PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 79

anngonqua.jpg

(Hình của DIỄM XƯA - TLW Rạch Giá)

NHƯ ÐỜN ÐỨT DÂY

 

 

NHƯ ÐỜN ÐỨT DÂY

 

 

 Còn cha còn mẹ thì hơn,

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

(Ca dao)

 

*

 

Khi cha mẹ ta đã dốc hết sức lực, trút hết tình thương lên đời "lũ chúng ta" thì cũng là lúc tuổi già tàn tạ đến. Tuổi già sồng sộc đến để vô-hiệu-hóa những lời khuyên lơn dạy bảo. Tuổi già tàn nhẫn đến để tước đoạt hết cái khả năng một thời lẫm liệt - bảo bọc, chở che, nuôi dưỡng đàn con non nớt, dại khờ ! Bởi sức cùng, lực kiệt. Bởi gối mỏi, chân chùn. Bởi "bệnh hoạn cắn xương như rắn rúc" (XD) !!!

 

Còn cái đám lau nhau, lít nhít ngày nào (tưởng) đã đủ lông cánh rồi, (tưởng) đã đủ mạnh mẽ, sức vóc để bay cao hơn, xa hơn vào những nơi không có sự "dòm ngó", "cấm đoán" của "ổng bả" rồi; không còn có bất cứ một "áp lực" trầm trọng hoặc nhỏ tí ti mà thiệt là "vô tích sự" lạc hậu, lỗi thời nữa rồi. Mừng thay !

 

Nhưng, như một cái chớp mắt, như một cơn mơ trong giấc mộng kê vàng, thoắt một cái "lũ chúng ta" lại đóng vai trò của "ổng bả" ngày xưa, lại nghiễm nhiên trở thành cha, thành mẹ của cái đám lít nhít, lau nhau, non nớt, dại khờ .. Lại dốc hết sức lực cày bừa trối chết để đem về cái ăn, thức uống, vật dụng .. cho những cái bao tử đói, cho những cái mồm há ra vì khát .. sữa, cho dứt những tiếng khóc nhèo nhẹo đòi đồ chơi, đòi quần áo mới cho bằng chúng bằng bạn với người ta .. của đám con "khíu chọ" hơn cả mình hồi xưa gấp trăm ngàn lần.

 

Chính những lúc ấy. Phải. Chính trong thời điểm lau mồ hôi trán ấy, lúc mắt nổ đom đóm ấy, mới là lúc mà "lũ chúng ta" bỗng "giác ngộ" hết sức tự nhiên: "Lên non mới biết non cao, Nuôi con mới biết công lao mẫu từ". Bởi vì, chạy trời không khỏi nắng, cái vòng tròn nhân sinh là thế đấy vậy thôi !

 

Ở đời ai cũng có lần,

Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.

Người xưa khó nhọc nuôi mình,

Khác gì mình đã hết tình nuôi con.

(Ca dao)

 

Mãi đến cái lúc "chợt" biết ơn cha, ơn mẹ, "chợt" muốn chạy tìm thăm viếng, hay nói lời tạ ơn thì có khác nào "mò trăng đáy nước", có khác gì "đáy biển mò kim" .. bởi "ổng bả" đã là công dân của "xứ thiên cổ" tự hồi nảo, hồi nao rồi !!! Chỉ còn đây chén cơm cúng, ly trà thơm và nén hương lòng tạ lỗi mà đã đủ hay chưa (chắc chắn là nào có thấm tháp gì so với cái thuở "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể" !):

 

Đây bát cơm đầy nặng ước mong,

Mẹ ôi, đây ngọc với đây lòng.

Đây tình con nặng trong tha thiết,

Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong.

(Ca dao)

2

**

 

Tôi đã viết một hơi ngon ơ về Bích Khê - thiên tài mệnh bạc - (thật ra chỉ việc gõ lại những giòng đã viết từ năm 1998) nhưng khi nhìn thấy những tấm hình của các bạn TLW Rạch-Giá gửi Email qua, nhất là hình các em như đờn đứt dây , các em mồ côi mồ cút, bất hạnh thứ thiệt, đang ăn "những miếng ngon nhớ lâu" .. khi có bữa tiệc đến từ những Tấm Lòng Vàng của Tào Lao Wán, của Cựu Học Sinh Kiên Giang Úc Châu, của Hội Ái Hữu Kiên Giang Bắc Cali (chứ nội địa thì nhiều bậc cha mẹ làm lụng đến thối hết móng tay, phải "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi" (TX), dù bụng có thương mấy đứa mồ côi mồ cút, hoặc tàn tật đến đứt ruột đứt gan đi nữa, chớ biết cào cấu ở đâu ra tiền mà "cho" với "tặng", trong khi ngay chính bản thân, ngay cái đám con xẻ thịt banh da của mình còn con mắt trỏm lơ đây !!!) .. thì tôi bèn xìu lơ, bèn xếp xó bài viết đó một cách dửng dừng dưng.

 

Không phải tôi muốn "copy" thái độ của nhà văn Jean Paul Sartre - ông tổ của chủ nghĩa Hiện Sinh - rồi paste vào bài viết của mình "Ðối với những kẻ chết đói thì cuốn "La Nausée" của tôi không đáng một xu teng" .. Cũng không phải tôi "dị ứng" với những lời yêu dân, thương nước bằng "nước bọt" của mấy bác hay vỗ ngực bình bịch :"Tôi là người .. thế này, thế nọ .." mà không dám xùy ra một penny cho người bất hạnh quê nhà, với lý do "nổ điếc con ráy": nếu ta "bố thí" như vậy là "vỗ béo" CS, là mắc mưu bọn "đỏ" bên kia !!! Tôi cũng chả hề có "tham vọng" : "Phù thế giáo một vài câu thanh nghị" như cụ Nguyễn Công Trứ nữa !!!

 

Tôi chỉ "cám cảnh thiên địa quỉ thần" cho những nạn-nhân-tình-dục (chứ hổng phải sao ?) là những công dân bé tí tuổi đầu "bị" đẩy tọt vào thế giới con người "hỗn mang chi sơ" này, từ khi chỉ là cục thịt đỏ hon hỏn, sau 9 tháng 10 ngày ăn no ngủ kỹ trong tử cung ấm áp người mẹ. Bởi một lúc tình cờ "động cỡn" của hai con "nợn nòng" nào đó, bởi một sự bốc đồng "nắng cực" (*), hay "rửng mỡ" cỡi bò .. lạc (là những con bò không ở chuồng nhà) của các bậc có râu dê .. "cu-nặng" nào đó !!! Rồi gã đàn ông phủi tay, quẹt mỏ, quất ngựa chuối truy phong. Người đàn bà nhục nhã vì bị phỉnh gạt, bị phản bội, nhưng không đành lòng phá bỏ hòn máu đang tượng hình hài. Chấp nhận cắn răng banh da, xẻ thịt cho bé chào đời, để rồi ôm cái cục thịt đỏ hon hỏn ấy mà "phi tang" ở bất cứ nơi nào có thể : thùng rác, trước cửa nhà thương, viện mồ côi, trước nhà giàu nhân đức, hiếm muộn, hoặc ở đầu bờ, cuối bãi vắng tanh ..

  

Ôi, tội nghiệp thân bé, bị mẹ rứt ruột đẻ ra, giờ đem bỏ rơi trên cánh đồng không mông quạnh, ai sẽ đón bé về chăm sóc tưng tiu, hay chỉ toàn những cánh cửa đóng chặt, bởi những trái tim đất sét mạ vàng ???

 

Sao mẹ nỡ bỏ con một mình

Có con kiến đốt lưng con đau quá !

Giá được tay mẹ xoa lưng, che chở

Con sẽ ngủ giấc ngon, mẹ ơi.

 

Đêm ấy trăng rất sáng trên trời

Mẹ đặt con xuống một nơi rất lạnh

Rồi xung quanh con chỉ còn hoang vắng

Mẹ đi đâu rồi, mẹ đi đâu, mẹ ơi.

 

Mẹ đã sinh con trên cánh đồng người

Có hoan lạc, có tình yêu, hạnh phúc

Sao giờ chỉ mình con côi cút

Cánh đồng mênh mông, con gào rát giọng rồi

(DIEMDIEU - Caravan SG)

 

Và phải nói thẳng tuột ra rằng, nếu tôi chưa từng thấm thía với cái đói ngày nào của chính bản thân tôi, khi sau tháng Tư đen, má một thân một mình, trông vào đồng lương "thầy giáo, tháo giầy" của tôi, thì có lẽ chả thể nào tôi hiểu được cái khổ bởi "dạ dày" nó hành. Ðúng. Ðâu có ai chết vì đói dạo ấy. Nhưng "chết thèm" thì vô tả.

 

"Ờ .. tụi bây không biết chớ từ lâu rồi - tao không nhớ là bao nhiêu lâu, nhưng chắc là lâu lắm - tao chưa được ăn mì. Bây giờ đứng đây, bên đường ngang hông chợ Tân Định, phía trên gió, vậy mà vẫn "đánh hơi" rõ mồn một mùi nước lèo của xe mì nằm bên đường Hai Bà Trưng, phía dưới gió, rõ như hơi của nước lèo đang bốc lên ngay trước mũi ! Tao nuốt nước miếng.

 

Thèm quá ! Tao thèm ăn ngay một tô mì ! Thọc tay vào túi quần, tao đụng hai tờ giấy bạc. Móc ra xem thì ra là hai đồng. Tao chỉ có ngần đó thôi ! Nhưng hai đồng, đủ để ăn một tô mì rồi ! Thì ăn .. đại một tô cho nó đã ! Tao dợm bước vào tiệm nước, bỗng nhớ lại vợ tao hồi sáng khi trao cho tao hai đồng đó, có dặn: "Chiều, anh ghé chợ Cây Quéo mua 6 cái hột vịt và nửa giỏ rau. Về, anh bắc nồi cơm bỏ vô luộc trước. Chừng mẹ con em về, em làm nước mắm rồi dầm cho nhà ăn." Hình ảnh cả nhà tao 7 đứa quây quần bên "nửa giỏ rau và 6 cái hột vịt" và hình ảnh tao một mình ngồi ăn tô mì .. làm tao khựng lại. Tô mì mà tao muốn ăn, thèm ăn, là cả một bữa ăn của gia đình ! Tao không thể đổi được. Thà là tao nhịn thèm. Thà là tao chịu đói để về ăn chung với vợ con. Ăn thứ gì cũng được, ít nhiều gì cũng được, dở ngon gì cũng được. Miễn là ăn chung với tụi nó. Để thấy rằng cuộc đời tao bây giờ chỉ còn lại có tụi nó là quí thôi ! Tao nghe thương vợ thương con vô cùng. Và tao cũng nghe thương thân tao vô cùng .." (TIỂU TỬ - Thèm)

 

Hồi đó, ai cũng   bo bo để ăn, có canh đại dương để húp sì sà sì sụp [nước lõng bõng như .. biển cả bao la, chả có miếng "cái" nào coi thử], hoặc ăn thịt cọp [gạo đầy sạn, nhai nghe "cộp cộp" chớ có tí thịt thà, dù là thịt của "ông 30" chuyên ăn thịt người, cũng đỡ thảm thê, thê thảm !!!]. Và những lúc đó, nói ra thì xấu hổ quá, bởi má tôi hay bảo "Miếng ăn là miếng tồi tàn, Mất ăn một miếng, lộn gan lên đầu" .. tôi lại thèm cháo-lòng gì đâu (Chả là má tôi, hồi trước cuộc đổi đời chỏng gọng, hay nấu những nồi cháo lòng đặc kín những lòng, những giồi, những tim, những gan, những lưỡi, những tiết, những thịt là thịt .. Nước cháo húp vào tới đâu là con tỳ, con vị, bao tử, ruột non, ruột già của tôi bèn sướng-rên-mé-đìu-hiu (*) hết cả .. Chả biết má làm giồi bằng pháp thuật phù thủy gì, mà chưa bao giờ tôi được "hưởng" miếng giồi nào "bá cháy bồ chét" như của má, từ sau tháng 4/75, ở bất cứ nơi đâu !!!). Bây giờ, ở xứ này, thịt cá ê hề, chỉ rau trái mới là của đắt tiền, thì một trăm nồi cháo lòng cũng có nhằm nhò gì. Chớ hồi đó, trời ơi, hồi đó thương má quá, chỉ lấy cơm-chấm-cháo qua ngày, nhiều khi má ăn khoai phơi khô hấp lên hoặc mài thành bột làm bánh (lấy cớ là thèm khoai, ngọt, bùi, dễ tiêu) để nhường cơm trắng cho con, (dù cơm trắng đầy sạn, mối, đôi khi ẩm mốc vàng khè, má phải ngồi kỳ cà, kỳ cọm sàng, sẩy, nhặt nhạnh .. còng lưng). Má biết tôi thèm cháo lòng lắm, nên cố nấu nồi cháo chỉ có mấy miếng tiết lợn nâu đen, lềnh bềnh, vừa vặn một tô nhạt phèo, nhạt thếch. Tôi ăn đâu có vô vì sao nỡ đành lòng .., còn má thì cả đời "nhường" món ngon vật lạ cho tôi, nên đem cất vào bếp chờ tôi "đổi ý". Cuối cùng .. con mèo hàng xóm liếm trộm sạch sẽ.

 

Khi bạn thèm ước một vật gì, bạn "ngõm ngọ" một món gì, bạn mê thích một ai .. mà hình như chả bao giờ còn được "với tới" nữa, bạn mới thấy cái vật ấy, cái món ấy, cái người ấy "hành hạ" bạn "liên miên vô tuyệt kỳ" như thế nào. (Thiệt đúng y lời của một Thiền Sư : Ðã từng ham muốn phải long đong (*) !!!). Bởi vậy, khi nhìn hình em mồ côi, mồ cút, với đôi đũa "khổng lồ", gắp miếng thịt, há to mồm, mồ hôi rịn ướt trên mũi, trên mép, là tôi lại trào nước mắt sung sướng, sung sướng y như chính mình đã được miếng ngon, "bõ" những tháng ngày mê man mộng mị thèm ước .. Cảm ơn biết bao những tấm-lòng-vàng của bạn bè Rạch Giá [nói riêng], của người dân Việt [nói chung], luôn luôn với truyền thống Nhân Ái làm đầu: "Thương người như thể thương thân", dù ngay trong cơn quốc nạn đoạn trường này !!!

 

Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng chăm lo

(NGUYỄN TRÃI - Gia Huấn Ca)

3 -

***

 

Như đờn-đứt-dây vì cha mẹ mất sớm quả là buồn !!! (Nếu quá sớm thì lại càng buồn hơn !!!)

 

Như đờn-đứt-dây vì có cha, có mẹ mà bị bỏ rơi, bị làm trẻ vô thừa nhận, sống trong các viện mồ côi, hoặc lang thang đầu đường xó chợ ăn xin, ăn nhặt, trông chờ lòng thương của bá tánh ..  quảkhổ !!!

 

Nhưng như đờn-đứt-dây vì bị treo bút, bị bịt miệng, bị khóa mồm, bị tẩy não, bị tước đoạt khả năng sáng tạo, bị đè bẹp dí bởi các đấng bề trên Ðảng Ủy, bị nghiền nát bởi những bậc quyền thế Trung Ương, đến nỗi  lúc nào cũng .. "có thói quen thầm thì với nhau, ghé vào tai, và thường là cứ ngoái lại, nhìn ra sau, miệng rì rầm như khấn vái những điều làm như ma quỉ đang rình mò đợi lỡ lời nói to là xẻo lưỡi ".. ; lúc nào cũng .. "chỉ thấy sự sợ, sự nghĩ một đằng nói một nẻo, sự có hai ba nhân cách trong một con người. Và con người tư riêng hình như bị cắt khỏi con người xã hội, cái thằng lúc nào cũng phải đối phó, phải tranh thủ, phải ngụy trang bằng nụ cười và ém dao dưới áo đề phòng mọi kẻ khác, già cho đến trẻ, từ hàng xóm đến cán bộ cùng cơ quan .."  (NAM DAO). Thì ô hô, ai tai, quả là khổ ải vô thượng thừa !!!!!!

 

Ðảng CS tưởng với câu phù chú "hạ tầng cơ sở chỉ huy thượng tầng kiến trúc" (sản xuất kinh tế chỉ huy mọi sinh hoạt tư duy, sáng tạo, văn học nghệ thuật  ..), nên sử dụng chế độ tem phiếu, chế độ kiểm tra nhân hộ khẩu hòng "nắm chặt" bao tử người dân. Họ tưởng với chính sách "bó cỏ" đặt trước mồm "trâu ngựa" thì họ có quyền ra roi đen đét và bắt cái loài khuyển mã đó phải làm việc trối chết theo ý chủ . Bằng ngược lại muốn tự tung tự tác thì ông cho đói rã họng, sặc máu mồm mà chết !!! Thật ra, điều này cũng đâu có gì là mới mẻ, khi ông bà ta xưa đã biết tỏng tòng tong rồi chứ bộ: "Có thực mới vực được đạo", hoặc "Phú quí sinh lễ nghĩa". Nhưng cái đói của bao tử, của ruột già, ruột non, của bộ tiêu hóa .. đâu có nghĩa lý gì khi con người không phải là sinh-động-vật chỉ sống bằng thuần túy bản năng:

 

Trong trăm nghìn nỗi đói

Tôi nếm trải cả rồi

Tôi chỉ kinh khiếp nhất

Là nỗi đói tình người

(PHÙNG QUÁN)

 

Cũng chính vì NỖI ÐÓI TÌNH NGƯỜI, chứ không phải ba cái thứ tình cảm Giai Cấp xa lạ, máy móc, nhồi nhét, "tam vô" của chủ nghĩa Duy Vật Biện Chứng, mà  "trí thức, văn nghệ sĩ có khát vọng tự do dân chủ và đầu óc suy tư độc lập" trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm đã chịu đựng biết bao là tủi nhục, ê chề, di hại suốt cả cuộc đời, đến cả đời con, đời cháu vẫn chưa nguôi.  Theo NGUYỄN MINH CẦN cho biết về vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm này: Có người bị công khai xét xử tại tòa án (Thụy An, Nguyễn Hữu Ðang). Người bị ngấm ngầm tống vào tù (Phùng Cung, Trần Duy, Phan Tại, Hoàng Công Khanh, Tuân Nguyễn). Người bị cách chức, bao vây kinh tế và quản thúc cho đến cuối đời (Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Ðức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Ðào Duy Anh). Có người bị kỷ luật, bị đưa đi lao động cải tạo, bị cô lập, bị "treo bút" suốt 30 năm (Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Ðặng Ðình Hưng, Hữu Loan, Quang Dũng) .. Khốn khổ nhất là những người gọi là "Nhân Văn phường", "Nhân Văn xã", "Nhân Văn huyện"... tức là những người có cảm tình với "Nhân Văn" ở khắp nơi, đã từng ủng hộ, bênh vực, chuyền tay báo, thậm chí chỉ đọc hay lưu giữ báo "Nhân Văn", đều bị công an địa phương ghép tội "liên quan với Nhân Văn", thế là suốt đời bị kỳ thị, bị nghi ngờ. Mà "cái án" này thì không bao giờ được xóa cả. Đó là khổ nạn của người dân có chút đầu óc suy nghĩ .(NGUYỄN MINH CẦN)

 

Ðảng là ai mà "bảnh chọe" cầm quyền sinh sát tối thượng, như đấng chúa tể càn khôn vạn hữu thế nhỉ ..  ??

 

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

(NGUYỄN DU)

 

Chế độ ưu việt gì ? Chủ nghĩa siêu đẳng nào ? Mà lại "biến đổi" con người linh thánh trở thành một thứ người có óc, có tim "máy móc", một loại "rô-bô tiền-chế" .. đến vậy ???

 

Ðem bục công an máy móc đặt giữa tim người,

Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước

(LÊ ÐẠT)

 

Hoặc cưỡng bách người với người phải có thái độ "thù địch giai cấp" khi nhìn nhau, dù đó chỉ là đứa bé mồ côi, đói lả .. ???

 

- "Nó là con địa chủ

Bé bỏng đã biết gì

Hôm em cho bát cháo

Chịu ba ngày hỏi truy"

 

Chị đội bỗng lùi lại

Nhìn đứa bé mồ côi

Cố tìm vết thù địch

Chỉ thấy một con người

(HOÀNG CẦM)

 

Những người ở trong hàng ngũ Ðảng, bị chỉ-đạo-hóa một cách sắt máu, bị nguyên-tắc-hóa một cách phiến diện, mù lòa, bị sắt-thép-hóa một cách nghiệt ngã .. làm sao chấp nhận nổi sức sáng tạo hôi hổi, ý chí bất khuất [trước bạo quyền cấm đoán, khống chế] của những trái tim rất thơ, của các bộ óc biết phân biệt đâu là hay dở, phải trái, chính tà .. 

 

"Trận đòn chí mạng mà Đảng Cộng Sản đánh vào trào lưu Nhân Văn-Giai Phẩm không chỉ gây đau thương cho hàng trăm, hàng ngàn con người, mà nghiêm trọng nhất là nó đã đánh gục hầu như cả một thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc, dìm họ trong nỗi khiếp sợ triền miên, đè bẹp trí sáng tạo của họ, tạo nên một nếp nghĩ theo công thức chết cứng của Đảng, tạo nên một thứ "văn nghệ minh họa" (hay còn gọi là "văn nghệ phải đạo") tồi dở. Đảng Cộng Sản đă làm cho cả một nền văn học, nghệ thuật, văn hóa, giáo dục bị lụn bại, méo mó, què quặt, thụt lùi hàng mấy chục năm trời so với trước. Suy cho cùng, đây chính là tội ác lớn nhất của Đảng đối với Dân tộc". (NGUYỄN MINH CẦN)

 

Quả là đâu có sai chút nào với những lời đã từng chỉ bảo quí giá của tiền nhân:

 

"Làm thầy thuốc sai thì giết một mạng người.

Làm thầy địa lý sai thì hại một gia đình.

Làm chính trị sai thì hại một đất nước.

Làm văn hóa sai thì hại cả một thế hệ .."

 

Mấy chục năm sau vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, ở VN hiện giờ, sinh hoạt văn nghệ, báo chí, truyền thông vẫn có gì mới mẻ hơn đâu: cũng treo bút, cũng kỷ luật, cũng đình chỉ công tác, cũng đưa đi lao động cải tạo, cũng cấm cố tại gia, cũng cô lập, cũng bao vây kinh tế, cũng theo dõi, canh chừng từng đường đi nước bước, cũng nghe lén đường dây điện thoại hoặc cắt đứt mọi liên lạc bằng Email, Cell phone, cũng bịt mồm trước tòa, cũng bịt miệng, diệt khẩu trong đêm, cũng cho đi tù .. những con người dám nói lên tiếng nói của Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền !!! 

Hai triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm

****

 

Chúng ta mất hết chỉ còn nhau

(VŨ HOÀNG CHƯƠNG)

 

Những người con dân Việt miền Nam sau tháng tư 1975, đã mất sạch sành sanh: mất nhà, mất cửa, mất xứ sở, làng quê, mất nơi làm việc, mất chốn học hành, mất chợ búa, mất tên Sài Gòn, mất Hòn Ngọc Viễn Ðông, mất nhà thờ, chùa chiền, đình miếu, mất kỷ niệm một thời để thương và trân quí .. Chúng ta chỉ còn lại gia đình, bà con thân thuộc, bạn bè, người ra được nước ngoài (Mỹ, Canada, Pháp, Ðức, Phần Lan, Na Uy, Úc, Thụy Sĩ ..), kẻ còn kẹt lại bên nhà. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng còn 85 triệu đồng bào sống dưới ách cai trị của "tư bản đỏ" nữa ..

 

Nhưng người ra đi không phải là kẻ quên hết những thâm tình của một đất nước có nhiều huyền thoại tuyệt vời, có cuộc sống tâm linh phong phú, và nhất là có "CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI" (ND). Chữ Tâm, hay "tấm lòng" người Việt kỳ diệu lắm cơ. Bởi vì chữ Tâm ấy được kết tinh nhuần nhuyễn của "tam giáo đồng nguyên", nên luôn luôn giàu chất Nhân Nghĩa [Nho], Từ Bi [Phật], Vô Vi [Lão]. Ðược hun đúc ròng rã qua suốt cuộc thăng trầm lịch sử, cái Tâm người Việt bàng bạc lung linh như ánh trăng, thơm ngát hương hoa đồng cỏ nội, mộc mạc nghĩa xóm tình quê, đậm đà câu dân ca, êm ả tiếng mẹ ru hời. Không giáo điều cứng ngắc, không hề lên gân, không bị bắt buộc phải hô khẩu hiệu, đả đảo hoặc hoan hô, không bị bắt buộc phải "học tập" trong bất cứ một trại cải tạo tàn nhẫn nào. Vậy mà, từ người nông dân chân lấm tay bùn, đến anh thư sinh trói gà không chặt, từ những chiến sĩ sạm nắng gió chiến trường, đến ông bố bà mẹ lưng còng tóc bạc, từ những em bé nhà quê đến cậu ấm cô chiêu, tất cả đều mang trong mình những đốm sáng đẹp đẽ, rạng ngời của chữ Tâm này suốt bốn ngàn năm văn hiến (về sau còn được tô bồi thêm đức Bác Ái của Ki-Tô-Giáo). Thế nên .. hạt giống lành thiện đã gieo tự thuở nào để bây giờ trổ trái đẹp xinh:    

 

"Hai triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã em nâng". Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắt máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế VN ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc". (Ngày 30/04 - Tâm bút của TRẦN TRUNG ÐẠO)  - Trích PV 70 -

 

Hữu Loan, một nhà thơ của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, luôn khẳng định, cho dù vì sự khẳng định này mà nhà thơ của chúng ta phải sống kiếp "khổ-sai" giữa lòng chế độ độc tài suốt mấy mươi năm: "Một chiếc xe cút kít. Một đôi quang sắt. Một xà beng.  Một cuốc chim. Một chiếc đòn gánh bằng cả khúc tre ngâm. Tôi nạy từng khối đá đưa lên chiếc xe cút kít thô sơ đem đi bán ở các lò thợ làm cối, làm thớt, làm  kê chân cột và làm vật liệu xây dựng. Bán cả chục xe đá mới kiếm đủ ngày hai bữa cơm dưa muối cho đàn con. Đã thế, nhiều khi ế ẩm, đá chất đầy vườn, cả tháng không ai hỏi mua. Một năm, hai năm, ba năm ... tôi trở thành người thợ đá thực thụ.  Cặm cụi vật lộn với núi đá tôi nuôi cả mười đứa con khôn lớn. Đến giờ cả mười  đứa con đã có chín  nên vợ nên chồng, sinh cho ông đàn cháu 37 đứa. Chỉ còn cậu út là chưa lập gia đình". (HÀ ÐÌNH CẨN)

 

Ông đã khẳng định gì ??? - "Giai-cấp-tính không bằng nhân-đạo-tính" !!!

 

Những ai đã từng vênh váo, đã từng "hung hăng con bọ xít" mà rằng: "Nhân đạo là tự sát, thương hại là giết mình" ? Bây giờ thử tìm xem những kẻ vô cùng hiếu  chiến, hiếu sát "máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu" (TH) ấy, đang ở đâu, ở thế đứng nào ??? Hay đang bò lê bò càng sang Mỹ, sang Âu Châu, Úc Châu chạy vạy, xin xỏ lòng nhân, từ chính những người một thời mình nguyền rủa, căm thù ?!?!?!

 

Tội nghiệp thay. Ðáng thương thay. Hỡi những kẻ không hề có Tâm thiêng, không bao giờ có Tình đẹp (*) của Con Người dành cho những Con Người !!!

 

Tội nghiệp thay. Ðáng thương thay. Hỡi những trái tim vô cảm, những bộ óc bất nhân, những việc làm bất nghĩa, thế thì có khác gì như-đờn-đứt-dây đâu, câm điếc một đời này, tàn phế đến cả kiếp mai sau .. !!!

 

Tội nghiệp quá. Ðáng thương quá. Ôi đồng bào xứ Việt bị "sai sử" bởi khững cây đờn-đứt-dây-câm-điếc, bị "điều khiển" bởi những kẻ không có Tâm thiêng, không có Tình đẹp này. Ước gì có cây đàn thần của Thạch Sanh gảy lên kêu "tích tịch tình tang" đem Công Chúa [xưa] lên thang trở về. Ước gì có tiếng đàn thần diệu cứu người dân ta (nay) thoát khỏi cảnh "sụp bẫy, sa hầm CS tăm tối âm u" để lên thang trở về cùng cõi sống Ấm No, ngát hương Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền !!!!

   

 

 

 

- CUỐI MÙA VU LAN 2008 -

 

(Riêng tặng những TẤM LÒNG VÀNG RẠCH GIÁ-KIÊN GIANG)

 

 

 


* "Nắng cực" - HỒ XUÂN HƯƠNG.
* "Sướng rên mé đìu hiu" - DUYÊN ANH.

* "Ðã từng ham muốn phải long đong .." - TUỆ TRUNG THƯỢNG SỸ .

* "Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì "- HỮU LOAN.

 

 

beanngon_toatmohoi.jpg

(Hình của DIỄM XƯA - TLW Rạch Giá)

website counter