Đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về ..
(Hoàng Nguyên Nhuận)
Thấp thoáng trên vùng đồi
núi xanh mơ, Thu qua Đông đến, dòng thời
gian lặng lờ trôi xa như con nước luân
hồi.
Đứng trên bờ nhìn con nước
trôi qua hay bơi trong dòng sông không chừng
cũng vậy thôi. Ai dám chắc bơi theo
dòng thời gian là bì bõm về quá
khứ hay ngụp lặn vào tương lai?
Thời gian thoáng hiện mơ màng như
bóng ngựa hồng qua cửa sổ. Thì cứ
cho khung cửa là nêu mốc của hiện tại,
và bóng ngựa là thời gian vút qua. Nhưng bên nào khung cửa
là quá khứ, bên nào là tương
lai? Ngựa hồng hiện ra từ quá khứ rồi
mất hút vào tương lai, hay hiện ra từ
tương lai rồi vụt biến vào quá khứ?
Hôm nay đi vào ngày mai hay đi về hôm
qua? Thời gian và những nêu mốc của thời
gian là những điều chỉ có thể cảm
chứ khó nói ra, càng nói càng
khó cảm, khoan nói là khó hiểu.
Người Pháp bảo hiểu
-connaitre, là cộng sinh - co-naitre, naitre avec,
và người Anh cho rằng hiểu
-understand, là bị bao trùm vây
phủ bởi điều mình hiểu - stand under? Thực
tại đang bao trùm Hoàng tôi hôm nay
là Thu là Đông, là giáp vụ
Thu-Đông.
Giá lạnh Nam cực đang choàng lên
cây cảnh trong vườn chiếc áo mùa
thu. Còn gì dịu hiền hơn chiếc lá
lìa cành về với mai sau. Còn gì mời
gọi an nghỉ hơn nệm gối sắc màu của
hàng hàng lớp lớp lá úa hấp hối
rụng rơi trong lất phất mưa Ngâu?
***
Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/
Ôm nghiêng tập vở/ Tóc dài tà
áo vàng bay/ Em đi dịu dàng/ Bờ vai em nhỏ/
Chim non lề đường nằm im dấu mỏ/ Anh
theo Ngọ về/ Gót giày rộn rã
đường quê ..
Cái máy hát hình như cũng
chán ngán mệt nhoài khi phải quay đi quay
lại Ngày Xưa Hoàng Thị. Nhưng tôi
thì không, tôi lắng nghe tiếng hát
Thái Thanh như một tín đồ ngoan đạo
ru hồn vào thánh nhạc Gregory. Cám ơn Phạm
Thiên Thư, cám ơn Phạm Duy.
Đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về
.. Một thuở nào đó trong đời, ai chẳng
ca na cúp núp hình bóng một Ngọ trong
tim, ai không mơ màng nâng niu một nàng
tiên nồng nàn như mộng, dịu hiền
như thực trong mềm óng nhung tơ đài
các e ấp 'theo ta lên núi về đồi yêu thương' (Du
Tử Lê) giữa lúc mùa Thu ngập
ngừng ra đi:
Áo
em vạt tím ngàn sim
Nửa
nao nức gọi nửa im lặng chờ
Màu tím ngàn sim hay màu nhung rêu diệu
vợi núi rừng lập Đông?
Trong hiện tại đã thành quá khứ
và biết đâu sẽ còn trở thành
tương lai, Phạm thiên Thu rưng rưng tiếc
nhớ nụ cười của Ngọ:
Em
về sương đẫm hai vai
Dấu
chân là cánh lan đài nở đêm
Từ
em hé nụ cười huyền
Mùa
thu đi mất trên miền cỏ hoa.
Ngọ mỉm cười xua mùa thu đi hay gọi
mùa thu trở lại? Chỉ có Ngọ biết
mà thôi.
Quãng đời học trò của Phạm
Thiên Thư là quãng đời đẹp. Đẹp
thần tiên, đẹp vớ vẩn, đẹp vẩn
vơ .. Những sáng đến trường, những
chiều tan học, cậu học trò nào mà
chẳng một lần ngất ngơ để chiếc
nón bài thơ, để tà áo phin trắng
hay lụa màu nguyệt bạch trước mặt trở
thành cực Bắc cho kim chỉ nam, trở thành
mặt trời cho hoa hướng dương hồi hộp
lẽo đẽo sau lưng như Phạm thiên Thư
theo Ngọ? Ngày lại ngày, con đường
đến trường trở thành con đường
khổ nạn: Chân anh
nặng nề/ lòng
anh nức nở/ mai vào lớp học anh
còn ngẩn ngơ.
Phạm Thiên Thư và Ngọ ngày
ngày thấy nhau trên hành trình chung trường
chung lớp, chung trường khác lớp, chung
đường khác trường, hay khác
đường khác trường hay Ngọ chỉ đến
với Phạm Thiên Thư như một lằn chớp
của định mệnh trong Động Hoa Vàng:
Tình
cờ anh gặp nàng đây
Chênh
chênh gót nguyệt vóc gầy liễu
dương.
Tình cờ? Cuộc tình lớn là những
cuộc tình độc nhất bắt đầu một
cách éo le đột ngột thế đó. Gặp
nhau lần đầu là sét đánh, thấy
nhau lần đầu là long trời lở đất.
Phút giây địa chấn ban sơ ấy có
thể chợt đến ở bất cứ nơi
nào. Góc đường cuối phố. Sân
trường, sân ga. Hay nơi phi trường. Định
mệnh hiện tiền trong khoảnh khắc phù du của
một cái nhìn, một ánh mắt, một nụ
cười e ấp dã dượi bải hoải sau
chuyến viễn hành vạn dặm. Cuộc hạnh
ngộ tình cờ, và có khi người trong
cuộc cũng chưa ý thức được
đó là một tình cờ thiên thu tiền
định.
Người ta có thể trốn chạy thế
nhân, chạy thoát ác thú nhưng không
ai trốn được duyên nợ luân hồi. Cho
nên, xa lạ ngỡ ngàng có khi cũng chỉ
là hoài niệm về một cuộc tình dang
dở từ kiếp nào:
Yêu
nhau từ độ bao giờ
Gặp
đây giả bộ hững hờ khói bay.
Không thiệt tình thì tội gì phải
giả bộ! Không thương mà giả bộ thương
có lẽ còn dễ hơn là yêu mà
giả bộ không yêu. Cho nên, càng giả
lại càng thật, càng không nhìn nhau
càng dễ thấy nhau. Bởi người yêu
không chỉ ở ngoài đời mà còn ở
trong mắt, trong mộng. Vì càng nhắm mắt
càng dễ mộng mơ, càng cố quên
càng nhớ, càng ngoảnh mặt quay đi
càng thấy rõ!
Thật mà cứ làm như giả để
được gì? Chẳng được gì cả,
bởi cái trò hững hờ cút bắt
đó là một trò chơi mà giải
thưởng có khi chỉ là một thoáng
xúc động phù du hay một khấp khởi mừng
khan như Nguyên Sa thú nhận: Gặp một bữa, anh mừng một bữa/ Gặp hai
hôm thành nhị hỷ của tâm hồn. Phạm
Thiên Thư an phận với tơ duyên may rủi
đó chứ không nóng nảy than vắn thở
dài như Huy Cận: ĐĐứng lại dùm tôi đã mỏi theo sau/ Ôi! nỡ nào suốt đời đuổi bắt nhau. Nói
không dám, viết không dám, Phạm
Thiên Thư chỉ tỏ tình một cách
câm nín: Trao vội vàng chùm hoa mới nở/ ép
vào cuối vở muôn thuở còn hương! Cả
thẹn hết thuốc chữa như thế mà vẫn
cứ liều ... mê Ngọ, tội nghiệp chưa!
***
Ngọ là hình là bóng, nhưng Ngọ
cũng là tất cả vì hình bóng
đó bao trùm không gian hiện hữu của
kẻ si tình. Và nếu có vấp ngã
ê chề thì lại cũng ngây thơ đấm
ngực than thầm như Xuân Diệu là
cùng:Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu
thôi, chẳng hiểu gì.
Chỉ biết yêu thôi! Nói nghe chắc nịch
nhưng chính Xuân Diệu lại cũng là
người thú nhận tình yêu là điều
không thể cắt nghĩa được. Không cắt
nghĩa được thì lấy gì mà biết,
không biết thì lấy gì mà nói. Cho
nên Xuân Diệu yêu cũng như người
ta uống rượu. Không cắt nghĩa được
rượu - nghĩa là không viết ra được
công thức của rượu nhưng lai rai hoài
thì thế nào cũng xỉn, thế nào cũng
lắc lư con tàu. Thật may cho những người
yêu thơ. Nếu Xuân Diệu mà rành mạch
cắt nghĩa được tình yêu, hoặc nếu
Xuân Diệu biết chắc rằng mình chẳng
biết gì về tình yêu cả thì cuộc
đời nầy có thể vẫn còn bóng hồng
nhưng chắc chắn không còn là bụi hồng
nữa!
Trò chơi cắc cớ thông thường của
tình yêu là hờn giận. Không yêu
thương nồng nàn hơi đâu mà giận
hờn lạnh nhạt, không mê mẩn khắn
khít hơi đâu mà hờ hững xa xôi.
Có đủ yêu mới có thể giận,
ghét, lạnh nhạt, hững hờ. Cho nên trong
khi Xuân Diệu hớn hở tận hưởng
giông bão của yêu thương vì Đđược giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu/ thì Phạm Thiên Thư lại
làm bộ em chả với mấy chữ 'thì
thôi, thôi thì' tài tình như đứa
trẻ nũng nịu vòi quà:
Thì
thôi tóc ấy phù vân
Thì
thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì
thôi mù phố xe đường
Thì
thôi thôi nhé đoạn trường thế
thôi.
Giỡn hoài, đã đoạn trường
thì chết chưa chắc hết, làm sao mà
thôi khơi khơi thế được?! Phạm
thiên Thư hình như cũng biết vậy
nên có lúc đổi giọng năn nỉ:
Mai
anh chết dưới cội đào
Khóc
anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
Không là tình thiên thu thì làm
sao có lệ thiên thu? Tình thiên thu có
phải thường là những mối tình
không trọn vẹn, một dở dang vĩnh cửu của
những lứa đôi dám đùa với lửa,
dám Yêu một khắc để mang sầu trọn
kiếp? Phạm Thiên Thư đã chới với
níu Ngọ sa chân lạc bước vào khổ
đế của yêu thương. Chỉ đáng
nói một điều là Phạm Thiên Thư
không âm thầm nhấp chén đắng ân
tình bằng cách Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi/ để
ước nguyền Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau/ như Du Tử Lê mà lại ti
toe làm nũng:
Thôi
thì em chẳng yêu tôi
Leo
lên cành bưởi nhớ người rưng
rưng.
Tưởng leo lên cây lấy đà nhảy
xuống dòng nước oan nghiệt như Kiều
định tắm lần cuối dưới sông Tiền
Đường, nào dè chỉ leo lên cây
để nhớ chơi! Làm như thể người
yêu là chiếc bong bóng bay, leo lên cao một
chút là được gần thêm một
chút. Nỗi thất vọng trở thành một
niềm hy vọng.
PhạmThiên Thư thất tình một
cách dễ thương lạ lùng thế
đó nên thơ tình của Phạm Thiên
Thư lâng lâng dịu nhẹ như chính
bước chân của Ngọ len lén đi
vào thế giới của Ngày Xưa Hoàng Thị
như bóng ngựa hồng thoáng qua khung cửa thời
gian.
***
Phạm thiên Thư là lối thoát cho thế
hệ đang kẹt giữa hai lằn đạn
tình cảm như chúng tôi? Một bên
là thông lệ yêu thương của thời
mà chúng tôi chỉ mới bắt chước
Xuân Diệu để than thở Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em em hỡi anh nhớ em/
là lập tức bị các bậc trưởng
thượng mắng cho là hoang loạn. Một
bên là nề nếp cách mạng tình
ái của Tây Phương được nhập
khẩu qua đài phát thanh, máy quay dĩa
và nhất là qua màn ảnh lớn với những
phim màu rực rỡ. Lớn lên, chúng tôi
vừa từ giã những mộng mơ bên
Graziella của Lamartine, dưới Những Vì Sao của
Alphonse Daudet, theo Loan và Dũng của Nhất Linh,
mơ màng trong Mối Tình Đầu của
Hoàng công Khanh, thì lại lơ ngơ
buông thả tâm tư vào những ngẩn
ngơ lãng đãng của Vacances Romaines, Pinic,
Bernardine, Marjorie Morningstar. Chúng tôi hơn thế hệ
cha chú là có dịp thấy người ta
công khai hôn nhau trên màn ảnh. Trước
là hôn câm, sau là hôn thành tiếng
có nhạc đệm. Thế hệ con em hơn
chúng tôi là thấy người ta công khai
ân ái trên màn ảnh lớn nhỏ khỏi
phải vắt óc tưởng tượng như
chúng tôi khi đọc Hồng Lâu Mộng,
Tây Sương Ký ...
Không còn trẻ nữa để hăm hở
đổi đời, nhưng cũng chưa quá
già lụ khụ để rửa tay gác kiếm,
vậy thì theo đường nào đây? Lập
đền đài linh tượng ngôi cao chín
bệ cho người yêu như Chế Linh hô
hào mà hậu quả là có khi xa nhau rồi
mới chợt nhớ ra chưa hề hôn nhau, dù
là hôn trên má, và có thể
quái dị hơn nữa là chưa hề cầm
tay nhau? Hay xem người yêu bằng xương bằng
thịt và tiến bước xung phong vào đường tình
ái với tốc độ siêu âm?
Trong thế giới cổ kính ngàn xưa,
người yêu lung linh mơ hồ như hình hoa
hậu chụp bằng quang tuyến X. Trong cuộc đời
đương đại, người yêu hiển hiện
như dung thịt mỡ trước miệng mèo, lồ
lộ mật khu núi đồi hang động như
Bích Khê từng nhìn thấy: Nửa trên
em là thiên đàng, nửa dưới em là hỏa ngục. Nếu yêu là lựa chọn
thì chọn một nửa thôi có được
không, nếu được thì nửa nào
và chỉ chọn một nửa thì đã thực
yêu chưa? Trước những câu hỏi
hóc búa ấy, Phạm Thiên Thư đã
có một câu trả lời rất trung quán:
người yêu không phải là cái nầy
mà cũng không phải là cái kia! Người
yêu của Phạm Thiên Thư hình như
không tồn tại trong không gian ba chiều:
Đợi
người cuộc mộng thâu đêm
Sông
Ngân trở lệ dài thêm dòng nhòa
Anh
nằm gối cỏ chờ hoa
Áo
em bạch hạc la đà thái hư
Người yêu của Phạm Thiên Thư chỉ
tồn tại mơ màng trên đường
chân trời diễm ảo của những quá khứ
chưa bao giờ trở thành hiện thực, người
ta chỉ đến được qua những phút
giây phóng túng thả hồn trôi về
Động Hoa Vàng của Ngày Xưa Hoàng Thị
... Đích điểm của những buông thả
lãng mạn vào tâm cảnh cổ kính
đài các chập chờn diễm ảo mà
người yêu ở đây nếu không
là
Mắt
nàng ru chiếc nôi êm
Ru
hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời
Em
là hoa hiện dáng người
Tôi
là cánh bướm cung trời về say
thì cũng:
Tóc
em rừng ngát hương say
Tay
em dài nụ hoa lay dáng ngà
Theo Phạm Thiên Thư là tìm về khoảng
không gian như có dây tơ để chốc lát
đắm mình vào thế giới của tưởng
tượng bằng ngôn ngữ và vần điệu.
Thế giới của thơ, văn.
Nhưng ngày nay, hình như thơ văn
đã bị tước mất độc quyền về
thế giới đó rồi. Ngày xưa, làm
văn làm thơ là hoạt động của một
tầng lớp ngoại hạng ưu tú. Nhưng muốn
gia nhập vào giai tầng ưu tú trí thức
đó cũng chẳng phải khó như vào
Niết Bàn hay Thiên Đàng. Chỉ cần
ngòi bút và xấp giấy. Thế là tạm
đủ. Ai cũng có thể là nhà văn
và thơ cả. Chứ không khó khăn trầy
da tróc vảy như gia nhập sân khấu, điện
ảnh, hay thể thao. Mặt khác, điện ảnh,
đài phát thanh, truyền hình, video, CD, CD-ROM,
Internet ... có thể biến cuộc đời thực
thành siêu thực, thần tiên, quái đản
dễ dàng hơn là ngòi bút hay cây cọ,
tạo ra những thế giới tưởng tượng
mê ly hấp dẫn gấp mấy lần văn
thơ! Cũng vì vậy mà người thưởng
ngoạn thường chịu tốn tiền cho điện
ảnh hay truyền hình hơn là cho quyển truyện
quyển thơ hay bức tranh. Vì những lý do
đó mà văn thơ nếu không ở
trên đà tận diệt như đười
ươi, cọp, beo, sư tử thì cũng có
thể bị miệt thị, xuống cấp. Có những
nhà văn nhà thơ - và cả những
nhà làm văn học phê bình, đang muốn
tự vệ trước những tấn công ồ ạt
của sách báo tiêu khiển - không
được kể là văn chương, và
ngành giải trí điện tử - không
được kể là nghệ thuật thứ bảy,
bằng cách biến thơ văn thành một thứ
mật ngữ kỳ bí quái dị, bắt buộc
kẻ khác hoặc phải khen hay hoặc phải
thú nhận là không đủ can đảm
để đọc đến dòng chót.
Có người sẽ chê lối buông thả
tâm tư bằng thơ tình như Phạm
Thiên Thư là mê đồ cổ. Lạc hậu.
Xà quần trong rong rêu quá khứ. Làm
như thể con tim ngày trước và con tim
hôm nay khác nhau. Bây giờ và 'từ
muôn kiếp trước', rung động yêu
thương có khác gì nhau? Đó là
sự khác biệt về bản chất tình
yêu hay chỉ là khác biệt về cách
biểu lộ tình yêu và cách ghi nhận
những biểu lộ của tình yêu? Hỏi cho
vui vậy thôi chứ mãi đến bây giờ
có ai đồng ý với ai về tình yêu
là gì, thơ là gì đâu! Chưa đồng ý với nhau về
tình yêu là gì, thơ là gì
thì sao lại có thể vội vàng vứt những
vần thơ của Phạm Thiên Thư vào sọt
rác?!
***
Đôi khi Hoàng tôi băn khoăn tự hỏi
mình thích Động Hoa Vàng vì bốn
trăm câu thơ đẹp như tranh thủy mạc
của Phạm Thiên Thư hay thích Động Hoa
Vàng vì bản nhạc với hai chục câu
thơ tưởng rằng đã phủ trùm cả
Động Hoa Vàng của Phạm Duy?
Lục bát có vẻ như là thể
thơ dễ làm nhất, nhưng vì dễ
quá nên trở thành khó. Nguyễn Du, Nguyễn
Bính, Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư
... Và ai nữa? Một đội ngũ tài danh
lưa thưa lác đác bên cạnh dòng
thác của những thiên tài vô danh
đã xây dựng nên kho tàng văn
chương truyền khẩu mà đại đa số
là lục bát.
Nếu Cung Trầm Tưởng làm mới Lục
Bát với những tâm cảnh khác lạ so với
thời bấy giờ: Đền em góp núi chung đồi/ Thiêu
nương đốt lá cũng rồi hoang sơ/ hay ... Thôi
em xanh mắt bồ câu/
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau/ thì Phạm Thiên Thư lại
đã làm mới Lục Bát thêm một
chút nữa bằng cách đưa Lục Bát
trở về cổ kính xuân thu:
Đôi
mày là phượng cất cao
Đôi
môi chín ửng khóe đào rừng mơ
Tiếng
nàng vỡ bạc thành thơ
Tụng
dòng kinh tuệ trên tờ khói mây
hay
Em
về hong tóc mùa xuân
Trăng
trầm hương tỏa dưới chân một
vành
Phạm Thiên Thư đến sau Cung Trầm
Tưởng nhưng Cung Trầm Tưởng lại gần
với tâm cảm của người lưu vong như
tôi hôm nay hơn. Bởi vì, dù kẹt giữa
hai nếp cảm nghĩ, mắt bồ câu của Cung
Trầm Tưởng gần với tôi hơn là
mày phượng, môi đào rừng mơ của
Phạm Thiên Thư. Nhưng làm sao cấm
được Phạm Thiên Thư điêu đứng
vì đôi mày phượng cũng như
làm sao cấm được Xuân Diệu mê mẩn
hình ảnh hây hây thục nữ mắt
như thuyền !?
***
Phạm thiên Thư cũng có thể bị
chê là thoái hoá, hủ lậu, nhút
nhát xưa cũ như ... những vần thơ
thù tiếp sứ nhà Tống của Ngô
Chân Lưu, Pháp Hiền hoặc như bài
văn tế cá sấu! Phạm Thiên Thư cũng
có thể bị lên án là ngoan cố, bảo
cựu không chịu làm thơ mới, không chịu
làm thơ tự do và không chịu tự do
làm thơ ... như những người tự nhận
là tiền đạo, tiền phong, đổi mới,
tiên tiến, những tông đồ của cấu
trúc luận, giải cấu luận, hậu cấu
trúc luận, hiện đại chủ nghĩa, hậu
hiện đại chủ nghĩa ... và bao nhiêu từ
ngữ khác mà những nhà khoa bảng kinh viện
đang muốn lập danh bằng nghề phê bình
có thể bày ra để tạo sức ép
đối với người sáng tác yếu
bóng vía, thích làm dáng văn học.
Sức ép sáng tạo nầy càng
ngày càng nặng vì phê bình văn học
nghệ thuật ngày càng trở thành một
sinh hoạt đặc biệt chứ không phụ
tùy như trước nữa. Một là vì sự
xuất hiện của những nhà nghiên cứu
văn học nghệ thuật khoa bảng chuyên nghiệp,
ăn rồi chỉ lo phê bình tựa như
các nhà khoa học chỉ lo quan sát, nghiên
cứu, đặt giả thuyết, chứng nghiệm. Thứ
hai, một số đại học lớn đã
'đăng quang' cho các nhà phê bình bằng
cách dành cho ngành phê bình văn học
nghệ thuật một địa vị công khai khả
kính. Thứ ba, trên đà phát triển ồ
ạt để đáp ứng nhu cầu chính trị
hay thương mại, báo chí, truyền thanh
và truyền hình không còn tự giới hạn
trong chức năng thông tin, nhưng đã
gán thêm cho mình công tác nhận định,
phê phán và hướng dẫn sáng
tác cũng như thưởng ngoạn văn học
nghệ thuật. Công tác nầy ngày càng
trở nên tinh vi đến độ khó mà
phân biệt thế nào là thông tin, nhận
định khách quan chân thực, thế nào
là ba hoa chích choè quảng cáo, hay chơi
nổi chơi trội.
Thành công của một số trường
phái phê bình có khi chỉ là những
cơn bão trong chén trà, nhất là những
khuynh hướng phê bình hình thức
không chấp nhận thế đứng khiêm tốn
của văn học nghệ thuật đối với
nhu cầu sinh hoạt tâm linh. Sở đoản khả
hữu thông thường của phê bình
là một đàng không chịu khó đọc
chính văn, không thực sự nắm vững
đối tượng phê bình như nhà khoa
học bám riết đối tượng nghiên cứu
và mặc khác cứ nối đuôi nhau
tìm cách vẽ vời sao cho phê bình trở
thành mới lạ. Hậu quả là khoa phê
bình văn học đôi khi đã trở
thành ngành văn học phê bình, một lề
lối sáng tác cũng lấy tưởng tượng
hư cấu làm nền tảng như văn thơ.
Những người làm văn học phê
bình nầy thường nhắm mắt niệm thần
chú 'Theo mới, hoàn toàn theo mới không
chút do dự!' như Hoàng Đạo đã
hô hào hơn nửa thế kỷ trước
đây. Nhưng đổi mới là làm mới
hay theo mới ? Nhưng nếu đổi mới, theo mới
là một nhu cầu cấp thiết thì ai là
kẻ thực sự cảm thấy nhu cầu đó,
nhà phê bình hay văn nghệ sĩ? Thực tế
là thường thì nhà phê bình phải
chạy theo văn nghệ sĩ chứ không phải
ngược lại. Không có sản phẩm văn
học nghệ thuật thì lấy gì mà
phê bình văn học nghệ thuật?!
Nhưng thế nào là mới với người
sáng tác văn học nghệ thuật? Trừ những
kẻ đạo văn hoặc nhắm mắt lặp lại
ý kiến của kẻ khác một cách thuần
thành mù quáng như tín đồ cuồng
tín đối với kinh văn của giáo chủ,
mỗi quan điểm văn học nghệ thuật
được thành tựu, mỗi tác phẩm
văn học nghệ thuật được hoàn
thành đều là những thực tại mới,
ít ra cũng theo ý nghĩa mới là khác
biệt! Đặt bút ký vào một bài
văn, bài thơ, bức họa ... tự mình
không thấy gì mới cả là đạo,
là bắt chước, là cóp, là ...
không có gì mà ầm ĩ. Mỗi tác
phẩm đích thực là một thực tại
mới, tất yếu mới. Còn mới hay hay mới
không hay lại là chuyện khác.
***
Phạm Thiên Thư đã không biết lấy
kéo mà hớt câu ngắn câu dài cho lạ
mắt. Không biết biến thi ca thành những mật
ngữ đồng bóng khúc mắc khó hiểu,
hoặc chẳng ai hiểu gì cả vì thưởng
ngoạn là đồng trật sáng tạo, đọc
thơ là làm thơ. Nên những vần
thơ bốn chữ, năm chữ, hoặc Lục
Bát của Phạm Thiên Thư có thể trở
thành vật tế thần -bên cạnh những
con vật tế thần khác là Thơ Mới,
Thơ Đường Luật, trên bàn thờ
Cái Mới một vài người đang hí
hửng trật vuột dựng lên.
***
Người làm văn học nghệ thuật
hôm nay được lệnh của một vài
nhà phê bình phải ly khai đường lối
sáng tác cổ điển, phải từ bỏ
khuynh hướng lãng mạn để theo mới. Nếu
không có thể bị lên án là thống
dâm, là hưởi khói nhà người cũng
đủ no không cần nấu nướng gì cả,
là không biết làm thơ bằng dao găm
búa tạ hay cốt mìn! Nhưng mới là
gì, cái gì là mới? Hiện đại
chủ nghĩa, tương lai chủ nghĩa, cơ cấu
luận, hậu hiện đại luận, giải cấu
luận? Theo cái nào? Nếu những cái mới
đó có căn bản vững vàng, có
giá trị đích thực tại sao lại truất
phế loại trừ nhau liền tù tì như thế
và tại sao những khuynh hướng cổ điển,
lãng mạn lại tái sinh?
Trong lịch sử văn học nghệ thuật
Âu châu, tiền đạo, tiền phong hay tiên
tiến -avant garde, là tiếng thường được
dùng để định danh một lối sống,
một thái độ của những người
làm văn học nghệ thuật muốn
xóa-đi-làm-lại-hết, tabula rasa. Họ muốn
tiên phong giải phóng văn học khỏi những
ràng buộc của lý trí, của ý thức
và của ngôn ngữ thông tục để mở
đường cho cái mới lạ, cái vô thức,
cái phi lý, cho những giấc mơ, những
thác loạn tâm tư được phóng toả
bằng những hành động sáng tác trực
phát máy móc, bất chấp những ước
định tối thiểu thông tục về họa,
văn, thơ. Thơ chẳng hạn, thơ tiền phong
thường được biết đến như
là những bài văn vần không vần, những
bài văn xuôi có vần, và cách
trình bày thì tha hồ thay đổi theo trí
tưởng tượng phong phú hay nghèo nàn,
bản lãnh sáng tạo hay tài bắt chước
của nhà thơ.
Phong trào Tiền Đạo nầy không phải
xuất hiện năm 1998 hay 1999 mà là từ 83
năm trước ở Zurich, Thụy Sĩ khi một
vài nghệ sĩ cùng khuynh hướng tụm lại
tìm một chữ để đặt tên cho phong
trào. Vốn là những người phóng
túng không câu nệ nề nếp, họ
đã nhặt đại chữ DaDa theo kiểu xổ
số. Trường phái DaDa được khai sinh từ
đó và trở thành hồi còi tập
họp quy kết những người làm văn học
nghệ thuật không chấp nhận chiến tranh, chống
những thế lực tôn chính đương
hành đang tàn phá, bức bách, gò
bó con người. Đó là một cuộc nổi
loạn nhân danh tự do và nhân cách. Nhưng
cương lĩnh bất thành văn của DaDa cũng
đã đi quá đà trở thành
là một thứ đùa dai quá trớn, đập
phá lung tung, gây náo loạn vớ vẩn, lấy
lố bịch chống lố bịch, lấy thị phi chống
thị phi như những người trong phong trào
thường tự nhận.
Các văn nghệ sĩ Việt Nam thời ấy
đã không có cơ hội và cũng
không được khuyến khích để chạy
theo cái mới. Thời kỳ phong trào Siêu thực,
DaDa được khai sinh ở Âu châu cũng
là thời điểm mà những nhà văn
nhà thơ Việt Nam vừa chân ướt
chân ráo từ bỏ chữ Nho chữ Nôm
để quờ quạng mò vào thế giới của
mẫu tự La Tinh ngoại lai quái ác được
bi hài gọi là chữ-quốc-ngữ. Cho đến
hôm nay vẫn có người trương gân cổ
bảo rằng i-tờ, tờ-i-ti, a,b, c, d, đ... là
đổi thay căn bản đưa Việt Nam vào
con đường văn minh tiến bộ. Những kẻ
đó không giải thích thêm tại sao
người Nhật, Nga, Trung Hoa, Ấn Độ, Hi Lạp
... vẫn giữ 'quốc ngữ' của họ và không
hề phải trở lại thời ăn lông ở lỗ.
Thứ nữa, các văn nghệ sĩ Việt Nam
có muốn đi vào con đường hiện
đại chủ nghĩa, con đường tượng
trưng, siêu thực, lập thể cũng không
được chính sách văn hóa thực
dân đồng hóa khuyến khích vì một
lẽ dễ hiểu là không những Lãng Mạn
chủ nghĩa thường dẫn đến chủ nghĩa
dân tộc bài ngoại và cách mạng
mà ngay cả khuynh hướng tiền phong, siêu thực
cũng đưa đến những hệ quả
chính trị xã hội tương tự. Cách
mạng mùa Thu bùng lên, tuyệt đại
đa số những người làm văn thơ Việt
Nam đều đi theo con đường của Phan
văn Trị, chẳng mấy ai theo vết mòn của
Tôn thọ Tường. Lịch sử văn học
nghệ thuật Âu châu từ sau Đại Chiến
thứ Nhất cũng đã cho phép người
ta nghĩ như thế.
Một vài người nhắc đến Franz
Kafka, James Joyce, Marcel Proust ... như những nêu mốc,
những biểu tượng của cái mới. Tác
phẩm được coi là đầu tiên của
Kafka -truyện ngắn Hóa Thân, được
hoàn thành năm 1915, tập truyện ngắn Những
Người Dân Dublin của Joyce xuất hiện
năm 1914 và quyển Đi Tìm Lại Thời
Quá Khứ của Proust xuất hiện năm 1913. Thích
những người đó là quyền tự do của
người thưởng ngoạn cũng như nhà
phê bình văn học. Nhưng cái quyền
đó có cho phép người thưởng ngoạn
hay nhà phê bình chê những ai không
thích những tác giả đó, không muốn
sáng tác như họ là cổ hủ, thống
dâm, là không biết viết văn bằng
cây búa, là thụ động hưởi
khói nhà người mà đã thấy no
bụng không? Tại sao các nhà văn học
nghệ thuật hôm nay phải lấy những
nhà văn mà tác phẩm xuất hiện
cách nay đã hơn 80 năm để được
tiếng là thức thời, là biết theo mới?
Tại sao nhà phê bình có quyền dựa
vào một vài ý tưởng của Ferdinand
de Saussure, Roman Jakobson, Jean-Francois Lyotard hay Jacques Derrida ...
là những cái cũ để chê kẻ
khác là không biết theo mới? Đã
theo cũ lại chê kẻ không chịu theo cũ
như mình là ngớ ngẩn không biết theo
mới, hiểu thế nào đây?
Câu hỏi đặt ra cho người cầm
bút không phải là có nên theo mới
hay không theo mới. Câu hỏi đặt ra là
họ đã thành công trong sự diễn
đạt mới một nội dung cũ, hay diễn
đạt cũ một nội dung mới hay họ chỉ
núp sau một hình thức mới để lấp
đầy cái lỗ hổng tâm cảm hay
tài năng diễn đạt mà họ không
thể lấp đầy hay tát cạn bằng
tài năng hay bản lĩnh giới hạn của
mình? Và đối với những kẻ nghĩ
rằng thành công chỉ cần tài chứ
không cần tâm thì câu hỏi trên lại
càng khó khăn hơn. Bởi không có
tâm thì lấy gì mà đặt ra câu
hỏi ấy, nói gì đến tìm ra câu
trả lời! Không có tâm
thì viết hay vẽ chỉ là múa gậy
vườn hoang. Tiên
vàn, tâm là tâm lý, thứ đến mới
là tâm đạo. Trong văn học nghệ thuật,
chỉ có cái máy photocopy, printer mới cần
tài chứ không cần tâm, tài của
người sửa máy và điều khiển
máy.
Đánh giá một sáng tạo hay
phê bình văn học nghệ thuật có lẽ
nên nghĩ đến tính cách độc
đáo hơn là
thành tích theo mới hay không theo mới của
tác giả. Độc đáo liên hệ đến
đối tượng cảm nhận, cách thức cảm
nhận và hình thức diễn đạt tiến
trình cảm nhận đó. Độc
đáo là vô tận của mình riêng,
dù cái riêng đó chỉ là một
phần của kho trời chung vốn ngàn muôn
năm âu cũng thế ni như Nguyễn công Trứ
nói.
Kho trời chung của
Phạm Thiên Thư là người đàn
bà, là tình yêu nam nữ. Người
đàn bà đó, tình yêu đó
... ngàn năm trước hay bây giờ khác
gì nhau? Khác chăng là Phạm Thiên
Thư đã biến kho trời chung đó
thành Ngọ của Ngày Xưa Hoàng Thị,
Ngọ là vô tận của mình riêng bằng
những vần thơ.
***
Phạm Thiên Thư đạt được
cõi vô-tận-của-mình-riêng ấy bằng
cách quay về đốt lò hương cũ, lần
theo dấu guốc dấu giày của người
thương bé nhỏ để lắng mình
vào thế giới thần tiên diễm ảo những
hôm đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về
...
Phạm Thiên Thư theo Ngọ, và thơ nhạc
của Phạm Thiên Thư cũng đang vẽ ra cho
Hoàng tôi một Ngọ gần kề như mộng
xa xôi như thực e ấp ngập ngừng theo ta
lên núi về đồi yêu thương khi Thu
đến theo dòng luân hồi duyên nợ
...
Phong
Trang
HOÀNG
NGUYÊN NHUẬN
(XO sưu tầm
và chuyển)