BỐ CON LÀ NGƯỜI LÍNH
(Phùng Annie Kim)
Tác giả là một nhà giáo, định
cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là
cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ
2014, với 14 bài, trong đó có bài Chú Lính Mỹ, Phùng Annie
Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với
bài Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ,
cô nhận thêm giải Vinh Danh Tác Phẩm và vẫn tiếp
tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ.
Bài mới của tác giả là một chuyện thật về
gia đình Cựu Chiến Binh tại Hoa Kỳ.
* * *
Từ ngày phóng viên Steve Hartman trong mục
"On the road" của đài truyền hình CBS đến
tận nơi phỏng vấn cậu bé Myles Eckert và phát hình
buổi phỏng vấn này, thành phố Maumee trở nên nổi
tiếng. Trên bản đồ nước Mỹ, nó là thành
phố nhỏ thuộc quận Lucas County, ngoại ô thành phố
Toledo thuộc tiểu bang Ohio, dân cư khoảng mười
bốn ngàn người, nằm dọc theo con sông Maumee
River.
Maumee gốc là tiếng của người
da đỏ, đọc trại thành tiếng Mỹ
"Miami". Thời thuộc địa Pháp cai trị
năm một sáu bảy mốt, nó có tên là "Miami of the
Lac" vì nó cung cấp năm phần trăm lượng
nước cho hồ Erie, Ohio.
Cũng như những thành phố nhỏ
trên nước Mỹ, thành phố Maumee đẹp và yên
bình. Từ thượng nguồn, con sông Maumee chảy qua những
vùng đất trồng và những tảng băng đổ
vào vịnh Maume tạo thành một vùng đất trù phú,
thích hợp cho hai loại cây bắp và đậu nành cho nên
nó được gọi là "the breadbasket", "cái rổ
đựng bánh mì", nuôi sống người dân và là nguồn
sản xuất nông sản chính của tiểu bang Ohio.
Đi một vòng thành phố vào mùa xuân và
mùa hè chỉ thấy một màu xanh của cây lá và rực rỡ
của các sắc hoa. Vào mùa thu, lá chuyển màu từ xanh,
vàng, nâu rồi tím đỏ, tím than. Nhìn từ xa, thành phố
đẹp như một bức tranh vẽ. Bức tranh ấy
đi đâu cũng thấy hiện ra từ những khu
cư dân cho đến khu trung tâm thương mại nổi
tiếng tên là "Arrowhead Business Park".
Với ý tưởng mỗi người
đều có một câu chuyện, "Everybody has a
story", ký giả Hartman đã kể nhiều giai thoại
về những con người đặc biệt trên
bước đường rong ruổi của ông khắp
các tiểu bang nước Mỹ. Đó là câu chuyện về
một cậu bé tên là MYLES ECKERT, tám tuổi, mồ côi cha,
sinh sống tại thành phố Maumee, tiểu bang Ohio. Một
hôm, cậu nhặt được một số tiền là
hai mươi đô la tại một bãi đậu xe, thay
vì tiêu xài cho mình, cậu đã tặng cho người khác.
Câu chuyện không đơn giản như
thế. Đã có nhiều cậu bé Mỹ có lòng tốt,
không có tính ích kỷ, có sự quan tâm đến mọi
người và có ý thức làm những việc thiện
nhưng điều làm cho ký giả Steve Hartman cảm hứng
là một tờ giấy "post-it" màu xanh lá cây gói số
tiền là hai mươi đô la và người đàn ông mà
cậu đã chọn để gửi tặng.
Chuyện kể rằng ngày bảy tháng hai
năm hai ngàn mười bốn, tại nhà hàng "Cracker
Barrell" gần căn cứ an ninh không quân quốc gia cạnh
phi trường, trung tá Frank Dailey cùng gia đình vào ăn
trưa, ông không tin mình được vinh dự có một cậu
bé đã đến tặng ông món quà bất ngờ không
được gói cẩn thận. Ông đã cảm động
khi đọc những giòng chữ nguệch ngoạc trên tờ
giấycó kẻ dòng màu xanh:
"Thưa chú,
Bố cháu cũng là lính. Bố cháu đã mất.
Cháu nhặt được tờ giấy hai mươi
đô la tại bãi đậu xe khi cháu đến đây.
Gia đình cháu mong được hiến tặng số tiền
này. Hôm nay là ngày may mắn của chú. Cháu cám ơn chú về
những điều chú đang làm.
Myles Eckert
Nhóc tì "Sao Kim".
"Dear Soldier,
My Dad was a soldier. He's in Heaven now. I found 20
dollars in the parking lot when we got here. We like to pay it forward in my
family. It's your lucky day. Thank you for your service.
Myles Eckert
"Golden Star" Kid.
***
"Pay it forward" là truyền thống hiến
tặng tự nguyện từ một câu truyện đã
được quay thành phim về một cậu bé làm những
điều tốt cho ba người đang cần sự
giúp đỡ. Đến phiên ba người này lại giúp
cho những người khác. Cứ thế, hành động
tốt lan tỏa ra nhiều người. Việc làm dễ
thương và nhỏ bé của Myles đã là nguồn cảm
hứng cho Dailey. Dailey hiến tặng số tiền hai
mươi đồng này cho một tổ chức từ
thiện vô danh. Từ truyền thống này, "The Ellen De
Generes Show" nổi tiếng của nữ tài tử Ellen
De Generes, trong một buổi phỏng vấn Myles trên truyền
hình, cô cho biết chương trình sẽ tiếp nối chặng
quyên góp với số tiền đầu tiên là hai
mươi ngàn đồng.
Người Mỹ có từ ngữ "It
was viral" để diễn tả sự lan truyền khắp
nơi. Công ty "Highland Capital" đã vận động
quy mô, quyên góp và hiến tặng cho Hội "Snow
Express" là một tổ chức bất vụ lợi nhằm
giúp đỡ gia đình con em có thân nhân hy sinh ngoài mặt trận.
Cho đến ngày hai tám tháng năm năm hai ngàn mười
bốn, nhân danh Myles, số tiền hiến tặng lên tới
một triệu đồng. Chủ tịch công ty
"Highland Capital", ông James Dondero phát biểu "Chúng tôi
tin rằng mỗi người trong chúng ta phải có trách
nhiệm với con em những chiến sĩ anh hùng của
chúng ta đã hy sinh".
Chỉ với hai mươi đô la, con số
đã tăng lên một triệu. Truyền thống "To
pay it forward" đã đánh động hàng trăm ngàn con
tim của người Mỹ. Số tiền hai mươi
đô la thật nhỏ bé nhưng sức mạnh và ảnh
hưởng của nó thật là sâu rộng, phản ánh
được nếp văn hóa bao dung của người
dân Mỹ trong các công tác từ thiện. Đối với
Dailey, nó là món quà vô giá. Ông không tin rằng ông may mắn có
được vinh dự hiếm hoi này. Cậu bé Myles
đã làm thay đổi suy nghĩ về đời sống
của Dailey. Những giòng chữ trên mảnh giấy màu
xanh sẽ là hướng đi suốt đời ông.
"A lifetime direction" sẽ khiến ông yêu đất
nước và những đồng đội của ông nhiều
hơn cũng như ông sẽ cố gắng, có trách nhiệm
và nhiệt tình hơn với nghề nghiệp cao quý của
người lính.
Sau này, truyền thống "To pay it
forward" đã thúc đẩy mẹ của Myles là bà
Tiffany Eckert tiếp tục hỗ trợ việc gây quỹ
cho hội "Snowball Express" và công ty "Highland
Capital". Bà Tiffany thường dạy hai con "Sự tử
tế luôn luôn chiến thắng" (Kindness always wins). Bà nhắc
đến truyền thống này trong gia đình bà "Sự
hiến tặng là một việc làm đúng. Đó cũng
là di sản của cha tôi để lại". (It was the
right thing to pay it forward. It is part of my fathers legacy). Bà lập hội
thiện nguyện để giúp đỡ các thương
phế binh nhất là những người bị bệnh hội
chứng thần kinh bị chấn thương sau chiến
tranh "Post-traumatic stress disorder".
Sau đây là câu chuyện kể của cậu
bé Myles Eckert.
***
Ai cũng có một ông bố. Mẹ bảo
không có bố thì không có cậu bé tên là Myles Eckert. Vì thế
trẻ con nào có tên cũng mang theo họ của bố. Tên bố
con là Andy, họ của bố con là Eckert.
Mẹ kể bố mất. Mất nghĩa
là bố không sống chung với mẹ con mình nữa. Mẹ
đếm năm ngón tay của con và nói rằng bố mất
lúc con sinh ra chỉ được năm tuần. Con hỏi
tại sao bố mất trong khi bạn David lại có bố.
Mẹ bảo khi nào con lớn khôn, con sẽ hiểu rõ
hơn thế nào là chiến tranh. Chiến tranh là hai nước
đánh nhau. Nước Mỹ là nơi con sinh ra. Con là
người Mỹ. Khi nào có chiến tranh, con cũng đi
lính như bố để bảo vệ nước Mỹ.
Nước Mỹ đánh nhau với nước Iraq. Bố
sang đánh Iraq và bố bị một quả bom của Iraq
chôn cạnh lề đường nổ tung. Thế là bố
con không bao giờ về nữa.
Từ khi con đi học, các bạn con
đều có bố. Mẹ bảo muốn có bố, con
tưởng tượng bố trong những bức ảnh
để trên kệ gỗ. Có bức ảnh mặt bố
nghiêm, bố đội chiếc mũ thuyền màu xám chụp
trong ngày lễ ra trường. Có bức ảnh bố mặc
bộ quần áo lính rằn ri như chú Dailey. Có bức bố
bế chị Marlee được hai tuổi. Có bức bố
mẹ và chị Marlee chụp thật đẹp, ai cũng
cười tươi. Con thích nhất là bức hình mẹ
chụp bố bế con trên tay, đó là lần cuối cùng
con được gần bố, lúc đó con được
năm tuần lễ. Thế là hình ảnh bố hiện
ra trong đầu con ngay tức khắc.
Hồi còn bé, muốn có bố, con thích
được nghe mẹ kể chuyện vì qua câu chuyện,
con có thể tự do tưởng tượng hình ảnh bố.Con
tha hồ hỏi mẹ những câu hỏi về bố. Mẹ
có cả một kho tàng chuyện kể, chuyện nào cũng
hay cho nên con thấy bố rất gần với con. Trước
khi kể, mẹ thường ôm con vào lòng, hôn con thật
lâu, đôi mắt mẹ thật buồn và hình như lần
nào đôi mắt ấy cũng đo đỏ.
Con nhớ có lần con hỏi hiện giờ
bố ở đâu, sao không ở chung với ba mẹ con
mình. Mẹ suy nghĩ một lát và kể rằng bố
đang ở bình yên trên cõi trời riêng dành cho những
người tốt, còn gọi là cõi thiên đường, mắt
của hai mẹ con mình không nhìn thấy được. Mẹ
giải thích cho con những bức hình chụp ngôi nhà của
bố có một khối đá ghi tên bố, ngày sinh của
bố để không lẫn lộn với các nhà hàng xóm.
Nhà có hoa chung quanh, có cắm cờ, nằm trong một khu
đất rộng không xa thành phố. Thỉnh thoảng
vào các ngày lễ, ba mẹ con vẫn ghé thăm bố với
một bó hoa tươi. Mẹ còn cho con xem những tấm
hình ông bà nội, ông bà ngoại, các cô chú vào ngày bố bay lên
cõi trời, ai cũng mặc quần áo đen và khóc
nhưng người khóc nhiều nhất là mẹ.
Mẹ con có một vật quý lắm là lá cờ
Mỹ xếp thành hình có ba góc. Có lần con vòi mẹ, bắt
mẹ phải mở cho con xem lá cờ đó to cỡ nào. Mẹ
ngần ngại cuối cùng mẹ chiều ý con, tung lá cờ
ra, nó to bằng cái bàn. Sau đó mẹ cứ xếp đi xếp
lại mãi mới thành hình ba góc như cũ. Mẹ bảo
bố mất vì bố muốn bảo vệ lá cờ này.
Sau này con lớn lên con cũng phải bảo vệ lá cờ
này. Mẹ còn cho con xem cái thẻ bằng nhôm có sợi dây
đeo ghi tên bố, cái nhẫn mẹ đeo vào ngón tay của
bố trong ngày đám cưới mẹ đặt trong chiếc
hộp đỏ, những bức hình bố mặc bộ
đồ lính. Tất cả những thứ này mẹ
đặt trên một cái kệ cao. Thỉnh thoảng, mẹ
bế con lên, hai mẹ con cùng ngắm những đồ vật
này, cùng nhìn ảnh bố một lúc lâu. Lát sau mẹ lấy
ngón tay xoa trên mặt kính bức hình và bảo với bố
rằng bây giờ con cao lớn nhiều, học giỏi và
rất ngoan, càng lớn con càng giống bố.
Trên đường đi học về, mẹ
bảo mẹ lấy một ngày nghỉ vào thứ tư
để đưa con và chị Marlee đi ăn trưa ở
nhà hàng "Cracker Barelle" gần phi trường vì ngày
này có món đặc biệt con và chị Marlee đều
thích đó là món "chicken pot pie", gà chiên với sốt
trong chiếc bánh giống như cái chén có cái vỏ nướng
bên ngoài xốp và dòn ăn rất ngon.Trong khi chị Marlee chờ
đi sau với mẹ, con xuống xe trước chạy
vòng vòng trong bãi đậu xe. Ngoài trời tuyết
rơi,bãi đậu xe vắng người, con thấy một
tờ giấy hai chục đồng trên đống tuyết.
Tờ giấy còn ướt. Con mừng quá nhặt lên, chạy
đến khoe với mẹ và chị Marlee.
Lúc đó, mẹ và chị Marlee hỏi con
dùng số tiền đó để làm gì. Mẹ đã từng
bảo chị em con sống không nên ích kỷ và phải chia
sẻ với người khác. Con chưa kịp suy nghĩ
thì chị Marlee bảo chị sẽ mua một dĩa nhạc
chị yêu thích. Con nghĩ đến một cái "video
game".Trong khi mẹ và chị Marlee vào bàn gọi thức
ăn, con thấy một người lính từ cửa
bước vào. Ông mặc bộ quân phục rằn ri giống
như bố con đã mặc trong bức hình để trên
kệ gỗ. Hình ảnh chú ấy cao lớn, nét mặt giống
như bố. Con đổi ý định. Với hình ảnh
bố trong đầu con và lời dạy của mẹ,
con viết vội một lá thư ngắn trên tờ
"post-it" màu xanh lá cây, bọc tờ giấy hai
mươi đô la vào trong, xếp thành một gói nhỏ.
Con chạy đến bàn đưa chú. Lúc ấy con thật
là xấu hổ. Chú mở to mắt ngạc nhiên và mỉm
cười nhìn con. Chú không ngờ chú có món quà lạ lùng này.
Khi chú mở ra xem, chú đã đến xin phép mẹ bắt
tay làm quen và cám ơn về món quà đặc biệt trong
đời chú. Con rất vui khi thấy chú cảm động,
chú cứ nhìn con mãi và nâng niu món quà nhỏ xíu trong tay.Chú bảo
con đã cho chú món quà lớn nhất hơn cả số tiền
hai mươi đô la. Chú hỏi con về bố. Con kể
hết cho chú nghe những gì con nhớ trong khi mẹ ngồi
nghe, im lặng và mỉm cười. Chú xin phép mẹ cho con
là người bạn nhỏ của chú.
Chia tay với chú Dailey, trên đường
về, hình ảnh chú Dailey làm con nhớ đến bố.
Con tưởng tượng bố mình là một người
rất dễ thương, rất vui tính, thích những câu
chuyện hay và biết rất nhiều chuyện. Bố có
thể trả lời ngay những câu hỏi "tại
sao" của con mà mẹ đôi khi phải nhăn mặt
hay suy nghĩ một lúc lâu rồi mới trả lời
được. Hình ảnh bố rất rõ hiện ra trong
đầu con nên con xin mẹ chở con đi thăm bố
một mình.
Đi thăm bố trong mùa đông giá lạnh
và tuyết phủ trắng xóa thế này ư? Mẹ suy nghĩ
vài giây rồi gật đầu. Chắc mẹ hiểu có
những điều con chỉ muốn kể riêng với bố
sau khi gặp chú Dailey. Mẹ lấy chiếc máy ảnh, ngồi
trong xe với chị Marlee. Mẹ chụp cho con những tấm
hình in dấu giày của con đi trên tuyết từ chỗ
đậu xe đến ngôi mộ bố và những tấm
hình con đang ôm khối đá. Lúc đó con tưởng
tượng đang ôm bố và nói chuyện với bố.
Bây giờ con không gọi đó là ngôi nhà và khối đá nữa.
Mộ bia của bố có hoa, có cờ nhưng bị bao phủ
bởi tuyết trắng xóa.
Con đứng ôm mộ bia có ghi tên bố
trong vòng tay và nói những điều chỉ có mỗi mình bố
nghe rằng con rất thương bố. Con biết bố
nằm một mình trong trời tuyết lạnh. Con vừa
gặp một chú lính trong nhà hàng "Cracker Barelle" tên là
Dailey. Con muốn kể cho bố biết rằng nhờ có
bố, con vừa làm một điều tốt cho chú Dailey.
Con sắp có một người bạn mới là chú Dailey.
Có những điều sau này con sẽ hỏi chú Dailey mà sẽ
không hỏi mẹ. Thôi, bố ngủ đi nhé. Con lúc nào cũng
nhớ bố.
***
Sau buổi gặp chú Dailey và món quà hai
mươi đồng, chú Dailey và con trở thành bạn
thân. Chú Dailey, mẹ Tiffany và con được nhiều
người biết đến. Các buổi phỏng vấn
trên truyền hình của cô Ellen, của Dr Phil và của nhiều
tờ báo như tờ báo trường con đang học
"Waterville Primary", báo New York Daily News. Đặc biệt
là tờ "In Time For The Kids Magazine", mẹ bảo họ
in hàng triệu tờ phát không cho các em học trường
tiểu học. Các cuộc điện thoại từ khắp
nơi gọi về xin được gặp mẹ và nói
chuyện với con làm mẹ trở nên bận rộn suốt
ngày. Mẹ bảo mẹ chỉ cho con xem vài bài viết về
con thôi vì mẹ không muốn con bị báo chí thổi phồng
vào cái "tôi","inflated ego" của con mình. Điều
này con không hiểu. Có lẽ con phải cầu cứu chú
Dailey. Mẹ không cho con vào mạng "Google". Mẹ bảo
mẹ không muốn làm thay đổi con trai của mẹ.
Mẹ muốn con là đứa trẻ bình thường
như những đứa trẻ khác.
Nhưng bình thường sao được
khi hai mẹ con bất ngờ nhận được thiệp
mời đi thăm tòa nhà trắng "White House", gặp
ông bà cựu Tổng Thống George Bush vào dịp lễ Phục
Sinh sắp tới. Mẹ và con nôn nao và hồi hộp trong
suốt chuyến đi. Thật là ấn tượng khi
đi đâu cũng có người theo bảo vệ ở
các phi trường. Vào một buổi điểm tâm sáng thứ
hai tại thư viện "Texas Library", mẹ và con
được ông bà cựu Tổng Thống bắt tay tiếp
đón và hỏi chuyện, sau đó Tổng Thống Bush
trao cho con giải thưởng.
Ước mơ của con từ lâu là
được gặp hai ca sĩ con rất thích đó là
chú "Kid Rock". "Kid Rock" là tên trên sân khấu. Chú
bảo hãy gọi tên chú là "Chú James". Chú Dierks Bentley cũng
thế. Chú bảo hãy gọi chú là "Chú Fred". Tên thật
của chú là Frederic. Lần đầu tiên con và mẹ
được xem hai đêm nhạc thật hay với những
bản nhạc do hai chú sáng tác và trình diễn.Con nhận
được nhiều quà tặng là những băng dĩa
với những bài hát nổi tiếng của hai chú. Sau chuyến
đi này, con có quà mang về cho chị Marlee và bạn của
con.
Sau khi gặp hai chú ca sĩ, hai mẹ con
bay đến Charlotte trước ngày lễ Veterans Day hai
ngày để con thay mặt các bạn "Golden Star
Chidren" nhận giải "Freedom Award" của hội
"Carolinas Freedom Foundation".
***
Sau những chuyến đi chơi xa nhiều
ngày, những cuộc gặp gỡ những người nổi
tiếng trên báo, đài và sân khấu, được gặp
ông bà cựu Tổng Thống và đi thăm những
nơi chốn mới lạ con chưa từng đặt
chân đến làm cho con có cảm tưởng mình lớn
khôn hơn khi trở về đi học bình thường với
các bạn. Mẹ muốn con luôn luôn là một "Golden Star
Kid" hay còn gọi là "War Orphan", đứa con ngoan
và khiêm tốn của người chiến sĩ anh hùng và
kiên cường Andy Eckert đã tham gia chiến tranh,
được phép về nhà nhưng ông tình nguyện trở
lại quân ngũ để tiếp tục chiến đấu.
Chú Dailey bảo chú rất thích câu nói của
con viết trên tờ "post-it" gửi cho chú: "Thank
you for your service". Đó là bài học về sự kính trọng
những người cựu chiến binh và những người
lính đang phục vụ trong quân đội. Chú dạy con
rằng khi con gặp những người đàn ông,
đàn bà mặc quân phục ở phi trường, tiệm
cà phê hay ở bất cứ nơi đâu, con và các bạn
hãy đến và nói với họ câu này. "Thank you for your
service".
Con nhớ hồi còn bé, khi con hỏi mẹ
tại sao bố mất, mẹ bảo khi nào con lớn, con
sẽ hiểu rõ về hai chữ chiến tranh. Những thắc
mắc của con về chiến tranh bây giờ đã có chú
Dailey giải thích. Chú Dailey biết rất nhiều chuyện
mà chú gọi là "lịch sử" và chú nhớ rất
giỏi những con số. Chú kể về những cuộc
chiến tranh ở xứ Mỹ và số cựu quân nhân sống
sót trở về như chiến tranh thế giới thứ
hai có một trăm tám mươi ngàn cựu chiến binh,
chiến tranh Việt Nam có hai mươi ngàn, chiến tranh ở
Iraq và Afganistan có năm ngàn.
Nhờ chú Dailey, con đã hiểu một
chút về lịch sử chiến tranh ở xứ Mỹ
và tại sao gọi họ là cựu chiến binh và tại
sao phải nói câu "Thank you for your service". Bố con cũng
là lính. Với lòng biết ơn, con xin cám ơn tất cả
những cô, chú, bác cựu chiến binh đã trở về
sau các cuộc chiến tranh. Con cám ơn những người
lính đang còn chiến đấu ngoài mặt trận và cám
ơn bố và những người lính đã hy sinh để
bảo vệ đất nước Mỹ.
Với bố Andy Eckert, con nhớ hoài câu
nói của mẹ Tiffany với một chú nhà báo khi chú phỏng
vấn mẹ về bố: "Khi chồng tôi hy sinh, tôi muốn
tên anh sống mãi. Tên của Andy không bao giờ là con số".
"Sự anh hùng của Andy tương xứng với tâm
hồn nhân hậu của con chúng tôi",
Những câu nói của mẹ, có lẽ con lại
phải cầu cứu chú Dailey. Chú Dailey cũng là lính
như bố Andy Eckert nhưng không ai có thể thay thế bố
Andy trong lòng con, đứa bé có cái danh hiệu "Golden Star
Kid".
PHÙNG ANNIE KIM
(Kiều Diễm Trinh sưu tầm và chuyển)