RA.CH GIÁ --------- 100 NHÓ' 1000 THU'O'NG 5

Home | H̀NH A?NH KHÔNG PHAI | HÔ.P "MEO" THÂ`Y TR̉ | HÔ.P "MEO" THÂ`Y TR̉ [tt] | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ [tt] * | HÔ.P "MEO" THÂ`Y TR̉ 1 | DU' HU'O'NG HNLT | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 3 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 4 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 5 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 6 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 7 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 8 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 9 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 10 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 10 * | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 10 ** | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 10 *** | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 11 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 12 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 13 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 14 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 14 * | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 15 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 16 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 17 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 18 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 18 * | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 19 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 20 | HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 21 | H̀NH XU'A | HÔ.I NGÔ. bo? túi | HÔ.I NGÔ. bo? túi [tt] | V̉NG TR̉N | V̉NG TR̉N [tt] | V̉NG TR̉N 1 | V̉NG TR̉N 2 | V̉NG TR̉N 3 | V̉NG TR̉N 4 | V̉NG TR̉N 5 | V̉NG TR̉N 6 | V̉NG TR̉N 7 | V̉NG TR̉N 8 | TÊ'T MÂ.U TƯ | TÊ'T MÂ.U TƯ [tt] | TÊ'T MÂ.U TƯ 1 | TÊ'T MÂ.U TƯ 2 | GIÁNG SINH & NA(M MÓ'I 09 | NA(M MÓ'I 2009 | TÊ'T KY? SU'?U | TÊ'T KY? SU'?U [tt] | TÊ'T KY? SU'?U 1 | THA'NG TU' -DEN

HÔ.P MEO THÂ`Y TR̉ 19

1congtamquan_denxanh.jpg

- đi dự đại hội sinh hoạt học đường ở Sóc Trăng với Phạm Công Nhựt

 

 

NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA (tiếp theo)

 

thầy  NGUYỄN NGỌC CẦU

 

 

Sau khi bài viết "Nhớ Về Trường Xưa" của tôi được đăng trên trang web RẠCH GIÁ TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG TUẦN II tháng 11/14 , tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi , nội dung nói chung tỏ ra thích thú và đề nghị tôi viết tiếp . Lúc đầu tôi đã tính ăn non khỏi thua già , có nghĩa là không viết tiếp nữa , như vậy mới có giá trị và duy trì được một chút thành quả đã đạt . Tuy nhiên sau đó tôi nghĩ lại , thấy làm như vậy là thủ hơi kỹ quá , gần như hèn nhát , thậm chí có thể bị người khác cho tôi là ích kỷ hoặc chảnh nữa . Thế là để đáp ứng đề nghị của nhiều bạn , tôi quyết định viết phần tiếp theo này . Vậy tôi xin mạn phép được tiếp tục ghi lại đôi điều vụn vặt về trường xưa Nguyễn Trung Trực Rạch Giá .

 

Cuối năm 1967 , có một cuộc giao lưu cho học sinh của hai trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá và Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên . Trường Nguyễn Trung Trực là chủ nhà , đón khách tại Rạch Sỏi và rước về vòng quanh chợ Rạch Giá . Đoàn khách nghỉ tại khách sạn Phú Sĩ . Ngoài những buổi gặp gỡ trao đổi , còn có những hoạt động khác như thi đấu bóng đá , dự một bữa tiệc chung và cùng nhau trình diễn văn nghệ tại rạp Châu Văn . Bữa tiệc chung chỉ có thịt bò hai món là cháo và xào , làm thịt con bò do ông Lê là giám học trường Phó Điều tặng . Về văn nghệ , trường Thoại Ngọc Hầu có một màn múa "Thiên Thai" rất hay , đối lại , trường Nguyễn Trung Trực biểu diễn một màn hài kịch câm trong đó một em nam sinh đóng vai nữ tức là giả gái .Về ca nhạc thì thầy Nguyễn Công Trí đệm đàn cho phe nhà .

 

          Tôi nhắc nhớ lại vài gương mặt học sinh trường Nguyễn Trung Trực hồi đó. Em Khưu Tỷ trưởng ban đại diện học sinh năm có xảy ra vụ "cáp duồn" đối với người Việt ở Campuchia . Em Trần Chi Mai cháu gái của cô Kim Anh dạy vạn vật , em gốc người Saigon , nét sắc sảo , viết văn hay và ăn nói linh hoạt . Em Thị Muối nhà bán hủ tiếu ở cảng cá . Em Chương Thành Tâm năm học lớp 12B2 là trưởng ban báo chí , có một bài thơ về mùa đông đăng trong đặc san Xuân NTT . Em Văng Phước Mận học và làm trưởng lớp được vài tháng ở lớp 10B2 thì gia nhập quân đội , một thời gian sau em mặc đồ quân nhân đeo lon trung sĩ trở về thăm lại lớp cũ đúng ngay giờ dạy của tôi . Em Nga thường bị gọi là "Nga thịt bò" vì bố em là ông Ba Hạnh lúc đó được độc quyền giết mổ bò tại Rạch Giá . Em Nguyễn Thị Đê ở tiệm bán gạch bông đối diện bệnh viện . Em Kim Phụng nghỉ học sớm để rồi về sau trở thành nữ y tá làm việc tại bệnh viện Rạch Giá . Em Việt Thanh học hết lớp 9 thì chuyển về học ở trường Đồng Tâm Cần Thơ . Em Nguyễn Thị Lập con của ông trung úy cảnh sát tên Thi  , học lớp 8 mà rất điệu , đi học luôn cầm theo một hoa hồng , có lúc gây lu bu cho mấy nam sinh , thầy Ẩn phải giải quyết . Em Nguyễn Thị Bé Hai ở tiệm bán sách báo . Tôi nhớ rõ nhất hai chị em Sương và Tuyết : Sương là chị , nhỏ con , gầy , nước da trắng còn Tuyết là em lại to con , đầy đặn, nước da mặn mà , hai chị em đều hát rất hay và là những ca sĩ ruột của tôi .

 

          Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức , thỉnh thoảng trường Nguyễn Trung Trực vẫn tổ chức được một đợt công tác xã hội nhưng chỉ dành cho một số nhỏ học sinh mà thôi . Thường nhất là thăm cô nhi viện Hòa Bình ở phía  ngoài cổng Tam Quan . Cô nhi viện này do các nữ tu sĩ công giáo phụ trách , họ gặp nhiều khó khăn về tài chánh và lương thực trong khi số trẻ mồ côi ngày một tăng , nhất là những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi . Số quà tặng chẳng đáng bao nhiêu , nhưng điều qúy nhất mà thầy trò trường Nguyễn Trung Trực mang lại , theo như lời nữ tu sĩ giám đốc cô nhi viện , là tình cảm , là sự khích lệ đối với những người phụ trách ở đây .

 

Khoảng cuối năm 1973 , Bộ Giáo Dục tổ chức một Tuần Lễ Sinh Hoạt Học Đường cho học sinh trung học 16 tỉnh phía Nam tại tỉnh Ba Xuyên, bây giờ là Sóc Trăng . Thực chất đây là một cuộc thi đua thể thao và văn nghệ . Về phía tỉnh Kiên Giang , học sinh hoàn toàn là của trường Nguyễn Trung Trực , thầy Phạm Công Nhựt là trưởng đoàn kiêm phụ trách nhóm thể thao , tôi là phó đoàn kiêm phụ trách nhóm văn nghệ . Tiểu khu Kiên Giang cung cấp hai xe GMC cho việc di chuyển . Suốt một tuần lễ ăn ngoài chợ , ngủ trong phòng học của trường Hoàng Diệu , vệ sinh dã chiến , vất vả có thừa . Thầy Nhựt là người vất vả nhất vì vừa tả xung hữu đột vừa ứng phó nội ngoại . Đến mấy ngày cuối thì hết tiền ăn cho cả đoàn gần năm chục mạng , thầy phải chạy đôn chạy đáo mới mượn đỡ được tiền từ thầy hiệu trưởng trường Hoàng Diệu để tạm cầm hơi . Thành tích chung của đoàn học sinh Kiên Giang thuộc hạng trung bình . Riêng về văn nghệ , được một giải đặc biệt cho bộ môn kịch , một vở kịch ngắn mà lời thoại hoàn toàn là thơ , diễn viên nói thơ và ngâm thơ , tôi đệm đàn tranh . Nhân vật chính là một sơn nữ , tôi quên tên em đóng vai này mà chỉ nhớ lúc đó em đang học lớp 9 và là con của ông chủ hãng nước mắm ở Hòn Sơn Rái , em cũng học cùng lớp và chơi thân với con gái của ông tỉnh trưởng . Sau buổi diễn , một giáo sư bạn tôi ở trường Hoàng Diệu nói với tôi : "Tao nghe bọn học trò con trai trường tao rủ nhau đêm nay đến khu Kiên Giang tìm sơn nữ đấy" . Thực sự em sơn nữ Kiên Giang chẳng những diễn hay mà hóa trang coi cũng rất đẹp và rất hấp dẫn . Sơn nữ Kiên Giang ơi , bây giờ em ở đâu?

 

Thầy Vũ Học Hai là bậc đàn anh mà tôi ngưỡng mộ , thầy dạy tiếng Anh , tướng người cao to , dáng đi đứng và cách ăn nói oai phong , nhà thầy ở trong cư xá gần Cổng Tam Quan . Tôi nghe nói hồi nhỏ , thầy tên là Vũ Ngọc Hải , có lúc làm lại giấy tờ sao đó cho nên mới đổi thành Vũ Học Hai . Tối hôm đó , một số giáo sư dự tiệc ở trên lầu nhà hàng Hưng Phát để tiễn hai nam giáo sư lên đường nhập ngũ . Gần đó có một bàn tiệc cưới trong đó có ba thực khách là quân nhân Mỹ . Có lúc mấy người Mỹ có vẻ đã say cho nên họ hát nghêu ngao , tới lúc họ bắt đầu hát quốc ca VNCH thì thầy Vũ Học Hai phóng qua nói chuyện phải quấy với họ , thầy nói với giọng lịch sự nhưng rất kiên quyết , thầy giải thích cho họ hiểu rằng họ làm như vậy là xúc phạm . Mấy người Mỹ lúc đầu có nói vài câu đôi co với thầy Vũ Học Hai nhưng sau đó họ cũng phải nhận lỗi và bỏ ra về . Thầy Vũ Học Hai và tôi còn có một điểm chung : con trai của thầy học cùng lớp mẫu giáo với con trai của tôi , hai đứa nhỏ chơi thân với nhau giống như bố của chúng nó vậy.

 

Hồi đó tôi khá gầy , lúc nào cũng cân nặng dưới năm chục ký , tôi không có điều kiện tập luyện thể dục và chơi thể thao . Vậy mà tôi bắt đầu có hứng thú về mặt này khi được tiếp xúc với thầy Đào Tuấn Ngọc cũng là đàn anh của tôi . Thầy dạy Pháp Văn , dáng người rắn chắc và cá tính mạnh mẽ . Thầy là người luyện võ , sau này là võ sư chưởng môn sáng lập Việt Quyền Đạo . Thầy giỏi về nhạc , biết chơi viôlông . Có lần trao đổi với tôi về Chopin nhạc sĩ người Pháp gốc Ba Lan chuyên sáng tác cho piano, thầy hỏi tôi có đĩa nhạc Chopin nào không , tôi nói có một đĩa Chopin / Rubinstein , thầy chỉ nói "tuyệt" . Hồi đó Arthur Rubinstein nghệ sĩ người Mỹ gốc Ba Lan là người chơi piano giỏi nhất thế giới , đặc biệt với nhạc Chopin .

 

Đối với tôi , thật là thiếu sót nếu không nhắc đến một giáo sư hồi đó là là hàng xóm của tôi , lớn tuổi hơn tôi khá nhiều , dạy Việt Văn , đó là thầy Phạm Huy Viên . Tôi rất thích cái nét thâm trầm của thầy , cái lối nói rí rỏm, sâu sắc đến nhức nhối mà tưởng cứ như bông đùa . Nghe thầy giải nghĩa Truyện Kiều theo cách khôi hài mà cười đã luôn , nhất là câu "Sè sè nấm đất bên đường". Thầy làm nhiều bài thơ tình lãng mạn rất hay , thầy còn lấy tên là Tây Đô Cuồng Sĩ , "người thơ" của thầy cũng là nhà giáo và có sạp bán vải ở chợ Rạch Giá . Trong Đặc San Trường Cũ Tình Xưa của Hội Ngộ Liên Trường Kiên Giang 2009 , có một kiểu hình được đăng hai lần ở trang 73 và 123 đều thiếu một ghi chú quan trọng , xin lỗi ban biên tập , tôi muốn bổ sung cho dù muộn đi nữa : người ngồi ngay giữa hàng đầu cười toe toét là thầy nói dóc Nguyễn Ngọc Cầu , người ngồi bên cạnh bó gối mặt tỉnh bơ là thầy thi sĩ Phạm Huy Viên .

 

Thông thường người làm nghề giáo vốn thích mùa hè , lý do cũng dễ hiểu và rất đơn giản là được nghỉ dạy học mấy tháng hè vẫn ăn lương . Vậy mà ở trường Nguyễn Trung Trực có một giáo sư xem ra có vẻ không thích mùa hè hoặc không hợp với mùa hè , đó là thầy Huỳnh Ngọc Thọ . Thầy là giáo sư toán thuộc hàng cao thủ , trong năm học thì thầy không bao giờ phải nghỉ dạy vì bị bệnh . Ngược lại đến hè khi được nghỉ dạy dài dài thì thầy lại bị bệnh dài dài . Bước vào năm học mới , thầy đi dạy lại thì hết bệnh ngay. Đúng là một chuyện nghịch lý của giáo sư toán . Tôi biết được chuyện này do chính thầy Thọ kể trong một lúc đấu láo tại phòng giáo sư . 

 

Việc tôi dạy nhạc ở trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá là một câu chuyện khá ly kỳ . Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Pháp Văn , lúc tôi gặp thầy hiệu trưởng Hồ Văn Thủy để trình diện nhận việc thì thầy báo ngay cho tôi một chuyện không vui : trường đang thừa giáo sư Pháp Văn , số giờ Pháp Văn phải ưu tiên dành cho những giáo sư cũ , quá lắm thì cũng chỉ nhín cho tôi được một số giờ ít ỏi nào đó mà thôi . Thầy Thủy đề nghị để bù cho số giờ còn lại cho đủ số giờ dạy theo quy định đối với tôi là giáo sư đệ nhị cấp là 16 giờ một tuần , tôi nhận dạy một môn khác đang cần thêm người dạy . Thầy Thủy lần lượt nêu ra những môn đang cần thêm người dạy, tôi đều từ chối , lý do rất dễ hiểu : suốt đời đi học của tôi , tôi đều học chương trình Pháp và tất cả các môn học đều được học bằng tiếng Pháp . Cuối cùng thầy Thủy hỏi tôi dạy nhạc được không , tôi trả lời ngay là được . Tất nhiên thầy Thủy nghĩ rằng tôi bí quá cho nên phải nhận liều mà thôi , bằng không tôi có thể bị trả về Bộ Giáo Dục hoặc bị bắt làm văn phòng là những điều mà tôi không thích và cũng không muốn chấp nhận .

 

Sáng hôm sau tôi trở lại gặp thầy Thủy lúc thầy đang ngồi nói chuyện với một người mà thầy giới thiệu với tôi là thầy Phạm Công Nhiều dạy nhạc. Thầy Thủy bỏ ra ngoài để thầy Nhiều và tôi nói chuyện với nhau . Mãi về sau tôi mới biết được chuyện thầy Thủy nhờ thầy Nhiều trắc nghiệm khả năng âm nhạc của tôi , có lẽ thầy Nhiều đã đánh giá tốt về tôi cho nên thầy Thủy mới đồng ý để cho tôi dạy nhạc . Trên thời khóa biểu dạy học của tôi , số giờ dạy nhạc cao hơn số giờ dạy tiếng Pháp , thậm chí có những giờ phụ trội là giờ dạy nhạc . Chỉ có học sinh đệ nhất cấp mới học nhạc , mỗi lớp một tuần học một giờ do đó tôi dạy nhiều lớp và có rất đông học sinh . Nhiều người chỉ biết đến tôi như là thầy dạy nhạc . Thầy giám học Lê Anh Kiệt có lần khen tôi dạy nhạc "được lắm" . Cái nghề dạy nhạc bất đắc dĩ này vậy mà đã mang đến cho tôi nhiều niềm vui bất ngờ với chức danh giáo sư âm nhạc hoặc nhạc sư . Riêng cái chức danh "nhạc gia" của thầy Phạm Công Nhiều thì phải còn rất lâu nữa tôi mới đạt được .

 

Thực ra thì tôi cũng có một chút khả năng âm nhạc , chẳng có gì đáng để khoe nhưng tôi cũng nêu ra để biện minh phần nào cho việc tôi dạy nhạc: tôi học trong một trường nội trú đạo công giáo suốt 12 năm từ tiểu học đến hết trung học , ở trường này người ta rất chú trọng đến âm nhạc , học sinh ca hát mỗi ngày , học nhạc hàng tuần , biểu diễn ca nhạc hàng tháng , riêng tôi còn được học thêm piano và làm ca trưởng nhiều năm . Trong kỳ thi trung học Pháp BEPC , tôi chọn môn nhạc làm môn thi nhiệm ý và đạt điểm cao . 

 

Sau khi được đổi về An Giang một thời gian , tôi có dịp trở lại Rạch Giá một lần để dự đám cưới của thầy Võ Trung Hiền và cô Thanh Loan , một dịp vui hiếm có cho toàn trường Nguyễn Trung Trực . Chuyện tình yêu giữa hai giáo sư là chuyện bình thường , chuyện tình yêu giữa nam giáo sư và nữ sinh cũng là chuyện bình thường , nhưng chuyện tình yêu giữa nữ giáo sư và nam sinh thì tôi thấy chỉ có ở trong tiểu thuyết "Vòng Tay Học Trò" của Nguyễn Thị Hoàng tức Hoàng Đông Phương , giữa nữ giáo sư Tôn Nữ Quỳnh Trâm và nam sinh Nguyễn Duy Minh trong khung cảnh mộng mơ của thành phố Đà Lạt . Hình như tôi sắp lạc đề , vậy tôi sang chuyện khác.

 

Có hai em đang học cùng một lớp 12 thì tổ chức đám cưới . Tôi được mời dự tiệc cưới vào buổi trưa tại nhà chú rể . Có nhiều khách là quân nhân vì bố của chú rể làm việc ở tiểu khu Kiên Giang , ông này rất vồn vã đối với tôi và giới thiệu tôi với mọi người rằng tôi là thầy dạy học của cô dâu chú rể.   Tôi nhìn kỹ chung quanh mà chỉ thấy có tôi là giáo sư cho nên thấy cũng hơi lẻ loi . Nại lý do kẹt giờ dạy buổi chiều , tôi rút lui sớm . Về phần cô dâu chú rể, sau ngày cưới vẫn tiếp tục đi học bình thường .

 

Một nữ sinh đang học lớp 11 thì nghỉ học để lấy chồng . Chồng của em là một thiếu úy trẻ làm việc ở tiểu khu Kiên Giang . Tôi được mời dự tiệc cưới vào buổi chiều ở nhà cô dâu đường Mạc Cửu gần cầu số 1 . Cũng chỉ có mình tôi là giáo sư . Tôi được bố trí ngồi ở bàn có mấy ông già nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu . Tôi cũng biết tiếng Tàu nhưng chỉ biết có ba chữ "ngo ai ni" mà thôi . Lúc cô dâu chú rể đến bàn để chào ra mắt , ông già nhất đứng dậy phát biểu bằng tiếng Tàu , tôi cũng đứng dậy theo và thông dịch trực tiếp sang tiếng Việt , ông ta nói tiếng Tàu tới đâu , tôi nói tiếng Việt tới đó . Mọi người cùng bàn và nhất là cô dâu nhìn tôi lom lom , có lẽ em ngạc nhiên và vui lắm vì không ngờ ông thầy dạy tiếng Pháp của mình lại giỏi cả tiếng Tàu nữa . Sau khi cô dâu chú rể rời bàn , tôi cũng rút lui luôn để khỏi bị bể mánh. Thực ra tôi nghĩ lời chúc cô dâu chú rể nào cũng giống nhau cả , đại khái chúc hạnh phúc , sức khỏe , năm sau sanh con, yêu nhau dài dài , sống trăm tuổi . Khỏi cần dịch , nói đại cũng trúng phóc .

 

Có lần một em nữ sinh đệ nhị cấp đến gặp tôi nói lời từ biệt , em cho tôi biết em phải nghỉ học để "về ruộng" . Khoảng một tháng sau tôi nhận được thiệp cưới của em . Đám cưới được tổ chức ở Tà Niên , tôi được một em nam sinh học cùng lớp với cô dâu chở bằng xe gắn máy đi dự tiệc cưới . Hồi đó tôi có chiếc máy ảnh loại khá , tôi cũng có đồ nghề rửa ảnh đen trắng tại nhà , do đó tôi thường chụp ảnh lai rai và rửa ảnh để tặng . Trước đó không lâu tôi có chụp cho đám cưới cô gái con bà chủ nhà nơi gia đình tôi ở trọ . Lần này đi đám cưới ở Tà Niên , tôi cũng mang theo máy ảnh . Trong lúc chờ đợi nhà trai tới , tôi chụp ảnh cho cô dâu . Tôi mới chụp được vài kiểu thì một bà lớn tuổi nói với tôi đại khái cám ơn nhưng chụp như vậy đủ rồi , không được chụp nữa . Đương nhiên tôi tuân thủ nhưng trong lòng thắc mắc . Tôi để ý thấy trong suốt lễ cưới và tiệc cưới không hề có một người chụp ảnh nào . Khá lâu sau tôi có dịp gặp một người quen ở tiệm ảnh Bạn Trẻ , tôi nêu thắc mắc này ra , anh ta đưa ra gợi ý : có thể có người nghĩ rằng chụp hình phụ nữ mang thai thì không tốt cho thai nhi , nhất là ánh đèn chớp của flash làm cho nó giật mình (?) . Ra là vậy , hết ý luôn , miễn bàn .

 

Có nhiều người hỏi ý kiến tôi về nghề nhà giáo . Tôi nghĩ nghề nào cũng có cái vinh cái nhục của nó , quan trọng ở chỗ số lượng và chất lượng của vinh và nhục , mà điều này lại thay đổi tùy thuộc vào không gian và thời gian , tùy thuộc vào những con người trong cuộc .

 

Những năm tháng làm nghề giáo ở trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm vui và không ít kỷ niệm buồn . Đến nay sau hơn bốn chục năm , thời gian đã làm cho tôi một điều kỳ diệu : những kỷ niệm vui chẳng những không bị thời gian đưa vào quên lãng mà còn được thời gian làm cho thăng hoa , ngược lại những kỷ niệm buồn hoặc đã bị thời gian xóa mờ , hoặc đã được thời gian hóa phép thành những kỷ niệm vui .

 

Trong thời gian viết bài "Nhớ về trường xưa" và phần tiếp theo này, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được sống lại "những ngày xưa thân ái" , tôi thực sự cảm thấy bồi hồi xúc động khi nhớ lại những gương mặt thân quen thuở nào ở trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá . Tôi hy vọng có thể chia sẻ được một phần nào niềm hạnh phúc và nỗi bồi hồi xúc động này .

 

 

Thầy NGUYỄN NGỌC CẦU

 

(Virginia USA cui năm 2014)

 

 

 

website counter