MẸ, VÀ NHỮNG TIẾP
NỐI
(Hạnh Chi)
Tôi từng được nghe mẩu truyện rất
cảm động. Truyện chỉ có
hai nhân vật chính.
"Một buổi sáng, trước tiệm
bán hoa, một thanh niên ngừng xe,
định vào tiệm đặt mua một chậu
lan, nhờ gửi tặng mẹ ở cách xa anh ta
hơn ba trăm cây số. Nhưng bất chợt, anh
thấy một cô bé, đứng
nép cánh cửa tiệm và đang ôm mặt
khóc. Cảm thương, anh đến bên, dịu
dàng hỏi:
- Tại sao em khóc ?
Cô bé thổn thức:
- Con muốn mua một bông hồng tặng mẹ,
nhưng con vừa vào hỏi, một bông là
ba đồng, mà con chỉ có một đồng
thôi !
Nói rồi, cô bé lại òa lên,
nức nở.
Anh thanh niên mỉm cười, cầm tay cô bé, dắt vào tiệm. Anh
bảo người bán hàng chọn bông hồng
nào đẹp nhất tiệm, trao cho cô bé;
xong, anh đặt mua chậu lan tím
trong giỏ mây có cột nơ hồng, theo mẫu
trình bầy trong cuốn sách. Rồi
anh lựa một tấm thiệp, ghi lời thăm hỏi
và địa chỉ của mẹ, trao cho người
bán hàng, thanh toan tiền bạc rồi vui vẻ
bước ra cửa.
Cô bé đứng chờ ngoài
đó, lí nhí cám ơn. Anh nhìn quanh,
rồi hỏi:
- Em đến đây với ai ?
Có cần tôi cho quá giang về nhà không ?
Mắt cô bé sáng lên, mừng rỡ:
- Con cám ơn chú !
Chú đưa con về nhà mẹ nhé.
Theo lời chỉ đường của cô
bé, anh dừng xe trước cổng
một nghĩa trang. Cô bé không nói gì
thêm, chỉ ngước nhìn anh như ngầm
ý muốn anh đi theo. Rồi cô dừng trước một ngôi
mộ mới lấp đất. Cô nói:
- Thưa chú, đây là nhà của mẹ.
Nói rồi, cô quỳ xuống, cắm
bông hồng vào chiếc lọ nhỏ xíu
trên mộ, vuốt ve những hàng chữ trên
tấm bia, và thổn thức gọi
nhỏ:
- Mẹ ơi !
Hai tiếng “Mẹ ơi!” của cô
bé chỉ mới gặp chưa đầy 20 phút
mà anh tưởng như tiếng gọi của những
người thân yêu từng gắn bó nhau
hàng vô lượng kiếp ! Anh ngồi xuống
bên cô bé, cầm lấy tay,
và cùng khóc với cô…
Sau đó, anh hấp tấp trở lại tiệm
hoa, hủy bỏ hóa đơn gửi hàng
và chọn mua bó hồng tươi nhất, vội
vã ra xe. Anh quên cả
gọi điện thoại cáo bệnh với sở
làm. Lòng tràn ngập nôn nao, anh mải
mê cầm tay lái suốt buổi,
vượt hơn ba trăm cây số, đến gặp
mẹ. Khi trao tận tay Mẹ bó
hoa còn tươi, anh nhìn thật sâu
đôi mắt Mẹ rồi nghẹn ngào:
- Mẹ ơi !"
Câu truyện chấm dứt ở hai tiếng ngắn
ngủi đó nhưng âm thanh ngân mãi trong
tôi cho đến ngày tôi mất mẹ
!
Chị em tôi mồ côi cha từ
hơn hai mươi năm.
Tiếng khóc “Cha ơi” chưa từng dứt
trong tâm, lại nối theo tiếng khóc “Mẹ
ơi !”. Trong gia đình,
tôi thường bị gán cho cái tên
“Thương vay khóc mướn” vì
trước nỗi thương tâm nào, dù của
người hay của vật cũng dễ dàng
làm tôi rơi lệ. Với tôi,
thời gian không phải là liều thuốc
hàn gắn đau thương mà phải là
… cái gì đó, thần diệu hơn.
Bao năm, lầm lũi đi tìm
“cái gì đó” mà chưa thấy,
chỉ thấy tang thương và lệ chảy vẫn
tiếp tục thôi. Cho tới ngày giỗ đầu của Mẹ
thì nghịch- duyên-đời lại thành thuận-duyên-đạo.
Trên đường thiên
lý, vai phải cõng Mẹ, vai trái cõng
Cha, tôi quyết đi tìm cho ra “Cái
gì đó”. Với
bóng hình Cha Mẹ trên hai vai, tôi đi
không mệt mỏi, đi trong nhớ thương,
đi trong ân hận.
Hai năm cuối, Mẹ tôi bỗng
có dấu hiệu của sự mất trí nhớ. Thỉnh thoảng Mẹ lại
nói: “Cô có tiền, cho tôi mượn
hai chục đi xe. Tôi phải về,
kẻo chúng nó mong !” Rồi chẳng phải chỉ nói suông,
Mẹ xách túi quần áo, xăm xăm mở
cửa bước ra đường.
Tình trạng đó tăng nhanh một
cách trầm trọng khiến hai chị em tôi phải
thay phiên nhau, canh chừng Mẹ liên tục. Tôi hỏi thăm một người bạn,
là bác sỹ tâm thần. Bạn
tôi bảo, hãy thử hai cách. Mỗi khi
Mẹ chìm vào cơn mê như vậy,
hãy ngồi xuống bên, cầm tay, nhẹ
nhàng nói với Mẹ, mình là ai, Mẹ
là ai, đang ở đâu, để Mẹ trở
về hiện tại. Nếu không thành công
thì dùng cách thứ hai như các thiền
sư khai ngộ cho đệ tử là quát to, cốt
Mẹ chú ý tới âm thanh, rồi mới tuần
tự nhắc những kỷ niệm nào của gia
đình mà đối với Mẹ là
đáng nhớ nhất.
Chị em chúng tôi không bao giờ thành
công ở cách thứ nhất, vì nếu nhỏ
nhẹ từ chối lời yêu cầu thì Mẹ
sẽ giận dữ, bảo là chúng tôi
ác độc, không cho mượn tiền để
Mẹ về nơi có “chúng nó mong”.
Tôi có thể hiểu được,
tại sao trong cơn mê Mẹ lại luôn muốn
ra khỏi nhà, vì chị em chúng tôi mỗi
đứa ở một nơi. Mẹ ở với đứa này, lại nhớ
đứa kia ! Và trong tâm tưởng
Mẹ, luôn có những đứa con, đứa
cháu mong Mẹ về.
Nhưng
khi thử cách thứ hai là quát to với Mẹ,
thấy Mẹ có vẻ sợ hãi thì
lòng chúng tôi quặn thắt. Cuối cùng, tôi chọn cách thứ
ba, là Mẹ nói gì, cứ im lặng nghe.
Mẹ nói xong thì tôi rót nước rồi
nương theo vai trò nào Mẹ
đang tự biên tự diễn mà dỗ
dành. Chẳng hạn như: “
Bà cụ uống nước đi, ăn
bánh đi rồi lát có xe đến
đón.”; Nhưng nếu bất chợt Mẹ
đổi vai, gọi tôi là chị, và
xưng em, thì tôi đành nói: “ Ừ,
chị đã gọi xe đò rồi. Họ đang trên đường tới.
Em cứ vào phòng nghỉ đi, hễ
xe tới là chị gọi em liền”.
Thật bất ngờ, tuy chưa từng một
ngày được học ngành trị liệu
tâm thần nhưng cách thứ ba của tôi
đã được Mẹ vui vẻ chấp nhận,
không đòi đi nữa mà lại còn
cám ơn rối rít: “Cô tốt quá ! Cô tên gì
? Con cái nhà ai vậy ?”
Rồi chỉ vài phút sau, Mẹ ra khỏi cơn
mê, biết rõ tôi là cô con gái
đầu lòng đã đến với cha mẹ
ngày 30 tháng 7 của một năm xa xưa !
Những cơn mê như thế cứ đến
không hẹn, đi không báo, dẫn Mẹ
tôi quẩn quanh giữa mộng và thực cho tới
ngày quả tim 86 tuổi bất ngờ
đập loạn nhịp.
Mẹ đã thực sự ra
đi, đi thật nhanh và thật êm ả
như một người thiếp trong giấc ngủ
trưa hè. Không
biết trong giấc ngủ đó, Mẹ là
bà cụ muốn mượn tiền để đi
xe về nơi có “chúng nó mong” hay
khi ấy Mẹ đang biết rõ Mẹ là
người Mẹ thân yêu của sáu chị
em tôi ? Nếu Mẹ ra đi giữa
cơn mê, ngỡ mình là một bà cụ
cô đơn, nghèo khổ, phải hỏi mượn
tiền người lạ để tìm về nơi
có những người thân yêu mong chờ,
thì tội nghiệp Mẹ quá !
Nỗi băn khoăn đau đớn đó cứ
thầm lặng theo tôi trên
đường đi tìm Cha, tìm Mẹ, tìm
chính mình, tìm cái chưa từng sanh,
chưa từng diệt mà tấm thân tứ đại
chỉ là phương tiện cho ta lên đường.
Sau mỗi xâu chuỗi lần qua, sau mỗi thời
kinh vừa dứt, sau mỗi tiếng chuông xả thiền,
thì “cái gì đó” đều thấp
thoáng, như giải thưởng treo cao, khuyến tấn
và chiêu dụ đám học trò chậm
lụt ráng tiến bước. Tôi thường tự
nhủ, phải cố gắng hơn, kiên trì
hơn, phải tin tưởng hơn, là trong bao la
vô thanh bất động kia chắc
chắn có ẩn tàng thần dược. Nếu
không, với những đau thương kinh hoàng
trong cõi ta-bà, dồn dập không phút
nào, thời nào ngưng, thì nhân loại
đã bị hủy diệt lâu rồi
!
Thời công phu sáng nay, khi tiếng chuông
dứt Chú Lăng Nghiêm vừa điểm,
tôi bỗng nghe trong đó ngân dài hai tiếng
“Mẹ ơi!” và lòng tôi hân hoan
niềm vui trẻ thơ, như thuở nhỏ chờ cửa,
thấy bóng Mẹ đi chợ về.
Vâng, phút giây ấy, công phu
sáng, Chú Lăng Nghiêm, và tiếng
chuông đã quyện vào nhau thành âm
thanh mầu nhiệm của hai tiếng “Mẹ ơi
!” để tôi cảm nhận rõ hơn
chút nữa về “cái gì
đó” mà tôi hằng tìm kiếm
lâu nay. Lời Thầy thường dạy
lại bàng bạc không gian “Ta là tiếp nối
của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Các
Ngài ở trong ta và ta ở trong các Ngài,
như lá vàng rụng xuống thành đất
nuôi cây, để cây lại trổ lá. Phải cảm nhận thật
sâu sắc được điều đó, ta mới
ôm được cả xấu lẫn tốt trong
vòng tay để không than
khóc vì những mất mát.”
Hôm đó, mặt trời thức
muộn vì một vài đám mây xám
đùa bỡn bay ngang.
Nhưng mây chỉ đùa thôi chứ
không đọng thành mưa. Khi ông mặt
trời vươn vai tỏa sáng cũng là
lúc tôi viết xong lá thư
cho một người bạn mà tôi từng
oán hận, tưởng như không bao giờ
còn có thể nhìn mặt nhau. Thư
không quá dài, cũng không quá ngắn.
Nội dung chỉ đơn sơ:
“Bạn có rảnh, mời ghé
Am uống trà. Nước đã sôi, trà đã
sẵn. Mà bạn đang bận cũng không
sao ! Tôi vẫn
được uống trà với bạn, vì bạn
đang ở trong tôi và tôi đang ở trong bạn,
như tôi vừa cảm nhận về Cha Mẹ
như thế. Không có gì
khó hiểu đâu. Chỉ là sáng
nay tưởng sẽ mưa, nhưng mây xám
đã bay đi để mặt trời rọi nắng.
Mặt trời đâu có hận mây
đã che mình; mây cũng đâu có
oán mặt trời không cho mây cơ hội
thành mưa để được nhảy múa tung tăng. Cái gì cũng
đến rồi đi, thành rồi hoại.
Chúng ta từng hạnh phúc ngồi uống
trà với nhau bên cây ngọc lan
thơm ngát, bên bụi quỳnh trắng, nở
trăm hoa. Hạnh phúc đó nay
không còn thì cũng chỉ là một,
trong vô vàn những gì Có rồi Không
trên thế gian này mà thôi. Như
cây ngọc lan đã biến mất.
Như bụi quỳnh chẳng bao giờ
còn nở hoa. Ấy thế mà mảnh
sân rêu vắng hương sắc cũ có than
khóc gì đâu ! Tôi
quá vô minh mới tự chuốc lấy đau khổ
khi không biết rằng, ở một tình cờ
nào đó, chẳng ai ngưng được
mây rồi sẽ chuyển mầu, thành rào rạt
mưa tuôn ?”
Thư không bỏ vào phong
bì, vì không có nơi gửi, cũng chẳng
có người nhận.
Lá thư, người viết
và người nhận, nay chỉ còn là một.
Như âm hưởng Tam Không của hạnh
Bố Thí Ba La Mật: “không của cho, không
người cho, không người nhận, mới thực
là cho”
Hạnh Chi
- Biển Dài,
Mùa Vu Lan.. Khóa Địa Tạng Phật Thất
2009 -
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=149703
(Tran Quan Long sưu tầm và chuyển)