Ý KIÊ'N

Home | CHÂN hay GIA? | NÊN hay KHÔNG ? | CHU'I? hay KHÔNG ? | THÂ.T hay XA.O ? | THÂ.T hay XA.O ? [tt] | LÁ CÒ' VÀNG | VIETNAM AIRLINE !!! | CA('T XE'N & BÓP MÉO | HO?I / -DÁP | Bà NHU | BÀ NHU/ÔNG KY` | PHA.M DUY | Vê` LÁ CÒ' VÀNG | LA.C -DÊ` ??? | VN HÈN | HANH~ DIÊ.N ???

hoatrangtri.gif

NÊN hay KHÔNG ?

Có nên xem lại việc làm thiện nguyện ở Việt Nam

 

 

Có nên xem lại việc làm thiện nguyện ở Việt Nam ?

(An Pha)

 

 

Gần đây, có một số người Việt hải ngoại đặt vấn đề làm thiện nguyện ở Việt Nam hiện nay và nội dung mà họ đặt ra là: liệu công việc làm thiện nguyện, hoạt động bác ái ở Việt Nam có bị nhà cầm quyền CSVN lợi dụng hay không ? Ðây là một vấn đề tế nhị và nếu nói thẳng quá sẽ có thể tạo ra phản ứng, người đặt vấn đề rất dễ bị qui kết là không còn tình người, thủ cựu và độc ác. Nhưng cuối cùng, cũng phải nói thẳng ra.

 

Khi được hỏi con số tổ chức thiện nguyện và bác ái từ hải ngoại, nhất là từ Mỹ vào hoạt động tại Việt Nam, một người bạn của An Pha làm việc cho một tổ chức thiện nguyện của một nhóm Tin Lành Mỹ cho biết: "Khó ước lượng, nhưng về Saigon đụng mặt nhau nhan nhản. Như thế, tất phải nhiều, nhưng bao nhiêu thì tao không dám nói con số". Người bạn tôi nói khá nhiều về ảnh hưởng của những công việc làm thiện nguyện này, nào là nếu không có tổ chức thiện nguyện hoạt động tại Việt Nam thì người nghèo không biết trông mong vào đâu, nào là bọn chính quyền lo vơ vét, không lo được cho dân thì mình lo chứ đứng đó la lối phản đối cũng chẳng ăn thua gì, phải lo cứu dân cái đã. Anh nhấn mạnh: "Không giúp thì dân chết chứ chính quyền chúng nó có chết đâu ?" Người bạn tôi tóm tắt các ảnh hưởng của các nhóm làm thiện nguyện và bác ái gần như là để minh chứng cho một câu hỏi của tôi: "Người hải ngoại góp tiền, bọn mày đem tiền đó về hoạt động bác ái... nhưng cái credit thì ai được nhận ?" Ông bạn tôi có vẻ lúng túng về câu hỏi này, chỉ trả lời nước đôi, nhưng tôi hiểu cách trả lời của anh chỉ là một cách diễn tả khác đi rằng, cái credit "giúp dân" ấy rơi vào tay mấy ông chính quyền đỏ địa phương và "mình cũng ké được một phần".

 

Số là như thế này, tôi có một người cháu ở Saigon gọi tôi bằng cậu. Là một thanh niên mới ngoài 30 rất thích làm thiện nguyện và có sự hiểu biết khác sâu sắc về các hoạt động của nhiều đoàn thiện nguyện ở Mỹ về làm việc tại Việt Nam, nó đã cho tôi biết một vài điều mới mẻ. Trong một cuộc điện đàm cách đây không lâu, tôi lại hỏi người cháu tôi về chuyện "credit" của những công việc thiện nguyện ấy rơi vào tay ai ? Nó nói không suy nghĩ: "Ðể cháu mô tả cho cậu như thế này, cậu sẽ hiểu ra ngay. Không phải đoàn thiện nguyện nào từ Mỹ về cũng có tự do muốn tới chỗ nào hoạt động là tới. Cậu phải xin phép và phải có sự thỏa thuận của chính quyền địa phương. Nếu có cấp phát tặng phẩm thì cần phải có một danh sách và sự việc này, đoàn thiện nguyện phải có sự phối hợp với mấy ổng. Cậu cũng không thể tự động vẽ biểu ngữ treo tại nơi cấp phát tặng phẩm. Thấy vậy, nhưng không phải vậy, nhiều khi chính quyền địa phương còn gây khó khăn và tạo áp lực với đoàn thiện nguyện chỉ vì tư lợi. Nhiều lần cháu cũng bực mình tự hỏi, họ gây khó khăn như vậy thì để họ lo, mình đi chỗ khác hoạt động hay kệ họ. Nhưng cậu biết đấy, những người làm việc bác ái chỉ cần làm sao thi hành xong nhiệm vụ của mình, nề hà chi trở lực hay gặp chuyện khó khăn. Ngậm đắng nuốt cay để giúp dân cũng tốt chứ phải không cậu".

 

"Nếu chính quyền địa phương thuận cho một tổ chức thiện nguyện đến hoạt động ở một xã A chẳng hạn, thì việc làm của họ đầu tiên là gì ?" Tôi hỏi và đây là câu trả lời ngắn gọn của cháu tôi: "Một ngày trước khi diễn ra sự kiện, họ tụ tập dân để thông báo có bọn cháu đến làm việc. Dĩ nhiên là họ nói rằng do mối quan tâm của họ và nhà nước đối với khó khăn của đồng bào nay hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước có thêm tổ chức X, Y từ Mỹ về tiếp tay giúp đỡ bà con ..."

 

Những hình ảnh trên, tuy còn bàng bạc nhưng cũng đã làm rõ phần nào cái khung cho những hoạt động của những cơ quan thiện nguyện hải ngoại và đặc biệt các đoàn thiện nguyện từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để giúp đỡ những người thiếu may mắn và thiếu điều kiện được hưởng những phúc lợi của nhà nước Việt Nam. Cách đây 20 năm, Việt Nam còn trong thời kỳ bao cấp nên nghèo và thiếu thốn: "Ðất nước ta còn nghèo các anh ạ ... thôi thông cảm với nhà nước". Mấy anh trại trưởng trong các trại tù mà chúng tôi đi qua thường nói với chúng tôi như vậy sau khi đã chuyển một lượng lương thực của tù sang kho riêng của họ. Trò ăn xén của tù này được biện minh bằng câu "Ðất nước ta còn nghèo". Cuối cùng, chúng tôi, những tù nhân hàng ngày chỉ còn "xực" những khẩu phần mà một con chim ăn cũng không no.

 

Hai mươi năm sau câu này vẫn còn giá trị, nhưng tình hình thực tế thì có thay đổi: đất nước ta càng ngày càng nghèo nhưng lãnh đạo và tư bản đỏ ngày càng giàu thêm. Có thể nói khác đi, đất nước thì phải đi ăn xin, nhưng lãnh đạo nhà nước chuyển tiền sang Mỹ và Âu Châu mua bất động sản, còn ở trong nước thì họ có mặt trong những nơi ăn chơi xa hoa nhất, "tiêu một tối 1,000 đô la là chuyện nhỏ" (đó là trích báo trong nước). Một anh lãnh đạo chưa phải là cao, nhưng đã có khả năng thua cá độ đá banh cả triệu đô la. Nói về cái trò phá phách tài nguyên quốc gia, tham nhũng, buôn lậu, rượu chè, trai gái, đồi trụy... thì phải viết cả ngàn trang mới hết. Nhưng không phải An Pha tôi "chế" ra để nói xấu nhà nước Việt Nam đâu nhé. Chỉ cần hàng tháng đọc những tờ báo của chính quyền như An Ninh Thế Giới, Công An, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Ðộng, Người Lao Ðộng, Pháp Luật ... người ta sẽ thấy cái xấu đó là do báo của chính quyền nói ra chứ không phải ai khác. Những cái xấu, những điều bất cập, những khốn cùng đến ai oán của dân đen ... đã phản ảnh rất rõ rệt sự vô trách nhiệm của một tầng lớp lãnh đạo thiếu liêm sỉ, vô trách nhiệm, một tầng lớp lãnh đạo bòn rút công quĩ kinh hãi nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Như vậy, một câu hỏi được đặt ra: thiện nguyện và bác ái là những công việc mà người ta phải làm vì lương tâm, vì trái tim của mình chứ không phải là một công việc tính toán lợi nhuận. Thế nhưng, về phương diện xã hội, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm thay công việc mà nhà cầm quyền lẽ ra phải làm thì họ lại không làm, có phải là điều chỉ có tác dụng khuyến khích bọn làm bậy ở Việt Nam lại càng làm bậy hơn hay không ? Không những thế, việc làm này lại còn bất công với những người Việt ở hải ngoại bỏ tiền ra đóng góp để các tổ chức thiện nguyện hoạt động tại Việt Nam nữa. Tiền đóng góp ấy có khác gì tiền bỏ vào một cái thùng không đáy. Với một chính quyền như hiện nay tại Việt Nam, thì hành động hoạt động tích cực của các tổ chức thiện nguyện cuối cùng không khác gì đi xoa dịu giùm nỗi phẫn uất của những nạn nhân đau khổ và bất lực trước một bọn cướp ngày ?

 

Người Việt hải ngoại không phải là những người táng tận lương tâm, nhưng cho tới nay, chiến tranh trên phần đất ấy đã chấm dứt từ 32 năm qua, những người quản lý đất nước này vẫn chưa làm được những điều nhỏ nhặt nhất, đó là lo miếng cơm, manh áo, viên thuốc cho dân mà chỉ lo cướp bóc, vun quén cho cá nhân mình. Hãy tự hỏi rằng, chúng ta đều là nạn nhân của cộng sản. Sau khi cộng sản chiếm được chính quyền họ để mặc dân chúng sống ra sao thì sống, sống mạnh được yếu thua như thế mà chúng ta lại bổ nhào về xắn tay áo lên, vuốt ve những nỗi đau và làm dịu những lỗi căm hờn của dân đen đối với nhà cầm quyền cộng sản ... thì liệu có hợp tình hợp lý không ?

 

Nên tự hỏi ý nghĩa của công việc thiện nguyện có phải là như vậy không, và khi cường quyền ngày càng khoe móng vuốt tàn bạo của họ thì liệu việc hàn gắn những vết thương cho những nạn nhân bị họ áp chế còn có ích và ý nghĩa nữa không ? Bao lâu nữa, những tổ chức thiện nguyện hải ngoại đang hoạt động ở Việt Nam mới hàn gắn hết những vết thương xã hội đang mỗi ngày một rộng toác ra do bọn tư bản đỏ gây nên ? Mỗi ngày trên đất nước Việt Nam xuất hiện hàng chục ngàn "bãi nhậu", tiêu thụ hàng "suối bia" ngoại nhập, nuốt hàng trăm ngàn tấn thịt nướng ... sao chính quyền không tìm ra cách nào xén bớt số lượng rượu thịt để góp phần vào việc hàn gắn những vết thương xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa giàu nghèo, giữa lương thiện của đa số và bất lương của thiểu số lãnh đạo thượng tầng ?

 

Các tổ chức thiện nguyện đang hoạt động ở Việt Nam là những tổ chức có thẩm quyền nhất để trả lời câu hỏi này. Không ai có quyền yêu cầu quí vị không làm thiện nguyện, không làm chuyện bác ái. Phải làm chứ, nhưng xin xét ưu tiên, chúng ta chỉ giúp những gì đáng giúp và những gì nếu chúng ta không giúp thì người dân, trong đó có người nhà có bà con chúng ta, chết ngay. Dù là thiện nguyện, nhưng cũng đừng làm thay những gì mà nhà cầm quyền cộng sản phải làm và có khả năng làm. Người Mỹ sẽ không bao giờ san sẻ gì cho những người homeless nào còn tuổi làm việc và khỏe mạnh hoặc những người đã homeless rồi mà còn đa mang rượu, thuốc. Ðó là bài học không phải là vô giá trị.

 

 

 

AN PHA

(Ngô Minh Hằng kính chuyển)

@@@ HUNG HUU NGUYEN (ALENG) viết:

@@@ HUNG HUU NGUYEN (ALENG) viết:

 

Kính gửi Thi sĩ Ngô Minh Hằng:

Trước hết, cám ơn Chị đã chuyển cho bài viết của Ông/bà An Pha, về vấn đề làm việc từ thiện ở Việt Nam.

 

Tôi tôn trọng quan điểm của tác giả. Nhưng mạn phép không tán thành chủ trương "chính trị hóa" và "chống Cộng hóa" công việc từ thiện theo như tinh thần bài viết.

 

Nếu cho rằng những người nghèo khổ, bệnh hoạn, đói rét, tàn tật, khốn khổ .., là dân của quốc gia nào thì chính phủ nước đó "độc quyền trách nhiệm", thì có lẽ, đối với cộng đồng thế giới, vấn đề từ thiện không cần phải đặt ra nữa.

 

Sở dĩ cho tới nay, trên thế giới vẫn còn nhiều cơ quan quốc tế, đoàn thể, nhóm và cá nhân làm việc từ thiện, là bởi việc Từ Thiện được quan niệm từ bản chất của nó là phi chính trị, phi tôn giáo, phi chủng tộc.

 

Tôi không nghĩ có một người nào trước khi góp tiền cho một quỹ từ thiện lại hỏi ban điều hành rằng tiền cứu trợ sẽ được giúp cho dân Da Ðen hay Da Trắng hay Da Vàng. Tôi cũng không nghĩ có một người Phật Tử nào khi góp tiền giúp vào quỹ từ thiện lại hỏi xem tiền đó sẽ được giúp cho tín đồ Phật Giáo hay tín đồn Thiên Chúa Giáo hay tín đồ Hòa Hảo. Tôi cũng không nghĩ khi một người Mỹ theo đạo Tin Lành góp tiền cho một quỹ từ thiện, sẽ rút sự đóng góp của mình lại, khi được biết quỹ từ thiện đó sẽ được dùng để giúp những người nghèo đói, bệnh hoạn, tàn tật Palestine, vốn đa số theo đạo Hồi.

 

Chúng ta, những người Việt không chấp nhận CS ở Hải ngoại, khi hô hào đấu tranh và ủng hộ những cuộc đấu tranh trong nước đòi dân chủ, đòi tự do tôn giáo, đòi nhân quyền .. chúng ta nhân danh ai để đấu tranh đòi những điều đó và đòi cho ai ? Ở Hải ngoại, những điều đó, chúng ta có sẵn cả rồi. Ðâu cần đòi. Vậy phải chăng là nhân danh toàn dân và đòi cho toàn dân_mà hết 97% là dân trong nước.

 

Tại sao không lý luận rằng việc người dân trong nước "đói khát" tự do, dân chủ, nhân quyền .. do chính sách độc tài của chế độ CSVN gây nên, vậy thì để mặc cho cái chính quyền CSVN phải có trách nhiệm giải quyết cho dân. Hà cớ chúng ta phải đấu tranh ?

 

Tóm lại, theo thiển ý, không nên bỏ chung việc "chống Cộng" và việc "làm từ thiện" vào cùng một giỏ.

 

Thân kính,

Aleng

 

* Nếu tình cờ nhận được hồi âm của thân hữu góp ý về vấn đề này, tôi sẽ mạn phép để chuyển tiếp tới quí anh chị .. nguyên văn.

@@@ NGÔ MINH HẰNG viết:

@@@ NGÔ MINH HẰNG viết:

 

Kính gởi Quí Vị và Quí Bạn,

Kính gởi Quí Ông/ Bà Hongduong@verizon.net,

 

NMH xin cảm ơn Ông/ Bà góp ý về bài viết tựa đề " CÓ NÊN XEM LẠI VIỆC LÀM THIỆN NGUYỆN Ở VIỆT NAM ? " của tác giả An Pha do NMH thấy bổ ích và tự chuyển lên Diễn Ðàn.

 

Sau đây, NMH xin chuyển đến diễn đàn một email NMH nhận được từ bạn đọc.

 

Kính chúc Quí Vị Quí Bạn và Quí Ông / Bà Hongduong@verizon.net sức khoẻ, an lành.

 

Trân trọng

Ngô Minh Hằng

 

@@@ PHẠM DUẬT viết:

 

Chị Ngô Minh Hằng qúi mến,

Cám ơn chị đã chuyển lên diễn đàn một bài viết vô cùng giá trị của tác giả An Pha. Theo tôi, bài viết đáng để cho mọi người tị nạn chúng ta phải suy ngẫm về những chương trình thiện nguyện đang được mời chào nhan nhản, về lòng từ tâm và hành động bác ái của mình có đúng chỗ và đúng thời điểm , đúng đối tượng hay không. Bởi vì, lòng từ tâm đặt không đúng  nơi đúng chốn thì chắc chắn bị lạm dụng và phản ứng ngược. 

 

Từ lâu tôi muốn nói với chị về vấn đề  hết sức nhạy cảm và tế nhị giữa tình cảm dân tộc và lý trí,  ý thức chính trị mà người  tị nạn Công sản như chúng ta đang phải đương đầu nhưng may quá,  bài viết này của tác giả An Pha đã nói lên quá  đủ.

 

Chúc chị vui mạnh 

Phạm Duật

 

website counter