Cơm Cháy Nồi Đồng
(LÊ
KÝ THƯƠNG)
Dân, người
bạn thân của tôi từ thời học trung học,
mấy chục năm ở nước ngoài đến
giờ mới “chịu” về thăm quê cha
đất tổ. Muốn mời bạn một bữa
cơm gia đình cho thân tình thay vì mời
ăn ở nhà hàng, nên hỏi bạn “nhớ”
món ăn gì của Việt Nam mà lâu nay
chưa có dịp “gặp” lại, bạn cũng
thân tình trả lời: “Trong
bảng thực đơn hưởng thụ của
mình chỉ còn thiếu một miếng cơm
cháy quê nhà, mà cơm cháy nấu bằng
nồi đồng mới đúng điệu”.
Ôi, cái thèm của bạn hết sức
chân thành, hết sức khiêm tốn, hết sức
dễ thương nhưng nghĩ lại thì hết sức
khó thực hiện, vì thời buổi này
tìm đâu ra chiếc nồi đồng để
nấu cơm cháy đãi bạn, mà dẫu
có đến nhà hàng thì cũng chỉ
là “cơm niêu Việt Nam” !
Ngày xưa,
cái thời nấu cơm bằng nồi đất rồi
đến nồi đồng, cơm cháy là miếng ăn vương giả của
con nhà nghèo, của những người thiếu
ăn. Đong gạo đổ vào nồi - buổi
trưa chỉ đủ cho cả gia đình ăn, buổi
chiều dư ra một chút cho phần cơm nguội
sáng mai, vo bằng nước giếng, canh sao mực
nước trong nồi vừa đủ chín cơm,
không khô, không nhão. Nhen lửa củi, bắc
lên bếp. Khi chụm lửa cho cơm sôi phải
chọn que củi cho than lâu tàn để khi
cơm cạn, bươi tro, than ra, vần xuống bếp
để than đủ nóng làm cho cơm vừa
cháy dưới đáy nồi. Phải nhớ vần
nồi và xới đều cơm cho cơm nở
và chín đều quanh nồi. Thêm một chi
tiết nữa là khi cơm cạn, từ trên
đầu ba ông táo đất vần xuống tro
than, nhớ đậy một miếng lá chuối
tươi giữa miệng nồi và vung để giữ
kín hơi nóng làm cho cơm mau chín.
Đó là tiến trình nấu một nồi
cơm nồi đất hay nồi đồng mà mẹ
tôi dạy khi tôi mới 12 tuổi, bởi vì
là anh cả trong gia đình, phải lo chuyện nấu
cơm trưa trong khi cha mẹ đi làm chưa về
để anh em ăn kịp giờ đi học.
Chuyện nấu
cơm nghe đơn giản như vậy, nhưng
hoàn cảnh nghèo khó đã tạo cho
tôi một ý thức trách nhiệm, một
tình cảm sâu xa gắn bó với nồi
cơm khi nấu. Nếu ham chơi trong khi nồi cơm
đang nằm trên bếp, lửa tắt không biết,
cơm sôi không hay, thì cơm sẽ sống, sẽ
khê, sẽ nhão hoặc trên sống, dưới
khê, bốn bề nhão nhoẹt. (Mà
đã có lần như thế). Cha mẹ sẽ
không có bữa cơm ngon hay đầy đủ
khi đi làm thuê, gặt mướn về,
có khi hai người phải nhường hết cho
con cái ăn, các em sẽ ăn không được
no, vì phần gạo bữa nào ra bữa
đó. Sung sướng nhất là mỗi khi nấu
được một nồi cơm hoàn hảo,
có một dề cơm cháy dưới
đáy nồi. Mỗi lần nhấc nồi cơm ra
khỏi bếp, theo lời mẹ dạy, nhúng
đáy nồi vào chậu nước lạnh
để nếu có cơm cháy thì dễ lấy
ra. Trưa nào cha mẹ về trễ, bới để
phần cho hai người xong, anh em quây quần
bên mâm cơm, đứa nào cũng muốn
có được một miếng cơm cháy.
Cơm cháy ngon nhất là cơm nấu bằng gạo
lúa mới, gạo tẻ, gạo tám thơm đầu
mùa. Hạt cơm vàng ngậy dính kết
nhau thành một dề lớn, thơm nức mũi,
chỉ nhìn thấy đã thèm chảy nước
miếng. Đó là vàng, là phần
thưởng của con nhà nghèo, của những
người thiếu ăn. Chỉ cần một miếng,
bẻ từng chút một, bỏ vào miệng nhai
từ từ để thưởng thức cái
hương vị ngọt ngào của đất, của
khí trời, của nước, của lửa và
của cả mồ hôi nước mắt người
nông dân hợp lại rồi tất cả tan dần
ra, thấm vào từng tế bào của mình
... Ôi sung sướng biết bao ! Cơm cháy
còn là quà, là món tráng miệng.
Dắt em qua nhà hàng xóm chơi, gặp bữa
cơm chiều, bà chủ nhà cho một miếng
cơm cháy làm quà. Món quà nhà
quê đôi lúc chỉ như vậy thôi,
nhưng thương lắm, thân lắm mới cho, nếu
không thì người cho sẽ bị mang tiếng
là khinh rẻ con nhà nghèo. Hay ăn cơm vừa
xong, mẹ thấy dưới đáy nồi còn
ít cơm cháy bèn vắt cho mỗi đứa
một dúm để ăn ... tráng miệng. Mừng
lắm, sướng lắm.
Nhớ thời
còn nhỏ, nhà bên cạnh mua cơm khô,
cơm cháy về nấu cháo cho heo. Họ trải
ra phơi ba bốn nia trước sân cho khỏi ẩm
mốc. Thằng con bà chủ nhà cùng trang lứa,
có lẽ chưa bao giờ được ăn
cơm cháy nên thèm, bèn “thó”
mấy miếng lận trong lưng quần, rủ nhau chạy
ra vườn, núp sau bụi chuối, chia nhau ăn một
cách ngon lành như ăn bánh cốm. Nghĩ
cũng tức cười, con người luôn luôn
thèm muốn những gì họ thiếu. Thằng
bạn kể, trong tù anh nào có được
một miếng cơm cháy là “cha thiên hạ”
rồi, phải dấu mọi người mà ăn,
tin tưởng nhau lắm và có cảm tình lắm
mới chia cho một chút.
Có ai ngờ
miếng ăn nghèo bây giờ lại “đổi
đời”, lên ngôi. Chắc chắn khi
tôi nói với mẹ tôi, người
đã 80 tuổi, về điều này, bà
không thể tin được. Nhưng nó cũng
giống như chuyện bà mẹ quê đâu
ngờ rằng bây giờ mình cầm ống
“alô” nói chuyện với với con
cháu ở cách xa đến mấy trăm, mấy
chục ngàn cây số. Không chút mặc cảm
tự ti mà còn tự tin và hãnh diện,
cơm cháy ngồi cùng chiếu mang cái
tên là “Menu” bên cạnh những
món ăn Âu Á đắt tiền trong các
nhà hàng sang trọng ở thành phố
này và trên đất nước này.
Cùng một “giai cấp” với nó
còn có rau muống luộc, cá cơm khô,
cà dái dê (cà tím) nướng than ...
(Còn món gì nữa không biết, vì
tôi không thuộc tầng lớp khách thường
xuyên của các nhà hàng).
Nói về rau
muống, tôi nhớ không lầm, trước 1954,
người miền Nam không biết ăn rau muống,
thật sai lầm khi họ dùng rau muống cho heo
ăn. Sau 1954 người miền Bắc vào miền
Nam mới “du nhập” rau muống vào bữa
cơm đạm bạc của người miền Nam.
Rau muống sống, rau muống luộc lấy nước
bỏ ít bột ngọt, muối, vắt chanh làm
canh, sang một chút thì rau muống chiên tỏi,
nhà nghèo quá thì rau muống chiên dầu
phộng, rau muống nấu canh với một ít
tóp mỡ và mắm muối. Rồi qua gần nửa
thế kỷ, đột nhiên vì nhu cầu của
những người ớn thịt cá đến
“tận cổ họng” nó nghiễm nhiên
nhảy lên bàn ăn có trải khăn trắng,
có khăn lạnh lau mặt và có người
phục vụ. Một đĩa rau muống luộc chỉ
vừa bữa ăn cho một người, mười
ngàn đồng, số tiền đủ cho một
người lao động nghèo ăn hai bữa
cơm bình dân trong ngày. Còn cá cơm
khô, món trân châu ở miền quê hẻo
lánh hay trên rẻo cao của con nhà nghèo
rớt mồng tơi trong mùa mưa lũ, bây giờ
được “nâng cấp” tẩm bột
chiên bơ dành cho khách “sộp”.
Nói đến mấy món ăn của nhà
nghèo mới nhớ câu chuyện bà hàng
xóm mắng đứa con biếng học:
“Mày không chịu chăm chỉ học
hành, sau này chẳng ra gì, đừng hòng
có món ngon vật lạ mà ăn, chỉ
ăn đầu tôm xương cá thôi con ạ”.
Thằng con trả lời tỉnh bơ: “Má lạc
hậu quá, xương cá bây giờ người
ta đã đưa lên hàng ‘công nghệ
thực phẩm’, bán đầy trong siêu thị,
xuất khẩu sang tận Mỹ đó.” Thằng
nhỏ nói đúng. Gia đình người chị
vợ bên Mỹ “meo” về dặn Tết
này đừng gởi quà gì bên này
qua hết, nếu tiện gởi cho vài gói
xương cá tẩm vì “mấy đứa
nhỏ” (sinh tại Mỹ) rất thích. Nếu thế
thì không chừng cơm cháy cũng có
ngày độc chiếm thị trường Mỹ,
vì Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ
đã có hiệu lực rồi mà. Hiện
nay đã thấy xuất hiện cơm cháy bỏ
bao, cơm cháy chiên bán trên xe đẩy
ngoài đường phố, cơm cháy trong
nhà hàng. Và biết đâu khi qua
được đất Mỹ cơm cháy sẽ
đánh bạt món bắp rang bơ mà thế
hệ trẻ của Mỹ rất khoái ăn mọi
lúc mọi nơi.
Tôi biết bạn
tôi thời nhỏ cũng từng khốn khổ, cũng
giống như tôi, nên trong máu thịt và
trong tâm thức vẫn tiềm ẩn hương vị
thơm ngon của miếng cơm cháy nấu bằng
nồi đồng. Nó giống như một hạt
giống đã vượt qua bao thời gian, bao
không gian, bao thăng trầm, bao thương nhớ
để chờ dịp nẩy mầm. Bây giờ gặp
lại hương đất, khí trời thân thuộc,
chỉ còn thiếu nước và lửa ....
Và điều
quan trọng là chiếc nồi đồng.
Thương
quí bạn, muốn bạn được thỏa
lòng thưởng thức một miếng cơm
cháy nấu bằng nồi đồng chớ
không phải niêu đất, cho trọn vẹn chuyến
về thăm quê hương, tôi âm thầm
đi tìm chiếc nồi đồng như đi
tìm một người thân yêu mà
mình vô tình bỏ rơi kể từ
ngày có chiếc nồi nhôm thay thế. Trong thời
gian bạn còn ở lại thành phố, cuộc
tìm kiếm của tôi như bóng tối cuối
đường hầm. Khi tiễn bạn về quê
thăm bà con, tôi hứa sẽ tiếp tục
đi tìm nó cho đến bữa cơm cuối
cùng đãi bạn trước khi lên máy
bay rời tổ quốc.
Và rồi chiếc
nồi đồng ngày xưa đã tìm thấy.
Nhưng người tìm ra nó không phải
là tôi mà chính là bạn tôi. Từ
quê lên, bạn đưa cho tôi chiếc nồi
đồng nấu đủ bữa cho một trai cày
ăn mà ở quê gọi là nồi một. Bạn
cho biết chiếc nồi này có từ đời
ông cố của bạn, nghĩa là hơn trăm
năm. Nó chỉ dành để nấu cơm trắng
cho mỗi mình cụ. Mỗi bữa ăn, cụ
ăn phần cơm nạc, còn cơm cháy
thì cháu chắt trong nhà được hưởng,
trong đó có bạn. Tôi nói: “Như
vậy nó là vật gia bảo!”. “Ừ,
đối với mình, với cậu thì nó
là vật gia bảo, nhưng cậu biết, bà
con mình ở dưới quê có ai nghĩ
như vậy đâu. Mình không biết nó
đã lăn lóc qua bao nhiêu tay người,
bao nhiêu dàn bếp, cuối cùng nó thầm
lặng nằm trong xó bếp nhà cô Hai
mình. Mình đã được thưởng
thức lại miếng cơm cháy nồi đồng
chấm với nước mắm ớt tỏi chanh
đường từ chiếc nồi đồng quí
giá, ngon tuyệt vời! Và nhờ nó mà
mình hưởng được một cái Tết
đầy ý nghĩa khi về lại quê
nhà”.
Bạn đã
trao cho tôi chiếc nồi đồng không có
vung nhờ giữ như một kỷ vật để lần
sau bạn về tôi có dịp “trổ
tài” nấu cơm cháy đãi bạn.
Tôi hỏi sao bạn không mang nó về bên
kia? Bạn trả lời có một vài lý do
mà không nói rõ lý do gì. Tôi
vui vẻ nhận giữ chiếc nồi đồng theo
mong muốn của bạn, với hy vọng có dịp
hai đứa sẽ ngồi bên nhau cùng thưởng
thức một miếng cơm cháy nồi đồng.
Lê Ký Thương
(Diễm Xưa sưu tầm và chuyển)