TÔ CANH THƠM CỦA MẠ
(Nguyễn Ngự Bình)
Chỉ mới đôi
năm trước đây thôi, mạ tôi vẫn
còn khỏe và năng động lắm. Tuy
đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn tự nấu
lấy thức ăn cho mình. Anh em tôi e ngại sợ
mạ tay yếu đổ nước phỏng tay, hay sợ
bà quên tắt bếp, lửa củi nguy hiểm
… nhưng mà nói mấy cũng vô
ích. Mạ viện lý do thức ăn tụi
tôi nấu không hợp khẩu vị, và nhất
là bà cần làm việc để qua
thì giờ và cũng để vận động
chân tay luôn thể. Thấy bà nói có
lý nên tụi tôi cũng đành chiều
ý. Thôi kệ, tới đâu hay tới
đó. Vậy đó mà mạ tôi
đã nấu ăn một cách ngon lành. Chẳng
những bà nấu cho bà, mà cả lũ con
cháu nội ngoại còn được hưởng
lây nữa.
Hình như
ít có lần nào sau khi đã gởi
cháu cho Bà trông, đến đón về
mà tôi không được mạ bới cho một
chút đồ ăn mang theo. Và món mà
bà thường làm cho tôi nhiều nhứt
là món canh thơm. Bà biết đây
là món mà tôi
rất thích.
Kể cũng lạ.
Những lần mang tô canh thơm về là tôi
hầu như một mình làm trọn. Hai đứa
con không ăn đã đành, mà cả H cũng
chỉ sơ sơ vài muỗng góp vui vậy thôi,
còn lại là tôi quét sạch không chừa
một cọng hành. Tôi xì- xà xì- xụp
ăn tô canh như ngày mai sẽ tận thế
không bằng.
Thấy tôi thích
món này như vậy, nên khoảng hai ba tuần
mà không thấy tôi mang từ bà nội về
là vợ tôi lục đục nấu. Tưỏng
cũng nói thêm bà xã tôi có biệt
tài học nấu ăn. Nàng vô nhà
hàng hoặc đi ăn ở đâu mà gặp
món đắc ý, chỉ cần khươi đĩa
đồ ăn coi sơ sơ là có thể về
nhà nấu gần giống y chang. Cho nên với
tô canh thơm đơn giản này là
quá dễ dàng. Hôm tôi thấy tô canh
thơm dọn lên bàn, ngạc nhiên quá
tưởng là mạ tôi nấu nhờ người
khác mang qua. Nhưng H nói nàng mới nấu
theo kiểu của Bà nội. Tôi thích vô
cùng, ngồi xuống chén thả giàn. Ăn
xong vợ hỏi “ ngon không?” “Ngon chứ”. Vợ hỏi
tiếp “ Có ngon như bà nội nấu
không” Tôi
thành thực trả lời “ Ngon, nhưng mà
hình như hơi khác với cách Bà nội
nấu”. Vợ tôi nói mới nấu lần
đầu nên chưa chỉnh. Lần sau chắc chắn
sẽ giống.
Lần sau nữa,
tô canh thơm của vợ tôi nấu thành thật
mà nói thì chẳng những giống mà
có lẽ còn đậm đà và thơm
ngon hơn tô canh của mạ tôi. Tôi ăn cũng ngon lành lắm.
Thế nhưng, dù vợ tôi có nấu
cách nào đi nữa cũng không thể
nào giống như tô canh của mạ. Canh
thơm của vợ nấu thì tôi ăn bình
thường cùng những món ăn khác.
Nhưng khi ăn tô canh của mạ tôi nấu,
đặc biệt trọn một bữa cơm tôi chỉ
ăn một món này mà thôi như là
sợ mấy món kia sẽ làm tô canh của
tôi bớt ngon. Tôi vừa ăn mà sợ
như nó sẽ … hết. Và khi nó hết,
tôi vét đến cọng ngò cuối
cùng. Ăn xong mà vẫn thòm thèm thật
tức cười. Cả hai đứa tôi cùng nhận
thấy điều này. Lạ!
Cho đến một
hôm …
Trong dịp lễ
Thanks Giving, lớp học con gái tôi tổ chức
một buổi pot-luck ăn trưa. Mỗi phụ huynh tham
dự mang một món ăn tới góp vốn
ăn chung. Tôi mua mang theo món mì xào từ
một tiệm mì nổi tiếng và tôi biết
rất ngon. Tới giờ ăn, các phụ huynh phải
phục vụ cho các em ăn trước. Món
mì của tôi được tất cả ủng
hộ nhiệt liệt trừ một cậu bé
có vẻ là người Tàu hay Phi gì
đó. Khi tôi mang đĩa mì tới, nó
thờ ơ lạnh nhạt nói “Không
ăn”. Hừm, làm bộ dữ. Chắc là
nó không đói. Nhưng tôi vẫn cố
dụ “Ăn đi cháu, mì ngon lắm”. Cậu
vẫn một mực:
“Không ăn. Mì má cháu làm
ngon hơn nhiều” A, thằng này làm
phách nhỉ, dám nói là mì má
nó làm ngon hơn ở tiệm, mặc dù
là chưa thử qua sợi nào. Đúng
lúc đó mẹ của cậu cũng vừa tới
bàn. Bà giở nắp hộp đồ ăn của
cậu ra thì quả nhiên là … một hộp
mì xào. Tôi tò mò nhấn nhá
đứng gần hai mẹ con để coi món
mì gì đặc biệt mà cậu con quảng
cáo dữ dội quá. Khi tôi nhìn thấy
tô mì rồi thì thật là … thất
vọng đến não nề. Trời ơi, tưởng
là có gì ghê gớm lắm, té ra
là những cọng mì trắng nhách, nhạt
nhẽo, thêm chút trứng chiên thái mỏng
rải ở trên, và chan xì dầu. Chỉ vậy
thôi mà cậu làm như là sơn
hào hải vị đâu đâu không bằng.
Tôi bị chạm tự ái quá đi. Nó
dám chê mì mua ở nhà hàng của
tôi để ăn cái tô mì trông thiệt
là … dở ẹc này. Cho nên tôi vẫn
tiếp tục nhấn nhá đứng gần để
coi thử.
Tôi rất ngạc
nhiên khi thấy cậu bé mắt sáng rỡ
khi mì của cậu được mẹ xúc ra
chén. Kỳ thật. Đĩa mì tôi mang tới
sợi vàng óng ánh hấp dẫn, lại
thêm tôm, xá xíu, rau cải đầy đủ,
ngon lành thì cậu không thèm ngó tới,
trong khi mì của mẹ cậu thì lưa thưa
vài miếng trứng với xì dầu mà cậu
làm như bắt được vàng. Chưa hết,
nhìn cái dáng điệu cậu ăn mới
đã. Cậu ngồi sát vào mẹ như một
con gà con. Tay trái cậu cầm muỗng, tay phải
đôi đũa, cả hai tay phối hợp nhịp
nhàng. Trước hết cậu gom mì thành một
cụm nhỏ vừa đủ một miếng, dồn
thêm vài sợi trứng, xong rồi cả muỗng
lẫn đũa khiêng cụm mì lên ngoạm
một miếng vô miệng gọn lỏn. Nói
thì lâu chứ cậu ta làm lẹ lắm. Cụm
mì mới vào miệng đang nhai là
đôi tay đã thực hiện lại động
tác gom mì lại như cũ của một chu kỳ
nhứt định. Cứ thế cậu không để
phí một giây nào. Ngay cả một vài
cọng mì dính bên mép cậu cũng
không thèm chùi. Chỉ thỉnh thoảng cậu
phải ngưng lại chút để thở, và
để cho mẹ chùi mép dùm, trong khi cậu
nhìn mẹ cười … say đắm. Ôi
trên đời này sao lại có thằng con
nào sung sướng, hạnh phúc đến
như vậy cà? Cậu lại tiếp tục ăn,
thì thà thì thụp. Thấy nó ăn
mì mà tôi cảm thấy đói bụng
và thèm quá đi, thiếu điều muốn
nói với nó rằng “ Mày cho tao thử
một miếng , được không?”
Chẳng mấy chốc
mà tô mì gần hết, cậu ăn chậm
lại. Nhưng cậu ăn chậm không phải
vì no. Cứ nhìn cái miệng nhỏ nhắn
nhai ngấu nghiến thì biết. Cậu sợ hết.
Như thể cậu muốn ăn hoài ăn hủy
miễn là có mẹ ngồi bên cạnh.
Rồi thì tô
mì xào của cậu cũng phải hết.
Tôi thấy nó nhai miếng cuối cùng thật
lâu, và khi đã bỏ đũa xuống rồi
cũng còn dùng tay vét mấy cọng
hành nhét vào miệng một cách tự
nhiên. Bà mẹ ngồi bên cạnh không cản
mà chỉ nhìn tôi cười bẽn lẽn
để tôi thông cảm cho thằng con háu
ăn.
Tôi thẫn
thờ nhìn hai mẹ con và chợt hiểu.
Hành động
vét mấy cọng hành cuối cùng của cậu
bé sau khi đã làm sạch sẽ tô
mì làm tôi nhớ những lúc tôi
vét mấy cọng ngò cuối cùng của
tô canh thơm do mạ tôi nấu. Tôi nhớ lại
hồi nãy thằng con ăn mì say sưa và
thỉnh thoảng nó nhìn mẹ nó một
cách trìu mến như thể nếu được
nó cũng ăn luôn mẹ nó vào bụng.
Và tôi nhớ lại lúc ăn canh thơm của
mạ, tôi có một cảm giác man mác,
êm đềm mà không hiểu vì
đâu. Tô mì của cậu bé chắc chắn
là không bằng mì tôi mua ở tiệm, cũng
như canh thơm của mạ tôi chắc cũng
không đậm đà, ngon ngọt như vợ nấu.
Nhưng mà cả hai đã được nêm
vào một gia vị trân quí nhất trên
đời: Gia vị MẸ.
Khi ăn canh của mạ
nấu, thì ra tôi đã nuốt vào
người tất cả tình thương của mạ
gởi gắm trong tô canh. Tôi đã vào
cái tuổi mà người ta gọi là tri
thiên mệnh. Trên đầu tóc muối
như tiêu. Nhưng với mạ thì tôi bao giờ
cũng chỉ là một thằng con nhỏ dại
mà bà khi nào cũng muốn chiều chuộng
chăm sóc. Tôi chợt nhận ra rằng mỗi
tô canh của mạ không những đã
được nêm đầy gia vị MẸ trong
đó, mà nó còn chan chứa cả một
quãng đời niên thiếu của tôi.
Tôi đã ăn canh như một con bò
già ngấu nghiến nhai lại quãng tuổi ấu
thơ mà nuối tiếc những chuỗi ngày vẫn
còn trong vòng tay của mạ.
****
Nhưng mà gần
đây mạ tôi đã không nấu nướng
gì được nũa. Mạ yếu như một
ngọn đèn dầu gần cạn, hiu hắt chờ
một cơn gió lớn.
Bây giờ, ngoại
trừ những lúc cần phải đi đứng
chút đỉnh làm vệ sinh hay uống thuốc,
còn thì mạ chỉ nằm trên giường.
Trời nắng ấm mùa Xuân, mạ đắp mền
từ cổ tới chân mà vẫn than lạnh. Những
chuyện hôm qua thì mạ quên tuốt,
nhưng mà chuyện năm sáu chục năm
trước thì mạ tôi nhớ rõ mồn một
và cứ nhắc tới nhắc lui dăm ba câu
chuyện đó. Mạ kể đi kể lại chuyện
thời bà còn con gái mười ba mười
bốn tuổi đã tự lập mưu sinh với
giỏ hàng Xén nhỏ nhoi bày bán ở
chợ ĐÔNG BA ngoài Huế. Có ông Cố
Đạo người Pháp dạy học ở
đâu đó không biết, mỗi vài
tháng lại ra chợ sắm giấy, bút, mực
… chỉ ở gánh hàng nhỏ xíu của
mạ, chứ không bao giờ mua ở những cửa
tiệm lớn hơn. Lý do vì mạ tôi
là người duy nhất trong khu chợ biết
nói bặp bẹ dăm câu tiếng Pháp với
ông. Anh em tôi ngạc nhiên hỏi mạ học
tiếng Pháp ở trường nào? Bà
nói trường nào mà trường. Nhà
nghèo cơm ngày ba bữa đủ ăn là
may rồi, con gái thời đó như mạ
làm sao được tới trường. Mạ chỉ
học lóm tiếng Pháp từ mấy cậu trong
nhà mà thôi. Tụi tôi nể mạ
quá xá.
Mạ ngày càng
lãng hơn. Một lần tôi ngồi bên, mạ
lại bắt đầu kể một chuyện đời
xửa đời xưa nào đó của bà
mà tôi đã nghe ít nhất một chục
lần và đã thuộc lòng. Không hiểu
sao bữa đó tôi vô tình quá. Mạ
mới nói vài câu là tôi ngắt lời
bà, nói là mình đã biết rồi,
mạ khỏỉ cần kể nữa. Và để
chứng minh, tôi kể tiếp cho mạ khúc tiếp
theo để mạ tin là tôi đã biết.
Tôi thấy mạ mặt buồn so, hụt hẫng. Mạ
ậm à ậm ừ cố nghĩ một chuyện
khác để kể cho tôi nghe thế câu chuyện
trên, nhưng luồng tư tưởng quen thuộc của
mạ lúc đó bị tôi ngắt bất ngờ
nên chưa sắp xếp lại kịp chuyện
khác. Mạ chỉ muốn nói để mà
nói, và có người ngồi cạnh
bên nghe mà thôi. Tôi hối hận quá.
Thấy mạ mấp máy môi, ấp a ấp
úng hoài nhưng nghĩ chưa ra thiệt là
tội nghiệp. May lúc đó tôi nghĩ
là phải mớm lời cho mạ nên giả bộ
hỏi “ Hồi mạ còn nhỏ, mạ bán
gì ở chợ Đông Ba vậy ?” Thế là mạ bắt
được đà, bà bèn kể tiếp
cho tôi nghe chuyện ông Cố Đạo người
Pháp mỗi vài tháng ra mua hàng của mạ
… lần này thì tôi nghe một cách
thiệt tình, thỉnh thoảng còn bàn
thêm vài điều bên lề nữa khiến
mạ thích vô cùng.
Ban đầu
thì tôi nghe để cho mạ vui. Nhưng
càng về sau, tôi thấy như mình cũng
có những lúc sống hòa vào với thế
giới của mạ. Mạ mới nhắc đến giỏ
hàng xén tạp hóa là tôi như thấy
cả cái chợ ĐÔNG BA trước mặt
mình với rừng người tấp nập,
có một cô bé mười bốn mười
lăm tuổi gói hàng bán cho một ông Cố
râu ria xồm xoàm, áo đen thụng thịnh,
tóc trắng toát, cố gắng lắng nghe để
hiểu mớ tiếng Pháp chắp vá của
cô hàng xén nhỏ tuổi. Thỉnh thoảng
ông cười to thích thú vì cô
hàng xén xinh xinh này nói tiếng Tây
thiệt là … tức cười và dễ
thương. Cô không biết. Cô tưởng
là ông Tây cười khen cô nói hay,
nên cô cố nói thêm càng nhiều
càng tốt. Và vì vậy mà ông Cố
Tây lại càng cười thêm …
Mạ tôi cũng
kể cho tôi nghe rằng hồi 9, 10 tuổi gì
đó tôi đau một trận kinh hồn. Giữa
đêm khuya, tôi nóng sốt đến độ
máu cam từ mủi chảy ra như suối. Mạ tôi
đã dùng hết khăn trong nhà mà vẫn
chưa đủ cho tôi lau. Tôi mất nhiều
máu quá đến nỗi đã bắt đầu
mê man rồi. Lúc đó nhà tôi mới
từ Huế dọn vào. Ba tôi vắng nhà
đi làm xa. Lạ nước lạ cái, nhà
thương bệnh viện ở đâu không biết,
hàng xóm neo đơn, mà lại đêm
khuya khuya khoắc biết kêu nhờ ai! Mạ tôi chỉ còn
ôm tôi vào lòng và cầu nguyện.
Lúc đó bà nghe như có tiếng nạng
gỗ gõ lên sàn nhà, tiếp theo là
tiếng dép kéo lê. Rõ ràng là
có một người què đang đi trong
nhà. Nhưng mạ đã quá mệt mỏi
và cũng đang thiếp đi. Rồi bà thấy
rõ ràng, không hiểu là thiệt hay trong
giấc mơ, một người lính chống nạng
gỗ đi đến và sờ vào trán
tôi, xong rồi ông ta lại kéo nạng đi
ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, như một
phép nhiệm mầu nào mà tôi bớt hẳn,
gần như đã hết bệnh mặc dù
là chưa uống một viên thuốc nào cả.
Tôi vốn
là một thằng bé ham chơi thuở ấy
nên đã gây cho mạ không ít nhọc
nhằn. Hình như không có một môn
chơi nào của con nít trong xóm mà thiếu
mặt tôi, từ đánh đáo ăn tiền,
đến bắn bi, tạt lon, chọi lính …
món nào tôi cũng một cây xanh rờn. Mạ
tôi lo tôi ham chơi mất sức rồi bỏ học
nên cố kềm bằng cách bắt tôi mỗi
trưa phải … đi ngủ. Dĩ nhiên là
tôi chỉ nằm trình diễn thôi, đợi
cho mạ ngủ là tôi rón rén dậy
xách đồ nghề dông một mạch vào
xóm chơi. Tỉnh dậy không thấy thằng
con đâu, mạ tôi lại phải đội nắng
đi vào xóm kiếm. Bà biết đích
xác chỗ nào tôi thường đàn
đúm. Có những lần tôi đang lom khom
cúi nhắm mấy hòn bi dưới đất
để bắn thì bỗng thấy đôi
dép quen thuộc ngay trước mặt. Khỏi cần
nhìn lên tôi cũng đủ biết là ai,
bèn ba chân bốn cẳng chạy ù về
nhà. Tôi phải về trước mạ, lấy
cái khăn hay cái áo nào đó
chêm sau mông. Mạ có cái roi đánh
đau lắm nên tôi phải lo độn trước
kẻo không là … thê thảm. Rồi mạ
về tới, bắt tôi nằm xuống nả cho mấy
roi. Chẳng đau gì cả nhưng tôi cũng giả
bộ la “ui- da ui- da” rối rít. Mạ thấy
tội bèn cho … thiếu nợ, chỉ dọa lần
sau tái phạm trả gấp đôi. Tôi
nào ngán, vì đã có áo
giáp hộ thân, và hơn nữa mạ
đâu có nhớ? Tôi chỉ thắc mắc một
điều là sao mạ không nhận ra sự
khác nhau. Khi tôi chưa kịp độn áo
sau mông, roi đụng vào thịt thì nó
kêu “ bép- bép”; còn khi nào
tôi đã kịp độn áo rồi
thì nó kêu “ phộp- phộp” rõ
ràng như vậy mà mạ không biết
nên tôi mặc tình mà lờn mặt.
“Bí mật” này tôi vẫn giữ
kín gần 40 năm, cho tới khi mới chỉ gần
đây thôi. Trong một dịp họp mặt gia
đình anh em, con cháu đầy đủ,
tôi bèn “ bật mí” lên để
chọc mạ cho vui, ai ngờ mạ phản pháo
“ Thằng khỉ. Mi tưởng tau ngu không biết
mi chêm cái chi đó trong quần hay sao? Tau cố
tình lờ cho mi đó chứ!” Cả
nhà tôi cười như nước vỡ bờ,
và thằng con tôi là to họng nhất.
Nó khoái quá, hả hê khen “ Bà nội
thông minh quá. Smart quá. Ba là ‘bad
boy’đó bà nội ơi!”. Ha ha. Bà
nội có hiểu bad boy là gì đâu,
“mày” ơơơi !
***
Một buổi chiều đi
làm về, tôi ghé lại để nghe mạ
kể chuyện, nhưng bà đang ngủ. Tôi
kéo ghế cạnh giường ngồi nhìn mạ.
Đã từ lâu
tôi biết là bà không khoẻ, nhưng vẫn
nghĩ rằng ai cũng bệnh già thế thôi. Bữa
nay tôi mới có dịp ngắm lại mạ
lúc bà đang ngủ. Hơi thở của
bà sao mệt nhọc quá, khò khè và
đứt quãng. Mạ ngủ mà phải há
miệng ra để thở và tôi thấy răng
của mạ chỉ còn vài cái loe hoe, lủng
lẳng! Nhưng điều làm tim tôi nhói
lên khi mạ chìa cánh tay ra khỏi mền.
Ôi cánh tay của mạ tôi đâu còn
là tay nữa mà chỉ là một thanh củi
khô, da bọc lấy xương. Lớp da đồi
mồi ở ngay bả tay không còn miếng thịt
nào để bao bọc nên nó nhẽo nhẹt
và lòng thòng một cách thảm
thương. Tôi nghe mạ than là khó thở,
nhưng không ngờ mạ phải thở một
cách khó nhọc như vậy. Tôi biết
là mạ ốm, nhưng không ngờ mạ ốm
đến giơ xương. Tôi không nỡ
nhìn mạ lâu hơn, phải bước vội
ra ngoài tới bàn thờ Phật để ổn
định lại tâm hồn .
Trước bàn thờ
Phật. Tượng Phật Bà Quan Âm với
bình nước Cam Lồ hiền từ nhìn. Bỗng
nhiên tôi cảm thấy như có một sự
thiêng liêng nào đó phảng phất trong
không gian. Một cảm giác lâng lâng
khó tả. Tôi thắp một nén nhang và
khấn thầm “Thưa Phật. Trước hết
con biết tuy là Phật Tử, nhưng con không phải
là một Phật Tử thuần thành được
thấm nhuần Phật Pháp. Vì vậy mà
giáo lý của đức Phật nhiều khi con
hiểu chưa thực chính xác, nên nếu
con nói có gì không đúng thì
đành vậy. Con vẫn thường nghe nói về
luật nhân quả của đạo Phật. Nhân
nào thì quả nấy. Làm hiền gặp
lành và làm ác gặp ác. Bao nhiêu
năm qua con nghĩ là mình đã làm nhiều
việc thiện. Và con chưa bao giờ mong việc
mình làm sẽ mang lại một nhân quả tốt
nào cho chính con cả. Nhưng bây giờ nếu
đức Phật vì những nhân lành
mà con đã gieo, và sẽ cho con những quả
tốt như một sự đền bù thì con
xin nhận. Không phải cho con, mà cho mạ con.
Thưa Phật. Con biết rằng con người sinh ra
thì ai cũng đều mang một số mệnh. Ai rồi
cũng sẽ đi qua đọan đường sinh,
lão, bệnh, tử. Vi vậy mà con không
dám cầu cho mạ con sống lâu trăm tuổi.
Bởi vì cầu cũng không được. Con
chỉ xin cho mạ con được sức khoẻ
và sự an nhiên trong quãng đời còn
lại là con mãn nguyện lắm rồi. Một
mai khi nợ trần đã dứt, xin Phật
đón mạ con về trong sự bình yên. Chỉ
vậy thôi.”
Có tiếng mạ
kêu trong phòng. Tôi đi vội vào kẻo
mạ trông và lòng thầm nghĩ không biết
bữa nay mạ sẽ kể cho nghe chuyện gì nhỉ?
Chuyện ông Cố đạo, hay là chuyện
ông lính chống nạng giữa đêm, hay
là chuyện … chuyện gì cũng được.
Bây giờ thì mạ còn nói, tôi
còn được nghe là cũng may mắn, hạnh
phúc rồi. Tôi biết là mạ không
còn như xưa để thỉnh thoảng nấu
canh thơm cho tôi nữa, nhưng cái gia vị MẸ
tuyệt vời đó nào phải vì vậy
mà mất đi đâu. Nó vẫn đậm
đà và nồng ấm qua từng gịong
nói, từng cái nhìn của mạ đó
mà.
Như hôm kia tôi
đến ngồi cạnh bên. Mạ bỗng nhìn
lên đầu tôi thật lâu, rồi nói
giọng lo lắng “Con bịnh chi mà tóc bạc
nhiều quá?”
Nguyễn Ngự Bình
(LiH CoCo sưu tầm và chuyển)