Tướng Hiếu, Một Tay Võ Nghệ Cao Cường


Trong phim chưởng Tàu, một tay võ nghệ cao cường biểu lộ chân tướng qua các nét sau đây: đường quyền đi khoan thai, uyển chuyển, ngắn gọn và sắc bén; tuy có lấy một khí cụ sở trường (một mã tấu hay một trường kiếm, chẳng hạn), nhưng tùy cơ ứng biến có thể biến bất cứ một vật dụng nào có sẵn trong tầm tay với (cái xoong chảo, cái ghế đẩu, cái thang, ...chẳng hạn) thành khí cụ tạm thời; thoải mái hiệp lực với bất cứ tay võ - ở bất cứ trình độ võ nghệ nào - khác, khi lâm chiến với đối phương; vừa có thể chiến đấu phần mình vừa có thể nhảy sang tiếp ứng khi phe ta bị uy hiếp trầm trọng. Đó là hình ảnh Tướng Hiếu trong khi hành sự trong những lãnh vực quân sự: trợ lực địa phương quân/nghĩa quân, làm việc với các cộng sự viên, hợp tác với các binh chủng, và họp tham mưu hay hành quân.

Địa Phương Quân và Nghĩa Quân

Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thường bị mọi giới coi là những đơn vị yếu ớt, khả năng chiến đấu hầu như con số không. Tuy vậy, Tướng Hiếu coi trọng họ và đã khéo dùng các đơn vị này trong toàn bộ kế hoạch chiến lược của mình.

Theo Bản Lượng Giá Sư Đoàn 22 năm 1969, "trung tâm huấn luyện của sư đoàn cung cấp huấn luyện lãnh đạo cho các cấp chỉ huy và chỉ huy phó của Địa phương quân." Đồng thời "nhờ dùng NQ và ĐPQ vào công tác bình định thay cho lực lượng chính qui - so với toàn quốc, Sư Đoàn 22 dùng ít thì giờ nhất vào công tác an ninh", và "dùng nhiều thì giờ hành quân tác chiến hơn hết so với bất cứ một sư đoàn nào khác trong nước trong thời gian [tam cá nguyệt đầu của năm 1969]". Kết quả là "số lượng đụng độ địch trên đơn vị từng tiểu đoàn của sư đoàn này cao nhất trong Quân Đoàn, và số lượng địch chết tại mặt trận tăng gấp ba so với tam cá nguyệt trước." Bản Lượng Giá nhận xét thêm: "Sự kiện NQ/ĐPQ gia tăng đảm trách chương trình bình định và phát triển khiến cho Sư Đoàn 22 giải tỏa nhiều tiểu đoàn hơn vào việc hành quân tấn kích di động."

Đến khi về nắm Sư Đoàn 5, sau có 4 tháng (từ tháng 8/1969), Tướng Hiếu đã kiện toàn các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trong phần lãnh thổ thuộc trách nhiệm của Sư Đoàn 5 (Bình Dương, Bình Long và Phước Long) đến mức độ có thể giao cho các đơn vị này đóng vai trò chính trong việc phòng vệ các phần lãnh thổ này, để các đơn vị chủ lực quân rảnh tay hành quân vượt biên bên Cam Bốt. Thật vậy, qua năm 1970, Cộng Quân không còn khả năng đánh cấp tiểu đoàn trong vùng hành quân bên này biên giới của Sư Đoàn 5, và Tướng Hiếu toàn đánh đấm với địch trên phần đất Cam Bốt.

Khi Tướng Hiếu tung Trung Đoàn 9 vượt biên cường thám vùng Lưỡi Câu khu vực Tây Bắc Lộc Ninh 10 ngày từ ngày 04/01/1971, Tướng Hiếu giao cho Tiểu Khu Bình Long "đảm trách hoạt động vùng nội địa tại lãnh thổ trách nhiệm trong thời gian Trung Đoàn 9 hành quân vượt biên" và "phối hợp với Trung Đoàn 9 để bảo vệ an ninh trục lộ tiếp tế đến vùng hành quân trong thời gian nêu trên."

Khi thực hiện cuộc hành quân vượt biên Toàn Thắng 4/B/5, Tướng Hiếu giao cho:

TK/Bình Long: (1) đảm trách an ninh trục lộ từ Ban Long tới Lộc Ninh; (2) bảo vệ đội Công Binh Mỹ sửa chữa trục lộ từ Chơn Thành đến An Lộc; (3) tiếp nhận một đội trinh sát kể từ ngày 060800H/5/70.

TK/Phước Long: (1) tăng phái một trung đội NQ và một Nhóm ĐPQ cho vùng Bố Đức vào N-1 để TĐ2/Tr9 tham chiến hành quân ngày N.

TK/Bình Dương: (1) tiếp nhận một đội trinh sát kể từ ngày 06800H/5/70; (2) đảm nhận an ninh chiếu theo CĐ TT/3/B/5.

Trong trận Svay Riêng, Tướng Hiếu xử dụng "hai tiểu đoàn ĐPQ từ Mộc Hóa tấn lên phía Bắc, thiết lập những nút chận mạn Đông Nam của vùng tập trung quân và khu tiếp vận của Sư Đoàn 5 Bắc Việt."

Tướng Hiếu đã có dịp giãi bầy quan niệm và thái độ của mình đối với Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trong một buổi thảo luận với Tướng McAuliffe:

5. Kế đó Tướng Hiếu nói tới chương trình bình định. Ông nói là hành quân quân sự thì tương đối thẳng ro và dễ hiểu đối với một quân nhân. Ngược lại, bình định thì phức tạp. Nhắc tới lời hướng dẫn mới đây của Tướng Trí, ông nói là Sư Đoàn 5 cần ra xa khỏi vùng bình định, để cho các lực lượng NQ/ĐPQ đảm trách. Ông lấy ví dụ của một quả nắm tay đâm thọc vào một lọ cá; thoạt tiên cá dang cả ra, và tránh xa khi nào nắm tay còn nằm trong lọ; tuy nhiên, ngay sau khi rút nắm tay ra, cá lại trở về vị trí cũ. Ông nói điều đó cũng xảy ra tương tợ như vậy đối với VC trong vùng đông dân cư, nghĩa là, khi QLVN và Mỹ rút đi, VC lại có khuynh hướng trở về lại. Ông đã nói chuyện với tất cả các quận trưởng trong vùng hoạt động của ông, cũng như với các trưởng làng, và nhiều người trong họ lấy làm áy náy trước viễn ảnh lực lượng Mỹ và Việt rút ra khỏi vùng đông dân cư. Theo cái nhìn của ông, Tỉnh Bình Dương có đủ lực lượng NQ/ĐPQ, nhưng những lực lượng này cần phải cải tiến thêm về hiệu năng tác chiến, và cần sự bảo đảm yểm trợ của các lực lượng Mỹ và Việt kế cận để đẩy VC ra xa và duy trì an ninh cho dân chúng. Do đó, ông cho thấy ông cảm thấy buộc phải trông chừng những lực lượng địa phương này và trợ lực cũng như yểm trợ họ càng nhiều càng tốt. Tôi đoan kết với ông là tôi đồng quan điểm với ông. Tuy nhiên, ông coi đây là một vấn đề nan giải nhất, nhất là khi đọ với lời hướng dẫn của Tướng Trí.

6. Nói tán rộng ra, ông nói tới cái nhìn hẹp hòi của nhiều quận trưởng. Mối quan tâm của họ, ông nói, trước tiên là thống kê bình định của họ, và họ chỉ chú tâm tới sinh hoạt quân sự nếu chúng có lợi cho bức ảnh thống kê của họ. Tướng Hiếu nhấn mạnh, tuy nhiên, các tiểu đoàn trưởng (Mỹ và Việt) mong muốn họp phối hợp hằng ngày với các quận trưởng trong vùng lực lượng họ hành quân ... như tôi đã nêu lên đang được thực hiện trong quận Phú Hòa.

Tướng Hiếu nhấn mạnh vào những điểm chính sau đây:

1. lực lượng nồng cốt bảo vệ vùng đông dân cư phải là các đơn vị Địa Phương Quân/Nghĩa Quân chứ không phải là các đơn vị thuộc chủ lực quân;
2. Địa Phương Quân/Nghĩa Quân có khả năng chu toàn phận vụ bảo vệ lãnh thổ khi được chủ lực quân yểm trợ đúng mức;
3. cần hiểu và dùng tâm lý trong khi tiếp xúc với dân chúng, các tiểu khu trưởng và các trung đoàn trưởng (Việt cũng như Mỹ);
4. và cần giáo dục các bô lão làng, các tiểu khu trưởng và các trung đoàn trưởng về vai trò của mỗi người trong nỗ lực chiến đấu chung.

Ngay cả khi còn là Thiếu Tá, Trưởng Phòng 3 Quân Đoàn, vào khoảng năm 1963, Tướng Hiếu đã coi trọng đơn vị yếu kém nhất - Nhân Dân Tự Vệ - và "đề cao chương trình ấp chiến lược" với một lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ: "Tại mỗi vùng tác chiến, Quân Đội có trách nhiệm về yểm trợ, cung cấp giây kẽm gai và súng ống. Chúng tôi đang tiến bộ. Các cuộc bầu cử được xúc tiến tại các ấp chiến lược."

Làm Việc Với Cộng Sự Viên

Tướng Hiếu rất kỹ càng trong việc chọn lựa cộng sự viên. Khi được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 tháng 6/1966, Tướng Hiếu đã xin Tướng Vĩnh Lộc cho Đại Tá Lê Khắc Lý mới tốt nghiệp Đại Học Chỉ Huy Cao Cấp và Tham Mưu ở Mỹ về, giữ chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn cho mình. Sau này, Đại Tá Lý chứng tỏ là một Tham Mưu Trưởng có khả năng nhất của QLVNCH. Khi về nắm Sư Đoàn 5 tháng 8/1969, một thời gian sau (tháng 6/70), Tướng Hiếu đã đưa Trung Tá Bùi Thạch Dzần, người hùng của trận đánh Đại Bàng 800, từ Sư Đoàn 22 về cộng tác với mình trong chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8. Trần Hoài Thư đã kể Tướng Hiếu đã để tâm chọn lựa Đại Đội Trưởng Đại Đội 405 Thám Kích thuộc Sư Đoàn 22 ra sao.

Tuy muốn có được những cộng sự viên có khả năng thật sự làm việc với mình, nhưng Tướng Hiếu không có óc bè phái, và thường dùng nhân sự sẵn có tại bất cứ nơi nào mình được bổ nhiệm tới. Một ví dụ điển hình là khi được Tướng Trí kéo về Sư Đoàn 5, Tướng Hiếu đã không làm theo thói thường là đem Tham Mưu Trưởng, Đại Tá Lê Khắc Lý, theo.

Đối với thuộc cấp, Tướng Hiếu chỉ đòi hỏi thi hành nhiệm vụ cách hiệu lực và không để tâm tới đời tư của mỗi cá nhân, dù biết là cá nhân đó có thể có những tật xấu, tỉ như rượu chè, cờ bạc hay mê gái, v.v... Có một trường hợp nọ, một bà vợ của một viên Đại Úy làm việc tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 đến nhà thân phụ Tướng Hiếu cầu cứu vì chồng mình tằng tịu với một nữ quân nhân thuộc cấp. Khi thân phụ Tướng Hiếu thương tình lên Bình Dương nói lại sự việc với con mình, Tướng Hiếu lắng tai nghe nhưng không hứa hẹn với bố mình điều gì. Không biết Tướng Hiếu có hành động hay có thái độ gì với viên Đại Úy đó không, nhưng hình như không thấy tình hình éo le có mòi thay đổi, vì người vợ kia vẫn trở lại mếu máo với thân phụ Tướng Hiếu nhiều lần nữa.

Đối với các đồng nghiệp hàng Tướng Lãnh cũng vậy, Tướng Hiếu gạch đường phân chia giữa hai lãnh vực quân sự và đời tư cách rõ rệt. Chẳng vậy mà Tướng Hiếu vẫn giữ được tính thanh liêm và đạo đức trong khi làm việc với những Tướng Lãnh tham nhũng hay thiếu đạo đức khác. Điển hình là sự gắn bó mật thiết giữa Tướng Đỗ Cao Trí - một Tướng tài ba xuất chúng nhưng lại ngang tàng và bị mang tiếng tham nhũng hạng gộc - và Tướng Hiếu.

Tuy ai cũng phải đồng ý lời nhận xét của Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5, là Tướng Hiếu có "các điểm tốt gồm có nhiệt tâm, kinh nghiệm lãnh đạo tác chiến, khả năng thôi thúc và duy trì tinh thần binh sĩ, và khả năng chế ngự thuộc cấp; ông rất sùng đạo và ái quốc, và đòi hỏi tiêu chuẩn hạnh kiểm và kỷ luật cao", nhưng chưa hề có ai thấy hay bị Tướng Hiếu "giảng morale". Tướng Hiếu chỉ sống đạo và âm thầm noi gương sáng mà thôi.

Hợp Tác Với Các Binh Chủng

Tướng Hiếu đã có dịp cộng tác với hầu hết các binh chủng trong các cuộc hành quân của mình, điển hình với: Lực Lượng Đặc Biệt và Biệt Cách Dù (Pleime-1965, Phước Long-1975), Nhảy Dù (Đỗ Xá-1964 khi đó Tướng Ngô Quang Trưởng còn là Đại Úy được đặc cách vinh thăng Thiếu Tá tại mặt trận này, Đức Cơ-1965, Liên Kết 66-1966, khi đó Tướng Nguyễn Khoa Nam còn là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5ND, Đại Bàng 800-1967), Biệt Động Quân (Đỗ Xá-1964, Toàn Thắng 8/B/5-1970, Snoul-1971, SvayRiêng-1974), Địa Phương Quân (Svay Riêng-1974).

Món sở trường của Tướng Hiếu là Thiết Giáp Binh, vì lối tác chiến đặc thù của Tướng Hiếu là Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp, kèm với Pháo Binh theo chiến thuật "Tiền Pháo Hậu Xe".

Tướng Hiếu luôn cậy nhờ tới Không Quân về mặt chuyển vận và yểm trợ hỏa lực phi pháo và thám thính.

Vì luôn thích ở vào thế công và xông thẳng vào trọng tâm khu an toàn của địch quân, Tướng Hiếu nhờ vả rất nhiều đến Công Binh để khai quang dọn bãi.

Binh chủng mà Tướng Hiếu không có dịp dùng tới là Hải Quân. Tuy nhiên, Tướng Hiếu có giao cho Thiếu Tá Sidney Linver, Cố Vấn Phòng 3 Sư Đoàn 5, trọng trách soạn thảo kế hoạch sử dụng Lực Lượng Giang Thuyền trong khu vực hành quân của Sư Đoàn 5.

Ngoài ra, Tướng Hiếu đã hợp tác chặt chẽ với Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, Lữ Đoàn 173 Dù Hoa Kỳ, Sư Đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ, Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, Trung Đoàn 11 Kỵ Binh Thiết Giáp Hoa Kỳ, Lữ Đoàn 3/Sư Đoàn 82 Dù Hoa Kỳ, Phi Đoàn 3/17 Không Kỵ Hoa Kỳ, Phi Đội 174 Trực Thăng Tấn Kích, Tiểu Đoàn 7/15 Pháo Binh Dã Chiến Hoa Kỳ, Tiểu Đoàn 19 Công Binh Chiến Đấu Hoa Kỳ, một ít với Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trước năm 1963, Phi Đoàn 364 Trực Thăng Loại Trung Bình TQLCHK và Tiểu Đoàn 52 KQHK trong Chiến Dịch Đỗ Xá.

Tuy nhiên Tướng Hiếu không quá lệ thuộc vào Quân Lực Đồng Minh. Giới quân sự cao cấp Hoa Kỳ đã phải lấy làm ngạc nhiên là một thời gian ngắn sau khi Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ giao lại hai tỉnh Bình Long và Phước Long cho Sư Đoàn 5 vào tháng 8/1970, Tướng Hiếu đã biến hai tỉnh này trở nên an ninh hơn và rảnh tay nhảy sang Cam Bốt truy lùng Sư Đoàn 5 Bắc Việt.

Tướng Hiếu luôn hòa đồng với các binh chủng khác và học hỏi kiến thức chuyên môn của mỗi binh chủng.

Tướng Hiếu đã nhảy dù năm lần ban ngày và hai lần ban đêm để lấy bằng dù Việt trước và bằng dù Mỹ sau; và mỗi năm phải có bốn Saut nhảy bồi dưỡng để duy trì bằng dù. Do đó Tướng Hiếu lấy làm hãnh diện đeo hai phù hiệu dù Việt Mỹ trên ngực.
Khi còn ở cấp tá làm việc ở Phòng 3 Tham Mưu, Tướng Hiếu hay bỏ bàn giấy đi theo binh sĩ Dù hành quân trong rừng núi. Có một lần kia, khi vượt suối, Thiếu Tá Hiếu trượt chân té nhào bị nước lũ cuốn trôi đi, may nhờ một lính dù vạm vỡ nắm được cổ áo kéo đỡ lên.
Tướng Hiếu học lái mọi xe chiến xa và thiết vận xa, biết lái trực thăng và ngay cả chiến đấu cơ.
Một Trung Tá Công Binh đã nhận xét: "Với ai chứ, với Tướng Hiếu thì không thể đem kỹ thuật chuyên môn ra mà hù để thối thác thi hành một mệnh lệnh khó khăn, chẳng hạn như khi nhận lệnh bắc một cầu tạm dã chiến qua một khúc sông giữa lòng địch, vì Tướng Hiếu am tường mọi chi tiết, kể cả tiểu tiết chuyên môn, chỉ ra lệnh khi biết lệnh mình khả thi mà thôi."

Họp Tham Mưu Hay Hành Quân

Các quân nhân nhận xét thấy một Tư Lệnh chỉ giỏi về tác chiến mà kém về thao lược, khi họp thường ngồi chủ tọa và để các sĩ quan tham mưu đứng lên trình bày và không hề hé môi góp ý kiến hay ra chỉ thị. Trong trường hợp Tướng Hiếu thì trái ngược hẳn: Tướng Hiếu luôn nắm phần chủ động trong các buổi họp tham mưu - như lần họp với các chỉ huy trưởng của Sư Đoàn 5-, hành quân - như lần họp với bộ chỉ huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ -, hay thảo luận tay đôi - như lần đối thoại với Tướng McAuliffe .

Một cựu sĩ quan nhớ khi còn mang lon Trung Úy, thành viên của một đội toán được trung ương phái đi các đơn vị, sau khi học qua một lớp huấn luyện, thuyết trình về guồng máy hành quân hỗn hợp Việt Mỹ. Đội toán này tới Sư Đoàn 22 thuyết trình cho ban tham mưu với sự hiện diện của Tướng Hiếu. Trong bài thuyết trình viên Trung Úy đề cập tới B-52 chiến lược và F-5 chiến thuật. Tướng Hiếu liền yêu cầu viên Trung Úy làm sáng tỏ sự khác biệt giữa hai khái niệm chiến lược và chiến thuật. Sau khi viên Trung Úy giải thích không được mấy phân minh, Tướng Hiếu đứng lên giải thích cặn kẽ cho cử tọa và nói với viên Trung Úy: "Trung Úy còn trẻ, còn có cơ hội học hỏi nhiều." Người cựu sĩ quan còn nhớ là khi đứng trước mặt Tướng Hiếu, ông không cảm thấy khiếp sợ - như khi đứng trước mặt Tướng Tôn Thất Đính chẳng hạn - vì Tướng Hiếu có vẻ là một giáo sư hiền lành hơn là một ông Tướng oai vệ.

Không cứ gì viên sĩ quan này, rất nhiều người khác cũng đồng cảm tưởng:

Đại Tá Phan Huy Lương: "Tôi thích nói chuyện với Tướng Hiếu. Tướng Hiếu không giống các Tướng Lãnh khác. Ông có vẻ là nhà văn hơn là nhà võ."
Đại Tá Đinh Văn Chung: "Trông anh đạo mạo như một giáo sư, các huấn luyện viên Việt Pháp đều nể và thích anh."
Đại Tá Quan Minh Giàu: "Trong các bạn Sinh viên Sỹ Quan, anh Hiếu là người tương đối ít nói, hòa nhã vui vẻ, không nghe anh văng tục và gây gỗ bao giờ. Các việc anh làm dù là tầm thường, đều có tính cách tinh vi hoàn hảo. Tôi có cảm tưởng thái độ ít nói, với sự nhã nhặn, vẻ hơi thư sinh bên ngoài, đang tiềm ẩn bên trong một tâm hồn cương nghị, hướng về một lý tưởng cao thượng mà anh không nói ra."
Phóng viên UPI: "Ít tướng tá Việt Nam có khả năng thuyết trình quân sự trôi chảy bằng Anh ngữ như Tướng Hiếu."

Kết Luận

Hình ảnh tay võ nghệ cao cường thích hợp với Tướng Hiếu, vì Tướng Hiếu giỏi giang mọi mặt, kể cả trong những mặt phù phiếm. Đại Tá Lê Khắc Lý đã nêu tài đánh mạt chược của Tướng Hiếu. Ông Richard Peters, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa, phục tài chơi cờ chess và đánh cờ tướng của Tướng Hiếu. Xin thêm một giai thoại khác: Đại Tá Tạ Thanh Long tiết lộ Tướng Hiếu khiêu vũ rất sành điệu; ông kể khi ông là Trưởng Ban ủy Ban Quân Sự 4-Phe-2-Bên vào năm 1974, ông thường tổ chức dạ vũ thết đãi các phái đoàn quân sự ngoại quốc và lần nào cũng mời Tướng Hiếu, lúc đó là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3, cùng đến tham dự. Và Tướng Hiếu luôn vui vẻ nhận lời. Trong khi đó, được biết một Tướng Lãnh nọ cùng khóa với Tướng Hiếu, dù đã lên đến chức Tướng vẫn chưa có dịp học "nhảy đầm" và phải âm thầm nhờ vả tới một sĩ quan thuộc cấp dạy kèm riêng tập khiêu vũ: "Moi học nhảy dù rất là dễ; chỉ việc phó mặc tên huấn luyện viên xô ra khỏi máy bay là biết nhảy dù. Nhưng "nhảy đầm" sao lại khó quá thế này!"


Nguyễn Văn Tín
Ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Cập nhật ngày 09.12.2001

generalhieu