NHỮNG
CUỘC TRẢ
THÙ TỨC CƯỜI
(ĐOÀN DỰ)
Hi all,
Gởi các bạn bài viết theo câu chuyện có thật về sự kiêu ngạo và lòng tự ái. Tựa đề bài viết: "Những cuộc trả thù tức cười" của tác-giả có bút hiệu là Đoàn
Dự. Đó là
câu chuyện giữa thầy Hạnh "gầy" và thầy Tiến (tức nhạc sĩ Chung-Quân),
cả 2 đều là giáo sư dạy ở trường trung học Chu Văn An sau khi di
cư vào miền nam năm 1954. Cũng
qua bài này ta được biết thêm về tác giả bản nhạc nổi tiếng Làng Tôi
và đôi điều về nền điện ảnh VN trong giai đoạn phôi thai. (XO)
Ghi
chú của tác giả:
(Thầy Tiến từ Anh về lại Việt
Nam, ở cùng với mẹ già sau 1975, nhà vẫn
ở khu Khánh-Hội. Thầy Hạnh "gầy"
nghe nói hiện đang ở nước ngoài ).
Trước khi kể câu chuyện thứ nhất, Đoàn Dự tôi xin mạn phép trình bầy hầu quý bạn về cuốn phim đen trắng nhưng là phim nói
đầu tiên tại Việt Nam năm 1953. Trước năm 53 thì VN
chỉ có phim câm
thôi, từ
năm 1953 trở
đi mới
có phim nói- Tại sao
đang kể chuyện trả thù tôi lại nhẩy qua chuyện phim ảnh? Xin thưa, tại vì bộ phim này có
liên quan đến
nhân vật
chính trong câu chuyện của chúng ta: nhạc sĩ Chung Quân
Nguyễn Đức Tiến, tác giả bản nhạc "Làng
tôi" nổi tiếng được nhiều người biết:
"Làng tôi
có cây đa cao ngất từng xanh,
có sông
sâu lơ lửng vòng quanh,
êm xuôi về nam ...
Làng tôi bao
mái tranh san sát kề
nhau,
bóng tre ru bên
mấy hàng cau,
đồng quê mơ màng ...".
Vâng, thưa quý bạn, cuốn phim nói đầu tiên của Việt Nam là phim Kiếp Hoa, do công ty điện ảnh kiêm tuồng cải lương Kim Chung sản xuất. Sau ngày di cư vào Nam năm
1954, đoàn Kim Chung "Tiếng
Chuông Vàng Bắc Việt" không
còn làm phim nữa, chỉ diễn các vở cải lương rất ăn khách tại một rạp không lấy gì là lớn lắm trên đường Lê Lai, sau đổi sang rạp Olympic sang trọng hơn ở đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Sài
Gòn).
Người VN bắt đầu công việc điện ảnh từ năm 1937 với những bộ phim tất nhiên là
câm và đen trắng,
như Cánh Đồng Ma, Bà Đế, Trận Phong Ba ...vv.
Chúng ta thử xem
nhận xét của nhà phê
bình Lê Giang nói về
các phim này trên tờ tạp chí Nghệ thuật và Tân Sinh số ra cuối tháng 11-10-1953 do
Đoàn Dự
tôi đã tìm tòi được:
" Chúng ta
không thể công nhận các quái thai điện
ảnh Cánh Đồng Ma, Bà Đế, Trận
Phong Ba ... là con đẻ của nghệ thuật Thứ
bẩy, bởi vì lúc đó chưa có sự
hiện diện của hai nhóm điện ảnh Kim
Chung và Alpha với hai bộ phim Kiếp Hoa và Bến
Cũ. Khi hai bộ phim này ra đời, nó thực
sự chứng tỏ Nghệ thuật Thứ bẩy
đã bắt đầu có mặt tại Việt
Nam ...".
Phim Kiếp Hoa do nhóm Kim
Chung thực hiện tại Hà Nội, phim Bến Cũ do nhóm
Alpha của ông Thái Thúc
Nha thực hiện tại Sài Gòn,
và cả hai
đều cùng làm xong
vào khoảng
tháng 9 năm 1953. Ngoài ra, trong thời gian này còn
có bộ phim
thứ ba là phim HAI THẾ GIỚI của ông Phạm Văn Nhận thực hiện tại Pháp, đem về chiếu tại VN nhưng chúng ta
không nói đến.
Bây giờ chúng ta thử xem phim Kiếp Hoa trước khi đề cập tới nhạc sĩ Chung Quân
Nguyễn Đức Tiến, nhân vật chính trong
câu chuyện.
Phim Kiếp Hoa do ông Trần Long, giám đốc nhóm điện ảnh kiêm tuồng cải lương Kim Chung, đồng thời cũng là chồng của nghệ sĩ Kim Chung viết kịch bản. Đạo diễn là ông
Doãn Hải
Thanh, người Việt gốc Hoa. Các diễn viên gồm: Kim Chung, Kim Xuân
(rất đẹp, em dâu Kim Chung, vợ của Tiêu Lang), Ngọc Toàn, Phúc
Lai, Tiền Phong, Tuấn Sử và nhiều nghệ sĩ khác.
....
Như phần trên chúng
tôi đã nói, ta thấy
ông Trần
Long giám đốc
đoàn Kim Chung là người rất giỏi, tự viết kịch bản và dám bỏ tiền ra thay đổi máy móc,
làm ăn tới nơi tới chốn rất có phương pháp nên mới thu lời dữ dội ... Ngoài ra,
ông biết một bộ phim thì cần phải có nhạc nền và bản nhạc này phải thật giá trị .. Bởi vậy ông tung tiền ra, đăng
trên báo chí treo giải thưởng rất lớn mời các nhạc sĩ tham dự cuộc thi sáng tác
nhạc chủ yếu cho phim.
Các nhạc sĩ "bậc thầy" nổi tiếng thời đó đua
nhau sáng tác, gửi về tham
dự ... Cậu Tiến cũng dự với bản "LÀNG TÔI" như đã nói
trên. Tiết
điệu bản nhạc êm đềm, bình dị, đặc biệt là rất dễ hát, dễ thuộc nhưng hễ hát lên
là người ta
cảm thấy có một cái gì
đó thiết
tha, trìu mến
khó phân tích nổi.
Sau này bản
"Lòng mẹ"
của cố nhạc sĩ Y Vân cũng
vậy, rất dễ thấm vào lòng người.
Cậu Nguyễn Đức Tiến đoạt giải, vượt luôn các thầy.
"LÀNG
TÔI" được
hát và làm nhạc nền cho phim KIẾP HOA. Kiếp Hoa nổi tiếng thì nó cũng
nổi tiếng, cả nước đều biết. Nhưng vì khi tham dự cậu chưa lấy bút danh Chung
Quân, báo chí đăng tin để tên Nguyễn Đức Tiến, nên sau này
khi bản nhạc được in ra và phát
hành, mặc dầu đề bút danh Chung
Quân nhưng mọi người quen miệng bèn gọi luôn là Chung
Quân Nguyễn
Đức Tiến. Hai năm sau, 1954, thầy giáo Chung
Quân 18 tuổi, di
cư vào Nam, gia
đình ở
bên Khánh Hội.
Rồi các trường Chu-Văn-An Hà
Nội, Nguyễn-Trãi Hải Phòng cũng lục tục di cư vào Nam. Do danh tiếng của mình cộng thêm các giấy tờ đã học sư phạm chuyên ngành về Nhạc, vị nhạc sĩ trẻ tuổi Chung Quân được Bộ Quốc-Gia Giáo Dục ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường đó, ăn lương theo ngạch giáo-sư trung học đệ nhất cấp tương đối là lớn. Trên thực tế, về văn hóa
ông chỉ mới có bằng trung-học, học trường sư phạm theo ngạch hương sư. Cái khúc mắc là ở chỗ đó.
* * *
Thầy Chung Quân
dáng dong dỏng
cao, nước da trắng, luôn luôn
đeo kính mát gọng
vàng và rất
đẹp trai. Thầy tính khoan, mực thước và rất nghiêm nghị, ít khi người ta thấy thầy cười thành tiếng. Các giáo sư thời ấy đi dạy ăn mặc rất sang trọng. Trời nắng chang chang đổ mồ hôi nhưng cụ Hoàng văn Việt hiệu trưởng trường Chu-Văn-An hoặc cụ Vũ Đức Thận, hiệu trưởng trường Nguyễn-Trãi vẫn luôn luôn mặc com-lê trắng, mang cravát,
còn các giáo sư
và các vị
giám thị cũng
mang cravát, mặc
áo sơ mi
dài tay cài nút măng-sét. Trông
các thầy
"oai" không thể tưởng được. Chúng tôi thường gọi thầy hiệu-trưởng và "ông
già Nô-en" tổng
giám-thị bằng cụ, ít gọi bằng thầy, chỉ khi nào ở trước mặt các cụ, phải thưa thốt điều gì thì mới gọi bằng thầy và sợ các thầy đến chết đi được. Trong các
giáo-sư, người ăn mặc đẹp nhất và sang trọng nhất và đúng
mốt nhất vẫn là thầy Chung-Quân. Thầy ăn nói nhỏ nhẹ nhưng hát rất hay, mỗi khi thầy hát làm mẫu, cả lớp chúng tôi
đều lắng tai nghe và mong thầy hát thật nhiều để chúng tôi
được thưởng thức. Chữ thầy viết rất hoa mỹ, kiểu cách và
đẹp như cắt- suốt đời tôi chưa từng thấy ai viết chữ đẹp như vậy. Ngoài ra, một điều lạ lùng là khi
ghi các dòng nhạc
lên bảng
cho học sinh chép, thầy cầm phấn vạch từ đầu bên kia bảng sang bên này
bảng thẳng tắp và đều đặn nhau không cần dùng thước. Sau này khi
đã trở
thành giáo viên (trước 75
gọi là giáo sư), tôi vẽ các hình
tròn, hình parabol, hình hyperbol cũng rất nhanh và đẹp, học sinh phục lăn nhưng không có
cách chi vẽ nổi các đường thẳng không cần dùng thước như vậy. Hồi đó có lần chúng tôi hỏi, thầy trả lời nho nhỏ như không để ý :" Làm
nhiều thì quen tay vậy thôi".
Nói chung giữa thầy và trò
luôn luôn có sự xa
cách. Tuy dạy nhưng hình như thầy không biết tên chúng
tôi, không biết
tên bất cứ một học sinh nào cả vì dạy quá nhiều lớp. Hồi đó học-sinh đệ nhất cấp (từ Đệ Thất đến Đệ Tứ tức lớp 9 bây giờ) phải học các môn phụ như nhạc, vẽ, thể dục, Hán văn ...vv.
Mỗi lớp mỗi tuần một giờ nhạc đều do thầy dạy và học sinh hết sức kính trọng thầy.
Tôi thi
vào lớp
Đệ Thất trường Nguyễn-Trãi năm 1957,
đậu hạng nhì trong danh
sách thí sinh trúng tuyển
nên khi vào học
được các bạn trong lớp bầu làm trưởng ban học tập kiêm ban báo
chí & văn nghệ ..
Trường Nguyễn-Trãi lúc
đó ở số 94 đường Phan Đình
Phùng Đa-kao, sau này mới
xây trường mới sang bên
Khánh-Hội.
Chúng tôi học buổi chiều vì buổi sáng do học-sinh trường Nam tiểu học Đa-kao học. Trưởng ban báo chí
& văn nghệ
không phải
làm gì cả, mỗi năm chỉ thúc đẩy các bạn làm bích
báo một lần vào dịp Tết mà thôi.
Năm sau,
niên khóa 1958-59 tôi lên Đệ Lục và vẫn được làm trưởng ban Học tập kiêm Báo
chí & văn nghệ như cũ.
Một buổi trưa, sắp được nghỉ Tết nên học cũng ít,
tôi đến trường sớm để lên phòng
giáo-sư lấy tờ bích báo lớp đã làm
xong, đang chờ
giáo sư hướng dẫn nộp lên cụ hiệu-trưởng xem qua, đóng
dấu, sẽ đem xuống lớp treo lên trên tường cho các bạn coi. Cụ hiệu trưởng có lẽ chưa đến nhưng tôi thấy chiếc xe Lambretta của thầy Tô Đình
Hiền dựng ở cửa. Vậy là thầy Hiền đã tới rồi, có lẽ thầy đã nộp tờ bích báo
lên cụ hiệu trưởng.
Tôi đang dụ dự, định vào hỏi thầy Hiền thì bỗng nghe có tiếng đập bàn và tiếng la mắng rất lớn:
-" Đừng có láo! Anh
đừng tưởng rằng được ngồi cùng bàn với tôi là anh
đã ngang hàng với
tôi ...".
Đó
là giọng thầy Hà Đạo Hạnh, giáo-sư Toán trong trường. Thầy Hạnh lúc ấy cũng còn trẻ, chỉ độ 23- 24 nhưng rất kiêu. Nghe nói
thầy đậu cử nhân Toán
năm 22 tuổi, vậy là giỏi lắm. Sinh-viên bây
giờ đậu cử nhân lúc 22 tuổi là chuyện thường, còn thời đó việc học rất phức tạp, ở ngoài Bắc cuộc sống lao đao, học tiếng Pháp do các
giáo-sư
Pháp dạy,
đậu được cử nhân nhất là cử nhân Toán
không phải
chuyện dễ, bởi vậy thầy "hét ra lửa" thì cũng
đúng thôi. Chúng tôi sợ thầy lắm. Trong các giờ dạy thầy thường la mắng và cho
zê-rô. Hơi
tí thì thầy cho
zê-rô, mà hễ
đã bị
zê-rô là thế
nào chiều thứ bẩy cũng bị "ông già
Nô-en" tổng
giám-thị
xách cuốn sổ bìa đen xuống lớp "tặng quà" đọc tên đi
công-si, tức phạt cấm túc vào
sáng Chúa nhật. Học sinh nào vắng mặt, không đi sẽ bị phạt gấp đôi. Ba lần công-si sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật.
-" Nên nhớ anh chỉ là một thằng hương sư quèn, giáo học bổ túc mới Diplômé.
Tôi không thiếu
gì học
trò cũng Diplômé như anh
...vv".
Thầy ngừng lại. Có giọng nho nhỏ hỏi lại:
-" Anh nói
hết chưa ? Nếu anh nói hết thì tôi sẽ nói".
Đó
là giọng thầy Chung-Quân. Mọi người im lặng. Thầy tiếp:
-" Ở trường này hay bất cứ một trường nào khác
giáo sư
Hà Đạo Hạnh cũng oai lắm, đáng
hãnh diện lắm, một hương sư quèn như Nguyễn Đức Tiến chẳng là cái
gì cả. Nhưng ra bên ngoài,
trước mặt công chúng, nếu có người giới thiệu đây là
giáo sư
Hà Đạo Hạnh còn đây
là nhạc sĩ
Chung-Quân, lúc ấy mọi người chỉ biết có tôi
thôi, chẳng ai
thèm biết anh
là ai. Giá trị của chúng ta là ở chỗ đó".
Các thầy khác can ngăn:
-" Thôi
mà, đồng
nghiệp với nhau cả mà...".
Thầy Hạnh hậm hực:
-" Không ai
đồng nghiệp với hạng đó".
Thầy Tiến nói:
-" Tôi cũng
không cần phải là đồng nghiệp với anh. Anh không
nên tự
mãn, nên nhớ rằng cái gì
Hà Đạo Hạnh làm được thì Nguyễn Đức Tiến cũng làm được. Ngược lại, cái gì Nguyễn Đức Tiến làm được thì mòn
đời Hà Đạo Hạnh cũng chưa chắc đã làm nổi".
Tôi đang
tò mò không hiểu
cái gì làm được với cái gì
không làm được
là "cái gì" và tại sao hai thầy lại phải cãi nhau như vậy, thì bỗng có ai nắm cổ tôi, bàn tay rất mềm và mập. Tôi quay lại. Đó là
thầy Thịnh Del, giáo sư hội-họa. Thầy đã lớn tuổi, thân hình thấp lùn, giọng nói lúc
nào cũng ề
à chậm chạp và rè như tiếng gáo bể. Nghe nói trước kia thầy học hội họa ở bên La-Mã, tốt nghiệp thủ khoa nên tên
có chữ
"Del" đi kèm theo sau: Nguyễn Văn Thịnh
'Del". ("Del" tiếng
La-Tinh đọc
là "đen", viết tắt của chữ "Delphinium",
tên một loại cây dùng
làm vòng nguyệt quế đội trên đầu người đậu thủ-khoa). Bàn tay ngắn ngủn mập ú của thầy kéo người tôi về phía đằng sau, phát
vào mông tôi và la nho nhỏ: "Về lớp, coi cái gì
!..". Trong lúc phát, thầy
buông tay ra, vậy
là tôi bèn chuồn thẳng, không dám ở lại giải thích rằng tôi lên lấy bích báo,
không phải cố ý nghe lén. Về lớp, tôi giữ kín không tiết lộ chuyện hai thầy xích mích.
Tôi hiểu
chuyện này không
nên nói ra.
Ấy vậy
mà rồi
các bạn
trong lớp cũng biết. Chỉ mấy hôm sau Nguyễn Toàn Thắng nhà cũng ở bên Khánh-Hội gần nhà thầy Tiến, hỏi tôi: "Trưa hôm nọ mày lên lấy tờ bích-báo
có thấy
ông Hạnh với ông Tiến cãi nhau
không?". "Không". " Thế sao có đứa bảo nó trông thấy mày dứng núp bên
ngoài nghe lén, bị
ông Thịnh
Đen đá đít mấy
cái đuổi về lớp? ". "Thằng đó nói
tầm bậy tầm bạ chứ ông Thịnh Đen ỳ à ỳ
ạch, đá tao sao nổi". Đứa bạn bèn kể cho tôi nghe chuyện hai thầy cãi lộn và thầy Hạnh mắng thầy Chung-Quân là
đồ hương-sư quèn mới Diplômé, nhưng lý do tại sao hai thầy cãi nhau thì
chính nó cũng không biết. Dần dần tin đồn lan ra, cả trường đều biết.
......
... đậu xong Tú-Tài
II, tôi thi vào Đại học sư-phạm, sau đó tốt nghiệp, được bổ đi dạy học ở tỉnh. Thỉnh thoảng tôi mới có dịp về Sài Gòn nghỉ Tết hoặc đi coi thi, chấm thi nên ít biết tin tức về các thầy cũ. Nghe nói
Nguyễn-Trãi đã
đổi sang bên
Khánh-Hội, do
thầy Hà Đạo Hạnh làm hiệu-trưởng, còn thầy Chung-Quân thì
đi học lại từ lớp Đệ Tam, đã đậu Cử nhân văn-chương và đang
làm luận
án Tiến-sĩ
ở đại-học Văn-khoa.
Tôi rất ngạc nhiên. Muốn học Tiến-sĩ phải có cao-học (bây giờ gọi là thạc-sĩ), như vậy là thầy đã đậu cao-học. Ghê thật, tôi học hành không
đến nỗi dở mà kiếm được cái bằng Cử-nhân còn thấy trần ai huống chi thầy, đã thôi
học từ lâu, học lại rất khó. Tự nhiên tôi nhớ tới lời thầy nói:
"Cái gì Hà Đạo Hạnh làm được thì Nguyễn Đức Tiến cũng làm được, cái gì Nguyễn Đức Tiến làm được mòn đời Hà Đạo Hạnh chưa chắc đã làm nổi". Thầy học để trả thù thầy Hạnh chăng? hay muốn chứng tỏ giá trị của mình? Dù sao
tôi thấy cũng
rất thán phục.
Hồi ấy tôi vừa đi dạy vừa viết tiểu-thuyết cho tờ Tự do và tờ Màn ảnh. Một hôm, lên
tòa soạn kiếm mấy số báo cũ bị thiếu để đem về cắt ra, đưa cho nhà xuất bản đem đi kiểm duyệt trước khi in thành
sách, tôi bỗng
để ý thấy một cái tin nho nhỏ đăng trên
trang 4: thầy
Nguyễn Đức Tiến đã được học bổng sanh Anh du học. Tôi lại ngạc nhiên gần như không dám tin ở mắt mình. Thầy đậu tiến-sĩ văn-chương Việt Nam, tại sao lại được học bổng du học bên Anh? Giữa văn chương Việt Nam và văn chương Anh không có
gì liên quan cả. Bẵng đi một thời gian rất lâu, một người bạn ở Nguyễn Trãi ngày trước cho tôi biết thầy Hà Đạo Hạnh bây giờ được chuyển sang làm hiệu-trưởng trường Văn-hóa
quânđội,
đeo lon Thiếu
tá, đi xe jeep có tài xế lái oai lắm.
"Còn ông Chung-Quân thì tức cười cậu ạ .. Đậu MA sau đó tới Tiến sĩ văn-chương Anh xong, ông
đã gửi bảo đảm tất cả các bằng cấp từ nhỏ đến lớn đã đậu đạt được về cho ông Hạnh để trả đũa việc bị ông Hạnh sỉ nhục hồi còn đi dạy". "Thế hiện nay ?". "Học xong, ổng được nhà trường giữ lại mời làm giáo-sư diễn giảng trong trường nên ở lại, không về nước".
* * *
Sau 30-4-75, thầy Hà Đạo Hạnh không bị đi cải tạo vì không
có cấp bậc chính thức trong quânđộị. Nhưng sáu năm sau,
1981, ông bị giam
giữ khá lâu ở dưới Rạch-giá về tội vượt biên. Khi được tha, ông già
đi nhiều
và không hiểu tại sao tự nhiện theo đạo, tuần nào cũng
đi lễ ở Nhà thờ Francisco Đa Kao
và hoạt
động rất nhiệt tình, có
chân trong ban thư-ký
hội đồng giáo xứ. Nhũng lúc rảnh rỗi ông thường đến chơi thăm một người bạn ở gần nhà tôi. Một hôm tôi mời ông sang chơi. Hai thầy trò bây giờ đều đã lớn tuổi nhưng chuyện trò rất vui, coi bộ tương đắc. Tôi hỏi về chuyện xích mích
ngày trước,
ông mỉm cười: "Tại hồi đó còn
ít tuổi
nên bồng bột, cả như bây giờ thì không thể xẩy ra như vậy". "Thưa thầy, em nghe nói sau khi
du-học, thầy Tiến có gửi tất cả bằng cấp về cho thầy, có đúng
vậy không? ". Thầy Hạnh xác nhận đúng như thế và cho tôi biết ông Tiến được đi du-học là vì
ngoài bằng Tiến sĩ văn-chương ông còn
có thêm bằng cử nhân Anh văn.
"Ông ấy
đi do bằng Cử-nhân Anh văn chứ không phải do bằng Tiến sĩ văn-chương Việt Nam". "Thưa thầy, em hỏi thật thầy điều này. Sau khi nhận được thư bảo đảm của thầy Tiến, thầy nghĩ như thế nào ? ". Thầy Hạnh đắn đo một lát, sau
đó trả lời: " Kể ra lúc đầu cũng ân hận thật nhưng sau đó, nghĩ
cho cùng, chính nhờ sự xích mích
ông Tiến mới được như ngày nay nên
mình cũng đỡ
áy náy, đỡ bị dằn vặt".
Thầy Hạnh có "đỡ áy náy, đỡ bị dằn vặt" thật không? Ngược lại, thầy là người rất kiêu hãnh, liệu thầy có áy
náy hoặc bị dằn vặt thật không? Tôi
không biết
rõ điều
đó.
Một hôm, một ý nghĩ chợt loé sáng
trong đầu
óc tôi. Tôi hỏi
ông Trường,
người hàng xóm bạn của ông Hạnh rằng không hiểu tại sao đang tự nhiên ông Hạnh lại theo đạo ? Ông Trương trả lời: "Nghe ổng nói ngày trước ổng có lỗi gì đó với một người bạn vậy mà ...".
Vâng, thưa quý bạn, theo tôi biết, ông Chung Quân
có đạo.
Ông Hạnh hiểu điều đó nên
theo đạo
để ... chuộc lỗi với bạn. Như vậy đúng là
ông có bị dằn vặt thật.
ĐOÀN DỰ
(XO sưu
tầm
và chuyển)