Mẹ, Mẹ Tôi
(Nguyễn Trung Tây)
Kèm theo bài “Viết Về Nước Mỹ”
đầu tiên, tác
giả tự sơ lược vắn tắt về
mình “sinh tại Saigon, trưởng thành tại
Sài Gòn và San Jose, CA. Hiện đang làm
việc tại Melbourne, Úc Châu”. Muốn biết thêm về
tác giả, mời vào Webpage: www.nguyentrungtay.com
Thông tấn xã công giáo VietCatholic giới thiệu
tác giả nguyên văn “Linh mục nhà
văn Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền
Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Hiện nay ngài đang làm Giáo sư
Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra
Theological Union, Melbourne, Úc Châu.”
Nhận xét về
những tác phẩm của Nguyễn Trung Tây phổ
biến trên nhiều diễn đàn tôn
giáo và văn học từ hơn thập
niên qua “Những tác phẩm của ngài
dù được viết với giọng văn đầy
dí dỏm, khôi hài vẫn để lại
trong lòng người đọc những suy tư
trăn trở về văn hóa, gia đình,
xã hội, đất nước và ý nghĩa
của kiếp người.”
Trân trọng giới thiệu Nguyễn Trung
Tây với bài viết mới nhất, nhân
“Mother' s Day, Tháng Năm 2009.”
***
Có cả ngàn điều
tôi muốn nói về mẹ, mẹ tôi.
Năm 1989 tôi nhận được
tin giống như từ trời rơi xuống. Nguyên ngày hôm đó
tôi sướng lâng lâng bay bổng, bởi cứ
tưởng rằng đã bị mồ côi cả
đời, thế mà giờ này cầm được
tờ điện tín báo tin mẹ tới trại
tỵ nạn Thái Lan. Tôi ngồi
trong lớp điện trường San Jose State
University, bài
toán con chip mạch điện rối tung,
thông thường dư thừa khả năng nhức
nhối nổ tung mảng đầu; nhưng ngày
hôm đó hồn ơi sao vẫn cứ xôn xao
rạo rực.
Sướng quá, tan lớp tôi hăm hở
đi đánh điện tín về Việt Nam báo tin ... Mừng quá,
tôi phóng xe Z260 húc một
cái rầm vào chiếc xe hơi bên tay
trái ngay tại ngã tư đường Reed
và số 4 của downtown San
Jose. Cái đầu xe thể thao họ
nhà Z sáu máy nát bấy như tương ! Nhưng cũng chả sao,
tôi ngồi trên xe tow mà mặt
mày vẫn cứ tươi roi rói như con trai mới
lấy được vợ. Ông tài xế xe tow gốc Ý ngó tôi đăm
đăm. Dám ông ấy nghĩ thằng Mít
này khùng bạo, xe đụng
nát bấy như cái bánh bèo pizza gặp
nước mưa mà mặt mày cứ hớn hở
như thế kia; nhưng tôi nhanh miệng nói liền,
- Mẹ tôi mới tới trại tỵ nạn
Thái Lan.
Có mấy chữ ngắn ngủi đơn giản,
vậy mà thiên hạ từ cổ chí kim ai ai cũng hiểu.
Năm 1990 mẹ tới Mỹ. Tôi mặc bộ
quần áo đẹp nhất ra phi trường San Francisco
đón mẹ, ơi ngày hội lớn
! Bởi mẹ là tâm điểm là lực
từ trường nam châm, căn nhà vắng hoe từ
bao nhiêu năm nay bỗng dưng trở thành chợ
phiên họp hằng giờ, từ sáng tới chiều
cho tới nửa đêm.
Tháng Sáu nước Mỹ không phải
là ngày Lễ Tạ Ơn hay mùa Noel lễ
nghỉ, nhưng anh chị em chúng tôi từ nhiều
phương trời vẫn nhanh nhanh tấp nập bay về
San Jose quây quần xum họp để tạ ơn,
để ăn mừng, bởi vì có mẹ.
Tương tự như những con sông hạn
hán khô ran nứt nẻ từ khi vắng những
hạt mưa từ mẫu, anh chị em tôi hớn hở
nhanh nhanh mở ra nhận vào trong lòng những hạt
nước mới đổ đầy, ngập tràn
lênh láng hai bên bờ. Nước thượng
nguồn dâng lên xoay xoay tròn hớn hở tung tăng đổ về hạ nguồn.
Những nhánh sông con vươn mình cuồn
cuộn kéo tới, chúng tôi gặp lại
nhau trên khuôn mặt mẹ tươi vui, nơi vầng
khăn nhung vấn đầu, và đôi môi ăn trầu đỏ thắm.
Tưởng là vĩnh viễn
trường tồn. Nhưng không. Được
hơn hai tuần. Đời sống
cơm áo Bắc Mỹ dư thừa sức hút,
đẩy về lại những vùng đất
riêng tư cá nhân. Hội chợ
phiên tan, mẹ ở lại địa danh Thung lũng
Hoa Vàng San Jose với hai đứa cháu và
tôi. Thấy mẹ buồn quạnh hiu với
căn nhà trống vắng bóng dáng con
cái, tôi đi thuê phim chưởng Hồng
Kông để mẹ coi. Phim đầu
tiên Thần Điêu Đại Hiệp có
cô Long vẻ đẹp mê hồn. Mẹ thích ngay, ngồi coi liên tục.
Rồi Anh Hùng Xạ Điêu với
Ôn Mỹ Linh, mẹ khen lí lắc thông minh.
Nối tiếp là Máu Nhuộm Bãi Thượng
Hải mẹ bảo súng bắn đoàng
đoàng, người chết như rạ, cứ
như thế chả mấy chốc mà thiên hạ
hết cả người. Một khoảng
thời gian dài mẹ tươi lên ... Cứ thế,
hết phim xã hội lại tới phim kiếm hiệp.
Hay, dở, ngắn, dài, tôi thuê tuốt luốt,
mang lên vai bê về nhà để mẹ coi.
Thời gian buông nhịp lúc lắc
đong đưa, mẹ quen dần với đời sống
vùng thung lũng. Mẹ thôi, không loay hoay trong bốn bức
tường, nhưng bước ra ngoài cửa, rồi
đi hẳn ra đường. Gặp
Mễ gặp Mỹ mẹ chào,
"Hêllô". Mẹ còn kể,
- Sáng nay mẹ gặp ông manager ở đầu
ngõ. Ông ấy chào, "How are you"?
Tôi miệng cười tí ti,
- Rồi mẹ nói gì với ông ấy ?
Mẹ giọng tỉnh bơ,
- Thì mẹ cũng nói, "Fine, thank
you".
Giời ạ ! Tiếng
Anh giọng Mỹ mẹ học nhanh không ngờ.
Có lúc tôi thấy mẹ hay đi bộ,
mắt cúi nhìn hai bên vệ đường
như đang tìm kiếm. Tôi thắc mắc hỏi,
mẹ nói,
- Đi nhặt lon chứ còn làm gì ...
Hóa ra cộng đồng Việt Nam kêu gọi
nhặt lon bán được năm xu một cái
cho hội từ thiện.
Mẹ đi ngoài đường vừa
nhặt lon cho phúc lợi xã hội, vừa cầu
nguyện cho con cháu hạnh phúc, vừa tập thể
dục cho khỏe người. Mà mẹ khỏe
thật. Mùa đông tháng Một đóng
băng trên mặt đường, tuyết phủ trắng
xóa rặng núi Hamilton vùng thung lũng, mẹ
đầu vấn khăn nhung, chít khăn mỏ quạ,
đội nón lá, khoác áo dầy cộm
tỉnh bơ đi bộ băng băng ngoài
đường. Tôi lo lắng,
- Chớ bộ mẹ không thấy lạnh hay sao ?
Mẹ chép miệng,
- Thì cũng rét cỡ như cái
rét ở làng mình, cái năm Thành
Thái cá tôm sông Cái chết nổi lềnh
bềnh vậy thôi.
Mùa xuân về, mẹ nhìn cây cối
hồi sinh hai bên đường, miệng khen,
- Nhìn cứ như ngoài Bắc, lộc non
bám chi chít trên cành.
Mùa thu gió lạnh tô
vàng rực rỡ hàng cây bên khung cửa,
tôi lên phố Việt, mua trầu cau biếu mẹ.
Mẹ ngồi ăn trầu, trời tháng Mười
Một lạnh, tai tái buồn mà mặt mẹ ấm,
hồng hồng vui, tựa như trời hè tháng
Sáu.
Nhưng cũng có lần, ngày
hôm đó thứ Sáu cuối tuần mùa
đông, tôi đã dọn ra hơn một
năm. Từ
cư xá đại học tôi ghé về
nhà cũ. Mở cửa ra, tôi thấy căn
phòng khách lạnh ngắt, tối om, nhưng mẹ
đang ngồi yên lặng lơ lửng một
mình, đằng sau là lưng mẹ không dựa
vào ghế sa lông, trước mặt là
màn ảnh tin tức đài CNN hình ảnh chớp
sáng trở thành ngọn đèn mờ tỏ
duy nhất soi sáng căn phòng. Tôi tưởng
mẹ say mê ngồi coi tin tức nên quên
không bật sưởi bật đèn, nhưng
hóa ra không phải. Mẹ ngồi
đó im lìm. Tôi bước
vô nhà mà mẹ không hay. Mẹ ngồi
cô độc, đầu vấn khăn nhung, áo
len mặc dầy tô thêm đậm nét bơ vơ quá.
- Mẹ ơi, nhà không có ai sao mẹ ?
- Thì đấy,
có ai đâu !
Trời mùa đông buồn thiu mà giọng
mẹ nghe sung sũng nước mắt. Tôi ngồi xuống
cạnh mẹ, ngồi thật sát thật gần. Mẹ
ơi sao buồn! Lặn lộn ngàn dặm vượt
biên qua Thái Lan. Giờ
này đêm tối Hoa Kỳ cuối tuần
rét buốt, mẹ cô đơn ngồi
đó một mình. Hàng xóm chung quanh vừa Mỹ vừa Mễ,
không ai Việt Nam.
Tôi giơ tay ôm ngang bờ vai gầy
nhỏ xíu của mẹ. Tôi bồi hồi nghe hồn
nặng nề tựa đá ngàn cân. Tôi
thì thầm nho nhỏ,
- Mẹ sống bên Mỹ, mẹ có buồn
không ?
Mẹ tự nhiên giọng lại khô ran
bình thường,
- Ơ hay, buồn thì buồn, nhưng con
cái ở bên đây, không sống bên Mỹ
thì còn ở đâu ...
Mẹ ngần ngừ kết luận,
- Miễn sao ... tụi con anh chị em thương
yêu đùm bọc lẫn nhau là mẹ vui ...
Thấy mẹ vui, tôi cũng rộn ràng vui theo. Biết mẹ thích coi phim bắn
súng đoàng đoàng, tôi bật
đài cao bồi viễn tây, hai mẹ con
cùng ngồi coi. Ừ, đêm hôm đó,
buổi tối cuối tuần lạnh rét căm
căm vùng thung lũng, tôi nhận được
bao nhiêu ấm áp tỏa ra từ vị ngọt
ngào,
Mẹ già như chuối ba
hương,
Như xôi nếp một,
như đường mía lau.
Mà mẹ lúc nào chẳng
ngọt ngào, cho nên bữa hôm đó,
năm 82, chỉ còn mấy ngày nữa thôi,
tôi bỏ đi vượt biên. Đi ngang qua tiệm phở, mẹ bảo
hai mẹ con mình bước vào. Tôi
trợn tròn mắt ngạc nhiên, bởi mẹ cả
đời ghét thịt bò, nói mùi
gây gây. Thế mà giờ này tự
nhiên đòi vào tiệm phở. Giời
ạ, tôi hai mươi tuổi, nhưng còn ngớ
ngẩn như gà tồ, hỏi lại mẹ ơi
bước vào tiệm phở để làm
gì. Ngồi xuống bàn phở,
mẹ nói con ăn phở thì gọi đi.
Tôi lặng người, chết trân nhìn
vào thực đơn tiệm phở. Tôi từ nhỏ
đã thích ăn phở. Được bố dẫn vô tiệm phở
là húp xùm xụp, chớp nhoáng, sạch
cạn cả một tô. Giờ này mẹ ngồi
đó không ăn gì hết,
nhưng nhìn tôi hớn hở ăn phở. Mẹ
cẩn thận liếc nhìn chung
quanh nói nho nhỏ thì thầm ngay bên tai
tôi mai này sang tới Mỹ, biết còn
có phở hay không mà ăn. Tôi thôi
gà tồ, mắt nhìn tô phở bò loang
loáng mỡ hăng hăng mùi quế mùi gừng
mà biết trong lòng bồi hồi xúc động.
Tôi lo sợ chuyến tàu Rạch Sỏi ngày
Mười Hai tháng Mười này ghé
được vào bến thì ...
Mồ côi cha ăn
cơm với cá,
Mồ côi mẹ liếm
lá đầu đường.
Nếu đặt chân được tới trại
tỵ nạn, tôi sẽ mồ côi mẹ, khi
đó lang thang xứ người liếm lá đầu
đường ... Nghĩ tới đó, tôi dừng
lại... thôi, không dám nghĩ tiếp, bởi
biết mình dễ xúc động; mà con trai,
ai lại khóc như thế, nhất là nơi
công cộng ... Cho nên làm gì mà
tôi không cười tươi roi rói trên
chiếc xe tow mặc dầu cục cưng Z260 của
tôi bị đụng nát bấy một bên be
sườn; dễ hiểu thôi, thì cũng bởi
mẹ vừa đặt chân tới Thái Lan,
tôi thôi liếm lá đầu đường.
Nhưng tin mẹ tới trại tỵ nạn cũng
không ngân vang trọn vẹn. Tin mừng từ
Thái Lan tới được mấy tháng, tin dữ
từ Việt Nam vùn vụt bay qua, bà ngoại
tôi mất trước, ông ngoại tôi theo sau
chỉ trong một thời gian ngắn. Cả hai mảnh
áo khăn sô đại tang của ông bà
ngoại, mẹ sống trong trại tỵ nạn
không hay biết để mà khoác vào trả
chữ hiếu. Anh chị em tôi quyết
định không thông báo cho mẹ biết,
đợi mẹ qua Mỹ rồi tính. Thì
đó, bây giờ mẹ tới Mỹ rồi,
bây giờ tính sao ? Ngày vui chưa qua chuyện buồn phải tới.
Ngày hôm đó anh chị tôi ngần ngừ
báo tin. Mẹ ơi, đại tang, tang bà và
rồi tang ông. Lần duy nhất trong đời mẹ
như muốn vật ra trên sàn nhà, mẹ sổ
tóc rối tung khóc đỏ
sưng cả nước mắt. Tại sao không ai
báo tin ? Tại sao lại dấu mẹ ? Tại sao ông bà ngoại chết ? Tại sao ? Tại
sao ? Bao nhiêu câu hỏi
mẹ khóc lóc tự hỏi. Chung quy mẹ sụt
sùi than thở chắc cũng vì con, con bỏ con đi !
Nhìn mẹ vật vã khóc
ông bà ngoại, tôi buồn cho đời mẹ
và luôn cả đời con. Tôi chỉ chịu một cái
đại tang bố mà thôi, nhưng một thời
đã rỗng ruột trống hồn. Tôi
tháng Năm năm 84, đặt chân xuống phi cảng
San Jose.
Tháng Năm năm 85 bố tôi nằm
xuống ở Sài Gòn. Giây
phút xác bố lạnh cóng bắt đầu
từ đỉnh mười ngón chân, tôi
không có mặt bên giường. Tin dữ từ Việt Nam không bay qua. Cả một thời gian dài anh em tôi
không biết mình đã mồ côi bố.
Khi tôi quấn được vầng khăn sô
trên đầu để tang, mộ bố ở nghĩa
trang Bà Quẹo từ lâu thôi mầu nâu
đất, nhưng xanh đậm mầu cỏ
! Buổi chiều ngày hôm đó,
trên vùng trời Bắc Mỹ, mẹ cũng đại
tang, nhưng không phải đơn tang, mà là
nhân đôi, tang mẹ tang bố. Hỏi sao mẹ
không vật vã khóc than, chỉ trong một
ngày mà mẹ hóa ra gầy còm xanh
lét, sợi tóc dài vấn khăn đã
bạc giờ này lại càng thêm bạc trắng,
Ơi hời vận nước nổi trôi !
Tang đơn con gánh, tang
đôi mẹ gồng.
Dòng thời gian đẩy tới, có lần
mẹ trở mình đau nặng, chỉ trong vòng
hai ngày xe cứu thương chớp
sáng đèn đỏ hú còi mang vô Cấp
Cứu ba lần. Sau mấy ngày vật lộn với
thuốc, với nước biển, với kim
chích dây nhợ dài lòng thòng, về
lại nhà, mẹ ngồi chải tóc vấn
khăn nhung miệng nói tỉnh bơ,
- Hôm qua mẹ gặp bác Thế
...
Tôi ngạc nhiên thắc mắc, mẹ
hôm qua nằm ở trong bệnh viện, có đi
đâu mà lại gặp bác Thế ... Mà
bác Thế là ai ? Cô em
tái mặt kéo tôi sang một chỗ nói
nho nhỏ vào tai,
- Bác Thế bán hàng ở
chợ Ông Tạ, anh quên rồi sao. Bác Thế chết mấy
năm rồi.
Tôi chết lặng người, miệng tự
nhiên ú ớ như người trúng gió
độc!
Chết rồi, điềm nào
điềm gở !
Cõi nào cõi tang
?
Anh em tôi xanh mặt nhìn nhau.
Mỗi đêm mỗi thắp
đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ
sống đời với con.
Màn đêm
buông rơi, tôi thả bộ một mình
đi ngoài đường vắng, bố chết rồi,
giờ này tôi cầu xin Trời cao tuôn đổ
phép lạ.
Người thiên
niên kỷ thứ ba dè dặt với danh từ
phép lạ. Nếu chưa mang ra phân tích, mổ
xẻ, đo đạc, tính toán, người ta
e dè trước những hiện tượng siêu
nhiên. Tôi cũng chẳng khác chi, thông
thường không thấy không tin. Thấy rồi
lại đặt vấn đề. Loại suy dần dần
từng giả thiết để tìm ra được
cốt lõi, một đáp số khoa học.
Nhưng với mẹ, tôi bỏ qua khoa học, tôi
hướng về Trời cao.
Ngày hôm trước
mẹ nói gặp người cõi âm. Ngày
hôm sau, tôi nấu cháo gà đặc
quánh thơm phưng phức tiêu sọ bưng hai
tay mời mẹ.
- Mẹ ăn cháo
này, con bảo đảm mẹ tỉnh lại liền.
Mẹ liếc
nhìn tôi, như muốn mắng yêu, "Con,
đến là khéo".
Mẹ ngồi nhai chậm
chạp từng hạt gạo thơm, húp nho nhỏ từng
thìa cháo ngọt. Biết mẹ thích chụp
hình, tôi dọ dẫm,
- Mẹ ăn cháo
gà xong, con chụp mẹ tấm hình thật đẹp
phóng thật to treo trong phòng khách.
Mẹ phì cười
nghe tôi nịnh. Tôi lấy ra máy hình. Mẹ
ăn cháo xong, mặc vào mầu áo hồng
tươi. Mẹ còn hỏi,
- Mẹ mặc như
vầy được chưa ?
Tôi khen mẹ,
- Đẹp rồi mẹ !
Mà mẹ đẹp
thật. Buổi trưa ngày hôm đó nắng
trời yêu mẹ cho nên đổ sáng rực
một khoảng sân vườn sau nhà. Tôi chụp
cho mẹ liên tiếp mấy tấm hình chân
dung. Mẹ mặt phấn hồng tươi, bởi Trời
cao cúi xuống cầm cọ bôi đậm phấn
hồng lên khuôn mặt mẹ đang nhìn tới.
Mẹ tôi đó, vẫn đang bước đi
những bước tháng ngày hóa ra
đèn trời soi đường dẫn lối cho
con cháu bước vào tương lai.
Và mẹ tỉnh
lại, như không hề đau ốm, chưa bao giờ
được chở vô nhà thương cấp cứu
hai ngày ba lần.
Mấy tháng sau
ngày phép lạ xảy ra, tôi bỏ mẹ
đi xa, lần này không phải chỉ mấy
thành phố như thời đại học cư
xá, nhưng nửa trái đất và nửa
bán cầu; mẹ sống ở Bắc Mỹ, tôi
đi xuống Úc Châu Nam Bán Cầu.
Đường
đi xa ngàn dặm,
Lối về
ngõ chưa thông !
Tháng Hai năm 2006
nửa đêm về sáng từ phi đạo Los
Angeles, Boeing 747 hãng Cathay Pacific nhẹ nhàng cất
cánh ôm tôi trong lòng bay vút lên cao.
Phi cơ bay lên hướng bắc dọc theo chiều
dài tiểu bang Cali. Trời tháng Hai mùa
đông bôi đen mịt mù khung cửa.
Tôi nhìn bên tay phải bờ biển Cali
đèn xanh đèn đỏ sáng rực.
Tôi không nhận ra những thành phố
sáng ngời tựa thảm kim cương nằm dọc
theo bờ biển, nhưng khi thấy đèn sáng
rực cầu Golden Gate xa xa, tôi biết bên tay phải
là vùng Bay Area, nơi đó thung lũng hoa
vàng có mẹ. Cái biết đơn giản
tầm thường khiến cho nước mắt con trai
lưng tròng. Tôi nhớ lại cơn bệnh thập
tử nhất sinh vừa qua của me, nhớ tới
tô cháo gà thơm mùi tiêu nấu biếu
mẹ, nhớ lại những tấm hình mầu
áo phấn hồng chụp tặng mẹ. Tôi nghĩ
tới con số ba; một, rồi hai, và ba, ba năm
nữa mới quay về thăm lại quê hương
thứ hai, nơi đó mẹ theo định luật
tự nhiên đang dần dần chậm dần từng
bước chân. Tôi liếc nhìn lại
phiá nam vùng vịnh Bắc Cali, nghĩ tới mẹ,
lòng xao xuyến ... Trong bầu trời
đêm đông tối đen dầy cộm những
tảng mây đêm, chuyến bay Cathay Pacific từ từ
nhấc mình chuyển cánh bay hẳn ra Thái
Bình Dương nhắm hướng Melbourne Úc
Châu lao tới. Vùng vịnh Bắc Cali đèn
vàng sáng rực một góc trời cứ thế
mờ dần, mờ dần, rồi tắt lịm nơi
đường chân trời đen kịt. Tôi ngồi
ở ghế, nước mắt đỏ hoe hoe vì
nghĩ về mẹ, mẹ tôi.
Chiều chiều
ra đứng ngã sau,
Trông về
quê mẹ ruột đau chín chiều.
Thời xưa
phương tiện truyền thông hạn chế,
nhà giàu mới có chim bồ câu đập
cánh bay mệt xỉu đưa tới được
phong thư. Nhân vật trong câu ca dao chắc
nhà nghèo, hèn chi ruột đau quặn thắt
tới nỗi đứng đó ngóng trông
bóng mẹ, ngóng mãi, trông mãi,
chín mùi luôn cả một buổi chiều.
Tôi may mắn hơn, bởi sống thời siêu
điện thoại. Ở Melbourne, chiều chiều
tôi gọi điện thoại viễn liên về
nói chuyện với mẹ ào ào. Giời ạ,
bên Úc Châu, thẻ điện thoại gọi
về Mỹ rẻ không ngờ. Thẻ Golden giá
ghi hai chục đô Úc nhưng lại bán
đại hạ giá, tôi mua chỉ trả mười
sáu đồng, gọi về Mỹ được
hơn cả ngàn phút, no connection fee. Cho nên tuy
xa mặt nhưng lại không cách lòng,
tôi vẫn như ngày còn ở chung nhà với
mẹ, tôi gọi mẹ, mẹ ơi như cơm bữa,
- Mẹ đang
làm gì thế ? Ngồi đếm
tiền hả ?
- Tiền ở
đâu mà đếm ...
- Tưởng mẹ
có tiền cho con mượn.
- Ơ hay, tiền ở
đâu ra mà cho mượn ...
- Con tưởng mẹ
có tiền già...
- Thì cũng
có tí xíu, nhưng tụi nó chìa tay
mượn hết cả rồi.
Mẹ ngồi nhẩm
tính, kể rõ từng chi tiết,
- Này nhé, con
Hường mượn mẹ 200, thằng Cường hứa
tuần tới sẽ trả mẹ 152 đồng vừa
mượn tháng trước. Còn thằng Hứa,
nó hứa hoài, nhưng có thấy mặt mũi
nó đâu. Cả tuần rồi, trốn biệt
đâu mất tăm...
Tôi phục mẹ
sát đất,
- Giời ạ, con cứ
tưởng mẹ mắt "mủi" kèm
nhèm, giờ này lẫn lộn giấy 100 ra tờ
1 đồng ...
Anh tôi ghé
vào nói oang oang,
- Chớ, chớ, đừng
có mà lầm. Lẫn gì thì lẫn, tiền
bạc thì bà cụ không có lẫn đâu ...
Tuần một lần
tôi gọi mẹ. Bận lắm nói ngắn, thảnh
thơi nói nhiều. Có một lần đau,
tôi dấu không cho mẹ biết. Khi mặt trận
Miệt Dưới đã yên tĩnh, anh tôi mới
báo tin cho mẹ hay. Nhận được tin tức
chiến trường lửa đạn, mẹ bắt em
gái tôi gọi qua Úc ngay. Qua đường
dây điện thoại viễn liên, mẹ
nói mà như đại tướng quân khu bốn
sao ra lệnh cho trung úy hai hoa mai vàng vùng
đầu hỏa tuyến,
- Đau ốm như vậy
mà tại sao không về nhà ...
Nghe mẹ phán một
câu xanh rờn, tôi phá ra cười. Mẹ
ơi làm sao mà về ...
Một, rồi hai,
và ba.
Ba năm trôi qua,
tôi gọi điện thoại viễn liên
thông báo,
- Mẹ ơi, ngày
mai con về.
Tháng Mười Hai
năm 2008, chuyến bay China Airlines mang tôi từ
Úc Châu về lại Mỹ. Sau mười mấy
tiếng đồng hồ trên không phận
Thái Bình Dương, Boeing 747 China Airlines
đưa mũi nhắm cầu Golden Gate lao tới. Từ
xa xa, hai nhịp đèn cầu mờ mờ, rồi dần
dần sáng rực, trở nên điểm nhắm
dẫn tôi về lại căn nhà vùng thung lũng
San Jose, nơi đó mẹ đang ngồi chờ.
Cửa mở ra, gió
lạnh tháng Mười Hai ùa vào, nhưng
bên trong vẫn ấm áp bởi mẹ giơ rộng
vòng tay ôm chặt, ngày hội trùng
dương thứ hai trong đời tha hương của
tôi. Lần trước mẹ tới Mỹ, tôi
đón mẹ. Lần này tôi về Mỹ, mẹ
đón tôi.
Mẹ đó, gần
chín mươi rồi, nhưng vẫn khỏe mạnh,
tiếng nói oang oang như chuông, rõ từng
nét, đậm từng âm.
- Mẹ chì thật
!
Mẹ nhìn tôi
ngơ ngác không hiểu. Tôi đổi chữ,
- Mẹ khỏe thật
!
- Chuyện, con
đã nhìn thấy chưa ?
Tới phiên tôi
ngớ ngẩn gà tồ,
- Thấy gì hả mẹ
?
Chị tôi chen
vào,
- Cậu đã
nhìn thấy cái máy tập thể dục của
mẹ chưa ?
À, thì ra là
thế, anh tôi biết mẹ không còn đi bộ
ngoài đường nhiều như thời xưa nữa,
ông ấy mua biếu mẹ nguyên một cái
máy rung. Chỉ việc ngồi hoặc đứng
trên đó, máy rung rung lắc lắc như
người đi bộ. Mẹ chỉ cái máy
phán ngay,
- Mỗi ngày mẹ
tập mười lăm phút.
Tôi phá phách
đứng trên máy, bật nút điện
để máy lắc rung rung. Mẹ miệng nhai trầu
bỏm bẻm nhìn tôi,
- Đó, con thấy
chưa.
Mẹ ơi, con thấy
rồi, con thấy mẹ có tuổi, nhưng tạ
ơn Trời, mẹ không tiểu đường,
không cao máu, không cholesterol.
Chắc tại mẹ
có gene ông ngoại, chín mươi chín tuổi
vẫn còn tinh anh, lưng thẳng tắp; tối
hôm đó ông ngoại lên giường nằm
ngủ, ngủ luôn một giấc.
Mẹ chép miệng,
- Thì năm nay mẹ
cũng chòm chèm chín mươi rồi ...
Tối Giao Thừa Tết
Đinh Sửu 2009, tôi đại diện anh chị em
cháu chắt trong nhà,
- Con chúc mẹ khỏe
mạnh, sống mãi, tiếp tục làm
đèn soi đường dẫn lối cho anh chị
em chúng con noi theo.
Tôi lên phố Việt
Nam, vớ vẩn làm sao lại nhìn thấy DVD Thần
Điêu Đại Hiệp, Anh Hùng Xạ
Điêu, và Cô Gái Đồ Long bộ cũ.
Tôi bê hết cả ba tập phim về nhà. Về
tới nhà, tôi mở ngay cho mẹ coi,
- Mẹ còn nhớ
phim Thần Điêu Đại Hiệp không ?
Mẹ nhìn lên
màn ảnh TV High Definition của Sony, cô Long năm
1990 lại hiện ra, vẫn với tà áo
dài trắng toát ngôi cổ mộ.
- Tưởng ai, cô
này Cô Long đây mà.
- Con tưởng mẹ
quên rồi.
Không, làm sao
mà quên được. Mẹ ngồi ngay xuống
ghế, mắt dán nhìn lên màn ảnh
có Ngôi Cổ Mộ với Cô Long, Dương
Hóa, và Lý Mạc Sầu, mẹ nói cả
ba người một đời lận đận vì
yêu. Năm 1990 mẹ coi Cô Long phim bộ đầu
máy VCR. Năm 2009 mẹ vẫn say mê Cô Long
đầu máy DVD màn ảnh Plasma HD rõ từng
nét. Mẹ vẫn thế vẫn mê phim Hồng
Kông. Mẹ ăn trầu đỏ thắm thảnh
thơi ngồi coi phim, tôi nằm dài trên ghế
nệm say mê coi với mẹ bộ phim thời xa
xưa, thế là hạnh phúc lại tràn lan
dư thừa.
Mẹ vẫn thế, vẫn
là trung tâm, là nam châm mang lại chung một
đích điểm tất cả những mảnh
đời tha hương của con, cháu, và chắt,
của tứ đại đồng đường.
Trời cao đã lấy
mất đi bố tôi, nhưng Trời tặng cho
tôi một bà mẹ, mẹ vẫn khỏe mạnh,
vẫn ngọt ngào, vẫn tinh anh.
Gặp ai, tôi cũng
cứ hay nói tưởng như sáo ngữ,
- Mẹ tôi gần
chín chục rồi, nhưng tạ ơn Trời, vẫn
khỏe mạnh.
Nhưng sâu thẳm
trong tim, tôi không sáo ngữ, bởi lời
đó vẫn là một câu kinh Tạ Ơn
riêng tư ngày Lễ Tạ Ơn tháng Mười
Một,
...Tạ ơn cho người
mẹ, một đời lặn lộn thân cò
nơi quãng vắng, kiếm gạo nuôi chồng
và nuôi con ...
Tháng Hai năm 2009 tối
hôm đó, chín giờ đêm, cảng phi
trường San Francisco mở rộng mang tôi về lại
Úc. Mẹ bật khóc trên bờ vai tôi.
Tôi bồi hồi cũng muốn khóc theo, nhưng
lại cầm lòng. Mười hai giờ đêm
năm phút sáng sớm, chuyến bay China Airlines nhấc
bổng mang tôi về lại Úc Châu.
Về tới văn
phòng Melbourne, tôi nhắc điện thoại gọi.
Đầu giây bên kia tiếng chuông tiếp tục
ngân vang, không ai trả lời. Tôi cúp máy
gọi lại, bên kia phương trời Bắc Mỹ
tiếng mẹ sang sảng ngân vang,
- Hêllô...
Tôi lếu láo
"nhái" lại âm giọng Bắc Kỳ của
người phụ nữ nguyên gốc Sài Thị,
Hưng Yên,
- Hê-nô...
Đầu giây
bên kia, tiếng mẹ vang vang,
- Xin lỗi, ai
đó ?
Tôi phá ra cười,
cười thật to,
- Mẹ ơi, con
đây...
Người quản thủ
thư viện trợn tròn cặp mắt xanh xanh
nhìn tôi,
- Sao mặt mày lại
hớn hở như thế ?
Tôi ăn nói
không đầu không đuôi,
- Vừa mới nói
chuyện với mẹ, mẹ tôi.
Cô quản thủ
thư viện đầu gật gật, miệng cười
tủm tỉm,
- I see ...
Tôi nhìn khuôn
mặt của cô quản thủ thư viện Úc
Châu. Tự nhiên tôi nhớ lại khuôn mặt
của ông tài xế xe tow Bắc Mỹ năm
nào. Lạ lùng ghê, dù chỉ là một
vài lời ngắn ngủi nói về mẹ, thế
mà thiên hạ bất luận chủng tộc, từ
cổ chí kim, ai ai cũng hiểu đại danh từ
mẹ.
Thế đấy, từ
bao lâu rồi, tôi vẫn có cả ngàn
điều muốn viết, viết về mẹ, mẹ
tôi, năm nay đã gần chín mươi.
Nguyễn Trung Tây
Mother' s Day, Tháng Năm
2009
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)