PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 80

hoathienly_1chum.jpg

(Hoa Thiên Lý)

BÔNG HOA NHÀ NGHÈO

 

 

* BÔNG HOA NHÀ NGHÈO *

 

 

- HOA THIÊN LÝ

 

Tôi có một cố tật. Ðại tật. Ðến chết cũng không chừa. Chắc chắn như vậy đó mà: Mê cái gì thì dứt không ra !!! Thì ai đời, nghỉ vacation là để "ngơi", để ăn, để ngủ cho béo mắt, mập thây (bù lại những tháng ngày thèm ngủ như điên vì cái "ca đêm") chứ ai lại thức trắng dờ, mò mẫm đi dạo trong chợ trời Internet đến ê cả đít, gù cả lưng, mỏi cả tay, mắt có lẽ tăng độ cận lên dữ lắm rồi. Mê man tàng tịch gì mà quên cả ăn, quên cả uống, chỉ có cái chuyện bài tiết là không thể nào cưỡng lại định luật thiên nhiên nên đành phải .. chạy !!! 

 

Ấy chết, xin các ông các bà, các cậu mợ, chú thím, cô dì ơi .. Ðừng có hiểu nhầm là tôi lọ mọ để xem cho được các .. bông hoa biết nói nhà nghèo, thiếu tiền mua vải vóc che thân, họ "chuổng cời" khoe những vùng "tam giác .. thịt" chổng ngược, rồi  họ "ấy" nhau với những bông hoa đực, cái khác .. hằng hà sa số kiểu ..  đấy nhớ. Oan lắm cơ. Ức lắm cơ. Tiếng Việt bây giờ nó "loạn" quá đi mất. Cứ nói gà mà có người hiểu vịt. Mà lại là vịt cồ nữa mới ác chứ. Xin hiểu đúng đắn rằng thì là mà .. Hoa (Bắc) / Bông (Nam), được trồng trong vườn, ngoài hàng hiên, bờ dậu .. Bông hoa nhà nghèo này đích thị là bông hoa "thứ thiệt" của người dân "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" đấy ạ !!!

 

Số là cái-thằng-tôi trong một tuần "nằm nhà dưỡng sức" này, bỗng thấy nhớ bà má mình quá thể, nhớ lại những ngày hồi nào nghỉ hè được về thủ thỉ, thù thì, mẹ mẹ, con con .. Rồi lại được má nấu cho những món canh rau tập tàng, canh bầu, bí, mướp, khổ qua .. thanh tâm giải nhiệt thì thôi.  Ðược nghe má kể những món ngon miền Bắc mà thèm nhỏ cả dãi ra nữa: Hoa Thiên Lý nấu với cua đồng nhá, bánh đa chan với canh riêu cua nhá. Bởi vậy khi đọc "Hoa Thiên Lý" của Duyên Anh   tôi hiểu ngay tức thì rằng món ấy ngon lắm (dù chưa hề được "nếm" thử qua một lần):

 

"Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu chồng con. Chả biết mầu xanh dìu dịu của lá và hương thơm nhẹ nhàng của hoa thiết tha là bao mà mẹ tôi âu yếm nó thế.

Thường thường mẹ tôi trồng từng khóm. Mẹ bắc khum khum một cái giàn. Chiều chiều mẹ xách nước tưới vào gốc cho cây chóng lớn. Khi lá theo cành lên kín đầy giàn và khi loài ve sầu rủ rê mùa hạ sang thì họ hàng nhà bọ ngựa đã tha thẩn cả ngày leo bò lên giàn hoa lý xanh tươi.

Đối với tôi hồi còn bé có lẽ cây ổi chĩu nặng quả chín còn thú vị hơn giàn hoa thiên lý của mẹ. Nhưng mỗi lần theo mẹ mang rổ ra vườn hái từng chùm hoa về nấu canh với cua đồng, tôi thấy lòng tôi hớn hở và cả lòng mẹ cũng tươi nở dưới giàn hoa.

- Hoa thiên lý nấu với cua đồng ngon lắm cơ con ạ !" (DUYÊN ANH)

 

Má tôi và mẹ của tác giả D.A. (mà có lẽ các bà mẹ gốc miền Bắc nào đi nữa) cũng đoan chắc với con mình như thế: Hoa thiên lý nấu với cua đồng ngon lắm cơ con ạ !!! Tôi cứ mang cái sự tin tưởng ấy suốt mấy mươi năm nay rồi, bây giờ, hôm nay tôi mới chợt vỡ nhẽ một điều rằng .. chắc chả bao giờ mình được thưởng thức cái món ấy nữa đâu để mà thẩm định rằng nó ngon đến mức độ nào. (Mà biết đâu trong cái sự đinh ninh ấy cùng với tính tưởng tượng thừa thãi sự phong phú đã làm món ăn này trở thành .. "tuyệt hảo" hơn lên từ bấy đến nay ?!?!?!)

 

Hồi xửa, hồi xưa, ở Rạch Giá cua đồng rẻ ối. Cái xứ tôm cá [cá đồng, cá biển] ê hề, cua đồng ai mà thèm rớ (ngoài những bà má Bắc Kỳ hoặc những ông bợm nhậu nghèo có, giàu có đôi khi muốn đổi món ăn chơi) thì thích lắm, vừa rẻ tiền, vừa bổ, lại vừa ngon. Bởi ít người mua, nên cũng ít người bán. Mà mua bán cũng tùy theo mùa trăng, con nước lớn ròng nữa, nếu không, cua "ốp rộp" chỉ toàn vỏ là vỏ, chả có tí thịt nào ở trong thì đúng là "khôn nhà dại chợ". Do đó khi nào mua được đám cua "mẩy", mớ ốc "béo" là má đã bận lại càng bận hơn để giã "cồm cộp" cái cứng còng. Còn ốc thì luộc hoặc phải "nhể" tươi nguyên con để xào lên thơm lựng cho món bún ốc riêu cua, hoặc món ốc bung, ốc giả ba ba .. Tôi được tha hồ ăn các món Bắc Kỳ của má như vừa kể, hoặc bình thường như canh rau muống, rau mồng tơi, rau đay, canh rau tập tàng nấu với cua đồng giã nát lọc lấy nước, ăn với cà pháo mắm tôm. Cơm gạo trắng tinh bốc khói thơm ơi là thơm, canh cua ngọt ơi là ngọt, cà pháo dòn ơi là dòn, mắm tôm ngon ơi là ngon, ôi những bữa cơm tuyệt vời không thể tả của một thời không thể nào quên. Nhưng trăm lần như một, mỗi khi nghe tôi xuýt xoa khen ngon như thế, má tôi thường chêm vào: "Nếu cua đồng nấu với hoa Thiên Lý còn ngon hơn nữa con ạ !!!" .. thế là "cơn ngon" của tôi bị cụt hứng ngang xương !!! (Trời ơi, tôi "ngõm ngọ" cái món hoa Thiên Lý nấu với cua đồng này biết là chừng nào !!!)

 

Má con tôi hồi đó, dù ở Rạch Giá hay sau này lên Sài Gòn đi nữa, thì muôn đời vẫn là dân nửa quê nửa tỉnh, nửa Bắc nửa Nam, nửa "guộng" nửa chợ .. Bởi vậy, có bao giờ tôi thấy tận mắt hoa Thiên Lý nó ra "nàm thao". Màu hoa Lý nó ra "thế lào". Nhà tôi đâu có tí đất đai vườn tược gì, với lại má tôi đầu tắt mặt tối với cái quán hàng tạp hóa như thế thì đào đâu ra thì giờ mà trồng trọt, mà chăm bón cái giàn Thiên Lý nên thơ. Còn tôi thì cắm cúi vào ba cái con chữ, với thước bút, làm con-mọt-sách-hạng-gạo-cội nên có thò đi đâu để mà tìm hiểu vạn vật cỏ cây .. Với lại chả biết cái khí hậu, đất đai thổ nhưỡng miền đồng bằng sông Cửu này có "hợp" với hoa Thiên Lý hay không ??? (Y như chuyện Hoa Sữa trồng ở miền Bắc thì thơm tho như thế bởi cái mát mẻ, lành lạnh của đất trời nơi ấy, đến khi mang vào miền Nam, cái nắng nhiệt đới làm mùi hoa huyền hoặc ấy bỗng trở thành "nồng nặc .. thối rinh" !!!)

 

Rồi bây giờ, ở đất Mỹ với fast-food-to-go này, tìm đâu ra cua đồng, tìm đâu ra hoa Thiên Lý. Thì giờ đâu lặn lội kiếm tìm để được kết quả tốt lành như câu trong Kinh Thánh:"Cứ gõ thì cửa sẽ mở. Cứ xin thì sẽ được cho" ??? 

 

Thế là, đành mang cái nỗi ngậm ngùi .. "chết thèm" một món ăn dân tộc, một đặc sản quê hương suốt mấy mươi năm ròng và có lẽ sẽ "ôm theo xuống tận tuyền đài" là cái chắc thôi !!!

- BÔNG MÙ U:

- HOA MÙ U:

 

Văn Thánh trồng thông

Võ Thánh trồng bàng

Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u

 

Trong bài  Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u, tác giả TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI viết thật hay, thật lạ, về một loại hoa nhà nghèo ở miền Trung, quê hương tác giả như vầy:

 

.. "Loài hoa tôi nói ở đây, tên nghe cũng không văn vẻ gì, nôm na lắm, đó là hoa mù u. Ngày xưa, người ta trồng cây mù u vì hai lý do. Một là để lấy dầu thắp đèn, hai là có bóng mát. Cây mù u lá dày, tàng cây rậm, cho bóng mát rất tốt.

… …

Vì nhu cầu ánh sáng, người dân ta trồng nhiều mù u.

Vỏ mù u cứng, bọn trẻ dùng làm bi để đánh chơi. Các bà cụ bán nước mắm, cắt vỏ mù u như cái gáo dừa, tra một cái cán để múc nước mắm trong hũ, bán cho khách hàng. Ngày xưa không có chai thủy tinh như ngày nay. Đồ nung bằng đất sét thì nhiều. Hũ làm bằng đất sét.

Từ việc trồng mù u để lấy dầu, mới sinh ra sáng kiến đánh Tây bằng trái mù u.

… …

Về mùa xuân, mù u nở hoa. Hoa mù u xấu, nhỏ lại nở trên tàng cây cao và lớn, ít ai thấy, để ý. Ít ai dùng hoa mù u để biểu tượng cho con gái, tuổi trẻ, hạnh phúc. Vì vậy ca dao có câu:

Bướm vàng đậu trái mù u

Lấy chồng càng trẻ lời ru càng buồn.

Người thì đẹp lấy người chồng không “xứng đôi vừa lứa” như con bướm vàng đậu trên cái bông mù u thì đời vui làm sao được. Vì vậy mà tiếng ru con nghe sao buồn lắm !" (TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI)

 

Chỉ là một loại cây dân dã, với cái tên mộc mạc mang hai căn bệnh vừa (không nhìn thấy vì dị tật bẩm sinh, hoặc có mắt không tròng, không con ngươi, nên cũng không thấy những gì cần phải thấy); vừa u (u này có thể hiểu là nổi mục u ác tính hay lành tính, hoặc có thể hiểu là u tối chăng ???).

 

Bông mù u không ăn được. Hoa mù u cũng không xinh xắn. Nhưng dầu mù u thì hữu dụng tuyệt vời:

 

.. "Dĩ nhiên, ngày xưa không có ngọn đèn thắp ngược như lời tấu trình của chánh sứ Phan Thanh Giản với vua Tự Đức, khi ông ta đi Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Bộ về. Các loại đèn thường có hồi ấy là đèn thắp bằng mỡ, bằng dầu. Mỡ thì dùng mỡ heo, khi bấc cháy, có mùi khét. Dầu lạc không hôi nhưng mắc tiền, chỉ có dân hít-tô-phe mới dùng đèn dầu lạc. Ngoài ra còn có đèn dầu chai, dầu chai là dầu lấy ở cây dầu trong núi, đốt rất sáng. Ca dao có câu:

Ai ơi chớ phụ đèn chai,

Thắp trong nhà ngói, rạng ngoài nhà tranh

Thông dụng là đèn dầu mù u, vừa rẻ, vừa ít khói mà lại sáng." (TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI)

 

Ðọc hết bài của tác giả, ta mới thấy thấm thía thân phận dân mình, nghèo miết bởi chiến tranh, nghèo miết bởi "cái khó nó bó cái khôn" (nếu có khôn thì cũng chỉ ở dạng nhỏ nhoi, không thoát ra khỏi cây đa đầu làng, bờ tre, ruộng lúa buồn tênh ..)

 

.. "Sau 1945, Xã Tắc không còn mù u. Người dân chặt làm củi hết rồi. Trong nội thành Huế, chỉ còn con đường trước Tam Tòa là còn hai dãy mù u trồng hai bên. Lá mù u lớn, chứa nhiều nước nên giọt nước trên lá mù u rớt xuống vừa to vừa nặng, tiếng kêu cũng lớn. Nhà thơ Đỗ Tấn tả cảnh đêm mưa ở Huế với cây mù u như sau:

Đêm Huế mưa buồn như em không nói

Những cây mù u gục đầu

Lạnh về cắn xé đêm thâu." ..

(TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI)

 

Ngoài cái dầu mù u hữu dụng. Trái mù u còn làm loại thuốc xức ghẻ rất hay. Gỗ cây mù u đóng bàn ghế, làm cột nhà cũng rất bền chắc. Nhưng có lẽ cái bền chắc nhất trong đạo nghĩa vợ chồng thì cây mù u cũng có dự một phần trong đó nữa nhen ..

 

Cây mù u, lá mù u

Vợ chồng cắn đắng, thằng cu làm hòa

(Ca Dao)

- BÔNG SO ÐŨA

- BÔNG SO ÐŨA

 

Không hiểu tự bao giờ người ta dùng bông So Ðũa để "dành tặng riêng" cho mấy đấng có "bộ râu dê". Bởi vì dê-sư-phụ rất "phái" món bông so đũa chứ gì nữa, nên dứt khoát loại bông này chỉ để độc quyền cho mấy ông "hảo ngọt" là chí phải thôi. Nhưng từ hồi nào vậy ??? Cái sáng kiến này bắt đầu có tự bởi .. ai, mà có duyên chi lạ vậy .. hihihihi !!! Ðâu có khác gì ở bên Âu Châu, mấy đấng gentleman tặng hoa cho quí bà, quí cô để "ngỏ lời" dấu kín:

.. Người ta còn mượn hoa để nói thay lời. Ngôn ngữ thật là uyển chuyển, tế nhị đúng là một thứ trung gian đáng yêu của tình cảm:

MÃ TIỀN (verveine): nỗi lòng kín đáo chẳng ai hay, BÁCH HỢP (lys): tình trong sạch, DẠ HƯƠNG (belle de nuit): ấp úng không thốt nên lời, ÐỒNG THẢO (violette): khiêm tốn quá, HOA TRÀ (camelias): biết đâu mà tìm,THỦY CÚC (marguerite): yêu ai hơn hết, UẤT KIM HƯƠNG (tulipe): chiến thắng tức là tái sinh, CẨM CHƯỚNG (violet): thầm tạ ơn lòng, HỒNG HỒNG (pink-rose): say đắm, trìu mến. Ca dao xưa có câu: "Vườn hồng ai dám ngăn rào chim xanh", HỒNG NHUNG (rose rouge): say đắm, NHÀI (jasmin): ngây ngất, LƯU LY (myosotys): xin đừng quên nhau, THU MẪU ÐƠN (anemone): chia tay, phản bội, CÚC (aster): bao giờ cho hết khổ đau, HUỆ (lily): thanh khiết, dịu dàng ... (Bai Chuyen sưu tầm)

 

Hồi tôi đi dạy học ở Long An, bà chủ nhà trọ cũng đôi khi nấu canh chua bông so đũa cho chúng tôi ăn, cái vị nhẫn nhẫn của bông so đũa, cái cay cay của ớt, cái thơm thơm của rau quế, cái ngọt ngào của cá linh, của tép .. tất cả làm tôi như là người được "phiêu diêu" miền .. đã đã !!!

 

Nhưng không phải dễ mà được ăn canh chua với bông so đũa hoài đâu nhen. Phải theo mùa chứ: "So đũa bắt đầu ra hoa từ đầu tháng tám âm lịch và kết thúc vào tháng hai, tháng ba âm lịch năm sau" (A.N.). Cũng không phải cứ ra  thò tay hái .. hoa là xong đâu. Phải leo, phải trèo, phải với (bằng sào), phải ngắt nhanh chóng, phải tinh mắt để nhận ra bông nào hái được, bông nào quá "đát", bông nào còn "tin" (teens) .. dĩ nhiên nếu bông đó là bông của cây so đũa nhà mình. Không dễ mà đi hái trộm. Không dễ mà "chôm chỉa" rồi núp trong tàng lá cây rậm rạp như xoài, như ổi đâu nha. Cây so đũa cao, suông đuột, lá lưa thưa, hoa cũng không chi chít. Phải trèo nhiều cây mới hái được một rổ đem bán mà nuôi con: 

 

.." Sáng sớm, trời còn mờ sương, để kịp buổi chợ, không ngại cây cao, không quản sương rơi lã chã, mẹ xắn gấu quần đen ống rộng trèo lên cây, chắp cây sào và với tay hái từng bông so đũa rồi nhẹ nhàng bỏ vào giỏ mang ra đầu chợ.

 

Mỗi bông hoa là mỗi giọt mồ hôi nhân nghĩa của đấng sinh thành. Mỗi ký cũng chỉ có hai ngàn đồng, nhưng đôi mắt mẹ long lanh hạnh phúc khi nhìn những bông hoa trắng tinh, ngọt lịm. Bông nào tươi tắn để dành bán, bông nào xấu xấu để lại nhà ăn. Mùi canh chua thơm nức mùi hoa so đũa với những cọng lá quế nồng nàn cùng những chú tép riu mẹ đặt lọp phía sau nhà !" .. (AN NGỌC)

- HOA và THỰC TẾ:

- HOA, HUYỀN THOẠI và THỰC TẾ:

 

Như đã nói ở trên, những ngày nghỉ ngơi của cái-thằng-tôi, tuần này, coi như là đi đoong mất rồi vì những đêm ngày mò mẫm .. HÁI HOA (không có bắt bướm, mà cũng không hề đi tìm Lá Diêu Bông mần chi). Chỉ có BẺ BÔNG thôi hà (nghe thô tục quá nhỉ ?!?!). Mà cũng không phải là các loại bông Vương Giả (Mẫu Ðơn, Quỳnh Hoa, Phù Dung ..) . Cũng không phải các loại hoa mắc mỏ, cầu kỳ từ cách chăm sóc, tưới tắm cho đến giống lạ, màu sắc, hình dáng độc đáo để nở mày nở mặt với đời vì mình là kẻ sở-hữu-chủ-độc-nhất-vô-song: Lan, Huệ, Tuy-Líp, Hồng .. (y như kẻ mê xe, mê quần áo, giày dép nữ trang .. luôn luôn chạy đuổi theo những gì mốt nhất, mới nhất cho riêng mình .. thì mới hả hê, danh giá !!!)

 

Tôi đi tìm những bông hoa đã thành danh trong văn, thơ, nhạc  mà chưa đưọc "kiến kỳ hình" bao giờ: những loại hoa đôi khi nở hoang trên vùng đồi núi, bạt ngàn san dã, đôi khi nở tình cờ ở hàng rào, rụng trắng trước sân nhà ai, nhiều khi đòng đưa ở con đường ven hồ, nhiều lúc "nở suốt mùa, ướp mật vào hơi thở" ở vùng sình lầy đỉa muỗi U Minh: HOA SIM, TƯỜNG VI, NGỌC LAN, HOA SỮA, BÔNG TRÀM .. May mắn là khi "đi một ngày đàng" trong Internet lần này, tôi mới khám phá ra rằng HOA BAN [miền Thượng Du người ta gọi thế] chứ miền Nam này chính tên là LAN HOÀNG HẬU hay HOA MÓNG .. Huyền thoại của Hoa Ban thì từng nghe mà bi chừ mới biết "dung nhan em", ôi thật là "quá muộn" !!! [mà muộn còn hơn không chứ, các bác nhỉ ???]:

 

… "Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai Mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường - vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân Mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hóa thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa Ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết … Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa Ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban - Khum" ..

… …

Cây Ban, giống như cây sim rừng, nơi nào đất núi, đất sỏi là nơi đó Ban mọc và nở nhiều hoa trắng đẹp. Con trai, con gái vùng Sơn La hẹn gặp nhau vào hội chơi núi hái hoa. Hoa ấy là hoa Ban, tiêu biểu cho quê hương vùng Tây Bắc. Hoa Ban là hoa của tình yêu, hoa của ước mơ trường thọ và là hoa của những con người trẻ mãi không già ... họ ao ước như cánh chim bạn xinh đẹp kia !" (TBDL sưu tầm)

 

Tôi còn mừng húm vì mới "thấy mặt" bông hoa của các loại trái: Ổi, Mận, Thị, Dứa, Mù U, Ðu Ðủ, Dừa, Cà Na, Thanh Long, Bần, Mướp, Khổ Qua, Cà Dại, Dưa Leo, Ðậu Rồng, Bưởi, Khế, Chanh, Tắc .. Bông của các loại rau, củ: Rau Muống, Rau Ðay, Mồng Tơi, Khoai Lang .. Các bông hoa của loại dây bò, dây leo: Bìm Bìm, Mướp, Bầu, Bí, Ti-Gôn .. Những loại hoa hữu sắc vô hương: Bông Giấy, Bông Bụp, Bông Lồng Ðèn .. Hoặc hữu hương mà , theo các bà già xưa, bị chê là vô hạnh, lẳng lơ như nàng Hoa Dạ Lý. Ngay cả không hương, không sắc, còn đeo bám dính chắc vào quần áo người ta một cách phiền toái cũng có mặt hay hay: Bông Cỏ May. Hoa bồng bềnh trôi nổi cũng góp mặt đến là xinh: Bông Lục Bình ! Các nàng hoa Mắc Cỡ [Trinh Nữ] cũng e ấp theo về. Những bông hoa gạo cội của miền Bắc như Hoa Soan, Hoa Gạo, Hoa Sữa hội ngộ với các nàng hoa lừng lẫy miền Nam: Hoa Bằng Lăng, Hoa Phượng đỏ, tím, vàng [= điệp], Bông Tràm, Bông Ðiên Ðiển. Cùng với Hoa Sứ, Hoa Trúc Ðào, Hoa Tường Vi tất cả các nàng hoa mộc mạc này đã thành danh nhờ các thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ .. lăng xê, từ trong nước, đến nước ngoài .. (nhưng đâu có bao giờ vì thế mà trở nên kênh kiệu, đỏng đảnh, hoặc làm "chảnh" dù chỉ một lần. Quí hóa thay các nàng hoa thôn dã !!!)

 

Thế đấy. Kết quả là cái-thằng-tôi hên "bạo" luôn, "diệu thủ" tất tần tật những bông hoa đủ màu, đủ sắc, đủ hình, đủ dáng này "để" vào vườn "xì-lai-sô" [slideshow] của mình (mà từ cái tựa đề của bài này quý vị đã được mời vào xem hoàn toàn "phờ-ri" [free] rồi đấy ạ .. hihihihi .. !!!).

 

Tôi cũng "bê" luôn những bông hoa có tên chẳng lịch sự, lịch sàng gì ráo nữa như HOA CỨT LỢN. Còn BÔNG THÚI ÐỊT thì chưa tìm ra nên chửa để dzô. Chứ mới nghe tả về bánh lá mơ [= bánh lá thúi địt] mà "tâm hồn ăn uống" của cái-thằng-tôi, mèng đéc ơi, nó bèn réo sôi từng hồi .. thèm thuồng, khao khát:

 

.. Bánh “lá thúi địt” (lá mơ xanh) ở chợ quê tôi cũng có nhiều người làm, nhưng không ai qua mặt được dì Sáu Bông. Khuôn mặt dì hiền khô, người ốm nhom, nhưng ai đã ăn bánh của dì thì chẳng thể nào quên. Bánh của dì Sáu làm vừa thơm vừa ngầy ngậy béo vị nước cốt dừa, vừa ngòn ngọt vị đường, vị lá dừa nước, vừa ngai ngái mùi lá thúi địt, lại giòn giòn, dai dai của bột vừa chín tới. Bưng dĩa bánh với những chiếc bánh trong xanh, dèn dẹt, dài dài, chan nước cốt dừa, trộn đều lên, cắn vào một miếng, đầu lưỡi tê đi khi cảm giác kỳ lạ cứ lan dần lan dần. Tưởng như bao nhiêu cái ngon, cái thơm, cái béo, sự tinh khiết của đất trời hòa quyện vào làm nên một hương vị thật đặc biệt, thật khó quên. Chính vì thế mà gánh bánh của dì Sáu bao giờ cũng đông khách và chỉ bán vào buổi sáng, chỉ loáng một lúc là hết, ai đến trễ kể như tiếc hùi hụi. Thời nhỏ, mỗi khi má cho tiền, tôi và Lập thhường phải canh giờ dậy thật sớm đi chợ để được ăn bánh của dì Sáu Bông. Có lần hai đứa tôi ăn no căng bụng đứng lên không muốn nổi mà miệng vẫn còn thèm ! (THANH PHƯƠNG)

- HOA VẪN NỞ MUÔN ÐỜI

- HOA VẪN NỞ MUÔN ÐỜI

 

Trong Phù Vân 25, tôi đã viết như vầy:

 

 .. Chúng ta đang ở giữa một xã hội hoa. Hoa thật. Hoa giả. Hoa trang trí. Hoa trang sức. Hoa triển lãm. Hoa trưng bày. Hoa dược thảo. Hoa sưu tầm. Hoa lai tạo. Hoa mỹ thuật. Hoa kỹ nghệ. Hoa trình diễn và tuyển lựa. Chúng ta đang ở giữa một văn minh hoa, một trần gian hoa. Chúng ta sử dụng Từ Hoa để kho tàng ngôn ngữ thêm phong phú, thêm đẹp đẽ. Chúng ta nói Lời Hoa  để sự giao tiếp không thô tục, sỗ sàng (dĩ nhiên đừng quá độ dễ trở thành sáo ngữ, rỗng tuếch). Chúng ta được nhìn thấy Mặt Hoa yêu quí của bố mẹ, của ngưòi yêu, của bạn gối chăn, của con cháu từng ngày. Chúng ta tuyển lựa Hoa Hậu để trân trọng và thỏa mãn khát vọng tìm kiếm Cái Đẹp. Vậy thì chính bản thân ta sẽ làm gì để được xứng đáng làm Người Hoa (vì người ta vốn là Hoa Đất )??? (HOA BẤT TỬ)

 

Và lần này tôi vẫn muốn lặp đi lặp lại cái ý rằng: trong cõi-người-ta này nếu không có bông hoa nào hết, không có cỏ cây gì hết, thì còn lại cái chi chi .. nhỉ ??? Nhất là cũng không còn hình bóng nào của khung trời kỷ niệm, cũng chả có sắc màu gì cho mơ ước tương lai. Thế là "vô sản đoản hậu" và "tận tuyệt vô thượng" luôn hay sao ???

 

Trái đất đang nóng dần lên. Biển cả sông ngòi đang có cơ cạn nước (LE CRI de LA MER MORTE). Mây nhiễm chất độc thải từ nhà máy. Mưa thán khí rụng đầy lên đầu lên cổ nhân gian. Lửa trong tâm người âm ỉ từng dòng nham thạch hận thù. Lửa trên những cánh đồng khô bùng lên cuồng loạn chỉ bởi một mẩu thuốc lá chưa dụi tắt vô tình, hay một mồi lửa Arson cố ý chủ tâm, ai biết. Gió lại a tòng thổi lửa thêm phần hung bạo, thiêu hủy biết bao sản nghiệp mồ hôi, nước mắt (HỎA HOẠN ở SAN DIEGO). Rồi gió cũng đành thổi bụi tro tàn lắt lay lòng nhân ái của những kẻ bàng quan. Người người mò mẫm kiếm tìm lại những ấm êm bị cơn động đất vùi lấp. Những cơn bão mang tên phụ nữ, những cơn lụt hữu danh tàn phá mọi niềm vui, hạnh phúc hôm qua, hôm kia (HURRICANE IKE _ Picts). Còn chiến tranh thì có từ thuở chào đời, đâu dễ gì ai tiêu diệt nổi để nhân loại được sống kiếp thanh bình, an lạc, hoan ca. Nên người chiến sĩ luôn mang những vết thương không bao giờ lành sẹo trong trái tim. Làm sao trách móc cho đành.

 

Cột tre đực, rào kẽm gai hiền triết

Mái tôn soi trăm lỗ thủng thiên đàng

Sương quánh đặc thành giọt đau bức thiết

Nhễu xuống đời thánh thót chất cường toan

(HÀ HUYỀN CHI)

 

Nhưng mà, ngẫm cho kỹ lại coi, tôi ơi. Mở mắt ra đi. Mở lòng ra nữa, bạn ơi. Trăng khuyết rồi sẽ lại tròn chứ nhỉ. Hết đêm rồi lại tới ngày mà. Hoa muôn đời vẫn nở thôi. Vì những hạt giống tốt đẹp vẫn được lũ chim hiền lành mang đi gieo rắc. Vì phấn hương hoa vẫn được bầy ong cần cù chuyển tải tới muôn triệu rẫy vườn. Vạn vật vẫn sinh sôi, nảy nở, lặng lẽ mà hùng biện không cùng, bài rao giảng về lượng từ tâm của đất trời diễm tuyệt.

 

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

(TÔ THÙY YÊN)

 

Hoa Thiên Lý vẫn nở mãi trong lòng những bà mẹ Việt Nam (như mẹ tác giả Duyên Anh, như má tôi, như những người phụ nữ đảm đang khéo chế biến hoa lá quê nhà thành "đặc sản" độc nhất vô nhị). Hoa Mù U vẫn trắng, vẫn nhỏ nhoi, vẫn cao tít tắp và những cây đèn dầu Mù U vẫn còn mãi  trong trí nhớ dân mình một thời khó nghèo. Hoa Ban vẫn nở rợp trời Tây Bắc để mỗi xuân về trai gái Sơn La rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xòe và nhất là để bày tỏ tình yêu đôi lứa. Bông So Ðũa vẫn còn đó, vẫn là những đồng tiền bà mẹ quê "cắc củm" nuôi con khôn lớn, thành tài. Cũng đồng thời là cái cười-chút-chơi dành cho mấy ông có "lắm lá gan" (Ðàn ông năm bảy lá gan, Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người - Ca Dao).

 

Còn biết bao là Bông Hoa trên khắp ba miền đất nước, mùa nào loại ấy, khoe thắm khoe tươi (ở bển), nhưng ở bên này thì văng vẳng trong cassette, trong CD hoặc nhộn nhịp tưng bừng trong những DVD của các trung tâm băng nhạc Thúy Nga, Asia, Vân Sơn với các ca khúc vượt thời gian như Màu Tím Hoa Sim, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hoa Tím Bằng Lăng, Trúc Ðào, Hoa Trinh Nữ .. vv và vv .. Từ những loài hoa mang tên mỹ miều, đến những loại hoa gọi tên cũng thấy ngượng mồm như Hoa Cứt Lợn, Bông Thúi Ðịt (mất dzệ sinh .. ghê), nhưng món bánh-lá-mơ-xanh nghe sao quá ư là hấp dẫn. Cám ơn Dì Sáu Bông của tác giả Thanh Phương nhe, cám ơn hết thảy những bàn tay khéo léo, những tấm lòng nuôi nấng đầy ắp tình người của người dân quê mình nữa,  đã "sáng tạo", đã "phù phép chế biến"  biết bao là những món ngon vật lạ từ những lá, rau, hoa, củ .. đậm đà cỏ nội, hương đồng; để dù cho dân Việt mình đi xa đến đâu, đến 4 biển 5 châu nào, vẫn nhớ mãi, vẫn hướng về quê nhà với những món quà, những thức ăn ngon tuyệt vời của một thời thơ ấu, đâu dễ gì quên !!!

 

 

 

 

Tháng 10/08

(Mùa thu nhớ nhà)

 

 

hoa_mu_u.jpg

(Bông Mù U)
 
 
 
 

hoalanhoanghau.jpg

(Hoa BAN = Lan Hoàng Hậu = Hoa Móng Bò)

website counter