ĐỊNH
VỊ
PHỐ
(Nguyễn Ngọc Tư)
Mười một tuổi, từ
Mương Điều ra nhà ngoại trọ học, bà má dặn
đò ghé bến kinh Mười Sáu, cứ nhắm cái cây lớn
nhất đi thẳng tới là tìm được nhà, khỏi
sợ lạc mà người lớn chẳng phải mất
công đón đưa. Suốt con đường dọc mé
sông chỉ có mỗi một cây còng cao hơn những nóc nhà
lụp xụp của dân tản cư hồi chiến. Cây
đã dẫn dắt đứa trẻ nhà quê đi đúng
đường mà nó phải đi.
Và thằng
nhỏ đó giờ qua tuổi năm mươi, cây còng vẫn
còn de cành trên con đường cũ. Gốc bằng ba
người ôm, nhưng ngọn thì trẻ măng, bởi
ngọn chỉ là một cành được nuôi giữ lại.
Cây bao nhiêu tuổi, bao mất mát mà vẫn trẻ, mỗi
năm mỗi hoa. Thằng nhỏ tuổi năm
mươi nói hú hồn, nhờ con đường không còn
chỗ để cơi nới nên cây mới còn.
Phố
thưa màu xanh, nhưng chắc là không ai không có kỷ niệm
với cây cỏ, ít nhiều. Cây bàng trước nhà thằng
nhỏ đã đứng tè hồi chưa biết mắc cỡ.
Gốc điệp trong sân trường ra hoa suốt mấy
mùa thi. Cây me cuối đường đã từng trèo hái té
suýt gãy tay. Cội gòn đầu hẻm những trưa
đứng chơi vơ vẩn chờ ông bán kem đẩy
xe qua. Cây sữa ở công viên bị thời tiết đỏng
đảnh phương nam tác động, một năm mấy
đợt thơm gắt gỏng bám gót giày thể thao. Hay
một bữa ngồi chờ bồ dưới tàng trứng
cá, bị chim ỉa lên vai. Kỷ niệm mà, đẹp xấu
gì cũng nhớ.
Quán bún Cây
Còng nức tiếng bán khuya và bán rẻ, mấy chục
năm không bảng hiệu, người ta vẫn nườm
nượp tìm tới, bảng hiệu của nó chính là cây
còng quỳ. Ngay cả khi cây bị bật gốc sau một
trận bão hiếm hoi tràn vào thành phố, những người
đã từng ăn bún ở đó vẫn da diết nhắc
quán cây còng mỗi khi luận quanh đề tài ăn vặt.
Hiện lên trong trí tưởng một thân cây lùi sùi rêu xám nghiêng
mình che chái quán, hai ngọn đèn đỏ tù mù, và khói nghi
ngút bốc lên trên nồi nước lèo. Hồn cốt cây
bằng cách nào đó đã tìm được một chốn
nương náu, ngay khi thể xác đã thành củi, thành
khói. May mắn, khuất bóng rồi những cái cây vẫn
còn bàng bạc trên đời thêm chục, hai chục năm
nữa, nhờ vào ký ức của con người.
Một đứa
bạn tiểu học vẫn thường ăn trưa
dưới tàng cây si nằm góc sân chùa Phật Mẫu. Xúm xít
chỗ đó còn có vài gia đình lao động nghèo khác họp
mặt buổi trưa. Xôi đùm cơm nắm mang theo, ba bạn
mua ve chai, mẹ gánh trái cây, thêm đứa em gái bạn chừng
bảy tuổi. Tiếng cười của họ hay làm
bâng khuâng khách qua đường. Hồi đó đứng
nhìn bạn tỉ mẩn chải tóc cho em, những đốm
nắng đổ lên tóc xanh trẻ, cứ nghĩ sau này sẽ
cưới bạn làm chồng.
Ngoài quán nhậu,
tiệm cà phê .. may nhờ có cây người ta dễ dàng chỉ
trỏ một chỗ bất kỳ. "Tới ngã tư
quẹo phải chạy hoài chừng nào đụng chòm me
tây là tới", hay "cứ men theo mé sông chừng nào
nghe cây kêu gió là nhà tôi, khúc đó có mấy cây dương lâu
đời lắm rồi", hay "nhà cô Bảy Chà hốt
thuốc nam ở ngay chỗ có hai cây si dính lẹo". Một
người Việt ở Mỹ
lên mạng coi bản đồ số đã nhìn thấy
ngôi nhà của mình, nơi có bà mẹ cùng đứa em gái
đang nấu cơm. Không dễ nhận ra một ngôi nhà
trong dãy phố đối diện nhà trẻ Mặt Trời,
nhưng cái chấm xanh lờ mờ kia đúng là cây mít nhà
mình. Mẹ vẫn thường ra đó ngồi những
trưa nắng gắt, tay phe phẩy quạt giấy, chung
quanh dái mít rụng đầy.
Và bông giấy
nữa, anh không nhìn thấy bông giấy, nhưng ký ức biết
nó đã lợp đỏ cánh cổng vào nhà, thứ cây chịu
nắng chịu mưa rất giỏi, sống dai. May còn có
cây, đời còn có phút giây dịu lại, nỗi nhớ
còn có đôi cánh chấp chới bay.
NGUYỄN
NGỌC
TƯ
Aug
1, 2013
(Diễm
Trinh sưu
tầm
và chuyển)