Vê` TÁC GIA? & TÁC PHÂ?M

Home | LAM PHU'O'NG | TUÊ. SY~ | TUÊ. SY~ [tt] | TUÊ. SY~ 1 | TRÂ`M TU'? THIÊNG | VIÊ.T DZUNG~ | TRÂ`N KHA?I THANH THU?Y | HUY PHU'O'NG | LUÂN HOÁN | LUÂN HOÁN [tt] | TRA.CH GÂ`M | PHA.M TÍN AN NINH | PHA.M TÍN AN NINH [tt] | CHU TÂ'T TIÊ'N | PHAN VA(N HU'NG | ÁI KHANH | TRU'Ò'NG KY` | ANH BA(`NG | DUYÊN ANH | -DÔ'I THOA.I | -DÔ'I THOA.I [tt] | -DÔ'I THOA.I 1 | -DÔ'I THOA.I 2 | -DÔ'I THOA.I 3

Tán Gẫu Về Một Người Làm Thơ

 

Tán Gẫu Về Một Người Làm Thơ

(Lâm Chương)

 

 

Có một thời, vào khoảng thập niên 60, tạp chí Bách Khoa ưu tiên dành đất cho các nhà thơ trẻ miền Trung, nhất là những ‘chàng’ được sinh từ xứ Quảng. Số Bách Khoa nào cũng thấy người của ‘ê kíp’ này thay phiên nhau chiếm lĩnh đất thơ. Thái Tú Hạp, Phan Nhự Thức, Hoàng Lộc, Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Hoàng Quy, Chu Tân, Lê Đình Phạm Phú, Tần Hoài Dạ Vũ, Thành Tôn, Hoàng Thị Bích Ni, Phương Tấn, Nguyễn Nho Sa Mạc, Đông Trình, Luân Hoán … Còn nhiều tên tuổi lừng danh khác nữa, trong một lúc tôi không thể nào nhớ hết. Một ‘tập đoàn’ thơ đông đảo như thế mà giành dân chiếm đất Bách Khoa thì còn chỗ đâu cho thiên hạ cắm dùi ?

 

Tôi lúc đó chỉ đứng bên lề quan sát những nhà thơ xứ Quảng làm mưa làm gió trên một tạp chí xuất bản tại Sài Gòn (từ miền Trung mà vươn cái vòi bạch tuộc khuynh loát tới miền Nam, hơi dài đấy !).

 

Trong ‘tập đoàn’ làm mưa làm gió này, tôi đặc biệt chú ý một chàng có chiêu thức … thơ là lạ. Đó là Luân Hoán. Làm thơ như nói đùa. Làm thơ như chuyện giỡn chơi. Nhưng đã đọc vài câu thì tò mò phải đọc hết bài để coi Luân Hoán giỡn … chơi tới cỡ nào: hằng ngày qua chợ Cây Me/ hình như tôi vẫn được nghe em cười/ khúc kha khúc khích thật vui/ em cười lừng lựng hay cười diễu ai ?/ cặp chân tôi có hơi dài/ nhưng sao quắn quíu bước hoài chẳng xa/ không chừng nhà nọ có ma/ có hương kỳ ảo khiến ta khác thường/ mặt mày ngây dại dễ thương/ mà trong lòng đã bất lương đâm cành/ cây me Hoàng Diệu quá xanh/ mỗi ngày đành phải loanh quanh mấy vòng/ tinh ranh lá hỏi viễn vông:/ này anh bạn trẻ phải lòng ai chăng ?/ giật mình ta hỏi ta rằng/ đã mê con bé khểnh răng hay cười ?/ từ thơ bén đến văn xuôi/ thất tình từ thuở mô rồi chẳng hay/ lá me bay lá me bay/ cái chợ chồm hổm vẫn lầy lội mưa/ nghĩ hoài không nhớ chuyện xưa/ cái hồi kết thúc đẩy đưa thế nào/ hình như chỉ tội dòng thơ/ còn chàng và ả lẳng lơ kia thì …

 

Thì sao ? Luân Hoán chấm ba dấu (…) một cách rất ỡm ờ. Ai muốn hiểu sao cũng được. Mấy mươi năm làm thơ vẫn vậy. Không khác chút nào. Nói rằng yêu, rằng thất tình nhưng lại diễn tả bằng thái độ bỡn cợt. Tất cả đều như thế, đều bình thường không có gì quan trọng lớn lối. Nhiều khi sự việc được nhìn dưới con mắt khôi hài, nhưng vô cùng sống động: đêm nào tôi cũng nằm mơ/ không mơ, chắc chắn xác xơ, bất thường/ mơ em nằm ngủ ở truồng/ hai bàn chân nhốt phấn hương mượt mà/ còn tôi, ngồi ngắm cuống hoa …

 

Chẳng biết theo quan niệm của Luân Hoán, cái cuống hoa nằm ở chỗ nào trên thân thể của người đàn bà ? Chứ riêng tôi, chưa chi đã nghĩ bậy rồi. Kể cả khi nói về quê hương, bè bạn, cuộc đời, Luân Hoán cũng không giấu được nụ cười ở phía sau lưng. Tôi tưởng tượng một hình ảnh Luân Hoán vui nhộn, đầy tính tiếu lâm, hiếu động.

 

Năm 1966, lần đầu tiên tôi gặp Luân Hoán trong quân trường Thủ Đức. Cao Thoại Châu giới thiệu một anh chàng rụt rè như con gái, bảo đấy là nhà thơ Luân Hoán. Tôi hơi ngỡ ngàng trước một Luân Hoán hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi. Thời gian đã xa lắm rồi, tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì trong lần gặp đó. Vài lần sau, tôi đến chơi với người bạn cùng đại đội với Luân Hoán. Thấy tôi, anh mỉm cười thay thế một lời chào. Chỉ vậy thôi, không quấn quít ba hoa chích choè. Cuối tuần, anh em văn nghệ hay lên phòng chiến tranh chính trị họp bàn về tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức. Luân Hoán ít khi xuất hiện ở đây. Tôi ham vui, cũng léng phéng tới chơi nhưng không biết nói gì, nên ra đứng ngoài hiên hút thuốc. Có lẽ thấy cái mặt têu tếu của tôi phù hợp với giọng thơ Luân Hoán nên có người lầm tưởng. Nhà thơ Nguyên Sa theo ra ngoài vỗ vai tôi (một cử chỉ thân mật của bậc đàn anh ưu ái dành cho bọn đàn em) và hỏi, cậu là Luân Hoán đấy à ? Thơ cậu có sắc thái đặc biệt lắm đấy. Người ta chỉ biết danh Luân Hoán, không ai biết đến tên tôi. Trong một lúc bốc đồng, tôi cũng muốn mạo nhận mình là Luân Hoán cho thiên hạ nể. Nhưng ở quân trường tới lui qua lại hoài, có ngày cũng bị lật tẩy thì chỉ còn có nước độn thổ. Tôi đành nói thật, tôi không phải Luân Hoán. Tôi là Lâm Chương. Nghe tên tôi, Nguyên Sa có vẻ thất vọng nói, à… thế à ? Rồi mỉm cười bỏ đi. À … thế à là thế nào ? Rõ ràng là nói cho có nói vậy thôi, chứ không muốn bắt chuyện. Tôi đứng hụt hẫng và … buồn 5 phút ! Cái danh lợi hại thật. Người ta có cảm tình hay không cũng vì cái danh. Vô danh mà muốn chơi trội, khó lắm. Mạo nhận lại càng nguy hiểm.

 

Suốt 9 tháng quân trường, chúng tôi không có nhiều kỷ niệm với nhau. Luân Hoán luôn luôn khép kín. Ngày ra trường, anh em văn nghệ ngồi lại uống cà phê trong hội quán sinh viên ở khu dân sinh trước khi chia tay. Thiếu Luân Hoán. Có người chạy đi tìm nhưng không gặp. Không biết nhà thơ đi ta bà thế giới ở đâu. Bữa đó thật vui. Ngoài đề tài văn nghệ, chúng tôi còn lan man tán gẫu về người lính mang cái lon chuẩn úy mới ra lò. Có người bảo, chúng ta ngồi đây sớm muộn gì cũng có vài thằng gục ngã ngoài trận địa. Vậy hãy thử nghĩ ra cách tống táng theo ý muốn của mình. Người muốn địa táng theo kiểu thường tình. Người muốn hỏa táng cho xong một đời vô nghĩa. Người muốn thủy táng theo kiểu Hải Quân, quăng xác xuống nước làm mồi cho cá. Người muốn điểu táng theo kiểu Tây Tạng, bằm xác cho kên kên ăn. Tống táng theo kiểu nào cũng rùng rợn. Tôi bảo tôi muốn ướp xác. Anh em bảo ướp xác vừa khó, lại vừa tốn kém quá nhiều. Tôi nói, vậy hãy đem tôi bỏ trên miền giá băng bắc cực coi như ướp lạnh, ngàn năm sau tim gan phèo phổi vẫn còn tươi rói. Dù là nói chơi với nhau, nhưng tử trận là có thật. Sáu tháng sau ngày ra trường, được tin Thiên Trường (chuyên viết khảo luận) là người đầu tiên trong số có mặt hôm đó, bỏ mình trong trận chiến Tết Mậu Thân.

 

Phần lớn những người không là con ông cháu cha, không có cổ thụ làm bóng mát che đầu, khi rời quân trường thường vác ba lô đi thẳng ra chiến trường. Nghe anh em văn nghệ nói Luân Hoán về Sư Đoàn 2 làm trung đội trưởng tác chiến. Nhà thơ mà vác súng đi lơ ngơ vào vùng sấm sét, e rằng không khá được. Tham dự vào guồng máy chiến tranh ác liệt với tâm hồn mơ mộng viễn vông, đầu óc mãi tìm thi hứng thì dễ bị trò chơi súng đạn làm tổn thương. Luân Hoán, Chu Tân và Phan Xuân Sinh ở trong trường hợp này (lại cũng dân xứ Quảng nữa. Sao chỗ nào cũng thấy các anh hết vậy ?). Khả năng các anh thuộc về lãnh vực khác. Đã có một chỗ ngon lành trên chiếc chiếu văn nghệ rồi, làm người hùng chiến trường không được đâu.

 

Tôi cũng có một thời mon men muốn ngồi vào chiếc chiếu dành cho các nhà thơ. Hằng đêm mất ngủ, bóp trán làm thơ. Có lúc gần đạt được danh hiệu thi sĩ, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Làm thơ thật vô cùng vất vả, phải kiên trì lắm mới được bài thơ cho ra hồn. Tôi vốn ù lì cục mịch, thiếu tính kiên nhẫn, lại không có năng khiếu đặc biệt về thơ thì làm sao có thể ngồi chung chiếu với những bậc thầy của chữ nghĩa mà tác phẩm của họ là tinh túy của ngôn ngữ ? Biết mình không thể làm thi sĩ, tôi chọn làm chiến sĩ . Danh phận nào có chữ sĩ (viết dấu ngã) đi kèm cũng tốt. Mười năm lăn lóc chiến trường, đạn không bén đến da tôi. Có thể tôi gặp thằng xạ thủ bắn tồi, cũng có thể tôi né đạn giỏi. Nhiều người bảo phần số tôi may mắn. Tôi bảo không phải vậy, và đọc thơ Nguyễn Du: xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Bởi không làm thi sĩ nên khi qua những làng mạc, tôi biết đề phòng du kích bắn sẻ. Bởi không làm thi sĩ nên khi vào những khu rừng hắc ám, tôi biết đặt mình trong tư thế sẵn sàng nổ súng vào bất cứ con gì nhúc nhích trước mặt (bắn chậm thì chết). Bởi không làm thi sĩ nên khi đi trên những con đường mòn, tôi biết quan sát mìn bẩy và coi chừng bị phục kích. Bởi không làm thi sĩ nên khi vượt qua một chiếc cầu, tôi biết phải làm sao để tránh bị làm bia bắn. Tóm lại, bởi không làm thi sĩ nên khi đi giữa làn tên mũi đạn, tôi không hề mơ mộng viễn vông. Còn Luân Hoán thì sao ? Hỏi tức là trả lời. Khó mà kiêm luôn một lúc hai cái danh hiệu có chữ sĩ đi kèm mà bản chất hoàn toàn đối nghịch nhau. Thi sĩ là người làm đẹp cuộc đời bằng thơ. Chiến sĩ là kẻ xung sát hủy diệt sự sống làm cuộc đời vốn đã đau khổ càng thêm đẫm máu. Luân Hoán thuộc dạng thứ nhất. Tôi thuộc dạng thứ hai.

 

Tôi quen nhiều người làm thơ. Xem ra phần đông là dân xứ Quảng. Hình như khí thiêng sông núi hội tụ lại ở khúc giữa của dải đất Việt Nam nên sản sinh ra lắm người làm thơ. Và đặc biệt khi nói về quê hương, anh nào cũng hết lời ca tụng. Ca tụng bằng miệng chưa đủ. Ca tụng luôn trên báo chí sách vở. Ca tụng đến nỗi không còn chỗ ký tên. Bởi vậy, những địa danh của Quảng Nam đã đi vào văn học. Có nhiều tỉnh bắt đầu bằng chữ Quảng như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhưng hễ nói xứ Quảng là người ta nghĩ ngay đến Quảng Nam, chứ không phải Quảng nào khác. Đó là do người Quảng Nam đi đâu cũng xưng mình là dân xứ Quảng. Một tiếng duy nhất chỉ quê hương. Trong sâu xa, ý muốn độc chiếm chữ Quảng cho riêng mình mà thôi. Thảo nào nơi đây, và thời nào cũng có người làm cách mạng. Một điều lạ nữa, chơi với Quảng Nam lâu ngày, đến một lúc nào đó ta bất chợt thấy mình bị biến thành người Quảng hồi nào không hay. Một lối đồng hoá âm thầm tiệm tiến, nhưng chắc chắn. Một lối ‘cải tạo’ êm đềm nhưng từ từ sẽ biến chất. Tôi bây giờ là Quảng lai căng.

 

Người Quảng ca tụng quê hương mình bằng nhiều cách. Chẳng hạn, với Hoàng Lộc thì qua bài ‘Câu cá sông Hàn’, cho rằng con cá ở sông Hàn ngon hơn cùng một loại cá bắt lên ở nơi khác. Và qua bài ‘Mì Quảng’, sợi mì phải pha chế bằng thứ nghệ trồng ở địa phương mình thì màu sắc mới đẹp, thơm ngon mới đúng điệu. Với Phan Xuân Sinh, mì Quảng hương vị đậm đà hơn bất cứ thứ mì gì trên thế giới. Phan Xuân Sinh còn khoe cả bánh bèo, bánh tráng rất đặc biệt ở quê mình, không ở đâu làm giống được như thế. Với Trần Trung Đạo, hột muối Quảng Nam cũng có cái vị mặn mà thanh tao hơn muối của bất cứ tỉnh nào (tôi gọi anh ta là ông thần nước mặn). Nổ dữ tới cỡ đó thì người sinh giữa kho đạn là Lê Mai Lĩnh (Quảng Trị) cũng chào thua. Tôi ít tiếp cận với Luân Hoán, không được nghe ‘nhà thơ ta’ ca tụng miếng ăn. Nhưng thử giở bất cứ tập thơ nào của Luân Hoán ra coi, đầy những địa danh xứ Quảng ! Đã sinh trên mảnh đất được mệnh danh là ngũ phụng tề phi (chẳng biết có thiệt hay không), chắc hẳn anh nào truyền thống cũng giống nhau. Nam đã thế, nữ cũng chẳng vừa gì. Trước kia, tôi có quen với một cô bạn người Quảng. Cô hay nói về những danh nhân, sông núi, đất đai, cây trái, đặc sản quê cô. Đề tài nào quanh co một hồi rồi cũng dẫn tới Quảng Nam (làm như đường nào cũng dẫn về La Mã vậy). Cô rất sính thơ, khoe mãi về các nhà thơ đương thời xứ Quảng, dĩ nhiên không thiếu Luân Hoán. Cô thuộc nhiều thơ của ‘chàng’, và nhận xét Luân Hoán làm thơ tự nhiên mà yêu chết bỏ, đơn giản mà thấm đẫm tình tự quê hương. Nghe cô ca tụng Luân Hoán, tôi ngẫu hứng cũng làm thơ tặng cô:

 

bởi thương cái giọng miền Trung

tôi cũng liều theo em về xứ Quảng

ăn thử cá mòi muối mặn quê em

uống hết nước Thu Bồn chưa đã khát

 

buổi trưa trưa em đội nón lá Kim Bồng

dẫn tôi đi dạo vòng quanh phố Hội

nắng như nung rát bỏng da người

mà em bảo quê em vùng nắng ấm

gió Hạ Lào mở mắt không ra

em lại bảo gió Trường Sơn về thơm phố biển …

 

Bài thơ tôi viết chưa xong, cô bạn trừng mắt bảo phải ngừng ngay, bởi câu nào cũng có tính cách châm biếm. Hơn nữa, thơ không có niêm luật vần điệu chi cả. Vậy mà cũng bày đặt làm thơ. Ghê chưa ? Đùa một chút cũng không được. Đối với cô, Quảng Nam là số 1, là đất linh thiêng. Khi nói đến Quảng Nam phải đàng hoàng nghiêm túc.

 

Hơn ba mươi năm sau ngày ra trường Thủ Đức, tôi gặp lại Luân Hoán ở Canada. Mừng thấy anh vẫn khỏe, vẫn làm thơ đều đều. Mừng hơn nữa, anh còn làm được bài thơ ‘Cỡi Ngựa’ vững vàng đầy phong độ: dẫu mòn mỏi qua trăm đường lối cũ/ vó ngựa ta còn thở vẫn còn phi/ mông em nở và cặp chân rất điệu/ khép càn khôn vào giữa nhụy xuân thì/ nhịp móng sắt từ ngàn xưa lóc cóc/ lối đi quen không phải lối đi buồn/ vẫn đường cũ mà mỗi lần qua lại/ hương trong lòng vẫn đổi mới luôn luôn/ em kiều diễm dẫu không ngừng sáng tạo/ thế trên yên giông bão tuyệt như nhau/ tay cương chùng theo vận tốc chậm mau/ và ta nữa, khi thong dong nước kiệu/ lắng sâu lòng hôn ngọn cỏ nhậm sương/ khi tung vó điên cuồng phi bán mạng/ hồng thủy trào dập tắt lửa kim cương. Tôi không có ý bình thơ Luân Hoán, nhưng qua đó tôi thấy bạn tôi, một chàng kỵ mã phi như bay trong thơ và thời gian.

 

Luân Hoán ơi,

 

Chiến trường tha tội chết cho bạn, nhưng phải cúng lại một bàn chân ngoài trận mạc. Trong vận rủi vẫn còn có cái may. Chẳng phải ngày nào khi mới từ giã KBC 4100, bạn tự nói với chính mình: hãy nắm chặt giây cương này, Luân Hoán, ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang hay sao ? Chúng ta đã đi qua một thời kỳ khủng khiếp, nhìn lại mới biết ớn lạnh. Một đoạn đường gai lửa, tử thần rình rập theo mỗi bước chân. Vậy mà ta xách súng đi lơ ngơ như đi bắn chim. Hành quân vào rừng như đi picnic. Nhởn nhơ trên chiến trường như chốn rong chơi. Tàn cuộc, ta vẫn còn sống. Lạ thật ! Tuổi đời càng cao, đời người càng lún xuống. Đất đã lên tới ngực rồi, nhưng với nền y khoa tân tiến bây giờ, bọn mình còn lâu mới bắt đầu xây kim tĩnh. Và ông Bùi Gioáng cũng còn lâu mới gặp bọn mình. Hãy làm thơ, làm thơ và … làm thơ nữa đi.

 

 

Lâm Chương

 

(Bai Chuyen)

 

website counter