Bố và Con
(NGUYÊN NHUNG)
Nhà tôi
“dương thịnh âm suy”, một ông bố
với ba thằng con trai mà tôi hay gọi
đùa là “bố già, bố trẻ”.
Đàn ông lo việc ngoài, đàn bà
lo việc trong, người lo việc ngoài ăn xong
bày bừa ra cho nên việc trong dù không ít hơn việc
ngoài, nhưng vẫn mang tiếng là “ngồi
chơi xơi nước”. Ngày được
định cư tại Hoa Kỳ, vừa đặt
chân đến phi trường Quốc Tế, người
bảo trợ có mời thêm vài người
quen cùng đón cho xôm tụ, một
bà nhìn gia
đình mới đến
phán một câu xanh rờn: “ Nhà
này kém phúc đức nên đẻ
toàn con trai”. Cả nhà ngớ ra không hiểu,
sau mới biết giá chi có một cô con
gái xinh xinh tuổi cập kê, nhà sẽ tấp
nập vài chàng trẻ tuổi đang kiếm vợ
chở đi làm giấy tờ, khám sức khoẻ
hay chợ búa, không vắng như “chùa
Bà Đanh”.
Tôi không
thích khoe khoang về ông “Bố” của
nhà đâu,
vì chả lẽ lại “mèo khen mèo
dài đuôi”,
những điều tầm thường trong cuộc
sống gia đình chắc nhà nào cũng giống
nhau. Ngày lễ Cha ai cũng nhắc đến
công ơn sinh thành dưỡng dục của Bố,
nhưng cha tôi mất sớm lúc tôi mới
năm, sáu tuổi, nặn óc để tìm lại
hình ảnh người đã tạo ra mình
tôi vẫn không nhớ được bao nhiêu.
Vì vậy, người gần gũi nhất trong cuộc
đời tôi là bố của lũ con, nếu
ví von như cái nóc nhà che mưa che nắng
thì cũng không sai chút nào.
Khi hai đứa
con tuổi còn thơ ấu bố đã không
có nhà, đây là sự thiệt thòi
của tuổi thơ mặc dù có mẹ nuôi
dưỡng. Thời gian ấy mọi sự bế tắc
đè nặng lên gia đình tôi, trong cũng
như ngoài, tôi ôm hết cả hai. Nỗi
đoạn trường này là của chung nhiều
nhà chứ chẳng phải riêng nhà tôi,
lưới giăng lồng lộng chẳng chim nào
bay thoát nên tôi đành chấp nhận, vừa
chạy chợ kiếm ăn vưà dạy con.
Con vừa lớn
là bố về kịp lúc, cả nhà mừng
húm dù thêm một miệng ăn. Sau một
ngày vất vả, lúc về tôi thường
tạt qua chợ chiều tìm mua thực phẩm ế ẩm cuả bạn
hàng trong chợ, cuối ngày bán tống
bán tháo để về nhà. Bữa cơm
nhà nghèo thường chẳng có cao
lương mỹ vị, tôi tìm cách chia sao
cho bố con cùng vui cùng no. Ít trái
cây, vài cái bánh, tôi chia phần:
“Ai nhiều tuổi
thì được ăn nhiều, ai ít tuổi ăn
ít. Bố hai cái, mẹ và các con mỗi
người một cái đồng đều.”
Thằng bé
con ngồi đếm xong con toán nhỏ phụng phịu
hỏi:
“Sao mẹ lớn
mà cũng chỉ có một? Con cũng muốn hai
như bố.”
Trẻ con chưa
hiểu nổi cảnh nhịn cơm xẻ canh trong thời
buổi khó khăn, người lớn chỉ biết
cười mà ngậm ngùi trong dạ. Trong trại
ngày hai bữa cơm tù, ăn thế nào cũng
xong. Trở về với gia đình chưa vui hết
niềm xum họp, lắm nhà đã vỡ tan
vì cơm áo gạo tiền. Tôi nhìn quanh
cuộc sống, nhiều gia đình như vậy
nên biết phải tế nhị hơn để cuộc
sống tuy thiếu thốn một chút, nhưng chẳng
có lúc nào chữ tình chữ nghĩa
quý bằng lúc này, chỉ cần gắt gỏng
nói một câu thiếu suy nghĩ là hết cả
cái tình mình hằng nâng niu gìn giữ.
Thằng bé
chào đời sau ngày bố đi xa, mãi
đến 7 tuổi mới thấy bố xuất hiện
nên cũng hay
“ghen” với bố, tự nhiên trong nhà
có một “ông” lạ hoắc đi ra
đi vào, lại có vẻ được săn
sóc, chia phần nhiều hơn thì khó chịu lắm.
Nhưng dần dần cu cậu lại thích vì từ
nay đã có bố đón đưa khi đến
trường hay tan học, đối mấy thằng
nhóc to con ăn hiếp
thì cu cậu đã vênh mặt lên ra
điều “Bố tao đấy!”. Oai thật,
bài vở khó đã có bố giảng giải
cặn kẽ đến khi nào hiểu mới
thôi. Tuy bố chưa kiếm được việc
làm để có tiền mua đồ chơi cho
con, nhưng mùa trung thu Bố làm cho cái
đèn lon sữa bò đục lỗ, trong để
cây đèn cầy kéo leng keng trên con hẻm
nhỏ, nghe cũng vui tai mà không bị cháy
như đèn con gà, con thỏ. Bố về,
thêm những món đồ chơi thủ công
đẹp khéo tuyệt vời, máy bay, xe tăng,
chim chóc xếp bằng giấy, cu cậu tha hồ
chơi suốt ngày không chán.
Có bố ở
nhà con học hành khá hơn, đứa lớn
đã bước vào Trung Học, bỏ đi những
môn vớ vẩn nhồi nhét chính trị,
bóp méo lịch sử thì mấy môn
chính như sinh ngữ, toán bao giờ cũng
được kèm cặp đâu vào đấy.
Dù sao vốn chữ nghĩa của bố không
đến nỗi tệ, tôi yên tâm chạy chợ
kiếm ngày hai bữa cơm, việc dạy dỗ học
hành của con giao toàn quyền cho bố đảm
trách. Thỉnh thoảng bố chở con ra bờ
sông câu cá, vào công viên chơi
đá banh, hôm nào có tiền mua cho con dĩa
bò khô, cây “cà rem”, mấy bố
con chơi với nhau , nhìn
bên ngoài tưởng an nhàn, thảnh
thơi nhưng thực ra cuộc sống đang tắc nghẽn trong
vòng rào kẽm gai.
Khổ thay! Từ
ngày Bố về từ cái nhà tù nhỏ
là bước luôn vào cái nhà tù
lớn, màng nhện giăng tứ phía như
“thiên la địa võng” nên đi
đâu cũng có người “quản
ný” chặt chẽ. Bực lắm nhưng biết
làm sao, ngay cả cái hộ khẩu cũng
không có nên hễ đêm nào nghe tiếng
chó suả, tiếng bước chân đi rầm
rập trên con hẻm tối thui, thêm một hồi
chuông cửa lảnh lót giữa đêm khuya
là biết nhà được “hỏi
thăm”.
Cửa vừa mở,
bốn năm cái bóng ùa vào nhảy thoắt
lên cầu thang, chĩa đèn pin sáng loè
ra tứ phía, vào tận mấy cái giường
còn buông mùng sùm sụp. Đang ngủ
ngon bị ánh đèn pin chĩa ngay vào mặt,
thằng bé con ngái ngủ càu nhàu:
“Thằng
nào chơi kỳ dzậy?”
Đèn tắt
ngúm, các chú “công an” đi
xét nhà kiểm soát người cư
trú bất hợp pháp đấy chứ
có “thằng”
nào đâu, nhưng trong mùng chỉ là thằng
con nít đang say ngủ, lục khắp nhà cũng
không kiếm ra người ở lậu không khai
báo. Sống không hộ khẩu là bất hợp
pháp rồi, lại đuổi, đêm nào
nghe tiếng chó sủa ồn lên từ ngõ
ngoài vào ngõ trong là biết những
nhà nào trong xóm được hỏi
thăm. Nhà bác Mười “Biệt Kích
Dù” bán cá kiểng cá đá,
nhà bác Ngôn cựu giám đốc huấn
luyện trường Phi Hành ở Nha Trang ngày xưa,
toàn những người vừa từ trại cải
tạo về. Sáng hôm sau lại vắt giò
lên cổ trình quan Quận, thiếu thủ tục
“đầu tiên” nên khi ra về ai cũng
nhận tờ trát phải đày đi vùng
kinh tế mới. Vẫn lì ra không đi, viễn
ảnh một vùng đất khô cằn trơ trụi,
không trường học chợ búa, lấy chi
mà sống, bao người từ những nơi ấy
đã liều lĩnh trở về, không nhà,
không hộ khẩu ngủ đầy dưới
mái hiên hè phố, đã sao đâu,
cùi đâu còn sợ lở.
Muốn lì lợm
sống còn trong thời buổi đó cần phải
có việc làm, kẻo mang tiếng ăn bám
xã hội, lười lao động. Bố đi tìm
việc làm, chỗ nào cũng lắc đầu
quầy quậy vì cái lý lịch tối thui,
may quá nhờ người quen dẫn vào làm
một chân “cu ly” đẩy xe ba gác cho hợp
tác xã Cơ Khí. Sài Gòn nắng nung
người, nắng như thiêu như đốt
nên Bố đen thủi đen thùi như con
cháu nhà Sihanúc, nhìn thoáng là biết
Bố thuộc tầng lớp nào trong xã hội.
Dù lương ít nhưng vẫn có lý do
“lao động là vinh quang” để bám trụ
thành phố. Mặc kệ, sóng đánh tới
đâu thuyền neo tới đó, cạn ao
thì bèo xuống đất, vẫn hiên ngang ngẩng
mặt nhìn đời vì miếng cơm manh
áo mình làm ra từ giọt mồ hôi lẫn
trong nước mắt.
Chịu đựng
mãi rồi cái gì cũng qua, cho đến một
ngày thấy thiên hạ ùn ùn đăng
ký đi Mỹ theo diện H.O thì cả nhà vừa
mừng vừa không tin nổi, cứ như truyện
huyền thoại cây đèn thần xứ Ba
Tư. Thời bấy giờ người ta gọi là
“những người ho hen” vì ở tù về
có hằng trăm thứ bệnh, nhưng cũng nhờ
cam khổ khi thất thế
mà sau này cái gì cũng chịu đựng
được. Ánh
sáng le lói cuối đường hầm,
hình như mãi đến lúc này những
người như Bố mới có cơ hội ngẩng
mặt lên nhìn ánh mặt trời. Người
có tiền rỉ tai nhau
ùn ùn ra Hà Nội chạy chọt để
được đi trước, ai cũng bảo nhau
“sang sau, trâu chậm uống nước đục”,
Bố vẫn bình chân như vại vì nghĩ
chương trình “Ra Đi Có Trật Tự”
thế nào cũng tới lượt, với lại
con người còn
có số mạng.
Ở đó mà chờ tới lượt,
không có thủ tục “đầu
tiên” thì đừng nói chuyện ra
đi. Sốt ruột quá, mẹ lại vét hết
trong nhà cho đủ tiền lên danh sách mới
chóng được rời khỏi đời sống
tối tăm này, thôi đành “qua
sông thì phải lụy đò” vậy.
Ngồi trên
máy bay rồi cả nhà mới thở phào,
dù rằng trước giờ ly biệt với
người thân, những giọt nước mắt
ngắn dài thi nhau tràn ướt má. Người
ở lại vẫn vất vả với cuộc sống
vá víu hằng ngày, người đi mơ
ước một tương lai xán lạn cuối chân trời,
nhưng vẫn lo lắng chẳng biết sẽ làm
gì nơi xứ lạ. Mãi tới khi đặt
chân đến phi trường đầu tiên ở
San Francisco chờ máy bay chuyển tiếp sang Houston, thấy
người lao công quét dọn rất nhàn tản
trong nhà vệ sinh mát rượi , Bố cứ
thắc thỏm mơ ước sao qua Mỹ kiếm
được một cái “job” thơm như vậy.
Mùa
Đông đầu tỉên ở nước Mỹ
mưa gió lạnh lùng, buồn bã làm
sao, nhưng đó là cảnh ngoài trời
còn trong nhà thì đang chứa chan niềm hy
vọng. Khổ nhiều rồi, chả lẽ không chịu
nổi khi xứ sở này cơ hội có bỏ
ai bao giờ, nếu không lười biếng mà
chấp nhận ngay một công việc tầm thường,
đời vẫn còn ngon chán. Ở quê
nhà, ai cũng tưởng hễ sang Mỹ là lũ
nhỏ nhảy tót vào trường học, chỉ
một thời gian là tốt nghiệp bằng
này cấp kia. Thực ra con ngu ngơ chưa biết
gì, tiếng Anh còn ngọng nghịu nói
mãi chưa được một câu, Bố vẫn
hiên ngang làm
cái “đầu tàu” kéo nguyên một
toa tầu nặng nề vượt qua những chặng
đường ray dài dằng dặc.
Vừa qua Mỹ
người tỵ nạn nào cũng cuống
quýt lên đi tìm việc làm, trước
hết trả tiền nhà cửa , “bill” bọt
hằng tháng, sau là gửi về VN cho người
thân để khoe cái may của mình khi ở “xứ sở của mật
ong và sữa”, mấy ai đã có
lúc hiểu nổi cái khổ của con bò
và con ong. Chân ướt chân ráo vừa
đến được hơn tuần, một bà
cùng quê đã ưu ái quan tâm gọi
tới, giọng “bề trên” chắc nịch:
“Nếu
cô chú muốn mau ổn định như người
ta, phải nghe tôi. Tôi có cái tiệm
“Grocery” khu da màu đắt hàng lắm,
thấy chú nhanh nhẹn tôi dành cho một
chân bán hàng từ 5 giờ chiều đến
11 giờ đêm, (giờ của bóng đêm
và tội ác), buổi sáng vẫn đi học
được như thường. Cô sạch sẽ
khoẻ mạnh, đến nhà giữ cháu nội
cho tôi và làm việc nhà, mỗi tuần
hai trăm, người khác chỉ trả trăm
rưỡi.”
Cả nhà ngồi
tính toán, lại mừng húm, trước mắt
có công ăn việc làm rồi nhà cửa,
xe cộ mấy hồi, đời cứ đẹp
như mơ. Nhưng khi hai vợ chồng dẫn nhau đến
“tham quan” tiệm
tạp hóa trong khu nhà thấy mấy ông da
màu đang xúm quanh đống củi sưởi
ngoài sân , giương
mắt chò hỏ nhìn chằm chằm mấy
người Á Châu thì hãi quá. Vợ
phát rét bảo chồng:
“Thôi anh ạ,
khổ thì khổ nhiều rồi. Chính phủ
cho mình 8 tháng trợ cấp là để
đi học tìm một việc làm hợp khả
năng, thế nào họ cũng giới thiệu
công việc cho mình, đi làm hãng xưởng
vẫn yên tâm hơn. Tại sao không hưởng
những ngày học hành thư thả cho người
nó khoẻ ra rồi hãy đi làm? Em cũng
không thể bỏ chồng bỏ con ở nhà
để làm “ô sin”, tiền thì
lúc nào chả cần nhưng so với cái
“đoạn trường” sau năm 75 chả thấm
gì.”
Hai vợ chồng
dắt nhau về, còn nghe thêm một bài
“gia huấn ca” của người đồng
hương là cái thứ mới qua “bày
đặt học với hành”. Mãi sau
này mới nghe bà ta tự thú rằng
đã từng bị kê súng vào màng
tang mấy lần mà may quá nó không “
bóp cò”, chứ không cũng đã
“tiêu diêu miền cực lạc”. Sau
này nghe nhiều người đi trước cũng
bảo, chẳng thời gian nào khoẻ bằng
lúc mới đến hưởng trợ cấp
đi học, khi đi làm rồi mới thấy
cái khổ cuả những sáng mùa
đông rét thấu xương, những trưa
mùa hè nắng cháy, những chiều mệt
nhọc khi tan ca mặt trời đi ngủ sớm .
Cuối cùng Bố
cũng tìm được việc làm do Y.M.C.A giới thiệu,
lương bổng chẳng bao
nhiêu nhưng cứ hai tuần lại có
cái “check” mang về khoe vợ con. Công việc
không nhọc nhằn lắm so với những
ngày lao động ở quê nhà, nhưng
gò bó thời gian như một cái máy chạy
đúng giờ giấc. Sáng mù sương
rét buốt đã phải lóc cóc dậy
lái xe đi làm, hai cha con chung nhau một xe, chiều về đi xe bus
vì con đã lái xe đi làm đi học.
Nhờ cái xe tàng mua rẻ được của
một ông Mỹ già, trong thời gian này hễ
có ngày nghỉ
là cả nhà kéo nhau đi chơi. Hết
câu cá câu cua lại ra biển tắm táp,
điếc không sợ súng nên chỗ nào
cũng mò tới mà không sợ xe bị “banh
ta lông” dọc đường.
Nhà ba thằng
con trai là ba thế hệ khác nhau, tuổi
tác chênh nhau nên mỗi đứa Bố lại
phải hướng dẫn một kiểu. Đứa lớn
nhất đã trưởng thành ở VN,
không sợ con hư hỏng nhưng đường
đời con còn non nớt quá, chưa hòa nhập
được với xã hội mới vì bất
đồng ngôn ngữ cũng có, sự học dở
dang từ VN nay bắt đầu lại từ đầu
khó nhọc biết mấy, cũng vẫn bố khuyến
khích dìu dắt để vào đời. Lo
nhất là thằng tuổi “teen” mà cha mẹ
nào ở Mỹ cũng phát sốt lên vì
những phức tạp tâm lý trong những con
người trẻ đang tuổi dở dở
ương ương, nhưng cũng nhờ phước
đức ông bà để lại, sóng
trước đánh sao sóng sau vỗ đó
nên thằng anh lại hướng dẫn thằng em,
5 ngày trong tuần đi học còn cuối tuần
đi bưng phở kiếm tiền xài thêm.
Mới
đút đầu ra đời cu cậu đã
choáng váng với cách “vắt chanh phải
vắt cho kiệt, xứng với đồng tiền
bát gạo” cuả bà chủ tiệm, suốt
hai ngày cuối tuần làm việc cật lực
nên không có giờ đàn đúm với
bạn bè. Khi đổ rác, lúc bưng
tô, vài đứa trẻ tuổi mới từ VN
sang đã có lúc bị bà chủ mắng
té tát khi đứng nói chuyện với nhau
ngoài thùng rác. Một anh có tuổi
hơn thở dài khuyên thằng đàn em
cùng ngành bưng bê:
“Ráng học
em ơi! Sau này anh em mình phải ráng
thành tài để khỏi bị người ta mắng
mỏ như vậy, nhục lắm!”
Nhờ ý
chí vươn lên mà sau này cả hai
đều đậu bằng Cao học, một kỹ
sư điện toán và một kỹ sư
xây dựng. Khi dẫn bạn đến ăn ở tiệm
phở ngày xưa, bà chủ đã đon
đả chào và
khoe với khách hàng: "Tiệm của
tôi toàn đào tạo kỹ sư, bác sĩ”.
Thật vậy, nếu không nhờ những lời mắng
mỏ như té nước của bà thì
xã hội đâu có nhân tài.
Thằng bé nhất
còn nhỏ quá khi đến Mỹ, đây
là sản phẩm “Made in Vietnam” mà Thượng
Đế tặng cho cặp vợ chồng già,
nhưng hoàn toàn
hấp thụ văn hóa Mỹ, nếu như bố mẹ
không khéo gần sẽ
thấy cách con hằng vạn dặm. Cha con bàn với
nhau, nhà cần có người cơm nước,
em cần có mẹ đưa đón khi đi học,
và sau giờ học điều cần nhất
là không để thằng lõi lang thang
không ai kèm cặp. Giữ thêm vài đứa
trẻ nữa để mẹ ở nhà chỉ lo việc
trong mà khỏi lo việc ngoài, khỏi thức
khuya dậy sớm dầm sương dãi nắng. Kể
cũng là nghề tự do, nghe thì nhàn thật
đấy nhưng nghề giữ trẻ cực nhọc
chứ không nhàn hạ như người ta nghĩ.
Ba đứa con lớn
lên trong sự đùm bọc của cha mẹ,
nhưng lại gần gũi bố nhiều hơn vì
khi bước ra đời, có bao nhiêu điều
mà người đàn bà ở nhà
không làm sao hiểu hết được.
Cách ứng xử trong
cuộc đời đầy lừa lọc nơi
nào cũng thiên hình vạn trạng, với
thời gian các con đã tiến lên nhưng vẫn
là con nai tơ đối với cuộc đời
muôn mặt. Bố tuy đã lùi bước ra
sau nhưng vẫn là điểm tựa tinh thần
để con hỏi ý kiến, rút kinh nghiệm
khi gặp khó khăn trên đường đời.
Bản tính bố cần cù, trầm tĩnh, thận
trọng và biết lắng nghe, những điều
này cần thiết cho con nhìn rõ những phức
tạp trong dòng đời, giải quyết nhiều
vấn đề khi con gặp trở ngại, khác với
mẹ lúc nào cũng cuống quýt lên
như gà mắc đẻ.
Bố còn
là chuyên viên kỹ thuật và sửa chữa
các thứ hầm bà lằng trong nhà, chiếc
lò nướng cũ mẹ vứt vào thùng
rác, hôm sau ra “garage” đã thấy
nó chễm chệ trở lại nằm cạnh
cái bếp điện. Cái xích đu hỏng
biến ngay thành cái giàn cho hai nàng
tóc tiên và tigôn nở hoa. Cả nhà
hay gọi bố là người làm cho nền kinh
tế Hoa Kỳ không phát triển, vì chả
chịu mua sắm gì cho bản thân, nhưng lại
rộng rãi với vợ con trong nhà , vậy mới
kỳ cục!
Bây giờ
đầu bố đã bạc, mắt đã mờ,
chân đã mỏi, bố nói năng không
hoạt bát, chẳng biết thơ phú văn
chương nhưng biết sửa cái nhà
cái cửa, biết đóng cái giàn cho bầu
bí, hoa kiểng trèo leo. Những công việc tầm
thường nhưng thật là cần thiết, nhiều
khi hạnh phúc gia đình chỉ cần có thế,
các con cần một người hướng dẫn
chỉ bảo trong nhiều tình huống xảy đến
trong cuộc đời. Bố là chiếc bóng thầm lặng nhưng là bóng mát chở che
để gia đình luôn là một mái ấm.
Các con lớn dần lên đã có cuộc
đời riêng, bên ông bố già lại
thêm mấy ông bố trẻ, mấy nàng dâu thì thầm với
mẹ chồng:
"Con cũng chỉ
mong nhà con được như bố !"
Nguyên Nhung
- Father’s
Day 2011-
(Nguyễn Trí Khải
sưu tầm và chuyển)