Home | TA.P GHI 33 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | TA.P GHI 44 | TA.P GHI 45 | TA.P GHI 46 | TA.P GHI 47 | TA.P GHI 48 | TA.P GHI 49 | TA.P GHI 50 | THO' HAY | THO' HAY [tt] | THO' HAY 1 | THO' HAY 2 | THO' HAY 3 | THÚ VI. | CU'Ò'I CHÚT CHO'I | CU'Ò'I CHÚT CHO'I [tt] | LINKS | NGON QUÁ | NGON QUÁ [tt] | TÀI TÌNH QUÁ !!! | TÀI TÌNH QUÁ !!! [tt] | THÚ VI. [tt] | HU'U~ ÍCH | HU'U~ ÍCH [tt] | HU'U~ ÍCH 1 | HU'U~ ÍCH 2 | HU'U~ ÍCH 3 | HU'U~ ÍCH 4 | HU'U~ ÍCH 5 | HU'U~ ÍCH 6 | HU'U~ ÍCH 7 | HU'U~ ÍCH 8 | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | SUY NGÂM~ 8 | SUY NGÂM~ 9 | SUY NGÂM~ 10 | SUY NGÂM~ 11 | CÂ?N THÂ.N NHÉ | CÂ?N THÂ.N NHÉ [tt] | CÂ?N THÂ.N NHÉ 1 | CÂ?N THÂ.N NHÉ 2

TA.P GHI 9

 

 

GI M

 

(Cam Li NGUYN TH M THANH)

 

 

Trước 1975, tác giả viết cho bán nguyệt san Tuổi Hoa, có truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải vinh danh "Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010". Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016.

 

 

1

Vườn xưa xóm cũ, tôi trở về sau hơn bốn mươi năm.

 

Tôi không nghĩ rằng mình sẽ trở về. Tôi chẳng đã được gọi là "ông cứng đầu" hay sao? Mà tôi cứng đầu thiệt! Tôi đã ra đi và hứa không trở lại trừ khi "có thay đổi". Tôi sẵn sàng "nổi dóa" khi có ông bạn nào bảo "về đi, bây giờ Việt Nam phát triển lắm, đẹp lắm, giàu lắm v.v.. và v.v .."

 

Vậy mà tôi đã về! Sau ngày mẹ tôi mất, tôi bỗng dưng có một ý muốn mãnh liệt là phải về thăm lại nơi mẹ tôi đã từng sống với các em của mẹ. Bố tôi là "Bắc kỳ di cư" nhưng mẹ là người miền Nam. Ông bà ngoại tôi đều mất sớm, mẹ tôi chăn dắt các em. Khi các em đủ lớn, mẹ lập gia đình và lên Sài Gòn sống. Cuộc chiến chấm dứt, mẹ dắt hai anh em tôi lên một chiếc tàu và trôi dạt đến xứ Mỹ này. Chuyện kể nghe đơn giản như chuyện của nhiều gia đình khác. Nhưng là đứa con của mẹ, ngồi suy ngẫm lại là thấy cả một cuộc đời đầy nỗi gian truân. Không ai ép buộc, nhưng tự đáy lòng tôi, một cái gì thôi thúc tôi hãy trở về thăm lại chốn quê nghèo của mẹ một lần.

 

Và thế là, lặng lẽ, tôi xách gói về. Tới Sài Gòn, trú lại một đêm, tôi xách gói tiếp đi về quê, cái nơi mà tôi chỉ thỉnh thoảng về thăm trong thời đi học, rồi sau bận bịu quá tôi như quên luôn.

 

Quê nghèo vẫn nghèo.

 

Các dì, cậu của tôi đã mất, tôi chỉ còn người mợ, vợ của cậu út. Mợ chỉ có một người con trai. Ngày tôi rời Việt Nam, người em cô cậu của tôi chưa ra đời. Vậy mà bây giờ, người em này đã hơn bốn mươi tuổi, cái tuổi khá dài của một quãng đời đất nước. Cái "quãng đời" đó, tôi chưa hề tham dự vào. Ngày tôi rời Việt Nam, tôi thấy mẹ tôi khóc nghẹn ngào khi bỏ lại các cậu các dì ở quê nghèo. Mẹ nói thương nhất là mợ, vì mợ trở nên góa bụa khi đang mang đứa con trong bụng. Cậu út ngã xuống trong những ngày cuối của cuộc chiến.

 

Vườn xưa, xóm cũ, tôi đã trở về.

 

Và kia rồi, người phụ nữ góa bụa ngay trong tuổi thanh xuân, hiện ra trước mắt tôi. Mợ ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở:

 

"Trời ơi! Mợ trông thấy con, lại nhớ đến chị."

 

Và mợ rối rít gọi con của mợ. Anh em tôi gặp nhau lần đầu, nhưng hồ như không hề thấy xa lạ, bởi mỗi người đều mang nét thân thuộc của mẹ tôi và của cậu. Trái với dáng vẻ "thư sinh trắng trẻo" của tôi, em tôi trông rắn rỏi, già dặn hơn nhiều. Màu da rám nắng, kết quả của sự dãi dầu trên vườn ruộng. Lại còn điếu thuốc trên tay, điểm này thì không hề giống tôi chút nào rồi!

 

"Làm không đủ ăn anh à!" Em nói vậy bằng một vẻ e dè khi tôi hỏi về cuộc sống.

 

Mà thật, sao đủ ăn cho được, khi gia tài là mảnh vườn còm cõi, là chút ruộng nhuộm phèn! Vất vả quanh năm cũng không chắp vá được cái mái dột, cái vách nhà xiêu vẹo.

 

Em tôi đưa tôi ra thăm mảnh vườn, phải đi một con đường mòn, băng qua một cái mương nhỏ mới đến. Vài gốc cam, dăm gốc ổi, một giàn bầu, một vạt rau muống. Tôi sững sờ. Cái này thì chỉ đủ cho bữa cơm nhà nghèo chứ bán buôn gì? Còn mảnh ruộng ông bà để lại cho mợ và em thì nhìn thấy là lắc đầu thôi. Ruộng nhiễm phèn thì cấy cày được bao nhiêu! Khó tưởng tượng bên sông mẹ Cửu Long mà có thể khô mặn đến thế.

 

Tôi biết với tâm lý thông thường của con người thì ai nhìn thấy cảnh nghèo cũng sẽ hỏi hoặc tự hỏi "có thể dọn đi nơi khác không?" Nhưng đừng! Vì tôi biết, còn giữ được một mảnh đất dù khô cằn cho gia đình mình cũng đã là một điều phi thường. Nó đúng trong trường hợp ở xứ này.

 

2

 

Khi hai anh em về đến nhà thì trong nhà đã có thêm hai người nữa. Em tôi giới thiệu ngay:

 

"Đây là vợ và con của em."

 

Em dâu chào tôi. Cô có vẻ mộc mạc, đằm thắm. Còn đứa con gái tuổi khoảng lên sáu, khoanh tay cúi đầu như đã được dạy dỗ từ lâu như thế. Em tôi nói:

 

"Con à, bác Hai của con ở Mỹ mới về đó!"

 

Con bé xinh xắn, tóc xõa ngang vai, đôi mắt to tròn chợt nhướng lên to tròn hơn nữa. Như có một điều gì rất bất ngờ đến với nó, nó thốt lên:

 

"Hả? Ở Mỹ???"

 

Vù một cái, con bé vụt bỏ chạy vào trong. Cả nhà hết hồn theo. Tôi nhìn em tôi, nhìn em dâu, nhìn mợ. Không ai hiểu gì. Mẹ bé lắc đầu, trấn an mọi người:

 

"Con nhỏ thường như vậy đó, chắc nó nghe lạ."

 

Mợ tôi nói:

 

"Nhưng sao nó hoảng hồn như vậy? Hay là trong lớp cô giáo nói gì về nước Mỹ?"

 

Câu nói này thì đáng giật mình lắm đây! Phải chăng cô giáo giảng rằng nước Mỹ xấu xa, nước Mỹ ác độc, người Mỹ đáng bị xa lánh? Tôi chưng hửng. Con bé trốn luôn ở buồng trong. Mợ tôi bảo em dâu tôi vào coi. Em dâu nói không sao, cứ để tự nhiên, chốc nữa nó sẽ ra thôi.

 

Và con bé ra thật, chỉ sau năm mười phút. Bây giờ nét mặt nó hết căng thẳng, nhưng hướng tia mắt lấm lét nhìn cha mẹ, rồi nó đến trước mặt tôi, chìa ra một tờ giấy. Nó nói bằng giọng thánh thót:

 

"Bác Hai ở Mỹ? Bác Hai .. gởi cái này cho Mỹ giùm con."

 

Tôi lấy lại sự tự nhiên, cười:

 

"Con gởi Mỹ hả? Hay là gởi bác?"

 

"Con gởi Mỹ, bác Hai đưa Mỹ giùm con."

 

Mọi người cứ trố mắt lên nhìn con bé. Nhưng liếc nhìn thấy trang giấy có ghi chữ, tôi hỏi:

 

"Bác đọc được không?"

 

"Dạ được. Ai đọc cũng được, nhưng mà .. phải gởi Mỹ."

 

"Bác hứa, bác sẽ gởi Mỹ."

 

Tôi thấy vui với hai chữ "gởi Mỹ" này. Dòng chữ viết nắn nót:

 

"Gởi Mỹ,

 

Bé muốn xin Mỹ một bộ tách có in hình Minnie Mouse. Bé là con gái, chỉ thích Minnie Mouse thôi. Bé cám ơn Mỹ rất nhiều."

 

Tôi nhẩm đọc xong, chuyền cho mợ tôi và hai em. Mẹ bé "à" lên, nói:

 

"Em hiểu rồi! Tại nó qua nhà hàng xóm coi "vô tuyến", thấy con chuột Minnie, nó thích, muốn em mua đồ chơi có in hình con chuột này. Em nói cái này không có ở đây, mà .. chỉ có ở Mỹ. Vậy là nó in trong đầu luôn."

 

Cả nhà thở ra. Đơn giản chỉ vậy. Tôi nói:

 

"Bác sẽ .. nói Mỹ tặng cho con đồ chơi có in hình Minnie Mouse."

 

Con bé cười rạng rỡ:

 

"Dạ con cám ơn bác."

 

3

 

Con bé nghĩ đến Mỹ không như một nước, một nơi, mà là một người bạn, hay một người thân. Tôi thấy lạ lùng nhưng thú vị.

 

Cả đêm ở lại quê nghèo tôi khó ngủ, không vì lạ chỗ mà vì suy nghĩ lan man. Thế nhưng khi nghe tiếng gà gáy lác đác xa xa, tôi cũng choàng dậy. Tôi chỉ còn buổi sáng nay thôi, rồi phải trở lại thành phố lo tiếp một số việc.

 

Mợ tôi đã dậy rất sớm. Mợ mang cho tôi một tô trà còn bốc khói, nói chè lá này từ cây chè ông ngoại tôi trồng ngày xưa. Vậy mà cả nhà vẫn chăm sóc cây chè này, cho nó luôn xanh tốt đến nay ở mảnh đất vùng nhiệt đới.

 

Rồi hai mợ cháu ra thăm mộ. Khu đất nhỏ sau nhà là nơi chôn cất những người thân trong gia đình. Tục lệ ở thôn quê miền Nam là vậy. Ông bà cha mẹ quá vãng vẫn gần gụi con cháu. Tuy không phù hợp với "văn minh thành phố", nhưng xem ra lại có không khí ấm cúng, đỡ buồn tủi cho người ở lại. Mợ đưa tôi đến mộ ông ngoại. Tôi thay mẹ đốt hết nén nhang mang theo, thầm khấn thay mặt tất cả các con cháu của mẹ, trang trọng cắm từng cây nhang trên mộ cúng ông ngoại rồi lần lượt thăm các ngôi mộ. Không thấy mộ của cậu út. Mợ xúc động nói:

 

"Cậu út không có mộ ở đây. Ngày cậu tử trận hồi Tháng Tư năm 75, mợ không biết nhờ cậy ai. Khắp nơi xao xác, hỗn loạn. Mợ thì sắp sinh thằng em con. Sau này mợ dò hỏi mãi mới tìm ra nơi người dân chôn giùm cậu con. Mợ đã cải táng và đem tro của cậu con về gởi trong chùa."

 

Tôi theo mợ đến thăm ngôi chùa ở cuối xóm, một ngôi chùa nghèo. Chỉ có một vị sư cô già nua coi chùa và lo kinh kệ. Mợ nói hàng xóm ai có lòng thì thỉnh thoảng đến giúp sư cô dọn dẹp, nấu nướng.

 

Giọng tụng kinh của sư cô nghe ấm lòng. Tôi đến thắp nhang trước hũ tro cốt của cậu út. Trên hũ không có gắn hình. Nhưng tôi đã nhìn thấy hình cậu út trên bàn thờ trong nhà mợ; và hơn thế nữa, một cậu út bằng xương bằng thịt khi còn sống. Người lính chiến một thời từng là hình ảnh mà tôi rất ngưỡng mộ.

 

Tôi về thu xếp hành lý để lên đường. Tôi phải đi.

 

Gió sớm thổi nhẹ, mấy sợi tóc hoa râm của mợ tôi bay lòa xòa trước trán. Mái tóc của mợ được bới gọn sau gáy. Mái tóc của một thời xuân sắc. Mái tóc của người giáo viên hoa khôi của quận nghèo. Cô giáo trẻ bơi xuồng đi về hai bận mỗi ngày đến trường và từ trường về nhà. Tôi, thằng trai nhỏ hồi đó tính tình khô khan, cũng biết công nhận mợ tôi đẹp thật. Cậu đi trận thỉnh thoảng mới về nhà. Mợ gồng gánh mọi việc, phụ giúp các cậu dì của tôi. Quê nghèo vẫn nghèo, nhưng tình thương ấm áp.

 

Con bé cháu đến trước mặt mợ tôi, khoanh tay chào:

 

"Thưa bà nội con đi học."

 

Rồi quay sang tôi:

 

"Thưa bác con đi học."

 

Tôi vuốt tóc con bé:

 

"Bác "bye" con (tôi quen miệng). Con học cho giỏi, bác sẽ .."

 

"Bác sẽ gởi Mỹ cái thơ của con há bác!"

 

"Ừ. Bác không quên đâu."

 

"Dạ con cám ơn bác."

 

Con bé móc hai quai cái cặp nhỏ vào hai vai, rồi xắn quần lên cao. Vợ chồng em tôi đưa con đến trường bằng chiếc xuồng nhỏ, đưa tôi ra bến xe, sau đó sẽ ra ruộng như mọi ngày. Mọi người cùng lên chiếc xuồng con. Nắng lên đầy xóm thôn. Nơi đây tĩnh mịch, không có tiếng "máy đuôi tôm" trên ghe ồn ào như ở vùng ngoài. Không có xe gắn máy. Không có tiếng người gọi nhau ơi ới. Chỉ có những chú chim trên cây cao thỉnh thoảng cất tiếng hót thật lành.

 

Mợ tôi đứng lại trên bờ, nhìn theo chiếc xuồng đưa con cháu rời bến. Mái tóc hoa râm, đôi mắt buồn, vóc dáng thon gọn như thời là hoa khôi trường quận. Người vợ lính. Người góa phụ xuân xanh. Cái bóng mợ tôi nhỏ dần .. Cảnh nhà lùi lại rồi biến mất sau khúc quanh con rạch.

 

4

 

Hơn bốn mươi năm, hệt như một khoảnh khắc thấp thoáng trong mơ.

 

Mà sao nhiều ngày sau khi đã mang cái thư "Gởi Mỹ" của đứa cháu về Mỹ, khu xóm nghèo quê mẹ vẫn như hiển hiện trước mắt tôi. Mái nhà đơn sơ. Mảnh vườn còm cõi. Những nấm mộ. Ngôi chùa hiu quạnh. Nắm tro cốt cậu út .. Tất cả có lúc bỗng nhòa nhạt, rưng rưng.

 

Trở lại thực tế, đã nói tôi là "ông cứng đầu", sẵn sàng "nổi dóa" khi có ông bạn nào bảo về Việt Nam đi .. Lẽ ra tôi đã chẳng về, nếu không là vì mẹ. Những ngày cuối đời trên giường bệnh, mẹ hai ba lần nói điều mẹ bận tâm nhất là không thể về quê thắp nén nhang trên mộ ông ngoại. Nghe mẹ than, tôi chỉ biết dỗ dành bà cho qua, nhưng khi đưa đám mẹ, tôi đã thầm hứa là tôi sẽ thay bà về đốt nhang cúng ông ngoại. Nơi đến chỉ là một xóm quê. Thế thôi. Tôi không thắc mắc về thành phố. Chốn thủ đô xưa của tôi giờ đâu còn là thủ đô! Nhưng rồi trước ngày ra phi trường về Mỹ, tôi cũng đi một vòng. "Phải đi cho biết chứ!" Người bạn ở Sài Gòn bảo tôi. Linh hồn thành đô cũ vẫn sống động đâu đó nhưng đường phố thì xô bồ, ngộp thở. Tôi đã thấy đủ cái xa hoa. Ông bạn cùng đi nói, "Ở đây, có tiền là có tất cả ông ạ!" Vào một siêu thị, đúng là "cái gì cũng có". Và kia, chuột Mickey, chuột Minnie, Siêu Nhân, Người Nhện, Vua Sư Tử .. tất tất mọi thứ. Tôi nhớ đứa cháu viết cái thư "gởi Mỹ", nhưng không mua gì ở Việt Nam. Thứ mà cháu muốn, dù có ở đó, cũng không phải dành cho đám trẻ của quê nghèo như cháu. Tôi muốn trân quý chuyển bức thư "Gởi Mỹ" của cháu cho "Mỹ".

 

Khi đã về lại Mỹ, chính tôi tự tay vẽ Minnie Mouse và đặt làm bộ tách riêng cho cháu. Tôi gói hộp quà bằng giấy hoa, cột một cái nơ to đẹp như cái nơ trên tóc của Minnie. Chà! Con bé sẽ mừng lắm. Chắc bé sẽ nhón ngón tay nhẹ nhàng tháo chiếc nơ, cẩn thận mở giấy gói, vâng, rất cẩn thận để không làm rách giấy vì bé còn muốn cất giữ cho việc khác, chứ không xé toẹt giấy gói và vất vào thùng rác. Rồi thì Bé sẽ thấy món quà của bé: bộ tách có in hình Minnie Mouse. Đôi mắt to tròn sẽ càng tròn to hơn. Đó là người bạn thân mà bé từng mơ ước, không phải thứ để mua bán, mà là cái gì đó, qua sự tưởng tượng của bé, có thể thấu cảm được bé.

 

Tôi có mơ mộng không với gói quà và bức thư gởi Mỹ của đứa cháu? Đúng là có mơ. Tôi nhớ "giấc mơ Mỹ" của chính mình. Như biết bao người, tôi từng tin vào giấc mơ Mỹ và giấc mơ thành thật, đâu khác gì cháu bé. Vì vậy tôi lập một trang web mang tên "GoiMy.com", phải viết hoa chữ G và chữ M để khỏi bị hiểu lầm. Đây là nơi mà mọi người ở Mỹ, và cả trên thế giới, qua internet, đều có thể đến tâm tình và hiến tặng chút quà cho các em bé nghèo Việt Nam.

 

Cảm tác từ tâm tình của anh chị Thể Tân.

 

Xuân Bính Thân 2016.

 

Cam Li NGUYỄN THỊ MỸ THANH

 

(Dim Kiu sưu tm và chuyn)

 

 

website counter