PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 87

HOA PHÙ DUNG
hoaphudung_moclin_mocphudung.jpg
(Hình cu?a Orient Sea)

 

 

* BÔNG HOA QUÊ MẸ *

 

 

"Hồi xưa tôi rất mê sưu tầm hoa lan, đi đâu tôi cũng tìm xem hoa lan. Điểm tôi đến thăm đầu tiên ở mỗi thành phố lớn là vườn bách thảo (Botanic Garden). Ở Thụy Sĩ tôi đã trồng lan trong nhà có khi số lượng lên đến 300 cây, lúc nào cũng có hoa lan nở. Cách đây khoảng 15 năm tôi mới ngộ ra rằng .. muốn thưởng thức vẻ đẹp thật sự của lan, mình không cần phải trồng hoa trong nhà, mà phải để hoa lan sinh trưởng tự nhiên nơi nó tự sinh tồn và mình phải tìm đến xem rồi để đó chứ không nên đụng đến hay lấy về nhà, vì mình phải để lan lại tại chỗ cho người khác có cơ hội thưởng thức như mình. Với ý nghĩ này tôi đã không còn theo đuổi việc trồng hoa lan trong nhà mình nữa. Số lan tôi có đã lần lượt đi về nhà những người khác vì tôi không thể đem chúng vào rừng ở Thụy Sĩ bởi khí hậu ở đấy quá lạnh và những cây lan này sẽ không thể sống được.

 

Với việc phổ biến cho mọi người về "chuyến đi trong rừng già ở Hòn Tre để tìm ngắm lan rừng" vô tình tôi đã thông báo cho mọi người (khách hàng của RGTNNT) rằng muốn ngắm lan rừng thì khi về Rạch Giá hãy ra Hòn Tre, vào rừng già là gặp ngay. Điều này anh NGÔ QUANG VÕ (RẠCH GIÁ, Ký Ức Một Quê Hương) có thể xác nhận. Tôi e ngại rằng trong 10 người vào rừng già ở Hòn Tre để ngắm lan rừng thì có mấy người đi tay không trở ra ? Bạn bè ở bên Hoa Kỳ có thể ý thức như tôi, nhưng biết những người bà con (sống trong đất liền) ở VN cùng đi với họ có ý thức như vậy không ? Đó là điều làm tôi rất ái ngại. Tôi không trách móc, buồn giận gì chị đâu vì tôi đâu có nói với chị đừng đăng tin này lên mạng.

 

Năm ngoái tôi lại về Hòn Tre. Hòn Tre bây giờ đã được làm đường chung quanh hòn và nhờ con đường này một số người có thêm công ăn việc làm với nghề "chạy xe ôm", và những người đi ăn trộm trái cây cũng dễ dàng hơn ngày xưa, vì chỉ việc hái xong lên xe gắn máy chạy một mạch là đã mất dạng rồi !!!

 

Nơi tàu cao tốc cặp bến gọi là xóm Chợ (Nhà Lầu). Nhà vợ tôi (anh vợ tôi là anh Tham, người mà anh Ngô Quang Võ có nhắc đến trong một bài anh đã viết, anh Võ cũng có nhắc đến vợ tôi tên DIEN) ở xóm Ba, đại khái là còn một chút xíu nữa là đến Đuôi Rùa. Trên đường đi bộ từ xóm Chợ về xóm Ba tôi tình cờ thấy trước nhà của một cư dân (không biết cựu cư dân hay cư dân sau 1975 !!!) có treo một bụi LAN HOÀNG KIẾM to hơn cái thúng giạ và tôi đã nhận biết cây lan này chính là một trong những cây lan mà năm 1992 tôi đã gặp trong rừng già mà không hề đụng đến. Từ năm  1992 đến nay tôi đã rất nhiều lần về thăm những cây lan này và lần này thì nó không còn là của chung nữa. Tôi rất lấy làm buồn nhưng tự an ủi mình rằng người ta đâu có nghĩ như mình.

 

Hòn Tre có những cây lan quí lắm. Tôi đã từng gặp những đám HOÀNG LAN (Vanda) không biết đã bao nhiêu tuổi đời mà phát triển lớn hơn cái nia phơi lúa, nó lớn đến nỗi anh vợ tôi (anh Tham) không nhận ra nó là loại lan quí mà cứ ngỡ là cây hoang (nếu không thấy hoa thì đâu biết nó là lan). Có những tảng đá vách dựng đứng mà lan đã bám trên đá và phát triển đến khoảng 10 mét vuông .. " (TRƯƠNG THANH-BÌNH)

 

Tôi chưa hề biết mặt bạn TTB, nhưng nghe đâu, hồi đó tôi và bạn đều học chung trường Nguyễn Trung Trực, lại còn cùng sinh hoạt Hồng Thập Tự Kiên Giang nữa, Lâm Sốc Hên là huynh trưởng uy tín của tụi này. Tôi nói "nghe đâu" vì toàn là nghe "kể lại" của bạn này, bạn nọ, chứ đâu đã được biết mặt mũi "dung nhan" của bạn TTB đâu, còn cái ngày xưa thân ái á hả, chỉ có trời mà biết à nha, vì cái trí nhớ "bà bắt" mất tiêu .. "gồi" !!!

 

Từ sau bài "Cõi I-Meo" - viết từ năm 1999, vừa đăng lại trong 10 năm đọc lại "tờ" meo cũ - bạn TTB [người đầu tiên viết Email cho tôi, văn mộc mạc như kể chuyện mà hay gì đâu] đột nhiên im lặng ! Tôi cũng có thắc mắc, nhưng chỉ mình ên thôi. Không viết thư hỏi thăm hỏi nom hoặc tìm cho ra lẽ .. Vì cứ đinh ninh rằng, ai ở hải ngoại này, Mỹ hay Thụy Sĩ, thì cũng phải lo cho cái bao tử của bản thân và gia đình. Đâu có ai huởn như mình mà theo đuổi việc viết lách hoặc mê mẩn cái cõi xai-bờ (cyber) đến quên tuốt luốt cõi trần gian. Nên thôi. Cũng có lúc, tôi nghĩ chắc bạn ấy hổng có ưa ba cái chuyện như là ngồi lê đôi mách, tự dưng "hê" lên cho bàn dân thiên hạ biết những Emails gửi riêng - vi phạm luật "privacy" trắng trợn !!! - ["Meo" gửi cho người này, người khác đọc là .. phạm pháp, ngoại trừ mấy bà Hoạn Thư kiểm tra Mail Box của chồng thì "dô-nô-xê"]. Nhưng hồi đó, mới tập tễnh làm web, kiếm bài đăng "lòi con mắt ếch". Vớ được những meo đầy chi tiết quá hợp chủ đề Rạch Giá như của bạn TTB thì còn sung sướng nào bằng. Thế nên .. nếu bạn ấy có "giận" thì cũng là .. "phải phải" !!!

 

Ai ngờ. Tưởng vậy mà không phải vậy. Mãi 10 năm sau .. Bạn không trách tôi đăng "meo" của bạn. Bạn buồn vì những hoa lan độc đáo của Rạch Giá ở Hòn Tre đã không được trân trọng như "tài sản chung" của quê nhà !!! Và câu kết thúc nhẹ nhàng mà hết sức "trọng lượng" cho tôi và tất cả đồng hương:  "Tôi viết đến chị để chị xem và nếu chị có muốn nhắc nhở bạn bè RG về việc bảo tồn cái thiên nhiên cuối cùng của quê hương RG mình thì chị cứ cắt xén chuyện kể trên cho hợp lòng người rồi phổ biến đến bạn bè RG".

 

***

Tôi rất mê bông, mê hoa. Nhưng có một điều khác xa lắc, xa lơ với bạn TTB là bông hoa của tôi không lụi tàn nhanh chóng (Hoa Bất Tử), thứ nữa là tôi không mê chỉ một loại hoa mà thôi (Bông Hoa Nhà Nghèo).

 

Điểm rất giống, giống ơi là giống, giữa 2 người bạn (chưa biết mặt, chỉ mới biết tên) là KHÔNG MUỐN bông hoa mình thích chỉ để dành riêng cho mình ngắm, cho mình chưng làm của rất riêng, mình cất dấu, mình sở-hữu-chủ một cách hả hê, đôi khi vênh váo vì chỉ ta mới có "báu vật" trong tay.

 

Còn điều rất "không giống ai" của riêng tôi là mê hoa, nhưng chẳng thích trồng hoa, chẳng thích chăm sóc, hoặc chưng hoa để ngắm nghía hoặc phô trương cho bạn bè "lác mắt". Hoa của tôi là hoa trong Hình, trong Ảnh, hoa trong các Slide Shows ... (Có thể nguyên nhân chủ yếu là  không đủ điều kiện tài chánh, thời giờ và sức khỏe nên tôi không thể mua hoa tươi, bồn chậu, tưới bón .. Cũng thế, tôi chỉ toàn là du lịch, xem ca nhạc, xem phim bằng Video, tại gia !!! Nói theo kiểu cổ nhân: "ngồi nhà mà biết hết việc thiên hạ" !!!) 

 

Nhân đây, xin được gởi gió mang đi bốn phương tám hướng lời cảm tạ chân thành đến tất cả quí chú bác, anh chị em phó nhòm, các họa sĩ tài hoa, các nghệ sĩ hảo tâm, các bạn bè, thân hữu, lớn tuổi hoặc trẻ trung, trong nước, hay ở hải ngoại. Quí vị đã cặm cụi thực hiện những tác phẩm xinh đẹp, đã "tóm thâu" những đường nét độc đáo, những hình thể kỳ lạ, những bóng sắc tuyệt diệu của vạn vật thiên nhiên, của sơn hà đại địa, chim muông, hoa lá, con người . Với ánh sáng được  canh chừng cẩn mật, với gam màu cặn kẽ đo lường, toan tính, quí vị tận tụy nắm bắt cái lộng lẫy chợt đến chợt đi, cho vào "lò tâm" để đúc thành những sáng-tạo-bất-tử gởi vào đến cả thiên cổ, nghìn thu. Để rồi kết quả của cả một quá trình gian khổ đó chỉ là để hiến dâng, để xẻ chia cùng muôn lòng đồng điệu !!! (Sẽ có người cười mũi vào những lời "phù phiếm" này, vì nếu "cho không, biếu không" những tác phẩm của mình như vậy, nghệ sĩ sẽ "sống" bằng không khí thôi à !!! Vâng. Còn nếu để bán, thì có cái giá nào cho thật cân xứng với công trình tim óc "trần ai khoai củ" đó không ???) 



Ai cũng biết "chiếc áo không làm nên nhà tu"

Ai cũng biết "chiếc áo không làm nên nhà tu".  Nhưng hễ nói đến bộ kimono thì ai cũng biết đó là y phục của người Nhật. Áo xường-xám của người Trung Hoa (bắt đầu từ thời Mãn Thanh). Áo sa-ri (hở bụng) của Ấn Độ. Áo + khăn che kín toàn thân, mặt mũi (chỉ chừa đôi mắt) là của người Afghanistan. Còn áo dài (tứ thân, hai tà), yếm váy và áo bà ba thì đích thị là của Việt Nam ta.

 

Không phải tự dưng đang nói về hoa tôi lại nhảy tọt qua đề tài áo sống ở đây đâu. Bởi vì phụ nữ cũng là hoa mà. Hoa biết nói, hoa biết cười má lúm đồng tiền, hoa có đôi mắt liếc làm bao chàng trai "say lừ đừ" lận (Hoa thơm , hoa ở trên cây, Đôi mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ - CA DAO). Hoa thiệt đâu có cái sức mạnh vạn năng đó chứ. Bởi vậy, khi làm Power Point Slideshows (Hoa Xuân, Cô gái Xuân, Bông Hoa Quê Mẹ, hoặc Thương Quá Quê Nhà ) tôi đều chọn hình ảnh các phụ nữ Việt (trẻ hoặc già, thảnh thơi hoặc lam lũ, mặc áo dài trắng nữ sinh, áo màu che nghiêng nón lá, hoặc áo bà ba gánh bán rong, chèo thuyền, cấy lúa, cày ruộng .., kẻ Kinh người Thượng - đều đến từ trăm cái trứng của cha Rồng, mẹ Tiên -), xen vào đó là những bông hoa quê mình trên khắp mọi miền đất nước. 

 

Phải nói các nghệ sĩ VN ta có con mắt "thần" lận đó. Chỉ là Hoa Gạo thôi, Hoa Cà Chua thôi, Hoa Lộc Vừng thôi, Hoa Đào Rừng thôi, Hoa Bắp Chuối thôi .. mà các ông/bà phó nhòm nào đó (Orient Sea, Thaitatin, Xóm ..) làm tôi la làng thán phục. Đẹp gì đâu. Đẹp như là mẫu mực. Như là thơ. Như là không thật. Màu đỏ của hoa Gạo, hoa Đào tựa lửa ấm. Màu hoa Cà Chua vàng hực hỡ nắng tươi. Sắc xanh của lá Lộc Vừng như mùa xuân mơn mởn rạng ngời, đung đưa [một chiều đông Maryland đi làm về, ngoài trời rét mướt, thê lương, nhìn hoa mà rưng rưng cảm tạ người tài]. Lại còn Hoa Phù Dung nữa chứ. Nghe mấy chục năm nay rồi, lần đầu tiên mới thấy, ôi chao là mong manh, mỏng mảnh, đang sắc màu tươi non mơn mởn như vậy buổi sớm, chỉ đến chiều là tàn tạ ngay sao ? (Cũng may là hoa Phù Dung, tôi và bạn đang có trong tay đó, sẽ "chẳng dễ phai tàn" !!!). Các vị lương y thì "hiểu" cái quí giá của loại hoa "sớm nở tối tàn" này dữ lắm, nào là thanh nhiệt, giải độc, thông kinh hoạt huyết .. vv .. vv .. Chứ chẳng phải như các thứ hoa kia ĐẸP nhưng ĐỘC HẠI thí mồ !!!

 

"Thoạt đầu nhìn Phù Dung giống "Hoa Dâm Bụt", nhưng thực ra không phải. Chỉ có Phù Dung mới có khả năng đổi màu. Hoa mới nở MÀU TRẮNG tinh khiết, đến gần trưa chuyển sang HỒNG, tới chiều thì có màu ĐỎ (do anthrocyan bị oxy-hóa dần khi tiếp xúc với không khí). Vì hoa đổi màu như vậy nên có tên là PHÙ DUNG". (KIWI)

 

Đâu có khác gì những trình tự của một đời người đâu nhỉ: lúc tuổi thơ (trắng), thanh xuân (hồng), già cả (đỏ) và tử tận lúc đêm về ! Chỉ một loài hoa thôi mà đã minh chứng cho lẽ vô thường rõ nét quá !!!

 

Ngoài ra, định luật cơm áo, chuyện dài "bao tử" .. còn "hành" thân phận người dân quê ta không thể tả nữa chứ. Mỗi lần xem lại hình ảnh người đàn bà miền Bắc đạp xe đi bán rau muống dạo trong mưa mà "cám cảnh thiên địa" gì đâu. Có ai đang ngâm ngợi câu ca dao tình tứ này không: "Trời mưa ướt bụi, ướt bờ, Ướt cây, ướt áo, ai ngờ .. ướt em" ! Còn người phụ nữ miền núi đang đẩy cái cày ì à ì ạch sau đuôi trâu nữa chứ. Có đáng hãnh diện không khi người chân yếu tay mềm mà lao động vất vả đến thế, để cho mấy đức-lưng-quần "vai u thịt bắp" đang "dài lưng tốn vải" nơi mô ??? Riêng cái ban-hương-chức-hội-tề  "đỉnh cao trí tuệ" (ở bển) chỉ biết ra rả ca tụng "lao động là vinh quang" để "đì" người dân "cạn tàu ráo máng" đến thế sao ??? Hay chỉ có mỗi biệt tài .. BÁN: bán nước, bán dân, bán phụ nữ, bán đàn ông đi ra nước ngoài làm ô-sin, làm nô lệ tình dục, làm công cụ lao nô .. cho mình ở nhà chễm chệ "ngồi mát ăn bát vàng" ??? Đến nỗi cái thằng dân dốt nát như tôi mà còn có thể diễn giảng câu kinh nhật tụng của các Đoàn, Đảng viên (được lải nhải suốt trong những ngày "học tập chính trị" hồi đó) một cách hết sức "vô tư" như vầy:  "Trung với Đảng" có nghĩa là Trung với Tàu (vì CS Liên Xô đã ngỏm-củ-tỉ lâu lắc rồi). "Hiếu với Dân" có nghĩa là bắt bỏ tù Dân đặng "chăm sóc" thuận tiện 24 trên 24. "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành", nhất là những nhiệm vụ "đầu tiên", a thần phù biến của công thành của riêng. "Kẻ thù nào cũng đánh thắng", hông chắc mấy, vì thua đậm, thua dài dài những ngài "có chức" tham nhũng, hối lộ giàn trời trong Đảng (từ trung ương tới địa phương) đấy thôi, và cả các quan Thầy Bắc Phương nữa chứ. Thua đến "cả thế giới" đều biết mà miệng vẫn leo lẻo "chối" ngon ơ. Đúng là "miệng quan trôn trẻ" !!!!!!

 

Chả biết ai ai đó .. "có nỗi buồn giống tôi" khi xem PPS BÔNG HOA QUÊ MẸ này không, khi các đời hoa bần hàn, dân dã càng ngày càng héo hắt, sức cùng lực kiệt để cho những đóa hoa COCC [con ông cháu cha] càng ngày "lộng lẫy" xa hoa, ăn chơi đàng điếm, và "học .. du" nước ngoài ??? Có hân hoan tí đỉnh khi biết vẫn còn những  bông hoa thầm lặng đang gắng công làm con chim én gọi mùa xuân Tự Do, No Ấm cho quê nhà ???

***

***

 

Bạn TTB ơi, chả biết cái đau lòng của bạn (vì coi hoa lan Hòn Tre là tài sản chung mà có kẻ lại nỡ bê về nhà làm của riêng), có giống nỗi đau này của tôi không nhỉ ?

 

Tôi đã nghe và rất tin "Một bức ảnh bằng ngàn lời nói". (A picture is worth thousand words), nên lắm khi tôi đau thắt cả ruột gan bạn ạ, đau như bị đá giò lái, thất vọng tái tê như người "bị đâm sau lưng chiến sĩ", khi nhận được những Power Point Slideshows với những bản nhạc về quê hương thắm đượm chữ tình dân tộc, có ca sĩ Việt hát đàng hoàng, mà các hình minh họa lại chêm vào các cảnh đẹp năm châu bốn biển, hoặc tiểu thư Tàu, gái ghê-sa Nhật, hoa hậu Ấn Độ .. Kỳ  chưa. Bộ VN mình không đủ cảnh, đủ người, đủ hoa để "lót" vào sao ??? Không phải tự ái dân tộc. Cũng chả phải kỳ thị địa phương. Chỉ mong sao cái tỉ mỉ tẩn mẩn của mình đừng bị "lạc điệu, lạc đề" .. lãng xẹt vậy !!!    

 

Lại có các đoạn thơ nói về Nàng, về Em, về tình yêu đôi lứa, nhớ nhung say đắm nồng nàn, mê man điếu đổ (nhạc không lời du dương thắm thiết), chợt hiện ra hình ảnh đặc lừ mấy "cái nõn nường", phần trên, phần dưới của mấy ả tóc vàng, mắt xanh, với những động tác ưỡn ưỡn, uốn uốn, ngửa ngửa, cong cong, ẹo ẹo, hẩy hẩy, nâng nâng .. hết sức thập thành, hết sức "prồ" : "vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề" - ND !!! Ôi, tội nghiệp thay những người thiếu nữ quê tôi với suối tóc đen, nụ cười duyên dáng, mặc áo dài, áo bà ba mộc mạc, tay che nghiêng nón lá thẹn thùng, bị "bức tử" hết ráo bởi những "giai nhân" ngoại quốc bẹo hình, bẹo dạng khoe của cải lồ lộ [mấy cái bịch "si-li-côn", ba cái "tam giác .. thịt"] rất rất .. "nhà nghèo" !!! 

 

 

Anh nằm ngoài sự thực

Em đứng trong chiêm bao

Cách xa nhau biết mấy

Nhớ thương quá thì sao ???

(HÀN MẶC TỬ)

 

Buồn biết bao nhiêu, khi thực và mộng xa nhau nghìn trùng. Đau biết bao nhiêu khi nói một đàng, làm một nẻo .. người ơi. Trong lĩnh vực chính trị thì "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, Cái miệng không vành nó méo lung tung", đã đành (phải ráng mà nuốt dù nghẹn họng, nghẹt hầu) !!! Văn học nghệ thuật mà cũng "tréo ngoe" như vậy coi sao được, chả nhẽ quê mình chả còn gì đáng để nhớ thương sao, dù trải qua bao "dâu bể" rụng rời ???

 

Đổi đời mầy quên hết

Bao chuyện của ngày xưa

Quì chân trên đất Mẹ

Ôm lời thề ước mơ ..

(TRẠCH GẦM - Nguyễn Hữu Tân chuyển)

 

Bốn mươi năm ly xứ, lìa nhà Rạch Giá. Rồi sẽ bao nhiêu năm trôi qua nữa nơi đây. Hoa Việt Nam vẫn nở dù bên ngoài xứ Việt. Hiển nhiên. Chỉ lo mai này, không biết có còn nhận diện được ra nhau ??? 

 

Trời mấy mùa mưa nắng

Xuân Hạ Thu Đông

Cây trơ cành.

Lá đã rơi từ vạn thuở

Còn lại đây

Lạ hoắc những mầm xanh.

(PHẠM HỒNG-TRẦN)

 

 

 

 

Giữa tháng 03/10

 

 

HOA CÀ CHUA
tomato_flower.jpg
(Hình cu?a ORIENT SEA)

website counter