Hiện Tượng Giáng Bút

Tôi đã viết trong bài Thay Lời Tựa : "Tôi chỉ là một khí cụ của anh tôi. Trang Nhà Tướng Hiếu là lời tự thuật." Và trong bài Thay Lời Kết: Hiện Tượng Cơ Bút, tôi có đề cập sơ qua về hiện tượng cơ bút hay giáng bút mà tôi cảm nghiệm khi gầy dựng và soạn thảo trang nhà này. Giờ đây, tôi xin đi sâu hơn và mô tả một số chi tiết về hiện tượng giáng bút ly kỳ này.

Bức Hình Trang Đầu.

Tôi có được tấm hình này không bao lâu trước khi tôi khởi sự thiết lập trang nhà Tướng Hiếu trên mạng lưới. Nó tới tay tôi trong trường hợp như sau. Sau khi Sài Gòn mất vào tháng 5/1975, một cô em họ tôi ghé vào nhà anh tôi ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hoà thì thấy đồ đạc ngổn ngang và các giấy tờ cùng hình ảnh vung vãi dưới đất. Em họ tôi lượm một số hình đem về cất giữ. Đến cuối năm 1989, khi đi chui thì chọn tấm hình này mang theo để chứng minh cho giới chức di trú Mỹ là mình có họ hàng với một sĩ quan QLVNCH để mong được chấp thuận cho vào Mỹ. Khi qua tới bên này, em họ tôi gửi tặng tấm hình này cho ông cụ tôi. Đến đầu tháng 7 năm 1998, khi cần hình kèm theo bài Anh Tôi, Tướng Hiếu trên liên mạng thì ông cụ trao cho tôi tấm hình tướng duy nhất gia đình có được lúc bấy giờ. Tấm hình này thật thích hợp cho trang nhà này vì bao gồm mọi yếu tố đề cập tới trong khuôn khổ của bài: văn võ song toàn, đạo đức, cố vấn Mỹ, v.v... Đúng là anh tôi đã tự chọn lấy tấm hình này để kèm vào trang nhà của mình. Như vậy là anh tôi đã chuẩn bị Trang Nhà này từ năm 1975!

Giai thoại Trại Cùi Di Linh.

Khi cô em họ tôi nghe tôi nói là tôi đang viết về anh tôi, cô ta nói với tôi là khi còn ở Việt Nam có đọc một cuốn sách ở Tu Viện Dòng Biển Đức (Thủ Đức) nói về Trại Cùi Di Linh, trong đó có thấy hình Tướng Hiếu chụp chung với Đức Cha Gioan Sanh nằm trên giường bệnh. Tôi nói với cô em họ là làm sao xin được bản sao tấm hình đó để đưa lên mạng lưới làm bằng, vì ai mà tin được một Tướng Lãnh có mặt ở trại cùi. Tuy nhiên, dù chưa có bằng cớ, khi tôi viết bài Nét Đức Độ và Đạo Đức nơi Tướng Hiếu, tôi vẫn cứ đề cập - hay đúng hơn, anh tôi vẫn cứ khiến tôi đề cập - tới giai thoại Tướng Hiếu viếng Đức Cha Gioan Sanh ở Trại Cùi Di Linh.

Thế rồi một ngày thứ bảy tôi xuống phố, tới Thư Viện Nữu Ước ở đường 42, với mục đích tìm hình ảnh chiến xa. Đang khi dò mục lục trên màn ảnh điện toán, thì thình lình tôi chợt thấy tựa đề một cuốn sách bằng Pháp văn: La Vie de Monseigneur Jean Cassaigne (Tiểu Sử của Đức Cha Gioan Sanh). Tôi mừng khôn tả vì nghĩ rằng sẽ có hình Tướng Hiếu chụp chung với Đức Cha Gioan Sanh trong đó. Nhưng lật đi lật lại những trang sách thì tuyệt nhiên không thấy có tấm hình đó. Vừa cảm thấy thất vọng não nề thì thình lình tay lật tới một trang có ghi một câu (bằng tiếng Pháp): "9 giờ rưỡi sáng ngày 12 tháng 4 năm 1972, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu bước vào phòng Đức Cha Gioan Sanh để trao cho ngài Đệ Tứ Bảo Quốc Huân Chương." Thế là tôi có được chứng cớ Tướng Hiếu hiện diện ở Trại Cùi Di Linh.

Thế rồi, một điều ghê gớm hơn xảy ra tiếp sau đó. Cô em họ tôi, nhân dịp về Việt Nam thăm gia đình, bèn xuống Thủ Đức ghé vào Tu Viện Dòng Biển Đức tìm kiếm cuốn sách có hình Tướng Hiếu chụp tại Trại Cùi Di Linh, nhưng tìm không ra. Đêm đó, Tướng Hiếu báo mộng cho cô em họ tôi: "Lên Di Linh mà lấy hình anh" ! Quả thật vậy, khi lên tới Trại Cùi Di Linh thì thấy trên tường trong phòng khách còn treo mấy tấm hình Tướng Hiếu chụp tại Trại Cùi Di Linh này ! Cô em họ tôi bèn xin phép sao lại mấy tấm hình này đem về Mỹ gửi đến tôi. Và tôi đã đưa hai tấm hình (1)(2) này lên mạng lưới. Thế mới biết là anh tôi linh: anh tôi đã sai tôi là cứ viết, anh tôi sẽ cung cấp bằng cớ sau !

Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I.

Khi anh tôi bị mất chức Tư Lệnh Sư Đoàn 5 sau trận Snoul thì tôi mang máng nhớ là anh tôi được cử ra Đà Nẵng giữ chức Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I, Phụ Tá cho Tướng Hoàng Xuân Lãm. Nhưng khi tìm kiểm chứng sự kiện đó cùng với rất nhiều sĩ quan , từ Úy đến Tá rồi đến Tướng, tuyệt nhiên không ai nhớ Tướng Hiếu có ra Đà Nẵng. Một hôm, Đại Tá Tạ Thanh Long nói với tôi qua điện thoại là ông sẽ gặp Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm ngày hôm sau nhân dịp đi dự một đám cưới và sẽ hỏi trực tiếp Tướng Lãm. Tuần lễ sau, tôi nhận được lá thư trong đó Đại Tá Long viết là Tướng Lãm nói rằng Tướng Hiếu không hề ra Đà Nẵng làm Tư Lệnh Phó dưới quyền ông. Tướng Hiếu thấy trí nhớ ai cũng kém cỏi liền gửi tới tôi- qua trung gian cô em họ tôi - những tấm hình chụp vào tháng 4 năm 1972 ở Trại Cùi Di Linh. Một trong những tấm hình đó cho thấy Tướng Hiếu đeo phù hiệu Quân Đoàn I ! Sau đó tôi nhận được thư Tướng Lãm xin lỗi là có nói sai với Đại Tá Long là quên bẵng Tướng Hiếu có ra làm Tư Lệnh Phó một thời gian ngắn!

Thâu Lượm Tài Liệu Tại Văn Khố Quốc Gia.

Khi anh tôi xui khiến tôi tìm đến Văn Khố Quốc Gia để tìm tài liệu vào cuối tháng 8 năm 1998, tôi chỉ có một chủ ý trong đầu là tìm những bản lượng giá của các Cố Vấn Mỹ về Tướng Hiếu, vì nghĩ rằng sẽ chỉ có những tài liệu đó mà thôi.

Điều lệ của Văn Khố Quốc Gia rất là ngặt nghèo: không được mang bút mực vào, Văn Khố cung cấp cho bút chì; không được đội hay mang mũ nón và cặp vào; những giấy tờ có ghi chép hay bản sao đều phải có dấu ấn duyệt xét của Văn Khố, mới được đem ra ngoài; tha hồ chụp bản sao các tài liệu, nhưng mỗi lần đều phải đưa lên trình cho nhân viên Văn Khố duyệt xét trước khi được phép chụp; lúc nào cũng có nhân viên Văn Khố dòm ngó sau lưng, vì mỗi khi vi phạm bất cứ một điều lệ nào là sẽ thấy ngay một nhân viên xuất hiện hỏi vặn đương sự; muốn coi tài liệu nào, phải ghi xuống rõ ràng, phải được nhân viên phần hành duyệt xét và ký tên, sau khi nạp phải đợi 1 tiếng rưỡi đồng hồ, mỗi lần có thể xin xem tối đa 22 hộp đặt trên xe lăn đẩy ra.

Vì điều lệ ngặt nghèo nên phải có sự tính toán lựa chọn trong việc thu lượm và chụp bản sao các tài liệu. Thoạt tiên, tôi dò xem trang nào có tên Tướng Hiếu thì mang đi chụp. Nhưng chỉ sau một chặp, tôi bắt đầu hành sự như cái máy: chọn lựa trang này, bỏ trang kia mà không biết tại sao và để làm gì. Cứ như thế, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nghỉ ăn trưa 1 tiếng; từ thứ hai đến thứ sáu thì hoàn tất công việc. Tôi ôm về cũng đến trên dưới 400 trang, không biết sẽ khai thác đống tài liệu đó như thế nào, vì trong số trang đó chỉ vỏn vẹn có 4 trang liên hệ tới lượng giá Tướng Hiếu.

Nhưng như ta thấy, kết quả là từ xấp tài liệu lộn xộn ấy, anh tôi đẻ ra trên dưới 200 trang giấy khổ 8"x11" luận về Tướng Hiếu !!! Nên biết là các đề tài cứ tuần tự phát sinh ra, mà không hề có sự sắp xếp của tôi. Thường thì bỗng nhiên một tựa đề nẩy sinh trong đầu óc tôi, 3 giờ sáng tôi bắt đầu ngồi vào bàn, bật máy điện toán lên, khởi sự đánh mà không có lấy một dàn bài; khởi sự nhập đề mà không biết thân bài và kết luận sẽ ra sao! Mỗi lần cần có tài liệu nào đưa vào bài tay tôi tự nhiên rút ra từ đống tài liệu lộn xộn bản tài liệu cần thiết mà không phải mất công tìm kiếm, lục lọi. Công việc tra cứu và viết lách thật là dễ dàng, thoải mái. Thật đúng là tôi làm việc dưới sự hướng dẫn của anh tôi. Nói cách khác anh tôi giáng bút cho tôi viết.

Có người cho rằng sở dĩ tôi viết được là vì có đầy đủ tài liệu. Để tôi lấy ví dụ sau đây: chúng ta cùng đi ra chợ, mua về một đống rau cỏ, thịt cá, mắm muối, v.v...đem về thẩy lên mặt bàn trong bếp. Rồi bạn bảo tôi nấu cho bạn 9 món. Tôi dẫy nẩy bảo tôi làm sao mà nấu được 9 món vì có học nấu bao giờ đâu. Nhưng rồi vì bạn nài ép, tôi cũng chiều theo mà xăn tay áo lên nấu đại cho bạn 9 món. Đến khi bạn ăn, thì lạ thay món nào, đĩa nào bạn cũng khen ngon cả và bạn cho là tôi xạo khi nói là chưa hề học nấu bao giờ! Này bạn đọc, bạn nên biết là tôi đã soạn ra hơn 30 bài có tính cách quân sự, mà tôi chưa hề học quân sự đấy! Chẳng phải hiện tượng giáng bút là gì?

Nét Đức Độ Và Đạo Đức Nơi Tướng Hiếu.

Tôi xin thuật lại tôi viết bài này như thế nào. Một ngày nọ, tôi gọi điện thoại cho Đại Tá Lý với dụng ý hỏi một chi tiết về anh tôi. Đại Tá Lý trả lời là không biết điều đó, rồi chúng tôi tiếp tục chuyện vãn. Đại Tá Lý kể chuyện này chuyện kia không đầu không đuôi về Tướng Hiếu. Vài ngày sau, tôi có việc gọi Đại Tá Tạ Thanh Long; giải quyết xong chuyện, Đại Tá Long bắt qua vài mẩu chuyện khác về anh tôi. Tuần kế tiếp tôi gọi Đại Tá Nguyễn Khuyến cám ơn đã gửi tôi một bài báo, và chúng tôi nói chuyện về Tướng Hiếu mà không có chủ đích gì. Trong tất cả ba cuộc điện đàm trên, tôi không để ý đến hay ghi chép nội dung câu chuyện. Thế mà, vài ngày hôm sau, tự nhiên bài Nét Đức Độ và Đạo Đức nơi Tướng Hiếu được giáng bút, mà nội dung được cấu tạo từ chi tiết cung cấp bởi ba vị Đại Tá trong ba cú điện đàm không dính dấp gì tới nhau!

Chiến Thuật "Blitzkrieg".

Khi anh tôi muốn tôi luận về chiến thuật "Blitzkrieg" trong bài Tướng Hiếu, Một Tướng Tài Ba, tôi cảm thấy bất lực như người đang chết đuối: tôi có biết gì về chiến thuật này đâu, họa chăng là thoáng nghe tới nó khi học sử thế giới ở trung học thủa năm xưa (mà tôi có khi nào thích học sử địa bao giờ đâu). Tôi cứ chạy ngược chạy xuôi, cứ thấy thày cô nào trong trường dạy môn sử là hỏi có biết về chiến thuật "Blitzkrieg" không, thì đều tiếp nhận được những câu trả lời mơ hồ. Đang khi hoang mang không biết phải xoay sở làm sao, thì tình cờ đang khi ngồi trước máy điện toán tôi bấm con chuột vào một nối liên mạng mang tên "Achtung Panzer", một tiếng Đức mà tôi chẳng biết ý nghĩa là gì. Nhưng lạ thay, vừa vào trang nhà này, tôi thấy hiện ra trên màn ảnh: Concept of Blitzkrieg (Khái Niệm về Blitzkrieg) ! Chẳng phải anh tôi chỉ vẽ cho tôi tới nơi này sao ?!

Nắm được lý thuyết chiến thuật "Blitzkrieg" trong tay rồi, tự nhiên tôi lần mò tới bài viết về trận Svay Riêng mà tôi đã ghi chép lại từ bộ sách Vietnam Experience vào bài Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3. Lạ thay, khi phân tách trận đánh này và đọ nó với lý thuyết "Blitzkrieg", tôi sững sờ thấy Tướng Hiếu thực hiện chiến thuật theo đúng sách vở !

Thế Tấn Công Và Thế Rút Quân.

Trong bài Tướng Hiếu, Một Tướng Tài Ba, khi tới đoạn Nghệ Thuật Triệt Thoái Quân Binh, tôi bị tắc nghẽn không biết luận về thế rút quân làm sao. Tôi buộc phải tắt máy điện toán và định bụng đi tìm sách quân sự nói tới chiến thuật rút quân, đặc biệt là tìm đọc sách do Phạm Kim Vinh viết, vì có nghe nói ông từng là giảng sư về chiến thuật tại các đại học quân sự trước kia ở Việt Nam. Nhưng tìm loại sách đó chưa ra thì 3 giờ sáng ngày kế tiếp, khi tôi ngồi vào bàn viết thì tự nhiên ngón tay tôi đánh lên hàng chữ đối chiếu giữa thế tấn công và thế rút quân (chủ động/bị động, chắc chắn/hồ nghi, phối trí chặt chẽ/phối trí lỏng lẻo, nắm /không nắm yếu tố thời gian, có/không có hỏa lực yểm trợ, trận tuyến trực diện/trận tuyến tứ phía, nhắm thấy/không thấy địch, tinh thần cao độ/tinh thần bấn loạn), đang khi đó mắt tôi mở to thao láo theo dõi các hàng chữ cứ tuần tự xuất hiện mà, tuy là các ngón tay mình gõ, nhưng chắc chắn sự suy tư không phải là của mình!

Lối Tác Chiến Đặc Thù Của Tướng Hiếu.

Tôi đâu phải gốc quân sự, mà cũng chưa hề theo học một khóa quân sự nào, tác chiến cách chung là gì cũng chả biết thì làm sao mà có thể tả lối tác chiến đặc thù của Tướng Hiếu được?! Cho nên tôi không khỏi ngạc nhiên khi tự nhiên tôi khởi sự đánh lên tựa bài này.

Sau khi đánh xong đoạn văn đầu dài gần một trang giấy, đại ý nói Tướng Hiếu đánh giặc khác các Tư Lệnh khác vì gốc tham mưu của mình, tôi mừng húm tắt máy điện toán, cho là hoàn tất bài này. Nhưng lạ thay, sáng ngày hôm sau, tự nhiên tôi lại đánh tiếp: đặc thù ở 3 yếu tố: tình báo, trinh sát và nhị thức bộ binh thiết giáp, mà không có một suy tư nào trước, đồng thời cũng không biết sẽ quảng diễn ba tiểu đề đó làm sao!

Thế rồi, tiểu đề đầu tiên - sử dụng tình báo - được phát sinh dễ dàng vì chỉ việc trích dẫn các tài liệu sẵn có. Nhưng khi đến tiểu đề thứ hai thì hoàn toàn tắc nghẽn, vì không thấy tài liệu có sẵn trong tay nói đến mấy. Và vì không viết gì hơn được nữa nên tôi chuyển qua đọc điện thư (e-mail), thì lạ thay tôi thấy có điện thư của Trần Hoài Thư, tự giới thiệu là cựu thám báo của Tướng Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 22. Thế là nội dung điện thư đó là nội dung chính của tiểu đề thứ hai!

Thú thật là khi anh tôi giáng bút cho tôi viết tiểu đề thứ ba - nhị thức bộ binh thiết giáp - là lúc tôi khởi đầu ý thức tới sự kiện anh mình đánh bằng chiến xa và thiết vận xa giỏi, chứ trước đó không hề biết tới, vì tôi biết anh tôi đâu phải là gốc thiết giáp.

Trận Đánh Snoul.

Khi khởi công viết bài này, tôi không biết cuộc hành quân này bắt đầu từ lúc nào và chấm dứt khi nào để mà biết dùng đến những tài liệu tương xứng nào. Chính ba lá thư anh tôi gửi từ tiền tuyến về cho vợ mách cho tôi biết hành quân Snoul khởi sự vào tháng 3/1971 và chấm dứt vào tháng 6/1971. Nhờ vậy mà tôi có được cái khung thời gian để chọn và sắp xếp các tiêu lệnh hành quân liên quan đến chiến trận này. Kết quả là một bản tường trình, với đầy đủ chi tiết, về hành quân Snoul dưới con mắt của chính vị Tư Lệnh đã thiết kế và chỉ huy trận đánh này.

Một Lời Xác Quyết Táo Bạo.

Khi tôi viết câu: Một viên Tướng Mỹ nói với tôi, "Trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, có lẽ chỉ có Tướng Hiếu là thật sự có khả năng và bản lãnh điều động binh đội cấp quân đoàn cách hữu hiệu; các tướng khác chỉ có khả năng chỉ huy nổi đến cấp sư đoàn thôi", trong bài đầu tiên tôi viết về Anh Tôi, Tướng Hiếu vào tháng 6 năm 1998, khi mà tôi chưa có tài liệu quân sự gì về anh tôi, tôi cảm thấy rất ái ngại vì lời xác quyết này quá táo bạo, các vị Tướng Lãnh khác đọc thấy thì làm sao mà chịu được. Bao nhiêu lần tôi định xóa bỏ câu đó đi, nhưng không tài nào thực hiện được ý định, hình như có một sức vô hình ngăn cản không cho làm vậy.

Thế rồi, trong suốt thời gian sau đó, tôi cố tâm để ý mãi mà không thấy anh tôi chỉ huy đến cấp quân đoàn, các tài liệu có trong tay chỉ liên quan đến chỉ huy cấp sư đoàn, SĐ22 và SĐ5. Sau đó anh tôi chỉ giữ chức Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 1 và 3. Như vậy chắc là viên Tướng Mỹ ngụ ý là Tướng Hiếu có khả năng, chứ chưa từng điều động binh cấp quân đoàn. Nhưng thình lình vào cuối tháng 12/1998, anh tôi bật mí cho tôi thấy là Tướng Hiếu thật sự đã điều động binh đoàn đến cấp quân đoàn trong trận đánh Svay Rieng tháng 4/1974 được mô tả trong bài Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3. Đúng là: cứ viết, bằng chứng sẽ được cung cấp sau!

Một Lời Xác Quyết Táo Bạo Khác.

Trong bài Tướng Tài Ba, anh tôi đọc cho tôi viết:

Khi Tạo Hóa sinh ra một nhân vật với một sứ mạng đặc biệt, Ngài đánh dấu nhãn hiệu ngay từ bẩm sinh. Chẳng vậy mà không cứ gì phải là nhà tướng số mới nhận ra được cái oai Tướng Lãnh nơi diện mạo của Tướng Hiếu. Chỉ việc nhìn ngắm các hình ảnh tướng của Tướng Hiếu là không ngần ngại xác quyết sự kiện hiển nhiên Tướng Hiếu có vẻ "Tướng" hơn mọi Tướng Lãnh khác thuộc QLVNCH....
Đánh tới đây, tôi thầm nói với anh tôi: "Chà, chà, sao anh làm tàng thế!".
Các ngón tay tôi tiếp tục gõ: ... hay bất cứ một Quân Lực nào khác....
Tôi thốt lên: "Anh nói gì vậy!".
Nhưng các ngón tay cứ tiếp tục gõ tiếp: ...cổ cũng như kim.
Tôi la lên: "Anh bắt em viết như thế này, làm sao em dám đăng lên mạng lưới: người ta cười chết và cho em là thằng khùng phát ngôn bừa bãi!"

Nhưng rồi tôi cũng không xóa bỏ được đoạn văn này. Và cứ nơm nớp hồi hộp trông chờ đến ngày độc giả thịnh nộ phản ứng. Nhưng lạ thay, bài này lần lượt được 6 tờ báo (mà tôi được biết) chọn đăng - 3 ở Canada, 2 ở California, và 1 ở Atlanta, với nguyên văn lời xác quyết táo bạo đó, tuyệt nhiên không có lấy một sửa đổi! Biết bao nhiêu người đã đọc qua mà không thấy có phản ứng gì. Hình như ai cũng cho là chuyện thường tình và nuốt trôi cách ngon lành!

Đại Úy Đỗ Đức, Tùy Viên Tướng Toàn

Tôi tìm đâu ra Đại Úy Đỗ Đức hay vậy? Thật sự thì Đại Úy Đỗ Đức tìm ra tôi, hay đúng hơn anh tôi đã xui khiến, dẫn đưa Đại Úy Đỗ Đức tới tôi trong trường hợp hi hữu như sau.

Tôi cho một người bạn mượn một bản sao của trang nhà Tướng Hiếu. Người bạn này cho một người bạn khác mượn tập bản sao này. Người bạn này quen một người bạn có một người anh ở Little Rock, Arkansas. Người anh này, Đại Úy Đỗ Đức, lên Brooklyn, Nữu Ước thăm em. Người em dẫn anh mình tới người bạn. Tại nhà người bạn này, Đại Úy Đỗ Đức chợt thấy tập bản sao trang nhà Tướng Hiếu nằm trên mặt bàn, liền tò mò lấy lên xem, rồi tự giới thiệu với người bạn của em mình ông ta là tùy viên của Tướng Toàn và ngỏ ý muốn nói chuyện với em Tướng Hiếu!

Tướng Trầm Lặng Và Kín Đáo

Xin nhắc lại bài này cũng như các bài khác được đánh máy không có dàn bài trước, nghĩa là dưới sự giáng bút của anh tôi như sau.

Khi khởi sự đánh tựa đề bài, Tướng Trầm Lặng Và Kín Đáo, tôi cứ đinh ninh là sẽ luận về sự khiêm tốn của anh mình. Tôi không ngờ sự việc lại xảy ra đối nghịch lại định kiến của mình.

Tiểu đề thứ nhất xuất hiện qua các ngón tay tôi là, Một Trong Những Tướng Giỏi. "ủa, sao lạ vậy nhỉ", tôi thầm nghĩ .
Thế rồi tiểu đề thứ hai xuất hiện, Một Tướng Giỏi Nhất. "Chết rồi! Làm sao mà chứng minh điều ghê ghớm này đây!? Lấy thống kê ra ư? Đem ra so sánh giữa Tướng Hiếu và các Tướng Lãnh khác về số lượng trận đánh lớn, số lượng địch hạ, số lượng chiến lợi phẩm tịch thu, số lượng chiến xa triệt hạ,...? Tài liệu lấy đâu ra? Đành rằng đã thu lượm được một ít tài liệu chiến tích của Tướng Hiếu, nhưng còn của các Tướng Lãnh khác, thì giờ đâu mà đi lục lọi!? Lại nữa mình đâu có đủ khả năng chuyên môn quân sự.
Đầu óc thì suy tính liên miên và có thái độ cưỡng lại như vậy, nhưng các ngón tay cứ khoan thai đánh: Có một điều chắc chắn, dù là thù hay bạn, dù là giới báo chí Mỹ hay Việt, dù là giới chuyên nghiệp quân sự hay quần chúng dân sự, ai cũng đều đồng ý Tướng Đỗ Cao Trí là Tướng tác chiến giỏi nhất. Vậy mà Tướng Trí coi bộ phục tài Tướng Hiếu nhất.

Phần kế tiếp còn lại, xin để bạn đọc tự coi xét và nghiệm lấy...hiện tượng giáng bút!

Trận Đánh Pleime

Vào tháng 6 năm 1998, tôi tình cờ mua được cuốn sách Thư Gửi Người Bạn Mỹ của Tướng Vĩnh Lộc. Trong đó ông có nhắc sơ qua đến trận đánh Pleime. Ông khoe là nếu đem so trận này với trận Lang Vey thì QLVNCH chứng tỏ giỏi hơn là QLHK đã để mất tiền đồn Lực Lượng Đặc Biệt Lang Vey, xảy ra trước mặt trận Khe Sanh. Đồng thời cuốn sách cũng có ghi một ít sách khác của cùng tác giả, trong số đó có cuốn Pleime xuất bản năm 1966.

Tôi liền viết một lá thư cho Tướng Vĩnh Lộc nhờ nhà xuất bản Ngày Nay chuyển giao. Trong thư tôi yêu cầu Tướng Vĩnh Lộc cho biết vai trò của Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2, trong trận đánh Pleime, và đồng thời xin mua cuốn Pleime. Lá thư này không hề được hồi âm.

Bẵng đi một thời gian khá lâu ... vào tháng 6 năm 2000, có một động lực thôi thúc tôi viết thư cho thư viện Võ Bị West Point yêu cầu được phép tham cứu về chiến tranh Việt Nam. Tôi mừng rỡ hết đỗi khi nhận được thư phúc đáp ưng thuận. Trong hai chuyến vào tra lục khoảng 500 cuốn sách liên quan đến chiến tranh Việt Nam, tôi tìm thấy một vài cuốn nói tới trận đánh Pleime và sao lại những trang đả động tới trận đánh này. Nhưng khi ngồi vào bàn, tôi lâm vào thế bí: sau khi đánh hàng tít Trận Đánh Pleime, tôi chẳng tài nào viết thêm một hàng chữ nào. Vài ngày hôm sau, tôi lại phải làm một chuyến khác lên thư viện West Point và lần này khám phá thêm tài liệu về trận đánh Pleime. Sau khi nắm được trong tay các dữ kiện bổ túc này, khi ngồi vào bàn máy điện toán, thì lần này các hàng chữ cứ vậy mà tuôn ra một cách dễ dàng như dòng suối nước chảy chan hòa. Kết quả là một bài mô tả trận đánh dưới con mắt của chính nhân vật đã điều nghiên thiết kế và điều động trận đánh!

Chiến Dịch Đỗ Xá

Tôi tưởng rằng mình chẳng tài nào có thể viết được một bài về trận đánh này, vì trận này đã xảy ra quá lâu đời - vào năm 1963 hay 1964 gì đó - chẳng có ai nhớ tới và tài liệu thì cũng chẳng biết đâu mà tìm.

Bỗng nhiên một ngày vào tháng 2 năm 2000, trong một cuộc điện đàm với Tướng Lữ Lan, tình cờ Tướng Lữ Lan tiết lộ là ông có dự phần vào chiến dịch Đỗ Xá. Khi đó ông giữ chức Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn 2 và Đại Tá Hiếu giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2. Tôi liền yêu cầu ông viết cho một bài về chiến dịch này, thì ông từ khước viện lẽ biến cố đã xảy ra quá lâu rồi nên ông không còn nhớ mấy. Tuy nhiên ông cũng kể ra được một ít chi tiết, tỉ như đỉnh núi Ngọc Lĩnh, Thiếu Tá Sơn Thương, Thiếu Tá Phan Trọng Chinh, Trung Đoàn 50/SĐ 25, khe suối Nước Lah, Tướng Việt Cộng Nguyễn Đôn, trực thăng chỉ huy bị súng cao xạ VC bắn, vùng oanh kích tự do ...

Số chi tiết ít ỏi này không đủ để cho phép tôi viết được thành bài. Tuy nhiên trong khoảng thời gian ba, bốn ngày kế sau đó, một cách ngẫu nhiên, không chủ ý tìm tòi, tôi tình cờ khám phá ra hình Thiếu Tá Sơn Thương trong cuốn Việt Nam - Một Trời Tâm Sự của Tướng Nguyễn Chánh Thi, hình của Thiếu Tá Phan Trọng Chinh trong cuốn QLVNCH trong giai đoạn hình thành 1946-1955 do Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu thực hiện, sự tham dự của Đại Úy Ngô Quang Trưởng và các đơn vị Dù trong cuốn Đời Quân Ngũ của Trần Ngọc Nhuận, chiều cao của đỉnh núi Ngọc Lĩnh (2598m/8524ft) tại một địa điểm trên mạng lưới, bản đồ của chiến trường Đỗ Xá cũng trên mạng lưới. Những chi tiết bổ túc này đã giúp tôi hoàn thành bài Chiến Dịch Đỗ Xá trong nháy mắt.

Nhưng chưa hết. Đang khi tôi soạn thảo bài đến đoạn kết luận thì một người bạn bỗng nhiên gọi điện thoại hỏi thăm. Khi tôi cho ông bạn biết là tôi đang viết bài về trận Đỗ Xá, người bạn tôi liền cống hiến cho tôi một chi tiết hi hữu: trước đó một năm, Tướng Nguyễn Khánh cũng đã tung quân vào mật khu Đỗ Xá. Ông đã phải lẩn tránh họp báo với các phóng viên nhà báo từ Sàigòn lên, vì ông không muốn phải trả lời các câu hỏi họ có thể nêu lên liên quan đến tin tổn thất cả một tiểu đoàn ngày hôm trước.

Quả thật là chính anh tôi đã cung cấp đến tận tay tôi những chi tiết cần thiết để tôi có thể thực hiện bài viết này được!

Cả Chục Bức Chân Dung

Tôi còn nhớ khi còn học ở tiểu học và trung học, tôi sợ nhất khi thầy cô ra bài luận với đề tài: hãy mô tả một người mà trò kính phục nhất trong đời. Những lần đó tôi phải khổ cực lắm mới viết nổi một bài luận như vậy.

Vậy mà anh tôi đã dìu tay tôi thực hiện đến cả chục tấm chân dung Tướng Hiếu một cách dễ dàng, với mỗi bức chân dung mô tả một khía cạnh khác biệt của con người Tướng Hiếu: Tướng Hiếu Với Tha Nhân, Dũng Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Nét Đức Độ Và Đạo Đức Của Tướng Hiếu, Một Tướng Tài Ba, Một Tướng Trầm Lặng Và Kín Đáo, Một Tướng Cô Đơn, Một Tay Võ Nghệ Cao Cường, Tôi Biết Tướng Hiếu, Một Con Người Khả Ái Và Một Tư Lệnh Khả Kính, Thủ Quân Hay Ông Bầu.

"Chưa Xong Đâu Em"

Duyệt xét lại lịch trình Thứ Tự Thời Gian Của Các Bài Đăng, tôi nhận thấy tôi thì cứ hấp tấp mấy lần cho là công việc thiết lập trang nhà đã tới lúc hoàn tất, còn anh tôi thì mỗi lần như vậy lại khoan thai nhắn nhủ tôi là "chưa xong đâu em"!

Này nhé, ngày 25/09/1998, sau khi đã đăng lên khoảng ba chục bài, tôi cho là xong rồi nên viết bài Thay Lời Tựa (thói thường bài Thay Lời Tựa được đăng ở đầu một cuốn sách, nhưng chỉ được viết khi đã hoàn tất bản thảo cuốn sách). Nội trong tháng sau đó, thêm bốn bài xuất hiện. Ngỡ là xong, ngày 23/11/1998, tôi viết bài Thay Lời Kết. Nhưng 21 bài khác đã đẻ ra tiếp sau đó. Ngỡ là đủ rồi, ngày 12/10/1999, tôi viết bài Dẫn Lối dẫn giải cho độc giả hai lối thưởng lãm trang nhà mà tôi ngỡ là đã được xây cất xong. Và ngày 12/11/1999, tôi viết bài Ghi Ơn để ngỏ lời cảm ơn những người đã đóng góp vào việc xây dựng trang nhà này. Ngờ đâu tiếp sau đó cả đến năm chục bài khác nữa nảy sinh, trong số đó bảy bài do tôi soạn thảo (Tôi Từng Biết Tướng Hiếu, Một Tướng Cô Đơn, Một Tay Võ Nghệ Cao Cường, Sinh Viên Sĩ Quan Hiếu, Chiến Dịch Đỗ Xá, Thủ Quân Hay Ông Bầu, Đại Bàng 800 Trong Bối Cảnh Hành Quân Của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh HK), số bài còn lại là những tài liệu liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến Tướng Hiếu, hoặc có người gửi đến tặng cho, hoặc tôi tìm thấy trên mạng lưới.

Ngoài ra, vào khoảng tháng 3/2000, sau khi viết được bài Chiến Dịch Đỗ Xá - mà tôi cho là bài cuối cùng - tôi cho là công việc đã xong xuôi, nên tôi đã soạn bản thảo dưới dạng sách với ý định bắt đầu liên lạc với các nhà xuất bản để ra sách.

Tuy vậy, đến giờ phút này, ngày 10/12/2000, tôi có linh tính là công trình này chưa xong và hiện tôi đang trong tâm trạng trông chờ xem...

Tuy trang nhà này chưa hoàn tất, nhưng tôi nhận xét thấy không có một vị Tướng Lãnh nào thuộc bất cứ Quân Lực nào trên thế giới, còn sống hay đã chết, có lấy được một trang nhà tôn vinh trên mạng lưới phong phú và đầy đủ như vậy. QLVNCH có thể lấy làm hãnh diện là có được một Tướng Lãnh tài giỏi vào bậc nhất như vậy trong hàng ngũ mình...

"Anh Chẳng Bảo Vậy Sao?"

Như đã viết ở đoạn trên, từ ngày 10/12/2000, tôi ở trong tâm trạng trông chờ xem ..., nghĩa là tôi không cố công đi tìm tòi tài liệu và nghiền ngẫm viết lách, vậy mà từ ngày hôm đó đến ngày hôm nay 09.08.2002, khoảng chừng 40 bài mới sau đây xuất hiện trên Trang Nhà Tướng Hiếu:

04.08.2002: Phi Đoàn 52 LQHK Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá
29.07.2002: Bản Dịch Diễn Văn Tướng Hiếu Đọc Ngày 14/07
21.07.2002: Nỗi Buồn Vui Của Đặc Trách Viên Chống Tham Nhũng
30.06.2002: Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt
22.06.2002: Tướng Hiếu và Băng Miền Tây
13.06.2002: Lá Thư Thứ 3 Xác Nhận Sự Kiện Cập nhật ngày 18.06.2002
24.05.2002: Tường Trình Vụ QTKQĐ
17.05.2002: Vụ Tham Nhũng Của Đại Tá Trần Trọng Nghĩa
16.05.2002: Tướng Hiếu Duyệt Xét Chống Tham Nhũng
15.05.2002: Ba Vụ Tham Nhũng: Dũng, Cảnh Sát Tư Pháp và Phụng Hoàng
14.05.2002: Tham Nhũng Trong Giới Tư Pháp
13.05.2002: Bảy Đại Tá Bị Phạt Trong Vụ QTKQĐ
12.05.2002: Tướng Hiếu Nói Về Sắc Luật Đặc Biệt Về Tham Nhũng
11.05.2002: Tướng Hiếu Nói Về Tham Nhũng
04.05.2002: Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh
02.05.2002: Tướng Lãnh 1967
21.04.2002: Lập Trường Phi Chính Trị Của Tướng Hiếu
20.04.2002: Đại Tá Hiếu Và Binh Biến 13/09/1964
17.04.2002: Tình Hình Quân Sự Ngày 8-9/4/1975
31.03.2002: Ý Kiến Tướng Hiếu Về Chương Trình Việt Nam Hóa
15.02.2002: Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Trang Cập nhật ngày 04.03.2002
16.01.2002: Mạn Đàm Với Tướng Lê Minh Đảo
06.01.2002: Trận Đánh Đức Cơ
04.01.2002: Đối Chiếu Tướng Patton và Tướng Hiếu
06.12.2001: Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá
17.11.2001: Phỏng Vấn Ông Richard Peters
17.10.2001: Trang Nhà Tướng Hiếu Trên Mạng Lưới
09.09.2001: Tư Lệnh Phó Vùng Sàigòn Bị Bắn Chết
01.09.2001: Đối Chiếu Tướng Patton và Tướng Hiếu (tạp ghi)
25.08.2001: Trận Snoul Theo Lời Tường Thuật Báo New York Times
24.08.2001: Thiệu Sa Thải Bộ Trưởng Quốc Phòng
19.08.2001: Quân Đội Việt Nam: Buôn Lậu Á Phiện
07.08.2001: Guồng Máy của Khiêm: Tất Cả Trong Gia Đình
28.07.2001: Trận Đánh Pleime Dưới Mắt Người Mỹ
26.07.2001: Một Vụ Tham Nhũng Tại Việt Nam
18.02.2001: Mặt Trận Xuân Lộc
05.02.2001: Cái Chết Đột Ngột Của Tướng Hiếu
14.01.2001: Tư Lệnh SĐ5BB và SĐ22BB
01.01.2001: "Ngồi Chơi Xơi Nước"
27.12.2000: Đặc Trách Chống Tham Nhũng
26.12.2000: Dịch Tham Nhũng

Các bài trên bổ túc, chiếu dọi thêm ánh sáng cho các đề tài đã đề cập tới trước, đặc biệt là nỗ lực chống tham nhũng của Tướng Hiếu, vai trò Tư Lệnh Phó QĐ III của Tướng Hiếu, và các trận đánh Đỗ Xá và Pleime. Thử hỏi nếu tôi ngưng hẳn công việc gầy dựng Trang Nhà Tướng Hiếu từ ngày 12/10/2000, thì Trang Nhà Tướng Hiếu sẽ thiếu sót đến chừng nào! Quả thật là anh tôi đã đưa đến tay tôi các tài liệu sau này, đã giúp tôi tìm ra và tiếp xúc được với Tướng Nguyễn Xuân Trang, Tổng Lãnh Sự Mỹ Richard Peters, Tướng Lê Minh Đảo, Tướng Lê Trung Tường, Tướng Trần Xuân Nhựt... Đúng là, Anh chẳng bảo vậy sao?

Sau cùng, nhưng không kém phần quan trọng?

Bẵng đi hai tháng - bài sau cùng được đăng đầu tháng 8 - không thấy động tĩnh gì, tôi tưởng là thế là xong hết rồi. Nhưng đầu tháng 10, tự nhiên tôi cảm thấy có gì thúc đẩy tôi viết về thời kỳ tham mưu của anh tôi. Tôi bèn viết bài Vài Nét Chấm Phá Thời Kỳ Tham Mưu bằng cách gom góp lại các lời của các nhân chứng rải rác đó đây trong Trang Nhà Tướng Hiếu. Tưởng là có vậy thôi, ai ngờ anh tôi lại xui khiến tôi đẻ ra luôn thêm bảy bài khác nữa, bằng cách giới thiệu Ðại Úy Ẩm và Ðại Tá Mataxis đến tôi, để hậu thế biết đến tài tham mưu xuất chúng của mình!

14.12.2002: Đại Tá Hiếu và Đại Tá Mataxis, Tham Mưu Trưởng và Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II
29.11.2002: Quân Đoàn II Đối Phó Với Các Cuộc Tấn Công Việt Công Tại Các Tỉnh Phú Bổn, Pleiku Và Kontum
24.11.2002: Chiến Dịch Đông Xuân 1965 Việt Cộng và Chiến Lược của Quân Đoàn II
16.11.2002: Giải Cứu Trại LLĐB Đức Cơ
30.10.2002: Tấn Công và Phản Công trên Quốc Lộ 19
20.10.2002: Hành Quân Khai Lộ
12.10.2002: Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II Cập nhật ngày 19.10.2002
02.10.2002: Vài Nét Chấm Phá Thời Kỳ Tham Mưu Cập nhật ngày 16.11.2002

Trước nay tôi khoe là Tướng Hiếu có tài tham mưu thâm thúy, nhưng đến giờ này, anh tôi mới cung cấp cho tài liệu, ngõ hầu chứng minh cho lời khẳng định đó.

Với loạt bài này về thời kỳ tham mưu, tôi thiết nghĩ là Trang Nhà Tướng Hiếu được đầy đủ và do đó hoàn tất. Thành thử tôi đề tựa đoạn này, Sau cùng, nhưng không kém phần quan trọng?, với dấu chấm hỏi, vì biết đâu chừng sẽ còn thêm tài liệu sẽ xuất hiện nữa ...

Quả Là Chưa Hết Thật!

Qua năm 2003, anh tôi gửi đến tôi những nhân vật sau đây: Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5, Trung Tá Roy Couch, Cố Vấn Phó Sư Đoàn 5 (tử nạn tháng 2/1970) và Trung Tá Robert Lott, Cố Vấn Phó Sư Đoàn 5. Những nhân chứng này đã tiết lộ thêm những đặc điểm độc đáo khác của Tướng Hiếu.

Ngoài ra, Tướng Hiếu đã chờ đợi mãi cho đến tháng 10/2003 mới đưa vị Tiểu Đoàn Trưởng 1/8 ra để viết bài Trận Đánh Snoul và những Hậu Quả thật là tuyệt diệu để minh oan cho mình.

Tướng Hiếu Điểm Mặt Những Kẻ Giết Mình

Trong việc tìm hiểu cái chết của anh mình, tôi không nghĩ là sẽ đạt được kết quả gì, vì sự việc đã xảy ra hơn hai chục năm nay ở Việt Nam, đang khi mình sống ở bên Mỹ; lại nữa tôi đâu có tài của một thám tử gia để biết cách điều tra một vụ án mạng, hay một luật sư để biết cách luận tội trước tòa án. Nhưng anh tôi đã dùng tới cái bất tài của tôi để điểm mặt nhũng kẻ giết mình.

Trước hết anh tôi đã dẫn đưa tôi tới các nhân chứng chính yếu có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, ngày xảy ra án mạng, khả dĩ chiếu rọi phần náo ánh sáng vào điều bí ẩn này. Thật là điều lạ: tôi không hề biết tên những nhân vật này, vậy mà cả hơn hai chục năm sau, tôi tìm ra họ và cả số điện thoại hay địa chỉ của họ để tiếp xúc với họ. Mà điều lạ khác là người nào cũng sẵn lòng trả lời câu hỏi của tôi: “Anh có biết gì về cái chết của anh tôi không?” Giả dụ mà họ trả lời ngắn gọn là không và giữ im lặng, thì tôi sẽ chẳng có thể phanh phiu được gì. Đàng này, nhờ họ nói giông dài, nên tôi đã có thể đối chiếu, phân tách, và phối hợp các lời khai để đoán biết ai nói thật, ai nói dối; ai nói thêm, ai nói bớt; ai nói biết mà thật sự không biết gì, ai nói không biết mà thật sự ra biết rõ. Tuy nhiên, xin thú thật là trước những mâu thuẫn và thiên hình vạn trạng của những chứng từ thu lượm được, tôi cảm thấy mù tịt không biết đâu mà lần mò trong đám khói hỏa mù này.

Thế rồi, vào tháng 9 năm 2004, sau khi tiếp xúc được vài chứng nhận chủ chốt cuối cùng (Bác Sĩ Lý Ngọc Dưỡng và Đại Tá Cảnh Sát Lê Trọng Đàm), anh tôi đã giáng bút bài Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Tướng Hiếu. Gọi là giáng bút, vì tôi viết bài này một mạch, không chuẩn bị, sắp xếp trước, không một dàn bài, không suy nghĩ. Đến khi bài tới đoạn kết luận, tôi cũng giật bắn mình, không ngờ bản cáo tráng lại kết thúc như vậy.

Nghệ Thuật Lui Binh

Tôi lấy làm lạ khi tự dưng trong đầu óc nảy sinh tựa đề này vì trong quá khứ anh tôi đã giáng bút cho tôi viết đề tài này trong một đoạn ngắn vỏn vẹn có một chục hàng chữ trong bài Tướng Tài Ba như sau:

Trong giới am tường quân sự, ai cũng biết việc rút quân là động tác khó khăn nhất trong một chiến trận, nhất là khi phải rút lui trong vị thế yếu và cấp bách khi đã bị địch vây hãm. Trong thế tấn công, ta ở thế chủ động: mọi sự đã được tiên liệu, sắp xếp trước, các động tác phối hợp giữa các đơn vị đã được điều nghiên kỹ càng, những mục tiêu tấn công đã được vạch ra rõ ràng, các hỏa lực yểm trợ cần thiết đã được phối trí chu đáo, yếu tố thời gian đã được chẩn đoán kỹ lưỡng, trận tuyến thường nằm trước mặt, nhắm thấy địch dễ dàng, tinh thần quân lính hứng khởi hăng say và đằng đằng sát khí...Trong thế rút quân, ta ở trong thế bị động: mọi sự đều bất trắc, bất định, các động tác phối hợp giữa các đơn vị phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố biến động, các hỏa lực yểm trợ thường bất khả dụng vì quân địch bám sát, yếu tố thời gian thì không lường được và rất là eo hẹp, trận tuyến thường là tứ phía, địch ẩn núp đâu không thấy, tinh thần quân lính bị giao động hoang mang và nhụt khí... Phải là một Tướng thật cừ khôi mới khuất phục được các yếu tố tiêu cực vừa nêu để giữ vững lòng tin và duy trì chí phấn đấu của binh lính.

Tuy vậy nhưng tôi ngoan ngoãn nghe theo sức thôi thúc nội tâm và ngồi xuống mở máy điện toán ra khởi sự gõ phím chữ mà tuyệt nhiên không mảy may biết mình sẽ viết tiếp đề tài này ra sao. Do đó tôi rất đỗi ngạc nhiên khi ngón tay tôi gõ: Đem hai cuộc lui binh do Tướng Hiếu thực hiện – (1) Thuần Mẫn tháng 6/1965 trên Cao Nguyên và (2) Snoul tháng 5/1971 tại Cam Bốt – ra phân tách, ta sẽ rút tiả được những yếu tố cần thiết cho một cuộc lui binh thành công. Tôi cần lưu ý độc giả là tôi chưa từng phân tách hay đối chiếu hai trận lui binh này từ trước tới giờ. Thế rồi ngón tay tôi tuần tự nêu lên yếu tố thứ nhất, xướng lên một đôi lời giảng giải, trích dẫn từ hai bài Thuần Mẫn và Snoul để minh họa cho yếu tố thứ nhất này; rồi nêu lên yếu tố thứ hai, xướng lên một đôi lời giảng giải, trích dẫn từ hai bài Thuần Mẫn và Snoul để minh họa cho yếu tố thứ hai này; rồi nêu lên yếu tố thứ ba, xướng lên một đôi lời giảng giải, trích dẫn từ hai bài Thuần Mẫn và Snoul để minh họa cho yếu tố thứ ba này; vân vân..., cứ như vậy cho đến yếu tố thứ tám, rồi đi đến kết luận. Xin nhấn mạnh là khi khởi đầu, tôi tuyệt nhiên không biết là Tướng Hiếu sẽ nêu lên bao nhiêu yếu tố cần thiết cho sự thành công của một cuộc lui binh.

Không kiến thức quân sự, không từng học qua một trường hay một khóa học quân sự căn bản hay cao cấp, không nghiên cứu về chiến thuật lui binh, không phân tách và đối chiếu hai bài Thuần Mẫn và Snoul trước, rồi viết một mạch không suy nghĩ, không dàn bài. Xin hỏi đó chẳng phải là hiện tượng giáng bút sao?

Nguyễn Văn Tín
Ngày 23/06/1999

Cập nhật ngày 22.07.2006

generalhieu