RỪNG BẦN
(Nguyễn
Ngọc Tư)
Chiếc ghe máy đi chậm rãi trên
lòng rạch
đang buổi nước ròng. Hai ông
cháu chủ ghe
làm tôi nhớ
cái truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, dù ở đây nhiều bần, ít mắm. Thằng nhỏ đen thui, da mốc cời trên mình chỉ dính cái quần cộc, nằm gối đầu lên ông
già cũng đen thui mốc cời chỉ quần cộc trên người. Họ đưa tôi ra gần cửa biển, chỗ một cồn cát nghe nói
khá đẹp. Nước biển trong, tắm được. “Người ta hay ra đó chơi”, thằng nhỏ quảng cáo ngắn gọn.
Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm,
thành rừng.
Những trái bần xanh gây ra một phản xạ ứa nước miếng, ê răng cho những ai từng nếm thử chúng, dù chỉ một lần. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng
không thấy
chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống. Dầm chân trong
sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu, buồn buồn. Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng và lạnh. Cảnh này mà
có thả cụ Charlie Chaplin vô giễu cũng không cười nổi. Riêng cái
tên “bần”
thôi đã nghe có chút ngậm ngùi rồi.
Chiếc ghe tấp vô bờ, thả tôi lên cồn, ông già dặn cứ chơi vui chừng nào về cũng được. Tôi lang thang giữa những rẫy dưa hấu tàn mùa, chỉ còn mấy trái đèo
nằm chèo queo trên
cát. Những gốc cây dạt lên bãi sau cơn biển động nằm chỏng gọng. Vài người đàn bà
đi mót củi
không nói cười.
Đơn độc giữa bãi biển là căn
chòi canh giữ của hợp tác xã
nghêu giống,
nóc cắm ngọn cờ le lói. Xóm cồn nhà nào cũng
thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Báo viết cồn cát này sắp bị biển nuốt mất, nhưng mấy thím đang ngồi làm cỏ rẫy thì lia mũi dao
về phía trời ngó bộ rất coi thường, “ối người xứ này đất bồi
thì ở đất lở thì đi, lo cũng
không khỏi”... Lội bộ mỏi chân nên
ghé một
nhà có ông già đang ngồi tư lự, hỏi nhà mình sống bằng nghề gì, ông tỉnh bơ cười, “qua ăn trộm”. Mắt không hề chớp. Thì ra là trộm nghêu giống của hợp tác xã
mà chính ông cũng là xã viên. Hồi trước nhà ông
có vài công đất rẫy nhưng bị sóng nuốt mất rồi, giờ không cào
nghêu trộm
thì chết
đói. Ông nói không trông mong gì
cái ban chủ nhiệm toàn là vơ vét cho đầy túi họ. Đang ngồi có người đàn ông tạt vô uống mấy ly trà, nói
vài câu qua quýt, còn vô bếp lục nồi ra chiều thân mật lắm. Chừng khách đi rồi ông già mới nheo mắt khinh bỉ nói, “Phó chủ nhiệm
hợp tác xã đó, như mật
thám hồi
chiến, suốt ngày đi thăm
dò, bếp
nhà qua mà có thịt
là nó biết
qua cào nghêu của
nó…” Nhưng
trong bếp không có
gì ngoài mấy con
cá kho quéo, dưa hấu non xắt nhỏ xào mỡ tỏi. Ông già thấy tôi hơi xót cho bầy con nít lủ khủ đầy nhà nên hạ giọng thầm thì, “thịt
heo bà vợ
qua giấu
trên giàn củi,
đợi
khuya mới cho
tụi nhỏ
ăn …”
Sau chi tiết đó thì
tôi thấy
cái xóm cồn nhỏ này trở nên thênh thang.
Mấy chục nóc gia bị cắt vụn bởi cuộc chiến giành giật miếng ăn. Biển nuốt đất nên trả lại cho người một bãi nghêu,
được nghêu thì
tình người hao
khuyết. Chòm xóm mặt cười với nhau mà lòng
lạnh. Như màu trăng giữa nắng. Như cây bần, như rừng bần, đứng kề mà như rời ra, cô độc.
Tôi bỏ ra chỗ chiếc ghe đang đậu chờ dưới mé rạch. Ông già
đang nhả
khói hơi ngạc nhiên, hỏi sao tôi chơi ít vậy. Tôi than xóm
này buồn
quá. Ông ờ ờ quăng điếu thuốc hút dở xuống rễ bần, nói nhẹ bâng, “mấy
bữa trước,
ngay trân đêm hội
lăng Ông, có người
ăn trộm
nghêu bị
bắn què giò …”
Câu chuyện làm tôi muốn lập tức quay về, nhưng thằng nhỏ cháu của ông già chạy hơi đâu mất. Ông già
réo gọi
hoài không được, sợ du khách phật ý nên rốt cuộc ông già bỏ thằng nhỏ lại. Ghe đi một đoạn thì thấy trên bờ thằng nhỏ vọt theo kêu ngoại ơi ngoại. Ông già lầm lì như không ngó thấy. Thằng nhỏ chạy vọt qua khỏi đầu chiếc ghe rồi lội càn xuống đu mũi ghe leo
lên. Ướt
ròng, thằng nhỏ ôm bàn
chân đang chảy
máu, chắc bị miểng ốc cắt, lấm lét ngó
ông già. Nếu
không liều
nó sẽ phải lội bộ ba cây số, luồn qua bao vạt rừng bần, qua một con rạch mới có thể về đến nhà.
Suốt chặng đường từ mé biển về, tôi ngồi giữa cơn im lặng của hai ông cháu.
Trời im gió, những cây bần lặng yên không vẫy. Trả tiền công cho ông
già xong bỗng
nghe thằng nhỏ thỏ thẻ, “có tiền
thì khuya nay mình khỏi
đi cào nghêu, hả
ngoại?”
Rừng bần thì đẹp lắm, nhưng buồn…
Nguyễn Ngọc Tư
(Bui Kim Tuong
sưu tầm và chuyển)