Bảy Ngày Giết Chóc

Ngoại trừ những tiếng nổ chát chúa của các bích kích pháo, chỉ còn nghe thấy tiếng động sục sạo của các con chuột chạy ngang qua những người đang nằm ngủ. Trong các hầm súng đàng sau chu vi bao cát của trại Plei Me, các quân trú phòng mệt lả ngửi toàn mùi tanh hôi của các bộ đồ mặc không được giặt giũ và càu nhàu về công việc phải làm. "Câm nín đi," viên thiếu tá tóc hoa râm nói. "Chúng ta được trả lương để làm việc này." Một quân nhân tặc lưỡi trong đêm tối. "Phải rồi, ai không ưa thích thức ăn ở đây thì cứ việc bước thẳng ra cổng chính."

Không kém hùng hổ như hỏa lực và danh sách thương vong, các quân nhân Mỹ thốt ra những lời bông đùa ác hiểm vào thời điểm xuống thấp tuần qua của cuộc vậy hãm Plei Me, biểu dương tinh thần chức nghiệp và quyết tâm của các chiến sĩ Mỹ tại Việt Nam. Trong trại bị vây khốn, trong suốt 178 tiếng, các quân nhân Mỹ đã chịu đựng các đợt pháo kích và súng không giựt, các đợt xung phong cuồng nhiệt của chủ lực quân Bắc Việt, những tiếng động cơ to nhỏ của các đợt không yểm tiếp cận ("Coi bộ các phi cơ Skyraiders được trang bị đầy ấp," một người sống sót lấy làm kinh ngạc), đêm này qua đêm khác bầu trời sáng rực bởi các đạn chiếu sáng và vòm lửa cháy rực lên của các bom napalm. Khi cuộc vây hãm chấm dứt, chỉ có ba trong số một tá lính Biệt Kích của Plei Me là không bị thương và còn đi đứng được. Nhưng các chiến sĩ Mỹ sẵn sàng chiến đấu thêm nữa. "Này Swanson, anh có phải là một con hổ không?" một bác sĩ hỏi một chiến binh bị bắn vào bụng tại bệnh việnh gần Đà Nẵng. Anh chàng ta nhoe răng cười: "Chính vậy, thưa bác sĩ."

Cối Xay Thịt. Cuộc vây hãm Plei Me bắt đầu hai ngày không ngờ trước tiếng súng nổ đầu tiên. Các các toán đặc công thuộc hai trung đoàn Bắc Quân mới xâm nhập đây từ biên giới Căm Bốt lần mò tới căn cứ hình tam giác cách biên giới 20 miles. Mần mò trong màn đêm chỉ cách 20 thước chu vi giây kẽm gai của trại, các bộ đội cẩn thận đào hầm hố địa đạo hình chữ L để đặt để súng ống, dùng rổ rá để chuyển đất đi và dùng cây lá che đây công trình của họ. Mặc dù 400 quân trú phòng người Thượng thường xuyên tuần tiễu xa đến cả mười miles, nhưng không ai nghĩ tới kiểm soát ngay chính mặt tiền của trại. Tại mỗi hầm hố địa đạo chất đống đạn dược, một khẩu đại liên Tàu tại một đầu, và một súng phòng không 12.5 mm tại đầu kia. Tại mỗi vị trí chỉ có một xạ thủ lần lượt thay phiên xử dụng đại liên nhắm bắn vào trại, và súng phòng không khi phóng pháo cơ xuất hiện.

Khi công việc chuẩn bị vây hãm trại hoàn tất, có đến cả 6.000 chiến binh Cộng Sản sung sức đang âm thầm chờ đợi trong rừng rậm quanh trại Plei Me. Họ còn cẩn thận sắp đặt một mặt trận kiểu Đồng Xoài khác, hy vọng lôi cuốn từng đợt quân tiếp viện này đến đợt quân tiếp viện khác vào trong một máy cối xay thịt. Vào lúc 7 giờ 30 tối ngày Thứ Ba 19 tháng 10, Cộng Quân quay cán tay máy cối xay thịt.

Bị tấn công đầu tiên là toán tuần tiễu Thượng - toán này bị một tràng hỏa lực súng nhỏ đốn gục. Tiếp sau là một tiền đồn gồm 20 người tại một khoảng đất khai quang trống tại phía dưới trại bị tràn ngập - các quân trú phòng bị chết trong các hầm trú. Tại trại chính, Đại Úy LLĐB Mỹ Harold M. Moore kêu gọi trợ giúp bằng máy rađiô. Tức thì các phi cơ chiếu sáng tới chiếu rọi đèn pha thẳng trên các vị trí địch quân trong khi các súng không giựt Cộng quân nhả từng hồi đạn vào các dãy nhà trong trại. Khoảng chừng 2.300 đàn bà và con nít Thượng sống tại Plei Me trốn nhủi xuống hầm hố trọn cả một tuần lễ. Tất cả, ngoại trừ những đứa con trai 12 tuổi trở lên, vác trên tay những khẩu súng trường cao gần bằng chúng, và đeo lủng lẳng ngang lưng hông những quả lựu đạn, nhảy bổ ra các miệng hầm đặt súng ống.

Tại bản doanh Quân Đoàn II ở Pleiku, một chiến đoàn quân chính phủ được tập hợp nhanh chóng nhưng một cách thận trọng và phái đi tiếp cứu. Trong khi các chiến xa, các thiết vận xa M-113, các khẩu đại bác và một ngàn lính bộ binh lần mò xuống dọc theo đường lộ, một phi đội trực thăng thả một đơn vị gồm 250 lính Biệt Động Quân QLVNCH bạo dạn nhảy vào trại Plei Me từ tờ mờ sáng. Toán BĐQ này do một Thiếu Tá Mỹ tên Charles H. Beckwith, 36 tuổ́i, quê quán Tiểu Bang Atlanta, chỉ huy mau lẹ khoảng lấp tình trạng thiếu hụt quân số gây nên bởi đợt xung phong đầu tiên của Cộng Quân.

Bọn Việt Cộng Lì Lợm. Khoảng sáu miles trên lộ dẫn tới Plei Me, đoàn quân tiếp viện sẵn sàng lọt vào ổ phục kích. Khi toán phục kích khai hỏa, các chiến xa chuyển bánh thu gọn đội hình thành hình tròn. Tiếp đó các họng súng trên chiến xa xối xả nhả đạn trực diện vào rừng rậm, cắt rạp các bụi cây trong khoảng đất rộng 30 thước hai bên lề đường lộ. Một tá thân xác banh thây - chân, cẳng, đầu, ruột lòng - bắn tung toé lên các thân cây bị đốn gục.

Các phi cơ thuộc Không Lực Hoa Kỳ tiếp đó nhào xuống nhả đạn và thả bom trên đầu địch. "Thật là kinh hồn," một viên sĩ quan Mỹ nói. "Trong tất cả khi bị bắn phá, Cộng Quân không ngừng bắn trả lại. Không một phi công nào được chúng nương tay." Các hỏa lực thật là chính xác: trong 600 phi xuất, 20 phi cơ bị trúng đạn, ba bị bắn hạ.

Trở lại trại Plei Me, các quân trú phòng cũng phải học bài học nể phục sức bền dai của địch. "Bọn Việt Cộng ngang nhiên đứng trong hố và bắn trả toàn thể Không Lực," một người nói. Một viên sĩ quan Mỹ nhìn thấy một chiến binh Việt Cộng xung phong vào một tiểu đội lính Thượng - tay cầm lựu đạn và la hét kinh hồn. Toán lính Thượng tan hàng và bỏ chạy, trong khi viên sĩ quan Mỹ quỳ một đầu gối xuống, nhắm bắn và triệt hạ tên Việt Cộng hung hãn. "Mẹ kiếp," anh ta nói tiếp sau đó. "Cho tôi 200 người điệu nghệ như tên này, tôi sẽ chiếm đoạt lấy cả nước."

Tắm Rửa Bằng Nước Cà Phê. Khi lương thực và đạn dược khô cạn, các phi cơ vận tải C-126 Mỹ ồ ạt bay tới thả dù các kiện hàng xuống trại. Hai người bị giết bởi một kiện hàng rớt trên đầu; một kiện hàng khác xuyên qua nóc phòng ăn; các cánh dù muôn màu tô điểm cho trại cứ y như ngày lễ hội. Cảnh trí trại trở nên huyền ảo: có người húp các tô canh nghi ngút cà phê hay rửa chân với cà phê lạnh vì nước trở nên khan hiếm; chí rận bò ngổn ngang qua các chiến y; trên bàu trời bốc hơi của trại, một lá cờ bé bỏng, viền vàng, một món quà kỷ niệm Hoa Kỳ hiên ngang phất phới. "Nếu chúng ta bị giết," Trung Sĩ Joseph Bailey, quê quán Lebanon thuộc Tiểu Bang Tennessee tuyên bố, "thà chúng ta bị giết dưới lá cờ." Một giờ sau, đang khi xông tới một trực thăng Mỹ bị bắn hạ Bailey bị giết chết đơ.

Mãi cho đến ngày thứ tư 27 tháng 10 - sau hơn bảy ngày - trại mới được giải tỏa. Tiếp đó, trong khi các đơn vị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ ào ạt bay là tới bằng trực thăng, Việt Minh miễn cưỡng lủi trốn khỏi Plei Me. "Chúng hướng về phía tây, trực chỉ Căm Bốt," một tiểu đội trưởng Không Kỵ Mỹ làu bàu. "Chắc tụi mình phải đuổi theo tụi chó chết đến tận đó." Tại chính trại Plei Me, đang khi dịch vụ chôn cất tiến hành, đàn bà và trẻ con chui ra khỏi hầm trú. Một bé gái xinh xắn tung tăng giữa các xác chết trong khi quân trú phòng kiểm điểm các vũ khí Cộng Quân thu thập được. Cả thảy đếm được 300 khẩu - các vũ khí mang nhãn hiệu Tàu phân loại từ các súng phòng không hắc hiểm 12.5 mm đến các khẩu súng lục bằng khổ bàn tay, từng tá chất nổ, mìn, xe kéo với bánh xe sắt, một đại liên lấy xuống từ một trực thăng Mỹ bị bắn hạ.

Con số thương vong Cộng Quan thật là khốc liệt. Trong số 6.000 lính Việt Minh và Việt Cộng bao vây Plei Me, 850 chết và 1.700 bị thương. Với ý chí quyết thắng, Cộng Quân đã chiến đấu anh dũng và bền dai - nhưng không đủ để đạt thắng lợi. "Mẹ kiếp," một thượng sĩ Biệt Kích Mỹ nói, "nếu đây chính là những toán quân Cộng Sản ốm đói mà tôi nghe nói, tôi quả thật ngán ngẩm đối mặt chúng lúc chúng tráng kiện khỏe mạnh." Điều đó, nhờ vào công lao các quân trú phòng Plei Me, có lẽ phải khá lâu mới xảy đến.

Time Magazine
Friday, Nov. 05, 1965

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu