Tốt Nghiệp Đại Học Harvard

Ông Charles Lahiguera, Phó Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hoà quen biết Tướng Hiếu thời kỳ Tướng Hiếu giữ chức Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III (1973-1975), trong một buối điện đàm vào tháng 7/2003, nói là Tướng Hiếu tốt nghiệp Đại Học Harvard. Lời xác quyết này khiến tôi ngạc nhiên, vì tôi không hề biết, nhưng cũng rất có thể như vậy vì anh em rất ít gần gũi nhau, lại thêm anh tôi rất kín đáo; rất nhiều điều về anh tôi, tôi chỉ hay biết mấy năm sau này khi ra công thu thập tài liệu về anh mình. Không chừng khi được cử sang học US Army Command and General Staff College, Thiếu Tá Hiếu cũng có dịp theo học tại Harvard (cũng giống trường hợp Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh nhân tiện qua Pháp học lái máy bay, dù qua Đại Học Marseille lấy cử nhân Toán) chăng? Dò hỏi trong gia đình thì không ai biết. Đến lúc hỏi ông Richard Peters, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hoà, người hầu như thường xuyên gặp, ăn cơm tối và tiêu khiển chung với Tướng Hiếu từ đầu năm 1975, ông xác nhận là Tướng Hiếu không hề nói là học tại Harvard.

Tướng Hiếu có tốt nghiệp Harvard hay không, điều đó không mấy quan trọng. Điểm đáng nói là sau những dịp giới chức cao cấp Mỹ tiếp xúc với Tướng Hiếu, họ cảm thấy Tướng Hiếu có một trình độ kiến thức và Anh ngữ của người tốt nghiệp Đại Học Harvard.

Tướng Hiếu rất thoải mái tiêu khiển giải trí cùng ông Richard Peters: đánh cờ, xem chiếu bóng, trao đổi sách báo, bàn luận thời sự, vân vân…

Khi Tướng Hiếu về làm Đặc Trách Viên Chống Tham Nhũng, giới chức Mỹ bắt đầu để ý tới Tướng Hiếu sau khi Tướng Hiếu xuất hiện trên đài truyền hình để tố giác vụ lạm dụng Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội. Toà Đại Sứ Mỹ thường xuyên cử người đến tiếp xúc trực tiếp với Tướng Hiếu, rồi Đại Sứ Bunker hay Phó Đại Sứ Whitehouse đánh điện tường trình cuộc hội đàm về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Một ít trong số các điện tín này được lưu giữ tại Ford Library. Tỉ như các điện tín gửi đi ngày 15/07/72, 17/08/72, 14/09/72, 20/09/72, 05/03/73. Trong các điện tín này, nhiều khi phúc trình viên trích dẫn nguyên văn lời nói Anh ngữ của Tướng Hiếu: General Hieu told, Hieu said, Hieu stated, according to General Hieu, Hieu commented, MG Nguyen Van Hieu informed, Hieu gave the following summary,.... Tướng Hiếu không hề tỏ vẻ vấp váp khi diễn xuất tư tưởng trong nhiều lãnh vực chuyên môn: luật pháp, tư pháp, chính trị, kế toán, ngân hàng, thương mại, triết lý, vân vân ...

Tướng Creighton Abrams rất khâm phục tài thuyết trình của Tướng Hiếu:

Hôm nọ tôi đi ra ngoài, và được nghe một buổi thuyết trình tuyệt hảo của Tướng Hiếu, Sư Đoàn 5. Đây là lần đầu tiên tôi ghé thăm Sư Đoàn 5 từ khi Tướng Hiếu về nắm sư đoàn này. Và tôi phải công nhận rằng - điều này không liên quan mấy đến cách thức sư đoàn hành sự, nhưng tới phẩm chất rất cao của buổi thuyết trình, bao gồm một cuộc thảo luận rất ngay thẳng mà tôi cho là cũng rất chân thật về lực lượng nhân sự, tình trạng đào ngũ, đào ngũ của từng trung đoàn, và vấn đề tương tợ, ngay cả sự kiện số đào ngũ gia tăng, - một dấu chỉ không mấy tốt, lẽ đương nhiên, nhưng tôi phải nhìn nhận là có một khuynh hướng tiến triển trong nội bộ Sư Đoàn 5 đối với những vấn đề đại loại như vậy. (Vietnam Chronicles - The Abrams Tapes 1968-1972, page 229; Lewis Sorley)

Tướng McAuliffe và Tướng Milloy, Tư Lệnh Phó và Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ đã phải chưng hửng trước tài hùng biện của Tướng Hiếu và phải thinh lặng lắng nghe Tướng Hiếu phô trương tầm hiểu biết sâu rộng về tình hình chiến sự và nghệ thuật hành quân hỗn hợp khi thảo luận về chương trình Đồng Tiến giữa Sư Đoàn 5 Bộ Binh QLVNCH và Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, dù Tướng Hiếu mới về nắm Sư Đoàn 5 Bộ Binh được có một vài tuần lễ vào tháng 8 năm 1969.

Trung Tá Roy Couch, sau khi đến thăm dò Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 tại Phú Cường để chuẩn bị về giữ chức Cố Vấn Phó, viết về cho vợ là có gặp một vị Tướng Lãnh Việt Nam nói lưu loắt Anh ngữ.

Trung Tá Robert Lott, người thay thế Trung Tá Roy Couch tử nạn trực thăng trong chức vụ Cố Vấn Phó, viết Tướng Hiếu, trong những dịp đi thanh tra các tiền đồn bằng xe hơi, thường bắt chuyện đề cập tới một số đề tài rộng lớn: lịch sử của vùng địa phương, các biến cố chính trị tại Hoa Kỳ liên hệ tới chiến tranh Việt Nam, việc huấn luyện và cổ võ tinh thần các chiến sĩ trẻ của ông, và các chiều hướng tương lai của Nam Việt Nam.

Thiếu Tá Edgar C. Doleman, một cố vấn phòng 3 của Sư Đoàn 5, còn nhớ Tướng Hiếu nói tiếng Anh rất lưu loát và thường hay bông đùa mỗi khi trực thăng bị các lằn đạn cao xạ địch uy hiếp, ngõ hầu làm giảm sự khiếp đảm và căng thẳng của các người đồng hành.

Một phóng viên thông tấn UPI thường tham dự các buổi họp báo tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III cho rằng Tướng Hiếu thuyết trình quân sự bằng Anh ngữ giỏi hơn bất cứ một vị tướng lãnh thuộc QLVNCH nào khác. Tướng Nguyễn Cao Kỳ thuật trong cuốn sách Buddha’s Child khoảng năm 1965 khi các tướng trẻ, Khánh, Thiệu, Thi, và Kỳ bị Đại Sứ Mỹ Maxwell Taylor triệu đến văn phòng để ông gõ đầu vì làm xáo trộn tình hình chính trị tại Thủ Đô qua các vụ tranh chấp dành giựt quyền hành, không ai giám hé môi mở miệng vì tuy ai cũng giỏi tiếng Pháp nhưng lại đều kém tiếng Anh và đùn cho ông đóng vai trò tranh cãi, không phải vì ông giỏi tiếng Anh, nhưng vì ông bạo miệng và lì lợm không sợ bị chê cười là nói tiếng "Anh bồi".

Tướng Lữ Lan, nói nơi chương What is Beautiful, trang 116 trong một cuốn sách Mỹ thu thập các chứng từ của một số người tị nạn định cư tại Hoa Kỳ, Tôi nhớ năm 1955 khi tôi là một Sĩ Quan Hành Quân của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, tôi đến Phú Bài gặp viên cố vấn Mỹ đầu tiên của tôi. Chúng tôi nói chuyện bằng dấu tay.

Cũng vào khoảng thời gian này, 1957-59, Thiếu Tá Hiếu, Chỉ Huy Phó Hành Quân Quân Đoàn I, nói thông thạo tiếng Anh, khiến cho Thiếu Tá Wagner, TQLC Mỹ, cố vấn cho Quân Đoàn I, phải khâm phục nói nhỏ vào tai một quân nhân Mỹ khác, Anh chàng này cừ khôi lắm đấy.

Sở dĩ Tướng Hiếu giỏi tiếng Anh là vì sinh ra tại Thiên Tân và lớn lên tại Thượng Hải, bên Trung Hoa, và học cùng lớp với các con cái giới thương gia và ngoại giao Pháp, Anh, Mỹ tại các trường trung học và đại học quốc tế. Thật ra thì Tướng Hiếu rành tiếng Pháp và tiếng Anh trước và hơn tiếng Việt. Tướng Lữ Lan còn nhớ khi mới gặp Tướng Hiếu lần đầu tiên ở phi trường Cam Ly, khi hai người, một từ Huế, một từ Hà Nội, tới Đà Lạt gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân vào cuối tháng 9 năm 1950, Tướng Hiếu còn nói tiếng Việt với giọng lơ lớ như Tây con.

Khoảng năm 1953, Đại Úy Hiếu được bổ nhiệm về làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu nằm ở đường Trần Hưng Đạo, Chợ Quán. Vì các trưởng phòng còn là các sĩ quan Pháp, ngôn ngữ chính xử dụng cho việc giao dịch và văn kiện là Pháp văn. Có lẽ vào thời kỳ này, Đại Úy Hiếu là người duy nhất giỏi tiếng Anh tại Bộ Tổng Tham Mưu. Không biết khả năng nói tiếng Anh của Đại Úy Hiếu có được đem ra xử dụng khi phái đoàn T.R.I.M. (Training Relations Instruction Mission – Phái Bộ Liên Lạc và Huấn Luyện) do Tướng J.W. O'Daniel cầm đầu, đến Bộ Tổng Tham Mưu khoảng năm 1956 để thảo luận về mô hình tổ chức quân lực Việt Nam không? Phía Việt Nam muốn có những đơn vị nhẹ dễ di động để chống du kích; phía Mỹ muốn áp đặt mô hình của các sư đoàn quân lực Mỹ viện lý do các cố vấn Mỹ sẽ không hiệu lực nếu phải làm việc trong một khung cảnh tổ chức khác lạ. Không chừng phía Việt Nam muốn giữ thể diện quốc gia, buộc phái đoàn Mỹ phải xử dụng Pháp ngữ khi thương thảo, và cài đặt Đại Úy Hiếu trong phòng họp để nghe lóm những khi các sĩ quan Mỹ xài tiếng Anh với nhau, ngỡ là phía Việt Nam không ai hiểu tiếng Anh.

Đầu năm 1963, Thiếu Tá Hiếu được đề cử theo học US Army Command and General Staff College bên Mỹ. Phiếu học bạ phê về khả năng Anh văn như sau: Thiếu Tá Hiếu viết Anh văn và nói Anh ngữ rất giỏi.

Ngoài tiếng Anh và Pháp, Tướng Hiếu còn biết tiếng Đức, tiếng Tàu1 (Quan Thoại, Thượng Hải, và Quảng2). Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn, ngạc nhiên khám phá Tướng Hiếu biết tiếng Thượng khi chứng kiến Tướng Hiếu hỏi cung một tù binh thuộc bộ lạc Ra-đê bắt được trong một cuộc hành quân vượt biên Cam Bốt.

Có lẽ Tướng Hiếu thụ hưởng tài năng giỏi ngoại ngữ từ thân phụ. Cụ Hướng biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tàu (Quan Thoại, Thượng Hải3, và Quảng), tiếng Nhật4, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga5.


1Trong vụ điều tra tham nhũng Đại Tá Trần Trọng Nghĩa, chắc các thương gia Tàu phải lấy làm ngạc nhiên khi Tướng Hiếu, Đặc Trách Viên Bài Trừ Tham Nhũng, mở miệng phỏng vấn họ bằng tiếng Tàu.
2 Khi ở Thượng Hải tôi thấy anh tôi nói chuyện với một cô bạn gái bằng tiếng Quảng.
3Vú em tôi chỉ biết tiếng Thượng Hải.
4Vú em của em gái út tôi là một người Nhật.
5Năm nay, thày tôi 102 tuổi, tuy đã lãng tai, vẫn còn bút đàm với một cô y tá người Nga.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 12 tháng 01 năm 2005
Cập nhật ngày 06/08/2005

general hieu