MÙA VU LAN, NGHĨ VỀ
MẸ và QUÊ HƯƠNG
(Trần Trung Đạo)
Một danh ngôn mà chúng ta
thường nghe "thế
giới có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ
quan tuyệt vời và vĩ đại nhất vẫn
là người mẹ". Thật vậy, bao
nhiêu thơ viết về mẹ cũng không đủ,
bao nhiêu nhạc hát về mẹ cũng không vừa.
Biển Thái Bình bao la, nước
sông Hằng cuồn cuộn nhưng không sao
có thể so sánh được với tấm
lòng của mẹ. Bản nhạc nào viết
về mẹ cũng hay, bài thơ nào viết về
mẹ cũng cảm động bởi vì ngôn ngữ
dành cho mẹ là ngôn ngữ của trái tim.
Mẹ là biểu tượng trọn
vẹn và tuyệt đối của tinh thần
Chân Thiện Mỹ. Nếu có một người
để chúng ta có thể san sẻ những
điều thầm kín, riêng tư nhất,
thì người đó phải là mẹ. Nếu có một
người có thể tha thứ cho chúng ta
dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm
gì, người đó sẽ là người
mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết
dành ý nghĩ đầu tiên của một
ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện
hơn thua, danh lợi nhưng là để nghĩ về
mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng
cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ
hay thậm chí chỉ để gọi tiếng mẹ
thôi, chúng ta sẽ có một ngày an
lành và hạnh phúc.
Mẹ là người mang ta đến
cuộc đời, và cũng là nơi ta trở
về. Người
đàn bà chân mang đôi dép ngược,
khoác chiếc mền rách, như trong một
câu chuyện thiền mà chúng ta có thể
đã từng nghe kể, dù bao mùa mưa nắng
vẫn không than van, không oán trách, vẫn
chờ đợi ngày về của đứa con mải
mê trên đường đi tìm chân
lý. Nếu chân lý mà chàng trai trẻ
kia đi tìm là tình
thương và sự thật thì chân lý
sẽ không ở đâu xa mà trái lại
vô cùng gần gũi. Trong tấm
thân gầy yếu nhỏ nhoi của người mẹ
chứa đựng cả một đại dương của
hy vọng, tình yêu, sự thật và lòng
vị tha sâu thẳm.
Hơn mười năm trước, tôi có
viết một bài thơ về mẹ, trong
đó có hai câu đã trở thành
quen thuộc:
Ví mà tôi đổi thời
gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Bài thơ ra đời trong một
đêm mưa, sau lần điện thoại đầu
tiên với mẹ tôi từ Việt Nam. Giọng của mẹ
như vọng lại từ một thế giới
khác xa xôi. Tôi viết rất
nhanh, nhanh hơn khi viết những bài thơ
khác nhiều. Những dòng chữ,
những câu thơ đúng ra là từ mơ
ước, thao thức đã ấp ủ trong tâm
thức tôi từ lâu lắm, chỉ chờ dịp
để tuôn ra. Tôi không làm thơ,
tôi chỉ chép như có một người
nào đang nhắc nhở bên tai
mình. Nguyên văn bài thơ như thế
này:
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng
người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười
năm lẻ
Chỉ biết âm thầm
thương nhớ thôi
*
Buổi ấy con đi chẳng hẹn
thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu
sơn khê
Mười năm tóc mẹ
màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ
về
*
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi
buồn
Bên đời gió tạt với
mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn
phương lại
Đốt lửa cho đời tan
khói sương
*
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn
ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng
chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao với
Biết đến bao giờ trông
thấy nhau
*
Đừng khóc mẹ ơi
hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong
thơ
Đau thương con viết vào
trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc
mơ
*
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng
người
Giọng buồn hơn cả tiếng
mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời
gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Bài thơ đơn giản và dễ hiểu,
không có gì phải cần bình giải. Tất
cả chỉ để nói lên tâm trạng của
một người con xa mẹ, bay đi như chiếc
lá xa cành, mười năm chưa về lại
cội. Năm tôi viết bài thơ, mẹ
tôi, đã ngoài 60 tuổi và đang sống
trong căn nhà tôn nghèo nàn ở Hòa
Hưng Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có
giàn hoa giấy đó là nơi tôi
đã sống 8 năm.
Nhớ lại đêm cuối cùng ở
Sài Gòn, tôi đón xe
xích-lô từ cửa sông về chào mẹ.
Trời mưa lớn. Nhưng khi gặp
mẹ, với tâm trí ngàn ngập những lo
âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp
nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng
"con đi nghe". Và như thế
tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như
chạy trốn. Để rồi hai ngày sau, khi
chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được
hải quân Mỹ cứu vớt trên biển
Đông vào khuya ngày 13 tháng 6 năm 1981,
đứng trên boong chiến hạm USS White Plains
nhìn về phía Nam, tôi biết quê hương
và mẹ đã ngoài tầm tay với của
mình. Đời tôi từ nay sẽ
như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết
ngày nào hay cơ hội nào trở về nguồn
cội.
Nếu có một quốc gia mà
những người dân của quốc gia đó
đã phải từ chối chính đất
nước mình, từ chối nơi đã
chôn nhau cắt rốn của mình, tôi nghĩ,
đất nước đó không còn bao
nhiêu hy vọng. Việt Nam
sau 1975 là một đất nước sống trong
tuyệt vọng như thế. Dân tộc
Việt Nam
những năm sau 1975 là một dân tộc sống
trong tâm trạng những kẻ sắp ra đi. Sài Gòn giống như một sân ga.
Chào nhau như chào nhau lần cuối và mỗi
ngày là một cuộc chia ly. Bắt tay một người quen, ai cũng muốn
giữ lâu hơn một chút vì biết
có còn dịp bắt tay nhau lần nữa hay
không. Gặp người thân nào cũng chỉ
để hỏi "Bao giờ anh đi, bao giờ chị
đi", và lời chúc nhau quen thuộc nhất
mà chúng thường nghe trong những ngày
đó vẫn là "Lên đường
bình an nhé."
Đất nước tuy đã hòa
bình rồi, quê hương đã không
còn tiếng súng nhưng lòng người
còn ly tán hơn cả trong thời chiến tranh. Đêm cuối ở Sài Gòn lòng
tôi ngổn ngang khi nghĩ đến ngày mai.
Ngày mai sẽ ra sao ? Nếu bị bắt
tôi sẽ ở tù như lần trước
nhưng nếu đi được thì sẽ
trôi dạt về đâu ?
Suốt sáu năm ở lại
Sài Gòn, tôi chỉ nghĩ đến việc
duy nhất là ra đi. Khi chiếc ghe nhỏ bị mắc cạn
trong một con lạch ở Hải Sơn buổi
sáng ngày 11 tháng 6 năm 1981, trời
đã sáng, nhiều người, kể cả một
trong hai người chủ ghe, cũng bỏ ra về,
nhưng tôi thì không. Tôi phải đi
dù đi giữa ban ngày. Tôi phải tìm
cho được tự do dù phải bị bắt
và ngay cả phải trả giá bằng cái
chết. Tự do đầu tiên, biết đâu cũng
sẽ là cuối cùng và vĩnh viễn. Nhưng hai ngày sau, khi đứng trên
boong tàu Mỹ, tôi biết mình vừa mất
một cái gì còn lớn hơn ngay cả mạng
sống của mình. Đó là đất
nước, quê hương, bè bạn, con
đường, tà áo, cơn mưa chiều,
cơn nắng sớm, và trên tất cả, hình ảnh mẹ. Không phải những
người ra đi là những người quên
đất nước hay người ở lại
bám lấy quê hương mới chính là
người yêu nước. Không.
Càng đi xa, càng
nhớ thương đất nước, càng thấm
thía được ý nghĩa của hai chữ
quê hương. Không ai hiểu được tâm trạng
người ra đi nếu không chính mình
là kẻ ra đi.
Nói như thế không có nghĩa
là tôi hối hận cho việc ra đi. Không, tôi phải đi. Nhưng chọn
lựa nào mà chẳng kèm theo
những hy sinh đau đớn. Bài hát Sài
Gòn Vĩnh Biệt, tôi thỉnh thoảng nghe trên
đài VOA khi còn ở Việt Nam như những mũi kim đâm sâu vào tâm thức.
Bao nhiêu điều hai ngày trước
tôi không hề nghĩ đến đã bừng
bừng sống dậy. Bao nhiêu kỷ
niệm tưởng đã chìm sâu trong
ký ức đã lần lượt trở về.
Tự do, vâng, tôi cuối cùng đã
tìm được tự do nhưng đó chỉ
là tự do cho chính bản thân mình. Những gì tôi đánh mất
còn lớn hơn thế nữa.
Nhớ lại đêm thứ hai trên biển,
khi biết chiếc ghe chiều dài vỏn vẹn
mười mét rưỡi nhưng chứa đến
82 người của chúng tôi vừa cặp
vào thành tàu chiến của Mỹ thay
vì Ba-Lan hay Liên-Xô như mọi người
trên ghe lo sợ, ai cũng hân hoan mừng rỡ.
Đám bạn tôi, có đứa thậm
chí còn hô lớn "USA,
USA"
và ôm chầm lấy những người
lính hải quân Mỹ đang dang tay
đỡ từng người bước lên khỏi
chiếc cầu dây đang đong đưa trên
sóng. Tôi cũng vui mừng, biết ơn và cảm
động nhưng không ôm chầm hay hô lớn.
Lòng tôi, trái lại, chợt
dâng lên niềm tủi thẹn của một
người tỵ nạn. Chiếc cầu dây
mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm,
trở thành chiếc cầu biên giới, không
chỉ cách ngăn giữa độc tài và
tự do, của quá khứ và tương lai,
mà còn giữa có quê hương và
thiếu quê hương. Tôi nghĩ thầm,
cuối cùng, tôi cũng như nhiều người
Việt Nam
khác, lần lượt bỏ đất nước
ra đi mà thôi. Dù biện minh bằng bất
cứ lý do gì, tôi cũng là người
có lỗi với
quê hương.
Tôi nhớ đến mẹ, người mẹ
Hòa Hưng vất vả nuôi nấng bảy đứa
con, trong đó tôi là con lớn nhất, trong một
hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ
tôi bán bánh bèo ở đầu đường
để nuôi chúng tôi ăn
học. Mẹ tôi tình nguyện
đi kinh tế mới ở Sông Bé để
các em tôi còn được phép ở lại
Sài Gòn học hết bậc phổ thông.
Mẹ tôi đi mót lúa, mót
khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những
ngày đói khổ.
Trong tâm trí tôi, hình ảnh bà mẹ
Hòa Hưng, đêm đầu tiên trong căn
nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới,
khoảng 20 cây số phía Nam thị trấn Đồng
Xoài vào năm 1976. Cánh rừng
vừa được khai hoang vội vã này
không ai nghĩ một ngày sẽ được gọi
bằng một cái tên rất đẹp, khu Kinh Tế
Mới. Kinh Tế Mới là những căn
nhà lá mỗi chiều chỉ hơn mười
mét do những bàn tay học trò của thanh
niên xung phong dựng lên, nối nhau chạy dọc
theo cánh rừng hoang.
Tôi kính yêu mẹ. Mẹ Hòa Hưng là người
săn sóc tôi trong những tháng ngày
khó khăn nhất của tôi và người
đã thôi thúc tôi viết nên bài
thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười
trong đêm mưa hơn mười năm trước.
Tuy nhiên, mẹ của Đổi Cả
Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười không phải
là người đã mang tôi vào cuộc
đời này.
Người mẹ sinh ra tôi
đã chết khi tôi còn rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi
tôi gần như không biết mặt mẹ
mình. Trong tuần hoàn của vũ
trụ, giọt nước còn biết mẹ
mình là mây, chiếc lá còn biết mẹ
mình là cây, còn tôi thì không.
Tôi là đứa bé cô độc, một
con người cô độc, không anh em, không
chị em. Tôi lớn lên một mình với cha
tôi trong cảnh gà trống nuôi con trong căn
nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận
Duy Xuyên. Đêm đêm nằm nghe
cha kể chuyện thời trai trẻ buồn nhiều
hơn vui của đời ông. Những ngày
tản cư lên vùng núi Quế Sơn. Những
ngày sống trong túp lều tranh dưới
hàng tre Nghi Hạ. Và dưới hàng tre Nghi Hạ
nắng hanh vàng đó, cha mẹ tôi
đã gặp nhau, đã chia nhau ly nước vối
chua chua thay cho chén rượu tân hôn nồng
thắm. Dù sao, bên khung cửi vải,
bên lò ươm tơ, họ đã cùng
nhau dệt một ngày mai đầy hy vọng. Mặt
trời rồi sẽ mọc bên kia
rặng tre già, mặt trăng rồi sẽ tròn
bên kia giòng sông Thu, những ngày chiến tranh,
tản cư cực khổ sẽ qua đi nhường
bước cho hòa bình sẽ đến.
Nhưng rồi chiến tranh như một định
nghiệp, đeo đuổi theo số
phận của đất nước chúng ta, đeo
đuổi theo số phận của đời tôi. Năm tôi 13 tuổi, chiến tranh đã
cướp đi cha tôi, người thân yêu cuối
cùng của tôi. Chiến tranh lan
tràn đến làng Mã Châu, đẩy
tôi ra khỏi xóm lụa vàng thân quen để
làm người du mục trên quê hương
đổ nát của mình. Từ
đó tôi ra đi. Từ chặng đường
đầu tiên trên căn gác hẹp trong con hẻm
220 Hùng Vương Đà Nẵng, đến
chùa Viên Giác Hội An, xóm nghèo
Hòa Hưng, trại tỵ nạn Palawan và hôm
nay trên nước Mỹ, nơi cách chặng
đầu tiên trong hành trình tỵ nạn của
tôi hàng vạn dặm.
Hình ảnh duy nhất của
tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ
mọc dưới rặng tre già ở làng
Mã Châu. Ngày
tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan
trường tiểu học, trên đường về
tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng
thêm những chùm hoa vạn thọ. Tôi ưu tư về cuộc đời
và về thân phận của mình ngay từ
thuở chỉ vừa năm, bảy tuổi. Tại
sao tôi chỉ có một mình ?
Tại sao mọi người đều lần lượt
bỏ tôi đi ? Nếu mai mốt
ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với
ai ? Lớn lên tôi sẽ làm
gì ? Tại sao đất nước
tôi lại có chiến tranh ? Những
người du kích bên kia sông là ai ? Và ở đó những
buổi chiều vàng, bên ngôi mộ nhỏ của
mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những
suy tư, dằn vặt đang bắt đầu tích
tụ. Từ khi năm bảy tuổi
tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ
là những ngày đầy biến cố.
Tôi đã nghĩ đến chuyện một
ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi
rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa
Mã Châu dường như thôn làng nhỏ
bé này sẽ không đủ lớn để
chứa hết những buồn đau, u uất của
tôi. Nếu tuổi thơ là tuổi hồn
nhiên với những cánh diều bay, với những
con bướm vàng thơ mộng thì tôi
đã không có tuổi thơ. Tuổi
thơ tôi là một chuỗi ngày ưu tư
và chờ đợi một điều gì sắp
đến.
Mẹ tôi qua đời vì bịnh
trong một xóm nhà quê nghèo khó
nên không có ngay cả một tấm hình
để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi
giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng
chẳng có cậu hay dì nên tôi lại
càng không thể tìm đâu ra được
một nét nào của mẹ trong những người
thân còn sống. Vì không biết
mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối.
Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm
tháng Bảy, tôi nghĩ đó là
khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn
nước chảy ra từ dòng suối mát
tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn
áng mây trắng bay trên nền trời tôi
nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những
vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ
đến đôi mắt mẹ. Nói chung,
hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất,
thiêng liêng nhất, đều được
tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ.
Vẻ đẹp của mẹ tôi
là vẻ đẹp không những tuyệt vời
mà còn tuyệt đối.
Tôi về thăm mộ mẹ lần
cuối vào năm 1980 trước ngày vượt
biển. Ngôi
mộ đầy cỏ mọc hoang vu. Sau 1975, ngay cả người sống cũng
không ai chăm nom đừng nói gì chuyện
chăm nom cho người đã chết. Hôm đó,
tôi ngồi nơi tôi đã từng ngồi
trong thời thơ ấu và kể cho mẹ nghe đoạn
đời chìm nổi của mình. Tôi
nói với mẹ rằng tôi sẽ ra đi khỏi
nước và hứa sẽ về dù biết
nói như thế chỉ để an
ủi hương hồn mẹ mà thôi. Tôi cầu
mong mẹ phò hộ cho đứa con duy nhất của
mẹ được bình an trong những
ngày sóng gió sắp xảy ra.
Ôi đời mẹ như một vầng
trăng khuyết
Vẫn nghìn năm
le lói ở đầu sông.
Vâng, vầng trăng bên
dòng sông Thu Bồn từ đó không
còn tròn như trước nữa.
Ai cũng có một cuộc đời
để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng
nguôi ngoai. Vết thương nào
cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh
sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó
là bất hạnh của dân tộc Việt Nam.
Điều làm tôi đau xót nhiều hơn cả,
không phải vì tôi mất mẹ, không phải
vì tôi xa mẹ nhưng chính là sự chịu
đựng của hàng triệu bà mẹ Việt
Nam
triền miên suốt mấy chục năm qua, từ
chiến tranh sang đến cả hòa bình.
Trên thế giới này, bà
mẹ Nga, mẹ Ý cũng thương con như một
bà mẹ Việt Nam. Trong lúc tình
yêu của một bà mẹ ở quốc gia
nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng
vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ
Việt Nam
thì khác hơn nhiều. Bà mẹ Việt
Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả
những nét đẹp của quê hương,
đất nước, tình thương, còn
là những hình ảnh đầy thương
tích, tủi buồn nói lên sự chịu
đựng, gian nan, khổ cực không thể nào
đo lường hết được. Hình ảnh
bà mẹ giăng tấm vải dầu trên một
góc đường Trần Hưng Đạo để
che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang
đói khát. Hình ảnh bà
mẹ chết đói sau khi ghe của mẹ đi lạc
nhiều tuần trên biển. Hình
ảnh bà mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt
vọng dưới gốc me già trên góc phố
Sài Gòn vào một ngày mưa bão.
Hình ảnh bà mẹ chết cô đơn
trong chiếc thuyền chài nghèo nàn. Tất cả hình ảnh đau thương
đó đã trở thành mối ám ảnh
thường xuyên trong tâm trí tôi.
Ám ảnh nhiều đến nỗi, dù viết
về bất cứ chủ đề gì, thể loại
gì, văn hay thơ, cuối cùng tôi cũng trở
về với hình ảnh mẹ. Mỗi bước
chân tôi đi trên đường đời mấy
chục năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của những
người phụ nữ Việt Nam bất hạnh,
đã khóc trong chiến tranh, khóc trong
hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa
biển Đông và khóc trên xứ người
hiu quạnh.
Mơ ước lớn nhất của tôi,
vì thế, không phải cho tôi mà cho những
người mẹ đang chịu đựng, để
các mẹ có cơ hội được sống
trong một đất nước không còn hận
thù, rẽ chia, ganh ghét, một đất nước
chan chứa tình đồng bào, một đất
nước thật sự tự do, ấm no, hạnh
phúc. "Đổi cả thiên thu tiếng
mẹ cười" trong một ý nghĩa rộng
hơn là ước mơ của tôi, của anh chị,
của cô chú và của tất cả những
ai còn nghĩ đến sinh mệnh của dân tộc,
về một ngày đẹp trời cho đất
nước mình. Quá nhiều
máu và nước mắt đã đổ
trên mảnh đất linh thiêng và thống khổ
Việt Nam.
Mỗi người Việt Nam, hơn
bao giờ hết hãy trở về với mẹ
như trở về với chính cội nguồn
uyên nguyên của dân tộc mình. Trong
đêm rằm tháng Bảy này, xin hãy
cùng nhau thắp lên những ngọn nến,
dù nhỏ, dù đơn sơ nhưng được
làm bằng chất liệu dân tộc, nhân bản
và khai phóng đã được tổ
tiên chúng ta hun đúc sau hơn bốn
ngàn năm lịch sử.
Đời tôi là những cơn mưa
dài. Mưa khi tôi rời làng Mã Châu,
mưa trong đêm đầu tiên trong căn
gác trên đường Hùng Vương
Đà Nẵng, mưa dưới gốc đa
già ở Chùa Viên Giác, mưa khi tôi vừa
đặt chân đến Sài Gòn lần đầu
tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời
đất nước ra đi. Nhưng
tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ
cảm thấy cuộc đời là hố thẳm.
Tôi không sống trong hôm qua,
trái lại mỗi ngày là một chặng
đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn
nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt
đến với đời tôi và tôi rất
lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh
của chính mình.
Trong cuộc đời này, tôi
đã nhiều lần vấp ngã nhưng nhiều
người cũng đã giúp vực tôi dậy,
lau khô những vết thương trên thân thể
và trong cả tâm hồn. Tôi mang ơn xã hội
nhiều đến nỗi biết mình sẽ
không bao giờ trả hết. Tôi biết
ơn những người đã che chở cho tôi
và cũng cám ơn cả những người
đã dạy tôi hiểu giá trị của
gian lao, thử thách. Cám ơn
đất nước đã cho tôi được
làm người Việt Nam, cám ơn mẹ Duy
Xuyên mang tôi đến thế gian nầy, cám
ơn mẹ Hòa Hưng nuôi nấng tôi trong những
ngày bà con thân thuộc đã ruồng bỏ
tôi, cám ơn cây đa già chùa
Viên Giác che mát cho tôi suốt năm
năm dài mưa nắng. Nếu một
mai tôi ra đi không kịp viết điều
gì, thì đây, những kỷ niệm của
một lần ghé lại.
TRẦN TRUNG ĐẠO
(T.V. sưu tầm)