Thường thì
cổng có cửa, có bản lề để dễ dàng
khép, mở. Cũng lắm khi, có cổng mà chả có
cửa bao giờ ! Như Cổng Tam Quan (Rạch Giá).
Như "Cổng Mâyđã mở, Cho tôi vào gặp
em" .. (ĐẠM NHIÊN). Như Cổng Trời
(Star Gate). Hoặc như Cổng Đời mà tôi
đang sắp sửa nói về ..
***
.." Ở cái
đất này, thời gian trôi nhanh quá. Nhanh như là một
cái xoay lưng. Xoay mặt lại đã thấy trời
đất khác. Nhanh như là một cái chớp mắt.
Mở mắt ra đã thấy xế tà. Phải công
nhận XUÂN DIỆU quả là bậc thầy vĩ
đại về sự cảm nhận sức chuyển
đổi vùn vụt của Thời-Không:
Vừa xịch
gối chăn, mộng vàng tan biến
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành
Vàng son đang lộng
lẫy buổi chiều xanh
Quay mặt lại
cả lầu chiều đã vỡ !
Mùa thu nơi này.
Sức chuyển đổi hiển hiện rõ rệt
nhất với lá cây chuyển đủ mọi sắc
mầu. Từ xanh chuyển sang Vàng. Nâu. Đỏ. Tím. Tía
.. Rồi Vàng cam. Vàng chanh. Vàng ưng ửng đỏ.
Đỏ tươi. Đỏ rượu chát. Đỏ
bầm. Đỏ tím nếp than. Rồi nâu non. Nâu
đậm. Nâu khô. Còng queo lăn long rong trên mặt
đường đầy xác lá, càng làm nhà ga Shady Grove,
Greenbelt đã quạnh hiu càng thêm hiu quạnh những
buổi trưa, buổi chiều chờ xe Bus .. Nắng
vàng mà không ấm. Sao nắng vàng mùa thu không hề ấm bao
giờ !?!? Hay bởi cá nhân mình giống: "Chiếc lá vàng
khô, như nét môi già đã nhăn, chờ lên nẻo
đường băng giá .." (PHẠM DUY)
Trên nền trời
bàng bạc xám, rồi được cái nắng vàng
hửng lên, tất cả sắc màu đặc sắc
của lá mùa thu nhảy ùa vào đôi mắt nhạy cảm
sắc màu, làm bật ra tiếng kêu không kềm níu
được: "Trời ơi ! Đẹp quá ! Đẹp
quá !". Đẹp thật. Nhất là ngồi trên xe bus,
đi lướt qua phố chợ, nhà cửa, hàng quán trang
trí nổi bật. Lướt qua những thảm cỏ
kiểng được chăm sóc, tưới tắm xanh
rờn quanh năm. Những luống hoa, những bồn,
những chậu đỏ, vàng, trắng, xanh, tím, cam, túm
tụm, ríu rít, chen chúc nhau khoe dáng, khoe hình, khoe xinh, khoe
sắc .. Lướt qua những rừng cây nhuộm lá
đủ mọi sắc độ. Rung rinh. Lúng liếng.
Lao xao. Ve vẩy. Hoặc rung lên bạt ngàn, lấp lánh ..
Đôi khi xe như chui giữa vòm cây giao nhau trên đầu.
Con đường hẹp. Lá rựng lên vàng hực.
Đỏ thắm. Nhiều khi nửa xanh, nửa vàng,
nửa đỏ nâu rực rỡ, huy hoàng. Những
tảng màu hào sảng chen lấn vỗ vào thị giác ta làm
bật ra những cảm xúc lia lịa .. Ơi. Làm sao mà
tả được cái rợn ngợp, ngất ngây
như có một bàn tay bóp nhẹ trái tim, làm đập sai
đi một nhịp. Như có một mũi kim thật
nhỏ, thật bén, chích thật ngọt vào ngưỡng
cảm giác làm điếng lặng người trong một
phút giây đê-tê-lê-mê ..
Nhưng ! Đẹp
mà không bền. Đẹp mà không lâu. Đẹp mà không
chắc thật .. Vì cây lá chuyển màu từng ngày, từng
đêm. Làm đất trời bừng lên sự rạng
rỡ, để rồi dần dần trút bỏ những
chiếc áo choàng lá thắm, muôn màu, để trơ thân
gầy gò hứng chịu cái giá rét, não nùng.
Tại sao tạo
vật bao giờ cũng đầy sự hưng phấn
trước khi tàn tạ, tiêu vong ? Tại sao thiên nhiên bao
giờ cũng huy hoàng cực độ, để rồi
phải phai úa bất ngờ ? Để khách thơ
phải giục giã sống. Hối hả sống. Vội
vàng sống. Vội vàng hóa thành cái giây phút phù du diễm
lệ, còn hơn chìm khuất âm u, suốt kiếp mãn
đời ..
Thà một phút huy hoàng
rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le
lói suốt trăm năm
(XUÂN DIỆU)
Mùa Thu. Lần
đầu tiên hiểu rằng cái đẹp của thiên
nhiên cũng đày ải con người đến
nhức nhối tứ chi, đến muốn bại
liệt, chứ chẳng phải mỹ nhân mà thôi ..
Lá quả là
đẹp với những sắc màu không thể mô tả.
Lá quả là hấp dẫn với những gam màu không
thể pha chế. Nhưng những chiếc lá rơi
đầy sân, đầy ở quanh nhà Single House (Lá của
nhà mình trọ hoặc lá hàng xóm bay sang) thì làm tay chân rã
rời cào, quét, hốt. Và hậu quả là lệt bệt
bước vô nhà, nằm vật ra giường, chân
nhức, vai nhức, tay nhức. Sự nhức mỏi làm
mình có cảm tưởng bị tàn phế luôn chứ.
Cứng đờ. Còng queo. Y hệt như chiếc lá vàng
khô .. Và tất cả chỉ là công cốc. Công dã tràng.
Rồi gió lại thổi. Lá lại rụng. Rồi mưa
rơi. Lá lại ngập đầy sân. Trong khi đó, mình
bị bịnh lãng òm, lãng nhách .." (Trích Thu Quê Ai)
***
***
Đó là một đoạn tôi viết vào năm 1996.
Sau hơn ba mùa thu ở Mỹ. Hơn ba mùa thu đi làm
bằng xe bus. Còn nhiều mùa thu nữa được hân
hưởng mùa thu xứ người bằng những
chuyến xe công cộng, tha hồ cho đôi mắt và trí
tưởng rong chơi, bay lượn.
Nhưng đến khi có được một
chiếc xe hơi riêng đầu đời. Ngồi trong
xe kín mít, ấm áp. Cái lộ trình từ nhà đến
chỗ làm quá ngắn cho những cảm giác vung vẩy,
thừa thãi. Rồi khi đổi sang ca đêm, ở
một chỗ làm mới, thì mùa thu hay xuân, hạ, đông
chỉ còn là vấn đề của xe cộ (xăng,
nhớt, thắng, vỏ xe, bộ máy, độ nhạy,
độ bền, Heat, Air ..); vấn đề của lòng
đường bằng phẳng, trơn trợt hay
ngập tuyết .. ; vấn đề giao thông an toàn hay tai
nạn làm tắc nghẽn đường sá, cầu
cống .. Đường đời đâu phải bao
giờ cũng bằng phẳng trơn tru. Vì có khi mình
đun vào đít xe người, có khi người đâm
bổ vào xe mình .. Thế nên làm được bao nhiêu
tiền, mình đều phải nạp cho hãng Bảo
Hiểm (Car Insurance, Health Insurance, Life Insurance, House Insurance
..) như một điều luật tự nhiên thôi. Và thiên
nhiên ơi. Mùa thu ơi . Nắng vàng ơi. Đành chỉ nằm
trong cái cõi I-Meo. Nơi phong phú vô bờ những cảm xúc
và tâm tình đồng điệu :
Tha hương trải đã mấy
mươi thu
Xứ
lạ lênh đênh sống sật sừ
Thăm thẳm đường dài
đôi gót mỏng
Mịt mùng đất khách chiếc thân
cô
(TUỆ QUANG)
Các gam màu lộng lẫy của lá mùa thu. Các tảng
màu sắc huy hoàng của thiên nhiên diễm lệ. Đã tái
nhợt ủ ê hẳn trong mắt nhìn một nhà thơ cô
quạnh:
Thu qua lặng lẽ lại thu về
Cây
cối đổi màu vẻ ủ ê
Gió gặt lá vàng rơi lác đác
Trời ùn mây xám kéo lê thê
(NGÔ PHỦ)
Và chắc chắn cái lạnh của mùa thu, từ gió
từ sương, còn gợi nguồn hoài cảm thiết
tha cho hết thảy những kẻ cách xa biền biệt
quê nhà:
Trời
thu làn gió heo may thấm
Lạnh chiếc vai gầy, lạnh
nước non
Đất lạ sương chiều
buông ảm đạm
Gợi nguồn hoài cảm buổi
hoàng hôn
(VÕ NGÔ)
Tôi
không muốn đổ thừa cho cái ca đêm đã làm chai
lì cảm xúc mình. Lại càng không dám ngu ngốc trách móc cái xe
hơi đã làm giới hạn tầm nhìn mình kinh khủng
(phải nhìn kính chiếu hậu, kính phải trái, traffic
lights, các traffic signs .. chứ không được nhìn ngang,
nhìn ngửa, nhìn đắm say những bóng sắc trên
đường, coi chừng có ngày nhập viện như chơi).
Nhưng rõ ràng là nhiều khi tôi thấy các tiện nghi
vật chất, sự tiến bộ của khoa học
kỹ thuật đã cột chặt, đã trói gô và du
từng người vào cõi lạ lùng, cách biệt. Với
Head Phone, với Cell Phone, với cái Computer, bạn ở
một cõi của riêng bạn. Và tôi bị gạt ra ngoài
vòng giao cảm. Bơ vơ !!! Dù ngồi chung một
chiếc bàn. Dù rất gần nhau cái ghế. Nhưng
hiển nhiên là mình chỉ ở bên cạnh nhau. Bên cạnh
nhau mà cách biệt như tường cao, hào sâu chắn
lối .. nghìn trùng !!! Ta bị ràng bị buộc vào máy móc
mà không hay. Ta bị hạn cuộc vào linh kiện
điện tử mà không hề biết. Ta không còn
đủ độ nhạy cảm cần thiết
để mở cái tôi nhỏ hẹp của mình ra mà nhìn,
mà thấy, mà thương yêu, mà hiểu biết về nhau,
về thân phận con người hết sức mong manh,
bèo bọt. Mà tiếp xúc với con người bằng
xương bằng thịt, bằng tim óc đang còn đó
mà mất đó, phù du !
Bằng hữu bây giờ như
những lá khô
Cứ lần lượt rủ nhau về cõi khác
Mới nói chuyện hôm nay mà mai đã
mất
Nên từ lâu tao ngại kể
chuyện dông dài
(NGUYỄN CÁT ĐÔNG, Thư Quán Bản
Thảo tập 5)
***
***
Để có được một phương
tiện giao thông tiện lợi, hay nói cụ thể là
một chiếc xe hơi vừa đỡ hao xăng
vừa đẹp vừa bền, bạn phải
đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm tiền.
Để có được một mái nhà khang trang, tiện
nghi và không thua bạn, kém bè, bạn phải nỗ lực
gấp bội. Rồi chả nhẽ có nhà mà chẳng có bàn
ghế tủ giường thích hợp. Phải có một
cái TV bự khổng lồ ở phòng khách cho mát mặt
chủ nhân chứ. Phải có cái bộ Sofa da mịn như
nhung như của ông X chứ. Phải có tủ kiếng
bóng lộn chưng những ly, tách, đồ chơi
bằng pha lê lấp lánh như của bà Y chứ. Còn y
phục áo quần thì phải là đồ hiệu mới
ngẩng cao mặt với đời chứ. Thế là
cả nhà phải đi cày hai, ba jobs.
Sau khi quần quật bở hơi tai vì những cái
jobs trần ai khoai củ đó, ăn vội ăn vàng ba
cái cơm hộp, nước lọ giờ Lunch, giờ
Break đó. Về được đến nhà là rửa
ráy, tắm táp, mắt nhắm mắt mở chui vào
giường, sau khi lại ăn vội ăn vàng ba cái
thức ăn bỏ hộp trong tủ lạnh
được hâm nóng bằng cái Microwave hiện
đại, để ngủ ngáy cho lại sức mà đi
làm ngày mai chứ. Đâu có thì giờ cho cái TV bự
khổng lồ đâu. Đâu có thì giờ đặt bàn
tọa xuống cái bộ Sofa da mịn như nhung đâu.
Đâu có thì giờ ngắm nghía ba cái đồ chơi
bằng pha lê lấp lánh chưng trong tủ kiếng bóng
lộn đâu. Còn hai ngày cuối tuần thì lo chợ búa, lo
cái ăn, cái uống cho tuần lễ tới; lo giặt giũ,
dọn dẹp nhà cửa bề bộn một tuần. Chưa
kể nếu vợ chồng làm khác ca, khác hãng xưởng,
khác công, khác việc thì có muốn gây lộn cũng không có
thì giờ luôn. Có việc gì trọng đại cứ dồn
cả cho những ngày lễ, ngày long weekend, hoặc vacation.
Ngày lại ngày, đêm lại đêm, tháng lại tháng,
năm lại năm, cái điệp khúc đi làm, trả
Bills, trả Bills, đi làm .. gặm mòn một đời
lam lũ. Trong khi mặt trời vẫn mọc, mặt
trăng vẫn soi, Xuân vẫn sinh, Hạ vẫn
trưởng, Thu vẫn liễm, Đông vẫn tàng, mà đâu
có ai thèm biết tới.
Nghĩ cũng tội nghiệp cho cái
kiếp con người, nhất là những người có
xe hơi đắt tiền, có cái nhà to tướng, có cái
TV khổng lồ nếu không mắc Cable không coi
được. Vì gánh nặng nợ ngân hàng này đâu
có thua gì trái núi Ngũ Hành Sơn đè lên vai con khỉ
đột họ Tôn đâu. (Có bệnh cũng đâu dám
nghỉ lâu. Dù mệt lả cũng đâu dám xin Off hoài Off hủy).
Chưa kể nếu có cục hột xoàn bự xự,
đố dám đeo, phải cất trong Safe Box ở ngân
hàng. Thế thì mua làm cái quỉ gì thế nhỉ ?
Để dành làm của đặng đem về bên kia
thế giới hay sao ???
Tôi đang có ý phản đối cái lối sống
ở Mỹ này chắc. Đang muốn phá bỏ ba cái
tiện nghi vật chất này chăng. Đang muốn
cười nhạo những kẻ trưởng giả
học làm sang này mà. Đâu dám. Mà có dám cũng đố
chạy đàng trời ! Vì tôi cũng đang trôi theo dòng
đời, Go with the flow chứ hay hớm gì đâu.
Vậy mà cũng nửa kiếp lưu
đày
Kiếp trâu già cong lưng kéo cày
Kéo nhục nhằn miếng cơm manh
áo
Kéo tả tơi tất bật từng ngày
(HÀ HUYỀN CHI)
Bởi cánh cổng quê hương khép chặt vì ý
thức hệ vô minh, nên mình phải bỏ đi thành
một kẻ tha phương cầu thực
Bởi quê
hương khép chặt cổng rồi vì ý thức hệ
vô minh, nên mình phải bỏ xứ ra đi làm một
kẻ tha phương cầu thực. Nên mình thành một
kẻ lưu lạc, xin nhận quê người làm quê
hương dẫu cho khó thương. Dù lòng vẫn chưa
nguôi tiếng chim vịt kêu chiều, tiếng cuốc kêu
rỏ máu năm canh.
Vẫn ngàn năm con
cuốc gọi hè
Tiếng bìm bịp
nghe buồn con nước lớn
Người dẫu
thấy lời chim đòi đoạn
Cũng không ngờ
người đòi đoạn hơn chim
(NGUYỄN CÁT ĐÔNG,
TQBT 4)
Bởi cánh cổng đời ở đây
đã mở thật rộng đón tôi vào hội nhập
với những lo toan lạ hoắc, lạ kỳ từ
hơn 10 năm nay: lo bị lên cân, lo bị béo bệu, lo
bị bệnh lo (anxiety), lo bị Lay Off, lo hãng xưởng
bị Bankruptcy, lo nợ nhà băng, lo bị rớt máy bay,
bị đụng xe, bị terrorist .. Hơn 10 năm làm
thân trâu chậm uống nước quá xá đục, đâu
ít lần nhỏ lệ như tác giả MƯỜNG GIANG:
Đêm đêm
đứng ngóng về bên đó
Để đợi
chờ nhau, tiếng gọi thầm
Biển vẫn vô tình
triều sóng vọng
Đôi bờ
tượng đá khóc trăm năm
Tôi không biết có còn
mùa thu không nữa, từ khi chui vào chiếc xe hơi riêng,
có bảng số riêng. Như con ngựa được
đóng móng, bịt niềng, chạy mải miết theo bó
cỏ treo đàng trước mõm.
Tôi có còn mùa thu không
vậy, khi cổng đời phù hoa đã nuốt chửng
mình vào trong cái bụng tham lam, háu đói. Và tôi đang trôi
lăn theo cái nhịp tiêu hóa chóng vánh của nó nếu không
biết cách thoát thân.
Tôi có còn mùa thu không,
khi tuổi đời đang tiếp giáp bến bờ
hư không, đông chí.