PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 83

8conuong.jpg
(Hình cu?a TBP-TMM)

NHƯ HẠT MƯA SA

 

 

NHƯ HẠT MƯA SA

 

 

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cầy (*)

(CA DAO VN)

 

 

Một cách không hẹn trước lâu lắc gì hết, vậy mà tôi được gặp lại dăm ba bạn gái một thời Trung Học ấy..  "những người đã từng chung dòng sông Kiên, cùng vịnh biển Thái; đã từng chung Thầy, chung Cô, chung trường, chung lớp, chung nắng mưa lục tỉnh quê nghèo .". Thì cũng bởi ".. những cánh chim thiên di vẫn đâu thể quên bầy. Những chiếc lá xa cành xưa vẫn không quên về nguồn cội. Những đám mây lang thang vẫn nhớ về gầm trời đất Việt, nơi tứ bề sóng nước mênh mông .." ( PV9 ) nên chúng tôi rủ rê nhau, đi thăm bạn này đau ốm, đi thăm bạn kia thơm thảo đón chờ ..

 

Có bạn tôi đã gặp nhiều lần, có bạn "mới toanh" sau hơn 30 năm có lẻ .. Bây giờ, mỗi người mỗi cảnh. Mỗi người một niềm vui nỗi buồn không giống ai.

 

 .. Tôi lật từng trang hình, như lật từng trang đời, đời tôi và đời bạn .. Mấy mươi năm mà dường như là mới hôm qua .. dường như là mới hôm kia..

 

"Phần tư thế kỷ mới hôm qua

Hôm qua cây lá bóng như ngà

Ngà ngọc nụ cười, lưu ly nắng...

.........................................

(Phúc Nguyễn) -  PV9

 

Cũng gần 40 năm rồi, hơn phần tư thế kỷ rồi, nên các "Hạt Mưa" của tôi (các "Cụ" Nữ Sinh Rạch Giá) không còn "théc méc" một chút xíu nào về NƠI CHỐN mà các Nàng sẽ "SA", sẽ rơi, sẽ rớt vào .. nữa:

 

Các nàng đã không còn mang cảm giác mình là "tấm lụa đào phất phơ giữa chợ" (1). Không phải là "bèo" hoặc "trái bần trôi, sóng dập gió dồi" (2) . Không phải là "cá rô mề, lao xao buổi chợ .." (3). Cũng không phải là "cái giếng giữa đàng" .. (4). Chắc như bắp vậy.

 

Câu hỏi "Biết vào tay ai ? Biết ghé vào đâu ? Biết tấp vào đâu ?" trong câu hai của các câu dân ca 3 miền đất nước .. nói lên nỗi lo âu cho thân phận phụ nữ thời xa xưa không biết sẽ về bến nào, đục hay trong, nơi ấy thế nào, người ấy ra sao,  không còn là nỗi  lo xanh cả mắt của các Nàng về cái tương lai bất tường nữa . Bởi vì từ ngày mặc áo cưới lên xe hoa cho đến nay, các Nàng đã tường-tận-một-cách-tận-tường "bến đỗ" của đời Nàng. Có nàng còn được lên chức hoặc đang chuẩn bị lên chức bà nội, bà ngoại rồi còn gì. Có bạn trễ hơn thì cũng sắp "ngồi sui" với người ta chớ bộ. Dễ mà "khờ khạo tình đời" nữa đâu. Còn về phần cái "phân nửa kia" ấy, ôi chao, Nàng hiểu Chàng "nhuyễn nhừ" luôn, hiểu từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ phải sang trái, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Hiểu lý do của vết sẹo này (thì Chàng kể chứ ai). Hiểu những "cố tật" thấy ghê hoặc rất dễ thương. Hiểu cái giỏi cái dở (lồ lộ ra đấy thôi sau vài ba tháng "vợ chồng"). Hiểu những lúc "có vấn đề" mà Họ dấu diếm "dở ẹc". Hiểu tính, hiểu nết, hiểu tình sâu cạn, hiểu thói trăng hoa hay hiền hòa như đất .. Hiểu còn hơn cả bản thân "đương sự" rất nhiều !!!

 

Phải nói không tự hào đâu nhé, chúng tôi, những bà già lục tuần hoặc xém xém lục tuần, tính nết vẫn "trẻ măng" một thời Rạch Giá vậy à. Dù hết sức dĩ nhiên, các cô nữ sinh áo dài trắng, nón lá nghiêng nghiêng, má hồng môi thắm của tuổi thanh xuân không thể nào còn tại thế bởi định luật vô thường của Sinh, Lão, Bệnh, Tử ..  Nhưng bên trong mỗi xác thân thịt nhão gân chùng ấy, vẫn thấp thoáng cái lí lắc xa xưa, cái tinh nghịch "thứ ba học trò, sau nhứt quỉ, nhì ma". Nhiều khi được ướp thêm gia vị của cuộc sống trôi nổi, truân chuyên, nên trong các câu chuyện kể lúc hàn huyên tâm sự, đôi khi mang thoáng ngậm ngùi dâu bể, đôi khi làm vỡ bùng những tiếng cười trào nước mắt nước mũi .. hả hê.

 

.. Phần tư thế kỷ mới hôm kia

Hôm kia có lũ bạn đi về

Về sân chim nhảy, rơi đầy phượng...

............................................

(Phúc Nguyễn) -  PV9

 

Tôi đã được gặp nhiều lần Hạt Mưa Bồ Tát Ðạo (LA), đã từng đi ăn cưới ở đây, từng được hưởng rất nhiều "lợi lạc" nơi chốn này, nên chỉ biết âm thầm lưu giữ những "ơn sâu nghĩa nặng" của hai bạn Lâm-Lý nhà ta.  Riêng các Hạt Mưa Góa Phụ (NJ), Hạt Mưa Mỹ Miều (PA), Hạt Mưa Nhỏ Xíu (VA) thì chắc cũng cần đôi chút "dông dài" cho vui cửa vui nhà nhân thế. (Xin phép được gọi tên các bạn mình như vậy nha, để thấy rằng dù cùng chung thân phận là những Hạt Mưa trong trẻo, xinh xinh, tinh khiết từ mẹ thiên nhiên, nhưng "rơi" về mỗi nơi mỗi khác, nên đành mang những sắc màu dị biệt, bởi "gần mực thì đen, gần đèn thì .. "nóng", nhiều khi nóng quá đến nỗi "hạt mưa" bốc hơi thành "hạt lệ" khóc thầm ..)

Câu hỏi mà tôi từng tự hỏi mình nhiều lần, rất rất nhiều lần, mà lần nào cũng mang tới cho lòng tôi cảm giác hết sức "nâng đỡ, đỡ nâng" những khi bị đời "hành" mệt lả

***

 

Câu hỏi mà tôi từng tự hỏi mình nhiều lần, rất rất nhiều lần, vậy chứ lần nào câu trả lời cũng mang tới cho lòng tôi cảm giác hết sức "nâng đỡ, đỡ nâng" những khi bị đời "hành" mệt lả châu thân ..

 

.. Sao thế nhỉ ? Sao trong từng tấc lòng người con xứ biển mặn, lại quá đỗi ngọt ngào: "Vị ngọt tinh khôi chan chứa mãi trong đời" (Vương Khánh Vân)

 

Sao thế nhỉ ? Sao trong những con người miệt quê lục tỉnh, chơn chất thật thà này lại chan chứa tình hoa sen cao đẹp:

 

Lòng ta như ao nhỏ,

Ủ hoài màu sen thơm

(Ca Dao - Rạch Giá)

 

Cái gì thế nhỉ ...???

 

Cái gì đã giục giã từng chúng ta : Hơn "Ba mươi năm vẫn một lòng tìm nhau" ! Bắt đầu  từ năm 1999 trở đi, hễ cứ 2 năm 1 lần , là mỗi mỗi chúng ta lại hăm hở gác qua hết mọi bận bịu riêng tư, chịu tốn kém ăn ở, chịu mệt nhọc di chuyển đùm đề "phu, thê, tử" (đôi khi còn có cả song thân phụ mẫu đùm đậu theo cùng) để tìm đến với nhau ..!!!

 

Cái gì đã xui khiến có những người dám "đứng mũi chịu sào", "ăn cơm nhà, vác ngà voi, nghe chúng chửi, lòng vẫn vui", xung phong tổ chức, gọi mời họp mặt , không quản ngại lao tâm, khổ tứ, tổn phí riêng mình mà còn lôi kéo cả gia đình  góp công góp của tham gia hăng hái ..

 

Cái gì đã khiến tâm của những đứa học trò xưa một lòng trân quí Thầy Cô cũ, và nhất định "giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ", đã hoan hỉ mở rộng hầu bao và nhà cửa để mời mọc Thầy Cô cùng Bạn bè và đãi đằng hết mực chu đáo. Có bạn còn lo liệu hết mọi phí tổn để rước Thầy Cô từ ngàn dặm xa xôi về cho thỏa lòng nhớ thương ..!!!

 

Tình đồng nghiệp cũng phải nói là quá tuyệt vời nên Thầy Trần Quang Đại đã phải kêu lên :"...Tình bạn, tình đồng nghiệp thiệt nồng nhiệt, ân cần tới mức không thể ngờ được rằng trên đời này lại còn có được như vậy !!!" (Trích NGÀY VUI QUA MAU )

 

 

Cũng những câu hỏi đó, tôi mang canh cánh bên lòng, sau mỗi lần từ nhà các Hạt Mưa của tôi quay về chỗ trọ:

 

Sao thế nhỉ ? Sao trong từng tấc lòng người con xứ biển mặn Rạch Giá lại quá đỗi ngọt ngào. Sao trong những con người miệt quê lục tỉnh Kiên Giang chơn chất thật thà này lại chan chứa tình hoa sen cao đẹp ? Tôi không nói đến những buổi họp mặt qui mô hàng mấy trăm người. Ngay cả những lần "hội ngộ bỏ túi" thôi, bạn cũng mở rộng hầu bao và nhà cửa để mời mọc và đãi đằng bạn hết mực chu đáo. Cái đáng nói nhất là "đức phu quân" của bạn (cho dù là Trai hay Rể Rạch Giá đi nữa) cũng hết sức "tâm đầu ý hợp" trong việc chào đón bạn bè. Nhiều khi "được ăn, được nói" thỏa thuê, hỉ hả rồi, còn được "gói đem về" hậu hĩ nữa chớ. (Lúc đến chỉ mang 1 túi lép, khi về thành 2, hoặc tay xách nách mang nhóc nhách, lặt lè … Nhớ khi xưa đi thăm nhà học trò ở Long An cũng y chang như vậy, bao giờ khi  ra về phụ huynh học sinh cũng gởi Cô quầy dừa xiêm, trái bầu, trái bí mới hái, đám rau tươi xanh, mấy con khô, hũ mắm .. bởi thương mấy cô giáo "nghèo" Sài Gòn lặn lội dạy học xa nhà. Còn nơi đây, xứ Mỹ lạnh lùng,  bạn thương tôi vì cái phận "mồ côi" chuyên viên mì-gói-ăn-liền có phải ???)  

 

Nhớ lại lần mang tiếng là đi thăm bạn bệnh, chớ bản thân cũng không nấu được miếng cơm, miếng canh cho bạn đỡ nhọc nhằn. Bạn (ốm) còn đi ra chợ mua cá, mua rau về lui cui nấu nướng cho bạn (khỏe) ăn với lời đe dọa "Hổng ăn hết là đổ bỏ đó nhen" (Cái máu con nhà nghèo rất kỵ hai tiếng "đổ bỏ", bởi vừa "tiếc của", vừa sợ "tội", đành phình bụng ra ăn trong mắt nhìn trìu mến và cái mỉm cười hài lòng của bạn !!!) . Hạt Mưa Góa Phụ của tôi đó. Nàng hiền hòa, ít nói, nhưng khi nói ra câu nào là chín muồi suy nghĩ, đầy kinh nghiệm thực tế. Ðặc biệt nụ cười, với cái răng khểnh duyên dáng, như là tỏa nắng ấm, hết sức ấm áp ngày mưa giông (thảo nào anh Bông Mai Bắc Kỳ phải "rinh nàng về dinh" thiệt lẹ nên bạn tôi đành bỏ học nửa chừng xuân). Anh mới vừa vĩnh biệt vợ con hồi tháng tư này. Anh để lại hai ngôi nhà như là "lâu đài tráng lệ" chứ không phải giỡn, sau những tháng ngày "vươn lên" trần thân nơi xứ lạ quê người. Các con anh cũng mang cái "gien" nghị lực của bố và được sự  thương yêu chăm chút của mẹ nên đều đã "thành nhân chi mỹ" hết trơn. Bây giờ, có điều gì, Nàng cũng gọi phôn "hỏi" cô gái út. "Nó giỏi lắm nghe, cái gì mình cũng hỏi nó hết à ..". Nó là K. - một thiếu nữ tóc đen dài, da trắng mịn, đẹp dịu dàng nét đài các Á Ðông, nhưng ngôn ngữ và giao tiếp hết sức Âu Mỹ, tháo vát, nhanh nhẹn. K. thương mẹ nên K. cũng quí bạn của mẹ, chu đáo, ân cần như người thân trong gia đình. Cảm ơn K.  Cảm ơn cái ngày đi tour ở NY đầy mưa gió sụt sùi. Cảm ơn mấy cây dù "hàng mã". Cảm ơn ly cà phê Starbucks thơm lừng. Cảm ơn tô mì "tuyệt hảo". Cảm ơn cách đón xe Taxi hết sức "ắc-sần" (action) không thể nào quên. Cảm ơn bác tài xinh đẹp đã đưa đi, chở về, đường từ NY về NJ mịt mùng mưa như trút, tối và lạnh nhưng tay lái vẫn vững vàng, cứng cỏi, bình an. Cảm ơn cái Apartment nho nhỏ xinh xinh như tổ chim bồ câu của đôi vợ chồng mới cưới. Xin gởi lời chúc mừng lần nữa "Trăm Năm Hạnh Phúc" nhé, cô Út cưng của bà mẹ Hạt Mưa New Jersey. 

 

Tuy là bậc "bô lão" của chúng tôi, (vừa là bà nội, bà ngoại của đám cháu trai gái đề huề), nhưng Hạt Mưa Góa Phụ còn trẻ trung lắm, duyên bề ngoài, đẹp bên trong, hát rất mùi, nấu ăn ngon, phục sức trang nhã, hòa đồng .. Nàng đúng là mẫu người phụ nữ chịu đựng, chấp nhận và biết tha thứ những "bay bướm, lả lướt" của chồng một thuở "đào hoa", ngay cả một đời "hào hoa, phong nhã" luôn ! (Nói thì dễ lắm nghe, nhưng làm mới là khó đó. Bởi có nhiều khi, những "đùng đùng" ghen tương bóng gió còn đẹp đẽ nỗi gì, chỉ làm "Xấu anh, xấu ả, cấu cả đôi đàng" thôi, phải không .. ??? Biết vậy, nhưng dễ có mấy ai được như bạn của tôi: "Thân em như ớt chín cây, Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng" -CA DAO VN-). Ngậm ngùi cho bạn má hồng phận bạc,  nhưng dù sao cũng rất mừng vì con cái của bạn đều đã nên gia, nên thất đàng hoàng, khi bất ngờ, rất bất ngờ hay tin bạn trở thành "cô đơn độc đạo" giữa cuộc trần ai ... 

 

Em trở lại ngậm ngùi bên cô quạnh

Con dốc ngày xưa con dốc vu qui

Giòng sông đó, giòng sông buồn quay đi

Những bến đỗ ngại ngùng ai ngóng đợi ?

(TÔ MẶC GIANG)

Hồi còn đi học Nguyễn Trung Trực, từ đệ thất tới đệ tứ, Hạt Mưa Mỹ Miều cứ y như là "tiểu thư kín cổng cao tường"

***

 

Hồi còn đi học Nguyễn Trung Trực, Hạt Mưa Mỹ Miều cứ y như là "tiểu thư kín cổng cao tường". Khi tan trường về là nàng chui ngay vào cái tháp ngà của nàng, bởi người Bà của nàng "úm" nàng kỹ lưỡng trong cái "nôi" lễ giáo, con nhà. Nàng nhỏ con thường ngồi bàn nhứt. Học hành chăm chỉ. Hạnh kiểm tốt. Sức học khá. Ít tham dự các cuộc vui chơi, đàn đúm nhà bạn này nấu chè, nhà bạn kia làm bánh đãi mấy Thầy Cô từ xa tới Rạch Giá dạy học. Nàng trắng trẻo. Ăn mặc đồng phục sạch sẽ. Không chưng diện như mấy chị ngồi dãy bàn cuối, người lớn hết sức, và "điệu" cũng khỏi chê. Nàng đâu có "dám" nói năng lớn tiếng, cười nói ồn ào. Ðâu có "dám" đi dọc về ngang với chúng với bạn "cái đám nhứt quỉ, nhì ma" chúng tôi.  (Nói nào ngay, mấy cô nữ sinh tỉnh lẻ này cũng đâu có quậy phá gì cho lắm, chỉ có gan hết mức là đi hái ổi trộm, hái trái chín hoặc bông đẹp của nhà ai đó thôi hà. Lỡ bị phát giác bèn chạy trối chết, cong đuôi đạp xe mà trái tim thì đập bình bịch loạn đả thần hồn, chạy đến bạn ngồi sau bọt-ba-ga rớt cái bịch hồi nào cũng đâu có hay .. Bạn Hạt Mưa Bồ Tát Ðạo kể lể "thành tích xa xưa" với cái cười tít mắt và chỉ bạn Hạt Mưa Nhỏ Xíu bị té cái bịch nè ..)

 

Bây giờ, trước khi gặp tận mặt, trước khi thật sự tay bắt mặt mừng, nghe nói chuyện trong phôn thôi cũng thấy Hạt Mưa Mỹ Miều hoàn toàn "khác biệt" những ngày xưa thân ái đó. Nàng cười hắc hắc trong phôn. Nàng tiếu lâm, khỉ khọt. Nàng tía lia "có sao nói vậy người ơi" rôm rả . Khi gặp nhau rồi mình mới hiểu cớ sự rằng thì là mà .. tất cả những đổi thay tốt đẹp này đều bắt nguồn từ "ông xã" của Nàng mà ra. 

 

Giữa đồng hoang và đại ngàn sẫm tối

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đời mình

Trái tim đập những điều không thể nói

(XUÂN QUỲNH)

 

Khi đọc mấy câu thơ trên của nhà thơ Xuân Quỳnh, ta thấy được cái khép nép, cái bé bỏng đến tội nghiệp vì cảm giác lo âu, cảm giác lạc loài, run sợ của người Nữ trước người Nam rộng lớn như đồng hoang, như đại ngàn, như rừng sâu, mênh mông bóng tối khó hiểu, khó dò xét. Người Nam của Hạt Mưa Mỹ Miều không phải thế. Dịu dàng. Hiền hòa. Chơn chất. Con người anh cũng êm đềm tha thiết như giọng hát trầm ấm của anh. Anh không làm cho ai phải lo âu, sợ hãi. Anh không làm cho bất cứ người bạn nào của vợ có cảm giác lạc loài khi ghé đến "lâu đài tình ái" của vợ chồng anh. Ai cũng đều mừng cho Hạt Mưa Mỹ Miều thiệt vô cùng có phước khi "kết tóc se tơ" với Bố của chú nhóc Khố Chuối - được thương yêu trân quí như báu vật trời ban. Nói không quá lời một chút nào, anh là người đàn ông có quá nhiều điểm trội vượt: đẹp trai, học giỏi, nghề nghiệp ngon lành, ca và đàn hay, chụp hình đẹp, say mê sưu tầm "đồ cổ" và thương vợ thương con khó kiếm trên đời. Mấy mươi năm chung sống, chưa bao giờ Hạt Mưa Mỹ Miều có điều gì "phiền não" về anh. Chỉ có bản thân Mỹ Miều là phải cố gắng học nấu ăn cho anh được ngon miệng hơn, chứ anh cũng chả hề đòi hỏi khen chê gì những vụng về tất yếu của cô tiểu thư một thời son trẻ đóng đô trong tháp ngà tỉnh lỵ. Cái cười nói rôm rả, cái thay đổi toàn diện của Hạt Mưa Mỹ Miều hôm nay là bằng chứng rõ nét nhất để thấy rằng hạnh-phúc-vợ-chồng làm người ta được lột xác để "trẻ mãi không già". Nói không nịnh bạn bè tí nào, nhìn anh chị sánh vai nhau dung dăng dung dẻ, đâu ai dám bảo là đang chuẩn bị "xê-nho" (senior) .. ??? Anh chị cũng không bao giờ quên Thầy Cô cũ, hễ có lời kêu gọi nào để giúp đỡ Thầy Cô là anh chị hưởng ứng ngay, hễ có dịp nào bạn bè ghé về PA là hai vợ chồng nồng nhiệt đón chào .. (Anh là con trai Rạch Giá chính cống đấy nhá. Anh hát hay đấy nhá. Chả thua gì ca sĩ tí nào đâu, do đó ai mà phát ngôn rằng: "Người Kiên Giang không biết hát" là dễ bị mích lòng lắm đó nha !!!) 

 

***

Thuở ấy tôi về ngang đất cũ

Thuở ấy tôi về ngang đất cũ

Ngày thơ ngây cũng đẹp như hồn

Người đi trên những con đường đó

Lòng cũng lên mùi cỏ mới thơm

(TRẦN DẠ TỪ)

 

Mỗi lần gặp lại bạn bè Rạch Giá xưa, tôi lại thấy mấy câu thơ này "hay" đến lạ kỳ. Thì vậy đó, những tháng ngày thơ ngây .. Một đoạn đời thơm hương cỏ non .. Ôi, đất Rạch Giá cũ. Ôi, trời Kiên Giang xưa. Ôi chữ tình  đâu có chịu già theo năm tháng !!!  Tất cả như hôm qua, hôm kia, hôm kỉa .. thôi mà. Chỉ khi nhìn thấy đàn con lớn nhanh như thổi, mới vỡ lẽ rằng "măng mọc" thì "tre đã già .. khằn" !!!

 

Chuyến gặp gỡ kỳ này làm tôi chợt thấy rất mừng và hãnh diện cho các bạn tôi, bởi tôi được nhìn thấy tận mắt những "tác phẩm" của các Hạt Mưa và Bến Ðỗ .. Con nào mặt mũi cũng đẹp đẽ, thông minh, học hành đỗ đạt (những bằng cấp mà cha mẹ chúng hồi VN chưa từng "mơ" thấy nổi).  Con nào cũng mang nét và dáng dấp của bố hoặc mẹ. Như con gái lớn của Hạt Mưa Nhỏ Xíu thì  cứ  nhỏ xíu-xìu-xiu như cô bé 13, mảnh dẻ, dù mang giày hơi có gót cũng chả thấy "nhớn" thêm tí nào. Vậy chứ khi thấy Cô bé bước ra từ hướng cửa làm việc của Tòa nhà Thượng-Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ mới thấy "oai" làm sao. Cô bé này cũng như K. (con của Hạt Mưa Góa Phụ) ân cần tiếp đón bạn của bố mẹ như người thân thuộc gia đình. Cô bé vừa làm hướng dẫn viên du lịch vừa làm nhà nhiếp ảnh "1, 2, 3" chụp liền. Chúng tôi được viếng thăm Capitol không cần đợi chờ "lấy vé vào cửa" lâu lắc. Cô bé thoăn thoắt đưa mấy bà già "lệt bệt" leo cầu thang, xuống cầu thang đặng chụp hình lưu niệm (toàn là khách phương xa từ Calif., từ Louisiana, từ New Jersey, từ Phila, từ Maryland tới chứ bộ). Rồi cả đám "cụ" nữ sinh Rạch Giá được hướng dẫn đi chụp hình ở bên trong thư viện Lưỡng Viện, mặt tiền tòa Tối Cao Pháp Viện. Bụng người nào cũng vui, nhưng mặt mũi chắc là nhăn nheo lắm lắm vì nắng thủ đô "dòm ngó lom lom" mấy bà Việt Kiều này dữ ác luôn. Còn mấy cái đầu gối thì "lỏng lẻo" quá nên cần ngồi xuống đặng vừa thở vừa "vặn" bù-loong, con tán. 

 

Phải nói, câu của Nguyễn Du ngày đó không còn chính xác mấy nữa: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Hổng dám đâu. Gặp nhau mà người này đía dzô một câu. Người kia xổ cho một tràng. Cười bể bụng. Cười sái quai hàm. Cười chảy cả nước mắt nước mũi lận. Ðố ai mà không cười thử coi trước cặp vợ chồng Hạt Mưa Nhỏ Xíu (VA).

 

Nhưng rồi ngày vui qua mau. Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc tàn .. "Gặp nhau đây, rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây .." Bài ca sinh hoạt học đường xa xưa văng vẳng bên tai .. "Ðường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy .. Ðường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy ..".

 

Có khi nào sum vầy ngay trên đất mẹ Việt Nam không vậy ???

 

 

 

 

 

 

Tháng 05/09.

 

 

(Bài riêng tặng các "Cụ" Nữ Sinh Rạch Giá)

 

 

GHI CHÚ:

 

(*) - Thân em như hạt mưa sa, Hạt vào gác tía, hạt ra vũng lầy.

1- Thân em như tấm lụa đào, Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?

2- Thân em như thể bần trôi, Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu ?

3- Thân em như cá rô mề, Xôn xao buổi chợ biết về tay ai ?

4- Thân em như giếng bên đàng, Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

 

 

website counter