SU'U TÂ`M 15

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | SUY NGÂM~ 8 | SUY NGÂM~ 9 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | LINKS | CÂN? THÂ.N !!! | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BA`I VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | BÀI VIÊ'T 13 | BÀI VIÊ'T 14 | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

VA(N

cautre_silk.jpg

 

 

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

(Hà Thúc Sinh)

 

Đi ngủ chớ, honey?”

Ông Jim đứng nơi cửa phòng ăn thông sang phòng khách cất giọng lè nhè quen thuộc. Không ngoái lại mà bà Tấm vẫn hình dung ra ông một cách trọn vẹn, chả riêng cái vóc dáng đã sồ sề vì tuổi tác, mà bà còn như thấy rõ cả những chân râu bạc cứng, những chấm đồi mồi chạy từ má xuống tới cần cổ nhăn đỏ như cổ gà nòi của chồng. Dẫu ông có đánh răng súc miệng kỹ mấy chăng nữa, bà vẫn ngửi thấy nồng ngay sau gáy mùi dưa chuột muối trộn mùi rượu vodka, đôi khi còn lộn cả mùi pepperoni và mùi xì gà. Nhưng cái mùi lông chó mới làm bà phát lợm. Bà không rõ lắm nguyên do vì đâu vợ chồng bà đã sống với nhau hai mươi lăm năm trời mà mãi đến gần đây cái mùi trộn lộn nồng nực ấy mới toả ra, và chỉ nội việc muốn quên nó đi đã là điều không dễ.

Bà hơi gắt:

“Bỏ ngay con Nancy ra sau chuồng!”

“Mùa Đông, tội nghiệp nó, honey.”

Bà Tấm đập tay trên bàn:

“Thì ôm nó mà ngủ!”

Bà tính đứng lên lấy một ly sữa nhưng nghĩ sao lại ngồi yên. Qua khung kính trên vách đối diện bà có thể nhìn thấu lũ kiến vô hình đang làm bứt rứt lòng ông chồng già. Ông đứng tần ngần, tay bế con Nancy ủ trong áo kimono - một con chihuahua bé xíu xiu nhưng già nhất bầy mười hai con của ông - tay kia xoa đầu nó như người mẹ xoa đầu con trong giây phút đứt ruột đứng nơi ngưỡng cửa viện mồ côi. Bất giác bà áy náy. Chồng bà thương bầy chó như con, nhất là từ về hưu đến nay. Con Nancy dễ đã mười tuổi, răng rụng gần hết và đó là nguyên do ông cho nó một tình thương yêu đặc biệt so với những con khác. Đêm hôm ông ôm nó lên giường ngủ chung với vợ. Ông bảo ông sợ nó chết trong cô đơn. Nếu mình có với ông một bầy con, bà nghĩ bụng, thì chắc bà đâu phải ngủ chung với chó!

“Nó sẽ nằm ngoài bìa giường, honey.”

Bà lạnh lùng trước lời nằn nì nhỏ nhẹ của chồng. Bà đứng lên mở tủ lạnh. Bóng hình đứa cháu rể thô lậu, nóng nảy lại lướt qua trí nhớ bà. Bất giác bà đổ quạu. Tay bà chộp hộp sữa, miệng bà gắt:

“Ông đi ngủ trước đi! Ngủ trước đi!”

Ông Jim như đã quá quen tính khí của vợ, ông ôm con chó quay vào trong, lẩm bẩm:

“Nó sẽ nằm ngoài bìa giường, honey.”

 

Bà Tấm cầm ly sữa ra đứng nơi cửa sổ. Bà nhìn ra bầu trời đêm lạnh ngắt bên ngoài. Đèn sáng soi tỏ từng thân liễu, từng ngọn đào, từng tảng đá ngoài hòn non bộ, từng nấc thang dẫn xuống chân đồi. Không xa lắm, ngay dưới chân đồi kia thôi, cách một con đường ngăn chia hai khu vực tư gia và chung cư, bà có thể nhìn rõ một dãy chung cư các cửa sổ còn sáng đèn, trong có một căn mà dù đôi lần nhắm mắt mở mắt, bà vẫn không tránh được cảm giác ngọn đèn trong đó có sáng hơn, ấm hơn những căn cùng dãy rất nhiều.

 

Bà chợt buồn làm sao. Bà đặt ly sữa trên bệ cửa, chậm rãi bước tới tủ sách kéo ra quyển tự vị khá lớn. (Thường những đêm khuya buồn bà hay làm việc này.) Bà đặt nó trên bàn, rồi ngồi xuống, mở ra. Đó là một đoá hoa ép thơm khô mà ngày tháng đã nhuộm thành màu cánh gián. Bà nhìn cánh hoa một lát và thấy như mình mất trọng lực; bà bốc bay lên, bay lên mãi cho đến khi hiện tại chỉ còn là một màu trắng mờ đục, mênh mông, vô phương tì tựa.

 

Năm 65 bà Tấm ra sư phạm Vĩnh Long, được bổ về dạy tại trường nữ tiểu học Cần Thơ. Thế là hạnh phúc. Nơi đây là quê nhà. Sáng ra từ quận Bình Minh bà cỡi xe đạp ra bến bắc Hậu Giang, và chỉ nửa giờ sau đã ung dung đạp xe trong lòng thị xã thân thương đến với những đứa trẻ ngoan hiền. Với số tiền lương khiêm tốn và ít vườn tược hương hoả, bà có thể thay cha mẹ mà vì bệnh tật đã quy tiên quá sớm, nuôi hai em trai đang tuổi lớn tiếp tục ăn học. Nhưng chiến tranh thì tàn bạo. Nó làm nặng lịch sử nhưng làm hao tán thân tâm con người. Tai biến xảy ra trong một vụ cộng sản đặt mìn - mà những người cộng sản này chẳng ai khác hơn bà con cô bác xa gần của bà - khiến hai em bà tử thương.

 

Bà giận dữ với chú với bác, với họ hàng theo Mặt Trận, bán luôn thửa đất hương hoả về sống với bà dì trong căn nhà gần cầu Tham Tướng. Rồi quân đội Mỹ tràn về Cần Thơ. Tây thành mất dần nét đẹp mộc mạc và vẻ buồn xưa của nó. Quán rượu, phòng nhảy và những mặt sa đoạ tất yếu mọc nhanh như những tảng nấm trên một làn da nhiễm trùng. Bà gặp ông Jim non hai năm sau đó. Ông Jim lúc ấy là một thiếu tá cố vấn trong Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận. Ông không ở compound như các sĩ quan đồng sự. Chắc là vì chức vụ liên lạc thường xuyên với các nhóm Dân Sự Vụ QLVNCH của ông? Ông ra thuê nhà ở riêng, và nhà ông thuê không đâu khác hơn một gian riêng biệt trong căn nhà của bà dì.

 

Ông Jim là người có đời sống nghiêm chỉnh, ngăn nắp đến máy móc. Bà đoán tính đó chắc là do ảnh hưởng nhiều năm ông làm trong ngành Tiếp Liệu. Ông lại tốt bụng. Ông rất kính trọng khi biết gia đình bà là nạn nhân của cộng sản, và bà còn là một giáo chức yêu trẻ đến gần ba mươi chưa lập gia đình. Những buổi bà dẫn đám học trò nhỏ theo đoàn hướng đạo đi thám du, ông luôn gửi ké cho lũ trẻ “chút quà.” Nhưng chút quà của ông thì to lớn lắm nếu như bà là một con buôn: Năm bảy thùng nước ngọt, hàng trăm quả cam quả táo, những gói kẹo chocolate. Tất cả đều thơm tho như kết tụ hương hoa từ một thiên đường Mỹ quốc mà ngay bà cũng chỉ thấy nó trong giấc mộng.

 

Ông Jim tâm sự ông là người lớn lên trong một viện mồ côi ở miền cóng rét Wisconsin. Ra đời người ta có nơi đi phải có nơi về. Ông không có nơi về. Đó là lý do ông đang lưỡng lự quyết định xin phục vụ thêm một nhiệm kỳ tại Việt Nam khi mãn hạn vào cuối năm 67. Và bà chẳng nhớ rõ trong dịp nào ông đã trân trọng kể bà nghe thêm giấc mộng lớn nhất đời ông: Ông muốn cưới bà làm vợ.

 

“Đi ngủ chớ, honey.” Bà Tấm bàng hoàng nghe thoảng một câu nói. Bà chới với không biết mình đang ở đâu. “Nó sẽ nằm ngoài bìa giường mà, honey.” Ai nói vậy? Bà vẫn như chưa nhận ra thực tại. Bà ngơ ngác nhớ mình có vung tay vung chân chi đó. Rồi không gian lại yên ắng lúc lâu. Bà chỉ còn thấy quanh bà là một căn phòng trang trí sang trọng, toàn những bàn ghế gụ cẩn xà cừ, bộ tranh bát tiên sơn mài đen bóng, bộ ngà voi đắt tiền, tủ đựng kỷ vật của bao ngày tháng rong chơi nhiều nơi trên thế giới. Nhưng bất giác bà hiểu ra tất cả đều là tĩnh vật. Chúng không thể là những nhân chứng chia sẻ được với bà nỗi cô đơn khép kín bao tháng ngày. Bà mệt mỏi ngó quanh. Bà chỉ thấy sau lưng có mỗi cái bóng của chính mình; trong cái bóng này bà biết rõ hơn ai hết có một mái tóc trắng đã thắng xanh, có những chiếc răng đã vĩnh biệt nụ cười, có nét e ấp không bao giờ trở lại khoé mắt, có quê hương còn đó nhưng đã mất trong đời bà.

 

Bà Tấm vẫn đăm đăm nhìn đoá hoa. Nó giống một sinh vật vừa thức giấc. Nó lớn dần, lớn dần rồi tan chảy biến mặt sách thành một màu đất nâu; trên màu đất ấy có lúc bà thấy được bóng chiều chạng vạng, đom đóm lập loè, nghe tiếng ếch nhái khà ra không gian ngậy một mùi bùn. Bà tưởng như mình biến thành một bé gái năm xưa, chìm nghỉm trong màu quê hương, tiếng quê hương, mùi quê hương. Lại có lúc bà thấy trên trang sách quậy mạnh. Bà kinh ngạc nhận ra cái ao cá tra sau nhà. Rồi bà bật cười một mình, cười khanh khách, cười những cô gái Sài Gòn cuống quýt ghé quán bên đường, có đứa bé địa phương lăng xăng lít xít nắm tay, làm cái nghề không giống bất cứ nghề nào khác trên đời: “Cô Hai ơi theo em đi, theo em đi mà, tiểu cầu này sạch lắm nè!” Nhưng chẳng có cầu nào làm các cô gái thành thị yên tâm. Cô mới ngồi xuống và ngay khi những giọt đầu tiên trong lòng cô thánh thót buông rơi, bầy cá “đồ quỷ” đã vùng lên tranh hùng mù mịt.

 

Bông hoa dẫn bà đi tiếp con sông mùa nước nổi tháng bảy tháng tám. Cả rừng bông điên điển nở vàng au. Bà còn nghe mặn mòi nơi miệng mùi mắm kho ăn với bông súng, những đĩa tép xào bông điên điển ngọt ngào, những thân me keo gai góc có những trái ngọt ngọt chát chát, những trái bần chín nấu canh chua. Ôi chao những món ăn thời niên thiếu! Rồi kìa, sao mà lắm lục bình thế kia? Mùa nước rong muôn nghìn con lạch tựa lòng cá đẻ trứng, đùn lục bình như từ thiên thu cứ bất tận trôi ra sông dài, nhập làm một, nhuộm mặt sông mênh mông thành một màu xanh ngắt, chở trên lưng những đoá hoa tim tím, như bằng chứng tình yêu từ nghìn con nước gửi về biển mẹ. Trong màu xanh lam chân trời phủ trên màu chuối nõn dòng sông ấy, dòng lưu thuỷ giờ chỉ còn là sợi chỉ mỏng ngoằn ngoèo. Bà có thể nghe thấy văng vẳng từ những chiếc xuồng trôi trên dòng lưu thuỷ tiếng tơ lòng con người:

Ầu ớ ơ ơ...

Con cá đối nằm trên cối đá,

chim đa đa đậu nhánh đa đa.

Chồng gần không lấy lại lấy chồng xa,

một mai cha yếu mẹ già,

ầu ớ ơ ơ...

chén cơm đôi đũa ờ ờ... bộ kỷ trà ai dâng...

 

Tiếng đồng hồ điểm khuya. Bà Tấm tỉnh mộng. Bà khép quyển tự vị, khép thật nhẹ như sợ đoá điên điển - chút hồn nước duy nhất bà đem theo hai mươi lăm năm trước lúc vượt nửa trái đất theo chồng - mòn hao. Bà lại ra cửa sổ đứng nhìn. Ly sữa còn lạnh nhưng bà không uống. Bà ngó tiếp vào khung cửa sổ sáng đèn bên dãy chung cư dưới chân đồi. Căn chung cư ấy giờ là nơi cư trú của những giấc mộng đời bà không bao giờ có được.

 

Mười tháng trước bà đã đi đón gia đình đứa cháu gái, xuýt xoát tuổi bà, sang định cư tại Hoa Kỳ. Cháu rể bà vốn là một trung sĩ Địa Phương Quân bị cộng sản giam tù trên năm năm, do đó hai vợ chồng và bốn đứa con được sang Mỹ theo diện H.O.. Bà đã được cháu gái báo tin nhiều tháng trước. Bà lo thuê nhà, lo mua sắm sẵn đủ thứ vật dụng cho gia đình cháu; và bằng mọi giá, bà bắt luôn ông chồng phải hiểu rằng đối với bà “chúng là quê hương!”

 

Thực ra mười bảy năm qua bà đã tiếp cận khá nhiều với người đồng hương sau tai biến 30-4. Lâu lâu ông Jim chở bà từ Pasadena về chơi Little Saigon. Bà đã ăn uống qua nhiều hàng quán, đã hoà mình trong đám đông những ngày chủ nhật ấm áp đi dạo phố, đã theo dõi những bước thăng trầm của cộng đồng qua báo chí, nhưng sao lòng bà lạnh dần. Dù không ai biết bà là ai mà sao vẫn như có một lằn phấn vô hình vạch ra giữa họ với bà. Bà đi bên một ông chồng Mỹ già? Bà không tin điều đó lắm đâu. Hà cớ người qua đường vội vã thế kia phải dừng lại xem xét để biết bà là một phụ nữ đồng hương lấy Mỹ? Họ vẫn có thể lầm tưởng bà là một người Tàu, người Nhật hay Đại Hàn. Bà càng không tin họ có thiên kiến, vì khi bà có đi một mình chăng nữa, về tới nhà, chính bà vẫn thấy lằn phấn ấy chập chờn trong giấc ngủ. Bà Tấm buồn khi ngờ người đồng hương không có thứ chân tình cố xứ với nhau như bà hằng tưởng!

 

Nhưng máu mủ chắc là phải khác. Mà khác thật. Gia đình Lang - cháu bà - đã ngẩn hết ra khi bà bật khóc um sùm tại ngay phi trường. Lang vừa đặt vội cái giỏ xuống đất, giơ hai tay nói lớn “Dì Hai ơi” là bà đã rống lên khóc trước nụ cười thông cảm của ông Jim. Bà nghe như máu cháu chảy nóng qua thân bà, và ngược lại.

 

Những ngày qua bà tin bà đã làm cho gia đình cháu tất cả những gì bà có thể làm. Bà chở cả nhà đi mua sắm. Lực - cháu rể bà - có đủ đồ lớn đồ nhỏ; Lang có cà rá nhận hột xoàn năm ly, có vòng cẩm thạch; sắp nhỏ con gái đứa nào cũng tòn ten nơi cổ dây chuyền vàng, con trai đồng hồ đeo tay. Bà cho chúng thêm tiền sau khi kiếm ra việc làm cho đứa lớn, lo chuyện học hành cho những đứa bé. Ban đầu ngày nào bà cũng kéo chồng qua ăn cơm với gia đình cháu gái. Bà muốn hít thở đầy lồng ngực bầu không khí thân thương có con có cháu nhiều nhiêu tốt nhiêu. Bà xem đó như chất xúc tác mạnh nhất cho bà khơi trào ra những tiếng khóc nụ cười mà đời tha hương đã giam hãm chúng quá nhiều năm. Bà khóc muốn ra máu mắt khi Thắng - đứa cháu lớn - kể:

- “Ông cả Hương giờ nghèo mạt rệp bà Hai ơi. Ổng đạp xe đạp ôm nuôi mình ên mà hổng nổi. Lâu lâu ổng phục kích con ngoài cầu bắc á, xin mấy ngàn, biểu là mua thuốc ho lao.”

- “Í trời, ổng lao hả? Mắc cái bịnh chi ác ôn quá vậy!”

- “Ổng lao cái bụng á. Ổng đói đó bà Hai. Ổng ốm nhách như con cò ma.”

 

Bà nhớ lại dáng dấp phốp pháp, phong lưu của ông cả Hương - anh con bác con chú với ông thân sinh ra bà nhưng nhỏ tuổi hơn nhiều. Ông là người có ruộng cò bay thẳng cánh, có xe hơi tắc-xông chạy re re ngoài thị xã ngày bà mới lên mười mười hai chi đó. Những ngày giỗ kỵ thôi thì ông đãi mịt mù, đủ ba ngày đêm, đôi ba trăm thực khách nội ngoại có dư. Tết nhất ông là người lì xì cho chị em bà bảnh hơn ai hết. Bất giác bà thất kinh. Dám chừng ông cả năm nay ngoài bảy mươi chứ ít gì. Rồi bà khóc rưng rức khi liên tưởng hình ảnh một ông lão bảy mươi gù lưng đạp xe đạp ôm leo con dốc cầu Tham Tướng.

Bà hỏi cháu gái:

- “Vậy mày có hay dzìa Sóc Trăng thăm nhà ông Ba Cự hôn?”

- “Lâu lâu thôi dì.”

- “Ổng còn nuôi bò chớ?”

- “Mèng ơi nuôi ổng không xong ở đó nuôi bò.”

- “Vậy bầy bò của ổng?”

- “Nhà nước bắt vô hợp tác xã. Cách mạng mà dì Hai. Cái gì của tao là của tao, cái gì của mày là của tập thể!”

 

Bà hình dung ra gia đình ông Ba Cự. Ông giàu lắm. Ông có nhiều bò nuôi cả ở miệt Châu Đốc lẫn Sóc Trăng. Thời trước Mậu Thân ông có phần hùn với chà-và Ly nuôi bò nơi cầu Cả Đài, Cần Thơ. Tiền không là tiền chứ hèn gì. Bà còn nhớ thằng Ách con ông đi theo Mặt Trận. Bà ngờ thằng Ách có dính líu trong vụ đắp mô ở Bình Minh thời đó. Gia đình ông Ba Cự có họ xa bên má bà, nhưng hôm đưa đám hai thằng em, ông lên dự, bà đang cơn đau đớn chửi xéo chửi xiên Mặt Trận thì ông ấy can: “Bay ăn nói bộp chộp mang tội với người yêu nước đó nha!” Thế là bà nổi cơn điên. Bà la làng la nước tố cả nhà ông theo Việt cộng. Ông sợ xanh máu mặt dù mấy chú Dân Vệ đến tiếp ma chay ngồi yên. Toàn dây mơ rễ má. Nhưng ông Ba Cự vẫn sợ. Ông đặt mấy chục ngàn trên bộ ngựa, nói là tiếp bà vụ ma chay, rồi không chờ đưa đám ông chạy tuốt về Sóc Trăng. Bà đã cầm mấy chục ngàn của ông ném tưới ra sau vườn.

- “Giờ ổng được cách mạng phong chi há?”

- “Phong khỉ khô gì. Bả tức hộc máu mà chết tốt đó dì Hai. Thằng Ách thằng Kinh sau đóng sĩ quan cách mạng, đi Campuchea cũng chết ráo. Còn thằng Út ngồi tù đâu một thời gian.”

- “Sao ngồi tù?”

- “Thì nó tổ chức đường dây ăn cắp thịt bò hợp tác xã.”

- “Sao báo nói ở bển giờ không có thịt bò?”

- “Bởi vậy mới ăn cắp!”

- “Làm sao ăn cắp?”

- “Tụi nó giỏi lắm dì Hai ơi. Đêm hôm mấy đứa đem theo mớ lon sữa bò nung nóng, lén vô chuồng, gắn tưới trên đùi trên lưng lũ súc vật khốn nạn. Bò hợp tác xã mà dì Hai. Có rống quỷ thần cũng hổng thèm nghe. Rống riết rồi hết rống. Lát sau lũ chúng trở lại với mấy con dao. Xoẹt một cái, chúng phóng chạy vào bóng đêm đem theo mấy cái lon chứa biết nhiêu thịt mà kể.”

 

Bà trợn dọc con mắt nghe cháu kể chuyện quê nhà. Ông Jim ngồi đực ra. Bà dịch sơ sơ cho chồng nghe, và đôi mắt ông kinh hoàng đến chết ngắt như mắt cá linh mắc cạn.

Bà tò mò:

- “Nhưng sao thằng Út nó bị bắt?”

- “Thì lâu dần cả bầy bò rách như tổ đỉa, mình mẩy sẹo tùm lum tà la, đảng có mù đảng cũng thấy chớ!”

Chuyện người cháu rể kể còn làm bà mủi lòng hơn:

- “Dì xa quê hương lâu quá không biết là phải, chớ tui chậm chơn chút nữa dám sắp nhỏ nhà này con trai cũng đi ăn cướp mà con gái cũng đi làm đĩ ráo trọi. Trời đất thiên địa ơi, nước non chi mà dưới sông dưới biển mất cá mất tôm nhiêu thì trên đất sanh thêm trộm cướp đĩ điếm bấy nhiêu!”

- “Rồi bay làm chi sống?”

- “Tui làm chi sống hả dì Hai? Đủ, đủ nghề, chỉ chưa đi ăn cướp thôi dì. Mà già rồi sức đâu ăn cướp!”

Vợ Lực chen vào:

- “Ảnh uống rượu thần sầu đó dì. Làm nhiêu nhậu nhiêu hà.”

Bà Tấm cười đỡ hộ cháu rể:

- “Chớ bộ tía mày hồi nẳm hiền dữ ạ. Không có ổng tao sợ mấy lò rượu nếp trong Cái Tắc, Tầm Vu, Rạch Gòi chết sắp lượt dám từ thời ông Bảo Đại còn ỉa cứt su!”

 

Những câu chuyện xoay qua xoay lại chỉ có thế mà sao bà Tấm muốn nghe tới nghe lui hoài. Có điều ít lâu sau ông Jim không chịu qua chơi thường nữa. Ông ái ngại trước sự ăn ở bầy hầy của lũ con cháu bà. Nhưng bà thì ngược lại. Bà thấy sự bầy hầy này lại gần gũi với bà hơn là sự ngăn nắp sạch sẽ giống cái bệnh viện của ông chồng mấy chục năm qua.

Có lần ông Jim thầm thì nhận xét:

- “Sao ông Lực ổng nóng quá trời. Ổng la ong ỏng. Ổng không sợ ai trong nhà. Tui ngại lũ nhỏ thường bị bạo hành!”

Thế là bà Tấm nổi xung thiên. Bà mắng chồng như mưa rào tháng Năm:

- “Ông im đi, không biết gì thì im đi. Con nít Mỹ mất dạy vì không biết sợ cha kính mẹ.”

 

Bà tính nói nhiều hơn nhưng thấy mặt chồng nghệt ra lại thôi. Bà bỏ ra sau nhà ngồi buồn ủ rũ. Đứa cháu rể bà nhắc bà nhớ đến cha chú quá trời. Họ là những người đàn ông lý tưởng của bà. Họ là những Lương Sơn Bạc, những Đơn Hùng Tín của bà. Lực hắn thô như gốc cặc bần, ăn nói như nem chua Cái Răng, trợn trạo như nghẹn mít Tố Nữ, nhưng tâm hồn hắn là đất tân bồi, là con lạch, là bờ sông, Lang nó bám trên đó mà hoài hoài tươi rói như bông điên điển. Nghe hắn hét một tiếng vợ con run như cầy sấy. Bà thích lắm và thèm làm sao mình lại được là một đứa trong sắp nhỏ kia. Chúng đang len lén kéo nhau ra sau bếp chờ ông già ông ấy hả cơn giận. Còn ông Jim là đứa trẻ con, nhỏng nhẻo, thụ động. Trong gia đình ông cam phận làm đồi mà không bao giờ dám nghĩ mình cần làm núi. Có lúc bà thoáng ý nghĩ tội lỗi không rõ mình có thật thương và kính trọng ông không, nhưng bà biết chắc bà buồn; buồn vì trong đời sống cả hai xem ra đã đóng lộn vai trò của nhau, mà chiều dài thời gian trên sân khấu thì đã quá dài, không thay đổi được nữa, không bao giờ thay đổi được nữa!

 

Chuông đồng hồ điểm thêm một lần. Ngọn đèn cuối bên khu chung cư đã tắt. Bà cố hình dung lại bóng quê hương lần nữa, nhưng lần này bà chỉ thấy hình ảnh cháu gái bà đang cuộn mình nhẹ nằm xuống bên chồng - một đoá điên điển còn đủ mặn mòi gối trên một gốc cặc bần vững chắc. Bà ngửi thấy mùi tanh ngát, mênh mang; và ngửi thấy cả mùi thơm buồn đoá điên điển khô úa là bà.

 

Bà Tấm thò tay tắt đèn cái tách, nghe đâu đó trong bóng tối lời ỉ ôi kiên nhẫn: “Đi ngủ chớ, honey?” Tất cả hương vị xa xưa thốt bay biến. Bà bước vào phòng ngủ tối đen. Lồng ngực bà căng ra, tưởng như cam phận chờ đón cái mùi quen thuộc của rượu vodka, của thuốc xì gà, của pepperoni, của dưa chuột muối và của cả con Nancy đã rụng nhiều răng.

 

 

HÀ THÚC SINH

Alhambra Tết Quý Dậu 93

 

(Đỗ Thị Minh Giang sưu tầm và chuyển)

 

 

website counter