PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 73

ani_nang_nhammat_momat.gif

CỬA SỔ TÂM HỒN

 

 

CỬA SỔ TÂM HỒN

 

 

 

Trời sinh con mắt là gương

Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài

(CA DAO)

 

Ngộ nghĩnh đến đau lòng là cái gì ta "có", ta "còn" thì cái giá trị đích thực của nó ta không thấy, không biết; hoặc có thấy, có biết đi chăng nữa cũng chả là bao so với lúc .. "sự-sự-vật-vật hoặc niềm vui, hạnh phúc" đó nó "biến" đi đàng nào "biệt tăm biệt tích" .. giang hồ !!! Sao đợi đến khi con số không nó hiện "chình ình" ra, đồng thời với cơn "hành hạ" liên miên vô tuyệt kỳ, ta mới biết "tiếc của trời cho" vậy nhỉ ??? Thế đấy, con người ta "tự mãn", "tự thị" và cũng "khờ khạo đến tội nghiệp" không biết bao nhiêu mà nói như thế đấy !!!

 

Ðằm mình trong hạnh của ẩn mật

Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu

Dò dẫm lối về đêm tối mịt

Sông xa núi thẳm, quê nhà đâu ?

(THANH TÂM TUYỀN)

 

 

Một bữa tôi đến phòng nha sĩ để làm răng, trong khi ba điều bốn chuyện cùng ông bác sĩ nha khoa này, tôi mới thấy ai cũng có 32 ngàn đô là "vốn"  (cũng có người 28 ngàn, có người 30 ngàn, tùy theo hai hàm răng có tổng cộng là bao nhiêu chiếc răng), bởi vì nếu một cái răng hư rồi, giờ trồng răng giả vô, kiểu bắt ốc  vào cái chân răng, thì rẻ rẻ cũng 1 ngàn đô 1 chiếc (bởi vậy bà con An Nam ta cứ về VN đợi "mọc răng" [rẻ hơn nhiều vô số kể] mà còn được đi "thăm thú tình hình" quê xưa chốn cũ rông dài !!!). Còn nếu cái răng đó làm bằng sứ, hay ngà .. gì đó (như kiểu nghệ sĩ Hollywood), thì coi như 2 ngàn đô/1 cái răng là chuyện .. "thường ngày" đối với những người "living large" !!! Một thí dụ nhỏ khi mất "răng" tốn kém là vậy, (nên có người "cái hàng tiền đạo trên dưới, hoặc hàng phòng vệ trong ngoài" cứ bỏ ngỏ quách cho .. yên, chứ đào đâu ra tiền chỉ để "cười", chỉ để "lịch sự", chỉ để "làm duyên làm dáng" với đời, vì cạp bắp không được, gặm xí-quách không được, cắn ổi không được, nhai sụn, nhai gân không được .., thì còn thú vị thế quái gì nữa cơ chứ !!!), đừng nói đến những cái mất mát khác cho dù chỉ là "cái .. góc con người" ..

 

Trong cái bảng "ngũ quan" (mắt, tai, mũi, họng, da) thì "đôi mắt" đứng hàng đầu, cho nên nếu "mất mắt" vì tai nạn, hay bị "đêm dài một đời" từ thuở sơ sinh, thì dù muốn "tốn tiền" cỡ nào cũng chả tài nào .. "thấy" lại được một chút "mặt trời trong ly nước lạnh" !!! Cho dù chức sắc cỡ nào cũng "bình đẳng" một cách thảm thê trong bóng đen thê thảm !!!

 

"Người mình 2 mắt là ngọc, 2 tay là vàng, người ta có thể thay tim, thay thận, thay gan nhưng mắt chỉ mới thay được giác mạc, thủy tinh thể .. thôi" (Internet)

 

Và cái phim gì đó (không biết tựa, không biết tên tài tử) tình cờ xem được trên TV một ngày thứ bảy, đã "rưng rưng" trong tôi từ bấy đến giờ .. về nhân vật nữ chính (single mom) người Ba Lan, sang tị nạn CS ở Mỹ, mắc chứng bệnh mắt càng ngày càng mờ cho đến một hôm mù hẳn, mà không ai hay !!! Cô ấy chỉ nhờ nghe tiếng động mà vẫn tiếp tục làm việc trong một xưởng máy, vẫn tham dự đội văn nghệ nhà máy (vì mọi người chưa biết), vẫn đi từ chỗ làm về nhà trọ bằng cách đếm bước chân, vẫn dành dụm tiền để .. chữa trị mắt (không phải cho bản thân, mà cho đứa con cũng mang chứng bệnh di truyền). Cô ấy luôn tự nhủ rằng cô đã thấy nhiều điều, giờ không cần thiết phải thấy những điều không muốn thấy nữa. Và một trong những bi kịch mà cô "không thể thấy" là bao nhiêu những đồng tiền mà cô dành dụm đã bị tên chủ nhà trọ "cuỗm" sạch, khi một lần cho cô có giang về nhà, rồi đứng im lìm trong một góc chờ cô "dấu" tiền .. Kết thúc bi thảm là cô bị án treo cổ vì đã "giết" tên chủ nhà trọ khi đến lấy lại đồng tiền mồ  hôi nước mắt của chính mình.   "bắn" hắn "theo yêu cầu"  khi hắn đưa súng vào tay cô nằn nì, như là một hình thức hắn được cứu thoát khỏi sự cắn rứt, dày vò của lương tâm bởi nhiều việc sai trái khác ở chỗ làm. (Nhưng trước tòa án thực sự thì đâu có bằng chứng nào đâu, chỉ là lời nói gió bay, cũng chả ai thèm kiểm chứng coi mắt của cô ra sao, làm sao thấy được cây súng ở đâu mà mang tội sát nhân "lãng nhách" vậy được !!!). Dù cô ấy được phép "kháng án" và có thể được "tha" vì bạn bè đã chạy chọt cho cô một luật sư tài giỏi, nhưng cô vẫn cương quyết từ chối, và chấp nhận "được chết" miễn là "số tiền dành dụm" của cô được gởi đến tay bác sĩ điều trị bệnh cho con trai yêu dấu. Nếu cô được tha, được sống tiếp đi nữa, thì có đến hai mạng người "quờ quạng cả đời" trong đêm đen .. thăm thẳm đoạn trường !!!

 

***

Nhiều người ví von "một cách thơ mộng" rằng "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn". Và trong thế giới thi ca, văn học, triết lý hay tôn giáo đều ca tụng đôi mắt ôi thôi "trăm màu nghìn vẻ": Ðôi mắt là dòng sông, là ngọc ngà, chấp chóa kim cương, là vì sao mọc, là đèn của thân thể, trong mắt có giòng suối biếc, lóng lánh trăng. "Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc, là cung đàn cho nhịp cầu tri âm" (THÍCH TRÍ TÀI) ..

 

Mắt em là một dòng sông

Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em

(LƯU TRỌNG LƯ)

 

Ôi ! Cặp mắt của người trong tợ ngọc

Sáng như gương và chấp chóa kim cương

Mỗi cái ngó là một vì sao mọc !

Mỗi liếc yêu là phảng phất mùi hương

(BÍCH KHÊ)

 

"Mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt các con sáng thì toàn thân các con sẽ sáng (sáng=nhân từ, khoan dung)"

(CHÚA GIÊ-SU)

Mắt em ta nhìn mãi

Mắt em ta nhìn mãi

Nhưng chẳng biết ra răng

Chắc có giòng suối biếc

Lóng lánh những ánh trăng

(LUÂN HOÁN)

 

Như vậy thì "đôi mắt" quả là vô cùng "lợi hại" !!! Lợi vì nhờ màu "nắng xuân long lanh trong mắt bé" mà từ linh hồn, tới máu me thi sĩ được chuyển hóa diệu kỳ:

 

Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé

Linh hồn anh từ đó ướp trầm hương

Linh hồn anh, từ đó, ngạt ngào thơm,

Máu, như nước hoa chan đời lễ lạc

Máu, như gió lành chảy qua ruộng đồng bát ngát

Chở chuyên mùa lúc chín quanh năm

Như sông hiền chia chín ngả: Cửu Long Giang

Ôm ấp phù sa, lẫy lừng sức sống

Tình, đã mở ra một bầu trời nạm ngọc

Linh hồn anh, từ đó, khảm muôn sao

(NGUYỄN TẤT NHIÊN)

 

Vừa lợi vừa hại như trong lời nhạc TCS:

 

"Những con mắt tình nhân, nuôi ta biết nồng nàn,

Những con mắt thù hận, cho ta  lời lạnh căm

Những con mắt cỏ non, xanh cây trái địa đàng

Những con mắt bạc tình, cháy tan ngày thần tiên"

 

Hoặc "lợi bất cập hại" thì sờ sờ ra : "Nhiều người đã sa ngã vì những đôi mắt biết dỗi hờn. Nhiều kẻ đã say những cặp mắt biếc liếc nhìn quyến . Sở dĩ có đôi mắt ấy vì phải có người yêu những vẻ đẹp đó nên mới có những kẻ làm khí giới tấn công. Trụ Vương vì đôi mắt u buồn của Ðắc Kỷ mà bỏ mình, Ðổng Trác vì đôi mắt mơ huyền của Ðiêu Thuyền mà vong thân, Từ Hải, anh hùng dọc ngang trời đất vì đôi mắt ngọc của Thúy Kiều mà chết đứng .. Thế đấy, nếu những xao xuyến rung động, những tình yêu chỉ vì đôi mắt ấy thì cũng giống như Eva, chỉ nhìn thấy màu hồng của vỏ trái táo chứ không thấy bóng sâu ở trong:  Ðường êm quá ai đi mà nhớ ngó, Ðến khi hay gai nhọn đã vào xương - XUÂN DIỆU-" (THÍCH TRÍ TÀI)

 

Theo tác giả HÀN LỆ NHÂN, cặp mắt ngoài công dụng nhìn, liếc, ngó, háy, nguýt, thấy, ngắm, dòm, còn để khóc, để cười, để nói:

 

Cứ tháng năm qua mẹ đếm sầu

Từ ngày con vắng đã bao lâu

Trong lòng nguyên vẹn vết đau nhức

Mắt mẹ chưa khô những giọt sầu

(HOÀI NAM)

 

Ai muốn hiểu ta hãy nhìn trong ánh mắt

Ðôi mắt Việt Nam, đôi mắt hay cười !

Và mắt người lạ lắm, cứ long lanh

Nụ cười trên môi, nụ cười trong mắt

(BÙI MINH QUỐC)

 

Anh yêu em bên tình yêu ánh mắt

Gặp mỉm cười mà chẳng nói nên câu

Cầm tay em, anh đứng lặng hồi lâu

Ðôi môi thắm dâng nụ cười trọn vẹn

(HOÀNG HỘI TAO NHÂN)

 

Có một điều kỳ cục là "cái cửa sổ của tâm hồn" này có thể nhìn, có thể nói, có thể hiểu, có thể cảm thông, có thể chê bai .. , nhưng nhiều người chỉ chú tâm lo trang điểm "cửa sổ": vào thẩm mỹ viện để cắt "cửa sổ" to ra, lớn hơn; dùng contact lenses để thay màu "cửa sổ"; dùng lông mi giả để làm "rèm cửa"cho hấp dẫn hơn; viền mi, viền mí mắt bằng rất nhiều loại mỹ phẩm đắt giá .. như là muốn "sô ốp" (show off) rằng: "hễ có đôi mắt đẹp thì tâm hồn cũng đẹp" !!! Ðâu có hẳn vậy phải không thưa bạn ?!?!

 

"Lo trang điểm cho mắt mà không làm đẹp tâm hồn và chỉ muốn người khác nhìn mắt mình, chứ mắt mình không nhìn được điều phải nhìn. Có người tốn rất nhiều tiền để làm đẹp mắt, nhưng lại tiếc xót 500 bạc lẻ (tiền VN) cho người hành khất. Biết bao tâm hồn chỉ vì nghèo đói mà sống mất phẩm giá con người. Những người mẹ bên Phi Châu ngồi khóc vì đói, vì đôi vú không còn sữa cho con. Những đôi mắt trẻ thơ ruồi bu quanh nhưng chẳng có đôi mắt nào nhìn thấy" (NAM CAO)

 

Tác giả Nam Cao chắc ngại "đụng chạm" đến vấn đề "nội bộ VN" hay sao đó, nên phải dùng những hình ảnh "khổ sở" tít ở Phi Châu .. Ðây này, VN nhé, thế kỷ 21 nhé:

 

.. con sẽ không bao giờ

ghé qua những khu bệnh viện để xem

nơi nhiều đứa trẻ bệnh hoạn, tật nguyền

vừa mới chào đời

đã phải nằm đợi chết

đứa bị bỏ quên ngay cả trong thùng rác

đứa được nhặt về từ những ổ mãi dâm

ở đâu cũng có chuyện thương tâm

nhưng ở Việt Nam

chuyện thương tâm đã trở thành quen thuộc ..

(TRẦN TRUNG ÐẠO)

 

Mà nói chuyện ở khu bệnh viện, hay những thùng rác, có lẽ hơi .. xa. Cứ nói chuyện gần xịt một bên thôi nhé:

 

" .. ngày nay con lợn chết thì người ta khóc, bố mẹ chết thì người ta mừng, khi con lợn đau ốm thì người ta lo chạy chữa thuốc thang, tráng trứng gà cho lợn ăn, còn bố mẹ  ốm đau thì nằm khô chờ chết ! Người ta kể câu chuyện một anh nọ ở thành phố nuôi chó Tây để bán, mua giường sắm màn cho nó ngủ, mua thịt bò, trứng gà cho nó ăn; bà mẹ ốm đau nằm không, thấy thế thèm quá nói với con :"Tao ốm nằm đây, chẳng có gì ăn mà thấy mày cho chó ăn thịt bò, trứng gà tao thèm quá !". Người con trả lời :"Bà biết không ? Bạc triệu đấy ! Còn bà thì làm ra được đồng nào mà đòi ăn thịt bò với trứng gà ? Bà chết mau đi còn may nữa !". Khủng khiếp chưa, con Rồng cháu Tiên ! Còn tình trạng con cái chửi bố mẹ thì xẩy ra như cơm bữa, thậm chí giết cả bố mẹ. Ðáng lo lắm thay" (HT THÍCH QUẢNG ÐỘ)

 

Những Ông Bố, Bà Mẹ ở bên này cũng đâu phải là đã được con cái đối xử "văn minh" hơn (theo CHU TẤT TIẾN):

 

* NHÂN NGÀY "LỄ MẸ", NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG BÀ MẸ CÔ ÐƠN ? *

 

* NGÀY LỄ TỪ PHỤ, NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI CHA CÔ ÐƠN *

 

Còn những tệ nạn xã hội phát xuất bởi chữ "nghèo" khiến các cô gái quê phải "bán mình" cho ngoại nhân: Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore, Thái Lan .. (không biết tính tình, không biết tình trạng sức khỏe, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán dị biệt ..) để  có 200 đô giúp mẹ, giúp cha qua cơn khốn khó để rồi bỏ thân nơi xứ người (Huỳnh Mai - VĂN QUANG ; Kim Ðồng - VĂN QUANG ); hoặc vớ phải tên chồng liệt nhược (Môi Giới -TRẦN KHẢI); bằng không thì "làm ô-sin", hay làm công cho các hãng mà có sự "kỳ thị" ràng ràng về đồng lương phân phát, (người bản xứ lương cao, người làm thuê lương thấp), chưa kể còn phải đóng tiền cho các công ty ở nhà để "được đi bán sức lao động" xứ xa:

 

Xứ sở bao dung

Sao thật lắm thần dân lìa xứ

Lắm cuộc chia tay toe toét cười

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa

Chen nhau sang nước ngoài làm thuê

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh

Nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

(NGUYỄN DUY)

Khi xem Paris by night 89, tôi ráng nhướng con mắt "gần chợ" của tôi để cố nhìn cái "cửa sổ tâm hồn" của ông JEON JE YONG xem nó có "đẹp tuyệt vời" như tâm hồn cao thượng của ông không

***

 

Khi xem Paris by night 89, tôi ráng nhướng con mắt "gần chợ" của tôi để cố nhìn cái "cửa sổ tâm hồn" của ông JEON JE YONG xem nó có "đẹp tuyệt vời" như tâm hồn cao thượng của ông không. Mèng ơi, buồn 5 phút, mắt ông một mí, bùm bụp, mắt ti hí chính hiệu "Nam Hàn", lông nheo chắc không còn một cọng, đã vậy tuổi tác còn làm mắt ông "mơ huyền (mờ)" bạo hơn. Ông bước ra sân khấu trong bộ khăn đóng áo dài VN, ông lúng túng, ngượng nghịu như một đứa trẻ, e lệ như một chàng rể ra mắt nhạc gia .. Thế đó, người hùng của 96 thuyền nhân 22 năm về trước. Thế đó, ân nhân của 96 sinh mạng trên bờ tử lộ đó. Tướng tá ông nhỏ bé, "nhan sắc" bình thường (không muốn nói là tầm thường), đôi cửa sổ tâm hồn của ông hình như sút bản lề, long cánh gỗ, mà cái tâm từ bi (từ=ban vui, bi=cứu khổ) thì quả là phi thường ! Ông quên cái chức vụ phù du, ông thả trôi sông những đồng lương của một vị thuyền trưởng nặng ký, ông bất tuân lệnh của thượng cấp, chủ nhân ông của con tàu Kwang Myung 87, bởi vì ông đã  nhìn thấy "người thiếu phụ mang thai, mệt mỏi, run rẩy, xanh xao", "hai em nhỏ tuổi và một ông thầy muốn làm linh mục", "hai anh em đứa bé cầm tay nhau đứng trên boong tàu nhìn về phía chân trời vì nhớ đến cha mẹ" .. Ông đã "quyết định chấp nhận mọi hình phạt dành cho ông để quyết định cứu tất cả những người ông đã vớt được" (HUY PHƯƠNG)

 

Cái gì đã khiến người đàn ông "ngoại quốc" quyết định quay tàu trở lại nhất định cứu người .. dưng ? - Ðể được nổi tiếng chăng ? Không. Bởi vì không có báo chí, cơ quan truyền thông nào trực tiếp truyền thanh, truyền hình sự việc này ! - Ðể được bổng lộc chăng ? Không. Mất mát thì có, bị mất chức, mất tiền lương, mất job thơm thì có ! - Ðể được nhớ ơn chăng ? Không. Câu chuyện tưởng chừng đã chìm vào quên lãng, coi như ông Jeon Je Yong sẽ làm ngư dân thầm lặng, tự lực mưu sinh ở vùng tận cùng của nước Nam Hàn cho đến cuối đời. (Ngoại trừ nhân chứng sống [ông Nguyễn Hùng Cường, lặn lội 17 năm trời tìm kiếm ân nhân] đã mang trong lòng truyền thống "nhớ ơn" của giống giòng Lạc Việt mà trân trọng mời ông bước ra ánh sáng .. vinh danh !!!)

 

Cái gì đã khiến người thuộc "ao nước lã" chứ không cùng "một giọt máu đào" mà biết xót thương người đến độ dám hy sinh mọi quyền lợi của bản thân và gia đình ? Trong khi những người cùng một đất nước hình cong chữ S, cùng một ngôn ngữ Việt, cùng mang cái chữ "đồng bào", thì lúc nào cũng "căm thù" (căm thù giai cấp [cả đời], căm thù Mỹ-Ngụy [xưa], căm thù phản động [nay], căm thù trí thức biết nói lên tiếng nói của tình thương, của công bằng, lẽ phải). Hoặc giả luôn ganh ghét, tỵ hiềm, tự mãn một cách hết sức nhỏ nhặt, hèn kém !!!

 

Giàu nó ghét

Nghèo nó khinh

Tài giỏi, thông minh nó không sử dụng

(TRẦN KHẢI THANH THỦY)

 

Ganh ghét, tỵ hiềm mờ lý trí

Phì phà nọc rắn giữa môi cười

Thếp vàng dĩ vãng xưa han rỉ

Thắp sáng lân tinh tự mãn soi

(HÀ HUYỀN CHI)

 

Chợt nhớ câu của Nguyễn Du mấy trăm năm rồi còn văng vẳng đâu đây: "Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài" .. Chữ TÂM !!! Ai cũng biết rằng "tâm như họa sư, họa chủng chủng ngũ ấm" [cái tâm như người họa sĩ, vẽ đủ sự sự vật vật], nên đôi-mắt-thịt [nhục nhãn - một trong "ngũ nhãn"] mới nhìn thấy tùy cái tâm họa sư này "vẽ vời" bay bổng, hay lè tè bò sát; nhân kiệt hay thủy quái, bọ hung; nước mắt "đàn ông" hay sự vô cảm lạnh lùng.

 

Một thoáng theo Mây .. rơi dài nước mắt

Khóc nỗi .. bạn bè lưu lạc bốn phương

Thằng mất, thằng còn - nổi trôi vận nước

Giọt ngắn, giọt dài ướt đẫm quê hương

(TRẠCH GẦM)

 

Câu hỏi đặt ra là điều gì, căn nguyên nào làm nên cái TÂM tốt; điều gì, căn nguyên nào khiến cái TÂM xấu xa ??? - Gien di truyền ??? Hạnh nghiệp vô lượng kiếp??? Truyền thống luân lý đạo đức ??? Nền tảng tôn giáo ??? Giáo dục gia đình, xã hội, cộng đồng ???

 

Chắc chắn một điều rằng không phải nhờ ba cái hệ thống chính  trị giáo điều rỗng tuếch, hoặc nhờ các nhà "tôn giáo" giả dạng; các bậc "trí thức" phường tuồng, múa rối theo đơn đặt hàng; mấy đức ông, đức bà lên mặt "thầy đời" dạy dỗ ..,  phải không thưa bạn ??? 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tưởng nhớ bạn Hiền

(Tháng 10/07)


  

website counter