Chân thành cám ơn các tác giả Thơ, Nhạc, Nhiếp Ảnh
được trích đăngvà tiếng đàn của nhạc sĩ La Tùng Sơn
với bản nhạc nền Cành Hoa Trắng.
HOA BẤT TỬ
HOA BẤT TỬ
Hoa chi thơm lạ thơm lùng,
Thơm cây thơm rễ, người trồng cũng
thơm ???
(Ca dao)
Tôi vốn yêu hoa.
Hồi đó (hồi cái thuở Trung Học Rạch Giá) tôi
đã mê Hồng : Hồng nhung, Hồng trắng, Hồng
vàng, Hồng đỏ thẫm, Hồng hường,
Hồng cánh sen .. Dù bạn bè từng nhiều lần
cảnh cáo: Ai thích chơi với Hồng sẽ bị gai
đâm, chảy máu. Y như ai thích đùa với tình sẽ
bị tình cho vết thương đau, cũng đổ
máu nhưng là những giọt máu bầm vô sắc. (Yêu
nghĩa là phôi phai, nghĩa là mang hận hoài -- Tình
hờ)
Lớn lên. Gần
đây thôi (ở cái tuổi ngũ thập), tôi chợt
mở lớn mắt mà thấy hoa-nào-cũng-đẹp
trời đất ạ: Từng chùm nhan sắc thắm
tươi lạ thường ! (Nguyễn Duy). Ngay cả
những bông hoa dại, nhỏ tí nhỏ ti, vô danh tiểu
tốt, thẹn thùng trong đám cỏ xanh mướt
mắt. Đúng là: Hãy nhìn một đóa hoa, Mà thấy
hết hương sắc (Trần Duy Phiên).
Thế nên. Phòng tôi bây
giờ có thể gọi là Phòng Hoa (không phải Phòng Hoa Chúc
đâu đấy nhé !!!) : Hoa Hồng (dĩ nhiên), rồi
Sen, rồi Lan, rồi Cúc (Cúc đại đóa, Cúc mâm xôi,
Cúc vàng, Cúc trắng. Chả bao giờ có Bông Cúc Đen
như Khái Hưng kể), rồi Đào, rồi Mai,
Hướng Dương. Ngay cả những thứ hoa tôi
không biết tên nữa. Miễn đẹp là tôi bê ngay về
!!!
Các bạn
đừng lo. Tôi đâu đến nỗi dại khờ
mà để cho các nàng Hoa giết mình bằng thứ
hương ngạt ngào vô tội. Cũng như tôi còn
đang yêu đời chán, đâu có thèm tự tử
bằng thứ vũ khí sắc hương mắc mỏ
này đâu. Với lại, tôi có tật thương vay, khóc
mướn, nên rất là sợ, rất là đau
đớn khi nhìn thấy cái thứ nhan sắc thắm
tươi đó bất chợt rũ rượi, tái
nhợt, gục đầu, rã cánh: Ôi, những
đời hoa rụng giữa mùa, Những Hằng,
những Phấn, những Hương xưa ..(Cao
Vị Khanh)
Do đó các nàng Hoa của tôi chỉ là hoa
giấy, hoa lụa, hoa vải, hoa ny-lông, hoa hạt
chuỗi kết, hoa sợi tơ hóa học, hoa mạ vàng
sáng loáng, hoa rắc kim tuyến lấp lánh, hoa bằng
gỗ , bằng vỏ ốc, hoa thủy tinh giả
dạng pha lê, hoa xà cừ. Hoa trong bình, trong chậu, trong
nước, trong bầu thủy tinh bất động. Hoa
treo trên tường, hoa trong tranh vẽ, hoa trong hình
chụp, hoa trong khung khảm xà cừ. Có thứ ngẩng
cao đầu diễm lệ. Có thứ chúc đầu
xuống, thõng thượt, ẻo lả. Có thứ cấm
cung vĩnh viễn trong bầu thủy tinh khoe sắc
cứng đờ. Có thứ lộng kiếng xa hoa. Đó
là những nàng Hoa Bất Tử của tôi. Của riêng tôi
làm bầu làm bạn. Lúc mở mắt, tôi thấy các nàng.
Lúc tắt đèn đi ngủ, các nàng lẩn vào bóng đêm.
Vô ảnh. Vô hương !!!
*
*
Bạn bè ta ai đã chia xa
Như một vòng hoa trôi đến
bến vô cùng ..
(Dòng sông mùa thu)
Trong phòng tôi không có vòng hoa. Nhưng chắc chắc
trong tim tôi có những vòng hoa tiếc thương
đẫm đầy nước mắt tử biệt,
sinh ly. Thương những đời hoa rụng giữa
mùa của muôn ngàn những bông hoa biết nói, của
bạn bè trai gái trong biết bao những cảnh
đời quê hương trắc trở; những tình
huống đắng cay, chua xót não lòng, hậu quả
của cuộc chiến ý thức hệ dai dẳng, lê thê.
Biết bao nhiêu là những bông hoa đã rụng giữa mùa.
Rụng trái mùa. Rụng sớm. Rụng lẻ loi. Rụng
bất hạnh. Rụng đắng. Rụng cay. Biết
bao là những đời cô Lựu. Biết bao nàng Kiều
không bao giờ được gặp Từ Hải.
Biết bao những chàng Thạch Sanh bị chằng chém.
Biết bao những nàng Kiều Nguyệt Nga bị giặc
cướp mà chả có Lục Vân Tiên giải vây, vì chàng
đã bị mù mắt vĩnh viễn bởi quá bi lụy
thảm sầu. Biết bao những cô Tấm không bao
giờ được gặp lại Hoàng Tử vì chỉ
được sống một lần. Biết bao là
những mẹ con nàng Cám, những mụ Tú Bà, những gã
Sở Khanh tác oai, tác quái, hãm hại người hiền
lương. Biết bao nhiêu cô-bé-quàng-khăn-đỏ
chết trong hàm răng sói già ...
Ngày nay, những con sói già không dễ dàng nhận
diện như trong chuyện cổ tích, như trong phim
ảnh, tiểu thuyết. Nhiều khi đó là một
thứ chủ nghĩa bao trùm cả một phần nhân
loại, một nửa bán cầu và có tham vọng xâm
lấn toàn cả địa cầu. Nhiều khi đó là
chế độ chính sách của quốc gia nằm trong
hệ thống chủ nghĩa dây chuyền đó. Và cái
thứ lưới chính trị lồng lộng giăng trên
đầu công dân như thiên la địa võng, hoặc chìm
sâu trong lòng tham sân si thâm căn cố đế của
kẻ cầm quyền, của đảng phái thống
trị, thì những cô bé quàng khăn đỏ, khăn
đen, vàng, trắng, tím, hồng làm sao thấy
được những chiếc răng nanh đã
được niềng hoặc được mài dũa,
được giải phẫu thẩm mỹ hợp thời
trang ??? Mà biết đâu lại chẳng mê mẩn,
đắm chìm trong cái hào nhoáng bóng lộn phĩnh phờ
dụ hoặc đó của gã sói đội lốt
người, bảnh mã, đẹp hình, xảo ngôn,
nịnh sắc ???
Và cuộc đời thực tại thì không phải
chỉ bấm nút Remote Control một cái là đổi
được băng tần từ khổ đau khốn
khó sang vui vẻ dư thừa. Từ địa ngục
trần gian sang thiên đàng, cực lạc. Có phải vì
thế mà Lâm Anh (trong Thư Quán Bản Thảo tập 11)
đã khắc khoải: Tìm Người Hiền trong
suốt cõi Xuân Thu:
Dặn lòng về với mọi núi trăm sông
Những con cá bống để lòng
vàng như cát
Suốt cả Xuân Thu .. cuối
đời hồng hạc
Biết Người Hiền có
đậu cánh trong mơ ???
*
*
Mà đâu phải
chỉ mỗi một mình tôi yêu hoa. Hoa là tình yêu của
cả nhân loại đấy chứ.
Cứ nhìn những
vật dụng quanh mình khi ăn, mặc, ở, ngủ,
nghỉ thì đủ thấy rồi: từ cái chén, đôi
đũa, ly tách thế nào mà mà chả có hoa chạm, hoa
vẽ. Các dĩa gỏi, dĩa nộm đâu có thiếu
những lát củ cải, củ cà rốt, dưa leo,
được bàn tay khéo léo của má, của chị,
của em tỉa tót hình hoa cúc, hoa hồng. Hoặc sắp xếp
bày biện những miếng chả, dĩa thịt,
những món ăn làm sao cho có hình dạng những bông hoa
nhiều cánh nở bung, nở bụp, nở xòe, mỹ
thuật. Con gà trống thiến luộc nguyên con
đặt trên bàn thờ rước Ông Bà về chung vui
với con cháu ba ngày tư, ngày Tết, cũng không
được thiếu một bông hoa đỏ
tươi cắm vào cái mỏ hướng thẳng lên
trời, như một lời mời hết lòng thành kính .
Heo quay nguyên con hoặc chỉ cái thủ vĩ lợn
cũng được gắn hoa đỏ ở mõm
để buổi cúng kiến tăng thêm phần uy nghiêm,
linh ứng.
Rồi cái áo, cái
quần, cái váy, cái yếm, thậm chí đồ lót cũng
có hoa in, hoa dệt, hoa đăng-ten, hoa vẽ, hoa thêu.
Rồi dép hoa, guốc hoa, hài hoa. Bóp hoa, ví xách tay hoa,
gương hoa, lược hoa. Nón hoa, dù hoa, quạt hoa,
đèn hoa. Trọng đại cả một đời
người thì có kiệu hoa, lọng hoa, xe hoa. Rồi
chiếu hoa, nệm hoa, gối hoa điểm tô ở
chốn loan phòng. Với những bức tường trang
trí hoa, dán giấy hoa, chăng màn hoa ở cửa sổ,
cửa ra vào ..
Có hoa cho lứa tuổi
học trò : hoa Phượng mùa hè, mùa thi; hoa Cúc tựu
trường. Có hoa cho mùa tình ái : Hồng, Tuy-líp. HoaSen của Phật giáo, Huệ
trắng muốt của Công giáo. Có hoa bốn mùa Mai Lan Cúc
Thược Dược cho Xuân Hạ Thu Đông. Hoa rực
rỡ lộng lẫy, không thể thiếu, trong những
dịp hội hè đình đám, cưới hỏi, ma chay,
sinh nhật, lễ lạc, Tết nhất. Hoa
được yêu chuộng trong những sản phẩm
mỹ nghệ, thủ công, đồ trang sức
nhỏnhắn xinh xinh (bông
tai, dây chuyền, nhẫn, vòng xuyến, hộp đựng
..) cho đến những hoa văn chạm khắc hoành
tráng công phu ở đền, đình, miếu mạo, chùa
chiền.
Hoa lặng lẽ có
mặt trong đời sống thường nhật
của con người Đông Tây Kim Cổ chứ đâu
phải chỉ qua những áng thơ văn. Hoa trên bàn thờ.
Hoa ngoài bờ dậu, hàng hiên. Hoa thật trong phòng khách, trên
bàn ăn. Hoa in trong lịch treo tường. Hoa chưng bàn
viết. Hoa chạm ghế ngồi. Xoay về hướng
nào cũng thấy hoa. Đi đâu cũng gặp hoa. Trong
nhà. Ngoài ngõ. Đường phố. Công viên. Hàng quán.
Chợ búa. Núi cao. Đồng bằng. Thôn dã. Ngay cả
dưới đáy biển cũng có những loài Hoa
Biển độc đáo, lộng lẫy sắc màu. Có
những làng chuyên trồng và lai tạo hoa. Có những phiên
chợ hoa màu sắc choáng ngợp, huy hoàng, rực rỡ
suốt những ngày cuối năm. Và đặc biệt
là cảnh tấp nập, dập dìu những chiếc xe
ngựa, xe thổ mộ, xe lam, xe đò chật nứt
những Mai vàng, Vạn Thọ, Cúc mâm xôi, Lay-Ơn,
Mãn-Đình-Hồng, Hoa Mồng Gà, Cúc lai đủ màu ..
Hoặc những chiếc xuồng chở hoa đầy
khẳm từ vườn quê lên chợ, như chở mùa
xuân đầy ắp sắc hương từ thôn dã
về chốn thị thành.
Cứ thấy
những hiên nhà treo toòng teng, hoặc ban-công nhà ai đó xum
xoe vài ba chậu hoa con con được chăm sóc tưng
tiu tưới tắm sớm chiều là đủ thấy
lòng yêu cái đẹp của con người. Bất
luận sang hèn giàu nghèo. Bất luận số lượng
bồn chậu hoặc diện tích vườn
tược. Không phải chỉ có Vua Chúa, những bậc
phong lưu quyền quí với những Vườn Thượng
Uyển rộng bao la, những khu vườn kỳ hoa
dị thảo bát ngát mới gọi là người đáng
mặt yêu hoa.
Đỏ nhói trên tóc
bạc
Phượng nở tung từng chùm
Rơi phượng
rơi
Hoa tàn lửa
Những lóe sáng
của người !
(Đỗ Nam Cao)
Những người
Việt Nam đồng bằng sông Cửu Long, miệt U
Minh Thượng, U Minh Hạ, sống bập bềnh trên
sóng nước, kết hợp thành làng nổi, chợ
nổi, không ruộng, không đất, không vườn, làm
gì mà trồng hoa. Thế mà vẫn có bông Lục Bình tim tím
nở dập dềnh trên sông; những giò Lan dại treo
lủng lẳng bên mui thuyền;bông Tràm trên bờbốn bề nở trắng, tỏa ngát hương
ngọt ngào: U Minh bốn bề là tràm, Chẳng biết
mùa nào hoa nở , Mà hương thơm dường như
suốt mùa, Ướp mật vào hơi em thở
(Hương Tràm). Thiên nhiên cũng khéo ưu đãi kẻ
bềnh bồng chứ hả !!!
Chúng ta đang ở
giữa một xã hội hoa. Hoa thật. Hoa giả. Hoa trang
trí. Hoa trang sức. Hoa triển lãm. Hoa trưng bày. Hoa
dược thảo. Hoa sưu tầm. Hoa lai tạo. Hoa
mỹ thuật. Hoa kỹ nghệ. Hoa trình diễn và
tuyển lựa. Chúng ta đang ở giữa một văn
minh hoa, một trần gian hoa. Chúng ta sử dụng Từ
Hoa để kho tàng ngôn ngữ thêm phong phú, thêm đẹp
đẽ. Chúng ta nói Lời Hoađể sự giao tiếp không thô tục, sỗ
sàng (dĩ nhiên đừng quá độ dễ trở thành
sáo ngữ, rỗng tuếch). Chúng ta được nhìn
thấy Mặt Hoa yêu quí của bố mẹ, của
ngưòi yêu, của bạn gối chăn, của con cháu
từng ngày. Chúng ta tuyển lựa Hoa Hậu để
trân trọng và thỏa mãn khát vọng tìm kiếm Cái
Đẹp. Vậy thì chính bản thân ta sẽ làm gì
để được xứng đáng làm Người
Hoa (vì người ta vốn là Hoa Đất )???
*
Như vậy câu
hỏi trong Ca dao : Hoa chi thơm lạ thơm lùng, Thơm
cây thơm rễ, người trồng cũng thơm ..
đó, các bạn muốn trả lời sao thì tùy tâm, tùy tánh
nhé ! Vì ai mà nỡ gò ép nhau, đối chọi nhau về
một bông hoa riêng tư, duy nhất !!!
Riêng phần tôi
chỉ muốn bắt chước nhà thơ Phan Như mà
bỏ lơ ba cái chuyện bất tử với hữu
tận, ba cái đề tài bất biến với lại vô
thường, để chỉ còn thấy
Đóa-Hoa-Nụ-Cười nở đẹp nhất trong
suốt cõi người ta:
Nào có can chi
đời hữu hạn
Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng
Nào có can chi đời lận đận
Giữa trái tim ta có
nụ cười hồng
Cuối tháng 05/04 (Ước mong bài viết này như một bông hoa nho
nhỏ dâng tặng người biết yêu cái Đẹp và
sự Tốt Lành).