SU'U TÂ`M 24

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | HU'U~ ÍCH | NHÂN QUA? | NHÂN QUA? [tt] | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | TA.P GHI | TA.P GHI tt | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | TA.P GHI 44 | TA.P GHI 45 | TA.P GHI 46 | TA.P GHI 47 | TA.P GHI 48 | TA.P GHI 49 | TA.P GHI 50 | TA.P GHI 51 | TA.P GHI 52 | TA.P GHI 53 | TA.P GHI 54 | TA.P GHI 55 | TA.P GHI 56 | TA.P GHI 57 | CHUYÊ.N CÔ? | CHUYÊ.N CÔ? [tt] | CHUYÊ.N CÔ? 1 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | A?O THUÂ.T + TÀI TÌNH | THÚ VI. | THÚ VI. [tt] | THÚ VI. 1 | PHIM HAY | LINKS | CU'Ò'I CHÚT CHO'I | TIÊ'U LÂM | SU'U TÂ`M TÊ'U

CHUYÊ.N CÔ? [tt]

 

MÓN QUÀ ĐẦU XUÂN

(Trần thị Lai Hồng dịch)

 

 

Tượng Ông Hoàng Hạnh Phúc dựng trên một bệ đá cao nhìn xuống thủ đô.  Pho tượng dát bằng vàng lá, đôi mắt là hai hạt lam ngọc long lanh mầu đại dương, và chuôi kiếm chói sáng một viên hồng ngọc lớn bằng ngón tay cái.

 

Ai đi ngang qua cũng dừng bước ngắm nghía trầm trồ khen ngợi vẻ cao sang lộng lẫy của tượng, nhưng cũng không thiếu gì người nghĩ sự cao sang lộng lẫy đó chẳng thiết thực chút nào giữa xã hội loài người đầy đau khổ.  Tuy nhiên, nụ cười tươi trên gương mặt sáng láng chan hòa hạnh phúc của pho tượng cũng đã nhiều lần an ủi được một số người bất hạnh.  Một chàng thất nghiệp lang thang đứng ngắm pho tượng, thốt lên:

-  A! ít ra ở đời cũng còn có ông là người hạnh phúc.  Dù ông là đá vô tri, ta cũng cảm có niềm an ủi vì có người đã được hạnh phúc.

 

Một đêm, có chú én nhỏ bay vào thủ đô.  Bầy di điểu bạn đã bay xa về miền Nam từ sáu tuần trước để tìm nắng ấm.  Con én nhỏ lạc đàn ở lại, lo lắng tìm chỗ ẩn náu qua đêm lạnh, hi vọng phố phường còn chỗ ẩn thân.  Lướt qua khu công viên, con én nhỏ thấy pho tượng Ông Hoàng Hạnh Phúc đứng trên bệ cao của ngọn đồi nhỏ.  Én reo lên, đáp xuống, nép mình dưới chân tượng, nhìn quanh:

-  Mình lại có chỗ ngủ dát toàn vàng nữa chứ!  Và thu mình sửa soạn giấc ngủ.

Mới dấu chiếc đầu nho nhỏ xinh xinh xuống dưới cánh, én giật mình vì một giọt nước lớn rơi bộp trên người.  Én thốt lên:

-  Ô hay!  Kỳ chưa!  Trời chẳng có mây, bao nhiêu là sao sáng thế kia mà lại có mưa! Khí hậu Bắc Âu này thật kỳ cục!

Một giọt nước lớn nữa lại rơi bộp trên lưng chim.  Én cằn nhằn:

-  Pho tượng này chẳng che mưa được.  Mình phải tìm một mái ống khói để nương náu qua đêm vậy.

Vừa cằn nhằn, én vừa nhún mình tính tung cánh thì một giọt nước lớn thứ ba lại rơi bộp trên lưng.  Én ngẩng nhìn.

Ô hay!  Đôi mắt mầu lam của pho tượng đầm đìa đẫm lệ.  Giòng lệ chảy dài xuống đôi má bằng vàng, long lanh dưới ánh trăng.  Khuôn mặt pho tượng đẹp tuyệt vời làm én cảm thương xúc động.

-  Ngài là ai?  Ngài làm tôi ướt hết mình mẩy lông cánh nè!

-  Ta là Ông Hoàng Hạnh Phúc.

Những giọt nước mắt lóng lánh vẫn chảy dài trên đôi má vàng.  Én lặng nghe pho tượng kể lể:

-  Khi ta còn sống và có trái tim của con người, ta chẳng hề biết nước mắt là gì.  Ta sống trong Điện Vô Ưu, nơi đó Buồn Phiền không hề được bén mảng.  Ngày ta vui chơi ca hát đàn địch với đám cung tần mỹ nữ trong vườn Thượng Uyển.  Đêm tưng bừng khiêu vũ và dự dạ yến trong Tòa Đại Sảnh.  Vườn Thượng Uyển có tường cao hào sâu bao bọc, và ta chẳng bao giờ thèm tìm hiểu xem có những gì bên kia tường.  Quanh ta hồi đó, mọi thứ đều huy hoàng lộng lẫy.  Quần thần tôn ta là Ông Hoàng Hạnh Phúc.  Quả thật vậy, nếu nói rằng những lạc thú ở đời là hạnh phúc.  Ta đã sống như thế và chết như thế, trong lạc thú hạnh phúc.  Sau khi ta chết, họ tạc tượng và đem dựng nơi đây, trên bệ đá cao ngất đỉnh đồi này.  Từ đỉnh cao, ta đã nhìn thấy tất cả những cảnh khốn khổ bần cùng.  Trái tim ta được đúc bằng chì, nhưng ta vẫn có được cảm xúc.  Ta cảm thương loài người đắm chìm trong khổ ải, nhưng ta chẳng thể làm gì khác hơn ngoài những dòng nước mắt khóc thương cho nhân loại.

Én thắc mắc, ngạc nhiên, nhưng không dám tò mò, chỉ tự nhủ:

-  Ủa, vậy ra ông ta chẳng phải được đúc bằng vàng khối!

Pho tượng vẫn tiếp giọng trầm buồn:

-  Tít xa kia, phía con đường nhỏ tít xa kia, có một căn nhà tồi tàn.  Cửa sổ ngỏ nên ta có thể nhìn thấy một người đàn bà với khuôn mặt héo hon tàn tạ, hai bàn tay sần sùi đỏ ửng đầy vết kim đâm.  Bà làm nghề thợ may kiêm thợ thêu.  Bà đang thêu những đóa Phù dung trên tấm áo dạ hội cho nàng cung nữ thân cận nhất của Hoàng hậu, để mặc trong dạ vũ sắp mở trong triều.  Trong góc phòng, đứa con trai nhỏ của bà nằm liệt giường.  Thằng bé sốt nặng và thèm ăn cam.  Mẹ nó chẳng còn đồng xu nào nên đành cho con uống nước lạnh.  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Én hãy giúp ta gỡ viên hồng ngọc ở chuôi kiếm mang cho bà thợ may.  Chân ta bị gắn chặt vào bệ đá này chẳng chúc nhích được.  Én hãy đi dùm ta!

Con én nhỏ ngập ngừng:

-  Bầy của tôi đang đợi ở Ai Cập.  Các bạn tôi đang bay lượn nhởn nhơ trên sông Nile, chuyện trò cùng những đóa sen thơm ngát.  Họ sẽ bay về ngủ trong mộ Đại đế ..

Ông Hoàng Hạnh Phúc van nài:

-  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Én hãy ở lại cùng ta đêm nay và giúp ta!  Thằng bé khát cháy cổ họng và mẹ nó đau đớn xót xa quá chừng!

Con chim nhỏ trả lời:

-  Tôi chẳng ưa lũ trẻ tí nào!  Mùa hè rồi tôi đang kiếm ăn ngoài bờ sông thì bị hai thằng nhỏ ác ôn ném đá tới tấp.  Chúng đời nào ném trúng tôi được, vì chim én vốn nổi tiếng bay nhanh, và tôi lại xuất thân từ một gia đình nổi tiếng là thần tốc nhất.  Nhưng sau vụ ném đá đó tôi chẳng ưa gì lũ trẻ, nhất là lũ con trai  ..

Pho tượng lộ vẻ thất vọng, buồn bã đến nỗi én  thấy thương cảm không cầm lòng được:

-  Ở đây lạnh lắm.  Nhưng được rồi, tôi sẽ ở lại cùng ngài đêm nay và giúp ngài.

-  Cảm ơn én!

 

Con én nhẹ nhàng gỡ viên hồng ngọc ở chuôi kiếm và bay vút lên những mái nhà san sát của thủ đô.  Én bay ngang ngôi tháp thánh đường, nơi có những vị thiên thần bằng đá trắng chạm trổ tinh vi trên bờ tường.  Én liệng ngang hoàng cung và nghe tiếng nhạc dìu dặt vọng lên.  Một thiếu nữ lộng lẫy  bước ra bao lơn cùng người tình.  Chàng thì thầm tán tỉnh:

-  Công nương ơi!  Đêm nay tất cả những vì sao trên trời đều long lanh tuyệt vời, nhưng đôi mắt công nương là hai vì sao đẹp nhất!  Ôi!  Tình yêu thật là huyền diệu!

Thiếu nữ thì rất thực tế:

-  Em mong bà thợ thêu xong chiếc áo để kịp mặc dự dạ hội.  Em bảo bà ta thêu hoa Phù dung trên tà áo, nhưng coi bộ bà ta lười biếng quá ..

 

Én bay ngang qua dòng sông và thấy những ngọn đèn lồng giăng mắc trên mấy cột buồm.  Qua khu thương mại, thấy đám thương gia còn bận bịu buôn bán, mặc cả mè nheo, cân cân đo đo hàng hóa.  Sau cùng, én đến căn nhà nhỏ tồi tàn và nhìn qua khung cửa sổ mở ngỏ.  Thằng bé vẫn vật vã trên giường trong cơn sốt, và bà mẹ mệt mỏi ngủ gà ngủ gật trên tấm áo dạ hội thêu dang dở.  Én bay vụt vào nhà, nhẹ nhàng buông viên hồng ngọc lên bàn, cạnh chiếc đê khâu.  Én êm ả lướt quanh giường thằng bé, dùng cánh quạt nhẹ trên trán nó.  Thằng bé kêu khẽ:

-  Mát quá!  Mẹ ơi!  Mát quá!  Con thấy khỏe rồi!

Nói xong, thằng bé mỉm cười nhắm mắt ngủ ngon lành.

 

Con én nhỏ bay trở về thuật lại cho pho tượng những điều vừa làm.  Kể xong, én thổ lộ:

-  Kỳ thật!  Bây giờ tôi lại thấy ấm áp mặc dầu trời vẫn lạnh căm!

Ông Hoàng dịu dàng:

-  Vì ngươi vừa làm được một việc thiện.

Én trầm ngâm nghĩ ngợi.  Nhưng cơn buồn ngủ đã kéo đến đè nặng mi mắt.

 

Sáng hôm sau, én bay xuống sông tắm.  Một giáo sư chuyên về điểu học đang dạo bộ qua cầu trông thấy cảnh tượng đó bèn thốt lên:

-  Một  con én trong mùa Đông!

Khi về trường, ông hăng hái viết một bài khảo luận dài về hiện tượng én tắm mát mùa Đông và đưa đăng trên tờ báo địa phương, nhưng bài báo cao siêu chẳng ai hiểu nổi.

Trong khi đó, sau khi đùa vui với bọt nước, én cao hứng liệng vòng trên không.  Vừa bay, én vừa tự nhủ:

-  Đêm nay mình lên đường đi Ai Cập.  Phải rời vùng lạnh giá này trước khi băng tuyết phủ đầy.  Mình phải xuôi Nam sớm để tìm nắng ấm.

 

Nghĩ đến nắng ấm chan hòa miền Nam, én chợt thấy bừng bừng phấn khởi và nẩy ý tưởng bay đi thăm thú những vùng chung quanh.  Én liệng qua những đài tưởng niệm tôn nghiêm, những tòa cung điện nguy nga, rồi đáp xuống đỉnh cao chót vót tháp chuông giáo đường, phóng tầm mắt chim bao quát thủ đô.  Bay đến đâu én cũng gặp lũ chim sẻ ríu rít chào hỏi và tỏ ý ngạc nhiên thấy mùa Đông đã gần kề mà én còn lưu luyến cảnh cũ chưa chịu xa rời vùng đất lạnh.

 

Đêm về.  Vầng trăng lạnh nhô lên trên nền trời xám.  Én bay trở lại chỗ pho tượng, ân cần hỏi:

-  Ngài có việc gì cần giao tôi làm ở Ai Cập không?  Tôi sắp ra đi đây.

-  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Én hãy ở lại cùng ta một đêm nay nữa và giúp ta!

-  Bầy bạn tôi đang đợi ở Ai Cập.  Ngày mai các bạn tôi sẽ bay lên vùng thác lớn, nơi dòng Nile thu mình giữa những lùm cỏ bồ, và là nơi có dựng tượng thần Memnon trên một khối đá hoa cương vĩ đại.  Vị thần này đêm đêm ngắm nhìn các vì tinh tú, và khi sao Mai vừa ló dạng thì Ngài sẽ reo to một tiếng báo hiệu cho muôn loài tỉnh giấc nồng.  Vào giữa trưa, nơi đó có những con sư tử lông vàng óng thong thả lần xuống bờ sông uống nước.  Mắt chúng xanh màu ngọc thạch, và tiếng gầm của chúng át cả tiếng thác đổ ào ào đầu ghềnh.

Ông Hoàng vẫn từ tốn, tha thiết;

-  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Bên kia sông có một chàng nghệ sĩ trẻ sống trong túp lều nhỏ.  Chàng đang cặm cụi sáng tác.  Bàn viết bừa bộn giấy tờ bên chiếc cốc cắm đầy hoa đổng thảo tím đã úa tàn.  Tóc chàng rối bồng bềnh trên đài trán ưu tư, môi đỏ gay màu hoa lựu trong cơn sốt suy tưởng.  Chàng đang nặn óc viết vở kịch sẽ trình diễn trong đại nội.  Tay chàng tê cóng không viết được.  Lửa đã tắt ngấm từ hồi nào trong lò sưởi, và thức ăn trong nhà đã hết.  Chàng nghệ sĩ vừa đói vừa lạnh không còn sức sáng tác, chắc chàng sắp ngất đi ..

Con én nhỏ đầy từ tâm đỡ lời ông Hoàng:

-  Tôi sẽ ở lại cùng Ngài một đêm dài nữa.  Ngài muốn tôi mang viên hồng ngọc nào cho chàng nghệ sĩ kia?

-  Ta chẳng còn viên hồng ngọc nào nhưng ta có đôi mắt bằng lam ngọc quý giá.  Hai viên ngọc này rất hiếm, già đến cả nghìn năm và được mang về từ Ấn Độ.  Ngươi hãy gỡ một viên mang tặng chàng.  Chàng sẽ bán cho tiệm kim hoàn lấy tiền mua thức ăn và củi sưởi, và sẽ có đủ sức tiếp tục viết vở kịch.

Én bật khóc:

-  Ôi!  Tôi không thể làm thế được!

Ông Hoàng van nài:

- Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Xin hãy nghe lời ta!

 

Con én nhỏ vừa thổn thức khóc vừa móc viên lam ngọc một bên mắt pho tượng và bay đến túp lều chàng nghệ sĩ.  Mái lều có một lỗ hổng.  Én phóng nhanh vào.  Chàng nghệ sĩ đang vòng hai tay ôm đầu triền miên nghĩ ngợi nên không nghe tiếng cánh vỗ.  Khi ngẩng lên, chàng nhìn thấy viên lam ngọc xanh mầu đại dương long lanh ngời sáng cạnh những cánh đổng thảo tàn tạ.  Chàng reo lên:

-  Ô!  Có người ngưỡng mộ đã kín đáo cho ta viên ngọc này.  Giờ ta có thể ra sức viết để hoàn thành tác phẩm.

 

Ngày hôm sau, én bay xuống vùng cửa sông, đậu trên một cột buồm cao nhìn những chàng thủy thủ đang hò khoan kéo neo.  Én líu lo:

-  Tôi sắp đi Ai Cập!

Chẳng ai nghe lời reo vui của én.  Khi đêm về và vầng trăng lạnh hiện ra, én bay trở lại chỗ pho tượng để nói lời giã biệt.  Ông Hoàng tha thiết khẩn khoản:

-  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Én hãy ở lại cùng ta một đêm nữa và giúp ta!

-  Đông về rồi!  Tuyết giá sẽ rơi đầy nơi đây.  Xứ Ai Cập đầy nắng vàng ấm áp nhảy múa trên những ngọn chà là xanh ngăn ngắt.  Xứ Ai Cập có những đầm lầy với bầy sấu lười biếng dầm mình trong bùn lơ đãng nhìn sự vật chung quanh.  Bầy bạn tôi đang xây tổ ấm trên Đền Baalbeck, nơi có lũ chim câu màu hồng và màu trắng suốt ngày âu yếm gáy gù nhau.  Ông Hoàng yêu kính, tôi phải xa Ngài, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên Ngài.  Mùa Xuân tới, tôi sẽ trở lại và mang tặng Ngài hai viên ngọc Ngài đã cho đi.  Tôi sẽ tìm viên hồng ngọc khác đỏ thắm hơn hoa hồng nhung, và viên lam ngọc sẽ xanh thẳm như màu Địa Trung Hải.

Giọng Ông Hoàng vẫn ôn tồn, từ tốn, và tha thiết:

-  Có một con bé bán diêm trong công viên dưới chân đồi, đang khóc vì lỡ đánh rơi mẹt diêm xuống cống.  Trời lạnh buốt thế kia mà con bé đi chân trần chẳng có giày vớ gì và đầu cũng chẳng đội mũ hay trùm khăn.  Nó sẽ bị cha đánh đòn vì tội làm hỏng cả mẹt diêm mà chẳng đem về nhà được đồng xu nào.  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Hãy gỡ tròng mắt còn lại của ta mang cho con bé, để nó khỏi bị cha hành hạ và gia đình đỡ nghèo túng.

Én lại khóc nức:

-  Tôi sẽ ở lại cùng Ngài một đêm nay nữa, nhưng tôi không nỡ lòng nào gỡ viên lam ngọc tròng mắt Ngài, vì Ngài sẽ mù, đâu còn thấy được gì!

Ông Hoàng van nài:

-  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Xin én hãy nghe lời ta!

 

Con én nhỏ vừa thổn thức khóc vừa gỡ viên lam ngọc bên mắt còn lại của pho tượng, và bay xuống chân đồi.  Én liệng quanh con bé bán diêm, nhẹ nhàng nhả viên ngọc vào tay con bé.  Con bé hân hoan reo mừng, ngắm nghía viên ngọc, trầm trồ:

-  Ồ!  Cục thủy tinh gì mà đẹp quá trời!  Chắc là bán được bộn tiền!

Rồi nó nhảy chân sáo cười vô tư chạy về nhà, trong khi con én bay trở lại chỗ pho tượng, ân cần:

-  Bây giờ Ngài mù rồi!  Tôi chẳng đành lòng bỏ Ngài.  Tôi sẽ ở lại đây mãi với Ngài.

Lần này Ông Hoàng không van nài én ở lại mà lại năn nỉ:

-  Không thể được!  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Én phải bay về Ai Cập có nắng vàng ấm áp.  Ở đây lạnh quá én làm sao chịu được!  Đi!  Bay đi!

Én cương quyết:

-  Không! Tôi sẽ ở lại đây mãi với Ngài!

Nói xong, én thu mình nép dưới chân pho tượng, ngủ một giấc yên lành không mơ tưởng chuyện bay xuôi Nam đầy nắng.

 

Khi tia nắng sớm đầu tiên của bình minh mùa Đông chiếu lên đôi mắt không tròng của pho tượng, én thức giấc và bay lên đậu trên vai Ông Hoàng.  Suốt ngày hôm đó én tỉ tê kể về những chuyện lạ bốn phương từng thấy trên đường viễn du những năm qua.

 

Én nói về những con hồng hạc lông cánh đỏ rực đứng dọc hai bên bờ sông Nile có biệt tài dùng mỏ chài cá vàng; về kỳ quan Sphinx đầu người mình thú xây cất từ thuở khai thiên lập địa, cổ lỗ già nua cùng tuổi địa cầu.  Én còn nói về cuộc sống vùng sa mạc với những sinh vật kỳ lạ; về những chuyện liên quan đến Bắc Phi nắng cháy quanh năm với những đoàn lái buôn tải hàng hóa bằng lũ lạc đà có tài nhịn khát hàng mấy tháng liền đi băng qua biển cát mênh mông; về vị Sơn thần chúa tể dãy Nguyệt Sơn thân hình đen bóng; về con rắn lục khổng lồ ngủ yên trên tàng lá kè, thường được hai chục vị sư dâng cúng bánh mật; về giống người lùn tí hon ở Phi Châu biết dùng những chiếc lá lớn làm thuyền bơi qua vùng đại hồ, thường hay gây chiến với lũ bướm rừng sặc sỡ cánh lớn bằng cả cái quạt.

 

Ông Hoàng lơ đãng nghe những chuyện lạ bốn phương, tâm trí ưu tư về những nỗi khổ của loài người.  Khi én ngừng, ông ôn tồn nói:

-  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ thân yêu!  Én kể cho ta nhiều chuyện thật ly kỳ.  Nhưng chuyện ly kỳ nhất trên thế gian này là nỗi đau khổ của nhân loại.  Không có chuyện ly kỳ nào ly kỳ như những nỗi đau khổ của con người cả.  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Hãy bay vòng trên quê hương ta và cho ta biết én thấy những gì ..

 

Vâng lời pho tượng, én bay lượn trên vòm trời, đảo mắt chim quan sát.

Có những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ rộn đầy tiếng cười hoan lạc, nhưng ngoài cổng lúc nhúc đám ăn mày chầu chực chờ của bố thí.  Trên đường phố, có những đám trẻ bụi đời không nhà lang thang rách rưới mặt mũi xám ngoét mắt lạc thần nhìn vào những con đường hẻm hun hút tối tăm.  Dưới gầm cầu có hai đứa nằm co ro ôm nhau than van rên rỉ vì đói lạnh, trong khi tên "công an" xua đuổi chúng bằng dùi cui nện vào lưng.  Hai đứa bé phải bỏ chạy dưới màn mưa lạnh.  Con én nhỏ bay trở lại kể Ông Hoàng những điều trông thấy.  Ông Hoàng dịu dàng tha thiết:

-  Thân mình ta phủ đầy vàng lá.  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ!  Ngươi hãy giúp ta gỡ từng lá một mang đi phân phát cho những người nghèo khổ.  Loài người vẫn thường nghĩ rằng vàng đem lại hạnh phúc cho họ.

 

Con én nhỏ gỡ từng lá vàng dát trên mình pho tượng, lần lượt mang đến tận những hang cùng ngõ hẻm phân phát cho những gia đình nghèo khổ, cho đến khi pho tượng trơ lại tấm thân đúc bằng chì xù xì xám xịt.  Từng lá rồi lại từng lá vàng do cánh én mang đến những gia đình bần cùng, đã làm cho những khuôn mặt trẻ thơ hồng hào tươi tắn hơn trước, những mái nghèo vang vang tiếng cười yêu đời và đường phố rộn rã nhộn nhịp tiếng trẻ reo vui.

 

Mấy hôm sau, tuyết rơi đầy. Mưa tuyết vừa ngơi là trận bão băng tiếp nối.  Đường sá trắng sáng như làm bằng bạc, chói chang, trơn trợt.  Cây cối như đúc bằng pha lê trong suốt.  Nhà cửa phủ đầy băng tuyết, và những sợi băng chảy dài từ mái xuống tạo thành những tấm mành thủy tinh long lanh che phủ.  Người ra đường mặc áo choàng lông dầy, mũ dạ che kín đầu và tai, vai còn quàng thêm khăn len và tay mang bao, chân đi ủng.  Trẻ con đội mũ len đỏ vui vẻ trượt băng trên đường.

 

Con én nhỏ rét run cầm cập nhưng vẫn không nỡ lìa bỏ Ông Hoàng.  Én xót thương Ông Hoàng quá đỗi và chẳng đành bay đi.  Én nhặt nhạnh vụn bánh rơi vãi ngoài cửa tiệm bánh để ăn, và cố giữ thân nhiệt bằng cách đập cánh liên hồi cho đỡ cóng.

 

Nhưng một hôm, én biết mình không chịu đựng nổi nữa.  Én biết mình sắp chết.  Cố thu hết tàn lực, én bay lên đậu trên vai pho tượng, thủ thỉ:

-  Hỡi Ông Hoàng yêu kính!  Vĩnh biệt Ngài!  Xin cho tôi được hôn tay Ngài!

Giọng Ông Hoàng vui mừng:

-  Hay lắm!  Én!  Én!  Hỡi chú én nhỏ thân yêu!  Bây giờ ngươi quyết định lên đường xuôi Nam về Ai Cập tìm nắng ấm. Ta rất hài lòng!  Ngươi đã ở lại đây quá lâu!  Ngươi hãy hôn lên môi ta.  Cảm ơn ngươi đã giúp ta.  Ta yêu quý ngươi vô cùng!

Én run rẩy, lập cập:

-  Tôi không đi Ai Cập được đâu!  Tôi sẽ đến lâu đài của Tử Thần và làm bạn với Giấc Thiên Thu ..

Nói xong, con én nhỏ chỉ còn đủ sức hôn lên môi Ông Hoàng và sau đó rơi xuống nằm chết còng queo dưới chân pho tượng.  Cùng lúc, một tiếng động vang lên bên trong pho tượng, nghe giống tiếng nứt rạn.  Đó chính là trái tim bằng chì của Ông Hoàng Hạnh Phúc.  Trái tim vỡ làm hai mảnh.  Bởi băng giá thời tiết lạnh lẽo, hay vì nỗi đau thương khôn cùng ..

 

Sáng hôm sau, vị Đô trưởng cùng các nghị viên đô thành có việc đi qua khu công viên dưới chân đồi.  Khi đi qua bệ đá, họ ngẩng đầu ngắm nhìn pho tượng Ông Hoàng Hạnh Phúc như thường lệ.  Vị Đô trưởng kinh ngạc kêu thất thanh:

-  Trời đất!  Sao tượng Ông Hoàng tả tơi thảm não thế kia!

Cả đám nghị viên cùng biểu đồng tình phụ họa, như mọi khi họ vẫn phụ họa trong nghị trường:

-  Trời đất ơi!  Tượng Ông Hoàng tả tơi thảm não quá!                                       

Đoàn người kéo lên đồi nhìn cho rõ hơn.  Vị Đô trưởng nhận xét:

-  Viên  hồng ngọc nạm chuôi kiếm rơi rụng mất rồi!  Đôi mắt lam ngọc cũng không còn.  Ông Hoàng chẳng còn chút vàng dính người!

Đám nghị viên nhao nhao:

-  Trông Ông Hoàng Hạnh Phúc chẳng hơn gì một tên ăn mày!!!

Vị Đô trưởng nhìn xuống đất và càu nhàu:

-Ồ, dưới chân tượng lại có xác một con én nhỏ còng queo!  Phải ban bố một sắc luật cấm chim chóc chết nơi này!

Viên thư ký Tòa Đô chính vội ghi lời đề nghị của Đô trưởng vào nghị trình khóa họp.

 

Khi tin này loan đi, vị giáo sư Mỹ thuật trường đại học trịnh trọng tuyên bố là pho tượng chẳng còn đẹp đẽ gì nữa mà trưng bày, và cũng chẳng còn ích lợi gì để giữ lại.  Họ quyết định kéo đổ pho tượng đem vào lò luyện kim.  Hội đồng Đô thành nhóm họp quyết định số phận khoản chì nấu chảy ra.  Vị Đô trưởng trịnh trọng phán rằng thủ đô phải có một pho tượng khác:

-  Dĩ nhiên phải là tượng của .. tôi!

Đám nghị viên nhao nhao.  Lần này không phải để phụ họa mà là cãi nhau vì bất đồng .. chính kiến.

 

Trong khi đó tại lò luyện kim, đám thợ coi việc nấu pho tượng ngạc nhiên kháo nhau:

-  Kỳ chưa!  Trái tim chì đã vỡ đôi này chẳng chịu chảy trong lò!  Coi xấu quá!  Đem liệng thùng rác vậy!

Họ nhặt trái tim vỡ ném vào thùng rác.  Trái tim vỡ còn nóng  rơi cạnh xác con én nhỏ còng queo giá lạnh.

 

Tết năm đó, trong buổi chầu đầu Xuân trên Thiên đình, Ngọc Hoàng Thượng Đế trịnh trọng phán bảo quần thần hãy xuống trần tìm mang về hai bảo vật quý giá nhất trong năm để làm quà đầu Xuân cho Ngài.

 

Các vị tiên giáng trần, tìm tòi lục lọi khắp nơi.  Cuối cùng, họ đến nước Thụy Điển ở Bắc Âu, vào thủ đô, bới đống rác nhặt được hai vật lạ đem về dâng Thượng Đế.  Đó là trái tim vỡ đôi bằng chì của Ông Hoàng Hạnh Phúc và xác chết khô lạnh của con én nhỏ.  Ngọc Hoàng Thượng Đế hết sức hài lòng.  Ngài ngậm ngùi nâng niu trái tim vỡ và xác con én nhỏ, trịnh trọng truyền:

-  Các ngươi đã chọn đúng!  Đây là hai Món Quà Đầu Xuân quý báu nhất và có ý nghĩa nhất.  Từ nay trên Thiên Đường, con én nhỏ này sẽ được vĩnh viễn cất tiếng hót nghìn đời trong vườn tiên để ca ngợi tình thương yêu bất diệt giữa muôn loài, và Ông Hoàng Hạnh Phúc sẽ được ở mãi trên Thiên Đình giúp ta thấu suốt những nỗi khổ dưới cõi trần, và tìm cách hàn gắn đau thương cho nhân loại.

 

 

Trần thị Lai Hồng chuyển ngữ

Theo The Happy Prince của Oscar Wilde

 

(N. Khanh sưu tm và chuyn)

 

 

website counter