PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 72

cayduatronggiongbao.jpg

TRUNG THU "vàng"

 

TRUNG THU "vàng" !

 

.. .. ..

 

đời sao im vắng

như đồng lúa gặt xong ..

 

Khi về tới đầu ngõ, tôi đã thấy cửa sổ nhà tôi khép chặt. Vậy là má lại không có nhà. Những trái dừa bỗng nặng trĩu và hai bọc bánh chợt vô duyên lạ trong tay tôi. Tôi uể oải mở cửa bước vào.

 

Má viết giấy dặn tôi coi sóc những chú gà con vừa quen chuồng và những cây hành, ớt, mồng tơi đang trổ sắc xanh khỏe mạnh làm mát một khoảnh đất do má kỳ cọm vác về vun bên hông nhà.

 

Chẳng biết má đi lúc nào. Các đồ vật quen thuộc chào đón tôi với vẻ im lặng bí mật. Cảm thấy ngột ngạt trong làn ánh sáng mờ mờ bưng bít ấy, tôi mở tung các cửa sổ, thay vội quần áo, mở cửa hông bước ra chuồng gà. Lúc  lúi húi xúc cám cho vào máng và đổ nước vào những cái cóng, tôi mới thấy có vài chú gà con đang thơ thẩn dưới đất (chẳng hiểu các chú lọt ra khỏi chuồng ngả nào). Những cái đầu be bé thò ra khỏi chấn song mổ lia lịa những hạt cám vàng lấm tấm bắp nát, mồm kêu chiêm chiếp, làm tôi thấy lòng mình chợt êm ả hẳn ra. Thì ra các chú gà con này đang chờ mong má tôi dữ lắm, có lẽ còn cuống quít hơn tôi, chờ đợi cái người lúc nào cũng chăm chút tưng tiu các chú như người mẹ chăm chút con thơ (thì ra tôi không lẻ loi trong buổi chiều hoang vắng, buổi chiều bơ vơ trở về không có ai ..)

.. .. ..

 

Từ giờ trở đi - có nghĩa là từ khi thực sự nhận được sự-vụ-lệnh dạy học ở một quận lỵ hẻo lánh nhưng khá trù phú đó - thì mỗi chiều thứ bảy tôi sẽ trở về nhà vào lúc nhá nhem như thế này, sau khi băng qua những con đường đất đỏ gập ghềnh, những con đường nhựa phẳng phiu a tòng cho giấc ngủ lơ mơ, xuống xe đò, lên xe lam, lên xe đò, xuống xe lam, đi bộ qua cái chợ tanh nồng mùi cá quen thuộc ..

.. .. ..

 

***

 

34 năm trôi qua rồi từ khi bước vào nghề "gõ đầu trẻ" (thứ thiệt) .. Tôi đã "bơ vơ đi-đi về-về không có má" cũng đã 26 năm .. Vậy mà đọc lại những giòng ngày xưa, nước mắt cũng cứ ứa ra lặng lẽ. Vẫn thấy lại những chú gà con, vẫn nghe những tiếng gà chiêm chiếp chờ người cho ăn .. Những cây hành, ớt, mồng tơi vẫn trổ sắc xanh khỏe mạnh bên hông nhà .. Và má vẫn không hiếm khi hiện về trong giấc ngủ "mồ côi" !!!

 

3 ngày nay, chỗ làm ế ẩm, tôi về sớm, thật sự .. sớm. Ði giữa khuya, về vào lúc 2,3 giờ sáng. Ðường vắng tanh. Ngõ tắt. Gập ghềnh. Vài ba cây đèn đường vàng vọt. (Ðúng là ngoại ô đèn vàng VN giữa đại cường quốc Mỹ Châu).  Và bất chợt .. trăng tròn vo hiện trước đầu xe. Trăng sáng. Mát mẻ. Màu trăng dịu dàng. Huyền ảo. Những lùm, những bụi cây hai bên đường không còn chút xíu gì ma quái, thấy mà ghê nữa. Tôi lái xe đi giữa ánh sáng dìu dịu ấy, tâm thanh thản, lâng lâng ..

 

Anh một phương và em một phương

Tìm nhau chỉ thấy vầng trăng suông

 

(Trời đất ơi, trăng suông mà "tầm cỡ" như thế này cũng quá ư là "thơ" và "mộng" đấy chứ nhỉ !!!)

 

Chợt nhớ lại câu "haiku" của Nhật: "Khi vựa lúa của tôi thiêu rụi, tôi nhìn thấy mặt trăng". Tuy vựa lúa của tôi mùa này, không được đầy chi mấy, và chắc chắn là chưa bị thiêu rụi trụi lủi, trụi lơ .. vậy mà tôi cũng  đã "được" nhìn thấy  mặt trăng ! Một vầng trăng viên mãn. (Một vầng trăng cho ta lại gặp ta - "Nói trăng rằm là nói cuộc đoàn viên" - HÀN MẶC TỬ). Ðược đi giữa đường trăng. Ðược trăng soi đường. Ðược trăng dõi theo ân cần suốt 3 ngày trời "nhàn hạ" đúng mùa Trung Thu ngay trên đất Mỹ (nơi mà đèn điện cao thế thường lấp cả ánh trăng thanh). Nếu tôi bù đầu bù cổ cày bừa, thì dễ gì được "hồng phúc" với những khoảnh khắc thanh thản nhẹ nhàng đến thế. Tạ ơn những giây phút "bồng lai tiên cảnh" này biết là bao nhiêu !!!

Ðúng là "Ðêm ấy, trong vườn trăng nhiều quá, Ánh sáng tuôn đầy các lối đi" (XUÂN DIỆU)

Ðúng là "Ðêm ấy, trong vườn trăng nhiều quá, Ánh sáng tuôn đầy các lối đi" (XUÂN DIỆU).

 

Ðúng là "Những đêm mưa trải âm thanh, Những đêm trăng thả tơ xanh dịu dàng" (TRẦN THỊ TUỆ MAI)

 

Ðúng là "Thu ở quê tôi lá cũng vàng, Mây thu lụa bạch, nắng hào quang, Lá sen ai nhuộm màu trăng sữa, Mà để hương bay nức địa đàng ?" (NGÔ MINH HẰNG)

 

Lại nhớ một câu châm ngôn Tây Tạng: "Ðau khổ hiện hữu là để đo lường hạnh phúc". Phải rồi. Có con đường gập ghềnh, đèn đường vàng vọt, cái sáng cái tắt, nên tôi mới "thấy" ánh sáng tuôn đầy vào những ngày tròn trăng. Có những ngày hàng họ ế ẩm, ngân sách thâm thủng, "đồng tiền liền khúc ruột" bị "lõm" hết mấy khúc thì tôi mới "biết" rằng những sợi tơ xanh dịu dàng của Hằng Nga sẽ mơn trớn, xoa dịu và làm êm ắng hết những lo lắng "áo cơm", như thứ thuốc mỡ "thần kỳ" làm mát mẻ ngay cái bỏng rát của lửa làm rộp da non. Có xa quê nửa vòng trái đất, nên ta mới  được "nhìn thấy" mùa thu tuyệt đẹp quê mình : mây lụa bạch, nắng hào quang, màu trăng sữa .. , mới "cảm nhận" được mùi thơm của lá sen, của hoa sen thơm nức địa đàng .. Có bị cái nắng cháy da, bỏng thịt của mặt trời mùa hạ, thì ta mới "hân hưởng" được "Là sợi đường tơ dịu quá trăng, Là bao nhiêu ngọc cũng chưa bằng" (HÀN MẶC TỬ). Hoặc nếu ai đã từng "cạn quéo" cả ý lẫn lời, mới thấy "phê" khi mà:

 

Nửa đêm nghe tiếng thầm thì

Té ra mưa tạnh, trăng-thi-sĩ về

Ta nằm chân gác mũi ghe

Dòm ra trời đã vàng khè những thơ

(LUÂN HOÁN)

 

***

 

Trong bản dịch thần thoại "Lên cung trăng" của nhà văn hào Trung Hoa là NGÔ TỔ QUANG có chép:

 

Một thời đại rất xa xưa ...

Lúc bấy giờ con người được tự do, không bị áp bức chiến tranh, người hiếp bức người. Ai làm nấy ăn. Mặt trời mọc, đi làm; mặt trời lặn, về nghỉ. Đói có hoa quả; khát có nước suối. Con người bấy giờ không có họa người, chỉ có họa trời. Để tránh gió mưa, rét mướt, loài người đốn cây làm nhà, dệt vải may áo .. Ngày tháng trôi qua, con người dùng kinh nghiệm và lao lực để cải thiện đời sống, mưu lấy sự hạnh phúc thanh bình.

 

Nhưng, một hôm thình lình xảy ra một thiên tai dữ dội. Khắp dưới gầm trời đâu đâu cũng bị đại hạn. Nắng như lửa thiêu, đốt cháy tất cả làm cho sinh linh dậm đất kêu trời. Trên đường, thây người, thây thú chồng chất dẫy đầy. Nguyên ở gò Đất cuối biển Đông có hang Dương. Nơi đây 10 con quạ vàng vâng lệnh Thượng Đế thay nhau ban ánh sáng cho vạn vật. Trên hang có cây Phù tang cao vút tận trời. Chín con quạ ở cành dưới, một con quạ ở cành trên. Từ ngàn xưa chỉ có một con ra khỏi biển hóa thành mặt trời, ngày ngày tháng tháng chiếu ánh sáng xuống mặt đất làm cho mưa hòa, gió thuận, vạn vật sinh hóa. Nhưng bất ngờ, một hôm bốn biển chuyển động, đất lở núi rung, cây Phù tang quay cuồng, vì 10 con quạ vàng tranh nhau xuất hiện một lượt. Thế là nắng như lửa thiêu, đốt cháy cả vạn vật. Ban đầu, người ta còn ngâm mình dưới nước, núp trong hang núi .. nhưng rồi, đầm nước, dòng suối đều hóa thành những vạc nước sôi. Đất bằng bỗng chốc lửa dậy làm cho nhân dân điêu đứng, đời người biến thành địa ngục.

 

Đương lúc tiếng khóc, tiếng kêu gào kinh khủng của nhân dân, bỗng có một vị anh hùng xuất hiện. Vị anh hùng đó có tên Hậu Nghệ, sinh ở biển Đông, nước Hữu Cùng. Người võ nghệ phi thường, sức người có thể bạt núi lấp sông, giỏi nghề kỵ xạ. Hậu Nghệ có hai người học trò tên Phùng Mông và Ngô Cương đều có tài xuất chúng. Trông thấy 10 con quạ vàng hoành hành dữ tợn làm cho nhà cửa tiêu tan, đồng ruộng khô cháy, Nghệ vừa hoảng kinh vừa tức giận, đem lòng thương xót sinh linh, và nghĩ đến mối liên hệ với thân mạng mình nên mang 10 mũi tên thần, giương cung 10 tạ lên quyết bắn 10 con quạ vàng cho tiêu ra tro bụi. Nhưng ánh sáng rạng chói làm cho mắt đổ hào quang, không thể nhìn lên được. Nghệ bực tức, đứng tựa góc biển chân trời không do dự bắn luôn mấy phát. Những nơi có tên của Nghệ bắn tới thì nóng cháy nguội dần, ánh sáng êm dịu. Những lông cánh sắc màu của quạ đua nhau rớt xuống. Một làn không khí mát mẻ bắt đầu.

 

Trông thấy chín con quạ chết, Nghệ lại muốn giương cung bắn nữa, nhưng Phùng Mông ngăn lại:

- Thưa thầy ! Nếu thầy bắn chết cả thì vũ trụ sẽ trở nên đen tối mất.

 

Nghệ "à" một tiếng, hạ cung xuống. Bấy giờ núi sông trở lại như xưa, cây cỏ tươi tốt. Đâu đâu cũng vang dậy tiếng hò reo hoan lạc. Nhân dân ca tụng công ơn đại của Hậu Nghệ, tôn thờ Nghệ là một vị cứu tinh, trọng quý Nghệ hơn mẹ cha. Sơn hào hải vị, họ đem dâng cho Nghệ dùng. Hậu Nghệ lên làm Hoàng đế.

 

Mười năm sau.

Nhân dân trước kia bị tai ách của 10 con quạ vàng thì nay lại mang phải tai ách do Hậu Nghệ gieo rắc. Nghệ ỷ mình có tài, tự kiêu là cứu dân, vậy dân phải làm tôi mọi mới xứng đáng đền đáp công ơn ấy. Nghệ chiếm hết thịt rừng, tài sản của nhân dân. Cả đến một con gà, một miếng bánh .. cũng không thoát qua tay cướp đoạt của Nghệ. Nghệ lại tự hào là mình sẽ sống mãi vì có Linh-chi-dược-thảo do ông tiên ban cho.

 

Nhân dân bấy giờ sống trong tình trạng cực kỳ thảm khốc. Từng đám dân nghèo đói, quần áo rách nát, thân trụi mình trần, mặt mũi hốc hác vàng hoe, gục đầu vào đất kiếm rễ cây ăn. Vài xác người thắt cổ lơ lửng trên cành cây làm mồi cho đàn quạ đương đảo qua lượn lại. Bấy giờ núi rừng hoang vu xơ xác, cành khô lá úa, năm ba gốc cây còn lại nhưng trơ trọi, cằn cỗi.

 

Ngày trước, Nghệ được bá tánh hoan hô vang dậy. Ai ai cũng trìu mến vâng theo. Nghệ đi ra, cả ngàn người chạy theo quỳ lạy chúc tụng. Ngày nay, nhân dân oán ghét căm thù. Nghệ đi đến đâu, bá tánh bỏ chạy đến đó. Nghệ nhục nhã, tức giận ra lịnh cho học trò là Ngô Cương tàn sát hàng triệu sinh linh. Bị đói rách, bị giết chóc, nhân dân đau khổ, nỗi uất hận căm hờn ngùn ngụt cao mấy từng mây ..

Hình như tôi lại "đầu cua tai nheo" rồi chăng

Hình như tôi lại "đầu cua tai nheo" rồi chăng ? Hay là tôi đang "niệm thiên địa chi du du" bèn .. sảng "bậy bạ" chi đây ? Và tại sao tôi cũng không chép ra đoạn kết của cái chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ này vô để làm "sáng trăng sáng cả hai hàng"..  chứ ? (Mà có cần thiết không, khi định luật bất di bất dịch "gieo nhân nào, gặt quả đó" là một cái lý đương nhiên. Hết thảy cái gì Hậu Nghệ "ỷ" vào, rồi sinh bất nhân, bất nghĩa, hung dữ hơn cả sói lang, như tài năng và thuốc trường sinh Linh Chi Thảo, cũng bị "của Thiên trả Ðịa" một ngày, bởi nàng Hằng Nga và Tiên Ông "thâu nhiếp" lại. Ngay cả hai tên học trò "ruột" Phùng Mông và Ngô Cương cũng không còn tâm phục thầy mình, thì Hậu Nghệ phải "trả" quả báo vậy thôi !!!)  

 

Cố tật của tôi là cứ "đế" vào những chuyện như là "chả dính líu gì nhau" vậy đó, mà nhìn kỹ ra vẫn "hợp rơ" với nhau lắm chứ ạ, phải không, thưa các bác ??? Thì có đầy đủ "đôi vầng nhật nguyệt" đấy thôi. Bắt đầu là từ bà má quê nghèo của tôi, nói theo kiểu văn chương bác học, trí thức siêu hình tí ti, thì mẹ là vầng trăng, luôn theo con một đời vòi vọi .. Mẹ trải tơ xanh dịu dàng chữa lành những khi hồn con "từ chết tới bị thương" ..

 

Hôm nay có một nửa trăng thôi

Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi

Ta nhớ người xa thương đứt ruột

Gió làm nên tội buổi chia phôi

(HÀN MẶC TỬ)

 

Từ cổ xưa rồi, "Ở nhà nhất mẹ nhì con, Ra đường chán vạn kẻ dòn hơn ta" .. cho nên mới ra cớ sự. Cái cớ sự nữa là, đầy đường, đầy chợ, đầy .. đời, "10 con quạ vàng tranh nhau xuất hiện một lượt", bởi thói thường ai cũng muốn làm "đầu gà" chứ chả ai thèm làm "đuôi trâu" ! Nhất là "ông quạ vàng" nào cũng cho mình là nhất, là dòn rụm, là ngon lành, là số dzách, là ú-nồ, là nâm-bờ oanh, phải sô-ốp (show off) ngất nga ngất ngưởng mới "ngon" !!! Nên Hậu Nghệ mới được phong làm Hoàng Ðế vì có công bắn rơi "9 cái mặt trời .. làm phách" đó. Vậy mà chống "quạ" được một thời gian, lậm nọc độc ngã mạn, phách lối, kiêu căng của "quạ" hồi nào hổng biết, 10 năm sau cái cục u bướu "đại họa" phát tiết đến .. tản thần ôn !!! Sự thay đổi theo hướng sa .. địa ngục này cũng dễ hiểu lắm lắm:

 

- Xưa, nhờ đâu mà Hậu Nghệ được bá tánh hoan hô vang dậy, được trìu mến vâng theo, được dân chạy theo quỳ lạy chúc tụng, trọng quí Nghệ hơn cả mẹ cha ??? Có phải vì võ nghệ phi thường, sức mạnh bạt núi lấp sông, giỏi nghề kỵ xạ ? Là điều kiện ắt có thôi. Cái quí nhất là Hậu Nghệ có lòng thương xót sinh linh cũng như sinh mạng mình, nên ra tay diệt trừ họa hại, cứu vớt muôn loài đồng thời cứu nguy cho chính bản thân. Chính lòng thương đầy tính tương liên, tương lân này, (đạo Chúa có BÁC ÁI, đạo Phật có TỪ BI, đạo Nho có lòng NHÂN NGHĨA, Nguyễn Trãi có đức CHÍ NHÂN) đã nâng Hậu Nghệ lên ngôi Hoàng Ðế, vì đã biết:

 

Ðem Ðại Nghĩa để thắng Hung Tàn

Lấy Chí Nhân mà thay Cường Bạo

(NGUYỄN TRÃI)

 

- Còn vì đâu mà Hậu Nghệ bị nhân dân oán ghét căm thù, Nghệ đi đến đâu bá tánh bỏ chạy đến đó ? Có phải vì ỷ tài, tự kiêu, cậy công ? Chắc chắn rồi. Nhưng cái  thậm độc, thậm hiểm chính là do Hậu Nghệ không còn lòng thương xót nữa. Không còn nghĩ đến sinh linh. Không còn người khác trong tâm thức ngùn ngụt lửa kiêu căng, tự thị. Lòng tham bừng dậy. Sân hận trào dâng. Ðộc tôn. Ðộc tài. Ðộc đoán. Cái "độc" nào cũng sinh "ác đức, sát nhơn" !!!

 

Quê nghèo thêm mạt vận

Sắt máu hả hê cười

Chế độ gì ngu xuẩn

Ðang bức tử giống nòi

(HÀ HUYỀN CHI)

 

Thế đấy, ở nơi ấy, có một thứ "mặt trời chân lý chói qua tim", (cũng là một thứ "quạ vàng" đại họa) đang làm thui chột, què quặt và bức tử dân tộc ta, giống nòi ta.

 

Thế đấy, ở nơi ấy, bốn ngàn năm Văn Hiến chỉ còn lại mỗi câu thần chú "mối thù giai cấp biết đời nào nguôi" là "đỉnh cao ngất nga ngất ngưởng", chỉ đạo mọi tư duy, hành xử. Y hệt chàng Hậu Nghệ đã "đánh mất tình người" bởi lậm nọc độc của những tên "quạ lửa" trong chuyện cổ tích xa xưa.

 

Thế đấy, ở nơi ấy: "Khi hạt bụi rong chơi giữa đôi vầng nhật nguyệt, Dấu chân địa đàng rưng rưng tiếng hát, Sỏi đá trần gian chợt khóc phận mình" (TRẦN QUANG PHONG). 

 

Phải rồi. Sỏi đá còn biết khóc nữa là. Ðừng nói chi con người. Thế nên, "Ngày ấy rồi sẽ đến" đâu có lâu la, lâu lắc gì đâu !!!

 

Khổ đau ơi !

mi có nghe những tiếng hờn than oán

đang vang lên từ phố thị làng quê

từ hải đảo đến sơn khê

và tự đáy mồ những oan hồn vưởng vất

 

mi biết không ?

chẳng có nơi nào trên mặt đất

trong hư không hay dưới biển sâu

sẽ tìm ra chỗ trú ẩn dài lâu

để mi trốn khi trái sầu đã chín

mà ngày ấy quyết định rồi sẽ đến

khi loài người bừng tỉnh khỏi cơn mê.

(HT THÍCH QUẢNG ÐỘ - Thanh Thanh chuyển)

 

 

 

 

 

 

 

 

[Rằm tháng 8/07]

 

 

 

website counter