Lời tri ân muộn màng
-Nguyễn Văn Đồng (Na Uy)-
Trung Uý Pháo Binh/QLVNCH (Tiểu
Ðoàn 231 PB/SÐ23BB)
Cựu HS Phan Bội Châu (1961-1968)
Trong thời gian gần đây được xem
lại một số hình ảnh về chuyến
công tác của Tòa Hành Chánh Bình
Thuận và Hải Quân/VNCH tại đảo
Phú Quý do chị Dung gởi lên mạng
internet, tôi thấy lòng mình bồi hồi
xúc động khi những kỷ niệm xa xưa hiện
về.
Vào đầu thập niên 1970
khi tình hình chiến sự bắt đầu
sôi động khắp 4 vùng chiến thuật
thì những lần nghỉ phép của lính bắt
đầu ít và ngắn hạn hơn. Quê tôi vùng hải đảo
xa xôi cách trở, lại thời tiết bất
thường, phương tiện đi lại còn
thô sơ, may mắn lắm đi phép gặp
lúc biển êm, gió lặng mới về
thăm được Phú Quý quê mình.
Một lần tôi về đảo lại gặp
được chuyến công tác của Tòa
Hành Chánh Bình Thuận do tàu Hải
Quân QLVNCH vận chuyển. Lại may mắn hơn
là có dịp gặp lại vài người bạn
cũ nay là sĩ quan của chiếc tàu này,
cũng như một số anh chị em là công chức
quân nhân thuộc TK. Bình Thuận và
là bạn cũ ngày xưa dưới mái
trường Phan Bội Châu. Tôi được dịp
hướng dẫn các bạn tôi đi thăm viếng
quanh đảo, tôi cũng được biết
thêm là Tòa Hành Chánh BT đã
có những chuyến công tác như thế
này rất thường xuyên, tôi thấy
và biết những chuyến công tác này
đã giúp ích dân Phú Quý rất
nhiều, nhất là về mặt y tế sức khoẻ
cho đồng bào trên đảo.
Trong lúc chia tay để trở lại
đơn vị, tôi có làm bữa cơm
đãi anh chị em bạn, tôi có nói lời
cám ơn về sự giúp đỡ này,
thì anh Dân, người bạn Hải quân
đã nói nửa đùa nửa thật rằng:
"mày phải cám ơn ông Ðại
tá Tỉnh trưởng của mày mới
đúng, tụi tao chỉ thi hành lịnh, mà
tao nói thật là dân đảo mày
có phước lắm mới có ông Tỉnh
trưởng biết lo cho dân như thế
này", tôi chỉ cười và nghĩ
đó chẳng qua cũng chỉ là công việc
của một vị Quan đầu tỉnh thôi.
Tôi đi lính ở xa, chỉ được
vài lần nghỉ phép trong năm, nên những
việc xảy ra ở Bình Thuận, tôi biết rất
hạn chế, nhất là vị Tỉnh Trưởng
mà tôi nghe nói đến nhiều nhưng
chưa một lần được gặp mặt. Rồi
biến cố 30-4-75 xảy ra, cùng số phận với
bao Quân Dân Cán Chính VNCH, tôi và gia
đình nổi trôi theo kiếp
đời nghiệt ngã dưới chế độ
cộng sản.
Vào giữa năm 1979, gia đình tôi
và tất cả gia đình Quân cán
chính khác tại đảo bị bắt buộc
phải bỏ nhà cửa xóm làng để
đi Kinh Tế Mới Ðức Linh, nhưng không biết
do 1 cơ may nào đó, vào giờ chót họ
nói là hiện Ðức Linh chưa xây dựng
kịp nên tạm thời cho vào ở Bình
Tú (vùng đất hoang cách Bia Ðài khoảng
10 cs trải dài cho đến Mũi Kê Gà, họ
gọi là KTM Khe Cả), ai cũng cảm thấy bớt
buồn lo, vì dù sao cũng còn gần Phan Thiết
và nhất là gần bờ biển, vì
là người sanh ra và lớn lên giữa biển
khơi nay bỗng dưng bắt đày vào rừng
sâu thì chết sướng hơn. Chúng
tôi bị đẩy lên bờ biển Bình
Tú và phải tự chặt cây, lượm
lá lợp chòi để ở tạm, dù
đã có dân công từ Phan Thiết xuống
làm một ít sườn nhà rồi, nhưng
thật thảm thương vì đó chỉ
là cái sườn bằng cây tạp trong rừng,
họ dựng lên rồi cột lại bằng những
sợi dây lạt mong manh, chỉ cần vài
cơn gió nhẹ là đổ nhào.
+ ÐẢO PHÚ
QUÝ (1969 - 1975) :
Tại đây tôi được gặp lại
hầu hết các anh em công chức Nha Phái
Viên, cán bộ xã ấp và quân
nhân, cán bộ XDNT toàn đảo, những
người mà bao năm qua tôi rất ít khi gặp.
Chúng tôi đã sống nương tựa
đùm bọc nhau và tôi đã được
họ kể cho nghe về những công tác cải
tiến dân sinh, những quan tâm tận tình của
Ðại Tá Tỉnh Trưởng Ngô Tấn
Nghĩa đối với dân Phú Quý, hầu hết đều tỏ
lòng biết ơn và kính trọng đối
với vị Tỉnh trưởng của mình, họ
cũng thường so sánh với những vị Tỉnh
trường tiền nhiệm mà họ chưa lần
nào được gặp mặt tại đảo,
Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa thì đến
đảo rất thường xuyên và đối
xử rất thân tình với cán bộ
và dân trên đảo.
Ðảo Phú Quý trước
đây ít được Tỉnh quan tâm cho
nên đời sống của dân rất khó
khăn thiếu thốn mọi mặt. Từ khi Ðại Tá Ngô Tấn
Nghĩa về thì ông quan tâm trực tiếp
lo lắng nhiều hơn, giờ Phú Quý
được xây thêm bệnh xá và
nhà hộ sinh có đầy đủ cán bộ
chuyên môn và thuốc men, đường
sá được mở rộng, mở thêm
các lớp trung học đệ nhất cấp
mà trước đây chỉ có bậc tiểu
học thôi, các giáo viên đến dạy
tại đảo được nhiều ưu
đãi hơn để họ an tâm dạy dỗ.
Tôi cũng nghe nói là ông còn quan
tâm nâng đỡ những học sinh giỏi
được vào học trường công lập
Phan Bội Châu để cha mẹ đỡ tốn
kém hơn, nhưng phần đông các em phải
dừng bước trước ngưỡng cửa đại
học vì nhà nghèo không đủ khả
năng cho con đi học xa, mặc dầu có nhiều
em học rất giỏi. Phú Quý giờ
đây cũng giảm bớt những con bịnh ngặt
nghèo, nhờ sự chẩn đoán, khám bịnh
của bác sĩ trong các đoàn công
tác của Toà Hành Chánh, phát hiện
sớm các chứng bịnh và gởi vào Phan
Thiết chữa trị kịp thời.
Cùng lúc Tỉnh cũng có các
chương trình cho ngư dân vay tiền
đóng ghe mua máy hành nghề đánh
cá, cuộc sống dân Phú Quý được
sung túc thịnh vượng hơn, tuy không
có những tòa nhà lầu cao rộng,
nhưng dân Phú Quý lúc này không
còn ai ở nhà tranh vách đất nữa,
mà đâu đâu cũng nhà xây tường
gạch, mái lợp ngói hoặc tôle
xi-măng. Tỉnh cũng cấp cho Phú Quý 1 chiếc
ghe có máy và trọng tải lớn để
làm phương tiện giao thông giữa Phú
Quý và đất liền, mà bà con
thường gọi là : "GHE
CHÁNH PHỦ".
Ông còn quan tâm lo cho đời sống
tâm linh của dân đảo như trích quỹ
và đôn đốc cho chỉnh trang lại Mộ
Dinh Thầy tại xã Long Hải, một biểu
tượng tín ngưỡng của dân đảo,
và giúp đỡ sửa sang các đình,
chùa, thánh thất, miếu, mộ thờ
Thánh Thần trên đảo, quả thật
ít có vị Tỉnh Trưởng nào chăm
sóc cho dân như Ông ! Người Phú Quý vốn chất
phác hiền hòa và rất trọng ơn nghĩa,
và cũng rất ít có vị Tỉnh trưởng
nào sau năm 1975 mà được dân
chúng nhắc nhớ với lòng cảm phục
và kính trọng như Ông.
Tôi chưa được hân hạnh phục
vụ dưới sự chỉ huy của ông, nên
không biết được tài điều binh, an
dân của ông ra sao, nhưng qua lời kể của
những quân nhân đã từng phục vụ
tại TK. Bình Thuận và nhất là những
viên chức tại đảo trong những ngày ở
KTM Bình Tú. Tại đây tôi cũng rất
nhiều lần bị nghe bọn cán bộ VC "KỂ
TỘI" ông, quả thật tôi nghĩ ông
là vị Tỉnh trưởng tài ba, mẫn
cán thật sự.
Có lần nghe tin đồn là ông
đã bỏ lính chạy trước khi Phan Thiết
mất ? Thời gian này tôi
không có mặt ở Phan Thiết nên không
biết thực hư ra sao ? nhưng
trong những ngày ở KTM, tôi có nói chuyện
với ông Phan Văn Hựu, Phái Viên Hành
Chánh Phú quý, và mới đây trong
tình cờ gặp được anh Yên, (sĩ
quan của chiếc tàu Hải quân đã ở
với Phú Quý cho tới sau khi Ðảo bị mất)
:
+ PHÚ QUÝ NHỮNG NGÀY CUỐI
THÁNG 4-1975 :
Những ngày sắp mất Phan Thiết, Nha
Phái Viên Hành Chánh Phú Quý có
lúc không liên lạc được với Tiểu
Khu, lại nghe tin đài BBC nói Phan Thiết
đã mất và Tỉnh trưởng đã
di tản vào Vũng Tàu. Do đó, Nha
Phái Viên đã điều động một
chiếc ghe chở ông Hựu vào Vũng Tàu. Nhưng khi vào tới nơi thì
được biết Ðại Tá Tỉnh trưởng
vẫn còn đang ở Phan Thiết, ông vội
vã quay trở về Phú Quý. Sau đó đã liên lạc được,
ông nhận lệnh phải giữ Phú Quý
và sẽ có tàu Hải quân ra bảo vệ.
Ðúng như lời hứa, quả
thật hôm sau có 2 chiếc tàu tuần
duyên ra bảo vệ đảo, tinh thần dân
quân Phú Quý càng vững hơn. Cuối cùng, giữa đêm VC
đã tràn ngập đảo, chỉ còn lại
khu vực Nha Phái Viên đang cố thủ, trong
lúc tàu hải quân vẫn ở ngoài
khơi, họ nhắn lời qua mấy chiếc ghe
câu (loại 1 người ngồi, chạy buồm)
vào bờ kêu gọi anh em quân cán
chính trên đảo tìm ghe ra tàu để
họ di tản, nhưng VC kiểm soát quá gắt
nên không ai đi thoát được, cho đến
2 ngày sau chiếc tàu vẫn còn quanh quẩn
gần đảo và tiếp tục nhắn lời
vào đảo là họ được lịnh
đợi để tiếp cứu.
Sau khi chiếm được Nha
Phái Viên, VC.
đem súng lớn đặt trước bãi biển
bắn ra tàu Hải quân, tàu đã bắn
trả bằng nhiều loạt hải pháo làm sập
1 phần mặt tiền của trụ sở Nha Phái
Viên.), cả 2 người này đều xác
nhận là họ vẫn còn liên lạc nhận
lệnh từ TK. cho tới giờ chót trước
khi mất Phan Thiết & Phú Quý !
Xin nói thêm 1 chút về những giờ
phút cuối tại Nha Phái Viên Phú
Quý, theo lời kể của ông Ðỗ
Thái (Liên Ðội Trưởng Nghĩa Quân
Phú Quý): khi cộng quân bắn B40 vào
lô-cốt trước Nha Phái Viên và bắt
đầu tấn công, thì Trung sĩ 1 Võ Gia Vỹ đã nhảy lên chiếc xe
jeep mui trần có gắn cây đại liên M60
đậu giữa sân và bắn xối xả về
phía cộng quân ngoài hàng rào
làm bị thương nhiều tên trước khi
anh bị hàng chục tràng AK vào người
và ngã gục trên xe, xác anh đã bị
VC bỏ gần sình thúi 3 ngày sau mới cho
thân nhân đem về chôn.
Anh đã đơn thân chiến đãu
rất dũng cảm, theo lời kể
của các anh em Nghĩa Quân và XDNT có mặt
lúc đó ai cũng thán phục. Anh Võ
Gia Vỹ là em trai của Ðại Uý Võ Gia
Ý, một sĩ quan phục vụ thâm niên tại
TK. Bình Thuận là con của ông Ban Tá thời
Pháp Võ Gia Chí mà nhà văn Mường
Giang có lần nhắc tới trong các bài viết
về Phú Quý. Xin vinh danh và tri ân
anh hùng TS1 Võ Gia Vỹ trong trận đánh cuối
cùng tại Ðảo Phú Quý.
Trở lại chuyện về Ðại Tá
Ngô Tấn Nghĩa, vào khoảng cuối năm
1979, trong lúc đang phá rừng làm rẫy tại
Bình Tú (mật khu cũ của VC), một buổi
sáng chúng tôi được lệnh tập
trung về Ðiểm(tên gọi của trụ sở
khu KTM), trong lúc đó thì tôi thấy bộ
đội VC rất đông đang di chuyển từ
Phan Thiết xuống vùng Mũi Khê Gà,
không biết chuyện gì xảy ra mà mặt
đứa nào cũng rất nghiêm trọng,
nhìn cách trang bị vũ khí hình như
là sắp có trận đánh lớn. Về trụ sở tôi thấy gần như
đông đủ anh em Quân Cán Chính
nhà mình khoảng 30 người.
Chúng tôi bị giữ tại đây 1
ngày đêm và dân chúng thì cũng
bị cấm lên rẫy (sau này nghe nói
là có một nhóm tù cải tạo
đã trốn thoát khỏi trại Hàm
Tân, hợp lực cùng một số Thiếu Sinh
Quân Vũng Tàu vào rừng năm 75
đánh và lấy hết súng đạn 1
đồn công an tại Lagi và đã rút
vào rừng giữa vùng Mũi Ðiện và
Tà Cú, một số đã bị bắt
và khai là đang chiến đấu dưới
sư chỉ huy của Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa
... trong rừng Bình Tuy, Bình Thuận. Nhưng
người dân trong nước lúc đó,
thì mù tịt với tình hình bên
ngoài, cứ nghe tin đồn và chuyền miệng
nhau, ai có tiền thì lo tìm đường
vượt biên, số còn lại thì lo
lây lất kiếm cơm và sống hy vọng bằng
những tin đồn như vậy). Còn chúng
tôi phải ngồi nghe bọn cán bộ lên lớp
chửi bới, chúng kết đủ thứ tội
cho Ðại Tá Nghĩa, anh em chúng tôi
không hiểu tại sao tự dưng lại mang ra chửi
ngang vậy, chúng cũng chẳng nói cho biết
là chuyện gì đang xảy ra, nên chỉ biết
im lặng nghe mà lòng hy vọng 1 biến cố
gì đó sẽ xảy ra ?
Có một tên cán bộ còn cao hứng,
cường điệu kể rằng: các anh có
biết Thằng ÐT. Nghĩa là tên rất gian
ác quỷ quyệt, có lần ta bắt được
1 toán biệt kính của chúng tại
vùng này của ta (hắn chỉ tay
về phía núi Tà Cú), chúng còn
đủ máy móc, lúc ta đang khai thác
thì thằng ÐT. Nghĩa bay trực thăng trên
đầu, nó nói trong máy là các em ở
đâu anh xuống đón bây giờ, thế
là bên ta giả lời kêu đáp xuống
trong vị trí của ta, nhưng rủi là
lúc đó có 1 chiến sĩ bị cướp
cò súng nên nó bay lên và chạy
thoát, nếu không ta đã bắt được
nó rồi ???. (sic). Chúng còn kể
đủ thứ tội toàn là những tội
đã làm cho chúng bị điêu đứng,
tan tác. Chuyện thiệt hư ra sao thì
không biết nhưng qua những lời chửi bới,
chúng xác nhận
là Ðại Tá Nghĩa rất thường bay
trên đầu bọn chúng trước
đây nên lúc nào chúng cũng bí
ám ảnh lo sợ. Qua
những lời kể của anh em đã phục vụ
tại TK. Bình Thuận và những lời kết
tội của VC, quả thật Ông là một vị
Tỉnh trưởng tận tụy, mẫn cán
luôn đi sát để điều quân an dân. Sống dưới
chế độ CS, một khi chúng kết tội ai
nhiều nhất thì phải hiểu đó
chính là những lời tuyên dương của
Quân Dân VNCH cho người đó vậy.
Sau hơn 33 năm trong cuộc biển dâu của
dân tộc, hôm nay hồi tưởng lại những
gì đã xảy ra, tuy không phải là những
nhà viết sử, nhưng phần công-tội của
những ai đã làm chúng ta cũng
đã thấy được phần nào. Chúng tôi những
người dân lành chất phác Phú
Quý xin gởi lời tri ân sâu xa đến Ðại Tá Ngô Tấn
Nghĩa, Tỉnh trưởng Bình Thuận, người đã
dành nhiều ưu ái để lo vấn đề
cải tiến dân sinh cho người dân trên
đảo xa chúng tôi. Ngay cả trong cảnh
cùng khổ nhất nơi vùng KTM của VC
mà bà con Phú Quý chúng tôi vẫn
luôn nhắc đến Ông với tấm lòng
kính trọng và biết ơn.
"... mai nếu
có cuộc đổi đời trở lại,
ta xin lãnh phần đăng báo,
phân ưu
đồng đội xưa, đã chết trận,
chết tù.
thảm thiết quá ... những hồn ma
đói lạnh ... "
(thơ Mường
Giang)
Na Uy
Tháng 10-2008
Nguyễn Văn Ðồng
(Phú Quý)
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)