PHÙ VÂN I

Home | PHÙ VÂN 70 | PHÙ VÂN 71 | PHÙ VÂN 72 | PHÙ VÂN 73 | PHÙ VÂN 74 | PHÙ VÂN 75 | PHÙ VÂN 76 | PHÙ VÂN 77 | PHÙ VÂN 78 | PHÙ VÂN 79 | PHÙ VÂN 80 | PHÙ VÂN 81 | PHÙ VÂN 82 | PHÙ VÂN 83 | PHÙ VÂN 84 | PHÙ VÂN 85 | PHÙ VÂN 86 | PHÙ VÂN 87 | PHÙ VÂN 88 | PHÙ VÂN 89 | PHÙ VÂN 90

PHÙ VÂN 75

hoalocvungxubac.jpg

KIẾP TẰM TƠ

 

 

 MƠ TIÊN …

 

 

Từ sau lễ Tạ Ơn, chỗ làm của tôi bắt đầu đi vào "mùa bận rộn" nhất trong năm cho Christmas (có nghĩa là phải thuê công nhân làm Temp. [temporary] vì số lượng hàng order của customer từ 52 tiểu bang gởi về, nhiều khi từ Canada gửi qua trông mà phát ngợp, nhưng sang đến đầu tháng giêng Tây thì coi như .. tan hàng). Tôi làm ở đây trên 10 năm rồi, nên cũng rất "sẵn sàng ứng chiến" vì định luật mà .. "Muốn ăn thì phải lăn vô bếp, muốn chết thì phải lết vô hòm", và muốn sống thì phải cống hiến cái xác phàm 12 tiếng một ngày, 7 ngày 1 tuần, suốt 1 tháng ròng. Coi như "thân này kể bỏ" cho cái DPI "yêu vấu" !!! 

 

Giữa cơn u u minh minh, trong trạng thái "mệt lả cò bợ", như hoang tưởng, như đồng thiếp, giữa cái phòng "cafeteria" chộn rộn mà mịt mù bào ảnh đó, bỗng .. hiện ra, bỗng .. mồn một, bỗng .. linh hoạt những bóng sắc trẻ trung, mượt mà, tươi, khỏe của các "cô .. nương" đủ mọi quốc tịch (Thái Lan, Sì-Pa-nít, Ấn Ðộ, Việt Nam, Miên, Lào, Tàu, Mỹ Trắng, Mỹ đen ..), và dĩ nhiên là đủ mọi màu da, đủ mọi thứ "máng, mặc, đeo, mang" rực rỡ, đủ mọi "mô-đen" từ đầu mày cuối mắt cho chí đến gót chân kỳ ảo .., rồi tiếng nói, tiếng cười làm tôi như được "chích" vào một lượng "vitamin" bổ dưỡng tột cùng, hay là được tợp một ngụm lớn  những Red Bull, những thức uống tăng cường sinh lực . (May là mình là "nình bà .. già" đó nhen, chả hiểu các "cu" chưa có [hoặc sắp có] dấu nặng .. ["cụ"], thì mần răng rựa .. hở giời ???)

 

Và tôi thấy như vậy thật ! Như được "vực" dậy. Như được "truyền" cái trẻ, khỏe, đầy năng lực, đầy sức sống. Như được "dễ thương" hơn bởi những đường nét, những chất liệu "phụ nữ" thiên phú, bẩm sinh. Rõ lắm. Rỡ ràng. Sắc nét lắm .. Dù đã hơn một tháng trời trôi qua rồi ..

 

Có những nàng thiếu nữ mềm như một giải lụa, cứ như chực chờ "quấn" vào ai đó dịu dàng, trìu mến ..

Lại có những cô con gái mong manh, mỏng mảnh như một nhành lan, đòng đưa, dâng hương lặng lẽ cho người .. người .

Có nàng dễ thương, xinh xinh, êm êm như một con búp bê nhồi bông, sẵn sàng "sà" vào vòng tay chàng trai "hạp nhãn" ..

Những thiếu phụ một hai con thì cứ như những cái bóng đằm thắm, như trái cây chín mùi, ngọt lịm, đôi mắt thăm thẳm, đậu vào đâu cứ như là "dính chấu" khó rời ..

 

Hoa thơm, hoa ở trên cây

Ðôi mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ

(Ca Dao)

 

Bây giờ, cũng cái cafeteria đó, vẫn cảnh cũ đó, mà những "giải lụa, những nhành lan, những con búp bê nhồi bông, những trái cây chín mùi" kia .. đã tản mác về đâu từ cái ngày được báo tin rằng .. "lay off" ??? Và tôi vẫn còn đây, lại sắp thêm một tuổi .. [] vàng !!!

 

 

Khi còn nhỏ nhít tôi đã mê mệt "mấy chị", đến lúc già tôi cũng rất thích "mấy cô" .. (Lắm lúc tôi cũng tình nghi mình chắc mắc bịnh ô-môi [homosexual], bị liệt vào hạng lít-bần [lesbian], ma-ri-cố-nà [tiếng Sì-pa-nít] có nghĩa là đồng-tính-luyến-ái, là pê-đê hay sao sao đó .. mà "háo sắc" dã man ???). Nhưng rồi thấy mình chỉ có ham nhìn, ham chiêm ngưỡng cái đẹp từ xa, xa như kẻ ở cõi trần .. và mấy chị, mấy cô mà tôi ái mộ thì ở tít trong phim ảnh, trong sách báo, trong cái cõi tưởng tượng xa vời, mông lung, bào ảnh  .. Ờ , mà cho dù ở sờ sờ trước mặt đi nữa thì cũng chả "vọng động" gì,  cứ như Liễu Hạ Huệ ngày xưa ủ cô gái đẹp trong lòng mà tỉnh bơ bơ, hoặc như Quan Công đốt đuốc canh cho Nhị Tẩu ngủ suốt đêm mà không hề nổi cơn "tà vạy".  Nên tôi rất an tâm làm người phàm mà "hồn tục" cứ tha hồ "mơ tiên" dai dẳng .. (Với lại tôi cũng là người cùng phái với mấy nường, cùng xêm xêm những "bộ sậu" ấy thôi, dù kích thước, hình dáng  dẫu có khác nhau, song "nhi nữ thường tình" muôn đời vẫn vậy, thì cớ làm sao phải "cu-rớt" (curious) mới được chớ hả .. ???)

 

 

.. "Tôi thực sự cũng không hiểu vì sao mà tôi sớm bước vào cửa của tình yêu. Sớm quá ! Có lẽ chỉ thua Môza một tí thôi ! Từ 8 tuổi đầu, tôi đã say mê như người mười tám, đôi mươi say mê nhau. Lúc đó, tôi vẫn đi trọ học ở tỉnh. Vì nhớ mẹ cho nên cứ chiều thứ 4, thứ 7 hoặc những ngày lễ, tôi nghỉ học, đáp tàu từ ga Phủ Lạng Thương để 15 phút sau đã có mặt ở nhà, thường là buổi chiều, đã nắng xiên khoai rồi. Một buổi chiều như thế, tôi thấy một người con gái như đang mua cái gì đó của mẹ tôi, hình như một chút phẩm xanh xanh đỏ đỏ thì phải. Khi nhìn thấy cô ấy, tôi bị … sét đánh, ngất xỉu" (Ðịnh mệnh lá Diêu Bông - HOÀNG CẦM).

 

Hồi 9, 10 tuổi gì đó, lúc đang học lớp Nhì trường Nữ Tiểu Học tỉnh lỵ Rạch Giá, tôi cũng bắt đầu biết mê "người đẹp" .. rồi, mà cũng toàn là "mấy chị" không, (lớn hơn tôi cũng bộn tuổi à nhen). Nhưng khác với Hoàng Cầm xa lắc là tôi chỉ được gặp mấy "chị" trong .. các rạp chiếu bóng mà thôi.

 

Mấy "chị" tui đẹp lắm, nhất là đôi mắt bự thiệt là bự, lại còn được viền màu đen đậm thiệt là đậm, khi mấy chị liếc một cái, rồi nhoẻn miệng cười duyên, hàm răng đều rưng rức, cánh mũi lại còn lóng lánh hạt vàng, hạt ngọc gì đó nữa, mèng ơi, trái tim tôi cũng như là trái xoài trên cây "toòng teng, toòng teng" muốn rụng cái bụp xuống bao tử .. đói meo (vì phải nhịn ăn hàng lâu lắc lắm mới đủ tiền coi phim chớ bộ). Mấy chị thường mặc y phục khoe bụng, rồi trang điểm cho cái rún, cho cái vòng hông .. xệ nhiều thứ trang sức thiệt là lạ và hấp dẫn, (nếu mấy chị là tiểu thơ hay con gái nhà giàu), chưa kể trên mái tóc dài đen mun, thắt bín, quấn không biết bao nhiêu là vàng, ngọc, hoa lá .. Khi mấy chị múa, thân mình vặn vẹo, cái bụng thon thả lượn qua, lượn lại, cái mông cũng "xàng xê", lắc lắc đảo đảo hết sức điệu nghệ, trời ơi thiệt là đã con mắt. Bàn tay thì dẻo quẹo, các ngón tay xòe ra, cụp vô, lung linh như những bông sen nở, cườm tay còn đeo tùm lum vòng vàng, mười ngón tay đầy nhẫn ngọc lóng la, lóng lánh, đẹp thấy bắt ham.  Tôi cười với mấy chị, tôi khóc theo mấy chị, tôi khổ như người bị hành hình khi mấy chị gian truân, tôi sung sướng khi mấy chị được yên bề hạnh phúc .. Nhưng phần lớn, nước mắt tôi đã đổ ra không biết bao nhiêu mà kể từ cái tuổi đúng lý ra chỉ nên coi mấy cái phim hoạt họa về muông thú, về cảnh thần tiên dành cho con nít, con nôi với những kết thúc "có hậu", đầy màu sắc tuyệt vời, âm nhạc thánh thót, du dương (như ở bên đây) ..

 

Tuy tôi cố chắt mót, nhịn ăn, nhịn thèm (cỡ như mấy nhà tu khổ hạnh trong phim Ấn Ðộ chớ hổng phải vừa), nhưng má tôi cấm đoán cái chuyện này dữ lắm. Vì nhịn ăn (còn trốn má, nói dối má đi coi phim với bạn) là một điều đáng bị đòn rồi, lại còn cái tật khi về đến nhà là cứ như bị mất hồn mất vía vậy, cứ tơ tơ tưởng tưởng tới mấy chị không, thần trí lơ lơ, lửng lửng .. Học hành không vô, làm bài tập không được. Mảng lo thổn tha thổn thức thương xót đứt ruột, đứt gan khi hình ảnh mấy chị bị đày đọa, bị đánh đập, mà nỗi oan tình thì cũng cỡ như chú tiểu Kỉnh Tâm (bị Thị Mầu vu khống ..) cứ lượn lờ trước mắt, nên không ít lần tôi bị bắt quả tang vì cái tật "lo ra" hết sức nhăng nhít này khi ngồi ăn cơm với má. (Và hậu quả là "được" ăn "thặng dư" vài con lươn .. trên đít, chứ sao !!!).

 

Sau đó, khi lên lớp nhất, viện cớ phải lo thi vào Ðệ Thất, má cấm tuyệt chỉ cái chuyện coi phim. Tôi cũng không còn thì giờ "sưu tầm" ba tờ chương trình quảng cáo "đỡ ghiền" nữa:

 

.. Tôi bắt đầu biết dành dụm, biết mân mê, biết nghệt mặt ra mà ngắm nghía những tờ quảng cáo phim Ấn Ðộ của rạp Châu Văn, hay là những tờ in đào kép cải lương của rạp Ðồng Thinh, Hòa Lạc .. Tôi chui vào thế giới ấy những khi đã làm bài, học bài đầy đủ, xong xuôi .. Đó là  thế giới của một cô bé con không có ai dẫn đi coi chiếu bóng, không có tiền coi cải lương dù hạng cá kèo. Vì má tôi đầu tắt mặt tối buôn bán nuôi tôi và rất ư là cần kiệm nên cái chuyện xi nê, cải lương là cái chuyện "không tưởng" vô cùng.

 

Hình như tôi là một đứa con ngoan. Không có máu đua đòi xa xỉ. Tôi thấy bằng lòng chán với những tờ quảng cáo cho không ấy. Vì tôi có thể biết nội dung phim, nội dung tuồng, lại còn thấy mặt cả đào kép nữa. Thế thì cần gì phải  chen chúc vào rạp cho mất tiền toi. Khi tất cả đều rất lộng lẫy, huy hoàng, sống động trong trí tưởng tôi. Ngay cả khi có  tờ quảng cáo bỗng cắt  đứt kết thúc một cách cố tình để khêu gợi trí tò mò người xem đi nữa, thì đó lại là cơ hội quí giá vô cùng cho tôi tập tành kết thúc nội dung tuồng theo ý riêng tôi.

 

Nhưng ! Không phải thảnh thơi mà có được những tờ quảng cáo lòe loẹt ấy đâu nhé.  Tôi phải chạy theo mấy chiếc xe quảng cáo ấy đến hụt hơi, mặt xanh lè, xanh lét. Đã vậy phải bỏ cả dép, guốc mà chạy thục mạng theo xe ... Đường Hoàng Diệu lồi lõm, lởm chởm đá đâm gan bàn chân học trò đau thấu trời xanh. Nhưng khi nắm được tờ giấy chương trình rồi, chạy u vô nhà, vuốt tờ giấy cho phẳng phiu, thẳng thớm, nhìn say mê những chân dung thần tượng là sung sướng đến lịm người.

 

Mệt đến đâu. Đau đến đâu. Có sá gì đâu !!! ( Trích CON MỐI)

 

Ðến khi tôi phát hiện "kho tàng bảo vật" của mình bị những con mối "xơi tái": .. "Những con mối trắng bóng, bụ bẫm, bò lúc nha, lúc nhúc trong cái thùng cạc tông. Chúng bò ra từ lòng gỗ mục, đục thủng đáy cái  thùng giấy cứng, gặm nát những tờ quảng cáo bảo vật, các tờ nhạc quí giá. Một số sách cũng cùng chung số phận nhưng đỡ thê thảm hơn, chỉ lỗ chỗ những lỗ thủng loáng thoáng. Nhưng tôi biết trong một thời gian ngắn nữa thôi là nguyên cả cái tủ sách quí giá của tôi đi đời. Nước mắt ròng ròng. Tôi khóc lặng lẽ, dai dẳng. Vừa khóc vừa bê nguyên  cái đống gớm ghiếc đó vứt  xuống biển .."  thì hình như cũng chính là lúc, tôi giã từ cái đứa "bé con" nước mắt, nước mũi lòng thòng, ham mê bóng sắc những cô đào trên màn ảnh hay trong tờ quảng cáo .., để trở thành "tín đồ" của những thần tượng mới:  Những Giáng Kiều, Tiên Dung, nàng Tấm .. trong truyện cổ, những Mai, những Loan, những Bé .. của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn một thời Trung Học; các nhân vật hư hư thực thực của nhóm Văn, Văn Học .. cũng như trong những trang sách dịch (Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Ðức, Anh ..) một thời Văn Khoa Sài Gòn .. Rồi những nhạc phẩm lừng danh. Các nhạc sĩ, ca sĩ gạo cội .. Nỗi đam mê cái đẹp, cái tài tình vẫn lẫm liệt đeo đẳng khôn nguôi theo giòng  thời gian vùn vụt thiên di ..  

1aodaitim_2cloning.jpg

Và thú thực, khi tôi viết những dòng mở đầu như trên, là lúc tôi như được "vực" dậy từ cái lừ đà, lừ đừ vì ngủ ít quá, mà làm việc 12 tiếng một ngày, 7 ngày 1 tuần, suốt 1 tháng ròng

*

 

Hồi đó, cuộc sống của mẹ con tôi loanh quanh, lẩn quẩn trong gian hàng tạp hóa lỉnh kỉnh hũ kẹo, lọ bánh, "tỉn" nước mắm, đống than nhọ nhem, nhọ thỉu; những cây xà phòng dài ngoẵng phải lấy dao cắt thành cục vuông xinh xắn; rồi nào là kim chỉ, cúc áo, tút thuốc lá Bastos xanh, thuốc Ruby đỏ .. Rồi gạo, củi, con khô .. Rồi bàn chải đánh răng, rồi thuốc nhức đầu, đau bụng .. Rồi xá xị hiệu con nai, "la ve" hiệu con cọp, "la ve" 33, (hồi đó hổng có gọi "bia" [beer] như bây giờ ) .. Có cả rượu đế nữa !

 

Không phải "mèo khen mèo dài đuôi" đâu, má tôi coi vậy mà "hay" thiệt tình . Tuy ở giữa những "cám dỗ" thần sầu của con khô mực, khô thiều, của hũ củ kiệu, thẩu tôm khô, rồi  ly rượu đế sủi tăm, chai "lave" vàng óng ả .. Vậy chớ bà chả bị thần lưu linh "dụ khị" bao giờ, dù ở cái xóm biển đó đâu có thiếu mấy bà nhậu chấp hết đám đàn ông. Với lại nếu ai đã từng bị những con sóng hung hãn tràn bờ, nhà cửa ngập lụt lênh láng, rồi mưa lạnh buồn thúi ruột thúi gan, mới thấy nhâm nhi một chút "đế" cho đỡ lạnh cẳng .. một việc hết sức tự nhiên nhi nhiên. Má tôi chỉ têm trầu ăn cho ấm "miệng" khi hàng họ ế ẩm, khi đất trời sùi sụt lâm ly. (Ăn trầu chớ cũng chả có xài đến thuốc xỉa thử coi). Dĩ nhiên là những điếu thuốc thơm Ruby cũng đâu "xi-nhê" gì với má.

 

Má tôi đúng là mẫu người đàn bà "4 KHÔNG": Không hút xách [No smoking]. Không rượu chè [No drinking]. Không bài bạc [No gambling]. Và cũng Không chuyện đó .. đó .. [No Sex] nốt. Khi tôi chào đời thì má cũng đã 39 tuổi rồi, và ba má tôi "nghỉ chơi" nhau sau đó không lâu. Ba tôi đi theo "bóng sắc" nào đó thì có trời mà biết .. Riêng má tôi một mình nuôi dưỡng hai cái đứa .. "nữ sanh ngoại tộc" cho đến ngày chị tôi lấy chồng. Bà lại một thân một mình vò võ nuôi tôi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay .. Không có bóng dáng đàn ông nào nữa ráo.

 

Người ta thường bảo "Cha nào con nấy". Trường hợp của tôi thì phải sửa đổi một chút xíu cho nó hợp thời .. trang: "Mẹ nào con nấy". Tôi cũng "bốn không" như má là cái cẳng rồi, nhưng tôi lại khác má ở chỗ là "tùm lum CÓ" : Có Tham. Có Sân. Có Si. Ðầy đủ lắm lắm !!!

 

Tuy không phải là Tú Uyên, nhưng tôi vẫn mơ được gặp Giáng Kiều, nên bèn tự tay vẽ hình Tố Nữ, treo la liệt trên vách. Treo đến bụi bám nhện giăng. Treo đến vàng ố giấy, lem luốc hình người. Cũng chả thấy ma nào hiện ra. Tuy nhiên tôi không đau lòng chi mấy vì tự biết cái khả năng "vẽ vời" đâu có bao lăm mà bày với đặt !!! Chỉ có điều này là tôi nhớ đậm, nhớ sâu, nhớ lâu, nhớ lắc ..

 

.. Đó là cái chuyện hết sức tầm phào của con nít, con nôi.

 

Nhất là con nít, con nôi của một bà mẹ già mồ côi mồ cút , thân lập thân từ thuở bé con .. Một người mẹ luôn chấp chới giữa ước mơ phong phú, thừa thãi với thực tế đói nghèo, lầm than, cơ cực. Cũng may là nhờ bà cứ muốn "với" tới điều tốt lành như vậy mà ít khi bà thở ngắn than dài, sướt mướt, tỉ tê. Và tôi đã may mắn thừa hưởng cái tính khí biết điều này nên lớn lên tôi cũng bèn hiếm bận thở than.

 

.. Tôi đã kiêng khem, đã nhịn nhục, đã lặng lẽ như tờ như thể đó là bản tính của mình. Như là một đứa cù lần. Khù khờ. Đần độn. Dở hơi. Nhưng thực tình tôi không phải vậy đâu. Tôi ồn ào lắm. Dữ dội lắm. Dị hợm lắm. Cũng như là một thứ ngựa chứng chứ chẳng phải vừa đâu. Nhưng tất cả những điều hắc ám này đều được tôi bọc cẩn thận vào một vuông khăn đen ngòm và niêm phong cẩn mật rồi đem chôn dấu trong thâm cung bí sử tâm hồn mình và cố lãng quên đi.

 

Vậy mà, không hiểu sao, tất cả lại quay về. Cái con bé con quạnh hiu của một bà mẹ hiu quạnh đã nằm chờ biết bao lâu .. Chờ hết ngày dài. Chờ hết đêm thâu. Chờ suốt một thời bé con. Chờ hết mùa biển động. Chờ hết lần trăng tròn trăng khuyết. Chờ mấy lượt nắng chói chang. Chờ mấy lần mưa . Chờ gì ??? - Chờ nàng Tấm trong trái thị hiện ra !!! Nàng sẽ cùng tôi làm bầu làm bạn. Nàng sẽ là chim Vàng Ảnh, Vàng Anh lảnh lót hót ca. Nàng sẽ dạy tôi dệt lụa, dệt tơ trời đâu la miên, dệt những sợi tơ giăng đầy hồn thi sĩ. Nàng sẽ dạy tôi leo trèo, dạy tôi leo cây cau hái quả biếu cha. Nàng sẽ dạy tôi nuôi cá bống, Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người .. Nàng sẽ dạy tôi biết thương người già cả, biết thương kẻ ăn xin độ nhật mà hiện ra dọn nhà dọn cửa sạch sẽ tinh tươm, nấu cơm lành canh ngọt, chờ bà. Rồi Nàng sẽ gặp lại Hoàng Tử của nàng. Và tôi sẽ gặp Hoàng Tử của riêng tôi ..

 

Tôi đã lặng lẽ chờ như vậy. Không một ai hay biết. Kể cả má tôi. Có nhiều khi, giữa đêm, giữa hôm, tôi mò dậy, khe khẽ mở cái hộp giấy, bên trong là cái hột thị đã được mài tỉ mỉ, tẩn mẩn, lộ cái lõi trắng ngà có cái hình người -- thì nàng Tấm đó thôi ! Tôi ngó kỹ càng, nín thở, cái đèn pin rọi vào hạt thị, chênh chếch, (sợ làm lóa mắt nàng), tôi săm soi cái thể tích hạt thị xem nó có nhích lên, nở ra được tí nào không ? Xem nàng có lớn lên chưa ? Có thể xuất đầu lộ diện được chưa ?

 

 Nếu má tôi rảnh rang hơn. Có trình độ hơn. Mà bắt gặp tôi làm cái trò dớ dẩn này, tin tưởng bá láp như thế thì chắc chắn bà đã gởi tôi đi bác sĩ tâm thần rồi. Vì làm sao mà cái hạt thị tí tẹo, cứng ngắc đó lại chứa được một con người, mà lại là một bà Chánh Cung Hoàng Hậu cơ chứ ???

 

Càng may mắn hơn nữa là tuyệt nhiên tôi không hề hở môi kể lể, khoe khoang với bất cứ một ai, dù mấy đứa hàng xóm, hay bạn học trường Nữ, mấy cái đứa ngay cả cái mụt ruồi nơi bẹn cũng thì thầm bật mí và thậm thụt vén cái quần-cụt-phồng giờ tập thể dục để khoe !!! (Trích Chờ hoài nàng Tấm)

 

Cũng dễ hiểu thôi mà. Khi đói ai chả thèm được ăn. Khi lạnh ai chẳng ước được mặc ấm. Khi mệt mỏi ai không mong được nghỉ ngơi. Cho nên cái con bé con  quạnh hiu của một bà mẹ hiu quạnh luôn mơ có bạn là phải rồi: Bạn đẹp người, đẹp nết. Bạn dễ thương, toàn hảo như tiên (dù chưa bao giờ được thấy, được gặp tiên đến một "nửa lần" !!!). Nhưng càng chưa được thấy, chưa được gặp, càng hướng về "bóng dáng kỳ ảo" đó như người lữ hành khát khô cổ bỏng họng thèm một gáo nước ngọt lành. Lớn lên, lăn lộn với đời, vật vã với nghịch cảnh, trái ngang, tôi càng ngưỡng vọng những mẫu "NỮ" mà sự dịu dàng, thuần hậu có thể chuyển đổi mọi thô lậu, cục súc thành hòa nhã, hiền lương; càng nể phục sự an nhiên, thanh thoát của quí bà, quí cô giữa chợ đời lúc nhúc phường "mạt cưa mướp đắng". Không như tôi, mỗi lần va phải cảnh trái ý, cực lòng, tôi cáu kỉnh, tôi hoảng loạn, tôi tam bành lục tặc nổi lên như sắp tận thế đến nơi. Và cửa sổ tâm hồn thì tóe lửa sân si, ngút trời khổ lụy !!!

 

Má tôi dường như cũng chưa bao giờ biết biểu hiện cái mềm mại của nữ tính, vì bà chả khác gì chinh phụ hồi xưa: "Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân". Cùng một lúc làm mẹ với mọi chuyện thượng vàng hạ cám trong nhà, má tôi còn phải làm đàn ông gánh vác chuyện kiếm sống nuôi hai đứa con (may là chỉ có hai thôi) nên lúc nào bà cũng luôn tay luôn chân bận rộn, đảm đang, tháo vát, nghị lực, cương cường, cứng cỏi như bậc "mày râu" . Có phải vì vậy mà bà không biết rằng tôi thèm được bà ôm vào lòng vỗ về những lần bị ăn "hột vịt" trong lớp; thèm được nựng nịu, hôn hít, vuốt ve, khen ngợi khi lãnh bảng-danh-dự mang về. Thậm chí những khi tôi bị dằm đâm vào thịt, bị vấp té toạc móng chân bà cũng không xuýt xoa tội nghiệp, chỉ lặng lẽ đi tìm thuốc cầm máu cho tôi hay tỉnh lấy nhíp gắp cái dầm ra. Bà cũng chả một lần nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường Hoàng Diệu lởm chởm đá, những ngày nắng đẹp nhiều khi tanh nồng, thum thủm mùi cá phơi (chưa) khô, để đưa tôi vào lớp rồi mới quay về như những bà mẹ thuần túy nội trợ khác .. Bởi vậy, hàng năm, hễ đến mùa tựu trường, là tôi lại cay cay con mắt thương thân tôi, thương thân má, vĩnh viễn không bao giờ có dịp được làm hai nhân vật bất hủ của nhà văn Thanh Tịnh: "..  Hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng quen thuộc" ..

 

Ðâu phải má không thương tôi. Thương tôi hơn cả thân bà nữa ấy chứ. Nhưng từ khi tôi mới bắt đầu đi học bà đã nhờ cậy ai đó đưa tôi đến trường dùm rồi (tôi cũng biết bà phải trông nom hàng quán chứ,   "được bữa giỗ, lỗ bữa cày" thì có mà chết cả đám, nhưng tôi vẫn ước ước ao ao .. !!!). Và sau này lên Trung Học hay vào Văn Khoa Sài Gòn, cũng chỉ có mình tôi, "độc đạo kỳ thân" trên con đường học vấn, lủi thủi trên bậc thang khoa cử gập ghềnh, (nhưng luôn luôn có một người làm điểm tựa đỡ nâng thầm lặng, một người đàn bà lấn ranh sang địa hạt nam giới để hướng dẫn con cái vào đời "tự lực, tự cường").

hoasen_depqua.jpg

*

*

 

Xin má tha tội cho con, đứa con út cưng của má, đã quên béng ngày giỗ lần thứ .. của má mất rồi. Ðến khi có thì giờ xem lịch thì đã trễ đúng nửa tháng ròng và lại đang ở thời điểm năm cùng tháng tận !!! Con vẫn biết má sẽ không chấp nhất gì đứa con đuểnh đoảng này, vì má từng hay kể cho con nghe chuyện ông này, bà kia, hiếu thảo "dỏm dí" như vầy: Lúc sống thì chẳng cho ăn, Ðến khi chết xuống làm văn tế ruồi ..

 

Thôi thì xin cho con thắp nén hương lòng để tưởng nhớ má .. Một bà mẹ với câu châm ngôn bất hủ: "CỨ LÀM ĐI RỒI KHẮC BIẾT !"- Má chả có đi học đi hành gì hết, mà má cũng làm được tất những gì má muốn làm: thuộc đầy bụng Ca Dao, Tục Ngữ, truyện Kiều, làm thơ, chữa bệnh, đan áo, nấu ăn, làm bánh - những môn Nữ Công Gia Chánh chỉ dành riêng cho các tiểu thư con nhà khuê các, ngày rộng tháng dài, dư ăn dư để - Má mồ côi mồ cút từ tuổi 13, lo nuôi thân không xong lấy gì được học được hành ! Vậy mà "trăm hay không bằng tay quen" !!! .. (Trích Lội được qua sông )

 

Ðối với tôi, bà không phải là hình tượng phụ nữ tuyệt vời, mà bà giống hệt thần tượng của riêng tôi (cũng là thần tượng của trẻ con trên toàn thế giới): Ông Già Noel.

 

.. Má tôi là ông già Noel không có bộ râu trắng xóa. Không có quần đỏ áo đỏ. Không có nón đỏ viền trắng. Không có một túi quà nặng trĩu trên vai. Mà lòng bà chứa đầy những ngọc ngà, trân châu, lưu ly, xa cừ, mã não.

 

Má tôi là ông già Noel không phải chỉ một ngày hay một mùa lễ lạc. Mà cả đời bà hy sinh tận tụy vì tôi, cho tôi. Tại sao bà không ngắt véo một ít gì đó cho riêng bà, để tôi thấy nợ bà ít hơn suốt kiếp này và cho cả đến kiếp lai sinh ???

 

.. .. .. ..

 

Tôi nghe ra bạch hạc

Một lúc ôm lòng thiền

Cánh thiêu thân rách nát

Cố bay vào uyên nguyên

(B.C.D)

 

Má tôi là cánh hạc trắng phiêu diêu hay má tôi là cánh thiêu thân rách nát ??? - Tôi chỉ biết Bà như nước trong nguồn, rót vào đời tôi tràn trề suối ngọt. Bà như tán lá biếc, xôn xao phe phẩy trưa nồng. Bà như một đời trụ, là cái giàn cao cho chị em tôi làm dây bầu, dây bí bò leo quấn quít. Nẩy lá xanh um. Trổ rực sắc hoa vàng. Kết trĩu cành nặng trái. Riêng tôi, bà đã tra vào chân tôi đôi hia bảy dặm. Để hái về cho bà và cho cả chính tôi những trái đời tươm mật. Đằm hương ổi chín. Thoảng hương hoa bưởi, hoa lài trong chén thạch trắng trong. Ngọt môi. Thơm miệng. Mát lòng. Những mùa hè cháy bỏng thịt da. (Trích Chỉ còn là cổ tích)

 

Xin cúi đầu thâm tạ "nước trong nguồn, rót vào đời tôi tràn trề suối ngọt .. "

Xin cúi đầu ghi khắc ơn sâu "tán lá biếc, xôn xao phe phẩy trưa nồng .."

Xin cúi đầu đảnh lễ "một đời trụ, cái giàn cao cho chị em tôi làm dây bầu, dây bí bò leo quấn quít .."

Xin cúi đầu lạy tạ người "đã tra vào đôi chân tôi đôi hia bảy dặm", còn riêng mình thì cả một đời mòn vẹt guốc, dép đứt quai, quanh quẩn hàng họ lo toan ..

 

 

Ngươi còn mẹ, mạch nguồn lượng bể

Ta mồ côi như kẻ bá

Ta thành, ta bại thuở giờ

Chút lòng hiếu đạo mịt mờ khói hương

(HÀ HUYỀN CHI)

 

 

Vâng. Má của con ơi. "Chút lòng hiếu đạo mịt mờ khói hương" ...

 

Ôi. Má .. ơ… i... i… i… i... i... i..... "Mai sau còn có bao giờ" ..... được đền ơn đáp nghĩa cao sâu ....  ??????

 

 

 

 

 

Cuối Tháng Chạp

-năm tuổi của Má-

 

 

 

website counter