SU'U TÂ`M 15

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | SUY NGÂM~ 8 | SUY NGÂM~ 9 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | LINKS | CÂN? THÂ.N !!! | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BA`I VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | BÀI VIÊ'T 13 | BÀI VIÊ'T 14 | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

VA(N 3

cautre_silk.jpg

 

CHÓ và NGƯỜI giữa Hà Nội

 

Thưa Quý bằng hữu và Quý đồng môn QGHC,

 

Tâm Thanh là đồng môn và đồng nghiệp lâu năm của tôi tại Việt Nam,mới đây ra tập truyện thứ 3. Tôi đã đọc các tập trước ("Thiên nga giữa cõi người" và "Gỗ thức trên rừng"). Hai tập này và các tuyện khác đăng trên báo Văn,Văn Học,Thế Kỷ 21 đã nhận được nhiều phản ứng tích cực trong giới cầm bút hải ngoại. Nhưng theo tôi,tập truyện này vượt sang một khuôn khổ mới. Tuy nhiều truyện lấy chất liệu từ xã hội độc đáo Na-Uy, nơi tác giả cư ngụ từ 30 năm nay,và một phần Việt Nam, Pháp, tôi nhận thấy tác giả đề cập tới những băn khoăn lớn nhỏ trong đời sống mọi người chúng ta, nhất là số phận con người và đất nước Việt Nam.

Vì thích truyện của Tâm Thanh nên tôi nhận lãnh phần quảng cáo đến các bằng hữu và các đồng môn QGHC tại Mỹ (nơi tác giả nhờ tôi in sách) cũng như tại hải ngoại.

 

Xin mời Quý bằng hữu và Quý đồng môn thưởng thức truyện "Chó và người giữa Hà-Nội" là 1 trong 16 truyện trong tập "THIÊN HƯƠNG VỀ TRỜI" của Tâm Thanh.Nếu các Bạn muốn đọc tiếp nốt 15 truyện nữa, xin gửi chi phiếu $15.00 cho một cuốn .Tôi sẽ gửi sách theo media rate và hy vọng sách sẽ tới tay Bạn nội trong tuần.

 

Địa chỉ liên lạc :

Nguyễn Đắc Điều

4525 Saddle Mountain Court,

San Diego, Ca 92130.

 

Xin chân thành cám ơn các Bạn đã đọc truyện "Chó và người giữa Hà-Nội" của Tâm Thanh.

Nguyễn  Đắc Điều

 

 

Chó và ngưi gia Hà Ni

 

Hai đứa con gái ngồi chồm hổm trên vỉa hè quan sát đám ma giữa khu phố cổ Hà Nội. Chúng nó đếm số xích lô chở hoa để đo lường đám ma to cỡ nào.

 

Đếm tới 58 thì một con hét to (lúc đó dàn kèn tây đã gần):

“Ê! Chí Mén! Ê ê! Mày làm gì thế?” Để kéo sự chú ý, con bé đứng lên, vẫy tay rối rít một thằng bé trong đoàn xích lô chở hoa, một đứa con trai mười bốn mười lăm nhún nhảy trên bàn đạp, đôi mông lép vẹo qua vẹo lại. Thằng bé vênh váo trả lời:

“Mày mù à!” Nó chỉ vào vòng cườm đặt trên xe.

 

Biết đám ma to rồi, hai đứa con gái ngưng đếm vòng hoa, một đứa ra nhặt hai đồng tiền mã. Con bé giơ đồng tiền trước mặt một chú người lớn đứng gần, hỏi tiền gì. Chú trả lời đô-la Mỹ, và tử tế thêm:

“Chúng mày là cái giống gì mà ăn giành với quỷ ma?”

 

Ai khác nghe nói thế chắc ớn xương sống, nhưng hai con bé chẳng sợ, mỗi đứa nhét một đồng tiền giả vào túi. Chúng chờ phường kèn tây đi qua, đứng dậy, phủi đít. Lúc đó mới thấy một con cao một con thấp. Con thấp trông mặt già dặn hơn, chừng mười lăm; con cao (hơn nửa tấc là cùng) non hơn, chừng mười ba. Cả hai da bủng beo, quần áo, đầu tóc lôi thôi lếch thếch. Không có nét gì chứng tỏ chúng là hai chị em, trừ cái gầy ốm như nhau, và cử chỉ ăn khớp.

 

Chúng len lỏi vào một ngõ hẻm ở phố Hàng Ngang tới căn nhà hai tầng chiều ngang lọt lòng 1,8 mét, chiều sâu 9 mét. Bốn hộ gồm cả thảy 23 người lớn bé ở trong bốn buồng, trên hai dưới hai. Hộ ông Cát may mắn chỉ có hai người, nhưng bù lại buồng nhỏ hơn và nằm sát cầu xí chung. Bà Cát đang bắc ghế đẩu ngồi canh quần áo phơi. Một quần đùi đen đàn ông, một áo cánh xanh đàn bà và cái khăn mặt đỏ, chiếm vừa vặn khoảnh nắng trước cửa nhà. Bà canh để nắng di chuyển tới đâu, xích quần áo tới đó; và canh để khỏi bị cầm nhầm, hoặc có người chiếm vạt nắng hình thoi. Chung cư đã có chia phiên đi cầu, phiên tắm, nhưng chưa chia phiên phơi quần áo. Chị phó tiến sĩ ở tầng trên đã đề xuất ‘Kế hoạch vận dụng năng lượng mặt trời tại hẻm số 17C phố Hàng Ngang’, nhưng chưa được bốn hộ nhất trí. Điểm bất đồng chính là có hộ 2 người, hộ 7 người, không thể chia đều được.

“Chúng mày đấy à?” bà Cát hỏi. “Khớ không?”

 Con chị -  tạm gọi vậy -  chìa đồng tiền mã ra khoe. Bà dòm vào giật mình, tưởng đô-la thật. Nhưng chợt hiểu ngay là bây giờ Hà Nội đã bắt đầu in giấy trăm đô-la làm tiền mã. Bà nói:

“Ông đợi chúng mày từ sáng giờ đấy!”

 

Hai đứa chưa biết trên gác phân chia ra làm sao, nhưng ở dưới đất này, hai hộ phân cách bằng vách cạc-tông đàng hoàng và có cửa đẩy. Hộ ông bà Cát nằm phía trong, kê được một cái bàn hai ghế đẩu, một cái chạn và một cái giường sắt. Cái bàn vừa làm bếp, vừa làm bàn ăn, vừa là bàn uống trà, hút thuốc lào. Ông đang ngồi chân co chân duỗi trên cái ghế đẩu duy nhất. Mặt ông vàng như miếng thịt trâu ướp nghệ. Phớt lờ sự xuất hiện của hai đứa nhỏ trước mặt, ông từ từ vo một bi thuốc đút vào lõ điếu. Ông vừa vin cái xe điếu cong ngậm vào mồm thì con bé hết kiên nhẫn, nó chìa đồng tiền mã ra. Ông ta cầm tờ giấy, ngắm nghía lẩm bẩm:

“Dưới đấy người ta làm sớm hơn trên này.” Ông gấp tám đồng đô theo chiều dài, châm vào ngọn đèn trên bàn. “Chúng mày mang tiền này về đây, tối người ta đòi, chết tao. Vì vậy tao phải gửi lại cho người ta.”

Đốt tiền mã xong, ông mở chạn lấy hai bát cơm đưa cho hai đứa. Chờ chúng ăn xong, ông hỏi:

“Khấn xem!”

Hai đứa đồng thanh đọc bài khấn trước khi đào mả:

“Thắp cây nhang này

Lễ bày đưa tống

Giải phóng hồn ai

Trút đi áo gấm cân đai

Cõi âm áo giấy tề giai đại đồng ...”

 

Bài này chính ông bịa ra, để bọn lính đào mả của ông an tâm mà tác nghiệp, chứ ông không tin ma quỷ có thể hại một người bị bắt buộc phải làm một điều gì. Ông nói Ông Trời bắt ông đào mả thì ông phải đào, ma quỷ hay vong linh người chết không cản được. Phương chi ông đang làm một việc hợp luân thường đạo lý nhất - đó là giải phóng, giải phóng giai cấp, xây dựng thế giới bình đẳng. Ông không có cơ hội (đúng ra là nghiệp số) dắt năm châu tới đại đồng, nên đành hy sinh nhận lãnh sứ mạng giải phóng cõi âm, san bằng giai cấp dưới đấy. Đối với trẻ con ông gọi bài trên là bài khấn, nhưng trong bụng, ông gọi là đề cương.

 

Hai đứa trẻ đọc xong ‘đề cương’ không sai, không vấp. Ông gật đầu hai cái, rồi lôi từ gầm giường ra hai gói đồ nghề, giao cho chúng. Cử chỉ trịnh trọng như giao kiếm diệt thù.

 

Nghĩa địa cuối năm không trăng không sao, đen như mực. Tiếng giun dế cũng đen, nhọn hoắt. Hai đứa con gái lần mò chừng nửa tiếng đồng hồ mới tìm thấy cái mả mới lấp đất. Chúng quỳ trước mả khấn vái như ông Cát dạy. Sau đó bắt tay vào việc liền, một cách rất thành thạo. Con chị dùng mai xắn một nhát ở đầu mả.

“Cứng bỏ mẹ! Làm gì mà nện chặt thế này!” nó càu nhàu.

“Để em cuốc cho,” con em nói và cầm cuốc bổ. Nó khỏe hơn con chị. Trong khi nó cuốc, con chị gom đất vào một đống. Cả hai đứa mới đào được một cái lỗ bằng cái mâm sâu chừng gang tay đã thở phì phì.

“Mệt bỏ mẹ!” con em nói.

“Cơ mà đỡ rét,” con chị an ủi.

“Sắp Tết, phải không, chị?” con em lãng mạn ngang.

“Ừ, thành ra nó mới rét tợn.”

“Giầu như  thế mà không để ăn Tết xong hẵng chết?”

“Ông ấy không ngỏm thì mình lấy gio mà ăn Tết à!”

 

Cuối cùng hai đừa cũng đào được một cái hố đứng ngập đầu.

“Được chưa, chị?” con em hỏi, thở phì phò.

“Nhà giầu ăn nhiều to xác, chắc ra chưa lọt đâu. Mày nghỉ, để tao đào thêm tị nữa.

“Chị nghỉ để lát nữa có sức mà chui, bây giờ để em.”

 

Con em hì hục đào, con chị chuyển đất.

“Được chưa?”

“Chị xuống mà xem.”

“Chạm vào xăng chưa?”

“Nghe cồm cộp rồi.”

 

Con em bò lên, con chị đội đèn ló, nhảy xuống. Bỗng hai đứa rùng mình vì tiếng cú rúc rất gần. Chúng đào mả ăn trộm cả chục lần, không sợ gì, chỉ sợ tiếng cú kêu.

“Nghỉ tị đã. Tao bủn rủn cả tay chân rồi,” con chị nói và tắt đèn, leo lên.

 

Chúng ngồi sát vào nhau.

“Chắc chị đói chứ gì!”

 

Con chị không trả lời, lại leo xuống hố, bật đèn ló. Nó nhắm chừng và lấy cái cuốc nhà binh bắt đầu moi đất theo chiều ngang. Chỉ mươi nhát là tới quan tài. Con em nghe tiếng cộp của gỗ, bèn chuyền búa và đục xuống.

 

Đúng lúc đó có tiếng người nói xa xa và ánh đèn pin. Hai đứa chạy tới một ngôi mộ xây gần đó nấp. Chúng nghe hai giọng đàn ông:

“Đ.m. nhà hàng Sơn Lâm cho ăn cái giống gì mà cả lũ đau bụng?”

“Chắc là cái món thịt rừng làm bằng mèo chết, chứ gì?”

“Nó bảo đảm thịt nhím trăm phần trăm đấy!”

“Đéo làm gì còn nhím ở đất này. Rắn rết cũng vào nồi niêu hết rồi. Nếu còn rắn mà rắn tha cho mày ngồi ỉa như thế này à? Nó không ngoạm đứt con buồi, tao chớ kể. Hồi xưa trong nghĩa địa này rắn như rươi. Không ai dám ra đái chớ đừng nói ỉa.”

 

Hai người im lặng (chắc để thao tác cái việc mà ông cha gọi là ‘việc cần’).

 

Giọng người không rành về thịt rừng tiếp:

“Khi chiều, mụ nào ngồi cạnh mày đấy?”

“Bắt mắt rồi à? Tao làm mai cho. Trưởng tuyến Lạng Sơn đấy.”

“Vậy thì đấm thèm vào. Có làm mai cho tao mấy em của mụ thì tao chịu.”

“Hàng xuất khẩu mà mày đòi bóc tem, người ta thẻo giái mày. Mấy thằng Chệt già kỵ cái đấy nhất.”

“Ai chả biết. Nâng cấp khó gì.”

“Nâng cấp cho lỗ vốn sặc máu à? Này tao bảo: chúng mày có tiêu chuẩn riêng, đừng rớ vào hàng đã đóng dấu, vỡ lở ra chúng ông bể nồi cơm mà chúng mày cũng chết theo, lại đi biên giấy phạt ngoài đường. Nghe chửa?”

 

Anh xuất khẩu hỏi to:

“Mày sợ ma không?”

“Có lúc sợ lúc không. Có lần tao ôm xác chết mà lại không sợ. Có lần đi công tác chung với một thằng mà lại sợ.”

“Sợ cái gì? Sợ mày ăn bẩn bị nó tố?”

“Đ.m. cái mồm thối! Hồi nhỏ nghe chuyện ma tao ghê nhất chuyện ma biến thành người bạn đồng hành.”

 

Hai người tự nhiên im bặt. Tiếng côn trùng vẫn đen và sắc.

 

Trong nhà mồ, con chị ghé tai con em thì thào:

“Hai ông đang sợ nhau đó!”

Con em phì cười, con chị phải bịt mồm nó lại.

 

Chờ cho hai người đàn ông xong việc cần và đi xa, hai đứa bò ra tiếp tục tác nghiệp.

 

Bây giờ phải theo trình tự như sau: đục đầu quan tài, chỗ dễ đục nhất, rồi luồn một cái giây thừng vào cổ xác chết, kéo đầu xác ra ngoài. Phân công ngầm là con em lột quần áo, đồ tuỳ thân, cạy miệng xem có răng vàng không; con chị đội mũ lính ngụy, chui vào quan tài thu nhặt khăn tẩm liệm, gấm vóc, năm cái gối, và ngà ngọc nếu có. Công việc khó khăn nhầt là chuồi xác trở lại quan tài. Gặp trời mưa, đủn một cái thây người trần truồng xuống hố không vất vả gì; nhét trở lại vào quan tài rỗng cũng không đến nỗi, nhất là gặp người già ốm, nhỏ thó. Căng là gặp người phì nộn. Có lần hai đứa bé phải trần thân vật lộn cơ hồ suốt đêm, gần sáng mà không nhét cái xác vào quan tài được, chúng đành để xác nằm ngay dưới hố mà lấp đất lại. Chiến lợi phẩm - được gọi là ‘lòng lợn’ - giao nạp cho ông bà Cát ở một điểm hẹn, thường là trên một con thuyền. Bà Cát sẽ cho hai đứa ăn no và một ít tiền bồi dưỡng, nhiều ít tùy lợn béo gầy.

 

Nhưng lần này, đào vất vả, mà cái xác bé tí. Con chị sờ thấy cái đầu đội mũ bé bằng quả cam.

“Con lợn này là lợn con, mày ơi!” con chị nói.

“Lạ thế! Trưa nay rõ ràng đám ma người lớn đấy mà,” con em nói.

“Để tao lôi cổ nó lên xem hẵng hay.”

 

Con chị buộc giây vào cổ xác chết xong, leo lên mặt đất. Hai đứa kéo cái xác lên, nhẹ hẫng. Khi chúng mở vải liệm ra thì ra:

“Con chó!” cả hai đứa cùng kinh ngạc thét lên, quên là đang phải tuyệt đối yên lặng.

 

Tiếng cú kêu và đập cánh trên cành cây gần bên. Trên một năm trời đi đào mồ, gặp đủ sự kinh tởm nhưng chưa bao giờ chúng kinh hãi như bây giờ. Bởi vì không hẹn mà hai đứa cùng tưởng tượng là người chết với đám ma linh đình hồi sáng đã biến thành xác chó để dọa chúng. Chúng co giò chạy.

 

 Được mươi bước, con chị kéo con em lại:

“Đã không lột được gì, lại mất đồ nghề, ông Cát giết mình.”

 

Hai đứa do dự một lát, thấy mọi sự yên tĩnh, không thấy âm binh, ma quỉ hiển lộng, bèn nắm tay nhau, quay lại. Chúng lượm cuốc, xẻng, đèn ló, rồi thư thả ra khỏi nghĩa địa. Chúng nghĩ rằng ma cũng như chó, càng chạy nó càng đuổi tợn.

 

Chúng không dám lại hẻm Phố Hàng Ngang nghe chửi, mà về ‘nhà’ - một hầm cầu dưới đường xe hỏa - ôm nhau ngủ.

 

Những tiếng cãi cọ và chửi thề của bạn hàng chợ và cơn đói đánh thức hai đứa dậy. Khi vào phóng uế trong một xó kín, chúng thấy cái thùng rác, nạy ra coi có gì ăn được không, thì tình cờ thấy trong sân bếp người ta đang làm thịt chó. Chúng biết đây là đàng sau của quán thịt rừng Sơn Lâm. Hôm qua hai ông khách đau bụng đã ăn ở đây. Khách hôm nay cũng sẽ trả tiền thịt rừng để ăn thịt chó. Hai sợi dây thừng vắt trên cành mít, nơi người ta dùng để cắt tiết. Con em nhận ra một trong hai sợi dây chính là sợi dây tác nghiệp của chúng. Nhưng người nói ra lại là con chị:

“Người ta đang làm con chó ngoài nghĩa địa đấy!”

“Chị đừng nói, em nghe hãi quá!”

“Hừ! Mày hãi sự thật à?”

“Vâng... À không... Em không hãi nữa. Em chỉ hoa đầu óc, không biết đâu là chó chết, đâu là chó thịt, đâu là người.”

“Mày... Tết mày đâm lẩn thẩn!”

 

Có giọng đàn bà the thé từ trong sân bếp quát ra:

“Đéo mẹ nhãi ranh nào sáng sớm đã tới lục thùng rác còn léo nhéo gì ngoài đó. Cút ngay!”

 

Hai chị em cùng cười khanh khách như trêu chọc. Nhưng chúng vẫn chạy thật xa, vừa chạy vừa cười vô tư.

“Thôi không cười nữa, đau bụng quá.”

“Đau tự đói chứ không tự cười. ”

 

Chúng trở lại quán cà-phê hôm qua có đám ma đi qua, ngồi ngoài vỉa hè xem có ai ăn thừa thì xin. Nhưng khu này dường như không bao giờ có Việt kiều và du khách lai vãng, nên chờ mãi chẳng có ma nào để lại một mẩu bánh, cọng bún. Chúng nghe lóm được một mẩu đối thoại của hai khách ăn hàng.

“Mày biết đêm qua có sự cố không?”

“Thành phố này đêm nào chẳng có sự cố. Thức dậy mình có nghe hay không thôi.”

“Sự cố này đặc biệt  - sự cố đào mả trong nghĩa địa.”

“Chuyện xưa rồi.”

“Lần này khác, vì kẻ trộm đào nhầm mả chó.”

“Có mả chó nữa sao?”

“Mày không nhớ là thằng giám đốc Vidaico làm đám ma cho con chó của vợ nhỏ à? Con chó giống gì không biết mà khôn đáo để, biết bấm chuông báo khách. Mày biết ai thiết kế cái nút chuông cho con chó không? Thằng Tân Rỗ nhà mình đấy. Thằng Tân Rỗ kể đấy. Chó bấm chuông là thường rồi; ông chó này biết phân biệt người sang người hèn, và báo hiệu trúng phóc, giúp chủ nhà ứng xử. Chẳng may ông chó bị ung thư ...”

“Địt mẹ chó cũng biết ung thư!”

“Nín cho tao kể. Ông chó nằm trong dưỡng đường chó một tháng, tốn 250 triệu, bằng lương của 10 công nhân viên nhà nước trong một năm đấy. Nhưng ông chó cũng ngỏm. Mụ vợ khóc như cha chết mẹ chết, thằng Vidaico phải làm đám ma linh đình để ai ủi vợ.”

“Nhưng tại sao kẻ trộm lại đào mả chó?”

“Hôm qua mày không ra đây coi, có cái đám ma to lắm, rải tiền mã bằng đô-la, có vòng hoa phúng điếu của đầy đủ cơ quan Đảng và Nhà Nước. Chôn cùng nghĩa địa nhà giầu. Thằng trộm nhắm mả nọ xọ mả kia. Người thành chó, chó thành người.”

 

Hai đứa trẻ không dám tới gặp ông bà Cát, cũng không dám về hầm cầu. Chúng ra nghĩa địa, nằm ngủ trong ngôi mộ to như như cái lăng. Ai cũng biết cái lăng này là nơi yên nghỉ cuối cùng của một vị trong Trung ương Đảng. Bốn góc là mộ của bốn đại gia. Trên trăm ngôi mộ khác nhỏ hơn, nhưng không kém phần hoành tráng. Nhỏ hơn một tí, thấp hơn một tí, không phải vì gia đình không đủ sức xây cao hơn, rộng hơn, mà vì mồ mả cũng phải có đẳng cấp.

 

Trước khi ngủ, con em hỏi:

“Hôm nay Tết chưa, chị?”

“Tết phải nghe pháo chứ.”

 

Hai đứa im lặng, không muốn khơi nỗi buồn chung. Không biết chính xác ngày tháng, nhưng thấy bánh mứt bày ngoài phố, chúng biết Tết sắp đến. Thấy đêm tối bao quanh đen như mực, chúng biết Tết rất gần. Không chừng ngày mai. Không chừng hôm nay - chỉ vì nghĩa địa xa, không nghe tiếng pháo thôi.

 

Hai đứa từ quê lên, khác làng, nhưng cùng một hoàn cảnh - không có tiền đóng tiền học thêm, nên cứ phải lưu ban mãi. Lưu ban vẫn phải đóng phí trường học như thường, nên chúng đành bỏ học, trốn nhà lên Hà Nội. Con chị bị loại khỏi cuộc thi tuyển dâu Trung Quốc, vì vú lép. Con em rình húp nước phở ở hiệu phở gần chùa Quan Thánh, không đủ no. Sau gặp bà Cát ở trong chùa ra.

 

Đêm nay con chị nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Con em không có cha mẹ để mà nhớ, nhưng thèm một mái ấm.

“Mày ngủ chưa?” con chị nói.

“Chưa. Chị ngủ chưa?”

“Con điên! Ngủ sao nói! Tao không muốn đào mả nữa.”

“Em cũng thế. Nhưng lấy gì ăn?”

“Tao về quê.”

“Chị về quê bỏ em?” nó khóc òa lên.

“Nín đi! Tao sẽ đưa mày về nữa. Mình trồng lúa, trồng ngô ăn.”

“Thật nhá, chị?” nó nín khóc ngay, ôm lấy con chị.

 

Hai đứa trẻ ôm nhau, thút thít vài cái, đã chìm vào giấc ngủ yên lành.

 

 

 

 

Tâm Thanh

 

(Võ Ngô sưu tầm và chuyển)

 

 

website counter