LỜI KINH SUTRA
Có một
người tên Tetsugen. Ông là một tâm hồn
Thiền ở Nhật Bản mơ ước in các tập
kinh điển Thiền Sutra cho dân Nhật. Bấy giờ
kinh điển của Thiền mới có bằng tiếng
Trung Hoa bên Tàu. Ông lặn lội khắp
nơi xin tiền. In bằng bản khắc trên gỗ,
công trình rất cam go, tốn phí. Sau mười
năm dành được tiền, sắp đem in
kinh, dòng sông Uji ngẫu hứng dâng nước
tràn ngập, lụt lội khắp miền. Dân
chúng lâm cảnh màn trời chiếu đất,
mất mùa khốn khổ. Băn khoăn trước
số tiền mười năm quyên góp
được, in kinh hay cứu người ?
In kinh để
truyền bá một triết lý, gầy dựng cả
một suy tư tôn giáo. Cứu người chỉ
là giai đoạn nhất thời. Rồi ai mà
không chết ? In kinh có thể lưu danh lại
tên tuổi. Ấy vậy mà Tetsugen không
đành lòng đem tiền in kinh. Ông bỏ hết
số tiền tích góp mười năm trời
giúp nạn nhân lụt lội của dòng
sông Uji. Thế là công trình mười
năm với giấc mộng truyền bá Zen cho
dân tộc Nhật theo dòng sông nước
đục chảy vào hư vô.
Tha thiết với
tấm lòng, ông lại lên đường
hành khất xin tiền lần nữa. Mấy năm
sau, dành dụm được một số tiền,
ai ngờ một nạn dịch lan tràn, bao nhiêu
người chết, động lòng trắc ẩn,
ông lại đem hết tiền in kinh giúp người
khốn khổ. Thoáng qua đã mười mấy
năm. Tuổi đời theo thời gian ngắn lại.
Hết tiền in
kinh, lòng ông vẫn tha thiết, ông lên
đường xin tiền lần thứ ba. Mất mấy
năm nữa, lần thứ ba này ông in được
bộ Sutra. Thấm thoát hai mươi năm. Bản
in gốc của bộ Sutra hiện còn lưu giữ
tại Obaku, thiền viện ở Kyoto.
Trên
đây không phải câu chuyện dụ
ngôn để dạy thiền sinh. Nó là tấm
lòng có thật. Một trái tim bồ
tát, trái tim Chúa Kitô. Có những
dòng sông và những định mệnh.
Có nhiều dòng nước phù sa, lụt lội.
Dòng sông và lời kinh ở đâu cũng
có. Nhưng những tấm lòng dám hy sinh lời
kinh vì lấy con người làm chính lời
kinh thì không nhiều. Bởi nó là một
lối suy tư rất khác. Ôi! những con người
với những tấm lòng.
Hôm nay, nhắc
nhở đến Tetsugen, dân Nhật giáo dục
con cái họ là Tetsugen đã in ba lần bộ
kinh Sutra. Lần thứ nhất ông in bộ kinh ấy
trong trận lụt của dòng sông Uji. Lần thứ
hai in trong cơn bệnh dịch của xứ sở. Lần
thứ ba in bằng mực. Hai lần trước vô
hình không nhìn bằng mắt xác thịt
được, nhưng hai lần ấy cao cả linh
thiêng hơn lần thứ ba.
Đền thờ
Jerusalem đẹp thế, các môn đệ
xuýt xoa khi đi ngang qua, thế mà Chúa chẳng
để ý. Chúa bảo đền thờ là một tấm
lòng.
Trong bối cảnh
hôm nay, giả sử Tetsugen là linh mục, là
ông trùm, có thể ở Việt Nam, ở Ấn
Độ hoặc bất cứ nơi đâu, ông
sẽ xử trí ra sao? Giả sử bạn là
Tetsugen bạn sẽ xử trí ra sao?
Ngọc Nga sưu tầm
(Kiều Diễm chuyển)