Hơn mấy chục năm ròng rồi
đó, mình có bao giờ để ý tới
"nỗi buồn riêng" của mấy ông
đâu, sao bây giờ bỗng thấy tội nghiệp bất nhơn cho mấy bực
"có râu" quá thể. Thì thử
đọc mấy câu này coi có dửng
dưng được không với ba cái chuyện
nhớ nhung, ba cái chuyện thất tình, bất tỉnh ..lung tung của mấy
ổng . Mà tại sao nắng vàng lại "mắc
mớ cớ sự" đến thế ..vậy nhỉ ???
Ôi nắng vàng sao mà nhớ
nhung
Có ai đàn lẻ để
tơ chùng ..
(HUY CẬN)
Chỉ là nắng
vàng thôi mà.
Chỉ là em
đùa thôi mà.
Mà nắng vàng ơi
Sao đùa tình tôi
Sao đùa một
hơi.
Sao đùa tí
thôi.
Mà mười năm chẵn
Tôi như trái thông hiu quạnh
Rơi bất tỉnh chân đồi
(ÐỖ TRUNG
QUÂN)
Hễ nói tới đàn
ông, đàn ang thì ai cũng liên tưởng
đến thân xác đầy cơ bắp,
mà cho dù ốm tong ốm teo đi nữa thì
họ vẫn có sức, có lực mạnh mẽ
hơn chị em mình (xin đừng liệt kê
"dô" đây mấy chị lực sĩ
điền kinh nha, làm mất hứng tui nha !!!).
Ngoài cái "chiện" sức vóc ra
(nên mấy ổng phải "bao giàn"
các chuyện khuân, bê, vác, đẩy, chở,
khiêng .. vật nặng, sửa chữa cái
này, gắn cái mới kia, lắp ráp cái
nọ.., lại còn phải giang thân làm
"hiệp sĩ" bảo vệ những
"đóa hoa biết nói" lồ lộ hoặc
khéo che những cái gai nhọn lễu
!!!) thì cái tình, cái cảm, cái
nhớ, cái thương .. của mấy
ổng cũng "trầm trọng dã man" luôn.
Ðó. Chỉ có mấy câu
thơ trên thôi đó, mà đã
"lâm ly bi đát" dẫu rồi nè .. Chưa kể cái người
họa sĩ/thi sĩ "lui cui" cào lá mười
mùa thu, một mình .. (ờ, sao mấy người này "hạp"
con số 10 ghê ta: "Tình
mười năm nhớ tình mười năm,
Ðâu má môi hồng, đâu mộng xanh ..
" - LÊ NGUYÊN HẠNH - ???)
Nắng hay mưa, lạnh hay ui ui,
sương mờ hay lá đổ, thì sao
không mặc kệ nó đi. Sao không bắt
chước "Thu ăn
măng trúc, Ðông ăn giá, Xuân tắm
hồ sen, Hạ tắm ao" như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm để
thong dong đi vào cuộc-trần-ai với người
ta đi. Mắc cái chứng gì mà ngồi
đó "nhớ nhung" với lại "bất
tỉnh .. chân đồi", hoặc
khóc cười mình-ên .. hả
trời xanh đất đỏ ??? Hoặc chưa xảy
đến, mà đã chuẩn bị ..,
đã "sắp sửa" ..
"nhớ nhung" mí lị
"tương tư, tương .. chao" rồi!!!
Trở lạnh rồi đây, sắp
nhớ nhung
Sương the lãng đãng, bạc
cây tùng
Từng nhà mở cửa
tương tư nắng
Sắp sửa lòng ta để lạnh
lùng
(XUÂN DIỆU)
Bộ tui dám giỡn mặt tử
thần hay sao mà dám đụng "dô" mấy
ổng khi mình chỉ là "cái xương
sườn cụt" của người ta thui, (theo
Thánh Kinh nha, còn tui thì ngoại đạo
nha) ??? Số là như vầy. Một
bữa kia, tui lẩn thẩn (lại lẩn thẩn)
và lẩm cẩm (lại lẩm cẩm) nhìn tới
nhìn lui, nhìn xuôi nhìn ngược, khi gom
góp mấy hình ảnh từ quí vị
"su tầm .. da" để
làm các slideshows Quá tải và
quá "oải", Chỉ có ở Việt
Nam thì tui mới thấy "kinh khủng .. khiếp"
mà rằng: có tới 99 phẩy 9 nình ông
dám "liều mạng" đến nỗi dễ
"bỏ mạng" như không giữa "đường
trường xa .. con chó nó tha con mèo" !(Nhưng chỉ khi đã
rời xa chốn cũ, đã đi đây đi
kia, đi chừng 1, 2 châu .. 2, 3 biển
.. nhìn lại những hình ảnh đó mới
thấy .. ớn óc, mới thấy .. rùng
mình rởn tóc gáy, chớ hồi ở VN
mình có thấy cái gì đâu: người ta sao mình vậy.Làm khác đi là quá "chảnh"
với mọi người !!! Tỉ
như cái "chiện" sà vào các
quán hàng, đâu có dám "ke"
[care] ruồi bâu, kiến đậu, dám mà
"chê" bẩn, "chê" hôi, chết liền
!!!)
Có phải vì thấy cái
kiếp "Vai u thịt bắp
mồ hôi dầu, Lông nách một nạm,
chè tầu một hơi" (Ca Dao) nó cực quá, khổ
quá, trần thân quá, sầu thảm quá
như vậy nên một số mấy ổng (ở
Thái, ở Ðài Loan ..) bèn "từ bỏ"
cái thân mạng "cùi cụi" của
mình để trở thành Nàng ,
để được "yểu điệu thục
nữ , quân tửhảo
cầu" . Ờ, mà được làm Con Nữ
để chi vậy ta, để được "nhớ"
như vầy cho nó "đã" hay sao vậy
cà ???
… em nhớ lắm
những lời anh chẳng nói
em nhớ lắm bàn chân anh bối
rối
những ngón buồn không nỡ bước
xa thêm
anh đừng đi, em không
cách chi tìm
em biết trốn vào
đâu cho bớt nhớ …
(ÐINH THỊ THU VÂN)
Mèng ơi, câu hỏi này
hay thiệt chớ, hay "tàn bạo" thiệt luôn !!!Em biết trốn vào đâu cho bớt
nhớ ..Y như trò chơi
"cút bắt" thời nhỏ tí teo.
Nhưng dù trốn giỏi đến đâu
đi nữa, thì cuối cùng cũng phải
"lộ mặt" nguyên con ..
Buổi sáng. Buổi
trưa.Buổi chiều.Buổi tối.
Chưa buổi nào mình
quên gọi nhau !
Em cuối chân mây, anh đầu
ngọn ba đào,
nghe chút gió cũng muốn
trào nước mắt !
Bao nhiêu năm chỉ một lần
xa cách
mà thiên thu không lẽ đã
an bài ?
Hẹn. Hẹn hoài, không thấy
một ngày mai,
chỉ thấy sáng, thấy trưa, thấy
chiều, thấy tối ...
(TRẦN VẤN LỆ)
Mỗi người giữ một hình ảnh
riêng, và đó là cái trường
của họ
***
Nói
tới nói lui vậy chớ, ở Mỹ này riết
rồi, mình trở thành thực tế, thực tại,
thực dụng ..hồi
nào hổng hay. Ở đây, họ quan tâm tới
thời tiết ghê nơi luôn, nhưng quan tâm
là để "phẻ" cái thân khi bước
ra khỏi nhà đi làm, đi chơi, đi
shopping, đi nhà thờ thăm Chúa .. chớ hổng phải để cho cái
"cảm xúc .. giác" của
mình nó bay bổng lên chín từng trời
đâu suất, hoặc sa xuống đến tận
.. hầm hố đen sì sì
như mấy ông thi sĩ An-Nam nhà mình
đâu. Do đó nắng đẹp thì họ
hân hoan, như là ra đường lụm
được cục vàng. Còn
mưa rơi, tuyết phủ thì họ ủ ê,
rên rỉ như là chuyện tang tóc thê
lương. Hễ mùa hè thì họ phải
ra biển, cho da rám nắng với đời, để
"dợt le" là tao cũng biết "enjoy"
cuộc đời ngắn-củn chứ không như tụi
bây cả đời chỉ biết cặm cụi
cày bừa để có "overtime". Cũng
không phải kiểu NGUYỄN TẤT NHIÊN "quá đỗi ..
Thiền" khi ra đường vào mùa hạ
có lửa trời nung ..
mùa hạ anh ra đường
thấy mới tinh tất cả
thấy nắng nôi dịu dàng
đang vuốt ve cây cỏ
thấy cây cỏ dễ thương
đang làm duyên, tóc xõa
thấy lửa trời nung ngon
chín bòn bon sự sống
thấy sự sống nhịp nhàng
theo đỏ, vàng, xanh, đỏ ...
thấy phố xá từ tâm
đèn cười hoa ba đóa ...
Riêng
tui thì "tính toán" kỹ càng lắm,
rất ư là "thực tiễn", khi bà
boss cho lựa ngày vacation như vầy: Mùa
Hè là mùa đắt hàng, ngu sao đi,
đi là mất overtime (ai cười người
đó hở mười cái răng, còn
hơn là mình hở cả rốn vì
đói cơm, thiếu áo "lạnh" ..
ngày đông). Mình là dân
"cà thẻ" ăn lương giờ mà,
nên được chút "phụ trội"
nào là mừng chút đó chớ.
Ðến tháng 9, tháng 10 .. trở
đi, trời trở lạnh, ai mà chụp hình
chụp ảnh nữa, nên hàng họ ế ẩm
phải nghỉ ở nhà để "phè
cánh nhạn" và cũng để treo bao tử
lên mà ngủ bù cho "đã mắt"!
Bởi vậy, thời tiết bên
đây là chuyện "đồng tiền liền
khúc ruột", y như mấy bác nông
dân "trông trời, trông đất,
trông mây, trông mưa, trông nắng,
trông ngày, trông đêm".
Trông miết ..trông
mút chỉ cà tha .."trông cho chân cứng
đá mềm, trời yên, bể lặng mới
yên tấm lòng". Ðúng vậy
đó.Trời yên.Bể lặng. Mưa nắng phải thì .. Hễ ông Ầm, bà
Ì, ông Thiên Lôi với cái búa tầm
sét, thần Bão Tố, chàng Thủy Tinh .. mà xuất hiện đều chi,
là thấy mệt, thấy đói, thấy khổ
cầm canh. Bởi vậy.Hôm nay.Ngay bây giờ.
Tui ơi, tui à, đừng có quên nha: "Làm được gì
cho nhau thì chớ chần chừ. Vì
đời sống nhiều bất trắc quá.
Để không bao giờ ân hận
bởi một sự lười biếng cỏn con, một
vô tình không đáng có" (LỮ QUỲNH)
Nhiều lúc nghĩ: Chắc thời gian
lạc lối,
Nên tháng ngày là lịch
gió bay bay ...
Lá mùa Xuân xanh biếc
đậu trên cây.
Lá mùa Thu vàng
mơ rơi xuống đất.
Mùa Hạ ơi, nắng hồng chi chất
ngất ?
Mùa Đông à, mưa bão tại
vì sao ?
Trái đất xoay, thời tiết
đổi ào ào.
Mình, hai đứa, cứ đầu
non, cuối biển !
(TRẦN VẤN LỆ)
***
Tình
thiệt là hổng biết nắng màu chi ? Vàng hay hồng ?
Nhưng ít có nghe ai nói nắng xanh (nếu ở
trong vườn, hay ở trong rừng thì không kể,
vì chắc được nhuộm màu diệp-lục-tố
của lá cây nên cũng có thể có
nắng màu-xanh hổng chừng ?)
.. Do đó tui bèn mạnh dạn đặt tựa
bài là nắng
vàng cho nó có vẻ .. "cọp
dê" !
Riêng
cái chiện "tay
xanh" thì tại tui
nhìn thấy gân xanh nó nổi lên la liệt
địa trên mu ..bàn
tay, nên tuibèn
"tới luôn" cho có sắc màu đối
xứng vậy mà. Cũng có ý để
"phe phang" cùng bạn bè tứ xứ rằng:
Rất
nhiều khi, vừa ngồi làm việc ở cái
hãng rửa phim này, vừa mộng mơ lãng
đãng, nhớ tới, nhớ lui, vừa nhìn
mê mải hai bàn tay "gia tài" của
mình rồi làm một màn "liên tưởng,
so sánh, so đo" .. Ờ ..hồi làm cô giáo ở VN, sau
75, mình mặc áo dài, đi dạy học bằng
xe đạp toòng teng, teng toòng. Bây giờ, ở
Mỹ, làm nghề mở camera (hoặc hồi mới
qua đếm bánh
ăn tiền ), mà đi làm bằng xe hơi. Hồi nào
được mệnh danh là người trí thức,
được bơm nổi là "kỹ sư
tâm hồn", mà bao tử rỗng không.
Bây giờ đi làm cu-li, làm thợ, tay chân quần quật mà cơm
ngon, áo đẹp, nhà cửa cao sang (dù chỉ
là nhà trọ), xế 4 bánh hẳn hoi dù
chả quyền cao chức trọng gì ráo nạo.
Có bạn đồng thợ cắc cớ hỏi:
Mày chọn cái nào, cô giáo đi xe
đạp, hay cu-li mà lái xe hơi ?
Trả lời tỉnh bơ. Chọn
cu-li [ngu sao "ham" làm cô giáo đạp
xe ná thở đi bán-cháo-phổi để
được tấm-giấy-khen "lộng kiếng"
rồi liệng-cống .. hả mậy ?] !!!
Xứ người từng chén trà lưu lạc
Ta uống mềm môi những buổi khuya
Cổ thư hiu hắt theo
dòng nến
Nhiều lúc cố quên chuyện trở về
(TOẠI KHANH)
Nỗi
buồn lưu vong, thân phận di trú, càng ngày
càng "phải" chìm xuống như viên
sỏi mất tăm, mất tích vào đại
dương năm tháng bận rộn, gắng gỏi
thích nghi để tạo cuộc sống mới,
để bắt đầu một đời mới : Rủng rỉnh không
khí Tự Do. Phong lưu bầu trời Dân Chủ. Mọi dự tính tuy không
được tinh khôi như cái thuở đầu
đời nhưng không thiếu phần tươi
sáng tương lai. Và bỗng
nhiên cái nhìn mới, quan niệm sống mới
thành hình hồi nào, lặng lẽ mà bền
chắc, hiện ra thay đổi hết toàn bộ
tâm tư tình cảm mình.Nhiều.Nhiều thiệt.
đời cho em phấn sáp
mốt mai thành rong rêu
đời cho ta tài tử
rồi tan theo bọt bèo
đời trong khi hạnh ngộ
đã nghìn trùng xa nhau !
(NGUYỄN TẤT
NHIÊN)
Ôi.Ðâu phải đợi tới mốt mai tui
mới biết, mới trắng mắt ra đâu.
Ở ngay cái thì hiện tại này mọi
hào nhoáng hôm qua, hôm kia, hôm kìa, hôm
kỉa ..đã
ràng ràng là "rong rêu", đã
nhãn tiền là "bọt bèo" hết
ráo rồi chứ bộ !!! Còn "nghìn
trùng xa cách", thì đã xảy ra,
đang xảy ra và sẽ xảy ra thôi,
đâu có lâu lắc gì mà chậm
tiêu, mà khó hiểu !!!
Cho
nên, cái-thằng-tôi-đổi-hệ (chỉ
đổi ba cái "si nghĩ" thui nha, hổng phải
đổi hệ "trống-mái" đâu
à) thì bèn tập cách: "Tư tưởng bằng
hai bàn tay" [Penser avec les mains], bởi vì như PHẠM
CAO TÙNG
đã sưu tập những bằng chứng có
thực về kết quả của việc "Tư
tưởng bằng hai bàn tay" này, thiệt ..
"có lý" hết biết:
-
Không phải một kỹ sư xuất thân
trường Nghệ Nghiệp (Arts et Métiers)
đã sáng tạo ra chiếc máy in hồi
chuyển (rotative) mà chính là một người
thợ máy nhà in: ông Hippolyte Marinoni - Không
phải là một y sĩ xuất thân trường
Ðại Học Y Khoa đã tìm ra thuốc trị
bịnh chó dại mà là một giáo
sư: ông Louis Pasteur - Không phải những kỹ
sư xuất thân trường Bách Khoa đã
cầm đầu ngành kỹ nghệ ô tô ở
Mỹ mà chính là những tay thợ máy
như H. Ford, Chrysler - Không phải những người
xuất thân trường Ðại Học
Thương Mãi đã sáng tạo ra những
hiệu buôn to nhất ở Paris như "Au bon
Marché", "À la Samaritaine" mà là những
người đứng bán hàng tầm thường
như vợ chồng ông bà André Boncicaut, hoặc
vợ chồng Cognac Jay.
***
Vậy đó, như hoa vàng mấy
độ, như nắng lên mưa xuống triệu lần,
thì đời tui cũng đã "mấy chục ..bó"
luôn rồi. Tui đang ở lứa tuổi "gần đất, xa
..nồi cơm" (vợ chồng bạn tôi thường
cà rởn mà đúng y boong), dù tui vẫn
còn chưa nhuộm tóc lần nào. Kệ,
có sợi bạc nào lú ra thì cũng
như là tóc được hai-lai [high light] cho hợp
thời trang với đám ..nhí nha nhí nhố !!!
Tui vẫn "lẩn thẩn"
hoài à, và dĩ nhiên cũng đâu dứt
được những hồi "lẩm cẩm" . Tui đang suy nghĩ lung lắm nha bằng
hai bàn tay này (hồi nào thon thả mượt
mà mà đói rã họng), bây giờ
nó sù sì vì bị "phong thấp" cũng
có, bởi vì "được" sử dụng
quá tải cũng có (mà bụng no đến
phải kiêng cữ lung tung, rồi còn được
lên xe, xuống xe nhà .. mỗi ngày mấy
lượt .. đi cày !!!).
Ngoài cái việc
"tư tưởng bằng hai bàn tay" ra, tui
còn thấy nhiều người "biết thương, biết
yêu bằng bàn tay" nữa đó. Tình yêu của họ
thể hiện bằng những việc làm cụ thể, những biểu hiện tình tứ
đằm thắm, không phải cái kiểu
yêu đương ăn sổi ở thì,
chót lưỡi đầu môi :
"hứa" .. rất nhiều
mà "làm" .. chẳng
được nhiêu .. !!!
Trong tay anh, tay của
em đây
Biết lặng lẽ vun trồng
gìn giữ .
Trời mưa lạnh, tay em khép cửa ,
Em phơi mền,
vá áo cho anh .
Tay cắm hoa,
tay để treo tranh,
Tay thắp
sáng ngọn đèn đêm anh đọc .
.. .. ..
Khi anh vắng,
bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành
áo mong chờ .
Lấy thời gian em viết những
dòng thơ
Để thấy được
chúng mình không cách trở .
(XUÂN QUỲNH)
Cũng đôi khi bàn tay
hay-lam-hay-làm của các Nàng có thể
giúp "vò sạch" những buồn
thương xa vời, dù không biết có
"thật sạch" được không
đây ???
Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những vết
tình còn vương
Giũ cho rơi bớt giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ
thương xa vời
(THANH NGUYÊN)
Cái diệu dụng của những
ngón tay hết sức ngộ nghĩnh của phe
tóc dài, đã từng được
nhà thơ nổi tiếng NGUYÊN SA kể lể ràng ràng
..
Trên bàn tay
năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường
đi
Có ngón tay
đeo nhẫn
Ngón tay tô
môi
Ngón tay
đánh phấn
Ngón tay chải
đầu
Ngón tay đếm
tiền
Ngón tay lái
xe
Ngón tay thử
coóc-sê
Ngón tay cài
khuy áo
Em còn ngón tay
nào
Để giữ lấy tay
anh?
Mấy Chàng cứ lo quí
Nàng rời khỏi tay ra thì bay mất hút vào .. cái cõi-xa-mưa-gió
nào đó chắc, chớ họ đâu
có biết rằng, có những bàn tay
cào cấu, tàn phá, tung hê .., thì cũng
không thiếu những bàn tay bó băng, dắt
dìu, nâng đỡ, đáng tin:
Thất tình có đau lắm
không anh ?
Hãy ngồi yên để em
băng cho nhé
Em sẽ băng thật dịu
dàng, thật khẽ
Ngủ ngoan nào, rồi anh sẽ hết
đau
.. .. ..
Quên nhé anh, những gì
là đớn đau
Quên nhé anh, những gì
là dĩ văng
Nắm chặt tay em
cùng bước về ánh sáng
Trên đường
đời phía trước rộng thênh thang.
(Tác giả ???)
Em của anh ơi ,
đôi vai ấm dịu dàng
Người nhóm bếp mỗi chiều , người thức dậy
lúc tinh sương
Em ở đấy ,
đời chẳng còn đáng ngại
Em ở đấy ,
bàn tay tin cậy
Bàn tay luôn đỏ lên
vì giặt giũ mỗi ngày ..
(LƯU QUANG VŨ)
Ngược lại người phụ
nữ nhìn thấy gì ở đôi tay
đàn ông độc thân hoặc khi họ
đã có gia đình ???
"Cái mà người
đàn bà yêu nhất ở họ là
bàn tay (bàn tay tuyệt vời của người
đàn ông); bàn tay ngón dài ngón
ngắn để nắn nót những dòng thư
tình ảo diệu, bàn tay vuốt ve vũ
bão tình nhân với nhiều ma lực quyến
dụ, bàn tay xã giao bắt tay thân mật
đứng đắn, bàn tay bảo vệ
đàn bà gồng mình cơm áo, bàn
tay kéo ghế rất đỗi "galant" trong những
quán ăn, bàn tay điệu nghệ đốt
vàng khói thuốc lãng mạn lãng
đãng, bàn tay vuốt nhẹ lên vùng
lưng êm, lên vũng tóc mềm của người
yêu mình .. Những bàn tay đó, bàn
tay nào chỉ thích tháo gỡ
"coóc-xê" đàn bà không phải
vợ mình sẽ trở thành bàn tay dã
thú mọc đầy lông lá, bàn tay rờ
rẫm dâm đãng và bàn tay bội
tình, bàn tay tội lỗi, bàn tay vờ vĩnh
đụng chạm, cố tìm kiếm tìm những
giao động tình cờ của người đẹp
.." (NGUYỄN THỊ THANH BÌNH)
Lại có những bàn tay sạch đẹp lắm lắm nhưng
giết người không gớm tay. Tay
họ nom hiền nhưng tâm hồn họ ác
hơn dã thú ăn thịt sống,
thèm máu tươi. Họ, chứ ai, ngồi
tót trên ngai cao quyền thế ra lệnh
đóng đinh đức Chúa Jesus Christ; treo cổ
hiền nhân Socrates; ra lệnh "đốt sách
chôn Nho", lùa dân đi xây Vạn
Lý Trường Thành thời Tần Thủy
Hoàng. Họ, chứ ai, đã "nướng dân đen trên
ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống
dưới hầm tai vạ" (NGUYỄN
TRÃI) suốt "một ngàn năm đô hộ
giặc Tàu" (TCS). Họ,
chứ ai, ra lệnh xông hơi ngạt ở các
trại giam tập trung thời Phát-Xít Hitler. Họ,
chứ ai, gây phong trào đấu tố địa
chủ, cường hào ác bá .."cả nửa triệu
người bị đóng gông Địa Chủ,
Tư Sản, bị
chôn sống, đầu thò lên cho lưỡi
cầy kéo qua , bị mã tấu chặt
làm hai đoạn .. " (CHU TẤT
TIẾN)Họ, chứ ai, đã
ra lệnh cho thủ hạ đập đầu người
trí thức Cam-Bốt bằng búa, "cáp duồn"
người VN sinh sống bên Miên bằng mã tấu,
lưỡi lê, thời Pol Pot Khờ-Me-Ðỏ. Họ,
chứ ai, ra "lệnh mồm" chọc
đũa vót nhọn vào lỗ tai nhân chứng sống để diệt
khẩu, phi tang; đào hố chôn sống dân
lành dịp Tết Mậu Thân ở Huế. Họ,
chứ ai, đắp mô, gài mìn đường
sá, cầu cống, pháo kích trường học,
nhà thương, chợ búa .. suốt 30 năm
ròng cho mình mẩy quê nhà nát bấy
chiến thương. Họ, chứ ai, đày Sĩ
Quan lên miền rừng thiêng nước độc
làm mồi cho sơn lam chướng khí, đối
xử "tàn độc" với dân miền
Nam khiến họ liều mình vượt biển
làm mồi cho hải tặc, thủy quái, cuồng
phong, sóng dữ ..Còn hình gã Công An Nhân Dân
"bịt miệng" Linh Mục giữa Tòa mới
đây thì đâu có "bịt mắt"
được ai trên toàn thế giới ở thế
kỷ 21 này. Và, cũng chính họ, chứ
ai, khi đã "cướp được chính
quyền về tay nhân dân" thì bắt đầu
cho một cuộc "đổi đời" không
tiền khoáng hậu: "đày tớ"
lên ngôi, "chủ nhân"đói khổ lang thang vác
đơn đi khiếu kiện .. !!!
Họ là ai ??? - Họ chính
là Thế-Lực-Ác, là
Bóng-Ðen-Tà-Ðộc, ở thời nào cũng
có, ở xứ sở nào cũng hiện diện,
khi mạnh, lúc yếu, khi suy, lúc thịnh .. tùy Thế-Lực-Thiện, tùy
Ánh-Sáng-Chính-Nghĩa có xóa tan đi
hay kịp thời chống trả, chế ngự hoặc
buông tay, thả nổi, chìm xuồng .. !!! Bởi
vậy ít khi nào tui muốn "hù" bạn
đọc bằng những hình ảnh Bọn Ác
với gương mặt ma cà rồng, quỷ
hút máu, răng nanh nhọn hoắt, máu me
đầy mồm .. trong khi thực sự
(như trong phim ảnh Tây, Tàu nhan nhản đấy
thôi) phe Tà, nhóm Ác ấy .. thường
mang bộ vó hiền lành, lời nói mê hoặc,
điệu bộ quyến rũ, ngụy tạo hoàn
cảnh đáng thương .. nên người ta mới
bị lầm, mới bị mắc mưu sâu, sa kế
độc. Chỉ đến khi bị "ngoạm"
cho một ngoạm,bị
"đâm" cho một nhát, bị "chặt"
cho một cái phụp, thì .. hối hận
lúc đó mới muộn màng, quá
xá muộn màng !!! (Chứ mới ban đầu thấy
cái bản mặt "ổng bả" gớm khiếp
như vậy, vẫn a-thần-phù nhào
"dzô" thì đúng là .. "tửng"
đến thượng từng khí quyển rồi
còn gì !!!)
Tháng Tư, nhớ tháng Tư
nào
Rưng rưng cởi giáp quăng
bào ngó nhau
Tháng Tư nhục nhã xuống
tầu
Tưởng như đất thảm
trời sầu tiễn đưa
Ta nay thẹn với
ta xưa
Xứ người
lê kiếp sống thừa mãi sao ?
(HÀ HUYỀN CHI)
Tui cũng muốn
bắt chước ông nhà thơ gạo cội
này tự hỏi mình: Xứ người
lê kiếp sống thừa mãi sao ??? (Dù lê
kiếp sống thừa mà tung tẩy đô-la, tiện
nghi thừa mứa, chơi xế nổ, ở nhà hộp,
mặc đồ hiệu, ăn nhà hàng, uống
rượu Tây, nóng có Air, lạnh có
Heat, ríu rít bằng Cell Phone, nhắn gửi bằng
Còm [Computer], bằng Lép [Lap Top], nhìn nghe
người đối thoại dù ở phương
trời xa thẳm với Web Cam .. Và trên hết thảy
"Rủng rỉnh không khí Tự Do, Phong lưu
bầu trời Dân Chủ ..). Hay là .. vẫn cứ
"bình chân như vại", cứ "vinh
thân phì gia" mặc kệ đồng bào
mình ở bển ra sao thì ra, mắc mớ
gì mình mà "thương vay khóc mướn"
??????????????
Nói thì
nói vậy, cho đỡ buồn (hay càng buồn
thêm ?) chớ tui biết lắm à, nhiều người
vẫn không nguôi được nỗi nhớ niềm
thương về xóm làng nghèo nàn
xưa cũ, khi đang ở giữa xứ người
giàu có thênh thang ..
Anh nắm tay
em qua năm 2000
Xa lộ xứ
người rộng mở thênh thang
Bỗng
thèm gập ghềnh bước chân cầu khỉ
Soi bóng tuổi
thơ nối xóm, nối làng
(TRẠCH GẦM)
Cũng dễ
hiểu lắm chớ. Thì tại vì .. trót
đã "gửi lại", đã "bỏ
quên", đã "đánh rớt" rồi
.. trái tim mình, tâm hồn mình ở tuốt
bên kia trời .., tên gọi QUÊ HƯƠNG !