Viết Về Mẹ
Với người có tuổi, nhớ
tới Mẹ là nhớ ơn.
Trong cuộc sống, nếu là cuộc sống
hạnh phúc và nghiêm chỉnh - thì phải,
chúng ta đoàn tụ với bốn người:
- Một là người yêu. Người
Tây họ nói: đó là phân nửa của
tôi. Vợ-chồng.
- Hai là bạn
thân. Lưu Bình, Dương Lễ.
- Ba là cuốn
sách. Y đang má dựa vai kề với nhiều
bạn nữa trên kệ, kia kìa.
- Người thứ
tư ! Mẹ. Đây là người thân nhất,
hơn cả nhơn tình, hơn cả bạn thân
và các cuốn sách. Vì trong người mẹ
có cả ba bạn kia.
Khắp thế giới,
người nước nào cũng kêu mẹ, bằng
má, và đặt ra nhiều câu ca tụng mẹ.
Ta có câu: “Nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Người Albanie
nói: “Ngay ông Trời cũng có Mẹ kia
mà!”
Người ấn Độ
nói: “Không ai nói nổi trọn ơn nghĩa
của trời và của mẹ.”
Người Mỹ
có câu: “Trái tim của mẹ là
trường học của con.”
Người Yisdish
nói: “Vì Trời không thể có mặt
khắp nơi nên mới tạo ra người mẹ.”
Napoléon nói: “Tương
lai của đứa con là công trình của
người mẹ.”
Ernest Renan nói: “Mẹ
tôi là một tấm kiếng trong đó
tôi nhìn thấy lại quá khứ.”
Trung Hoa có
phương ngôn: “Đứa con có lìa bỏ
gia đình, đi đến đâu nó cũng
đem bàn tay của Mẹ nó theo.”
Nói Trung Hoa mà nhớ Lỗ Tấn. Ông
nhà văn lớn này khi đọc sách thấy
Khổng Tử nói: “Phụ nhơn nan hóa
(đàn bà là khó dạy).” Ông
cười hả hả mà hỏi trổng rằng:
“Không biết, khi nói người đàn
bà là khó dạy, lão Khổng có kể
Mẹ ông vào đó hay không !”
Ông Florian nhà viết ngụ ngôn
Pháp, mẹ mất hồi mình còn bé. Một
hôm, đi đường gặp một em bé
đứng khóc, Florian vỗ má nó và
nói: “Nín đi em. Em bị mẹ
đánh hả ? Em sướng hơn qua, vì em
hãy còn có mẹ để mà
đánh em.”
Những thằng bạn
thứ ba nó cấp cho tôi những cổ văn học
ấy. Và chúng biểu tôi đọc nhà
phê bình Sainte Beuve. Tôi đã đọc
và hết sức vui:
Sung sướng thay ai
ngay từ buổi thiếu thời đã tìm thấy
trong bè bạn, trong người thân cái
lương tâm thứ hai, mà có khi còn
là cái lương tâm thứ nhất, một
người làm chứng thường xuyên,
nó khuyến khích, nó làm cho bạo dạn,
nó giúp đỡ và sau đó, bất kỳ
ở đâu có mặt hay vắng mặt, ta cũng
một lòng kính trọng ! Đó là
người Mẹ.
Vậy cho nên khi
tôi đọc Pline le Jeune, ông Pline Trẻ (nhà
văn Roman này sanh sau Jésus ba chục năm)
tôi thấy ông thảng thốt:
“Tôi
đã mất người chứng giám đời
tôi
Tôi lo sợ, từ
rầy tôi có thể sống bê tha.”
Nhờ ông ấy
nói, thường giữ gìn lòng, tôi
không để khi Mẹ không còn, mình
đâm ra sống bê tha.
Mẹ là
lương tâm của con người. Con người
sống ở đời thường sợ lương
tâm trách móc. Biết vậy nên có nhiều
nhà văn đã viết để cho người
Mẹ làm lương tâm can thiệp vào, kiềm
chế không để con có hành vi tội
ác.
(TRỊNH SƠN
LƯỢNG sưu tầm)