Phật để cầu Phật độ, rồi
chân bước mà ruột đau thót.
Sư
tôi dùng bữa như thường lệ, ăn chè như
thường lệ, để dành nửa chén như thường
lệ, lấy chiếc lồng bàn nhỏ úp lên chén chè
như thường lệ, đi vào phòng nghỉ trưa
như thường lệ. Tôi không biết tôi mừng thầm,
tôi nhẹ nhàng ruột gan, hay tôi bối rối. Hình như
có cả ba cảm giác trái ngược nhau lúc đó. Mừng,
vì thấy sư không nói gì. Nhẹ ruột, vì thoát được
cơn tai biến. Nhưng bối rối vì không hiểu sự
việc tại sao lại êm thắm như vậy. Tại
sao sư không quở tôi đã quên tắt đèn? Tại sao
sư không hỏi tôi về cái chuyện lạ lùng tượng
Phật xoay lưng? Chuyện ấy, tôi chắc sư không
tha thứ được. Rồi tại sao sư ăn
chén chè nhạt thếch như vậy mà không có phản ứng?
Chẳng lẽ mấy hạt sen ấy biến lại
thành ngọt?
Suốt
cả buổi chiều, tôi ở trong tâm trạng bất
an, chờ đợi sư tôi nghỉ trưa xong để
xem sư có phản ứng gì mà chưa nói, trong bụng cồn
cào như mây vần vũ đợi giông. Nhưng suốt
cả buổi chiều, sư vẫn làm vườn như
thường lệ. Làm vườn đến chiểu tối,
như thường lệ sư dùng cơm. Tôi hồi hộp
chờ xem sư nhấc lồng bàn lên, lấy nửa chén
chè ra. Sư ăn như thường lệ, thong thả,
miệng móm mém nhai từng hạt sen, húp từng thìa nước,
như người thưởng thức món ăn ngon.
Tôi
tưởng như vậy là hoàn toàn thoát ra khỏi cơn
động đất. Nhưng không, đến đêm tôi bỗng
nhớ lại cử chỉ khốn khổ của tôi khi
xoay lưng tượng Phật, tôi nhớ lại nụ
cười của Phật mà tôi tránh, tượng Phật
và nụ cười cứ ở trước mắt, dù mắt
nhắm, không tài nào ngủ được. Gần sáng, tôi
mơ một giấc mơ hãi hùng.
Tôi thấy
một con quỷ to tướng, lông lá đen thui, lưỡi
đỏ như lửa, nghênh ngang đi vào chánh điện.
Nó nhìn quanh nhìn quất, lớn tiếng hỏi: "Đứa
nào ở trong này?". Tôisợ quá, kéo mền che kín mít,
nhưng vẫn thấy. Nó đi dọc đi ngang, rồi
đến gần chỗ tôi nằm, quát: "Đứa
nào ở đây?". Nhưng nó không kéo mền tôi ra mà đến
trước tượng Phật, nhìn lên, hỏi: "Ông là
ai?". Không thấy trả lời, nó hét: "Là ai? Xuống
đây!". Nó trừng mắt nhìn, hai mắt lồi ra
như hai cục than hồng. Thấy Phật im lặng, nó
vớ lấy cái dùi chuông ném lên, rồi ôm lấy cả cái
chuông vất lên mặt, vừa vất vừa mắng chửi.
Nhang đèn trên bàn thờ rơi xuống ngả nghiêng,
rơi cả vào đầu tôi. Trên bệ, chỉ còn Phật
ngồi với nụ cười. Con quỷ xông đến
xô luôn bức tượng, tượng ngã nhào xuống
đất. Mất đà, con quỷ ngã theo, tượng Phật
đè lên nó. Trong lúc vùng vẫy để đẩy tượng
ra, nó nhìn lên mặt Phật: bên trên mặt nó, Phật vẫn
im lặng với nụ cười.
Đến
đó thì tôi cảm thấy tôi ngạt thở vì dường
như bức tượng không đè lên con quỷ mà đè
lên tôi. Tôi sợ quá, hét lên, vì con quỷ đã biến thành
tôi, tôi nhìn lên chứ không phải nó. Tôi nhìn lên và thấy Phật
nhìn tôi, mỉm cười. Tôi thức giấc, ra giếng
tắm.
Tôi sợ
nụ cười ấy trong suốt nửa tháng. Có phải
Phật cười tôi vì bắt được quả tang
tôi phạm tội? Tôi sợ đến nỗi, nửa
tháng sau, trưa mồng một, khi đặt mâm xôi chè trên
bàn thờ, tôi không dám nhìn tượng Phật. Trưa đó,
sư tôi ăn như thường lệ, nhưng khi ăn
xong chén cơm, sư kêu tôi lên, bảo tôi xuống bếp lấy
thêm một chén không. Sư nói: "Bụng sư hơi
đau, già rồi, từ nay không nên ăn chè bữa tối.
Con sớt ra nửa chén, nửa kia con đem xuống bếp
ăn". Tôi không ngờ có cái giây phút rung chuyển ấy,
đầu gối tôi quỵ xuống, tôi ôm chân sư tôi,
đầu áp vào gối sư, tưởng là để thú
tội, nhưng sung sướng tràn ngập, nói không ra lời.
Tôi khóc. Có bao nhiêu nước mắt trong người, tôi muốn
tràn ra hết. Sư đặt tay lên vai tôi, không nói.
Từ
đó, mười tuổi, tôi hiểu thế nào là im lặng,
thế nào là nụ cười của đức Bổn
Sư.
CAO HUY THUẦN
(Kim
Oanh P. sưu tầm và chuyển)