Xin gửi đến quý vị
một giấc mơ chân thành của cá
nhân tôi, một người viết văn
không đảng phái, không tổ chức.
Bà viết này, nếu có suy nghĩ nào
không phù hợp với ý kiến của
quý vị, tôi xin hoàn toàn chịu
trách nhiệm. chu tat tien.
TÔI CÓ MỘT GIẤC
MƠ
(Chu Tất Tiến)
Thập niên trước, Mục Sư Martin Luther
King đã viết một đoạn văn ngắn
nhưng đầy xúc động “Tôi có
một giấc mơ” (I have a dream), trong đó
ông mơ ước đến một ngày mà
nạn kỳ thị mầu da không còn, người
người sống chung trong hạnh
phúc.
Ngày hôm nay, những người
tị nạn Cộng Sản ở trên khắp thế
giới cũng có một giấc mơ. Giấc mơ một
ngày nào trở về Sàigòn thân
yêu, mừng mừng rỡ rỡ. Bước xuống
sân bay, không thấy bóng dáng Công An, Hải Quan, mà chỉ thấy những
nhân viên hành chánh phục vụ. Không còn phải sắp sẵn tờ
đôla xanh hoặc chuẩn bị cự nự.
Những bác tài xế tắc xi nói chuyện
thoải mái về chính trị, về những
người cầm quyền trong xe
không gắn máy nghe lén hoặc còng số
tám. Vừa bước ra cổng phi trường, tấm
bảng chào mừng vĩ đại:
“Sàigòn: 2 cây số” nở nụ
cười với khách về thăm quê
hương hay dựng xây đất nước
mà không cần có ông Chủ Tịch
nước mời chào: “Về nước đi,
nhiều con gái đẹp lắm !”.
Vào đến thành phố, không còn thấy
những em bé đánh giầy, bán vé xố
đi thất thểu trong nắng. Bước vô
nhà hàng, không có những người
hành khất buồn bã đứng chìa tay, hay lén chụp lấy tô phở
ăn dở mà đổ vội vào mồm.
Bước đi khắp phố, không thấy những
chữ “Ôm” khổng lồ trong đầu
óc mọi người: cà phê ôm, ngủ
trưa ôm, hớt tóc ôm, karaokê ôm,
võng ôm, bắp nướng ôm, mía luộc
ôm ... Đi trong ngõ hẻm những quận ngoại
ô, không thấy thương phế binh nằm
dài trên các tấm phản gỗ long đinh,
không thấy những khuôn mặt đỏ rực
vì ruợu, vì cờ bạc, không thấy những
người đàn bà lõa thể tắm trần
truồng bên lối đi, cạnh những căn lều
làm bằng giấy cạc tông. Rác
rưởi tràn ngập. Nhất
là không thấy những gia đình ba thế
hệ sống trên “bô” rác.
Ông nội, bà ngoại, cha mẹ, rồi con
cháu lanh quanh lẩn quẩn với đống
rác, suốt ngày tay que, tay khều.
Con nít mới đẻ ra đã co quắp
cánh tay, chỉ chờ đủ tuổi
là gắp gắp, nhặt nhặt.
Buổi chiều vừa tắt nắng, đi dọc
theo các lộ trình lớn nhỏ Sàigòn,
không thấy hàng đàn hàng lũ những
cô gái bán thân nuôi miệng, các xe
gắn máy lượn lờ đầy dẫy, chở
ma cô, đĩ đực, đĩ cái, từ 14,
17 mập mạp đến già khú, lỏng khỏng
lèo khoèo. Không còn nghe đầy tai những
câu chào mời :"chú,
chơi cháu không, chú ?" Dọc theo các bờ tường, các
công viên, không thấy kim tiêm vứt lổn
nhổn chọc mũi lên trời. Qua những trung
tâm chuyên trị bệnh “Aid”, không thấy
những người nằm chiếu, đắp chăn,
thò cái đầu lâu xương cái ra
nhìn chằm chằm vào khách đến
thăm.
Ở lại thành phố vài
ngày, không nghe nói đến công nhân
đi làm vợ thuê, đẻ thuê. Không còn những
trung tâm tuyển “vợ” mà thực chất
là mua bán nô lệ xác thịt. Thiếu nữ vào đây phải trần
truồng cho mấy lão già ngoại quốc sờ
sờ nắn nắn, ngã giá như mua heo. Vào trường đại học, thấy
sinh viên đối thoại chính trị thoải
mái, những nữ sinh viên không còn lo phải
đi ngủ với khách, kiếm tiền trả tiền
sách vở; nam sinh viên không còn lo cờ bạc,
giải tỏa cơn sầu.
Đi làm thủ tục hành chánh
không thấy “đường dây”
nhào ra chụp giật: đường dây
bán máu, đường dây chạy án,
đường dây phá thai, đường
dây xin việc, đường dây mua bằng,
đường dây nằm bệnh viện, đường
dây du học, đường dây trấn lột,
đường dây mua bán xe ăn trộm, đồ
ăn cắp, vàng ăn cướp, đường
dây xin giấy phép kinh doanh, và cả
đường dây du lịch.
Trên hết, không thấy hai chữ
“Dân Oan” trùng trùng điệp điệp,
những tấm biểu ngữ căng dầy góc phố,
tuyến đường, “Chủ Tịch ăn cướp
!”, “Bí Thư gian lận”, “Huyện ủy
chuyên quyền, ăn hiếp con tôi”. Không thấy mẹ già, da mặt nhăn
nheo chỉ thua khỉ đột, ngồi bó gối
nhá miếng trầu thuốc, nước mắt
rơi xuống từng giọt cứng như nước
đá. Mẹ đã khóc bao nhiêu
năm trước một chế độ độc
tài, ăn hiếp dân đen ? Mẹ
khóc trước những bin-đinh khổng lồ,
đủ mầu đủ vẻ, những chiếc xe láng coóng cả trăm ngàn
đô la, đủ cho cả làng nghèo sống
cả tháng.
Từ chữ “Không” biến
thành chữ “Có”. Cuộc sống xã hội
bừng lên, thanh bình, tở mở. Người người vui vẻ, chan hòa.
Cha mẹ anh em đông đủ, bàn
luận tương lai. Chính phủ và
dân chúng như một đại gia đình,
nắm tay nhau tiến về phía
trước.
Nhưng,
Muốn được ngày ấy, lại mơ
về cộng đồng hải ngoại, một cộng
đồng đoàn kết đấu tranh với
khí thế mới, khi thế chống Cộng một
cách khoa học, tinh thông, có chương
trình, kế hoạch. Mỗi một ý kiến,
chương trình đòi hỏi Tự Do, Dân
Chủ cho Việt Nam được tính toán kỹ
càng, không nóng vội. Không
có chụp mũ nhì nhằng. Nói
có sách, mách có chứng. Làm việc
chung thì “Tập thể chỉ
định, cá nhân phụ trách”. Nhân
sĩ lớn tuổi hợp tác với giới trẻ
cùng tham gia, đòi hỏi các nhân vật
chính trị Hoa Kỳ phải can thiệp vào sự
đối xử thô bạo của nhà cầm quyền
Cộng Sản Việt Nam
với dân chúng. Đòi hỏi
Quyền Làm Người phải được
nhà cầm quyền tôn trọng. Không còn cảnh Người Bóc Lột
Người. Những nhà đấu
tranh cho Dân chủ phải được kính nể,
được Tự Do viết những chương
trình làm rạng danh đất Việt. Nhà cầm quyền phải nghiên cứu
mọi ý kiến đóng góp của dân
chúng một cách khách quan hầu cho nước
Việt sớm sánh ngang tầm những quốc gia lớn
trên thế giới.
Muốn được như thế, phải
tập trung sức mạnh cộng đồng. Không biểu tình
nhỏ lẻ, không xuống đường chống
đối cá nhân, làm giảm đi sức mạnh
không cần thiết. Biểu
tình cá thể sẽ từ từ làm nhụt
chí người tham gia, dần dần mệt mỏi,
tản mất lực lượng. Mà biểu
tình hoài sao được, khi số lượng
những kẻ ham tiền, mất lương tri,
thích buôn bán với Cộng Sản ngày
càng gia tăng, ngay cả trong thành phần vượt
biên đẫm máu. Không lẽ biểu
tình hết đường này đến
đường khác ?
Về vấn đề xâm nhập của
văn hóa phẩm Cộng Sản, chỉ cần
không mua, không xem những cuốn băng Video, DVD
truyện phim, băng nhạc sản xuất bởi người
Cộng Sản, nhất là không mua "hộp
Tivi" để xem chào lá cờ máu,
dù có rẻ và chiếu suốt 24 giờ,
không phải trả tiền hàng tháng.
Cương quyết tẩy chay các buổi trình
diễn Duyên Dáng Việt Nam do Đảng tổ chức,
xử dụng toàn bộ sức mạnh thông tin
để thông báo cho bà con xa gần không
đi dự. Đồng thời lên án
và tẩy chay những ca sĩ hải ngoại vì
tham tiền mà quên nguồn cội, để
trình diễn cho Duyên Dáng Việt Nam.
Nhưng không biểu tình chống đối những
ca sĩ Việt Nam
sang đây trình diễn cá thể, chỉ với
mục đích nghề nghiệp và thương mại.
Ngược lại, chuyển hóa tư tưởng của
họ bằng cách chỉ cho họ thấy Tự Do,
Dân Chủ là đáng quý, để khi trở
về nước, họ sẽ là cái loa Dân
Chủ rất hiệu quả.
Thực tế, muốn giành chiến
thắng, phải dành lực lượng, đến
khi cần biểu dương thì như triều
dâng, bão nổi, hàng hàng lớp lớp,
choáng ngợp không gian. Đoàn người đi đến
đâu, đường phố giạt ra đến
đó. Vài ngàn người đến
vài chục ngàn người, cờ vàng rợp
trời, số lượng cảnh sát bảo vệ
lên đến vài trăm, đặc biệt
là sự hiện diện của một vài vị
Dân Cử Việt Mỹ, cho truyền thông đại
chúng khắp nơi phải chạy xô tới, thu
hình, thu âm, rồi phổ biến tin đi khắp
nới. Từ Quận Hạt đến Tiểu Bang, đến
Tòa Bạch Ốc, ra nước ngoài đâu
đâu cũng nghe về cuộc biểu tình vĩ
đại. Vĩ đại như thế
nhưng vẫn cư xử ôn hòa, lịch sự.
Những cuộc biểu tình trong trật
tự sẽ lôi kéo được hàng vạn
người tham gia, sẽ chiếm được cảm
tình của hàng triệu triệu người
trên thế giới. Không xử dụng
ngôn ngữ hạ lưu, không tấn công
người vô can, tôn trọng Tự
Do của người tiêu thụ, để khỏi
mang tiếng là những kẻ cực đoan, cuồng
tín, làm mất Chính Nghĩa của mình.
Như vụ Trần Trường năm
xưa, không cần mang hình nộm đi bêu riếu
mà vẫn thành công rực rỡ.
Kéo lê hình nộm treo cổ đi vòng
vòng: kẻ địch thì không sợ
hãi, kết quả chẳng huy hoàng hơn,
trái lại còn làm cho thiên hạ,
báo chí Hoa Kỳ cười mình hủ lậu,
thiếu khoa học. Những bài báo
đăng lại hình ảnh này đã
chú thích với rất ít thiện cảm.
Nhất định hàng triệu người
ngoại quốc khi đọc nhìn những hình ảnh
này cũng sẽ không có thiện cảm với
nhóm chủ trương. Mục đích
làm cho thế giới có thiện cảm với
mình và sẽ hỗ trợ công cuộc đấu
tranh của mình sẽ không đạt được
nếu biểu tình chỉ gồm những lời chửi
thề, những cái nắm đấm, những
cái vỗ mông, những ngón tay giữa, những
cái hình nộm kỳ cục. Thế kỷ 21 là thế kỷ của
Khoa Học, vậy công cuộc đòi Tự Do,
Dân Chủ cho Việt Nam cũng phải biến đổi
theo chiều hướng Khoa Học, có như vậy, giấc mơ trở
về Sàigòn thân yêu sẽ sớm
được thực hiện.
Ôi !
Sàigòn ơi ! Tôi có một
giấc mơ nhỏ bé ...
CHU TẤT TIẾN.
(Chinh Nguyên chuyển)